Bồng Bềnh Thiên Sứ Truyện 13


Truyện 13
Những chiếc lông cò

Đến thị xã Trà Vinh lúc nhập nhoạng tối. Cơm nước xong, từ khách sạn Thanh Trà, Chiến cùng vợ và hai con thả bộ dọc theo con phố mờ mờ ánh điện với nhiều hiệu buôn còn mở cửa. Đi mới được một quãng, thằng con tám tuổi của Chiến không chịu bước. Nó ôm chân cha: “Con mỏi!”. Thoa, vợ Chiến, người đàn bà có chút nhan sắc, ăn mặc hợp thời, lên tiếng: “Chiều con đi, anh!” Chiến khòm dài lưng trước thằng con hay ăn chóng ngủ được cả nhà tặng biệt danh Gấu Trúc: “Ba cõng, chịu không?” Đứa con gái chớm tuổi dậy thì, mặt mày tươi tắn khi được cả nhà trìu mến gọi là Bạch Tuyết đưa mắt nhìn trước ngó sau, lật bật chạy theo níu áo cha: “Đi kiểu này, kỳ quá, mình kêu taxi, ba!”. Xốc thằng con trên lưng, Chiến nói:”Đi bộ thư giãn một chút, con gái!”. Bạch Tuyết xụ mặt: “Ba chọn điểm du lịch gì mà buồn hiu!”. Con bé cằn nhằn và miễn cưỡng bước theo cha. Chân chưa kịp mỏi, Chiến và vợ con đã đến bùng binh chợ.

Gọi là bùng binh bởi cái không gian khoáng đạt, không dù, không bạt. Quanh những chiếc bàn thâm thấp, thiên hạ

 

khề khà ly cụng ly với lủ khủ đồ nhắm. Mùi cá nướng trui, mùi lẩu mắm, mùi cháo lòng, mùi hành phi...thơm nức, mời mọc. Khu chợ chộn rộn trong yên tĩnh. Cái chộn rộn của thú vui tự thưởng sau một ngày tất tả, nhọc nhằn. Chiến bước chậm, đợi Thoa theo kịp, khẽ níu tay vợ: “Hay...mình chọn một chỗ ngồi?”. Vợ Chiến đưa tay nhón nhéo chiếc váy mềm rũ, lườm chồng: “Ngồi ở cái chợ chồm hổm này à?”. Bạch Tuyết cũng xen vào: “Đúng là...tối kiến của ba!”. Nói rồi nó cúi xuống, chụm bàn tay vỗ một cái bép vào bắp chân trần: “Muỗi, ba mẹ ơi!”. Chiến đành chiều vợ con, gọi một chiếc xe lôi máy chạy tà tà theo những con đường nhựa loanh quanh khắp phố thị. “Chạy nhanh nữa, chú ơi!”, Bạch Tuyết, Gấu Trúc giục người chạy xe. Mặt mũi chúng sáng bừng. Xe lôi tăng tốc, rấn lên. Chúng nhấp nhổng trên băng ghế. Chúng giang tay đón gió. Gió quất ràn rạt vào mặt mũi áo quần. Tóc rối bời bời, chúng hò hét và cười vang. Gấu Trúc và Bạch Tuyết yêu cầu cho xe được chạy thêm vòng nữa, vòng nữa, rồi vòng nữa cho đến khi chúng ngước nhìn bầu trời và í ới chỉ trỏ những chấm xanh đã bắt đầu nhấp nháy. Chiến cũng đưa tay chỉ lên dải ngân hà rải rác những vì sao, thì thầm như nối tiếp câu chuyện ly kỳ còn bỏ dở: “Đó là nơi dừng chân của những thiên thần đã mỏi cánh!”. Bạch Tuyết chen vào: “Nhưng mình chưa mỏi mà, ba?”. Chiến cười to: “Ờ, chưa mỏi thì đi tiếp, đi cho đến lúc thiên thần ngủ gục!”.

 Sớm hôm sau, chiếc xe 15 chỗ ngồi đưa gia đình Chiến cùng đoàn du khách chạy chầm chậm theo con đường rợp bóng cây của thị xã để ra ngoại vi thăm thú một vài di tích, thắng cảnh của Trà Vinh. Lúc đến ao Bà Om, Thoa và cô con gái xuýt xoa thích thú trước hàng cây cổ thụ và làn sương lãng đãng trên mặt hồ. Bờ đất, vệ cỏ, hàng cây xanh, mặt hồ yên ả, những cánh bướm mong manh rập rờn... tạo một không gian đẹp như mơ. Bạch Tuyết hớn hở chỉ những bông súng trắng bừng nở trên mặt nước trong veo: "Hái cho con một bông được hôn ba?". Chiến nói: “Coi vậy chớ nước sâu lắm!”. Con bé không chịu rời mắt khỏi những bông súng. Ở cái tuổi muốn được làm người lớn, Bạch Tuyết đang tập tành chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Nó thuyết phục cha: “Ao này con vừa nghe chú hướng dẫn đoàn đi nói là Bà Om đã đào lâu lắm rồi mà, ba?”. Chiến bày kế rút lui: “Lâu thì lâu nhưng ba nghe nói người cầm vá đào đất đều là đàn bà con gái và là những cô gái đồng trinh xinh đẹp như nàng tiên chân đất nên cái ao trở thành một cái giếng tinh khiết, đàn ông đàn ang chạm chân xuống nước là không tài gì lên được”. Bạch Tuyết vênh mặt, cong môi: “Thôi mà ba, đừng hù con; chuyện cổ tích con nghe ba kể thường có hậu lắm mà!”. Làm ra vẻ giận dỗi, nó dậm chân thình thịch rồi thùng thẩy chạy đến chỗ mẹ và em.

Thoa đưa bàn tay thon thon có ngón đeo nhẫn kim cương lóng lánh dưới nắng, ngoắt Chiến lại. Chị nhờ chồng đặt đứa con trai ngồi trên một thân cây uốn cong nằm vắt qua một thân cây khác. Hai thân cây nâng đỡ nhau, cách mặt đất chừng một thước và qua sự gọt giũa của thời gian đã thành một tác phẩm điêu khắc lạ mắt, hiếm hoi. Thoa mở ví, soi vào gương, chải lại tóc, thoa thêm son, đánh thêm phấn hồng. Ba mẹ con Thoa lăng xăng líu ríu yêu cầu Chiến chụp một lô hình. Nhìn vợ con rạng rỡ, Chiến vui lây. Anh lên phim, nhờ một người bạn đồng hành cầm máy rồi kéo Gấu Trúc rời bỏ chảng cây có dáng dấp hình cánh cung. Chiến đặt thằng con trai lên vai, đứng chen vào giữa vợ và con gái rồi đếm: “Ba, hai, một...”

Rời ao BàOmgia đình Chiến theo đoàn người đến một ngôi chùa. Cổng vào chùa sừng sững, thâm u khiến Chiến có cảm giác mình đang đặt chân đến một nơi nào đó thật huyền bí. Tuy nhiên, cảm giác hồi hộp kéo dài không được được bao lâu. Cái hang không đủ tối và cũng không đủ độ sâu để có thể gợi thêm tưởng tượng. Vừa bước qua vòm cổng phủ dày một lớp rêu, Chiến có cảm giác mình đã bước một bước thật dài. Thoắt một cái, Chiến và vợ con như đã sang một không gian khác, một thế giới khác.

Ngôi chùa, cảnh chùa hiện ra trong yên tĩnh. Quấn quýt mùi hương thơm dịu của hoa, của trái chín và ấm trầm của nhang khói. Theo đoàn người vào chùa thắp hương, Chiến nắm tay hai con đứng lựng khựng trước bàn thờ Phật, chờ Thoa nhét hết nắm tiền lẻ vào hòm công đức rồi lại đợi vợ chậm rãi mồi nhang chia cho từng thành viên trong gia đình.

Lúc chắp tay trước tượng Phật, Chiến giật mình trước một cái nhìn thật quen. Ánh mắt ấy không chỉ nhìn từ chính điện. Ánh mắt Bồ tát từ bức tượng đồng đặt bên trái cũng chăm chú nhìn Chiến. Cái nhìn như soi rọi, như xoáy vào tâm can. Anh không sao cưỡng được cái cảm giác có ngọn lửa luồn vào sống lưng. Ngọn lửa ấy rùng rùng chạy khắp châu thân. Chiến hết toát mồ hôi lại thấy ớn lạnh. Vừa ớn lạnh vừa hoa mắt. Anh buông tay Bạch Tuyết, cố bước mấy bước về chỗ Thoa đứng, định hỏi vợ chai dầu gió. Nhưng khi đến gần vợ, cổ họng Chiến như tắc nghẹn. Lựng bựng một hồi, Chiến cũng không sao mở miệng được. Nhìn Thoa khấn nguyện, Chiến lại thấy hình ảnh Hoài.

Hoài cúi đầu thấp hơn, đôi bàn tay gầy khép trước ngực, đôi mắt nhòa lệ khi nghe Chiến thề: “Xin Đức Phật chứng giám, suốt đời con chỉ yêu thương người con gái đang đứng cạnh con!”. Hoài nhắc lại lời nguyện số phận ấy không biết bao nhiêu lần.

Hoài cũng đã lặp lại câu đó khi cô vượt hơn một ngàn cây số, ngồi trên những chuyến xe, chuyến đò chật như chèn mắm khiến đôi chân sưng vù, để tìm một kẻ chạy trốn. Chiều ấy, khi nghe báo có một người phụ nữ đến lâm trường tìm, linh cảm mách với Chiến là Hoài. Chỉ có Hoài mới có thể lặn lội đến tận nơi khỉ ho cò gáy này để tìm Chiến. Chỉ có Hoài mới buộc lời nguyền một cách quyết liệt như thế. Thay vì chạy ra đón người yêu, Chiến lại tuồn ra cửa hậu chạy như có ma đuổi. Chiến chạy về phía cánh rừng bạt ngàn, nơi lác đác những gốc cây còn âm ỉ cháy dù những đám cháy đã được khống chế. Bị sặc khói, Chiến ôm ngực, khuỵu xuống, ho sặc sụa. Ho đến giàn giụa nước mắt. Dứt cơn ho, lảo đảo đứng lên, Chiến thấy Hoài bên cạnh. Chiếc bóng câm lặng của Hoài và của cây tràm cụt đọt đè lên chiếc bóng dềnh dàng của Chiến. Trong nắng chiều sắp tắt, vàng hực lên ở bìa rừng, hai chiếc bóng chênh vênh, run rẩy trong ngọn gió tháng Ba. Một lúc sau, Chiến mở lời, rời rạc, hụp hưởi như kẻ bơi đuối sức. "Em có khỏe? Đã lâu rồi... sao em biết anh ở đây?" Nhìn gương mặt lem luốc và dáng dấp khổ sở của người mình yêu, Hoài lập bập nói không thành lời. Cô bật khóc. Khóc nghẹn ngào. Vừa khóc, cô vừa nói: “Anh có thành Tarzan em cũng tìm thấy, chưa lúc nào anh rời xa em, anh luôn ở chỗ này này!” Hoài vỗ vào ngực mình. Chiến mủi lòng. Chưa ai yêu thương anh đến như vậy. Cũng chưa có ai chịu khổ chịu sở vì anh đến như vậy, ngay cả người rứt ruột đẻ ra anh. Chiến nắm tay Hoài. Bàn tay anh chạm bầu ngực căng mẩy, phập phồng. Hoài ấp bàn tay Chiến vào bầu ngực đang thổn thức, giữ chặt. Như một thân cây tróc gốc, Chiến gắng gượng và ngã đổ. Anh lụp chụp bấu víu rồi ghì siết Hoài trong vòng tay: "Anh đã không giữ nổi lời thề, anh là một thằng hèn...”. Hoài bịt miệng Chiến: “Đừng nói gì hết, em chỉ cần gặp được anh! Em chỉ có mỗi mình anh!”. Mặt đất phập phồng dưới chân như lún xuống. Ráng chiều nhuộm tím rừng tràm. Cả hai chẳng nghe, chẳng thấy gì cả, ngoài hơi thở và nhịp tim đập vội. Chiến hấp tấp lần mở hàng cúc áo mong manh...

“Khói cay quá, ba ơi, mình trở ra đi!” Bạch Tuyết vừa gọi cha vừa dụi mắt. Chiến cũng dụi mắt, lắc đầu mấy cái cố xua những hình ảnh còn lem nhem nước mắt, bụi khói và ráng chiều. Anh vội hỏi con gái: “Mẹ với em đâu?” Bạch Tuyết kéo tay cha trở ra cửa: “Mình ra trước đi ba! Mẹ còn dắt em đi lòng vòng để thắp hết bó nhang”.

Vào bất kỳ ngôi chùa nào, Thoa cũng nấn ná thật lâu. Chị thành tâm lễ bái, khấn nguyện và còn len lỏi vào những góc tối mờ mờ để thắp đốm lửa cho dãy lọ tro hài cốt được xếp dọc xếp ngang, đông đúc mà lạnh lẽo. Ra khỏi chùa, Thoa thở một hơi dài: “Em thấy như nhẹ người!” Chiến siết tay vợ, trêu: “Chắc em trút được ít nhiều tội lỗi?” Thoa chợt thoát khỏi cái cõi mông lung ám ảnh, nói: “Làm người có ai không vướng tội, có điều tội nào thì được tha thứ còn tội nào thì quăng xuống vạc dầu”. Chiến nhìn vào mắt vợ: “Theo em, tội nào đáng quăng vào vạc dầu?” Thoa nhướng đuôi mắt lá răm lên: Tội lừa dối!”. “Mình đợi mẹ ngoài này hả ba?”, Bạch Tuyết đột ngột cắt ngang dòng ký ức trầm mặc khói hương. Anh kéo tay con gái: “Mình đi một vòng hít thở không khí bên ngoài, đi con!”

Bên trái sân chùa có một lối mòn. Cạnh lối mòn lác đác những căn nhà chòi lợp bằng lá chằm đốp. Những căn chòi con con, chỉ đủ chỗ cho một người ngồi và một kệ thờ nhỏ như bàn tay đủ chỗ cắm nhang và chưng hoa. Căn chòi nào cũng ngan ngát hương thơm của huệ, mẫu đơn, vạn thọ. Chỉ có vài căn bỏ trống, còn lại đều có một người đàn bà lớn tuổi ngồi. Họ ngồi lặng lẽ. Trông họ có cái gì đó thật giống nhau. Khắc khổ và bình thản. Chiến nghe nói, đó là những người đàn bà đang “đi thiếp”. Họ tin, nếu sống đức hạnh và sau một thời gian chay tịnh ở đây, chẳng những họ được gặp gỡ, trò chuyện tâm tình với những người thân yêu đã khuất mà còn không cảm thấy cô độc một khi sang thế giới bên kia. Chiến hỏi người đàn bà gầy còm, da dẻ đã trổ đồi mồi đứng tần ngần trước căn chòi đang xây dang dở: “Thưa bà, lối mòn này dẫn đi đâu?”. Như lãng tai, bà cụ nghiêng mái đầu bạc trắng về phía cha con Chiến, ngong ngóng. Chiến lặp lại câu hỏi, to hơn. Bà cụ gật gật, trả lời, giọng lơ lớ của người Khơ-me nói tiếng Việt: “Đi hết con đường này là gặp một cái ao, đi hết cái ao gặp một vườn cò”. Bạch Tuyết reo lên: “Có vườn cò nữa, đi đi ba!” Bà cụ xăng xái tự nguyện làm người dẫn đường. Đi trước, hai tay bà nắm hai bên quần kéo lên khỏi mắt cá chân, để lộ đôi gót nứt nẻ như mặt ruộng chịu hạn và đôi cườm chân đen đúa, gầy nhom của loài cò.

Chăm chú nhìn chiếc áo bà ba trắng còn hằn nếp gấp ở sống lưng, nhìn dáng đi tất tả của người đàn bà lam lũ đang âm thầm hy vọng tìm sự thanh thản ở những ngày tháng còn lại của cuộc đời; Chiến đặt chân đến bờ ao mọc um tùm lau sậy mà không để ý đến bước chân thoăn thoắt của cô con gái. Bạch Tuyết đã vượt qua cha và đang tiến vào vườn cò. Con bé khịt khịt mũi khi đánh hơi mùi lá ẩm mục và mùi hăng tanh của phân chim. Sau một hồi đưa mắt tìm kiếm trên ngọn cây và trong những lùm cây, nó sốt ruột quay lại hỏi người đàn bà đang lẽo đẽo theo sau: “Bà ơi, cò đâu con không thấy, chỉ thấy những chiếc lông của chúng?”. Quanh Bạch Tuyết rất nhiều lông cò. Từ trên cành, trên tổ, trên vòm lá, chúng bay lả tả và nhẹ tênh đáp trên lá cỏ, trên lối mòn, trên mặt đất còn vương hơi sương.

Bà cụ cũng cúi lom khom lần theo những chiếc lông rơi lại trên lối đi, trên ngọn cỏ. Bà ta chọn nhặt những chiếc lông mượt nhất, trắng nhất đưa cho Bạch Tuyết. Con bé ngắm những chiếc lông trắng muốt trên tay rồi nhìn những chiếc lông như được một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt, đang vạch một lối đi riêng biệt trên mặt đất. Nó nhíu mày, ra chiều suy nghĩ rồi nói: “Bà ơi, chắc cò mẹ cò cha sợ những đứa con lạc đường lạc tổ nên nhổ lông mình làm dấu...”. Bà cụ không trả lời, cứ điềm nhiên cúi nhặt những chiếc lông đẹp nhất, những chiếc lông vẹn nguyên như vừa được rứt ra từ máu thịt. Chiến đi tới, tay cầm một nắm bông lau trắng loa loe trước mặt con gái: “Bông lau nhiều vô kể, con thích, ba hái nữa?” Bạch Tuyết không để mắt đến chùm bông lau lòe xòe trên tay cha. Nó đưa những chiếc lông cò ra trước mắt Chiến: “Con thích cái này!” Chiến nói với con gái: “Lông cò chớ đâu phải là lông ngỗng của Mỵ Nương, con?!”. Bạch Tuyết nói chắc nịch: “Nhưng con thích!”.

 

*

*      *

 

Trong lủ khủ quà lưu niệm của chuyến du lịch miền Tây, Bạch Tuyết chọn những chiếc lông cò trắng muốt cắm vào chiếc lọ được làm bằng gáo dừa. Nó mang “lọ hoa” đặc biệt đó chạy sang phòng ngủ của cha mẹ. Thoa mặc áo ngủ mỏng dính ngồi trước bàn trang điểm, đang xoa kem dưỡng da. Chiến nửa ngồi nửa nằm trên giường xem đi xem lại để chọn ra những tấm ảnh ưng ý nhất của chuyến đi. Bạch Tuyết đặt “lọ hoa” trước mẹ: “Quà con tặng ba mẹ!”. Thoa vừa xoa da tay vừa nheo nheo đuôi mắt lá răm ngắm nghía tác phẩm của con gái. Bạch Tuyết ngồi xuống cạnh cha, bồn chồn chờ lời bình phẩm của mẹ. Thoa đậy nắp hũ Shiseido, khoan khoái hít thở một hơi rồi xoay chiếc ghế mình ngồi về phía chồng: “Anh xem, chỉ với mấy chiếc lông nhặt được và một cái gáo dừa đơn sơ, con gái mình đã biết tạo nên một ấn tượng!”. Chiến ngước nhìn. Thoa nói không sai. Đúng là một ấn tượng. Anh ngỡ ngàng trước cái màu trắng chơ vơ của những chiếc lông cò. Những chiếc lông trắng càng trắng hơn trên cái nền tôi tối của gáo dừa, của mặt bàn, của ghế ngồi, của bức rèm nhung màu mận chín và của cả cái màu nâu đen tóc vợ. Cái màu trắng chơi vơi ấy, kéo Chiến ngồi bật dậy. Anh lật đật bỏ hết mấy tấm ảnh định sẽ phóng to để treo lên tường, vào album. Chiến bị cuốn hút đến ngẩn ngơ. Trước mắt anh là cô vợ lồ lộ quyến rũ và đứa con thông minh xinh xắn. Còn trong tâm trí Chiến lại là cánh rừng, đám cháy, cơn dông và đôi cánh, những đôi cánh chấp chới, chấp chới...Tuy vậy,


anh vẫn nghe mình nói: “Con nó có khiếu thẩm mỹ nhờ giống mẹ!”.

 Chín mươi chín phần trăm sự thật nằm trong câu nói của Chiến. Thoa không chỉ có khiếu thẩm mỹ mà còn có khả năng biến đổi mọi việc, mọi điều theo ý muốn của mình. Từ một gã chạy trốn nhếch nhác lem luốc như một mẩu than hầm chưa chín bị vứt ở giữa rừng U minh, qua sức hút và sự phù phép của Thoa, mẩu than sống sít ấy trở thành một thứ gì đó sáng loáng như pha-lê. Và, khi cần, Thoa cũng có thể mài giũa, trang hoàng để mẩu than đó ánh lên những tia lóng lánh như kim cương. Sau tám tiếng làm việc tà tà ở một công sở, Chiến dành toàn tâm toàn sức cho cái gia đình sung túc của mình. Biết ơn và chịu ơn Thoa, anh sẵn sàng làm bất cứ việc gì để vợ được vui, được sướng. Nhiều lần, ngồi gật gù ngắm nghía cái giang sơn hạnh phúc của mình, Chiến ngửa cổ nốc cạn mấy ly rượu tự thưởng vì đã đảm đang xuất sắc vai trò của một ôsin; một ôsin để ria và thắt cà-vạt, một ôsin tự do uống Martenel và hút 3 số, một ôsin hiểu rõ từng tế bào nhạy cảm trên thân xác và tâm hồn của bà chủ. Như lúc này Thoa đang muốn có thứ gì đó để chúc mừng cái ý tưởng độc đáo của cô con gái rượu. Chiến bước khỏi giường, vừa quay lưng định đi xuống nhà bếp bày biện các thứ thức ăn nước uống ra thì có tiếng chuông cửa kêu. Từ phòng riêng của mình Gấu Trúc vọt ra, gọi: “Ba ơi, mở cửa!”

Chiến chạy xuống tới tầng trệt thì nghe ba tiếng chuông nữa, tiếng sau kéo dài hơn tiếng trước. Ra đến cổng, qua chắn song sắt và dưới ánh sáng của hai bóng đèn hình quả cầu đặt hai bên cổng, Chiến ngờ ngợ... một dáng dấp hình như... quen quen. Cô gái đứng rụt rè trước cổng chỉ chừng mười tám, mười chín tuổi, tóc suôn dài, mặc áo sơ-mi trắng, quần tây xanh, vai đeo túi vải. Chiến mở cửa, hỏi:”Cháu tìm ai?”. Cô gái e dè: “Cháu tìm bác...bác Lê Hữu Chiến, quê ở Hội An?”. “Tôi đây!”. Cô gái nhìn vào mắt Chiến: “Bác có còn nhớ người đàn bà tên Hoài?”. Gai lạnh như nổi khắp người, Chiến vội hỏi:”Cháu...cháu...là sao với...với...Hoài?” Cô gái cụp mắt xuống: “Cháu là con gái của mẹ Hoài!”. Cô gái nắm chặt lấy dây túi xách, môi run run, mắt đong đầy nước. Lần mở miệng túi, cô gái lấy ra một phong thư được lồng trong một túi nilon trắng, đưa cho Chiến: “Trước khi mất, mẹ con căn dặn khi nào con vào được Đại học thì tìm đến bác”. Phong thư run lên trong tay, Chiến lập bập: “Hoài...Hoài... mất...lâu chưa?”

Chưa kịp nghe câu trả lời, cũng chưa kịp gỡ phong thư ra khỏi lớp ni-lon dấp dính, Chiến nghe tiếng gọi hối thúc của Gấu Trúc từ lan can tầng ba vọng xuống: “Ba ơi, vô lẹ lên, chỉ con cái này!”. Chiến lật đật nhét phong thư vào túi quần. Anh vừa khép cửa vừa nói với cô gái: “Cháu chịu khó vô quán cà-phê bên kia đường ngồi chờ, bác sẽ quay ra ngay!”. Cô gái gật đầu, vừa đi vừa chùi nước mắt.

Dù hết sức cố gắng, nhưng sau khi giúp Gấu Trúc bước vào được thế giới Final Fantasy với bầu trời đầy sao cùng cuộc hành trình của nàng Aeris thánh thiện; tìm trong chồng đĩa CD chọn cho Bạch Tuyết đĩa nhạc có ca khúc đang cuốn hút các fan mới lớn: “Thà rằng như thế!” và tả hương vị để Thoa thòm thèm món súp rau nóng hổi được bán ở chợ đêm Bến Thành...Chiến mới được ra khỏi nhà. Anh vội vã tấp vào quán nước bên kia đường. Quán nước còn hai người khách tuổi choai choai. Cô con gái đã không còn chờ ở đó.

Tuy nhiên, lá thư Hoài vẫn còn nằm trong túi quần Chiến. Một chút hy vọng, một chút an ủi rằng, khi đọc thư, anh sẽ lần ra chỗ ở hoặc trường học của cô con gái. Chiến sẽ gặp lại giọt máu bị bỏ rơi và thực hiện những điều Hoài trăng trối. Trấn an như thế, Chiến tăng ga, chạy một mạch đến quán ăn mua súp rau cho Thoa. Lúc dẫn xe vào nhà và nghe tiếng cười nói của ba mẹ con vọng xuống, Chiến thấy bối rối: mình sẽ đọc thư Hoài lúc nào, đọc ở đâu? Chân bước lên cầu thang, đầu óc Chiến nghĩ ngay đến cái phòng tắm đầy đủ tiện nghi của vợ chồng anh. Chui vào đó, khóa trái cửa, xả nước ào ào và tha hồ...đọc. Thế nhưng, hình ảnh tội nghiệp, lén lút ấy khiến Chiến bất an. Anh thấy sợ. Sợ những con chữ nhòe nước mắt. Sợ những chiếc lông tả tơi. Sợ đôi cánh không tìm thấy tổ...Và sợ đôi mắt của linh hồn.

Mà linh hồn có trăm ngàn đôi mắt...

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86770


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận