Dù ai nói đông nói tây Thì ta cũng vững như cây giữa rừng Dù ai nói ngả nói nghiêng Thì ta cũng vững như kiềng ba chân
Đối với những người «có đức tin», thì chân lý là cái gì chắc như cục gạch. Mà đã tin rồi, thì đến chết, thì dù chết vẫn còn tin.
Dù ai nói Đông, nói Tây,
Ta đây cũng vững như cây giữa rừng.
Dù ai nói ngả, nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân!.
Thế nhưng đối với những hạng «ăn không, ngồi rồi» như các triết gia, thì chân lý lại xổng như hoãng, lẩn như trạch. Mỗi chỗ, mỗi đạo, Chân lý lại đeo một mặt nạ hóa trang mới. Pontius Pilatus, trong cuộc chạm trán với Chân Lý, với đấng tự xưng: «Ta là Đường, là Sự Sống, là Chân Lý.» (John, 14:6), lại dám ngạo nghễ đặt vấn đề: «Chân lý là gì?» (John,18:38) Lạ lùng thay câu hỏi này đã chẳng được Hiện thân Chân Lý trả lời. Tuy nhiên Ngài cũng cho biết trong một trường hợp khác rằng: «Chân lý sẽ làm cho chúng ta được tự do.» (John 8,32). Nữ sĩ Tùng Long, trong một cuộc đàm đạo với tôi, đã nói: «Có nhiều điều ở xa, tưởng là chân lý; đến gần xem, lại thấy không còn là chân lý nữa.» Câu nói này làm tôi suy tư rất nhiều. Thực vậy, có điều thì vùng này cho là «chân», vùng kia lại cho là «ngụy»; thời này cho là chân, thời khác lại cho là ngụy. Pascal đã phải nói: «Bên này dãy núi Pyrénées là chân, bên kia lại cho là ngụy.» Có điều Tây cho là Chân; Đông lại cho là Ngụy, v.v... Nhân loại xưa nay cứ như vậy mãi mãi, cứ luôn luôn «sư bảo sư phải; vãi nói vãi hay.» Khẩu chiến không đủ, lại bút chiến; bút chiến chưa hả, quay sang chém giết lẫn nhau, không phải là một vài giờ, mà là trải nhiều năm tháng. Công giáo đã so gươm với Hồi giáo trải qua năm cuộc thánh chiến (1096–1099; 1147–1149; 1189–1192; 1202–1204; 1216–1217); so gươm với Tin Lành cũng khoảng mấy chục năm. Mãi đến thỏa ước Augsburg (1555), đôi bên mới chấp nhận thế da beo, qui thành những vùng Công giáo riêng, và Tin Lành riêng.