Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 40


Chương 40
Một món quà

Cứ mỗi lần thu tới là y như rằng lại khởi đầu những câu chuyện bàn qua bàn lại về cái sự trong thiên nhiên có nhiều điều sắp đặt chẳng hợp ý con người. Mùa đông thì dài lê thê, hè lại quá ngắn so với đông, còn thu thì vụt cái đã mất, để lại ấn tượng một con chim vàng óng vừa lướt qua ngoài cửa sổ.

Thằng bé Vania Maliavin, mười lăm tuổi, cháu người gác rừng, thích nghe những câu chuyện của chúng tôi. Nó thường bỏ trạm gác của ông nó (trạm nằm bên hồ Urgienkô), vào làng chơi với chúng tôi và khi thì mang cho một bị nấm trắng, khi thì một túi nham lê. Cũng có khi nó chỉ đến suông: rẽ qua chơi, hóng chuyện và đọc tạp chí “Vòng quanh thế giới”.



Những tờ tạp chí dày đã được đóng lại thành từng tập vứt vương vãi trong kho bên những bơi chèo, những đèn bão và một đõ ong lưu cữu sơn phẩm màu có pha hồ và lòng trắng trứng. Cây gỗ đã long đi từng mảng màu lớn và gỗ dưới lớp sơn bốc lên mùi sáp lâu ngày.

Một hôm Vania đem đến cho chúng tôi một cây bạch dương con đào cả rễ. Thằng bé đã lấy rêu ướt đắp lên rễ cây và lấy một mảnh chiếu gai cuộn lại.

Cháu biếu các bác đấy! - Nó nói và đỏ ửng mặt - Quà của cháu. Các bác hãy trồng nó vào một cái thùng gỗ rồi đặt vào một căn phòng ấm. Nó sẽ xanh suốt mùa đông.

- Cháu đào nó lên làm gì, thằng ngợm? - Ruvim hỏi.

- Các bác vẫn chả nói là các bác tiếc mùa hè là gì. - Thằng bé trả lời - ông cháu khuyên cháu đấy. Ông cháu bảo: “mày chạy ra cánh rừng cháy năm ngoái đào lấy một cây bạch dương cho bác Rum Ixaêvich (ông lão vẫn quen gọi Ruvim như thế). Ở đấy giống bạch dương hai năm nhiều lắm, mọc rậm rịt như cỏ, không còn chỗ mà len chân nữa kia. Bác Rum bác ấy cứ tiếc mùa hè mãi. Cho bác ấy cái kỉ niệm mùa hè trong mùa đông giá buốt. Tất nhiên được nhìn cái lá xanh trong lúc ngoài sân kia tuyết rơi tối trời tối đất thì ai mà chả thú”.

- Tôi chẳng phải tiếc có mùa hè, tôi còn tiếc mùa thu hơn nhiều. - Ruvim nói và lấy tay khẽ chạm vào những chiếc lá bạch dương mảnh dẻ.

Chúng tôi lấy trong nhà chứa đồ về một cái thùng gỗ, đổ đầy đất và trồng cây bạch dương nhỏ vào đấy. Rồi chúng tôi mang thùng đặt vào căn phòng ấm nhất và sáng sủa nhất, ngay bên cửa sổ. Một ngày sau, những cành bạch dương ủ rũ nhất đã cất mình lên, cây bạch dương tươi hẳn lại và cả đến những chiếc lá của nó cũng đã bắt đầu rì rào mỗi khi có cơn gió lùa xông vào phòng và giận dữ rập mạnh cánh cửa.

Mùa thu đã dọn đến ở ngoài vườn, nhưng cây bạch dương của chúng tôi vẫn cứ xanh rờn và tươi tốt. Những cây phong đã đỏ tía, phuy danh hồng hẳn lên và giàn nho dại trên lầu bát giác trong vườn khô xác. Những cây bạch dương trong vườn đã điểm những giải lá vàng giống như những sợi tóc bạc đầu tiên của một người chưa đến tuổi già. Nhưng cây bạch dương trong phòng thì hình như ngày càng trẻ ra. Chúng tôi không nhận thấy nó có dấu hiệu gì của sự tàn úa.

Một hôm, đang đêm trời trở gió. Giá buốt mùa đông phả hơi lạnh vào những cửa kính trong nhà, làm chúng đổ mồ hôi, phủ băng bụi bên trên các mái và kêu xạo xạo dưới mỗi bước đi. Chỉ riêng những vì sao là có vẻ vui mừng đón gió đầu mùa và sáng hơn hẳn những đêm hè ấm áp. Đêm hôm đó, một tiếng động kéo dài và êm dịu đã đánh thức tôi dậy: đó là tiếng tù và mục đồng hát trông đêm tối. Bên ngoài cửa sổ, ánh bình minh mới hơi lơ xanh màu da trời.

Tôi mặc quần áo và ra vườn. Không khí hăng xè vã nước lạnh vào mặt làm tôi tỉnh ngay tức khắc. Bình minh cháy đỏ. Một màn sương mù đỏ thắm giống như khói từ một đám cháy đã thay thế màu da trời ở đằng đông. Sương cứ rạng dần, mỗi lúc một trong hơn, qua nó ta đã trông thấy những xứ sở xa xôi mềm mại của những đám mây vàng và hồng tươi.

Trời không có gió nhưng lá trong vườn cứ rụng theo nhau. Những cây bạch dương qua đêm ấy đã vàng đến tận ngọn và từ trên đó, những chiếc lá tới tấp rụng xuống như một trận mưa mau buồn thảm.

Tôi quay vào nhà; không khí trong nhà ấm và làm ta buồn ngủ. Cây bạch dương bé bỏng trong thùng gỗ đứng trong ánh bình minh nhợt nhạt và bất thần tôi nhận thấy chỉ qua một đêm ấy nó đã úa hết và mấy chiếc lá vàng da chanh đã nằm dưới sàn.

Không khí ấm áp trong phòng không cứu nổi cây bạch dương. Một ngày sau nó đã trút hết lá, như thể nó muốn theo kịp các bạn lớn tuổi của nó vừa trút hết là trong các khu rừng lạnh lẽo lớn và nhỏ, trên những cánh rừng thu bao la và ẩm ướt.

Vania, Ruvim, và cả bọn tôi đều buồn. Chúng tôi đã quen nghĩ rằng trong những ngày đông tuyết phủ cây bạch dương của chúng tôi sẽ cứ xanh tươi trong các phòng có ánh nắng trắng và ngọn lửa vui tươi đỏ thắm của các lò sưởi chiếu ánh sáng. Kỷ niệm cuối cùng của mùa hè đã mất.

Khi chúng tôi kể lại cho một người quen làm nghề kiểm lâm nghe ý định muốn cứu sống những chiếc lá bạch dương xanh của chúng tôi thì ông ta tủm tỉm cười.

- Đó là một định luật - Ông ta nói - Định luật của tự nhiên. Nếu như cây cối không giũ sạch lá vào mùa đông, chúng sẽ chết vì nhiều lẽ: Vì sức nặng của tuyết đọng mỗi ngày một dày trên lá và làm gãy cả những cành lớn nhất, vì cứ đến mùa thu trong lá cây lại tích tụ nhiều muối độc đối với cây và sau hết, nếu giữa mùa đông lá cây vẫn tiếp tục nhả hơi nước trong khi đất đóng băng lại, không cung cấp nước cho rễ, thì cây không thể nào tránh khỏi chết khát giữa mùa đông.

Còn lão Đmitri, biệt hiệu là “Mười phần tăm”(1) sau khi biết chuyện cây bạch dương thì lại giải thích theo cách của lão.

- Này chú - Lão nói với Ruvim - Chú cứ sống cho đến lúc già bằng lão rồi hãy cãi lại lão. Kẻo chú thì cứ cãi chày cãi cối, mà óc chú thì còn lâu mới sáng ra được. Bọn lão có tuổi suy nghĩ nó ngon hơn các chú nhiều. Bọn lão không bận bịu công kia việc nọ, thành thử mới rảnh rang xem ở đời cái nọ liên quan đến cái kia thế nào và giải thích nó ra làm sao. Nói ví thử cây bạch dương kia. Chú đừng có đem chuyện lão kiểm lâm ra nói với lão, lão biết thừa là hắn sẽ nói gì. Hắn là một tay ranh ma quỷ quái, hắn trước kia ở Matxcơva, người ta nói hắn nấu ăn trên dòng điện. Cái đó có thể có được hay không?

- Có thể chứ - Ruvim trả lời.

- Có thể, có thể! - Lão nhại Ruvim - Thế chú đã nhìn thấy dòng điện bao giờ chưa? Chú nhìn thấy nó thế quái nào được khi nó cũng như khí trời, không có hình có dạng? Chú nghe tôi nói đây về cây bạch dương. Chú bảo người ta với người ta có tình có nghĩa không? Có thì có đấy. Nhưng con người ta tự cao ______________________________

1. Ông lão nói ngọng.

tự đại lắm kia. Cứ tưởng đâu như chỉ có mình mình mới có tình bạn, vênh vênh vang vang với muôn vật. Chú phải biết rằng ở quanh ta tình bạn chỗ nào cũng có hết đấy. Con bò đánh bạn với con bò, chim mai hoa kết bạn với chim mai hoa. Con sếu đực bị giết là con sếu cái khắc còm cõi, khóc lóc khôn nguôi, vơ vơ vẩn vẩn. Cỏ cây hẳn đôi khi cũng phải có tình bạn chứ. Cây bạch dương của chú không trút lá sao được khi tất cả bạn bè nó ngoài rừng đã trút hết lá. Đến mùa xuân nó sẽ nhìn mặt bạn bè như thế nào đây, ăn nói ra làm sao đây, trong khi các bạn chịu khổ chịu sở suốt mùa đông còn nó thì sưởi ấm bên lò, ở nơi ấm áp, lại còn nào no nào sạch? Nó cũng phải có lương tâm chứ?

- Ấy là cụ suy ra vậy đấy thôi - Ruvim nói - Nói chuyện với cụ khó mà đồng ý với nhau được.

Lão cười hì hì:

- Yếu thế rồi hả? - Lão hỏi xỏ - Hàng rồi chứ? Đừng cãi tôi, chú ạ. Vô ích.

Ông lão ra về, khua gậy lọc cọc, rất hả hê, tin chắc rằng trong cuộc tranh luận ấy lão đã thắng tất cả bọn chúng tôi và cùng với chúng tôi, cả ông bạn kiểm lâm của chúng tôi nữa.

Chúng tôi mang cây bạch dương ra trồng ngoài vườn, bên hàng rào, còn những chiếc lá vàng của nó thì lượm lại và ép giữa những trang tạp chí “Vòng quanh thế giới”.

Ý định giữ lại một kỷ vật của mùa hè trong mùa đông của chúng tôi đến đó chấm dứt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87046


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận