Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 33


Truyện ngắn 33
Hoa cho anh

Không biết là lần thứ bao nhiêu, chị chủ quán ngáo ngơ nhìn ra đường phố, như cố tìm trong dòng người tấp nập chiều ba mươi Tết một khuôn mặt thân quen. Mà không, chị không thân với người ấy, cũng không quen lắm khuôn mặt anh ta. Khách quen nhà hàng, mấy khi nhà hàng quen khách. Nhưng chẳng biết duyên cớ nào chị vẫn tin chiều nay thể nào anh cũng đến. Cũng như lần đầu anh đến quán chị, chọn mua hai mươi nhăm bông hồng bạch. Thường người ta mua chẵn mười bông, hai mươi bông. Đằng này lại mua lẻ, hai mươi nhăm bông. Chị cười, nhìn anh chọn hoa, dịu dàng nói:

 - Anh lấy cả hai bó hai mươi bông về cắm cho đẹp. Chứ lấy thêm năm bông... còn lẻ bó em bán cho ai!

Nhưng lại nghe giọng anh nhỏ nhẹ:

- Chị thông cảm. Tôi có việc chỉ cần chừng ấy thôi.

Giọng chị pha chút tinh nghịch:

- Cắm hoa lẻ xúi quẩy đấy, anh ạ!

Anh nhìn chị cười:

- Tôi thì lại yêu con số ấy.

 Rồi như sợ chị chủ quán nhầm lẫn, anh nhắc lại:

- Chị cứ gói cho tôi hai mươi nhăm bông hồng bạch. Nhưng tôi trả tiền chị cả ba chục bông là được, chứ gì.

- Anh mua bao nhiêu tôi lấy tiền ngần ấy thôi.

Rồi chị chủ quán vừa gói hoa vừa thầm nghĩ, người đâu mà kỹ tính, cả trong nói năng cũng dè dặt, kỹ càng đến từng lời. Chị vừa bó

 

hoa, vừa ngước nhanh cặp mắt đen ánh nhìn xoáy vào anh. Một người đàn ông dễ chừng cũng trạc tuổi chị, mới ngoài ba mươi chứ mấy, nhưng trông cứng cỏi như người tuổi đã tứ tuần. Bộ quần áo màu tím than đính hai cái hình mỏ neo trên ve áo, làm chị bỗng thấy nao nao cõi lòng. Nhưng chị kịp nén, lặng lẽ cúi xuống quấn tờ báo vào bó hoa, lấy sợi dây buộc cẩn thận, đưa cho anh. Lại đến chiều ba mươi Tết năm ngoái. Anh đi chiếc xe Dream cũ kỹ, hình như từ phía doanh trại hải quân dọc đường Trần Hưng Đạo đi ra. Cả một dãy quán gần chục hàng hoa, không dừng lại hàng nào, lại dừng xe đúng chỗ hàng của chị. Vẫn chỉ hỏi mua hai mươi nhăm bông hồng bạch. Chị nói năm nay rét nhiều, hồng không nở đúng dịp Tết, nên hiếm hoa, lại đắt nữa đấy. Những tám mươi nghìn một chục cơ, nhưng anh khách quen em lấy bảy nhăm thôi. Anh không mặc cả nửa câu, giục chị gói cho hai mươi nhăm bông. Nhưng lúc trả tiền lại đưa đủ số tiền ba chục bông. Vậy là chị mang máng nhớ ra. Đúng anh, người mua hoa chiều ba mươi Tết năm trước. Phải rồi. Vẫn bộ quần áo hải quân như mới mặc lần đầu, còn nguyên nếp gấp, đôi quân hàm có mỏ neo đính trên ve áo. Dáng người cao cao, nhưng năm nay trông gầy và nước da ngăm đen hơn, còn giọng nói vẫn ồm ồm, đúng người miền biển nên cũng dễ nhận. Chị mỉm cười thay lời chào:

- Anh lại vẫn mua hai mươi nhăm bông hồng bạch chứ ạ?

Biết chị chủ quán nhận ra mình, anh cười:

- Chị thông cảm. Tôi có việc chỉ mua chừng ấy thôi.

Nhưng lần này chị chủ quán hoa có vẻ cảm thông thật sự:

- Không sao. Nhưng hôm nay em muốn anh quá bộ vào quán em uống chén nước!

Nhưng khách vội bảo: "Cảm ơn chị, tôi có việc vội". Nhưng chị chủ quán vẫn nài nỉ: "Năm hết Tết đến ai chả vội. Hay anh chê quán em chật chội. Chật nhà nhưng rộng lòng, anh ạ!". Nói thế ai nỡ chối từ. Anh treo mũ bảo hiểm lên tay xe, rồi vào quán, tự tay kéo chiếc ghế đẩu cạnh chỗ mấy cái xô đựng hoa ra ngồi. Chị mở giành tích, rót nước ra chiếc chén con, đưa tận tay mời, anh uống chén nước cho ấm bụng. Chờ anh uống xong chén nước, chị mới cất giọng dịu dàng, nói như chắt ra từng tiếng:

- Con số hai mươi nhăm chắc có nhiều kỷ niệm với anh lắm nhỉ? Mấy Tết nay em đều thấy anh ra mua đúng ngần ấy bông, lại toàn hồng bạch. Hay anh có bạn gái tên là Hồng à?

Nghe chị hỏi, anh hơi mỉm cười, rồi với giọng chân thành,


anh bảo:

- Không đâu, nhưng hoa này tôi để tặng một người hơn cả người thân.

Chị bán hoa hơi ngỡ ngàng: "Anh nói em không hiểu". Nhưng anh có lẽ là người đa cảm, mới nhắc tới "một người còn hơn cả người thân", nét mặt đã biến sắc, cái nhìn đã xa xăm, còn giọng nói như chậm rãi hẳn:

 - Hồng bạch là loài hoa trắng trong, tinh khiết, cũng giống tình bạn của hai chúng tôi, dẫu xa nhau nghìn trùng vẫn trong trắng,
thủy chung.

Câu nói nghe lần đầu với người khác có khi chẳng mấy để tâm, nhưng với chị chủ quán hoa thì chẳng hiểu duyên cớ gì mà mới nghe đến đấy đã không nén được xúc động, nói ngay:

 - Anh có người bạn quý hóa quá!

Nhưng dường như người khách không để ý đến giọng xúc động của chị chủ quán, cứ trôi theo dòng ký ức tự đáy lòng đang tuôn trào tưởng không bao giờ dứt:

- Anh ấy với tôi cùng đơn vị, chơi thân với nhau còn hơn những người mà, như các bà ở quê tôi hay ví, "con chấy cắn đôi" mỗi người một nửa.

Lần ấy, từ căn cứ, tàu chúng tôi được lệnh của hải đội ra hướng X. tìm kiếm chiếc tàu của ngư dân, đang đánh cá ngoài đó bất ngờ gặp trận cuồng phong mất liên lạc, chưa xác định được tình trạng tàu hiện tại ra sao. Chúng tôi nhanh chóng ra khơi. Chẳng bao lâu tàu chúng tôi đã phát hiện ra chiếc tàu cá gặp nạn. Nhưng giông gió vẫn chưa ngớt. Mưa tầm tã như giội nước. Những cơn mưa trên đất liền dù lớn đến mấy cũng chỉ thấy nước đổ ào ào, chứ không có bọt nước tung lên thành màn khói mù mịt sương giăng đến không còn nhận biết được sáng tối như ở trên mặt biển. Đã thế lại sóng. Sóng lồng lộn hết đợt này đến đợt khác như định luốt con tàu xuống đại dương. May lúc ấy mới chỉ xế chiều. Mây giăng mù mịt nhưng vẫn còn nhận biết đang là ban ngày. Lệnh của hải đội bằng mọi cách tiếp cận tàu cá trước khi trời tối. Ba chiến sĩ cùng chiếc xuồng máy được thả xuống. Nhưng sóng lớn quá, xuồng mới lao đi được vài chục mét lại phải quay lại. Trong khi đó, chiếc tàu cá chết máy, vẫn đành phó mặc sinh mạng cho những con sóng lừng lững tung lên, dập xuống. Cả tàu chúng tôi nhìn con tàu của ngư dân đang bị sóng biển như chực nhấn chìm xuống đại dương, mà không ai nói với ai được nửa lời. Người nào người nấy lòng chỉ thấy bùi ngùi thương cảm, mỗi lần nghe tiếng gọi đến khản giọng của những người trên tàu cá vọng loang trên mặt biển. Tàu chúng tôi càng tiến đến gần, thì con tàu cá lại như bị sóng đẩy ra xa, rất khó tiếp cận. Hai lần các chiến sĩ sang xuồng máy lao đi, đều phải quay lại tàu, vì sóng to quá, không thể mạo hiểm cả con xuồng như vậy. Giữa lúc đó thì anh bạn thân của tôi chạy lại chỗ thuyền trưởng, khẩn thiết xin được bơi vo sang tàu cá. Chỉ có cách ấy mới có thể dòng dây áp tàu cá vào tàu hải quân để lái dắt ra khỏi khu vực nguy hiểm. Vâng, anh ấy cũng là người miền biển. Nhà mấy đời làm nghề đánh cá. Mới mười bốn tuổi đã theo cha anh đi đánh cá bằng thuyền gỗ gắn máy ra tận ngoài Bạch Long Vĩ. Dường như đã là trai miền biển, phàm người nào cũng thạo bơi. Vâng, lính hải quân chúng tôi thì khỏi nói, bơi cũng là một sở trường. Anh ấy cũng thế, vừa xuống nước là lao đi như một kình ngư, bất chấp những con sóng lừng lững tung lên dập xuống, có lúc không còn thấy người đâu nữa. Nhưng khi anh ấy tiếp cận tàu cá, được những người trên tàu kéo lên, thì anh chỉ kịp bảo họ nhanh tay kéo dây cho tàu cá áp tàu hải quân, rồi nằm vật ra, bất tỉnh. Vâng, anh ấy là người vùng ta, nhà ở Phả Lễ, bên kia sông thôi.

 Nghe anh nói đến đấy, chị chủ quán bỗng giật thột, ngơ ngác nhìn anh như muốn hỏi, lại như giữ kẽ. Mà thực, có hỏi cũng không biết hỏi gì hơn, vì anh nói khá kỹ về trường hợp cứu ngư dân trên tàu cá của hải đội anh ấy rồi. Vả lại, dẫu trong lòng còn ngổn ngang tiếc thương, nhung nhớ và dạt dào xúc động, thì chị vẫn ghi tận đáy lòng tinh thần dũng cảm, hào hiệp của người chiến sĩ hải quân mà chị vừa được nghe anh kể. Còn anh, một khách mua hoa, lại không giống bao khách hàng chị vẫn gặp hàng ngày, anh kỹ tính, cởi mở và thật nặng nghĩa nặng tình với bạn bè, đồng đội. Ngồi ở quán hoa, nơi đô hội người qua lại, đô hội cách nói năng, cư xử giữa cái thời đồng tiền được tôn vinh hơn cả nghĩa tình, gặp một người vẫn coi trọng tình bằng hữu như anh dễ cả đời chỉ có một. Thế nên, sau cái giật thột, chị chỉ còn biết bần thần nhìn anh, nửa muốn hỏi han chuyện trò thêm nữa, nửa chẳng biết còn gì mà hỏi. Chẳng lẽ lại đi hỏi anh ấy đã có người yêu hay vợ chưa cưới, ừ, vợ chưa cưới thôi, chứ ở tuổi ấy nam giới đã mấy ai cưới vợ. Nhưng ai lại hỏi thế, nên chị chỉ bần thần nhìn anh. Thì anh đã cầm bó hoa ra xe, rồi vội vã dắt chiếc xe máy xuống lòng đường, hòa vào dòng người nhộn nhịp chiều ba mươi Tết.

 Còn chiều nay. Chị cứ bần thần ngó nghiêng ra đường phố tấp nập người qua lại, lòng khắc khoải chờ, như chờ đợi niềm hy vọng, dẫu mong manh, nhưng cũng đủ ấm lòng người phụ nữ đã ba mốt tuổi vẫn còn là con gái. Không, không chắc chị vẫn còn là con gái, vì thực tình, chị cũng yêu rất sớm, từ khi mới ở tuổi đôi mươi, chị đã yêu một anh bộ đội hải quân, ở đơn vị lính thủy đánh bộ, đóng quân gần nhà chị, rồi sau đâu như xuống tàu ra ngoài đảo nào đó. Hồi đầu thỉnh thoảng vẫn có thư về, những lá thư hừng hực ngọn lửa tình, có lần còn viết đẫy trang giấy mỏng tang bài thơ tình về biển của ông nhà thơ nào đấy, mà đến bây giờ chị vẫn còn nhớ lõm bõm mấy câu: "Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía; biển một bên và em một bên"(1). Ngày ấy chị còn ở quê với bố mẹ, nhà tiếng là làm ruộng nhưng lại có nghề đan tre mây xuất khẩu. Những ngày không ra đồng, chị cùng bà mẹ vẫn mang những sợi mây óng mượt ra ngoài hiên ngồi đan, mỗi khi nhớ anh chàng lính thủy đánh bộ đang ở ngoài đảo xa tít mù khơi nào đó, chị lại nhẩm nhẩm cái điệp khúc: "Biển một bên và em một bên", không biết đến bao lần. Nhưng được ít lâu, có đoàn địa chất về đặt mũi khoan thăm dò khí đốt ngay đầu làng chị. Không có doanh trại tập trung, những chàng trai địa chất quen ăn ở tạm bợ chia nhau vào các nhà dân trong làng. Nhà chị có ba anh ở, thì hai anh quê ở ngay bên kia sông, còn một ở xa lắm, mãi trong Nam Định. Nhưng đúng như người xưa nói: "Gần thì chẳng bén duyên cho, xa xôi cách mấy lần đò em cũng theo", chị lại mang lòng yêu anh người Nam Định. Cũng đã một hai lần cùng anh đèo nhau bằng xe đạp nhũng nhằng về tận quê anh. Nhưng giá đừng về, đừng để bố mẹ anh biết (ấy là giá thế, chứ ai lại nỡ lòng giấu cả người đẻ đứt ruột ra mình thế bao giờ), thì có khi rồi ra "để lâu cứt trâu hóa bùn", cũng xong. Đằng này anh chị lại lù lù đưa nhau về, mà chọn ngày nào về không chọn, lại chọn đúng hôm cả hai ông bà đang nhớ con trai da diết, chỉ muốn cậu con đi đâu thì đi, nhưng tìm lấy một người ngày ngày ở bên bố mẹ, ra vào thấy nhau ông bà mới yên lòng. Vậy mà cậu con lại dẫn người từ mãi ngoài Phòng, xa ngày đường gang nước về, thì bố mẹ nào bố mẹ ưng cho. Trong khi bố mẹ làm già, nhất định không cho lấy vợ xa, thì anh con trai lại nết na, ngoan ngoãn quá chừng. Đến nỗi, lúc chị giận bỏ về, bố mẹ không cho anh lấy xe đạp đèo chị ra bến ô tô, anh cũng chỉ lặng lẽ đứng tựa cửa nhìn chị cắp nón bước rảo ra ngõ, chứ không được nửa câu giữ lại, nửa bước tiễn chân. Loại đàn ông như thế không đáng để nặng lòng lấy nửa ngày, chứ đừng nói nửa tháng. Đến khi chị đi học trường Cao đẳng Sư phạm thành phố thì chẳng biết do tính nết dịu hiền, dáng người thanh cao, hay ở khuôn mặt trời phú giống như tạc từ khuôn mặt Đức mẹ Đồng trinh, mà chị lọt vào đôi tròng kính cận bốn đi- ốp của thầy giáo dạy Hóa. Suốt năm học đầu tiên ở trường Cao đẳng Sư phạm, hầu như không tuần nào chị được về nhà vào chiều thứ bảy, mà đều phải sáng chủ nhật mới lóc cóc một mình đạp xe về nhà xin bố mẹ mấy chục bạc và mươi cân gạo, rồi chiều lại lọc cọc đạp xe lên trường. Bởi tối thứ bảy, nói như thầy giáo dạy Hóa yêu chị đến mê mệt, là "tối của chúng ta", khu tập thể giáo viên mọi người về hết, thầy hẹn trò lên phòng thầy "góp gạo thổi cơm chung", như cách thầy vẫn nói mỗi khi có ai bất chợt đến gặp thầy trò đang lúi húi gì đó trong phòng. Nhưng thói đời, đi đêm lắm cũng có lần gặp ma, tối thứ bảy ấy trời mưa lất phất, mà cái trò chim chuột gặp mưa mát giời lại hay thích nhằng nhịt quấn lấy nhau như chẳng biết trời đất gì. Giữa lúc cuộc mây mưa đang diễn ra trên chiếc giường một trong phòng thầy giáo, thì bảo vệ trường xộc vào. Nhưng đến lúc lập biên bản, ông thầy dạy Hóa có thâm niên lại một mực đổ riệt cho cô trò nghèo định dùng nhan sắc moi tiền thầy, tự dẫn xác đến, chứ thầy nào thầy lại gọi trò lên phòng làm tình bao giờ. Sau cái đêm định mệnh ấy, chị bị đuổi học, cũng không còn mặt mũi nào về lại làng, dẫu làng chị ở bên kia sông, cách thành phố chỉ một cây cầu. Từ ấy chị ở với người chị gái trong thành phố, ngày đi bán hoa, đêm về lại vò võ trong căn phòng mười hai mét vuông trên gác xép nhà chị gái. Và cũng từ ấy, chị mang lòng căm ghét đàn ông, hay chính xác hơn, căm ghét thói ích kỷ, nhu nhược của những gã đàn ông không dám bước qua chính mình, dù chỉ là một lần để bao dung, cứu vớt người khác, ngay cả người cách đó chưa lâu mình còn ăn nằm với người ta. Hễ người nào có cảm tình, gần gũi, săn đón và tỏ ra chăm sóc chị hơn người khác một chút, là y như rằng chị viện mọi cớ, tìm mọi cách xa lánh. Chị như muốn lãng quên tất cả, xa lánh tất cả giới đàn ông như xa lánh căn bệnh
đại dịch.

Vậy mà chẳng hiểu duyên cớ nào, người đàn ông vận quân phục hải quân mới đến mua hoa ở quán chị có vài lần, lại vào những buổi chiều năm cùng tháng tận, lại làm chị nôn nao cõi lòng, xốn xang nhung nhớ đến vậy. Cả đến bài thơ mà từ bao năm trước chị nhớ nằm lòng, lâu nay tưởng đã tuột khỏi trí nhớ của chị, thì nay bỗng lại chồi ra thao thiết lạ lùng: "Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía; biển một bên và em một bên". Chịu, không sao cắt nghĩa nổi. Chỉ biết càng đến gần cái chiều ba mươi Tết, chị làm gì thì làm, nghĩ gì thì nghĩ, vẫn man mác nhớ đến anh, mong đợi anh đến mua hoa. Lạ thế! Chẳng lẽ từ trong sâu thẳm cõi lòng, chị đã luôn được sưởi ấm bằng ngọn lửa yêu thương ấy. Nên chiều nay lòng chị càng canh cánh đợi chờ anh. Sáng ra dọn hàng chị đã chọn hai mươi nhăm bông hồng bạch đẹp nhất, để trong thùng nước dành sẵn cho anh. Bao nhiêu người đến hỏi mua chị cũng không bán. Có người giàu sang quý phái như cô gái đi chiếc xe ga trắng muốt còn trả tới trăm nghìn đồng một chục, chị cũng vẫn bảo: "Có khách mua trả tiền rồi". Mà nào anh ấy đã đến. Hay lại bận việc đột xuất cũng nên. Nhưng năm trước đến mua hoa anh ấy chả nói, tôi mới được chuyển vùng ra ngoài này. Tuy là gần nhà, lại không bận bịu gia đình vợ con gì, nhưng vẫn muốn để hăm chín Tết mới mang hoa đến viếng mộ anh ấy, cho đúng tục lệ quê ta, năm hết Tết đến mời ông bà ông vải về sum họp với gia đình. Người đâu mà kỹ tính. Chị hỏi một câu tưởng chỉ để mà hỏi, nào ngờ câu trả lời của anh lại gieo vào lòng chị nỗi phấp phỏng khôn nguôi: "Bạn anh bao nhiêu tuổi mà lại thành "ông bà ông vải" rồi?". Anh chậm rãi bảo: "Anh ấy mất năm hai nhăm tuổi. Nên để nhớ bạn, Tết nào tôi cũng mua hăm nhăm bông hồng bạch ra mộ anh ấy. Vì đây là loại hoa mà hồi còn sống với nhau, cứ đến sinh nhật là nó phải kiếm bằng được, dù chỉ một bông, về cắm vào cái lọ con để suốt mấy ngày". Chị bỗng thấy nao nao xúc động, và bỗng nhiên, từ sâu thẳm cõi lòng trào dâng một tình cảm mới lạ rất khó diễn tả.

Còn bây giờ. Chị đang ngồi ngóng ra đường phố, bần thần nghĩ ngợi. Bỗng nghe tiếng hỏi dịu dàng, thân quen:

- Chị cho tôi mua ít hồng bạch.

Chị vội quay lại, không kịp ý tứ giữ gìn, đứng bật dậy:

- Anh! Sao anh đến muộn thế?

Hỏi xong chị mới biết mình lỡ lời. Người ta đã là gì của mình mà câu hỏi nghe ra trách móc, giận hờn làm vậy. Nhưng đã nghe
anh bảo:

- Hôm nay tôi phải trực ban.

Chị nhìn anh không giấu nụ cười tươi:

- Em vẫn dành hoa cho anh đây.

- Sao chị biết tôi đến mua hoa mà dành?

Chị không nói ngay, như thể hai người đã quen nhau từ
lâu lắm:

- Em biết thể nào anh cũng đến. Mấy năm nay, chiều hăm chín Tết nào anh chả đến quán em mua hoa. Nên hôm nay em chọn sẵn cho anh bó hoa đúng hăm nhăm bông đẹưp lắm. Đây này!

Chị vội cầm bó hoa lên, lại đặt xuống, như chỉ sợ đưa hoa cho anh, thì anh lại vội dắt xe máy xuống lòng đường như bao lần trước. Có lẽ anh cũng định thế, nên vừa thọc tay vào túi áo lấy ví tiền,
vừa hỏi:

- Bao nhiêu tiền, hả chị?

Nhưng chị đã vội nói:

- Lần này thì em không lấy tiền hoa, nhưng anh phải chấp nhận yêu cầu của em, anh đồng ý không?

Anh nhìn chị cười, bỗng đổi cách xưng hô, mà chính anh cũng dường như không biết mình đổi từ khi nào:

- Em có yêu cầu gì mà chưa nói đã bắt anh đồng ý?

Với một giọng tin yêu và cả quyết, chị nói ngay:

- Chưa nói, nhưng em biết là anh sẽ đồng ý!

Nói đến đấy, chị đưa tay lấy chiếc mũ bảo hiểm treo trên tường. Rồi một tay cầm bó hoa, một tay cầm mũ, giục anh: "Mình đi
anh nhỉ!".



1. Thơ Trần Đăng Khoa.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86048


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận