Chờ Đợi Giọng Nói Của Em Chương 2

Chương 2
Sự nghiêm khắc

Đầu tiên, tôi muốn hỏi bạn Lý Quốc Phương rằng: “Tại sao bạn lại đi học? Hoặc nói một cách khác, mục đích của bạn khi đến trường là gì?”. Có thể bạn sẽ trả lời tôi rằng, bạn đi học là để học lên đại học. Vậy tôi xin được tiếp tục hỏi bạn rằng: “Bạn muốn học đại học để làm gì?”. Bạn sẽ trả lời tôi rằng: “Học để thành tài, để có chỗ đứng trong xã hội”. Đến đây, tôi muốn “chất vấn” bạn rằng: Đi học mới hiểu được đạo lí. Bạn hoàn toàn hiểu được đạo lí này, vậy tại sao bạn không dám đứng lên đòi lại quyền lợi chính đáng của mình? Tại sao bạn lại đi vào con đường bế tắc và không tìm được lối ra như vậy?

Đương nhiên tôi hải thừa nhận rằng, do hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều điểm chưa được hoàn thiện, quan niệm về pháp luật trong giới học sinh vẫn còn rất mơ hồ, nhưng tôi không thể hiểu được tại sao nhà trường lại có thể tự do thu tiền, tùy tiện chà đạp lên quyền lợi chính đáng của học sinh như vậy. Tôi cảm thấy thực sự đáng tiếc trước sự cam chịu và thỏa hiệp của bạn Quốc Phương!

Nhà trường không thể một tay che cả bầu trời. Trên nhà trường còn có Bộ giáo dục, thậm chí còn có nhiều cơ quan ngôn luận, tất cả những nơi này đều có thể giải đáp tất cả những vướng mắc của Quốc Phương. Tại sao bạn vẫn cứ im lặng không lên tiếng? Một học sinh mười lăm tuổi mà vẫn không biết đứng lên đòi quyền lợi của bản thân mình, không dám đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa thì cho dù sau này cậu ta có học lên đến đại học thì cũng sẽ bị loại ra khỏi các cuộc cạnh tranh trong xã hội mà thôi!

Lý Quốc Phương thân mến! Không ai tin vào những giọt nước mắt suông của bạn đâu. Chính vì thế hãy đứng dậy, đi tìm những điều luật có liên quan để đấu tranh hợp pháp vì quyền lợi của mình, của bố mẹ và các bạn học sinh khác nhé!

“MỒ CÔI” TRONG VÒNG TAY CỦA MẸ

Tiểu Quyên, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp ba

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, bố tôi là một người đẹp trai và phóng khoáng, còn mẹ là một phụ nữ xinh đẹp và dịu dàng. Tôi giống như một chú chim nhỏ được sinh ra trong tổ ấm bình yên, có một cuộc sống vô lo vô nghĩ. Vậy mà tôi đã không biết trân trọng cuộc sống đó.

Năm tôi mười hai tuổi, gia đình bỗng chốc nổi cơn giông tố. Con thuyền hạnh phúc của gia đình bỗng nhiên bị lật úp. Đó là vào một đêm tĩnh mịch và lạnh giá, tôi bị tiếng cãi cọ của bố mẹ đánh thức. Vẫn còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tôi đã thấy bố lao ra khỏi cửa còn mẹ thì bưng mặt khóc nức nở. Tôi sợ hãi vô cùng, ngơ ngác nhìn mẹ chăm chăm. Tôi có cảm giác một cơn sóng gió lớn đang ập đến. Lúc đó, tôi chỉ mong đây là một cơn ác mộng và nó không bao giờ có thật!

Kể từ hôm đó, bố tôi không quay về nhà. Dường như bố đã quên đi gia đình nhỏ bé này và cũng không nhớ rằng còn có đứa con gái là tôi nữa. Về sau tôi mới biết, bố đã chuyển đến làm cho một công ty tư nhân ở nơi khác. Bố vẫn gửi tiền về để mẹ nuôi tôi và kèm theo đó là một tờ đơn xin ly hôn. Mẹ không đồng ý ly hôn, còn bảo tôi viết thư khuyên bố quay về nhà. Tôi chán tất cả mọi thứ. Mẹ tôi suốt ngày khóc lóc và than khổ với mọi người. Mẹ tìm sự đồng cảm ở người khác để làm cái gì cơ chứ? Điều khiến tôi khó chịu nhất là suốt ngày mẹ kể xấu bố với tôi và kêu ca về nỗi ấm ức của mình. Thật sự trái tim tôi không thể chịu đựng được những điều này. Mà tại sao tôi phải chịu những điều này cơ chứ?

Cuối cùng thì bố mẹ cũng vẫn ly hôn. Tôi hận bố, cho rằng chính bố đã hủy hoại hạnh phúc gia đình mình, nhưng không muốn để cho mẹ biết những suy nghĩ này. Một hôm, bố gửi cho tôi một lá thư, đầu thư là mấy chữ: “Con gái yêu, cho bố xin lỗi!”. Trong phút chốc, nỗi hận trong lòng tôi hoàn toàn tan biến. Nhưng chỉ có thế, bố không nói gì thêm nữa vì trái tim của bố đã không còn ở bên tôi nữa rồi. Mặc dù tôi biết mình có quyền đòi hỏi sự yêu thương của bố, nhưng tôi không muốn làm như vậy, hơn nữa, tình yêu thương đâu phải là thứ ép buộc mà có được?

Hai mẹ con tôi vẫn dựa vào nhau mà sống. Thực ra, trong lòng tôi rất thương mẹ nhưng không hiểu sao cứ nhìn thấy mẹ là tôi lại cảm thấy chán nản. Hằng ngày phải chứng kiến bạn bè trong lớp ganh dua nhau tôi đã không thoải mái, về đến nhà muốn được nhẹ nhõm hơn thì lại nhìn thấy bộ mặt buồn bã của mẹ. Thế giới trong tôi sụp đổ hoàn toàn. Rồi một ngày, không thể chịu đựng thêm được nữa, trong phút nông nổi, tôi đã nói với mẹ rất nhiều câu quá đáng. Mẹ ngạc nhiên và đau đớn, bạt tai tôi một cái rất mạnh. Tôi thấy trong mắt mẹ bộc lộ rõ sự ngỡ ngàng và thất vọng.

Kể từ đó, giữa hai mẹ con tôi như có một khoảng cách vô hình. Mẹ không còn than van trước mặt tôi nữa. Ngày qua ngày, mẹ bận rộng với việc công ty rồi việc nhà cửa; thời gian rãnh rỗi, mẹ chỉ ngồi xem ti vi. Tối nào mẹ cũng xem đến hết các chương trình phát sóng, từ lúc có thời sự cho đến khi các cô chú dẫn chương trình nói “Tạm biệt!” mới thôi. Mỗi khi tôi học bài đến khuya, mẹ vẫn thường mang đồ ăn đêm vào cho tôi. Chỉ có điều, mẹ không còn hỏi han về mọi thứ xung quanh và càng không bao giờ kêu ca hay mắng mỏ tôi vứt đồ đạc linh tinh như trước nữa! Mẹ nhẹ nhàng đi vào phòng, đợi tôi ăn hết là lập tức đi ra.

Căn nhà của hai mẹ con tôi giờ trở nên vô cùng yên tĩnh, yên tĩnh đến mức nó không giống như một căn nhà nữa. Hai mẹ con tôi ai làm việc người nấy, không ai làm phiền ai. Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn nhưng không vì thế mà buồn lòng. Không biết từ lúc nào, tôi đã trở thành một đứa con gái ít nói, lạnh lùng và không thích giao lưu với bạn bè. Tôi tìm kiếm thế giới của mình trong tiểu thuyết, trong tạp chí, phí hoài tuổi thanh xuân của mình trong những đống bài vở khô khan. Tôi không biết đến những vui buồn của mẹ; mẹ cũng chẳng thể biết được tôi đã từng thầm thích không chỉ một người con trai. Tôi đã từng vì họ mà đau khổ đến rơi nước mắt khi nghe những bài hát buồn não lòng. Tôi thậm chí còn hiểu nhầm sự quan tâm của một thầy giáo trẻ, cho rằng mình đã yêu thầy, nhưng rồi tất cả những tình cảm ấy đều như những bông hoa mà Đại Ngọc[1] chôn xuống đất, dần dần bị vùi sâu vào quên lãng. Tôi sống và lớn dần trong tâm trạng cô đơn. Tôi đã không chỉ một lần có ý nghĩ muốn thay đổi mối quan hệ với mẹ, nhưng rốt cuộc tôi không có bất cứ hành động gì. Tôi dần dần trở thành một người nghĩ nhiều và làm ít.

[1] Nhân vật trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần.

Cuối cùng thì bố tôi cũng xuất hiện. Đó là lúc tôi thi hết cấp hai. Tôi thi không được tốt, bị thiếu mất hai điểm. Tâm trạng của tôi trở nên vô cùng tồi tệ chỉ vì hai điểm này. Tôi im lặng, không tâm sự với bất cứ một ai. Nhưng hình như mẹ hiểu tôi đang mong muốn điều gì, mẹ đã vứt bỏ sự tự tôn của mình để viết thư xin bố hãy quay về giúp tôi. Kết quả là bố tôi đã quay về.

Bằng một số tiền lớn, bố đã thay đổi vận mệnh của tôi, giúp tôi có thể đàng hoàng nhập học ở ngôi trường mà tôi mong ước. Đó là một ngôi trường ngoại trú, nói một cách khác là tôi sẽ phải xa nhà, xa mẹ. Đêm đã khuya, bên ngoài vô cùng yên tĩnh, tôi trở mình liên tục mà không sao ngủ được. Nhớ đến mẹ đã từng vất vả chăm sóc tôi như thế nào, và nhớ lại những hành động và lời nói tàn nhẫn của mình... tôi bắt đầu cảm thấy ân hận. Tôi rách bản thân mình đã lạnh nhạt với mẹ, cảm thấy mình không xứng đáng làm con gái của mẹ.

Trước ngày nhập trường, tôi đưa cho mẹ một lá thư. Bức thư chứa đầy hối hận của một đứa con gái đã trót lạnh nhạt với mẹ mình. Mẹ viết thư hồi âm lại cho tôi. Trong thu mẹ nói, mẹ không bao giờ oán trách, ngược lại, mẹ còn hiểu rất rõ rằng chính mẹ và bố đã làm mất đi đứa con gái ngây thơ và đáng yêu ngày nào. Thậm chí mẹ còn xin lỗi tôi và hy vọng tôi có thể trở lại là tôi của nhiều năm về trước. Mẹ còn nói, mẹ chờ ngày này đã lâu lắm rồi, rốt cuộc thì ngày ấy cũng đã đến nên mẹ vui mừng lắm. Mẹ nói, mẹ không những muốn làm mẹ mà còn mong có thể làm một người bạn thân của tôi nữa.

Kể từ đó, mối quan hệ của hai mẹ con tôi đã tốt hơn. Mặc dù vậy, giữa chúng tôi vẫn còn tồn tại một khoảng cách vô hình, tôi và mẹ không bao giờ có thể trở lại như trước đây được nữa. Chính sự chán ngán và lạnh nhạt đã giết chết mối quan hệ tốt đẹp giữa hai mẹ con tôi. Điều này sẽ làm cho tôi phải hối hận suốt cả cuộc đời. Đến bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, tình cảm gia đình thật quan trọng, cần được trân trọng và bảo vệ.

Tôi vui mừng thay cho bạn đấy, Tiểu Quyên ạ! Không gì làm cho con người hạnh phúc hơn khi có thể tìm lại được những tình cảm quý báu mà mình đã đánh mất. Tôi đồng ý với Tiểu Quyên rằng: Tình cảm gia đình rất cần được trân trọng và bảo vệ. Trước mặt người thân, chúng ta thường rất vô tâm, chính vì thế dễ dàng làm cho họ bị tổn thương. Nhưng việc hàn gắn nó cũng không quá khó khăn bởi vì cho dù mẹ bạn có đau khổ đến thế nào đi chăng nữa thì trong lòng mẹ vẫn tràn đầy tình yêu dành cho bạn.

Tiểu Quyên cảm thấy mình và mẹ không thể nào trở lại như trước đây được nữa, cô bé chiếc rằng mình đã sai lầm. Thực ra, cô bé không biết rằng: Dù gì thì tình cảm giữa hai mẹ con họ giờ đây cũng không thể nào giống như khi Tiểu Quyên còn nhỏ được nữa! Khi con gái đã lớn, mẹ làm sao còn có thể chăm sóc từng li từng tí như khi bạn còn nhỏ được?

Bây giờ hai mẹ con Tiểu Quyên có thể trở thành những người bạn tốt của nhau. Con gái lớn hoàn toàn có thể là một “quân sư” cho mẹ trong cuộc sống. Chính vì thế mà tôi tin rằng. Tình cảm giữa hai mẹ con Tiểu Quyên không những không xa cách mà còn có thể gắn bó hơn xưa!

KHÔNG THỂ BIẾT ƠN

Tiểu Lộ, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 11

Khi còn nhỏ, tôi ước ao mình có thể lớn thật nhanh. Nhưng giờ khi đã trưởng thành thì tôi lại thầm mong thời gian có thể quay trở lại.

Kể từ khi tôi bắt đầu học cấp hai, mẹ đã tỏ ra “quan tâm đặc biệt” đến tôi. Cả ngày mẹ không ngừng cằn nhằn, nào là: “Còn nhỏ không chịu phấn đấu thì sau này khổ cả đời”, rồi thì: “Con gái mà cứ kết bạn lung tung, không khéo lại mắc lừa đấy con ạ!” ... Ôi, tôi nghe những lời này đến chán ngấy ra rồi. Có đôi lúc do không chịu nổi nên tôi cũng cãi lại mẹ. Thế nhưng chỉ cần tôi nói một câu là y như rằng mẹ tôi lại giảng cho một tràng toàn là đạo lí và cuối cùng thì lần nào phần thắng cũng thuộc về mẹ tôi.

Lâu dần, tôi đã “luyện” thành công ngón “giả câm, giả điếc”. Mẹ nói cái gì, tôi cũng tỏ ra chăm chú lắng nghe, nhưng thực ra, những lời mẹ nói chỉ như gió thoảng qua tai. Nhưng dù gì đi nữa thì tôi vẫn cố gắng để giảm thiểu tối đa số lần bị nghe mẹ mắng. Ví dụ như, mỗi ngày, cứ tan học là tôi lại cắm đầu đi thẳng về nhà, vừa đi vừa nhìn đồng hồ. Chưa bao giờ tôi la cà dọc đường vì sợ khi về đến nhà mẹ lại hỏi này hỏi nọ là: “Con đi đâu giờ này mới về?”.

Sáng thứ Bảy hôm đó, mẹ tôi đi ra ngoài có chút việc. Tôi đang ở nhà làm bài tập thì nghe thấy có tiếng gọi mình ở bên dưới nhà vọng lên. Hóa ra đó là ba người bạn cùng lớp với tôi, hai nữ một nam. Họ nói muốn đến nhà tôi chơi. Mừng thầm trong bụng vì không có mẹ ở nhà, tôi liền mời các bạn vào nhà. Thực ra, tôi rất thích mời bạn bè đến nhà, nhưng mẹ tôi lại không thích tôi làm như vậy. Bạn bè tôi rất hay mời tôi đến nhà chơi. Bố mẹ của các bạn rất tâm lí, nhiệt tình tiếp đãi chúng tôi, còn giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Thật đáng ngưỡng mộ!

Mấy người bạn vào nhà tôi chơi đều tỏ ra rất ngạc nhiên, họ ngắm nghía mọi thứ trong nhà. Điều đó cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên họ đến nhà tôi chơi mà. Tôi cất sách vở và cùng họ xem sách trên giá sách của mình. Cậu bạn nam thích thú nghịch cái bật lửa của bố tôi. Chúng tôi hào hứng kể chuyện về các thầy cô giáo, các bạn học sinh và những tin tức “nóng hổi” xảy ra trong trường. Đang nói chuyện vui vẻ thì mẹ tôi về.

Mẹ đứng ở cửa, thấy trong nhà có người lạ thì tỏ ra rất kinh ngạc. Tất cả chúng tôi đều nhìn mẹ. Mẹ tôi cố nặn ra một nụ cười miễn cưỡng trên khuôn mặt, nụ cười ấy khiến mẹ giống như đang khóc. Không khí bỗng trở nên nặng nề, các bạn của tôi nhanh chóng tạm biệt ra về.

Các bạn vừa về, mẹ lập tức đóng cửa lại, nghiêm mặt hỏi tôi: “Mấy đứa nó là ai? Bạn học à? Cùng lớp với con à? Tên là gì? Bố mẹ làm gì? Đến tìm con có việc gì?”. Tôi dở khóc dở cười, nhưng chẳng biết làm sao, mẹ tôi là người như vậy đấy. Tôi lần lượt trả lời cho bằng hết những câu hỏi mang tính chất vấn của mẹ, thế mà mẹ vẫn không chịu bỏ qua. Tối hôm đó, mẹ còn cho “triệu tập” một “hội nghị gia đình”. Một lần nữa mẹ nhấn mạnh và yêu cầu tôi phải dồn hết tâm trí và sức lực cho học tập, không được tùy tiện giao du với bạn bè. Nói chung lại là những đạo lí cũ rích mà mẹ đã nói không biết đến bao nhiêu lần rồi, thậm chí tôi còn có thể đọc thuộc lòng những điều này nữa cơ! Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, tâm trạng rất tồi tệ. Thậm chí tôi còn nghĩ, chắc là mẹ đang muốn giày vò mình. Bố tôi trước đây không bao giờ lên tiếng, nhưng lúc đó, mẹ bắt bố phải tỏ rõ thái độ nên bố tôi cũng lập lại một tràng giang đại hải những điều mẹ vừa nói, nào là: thời buổi này xã hội rối ren, không được có ý đồ làm hại người khác, nhưng cũng không nên quá cả tin, rồi thì vân vân và vân vân. Cuối cùng, đến lượt mẹ tôi đưa ra kết luận: “Trong thời gian đi học, tuyệt đ ối không được giao du với đám con trai!”

Hôm đó lòng tôi vô cùng ấm ức, không sao học bài được. Tôi cảm thấy mình giống như một phạm nhân, không chỉ mất đi quyền tự do về hành động mà cón mất luôn cả quyền tự do trong suy nghĩ. Chỉ cần tâm trạng tôi có đôi chút khác thường (thậm chí ngay cả bản thân tôi cũng không phát hiện ra) là mẹ tôi lại bắt đầu chất vấn cho bằng được nguyên nhân. Chỉ cần tôi một lần làm bài kiểm tra không tốt là y như rằng mẹ tôi lại bắt đầu “bài diễn văn” dài vô tận.

Còn nữa, ngay từ nhỏ bố mẹ đã coi tôi như “động vật bảo vệ cấp một”. Mỗi khi nhà có khách là tôi bị bố mẹ nhắc vào trong phòng, không cho phép nói chuyện hay tiếp xúc với khách khứa. Nếu mà khách có ở lại ăn cơm thì tình cảnh của tôi đúng là thê thảm: mẹ ở trong bếp làm cơm, bố ở phòng khách tiếp khách, còn tôi một mình trong phòng với cái dạ dày cứ sôi lên ùng ục, đành phải gặm mì tôm cho đỡ đói. Lúc ăn sơm, bố mẹ không cho phép tôi ăn cùng với khách mà phải đợi đến khi khách khứa ăn xong rồi tôi mới được ngồi ăn. Tôi thật không hiểu nổi, tại sao bố mẹ luôn chê bai tôi nhát gan mà lại không chịu tạo điều kiện cho tôi có cơ hội rèn luyện để mạnh dạn hơn? Nếu như nhà có khách, tại sao bố mẹ không để cho tôi có cơ hội rót trà mời khách, không cho tôi tiếp chuyện với họ để tôi có thể mạnh dạn hơn và học hỏi được nhiều điều hơn từ họ?

Một lần khác, có một bạn nam gọi điện thoại cho tôi để hỏi bài. Mẹ tôi nhấc máy, không những không đưa điện thoại cho tôi mà còn chất vấn bạn ấy, hỏi bạn ấy tìm tôi có việc gì. Bạn ấy nói gọi điện thoại hỏi bài tôi, thế nhưng mẹ tôi không tin, còn mắng cho cậu bạn kia một trận. Tôi rất buồn, dù gì tôi cũng đã mười sáu tuổi rồi. Một đứa con gái mười sáu tuổi chẳng lẽ lại không được có một chút tự tôn nào hay sao? Sao mẹ nỡ đối xử với bạn tôi như vậy? Ở trong nhà, hai bố con tôi đều im lặng trước những lời mắng mỏ và cằn nhằn của mẹ. Về sau, nghe các bạn cùng lớp nói, cậu bạn hôm gọi điện đến nhà tôi đã nói rằng mẹ tôi là một “bà già dở hơi”. Tôi cảm thấy thực sự mất mặt và xấu hổ, chỉ muốn chui xuống đất cho xong.

Thực ra, tôi rất yêu mẹ. Tôi biết mẹ vì tôi mà vất vả nhiều. Nhưng tôi không thể biết ơn những gì mẹ đã dành cho tôi. Ngay cả khi đã khôn lớn tôi cũng tin rằng mình sẽ không thể biết ơn sự “giáo dục” nghiêm khắc quá mức này.

Cho dù tình mẹ có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa thì mẹ cũng chỉ là một “con người” bình thường mà thôi. Những người mẹ khác nhau có cách thể hiện tình cảm với con mình theo những cách khác nhau. Trên đời, có một số người mẹ có cách thể hiện tình cảm làm cho con cái thấy sợ hãi, khó tiếp nhận. Bởi thứ tình cảm này luôn kèm theo đòi hỏi, yêu cầu. Mẹ của Tiểu Lộ là một ví dụ điển hình. Mẹ Tiểu Lộ liên tục xâm phạm tự do về tinh thần của con gái. Đương nhiên bà không hề cảm nhận được những tổn thương mà bà đã gây ra cho con gái mình. Nếu như cảm nhận được thì chắc rằng mẹ cô bé đã không làm như vậy. Bởi vì xét cho cùng không có bà mẹ nào lại cố ý làm tổn thương con mình.

Trên đời này không có ai là hoàn hảo cả. Mỗi người mẹ đều ít nhiều có những nhược điểm riêng. Những người mẹ hay cằn nhằn thường là do áp lực của cuộc sống. Thực ra, mẹ Tiểu Lộ đã cố gắng hết sức vì gia đình, vì con gái. Vì thế Tiểu Lộ nên có thái độ khoan dung trước những ứng xử sai lầm của mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. Đôi khi sự “cằn nhằn” của mẹ Tiểu Lộ không phải nhằm mục đích uốn nắn hành vi cho con gái, mà chỉ đơn thuần để trút bớt những bực dọc ở trong lòng mà thôi. Những lúc này Tiểu Lộ chỉ cần lắng nghe. Cho dù có bị nói oan đi chăng nữa thì đó cũng là mẹ mình, có thiệt gì đâu cơ chứ? Chúng ta thường xuyên phải chịu ấm ức trước người ngoài, vậy tái sao không thể cười xòa, bỏ qua tất cả cho mẹ của mình cơ chứ?

Nguồn: truyen8.mobi/t69586-cho-doi-giong-noi-cua-em-chuong-2.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận