Chuyện Tình Viên Phó Sứ Chương 2


Chương 2
Trăng tròn

1

 

Vừa đến tuổi trăng tròn, tiếng hát của cái Mật đã mượt mà, tròn trịa, khi trầm ấm thiết tha, khi trong trẻo da diết... quyện vào với tiếng phách khi đục khi trong, khi khoan khi nhặt làm nhiều khách mày râu đã phải tấm tắc, xuýt xoa khen: "Giỏi, giỏi!" và nẩy tiếng trống chầu "tòm chát" giòn giã thưởng cho người ca. Cái Mật nhanh chóng được duyệt vào loại "đào chanh cốm", rồi được đổi sang một cái tên mới nghe cao sang quý giá hơn: tên Quế. Bởi vì bấy giờ trong phường hát của bà Quản đã có một cô "đào chanh cốm" nổi danh tên là Châu.

Châu là con nhà nòi, đã ba đời theo nghề hát. Bố nó là cây đàn đáy độc nhất vô nhị của phường hát Ân Thi. Mẹ nó từ ngày về nhà chồng, cũng nhanh chóng trở thành một đào nương sáng giá. Cả hai vợ chồng từng làm nổi đình nổi đám cho cả phường, tiếng tăm bay đến hàng huyện. Nhưng từ ngày bố cái Châu bị cảm mạo chết đột ngột, mẹ nó bỏ nghề, thì phường hát Ân Thi cũng tan thành bọt nước. Con bé Châu mười bốn tuổi đã được gửi tới bà Quản phường Bình Kha nuôi dạy. Nó vào nghề rất nhanh, lại chẳng mấy chốc đã biết trang điểm thành thạo. Mười sáu tuổi cái Châu đã học được cách liếc mắt đưa tình, miệng cười cắn chỉ làm duyên, có biết bao nhiêu người mê. Cũng từ đó nó được bà Quản hết mực yêu quý và cưng chiều. Bởi chính nó cũng biết chiều lòng bà, luôn ngoan ngoãn vâng lời tiếp những khách sang, đưa lại cho bà Quản những món tiền lời, tiền thưởng dễ đến bằng năm bằng mười đứa khác. Trái lại, con Quế, mười lăm tuổi đã có chút má hồng tươi tắn, lại có giọng hát hay, tiếng phách nhuyễn nhưng nó hãy còn ngốc nghếch lắm. Bà Quản đã sai cô Lan kèm cặp, dạy mãi mà con Mật vẫn không biết trang điểm. Tối nào, trước khi hát, các cô cũng phải trang điểm hộ. Bà Quản trông thấy bực mình, gườm gườm quát mắng, chì chiết:

- Trông nó chẳng ra hình tướng gì! Con gái mà cái tóc cũng không biết chải, rõ dơ chửa!

Bà ta ghét nó không biết tự lực, làm mất công mọi người. Tuy khắc nghiệt vậy, nhưng mẹ nuôi con Quế cũng còn có chút lương tâm, bà chỉ cần nó hát chứ không bắt "hầu khách". Thấy Quế đã có nhiều chàng trai để ý, bà mẹ nuôi dỗ dành:

- Bảo cho ngoan, hát cho giỏi, mai ngày đến tuổi thành niên, có đám nào xứng đáng mẹ sẽ gả cho con đi lấy chồng.

Nhưng con Quế còn ngây thơ dại dột đâu nghĩ gì đến điều đó. Song cũng vì hát mà không "tiếp khách", con Quế kiếm được ít tiền hơn các chị em, nên mẹ nuôi nó cũng chỉ sắm sanh cho nó sơ sài, quần áo rặt một loại vải rẻ tiền là đờ-mi-phin, khi hát cũng chỉ mặc áo dài phin, mỗi năm hai cái: mùa rét áo đen, mùa hè áo trắng.

 

 

2

 

Bấy giờ vào khoảng giữa năm 1938, tiết hè nóng nực, có cuộc bầu cử nghị viện. Các ứng cử viên nhộn nhịp ra tranh cử. Xóm Bình Kha tấp nập, nhà nào cũng đầy khách nghe hát, ăn cháo gà, đánh tổ tôm suốt đêm. Ở thị xã H. này vẻn vẹn có tám ông Tây. Ba ông chưa có vợ chơi thân với nhau. Ông Cẩm tính khí nóng nảy, cục cằn, ông nhà băng kín đáo thâm trầm, cả hai đều thích chơi bời, rượu chè. Còn ông Phó sứ lịch lãm, dịu dàng, hiền hòa với mọi người. Ông sống đường hoàng, nghiêm túc và hay chiều bạn, cứ một vài tháng lại làm bữa tiệc, bù khú với nhau. Mỗi lần tiệc tùng như thế, ông Phó sứ cho ông Bếp về phường hát Bình Kha đón vài cô đào đến chuốc rượu. Bà Quản Bình Kha vội vàng lựa vài cô xinh xinh theo chân bà cụ lý Đông biết chút tiếng Pháp vào hầu hạ ba ông quan Tây, mười hai giờ đêm tan tiệc thì dẫn các cô về. Ông Phó sứ chi năm mươi đồng trả cho bà Quản. Lần này, khác với mọi khi, ông Bếp về xóm Bình Kha truyền lệnh:

 

- Ông Phó sứ muốn nghe hát. Ông đòi mời những bốn đào nương và một kép đàn kia.

Chẳng may đêm ấy xóm Bình Kha đông khách nghe hát quá, bà Quản đã bố trí đào nương đi các nhà, lựa đi lựa lại, bớt lên bớt xuống cũng chỉ còn được ba cô. Bà cụ lý Đông bảo:

- Cho thêm con Mật đi!

Mẹ nuôi nó ngần ngại:

- Nó quê mùa nhếch nhác thế kia, ăn vận không nên hồn, tóc thì không biết chải mà dám đưa vào nhà ông Phó sứ ư?

Bà cụ lý Đông nằn nì:

- Lệnh đã truyền lấy bốn người, không đủ con số đâu có được. Thôi, thì bà chịu khó trang điểm cho con bé.

Bà Quản buộc lòng ưng thuận, liền gọi: "Con Quế đâu?". Đang ngồi đun nước dưới bếp, nghe thấy mẹ nuôi gọi, con Mật vội vàng dập lửa chạy lên khoanh tay chờ lệnh. Nhưng khi nghe cụ lý Đông bảo: "Cháu trang điểm để vào dinh ông Phó sứ hát" thì nó hốt hoảng, cứ đứng chôn chân xuống đất, bởi vì nó vẫn sợ Tây, nó chưa hề dám giáp mặt ông Tây hồi nào. Những khi ông Cẩm đi kiểm tra rác bẩn để phạt, mới đến đầu phố bọn trẻ đã kêu to: "Cẩm đến đấy!" để báo động cho nhau biết. Vậy là những đứa quét cửa như nó cầm chổi chạy túa ra ngoài cổng quét vội quét vàng, nhát dài nhát ngắn rồi vào nhà trốn biệt chứ đâu có dám nhìn ra. Có một lần, hồi đầu năm, ông Phó sứ cùng ông Cẩm đi đánh môn bài, một viên thư ký người Việt dẫn đường vào phường hát Bình Kha. Mới nghe các cô đào kháo nhau: "Tây đến", cái Mật đã chạy thục mạng ra bờ ao, trèo lên cây nhãn, ngồi chót vót tít trên ngọn, giấu kỹ mình đợi Tây đi rồi mới xuống. Sợ Tây như vậy, nên khi nghe cụ lý Đông bảo trang điểm để vào nhà ông Phó sứ hát, con Mật thật sự hoảng hốt chứ đâu có thấy mừng, mà hát được tiền thì mẹ nuôi nó cũng thu hết, nghĩ vậy nó cứ đứng dùng dằng, lần lữa mãi, sau mẹ nuôi phải chửi một câu tục: "Phục sinh mày! Không mặc áo dài vào còn đứng chết đấy à?", nó mới chịu đi.

Cụ lý Đông vốn tính vui vẻ xởi lởi, thân tình bảo:


"Mặc cái áo dài đẹp nhất ý, con nhé!". Con Mật buồn tình nghĩ, làm gì có cái áo đẹp nhất, lúc này đang hè thì chỉ có áo đờ-mi-phin trắng may từ lâu đã ngả màu. Bà cụ Đông nhìn thấy con Mật mặc cái áo đó thì lắc đầu bảo với mẹ nuôi nó: "Bà xem chọn cho nó một cái áo khác cho đẹp một chút!". Bà Quản gọi cô Lan ra mượn áo và trang điểm cho con bé. Lan vào nghề cũng đã lâu, lại hay tiếp khách làng chơi tao nhã nên phát tài, sắm toàn hàng đẹp, nhanh nhảu đưa cho Quế mượn cái áo dài lụa hồng. Con Quế được chị Lan chải đầu, đánh môi son và mặc áo dài hồng vào trông sáng sủa rạng rỡ hẳn. Bà cụ Đông ngắm nghía nó, lấy làm hài lòng lắm, liền bảo với bà Quản ca:

- Đấy bà coi, con bé xinh đấy chứ, chỉ là không biết trang điểm thôi.

Rồi trước khi đi, cụ còn ân cần dặn cả con Mật và mẹ nuôi nó:

- Này, phải nhớ, từ rày tên con là Quế, hết tên Mật rồi, không được gọi, không được xưng cái tên ấy nữa, nghe chửa?

 

Con Quế buông tiếng "dạ" nhè nhẹ rồi cúi đầu đi sau lưng cụ Đông, cùng bốn chị em với anh kép đàn đến dinh ông Phó sứ. Vừa đi, cụ Đông vừa cẩn thận dặn dò thêm:

- Khi vào nhà Tây, phải nhìn thẳng, không được mắt la mày lét, họ lại cho là gian giảo.

Rồi cụ gọi ba cái xe kéo, cứ hai người lên một xe. Quế ngồi với cụ, suốt dọc đường đi nó cứ tâm tâm niệm niệm mấy lời cụ vừa dạy. Khi ba cái xe kéo vừa đến trước cổng đã thấy ông Bếp chạy ra đón. Cô Mơ, cô Mận, cô Đào đã mấy lần vào hầu rượu nhà ông Phó sứ nên thông thạo, xăm xăm bước trước, còn Quế, cứ túm chặt lấy anh kép đàn, chậm rãi theo sau. Khi bốn con chó Tây to như những con bê con nhảy xổ ra sủa mừng chào đón cô Đào, cô Mận, cô Mơ thì Quế co rúm người lại, sợ chúng cắn chết, nó tưởng cũng như giống chó dữ nhà quê mỗi khi có ai bước vào cơ ngơi các ông chánh, ông lý.

Khách vào tới nhà, ba ông Tây đứng cả dậy. Cụ Đông bắt tay chào từng người và giới thiệu. Ba cô đào quen thuộc cũng vồn vã tươi cười chào lại. Chỉ có Quế, tay cầm một bộ phách và một cái trống con đứng run run nép mình sau lưng anh kép và cây đàn đáy của anh, trong lòng vẫn nhớ lời cụ Đông dặn, chỉ cúi đầu nhìn dưới chân, không dám nhìn thẳng vào mặt một ai. Nhưng chính cái dáng điệu run run e lệ của Quế, ngay từ phút đầu đã làm ông Phó sứ xao xuyến: trong đoạn đời hai mươi tám tuổi xuân của mình, đã gặp biết bao cô gái, cả Pháp và Việt, mà đã khi nào rung động như hôm nay? Đây phải chăng là người ông vẫn hằng mong đợi? Đằng sau tấm áo dài lụa hồng rộng dài quá khổ ấy, đằng sau ánh mắt đượm buồn lộ vẻ sợ sệt e ngại ấy, ông Phó sứ phát hiện thấy nàng là một cô gái thông minh, xinh đẹp. Nàng dịu dàng, nết na, thùy mị, điều mà các cô Đào, cô Mận, cô Mơ và những cô gái khác ông đã gặp không có. Người con gái thế này sao lại rơi vào chốn thanh lâu? Ông Phó sứ miên man nghĩ ngợi, lòng đầy băn khoăn. Khi bắt tay chào tất cả những người mới tới, ông để tay Quế trong tay mình giây lâu, mắt đăm đăm nhìn cô gái nhỏ đang thẹn thùng, rồi ông ân cần mời cô vào xa lông ngồi. Trong khi đợi vào bàn tiệc, các cô Mận, Đào, Mơ đang sánh vai ông Cẩm, ông Nhà băng dạo quanh bốn bức tường phòng khách, ngắm nhìn những bức tranh trang trí vẽ các thắng cảnh của nước Pháp như: Khải Hoàn Môn, Tháp Epphen, Bảo tàng Luvơrơ, nhà thờ Đức Bà... thì ông Phó sứ ngồi kín đáo ngắm Quế. Rồi tự tay rót ba tách trà nóng mời cụ Đông, anh kép đàn và cả Quế một cách lịch sự. Ông nói mấy câu tiếng Việt khá sành sỏi:

- Xin mời cụ.

- Xin mời anh.

- Xin mời cô.

Tự dưng Quế thấy mình trở thành người lớn, mình cũng được tôn trọng.

Ba cô đào và hai ông Tây đã vào phòng ăn rồi, ông Phó sứ đứng lên nghiêng đầu nhũn nhặn nói với Quế:

- Xin hân hạnh mời cô vào bàn tiệc.

Quế lưỡng lự không muốn đi, đưa mắt cầu cứu cụ Đông thì cụ bảo:

- Cứ vào, không sợ! Tao và Phước (anh kép đàn) ở đây.

Nghe lời cụ, Quế chậm rãi bước theo ông Phó sứ vào bàn ăn. Quanh bàn, cô Mơ ngồi cạnh ông Ngân hàng, cô Mận cạnh ông Cẩm, cô Đào bên tay phải ông Phó sứ, bên trái có một ghế trống, ông Phó sứ mời Quế ngồi, rồi ông hỏi cô bằng tiếng Việt Nam:

- Cô uống rượu không?

Quế chỉ bẽn lẽn xua tay, lắc đầu. Thấy Quế nhút nhát, e ngại, ông Phó không nài, không ép, cứ để mặc cô ngồi yên, chỉ thỉnh thoảng quay sang khẽ nhắc:

- Xin mời cô.

- Xin mời cô cứ tự nhiên cho.

Rồi quay ra nói đùa với cô Đào và các bạn. Song ông chỉ cười vui chứ tuyệt nhiên không hề có một cử chỉ suồng sã nào. Khi ông Nhà băng đứng lên tắt đèn, các cô đào "đàn chị" vui vẻ cười ré lên, trái lại, mặt Quế biến sắc, cô ý tứ lách mình nhẹ nhàng, lẻn ra ngoài phòng khách. Biết Quế sợ, ông Phó sứ bật đèn sáng lên rồi ra bảo cô:

- Không sợ! Không sợ!

- Xin mời cô ngồi vào xa lông.

Những cử chỉ dịu dàng, lịch sự của ông Phó như thế giúp Quế bớt sợ và yên tâm hơn.

Khoảng mười một giờ đêm tan tiệc. Ông Cẩm, ông Nhà băng chếnh choáng hơi men, khoác vai các cô đào ra phòng khách, tất cả ngồi xuống xa lông uống cà phê và nghe hát.

Một chiếc chiếu hoa đã được anh Bếp trải giữa sàn nhà. Cô Đào ngồi xuống với bộ phách, cạnh kép đàn. Phước lựa dây cây đàn đáy bật lên vài tiếng tưng tưng. Ông Phó sứ tươi cười đặt cái trống con vào tay cụ Đông, ý bảo cụ cầm chầu. Ông Cẩm say mèm, ngả mình tựa vào vai cô Mận, còn ông Ngân hàng quàng tay kéo đầu cô Mơ gần sát vào ngực mình. Khi cô Đào cất tiếng hát, ông Phó sứ ngồi xuống bên cạnh Quế, khẽ hỏi:

- Cô Đào đang hát bài gì vậy?

- Dạ, đó là bốn câu mưỡu trong bài "Đào hồng Đào tuyết" của thi sĩ Dương Khuê ạ.

- Thế còn bây giờ?

- Đó là câu "Hát nói": "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết

Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi...".

Quế trả lời rụt rè, giải thích ngắn gọn, nhưng ông Phó cứ nhắc lại từng tiếng lấy làm thích thú: tiếng nói nhỏ nhẹ, nhũn nhặn, ngọt ngào như hơi thở của Quế cũng dường như có sức quyến rũ kỳ diệu, ông Phó ngỡ mình như đã thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca trù không chỉ qua giọng hát mượt mà của người đang ca mà còn là nhờ ở chất điệu duyên dáng mặn mà trong chính từng lời cắt nghĩa nhỏ nhẹ, dịu dàng của Quế. Nghe hết câu cuối cùng của cô Đào, ông Phó sứ đứng lên vỗ tay giòn giã rồi hạ lệnh nghỉ, chuẩn bị về. Trong ba ông Tây, chỉ mỗi mình ông Phó sứ tỉnh táo tiễn khách ra tiền sảnh, đến tận bậc tam cấp. Ông đi thong thả bên cạnh Quế, luôn quay mặt nhìn sang cô. Trong cái nhìn đó, bà cụ Đông tinh ý nhận ra: ông Phó dùng dằng chưa muốn xa cô đào nhỏ dù mới tiếp xúc lần đầu. Và, anh Bếp, sau khi gọi xe kéo cho khách lên hết cũng đã bắt gặp cái nhìn của "sếp" trìu mến dõi theo chiếc xe cuối cùng (cụ Đông và Quế ngồi) cho đến khi nó khuất hẳn mới chịu quay gót trở vào.

 

 

3

 

Ông Phó sứ nằm trên giường lò xo, đệm ấm gối êm dễ đến cả tiếng đồng hồ rồi mà vẫn còn thao thức chập chờn không ngủ được. Ông đang miên man nghĩ về cô đào thơ trẻ mà ông vừa gặp tối nay: nàng thật trẻ trung, xinh xắn. Trong tâm trí ông hình ảnh nàng lại hiện lên rõ nét, từ dáng điệu thẹn thùng e lệ, đến đôi mắt nhìn thông minh, cử chỉ tế nhị và giọng nói ngọt ngào. Ông như cảm nhận thấy nàng là hiện thân của tất cả những gì tinh tế mà đất nước này đã sản sinh ra. Đột nhiên ông ngồi dậy, bật công tắc đèn rồi mở sổ tay, nắn nót ghi vào giữa trang một chữ QUE (không có dấu) thật to.

Ba hôm sau, ông Phó cho Bếp ra mời cụ Đông vào trả năm mươi đồng và ngỏ ý muốn lấy Quế. Ông nói bằng tiếng Pháp. Thoạt tiên cụ Đông nghĩ rằng ông Phó muốn hỏi cô Đào vì cô vốn là đào Khâm Thiên về, đã thạo nghề, hát hay mà trang điểm lại đẹp. Hơn nữa, ông Phó cũng đã gặp gỡ cô Đào hai lần tại nhà.

Cụ Đông sợ mình tiếng Pháp không thạo, nghe lộn, phải gọi ông Bếp lên thông ngôn. Ông Bếp dường như cũng không tin vào tai mình, phải hỏi lại chủ, thì bấy giờ ông Phó sứ liền mở cuốn sổ tay ra: sổ tay ghi rõ một chữ QUE.

 

Cụ Đông về nói với bà Quản ca phường Bình Kha:

- Này bà Quản, ông Phó muốn lấy con Quế.

Mẹ nuôi con Quế vừa dẩu môi giễu cợt vừa lạnh lùng bảo:

- Bà nghe thế nào chứ? Con đầu bù tóc rối ấy, Tây nào người ta thèm. Hừ, "chuông vàng khánh ngọc còn chẳng ăn ai, huống chi mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre"! Ông Phó sứ là quan thứ nhì trong hàng tỉnh, ít tuổi, đẹp trai, đầm non theo tơi tới. Nếu muốn lấy vợ ViệtNamthì thiếu gì cô văn hay chữ tốt, dòng dõi trâm anh chứ đâu lại lấy cô gái chốn thanh lâu, một chữ bẻ đôi không biết!

Cái Quế nghe, biết ý quan Phó sứ thì không mừng mà lo sợ bị lừa gạt. Nó vẫn nghe những câu cửa miệng đời để lại: "Lấy Tây, khi nào họ về Pháp thì họ bỏ mình", cho nên nó thầm tán thành với mẹ nuôi: từ chối. Cụ Đông thì lo lắng, sợ ông Phó lấy quyền hành làm khó dễ gì chăng, còn đang vận động mẹ nuôi con Quế thì ông Phó lại cho Bếp ra mời. Cụ Đông lật đật chạy lên nằn nì để bà Quản cho mang con Quế vào gặp quan Phó. Quế và bà cụ Đông đi xe kéo đến, vừa vào bếp được một lúc thì ông Phó ở thư viện về. Bếp ra đón bảo:

- Thưa quan lớn, bà cụ và cô vào.

Vậy là quan Phó đi luôn vào bếp, sau vài cử chỉ xã giao, ông hỏi Quế bằng tiếng Việt khá rành rọt, chỉ một câu thôi:

- Tôi muốn lấy cô, cô có bằng lòng không?

Quế run run thưa:

- Tôi không muốn, vì sợ ông bỏ. Đời tôi không muốn hai chồng.

- Tôi lấy thật chứ tôi không bỏ. Tôi chưa có vợ ở Pháp.

Quế nghe biết vậy chứ đâu dám tin. Nhưng cũng thấy động lòng vì cái vẻ lịch sự và chân thật của ông Phó cứ hiện ra trước mắt.

Hai người không biết tiếng nhau nên cũng chẳng nói được gì nhiều, chỉ nhìn nhau một lúc rồi ông Phó sứ tiễn Quế và bà cụ lý Đông về, trong lòng cứ phân vân hoài.

Những khi ngồi một mình, Quế mường tượng thấy lại hình ảnh ông Phó với những cử chỉ, dáng điệu thanh cao, tao nhã, những lời lẽ nhũn nhặn, khiêm nhường, khác hẳn với các bạn ông, và cô thấy ông Phó sứ tuy quyền cao, chức trọng mà không có gì cách biệt, không có gì đáng sợ. Quế đã thầm yêu ông. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh đời dang dở cô lại rùng mình, sợ hãi, không dám yêu, không dám tơ tưởng đến ông nữa.

Từ ngày gặp Quế, ông Phó sứ có thêm cái thú tuần một vài lần xuống xóm Bình Kha nghe hát. Bữa đó, bà Quản biết ý, bảo Quế ngâm một đoạn "Kiều" hầu ông - cái đoạn chị em Kiều đi chơi thanh minh:

"... Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha..."

rồi cô lại hát tiếp một bài ca trù (lẩy Kiều), mở đầu bằng mấy câu "hát mưỡu":

"Lạ gì thanh khí lẽ hằng

Một đời cũng đã tiếng rằng tương tri

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê

Bóng giăng đã xế hoa lê lại gần",

rồi chuyển sang "hát nói":


"Song hồ nấn ná

Giăng nửa vành đã ngậm đóa trà mi

Bởi tấm riêng riêng những nặng vì

Duyên hội ngộ chợp đi nằm bỗng thấy

Hoa cười ngọc thốt đành em đấy

Gió bắt mưa cầm rõ anh đây

Chữ tương phùng còn để có nay

Nghề thanh khí một dây là một buộc

Từng trải bể dâu qua một cuộc

Lạ cho lan cúc vẹn mười phân

Đóa hải đường chưa lả ngọn đông lân

Giọt sương nặng chúa xuân đành đã có

Ngao ngán dường kia cũng nỗi nọ

Số hoa đào chung một số long đong

Nào những ai tiếc lục tham hồng

Ai gạn đục khơi trong

Dây loan khôn chắp mối

Lá thắm cạn buông dòng

Đàn tiểu lân em đã đứt tơ lòng

Ngoài nghìn dặm chim lồng khôn cất cánh

Chàng có thấu duyên em nửa tình nửa cảnh!".

Tuy nghe bập bõm tiếng Việt, không hiểu hết lời hay ý đẹp trong những câu lẩy Kiều, nhưng chỉ nhìn vào ánh mắt long lanh của Quế, chỉ nghe giọng ngâm mượt mà và giọng hát trong trẻo của Quế, ông Phó sứ cũng như thấy được cô đã ngâm những câu thơ của Nguyễn Du một cách hết sức tinh tế. Nghe Quế hát và ngâm thơ, ông Phó lại càng xao xuyến bồi hồi, cảm mến người con gái nhỏ nết na hiền thục. Và, sau mấy lần xuống xóm Bình Kha, lần nào ông Phó cũng hỏi đi hỏi lại Quế một câu tiếng Việt bập bõm mà rất đỗi chân thành:

- Tại sao Quế không lấy tôi? Tôi không bỏ mà!

Quế vẫn nhớ lời mẹ nuôi: "Lấy Tây, lấy Tàu nó bỏ thì khổ một đời!", Quế vẫn lắc đầu từ chối tình yêu của ông Phó sứ. Cô chỉ mượn lời thơ, tiếng hát, kín đáo bộc bạch một chút nỗi niềm riêng tư của mình với người khách hát hào hoa nồng nàn có một không hai trong đời này!

Hầu như đêm nào từ nhà trò Bình Kha trở về, ông Phó sứ cũng với một vẻ mặt chán chường, ủ dột. Ông phàn nàn với Bếp: "Tại sao Quế không lấy tôi? Tôi không bỏ mà!". Bà cụ Đông nghe Bếp kể vậy lại đi nói với mẹ nuôi cái Quế, ý đồ muốn vun đắp cho hai người, bà còn bảo: "Đã có một lần ông Phó đe nếu không gả Quế, sẽ cắt môn bài".

Bà Quản Bình Kha biết ý ông Phó sứ đã mặn mà lắm lắm với đứa con nuôi của mình, bề ngoài, ra bộ xót xa cho cái Quế, bà nói cứng: "Nó còn trẻ quá. Tôi không muốn phí hoài một đời con gái của nó. Cắt môn bài thì cắt tất cả chứ cũng chả cắt một mình tôi mà sợ!". Nhưng thực tình, trong lòng bà nghĩ: "Mình mất bao nhiêu công dạy dỗ nó thành nghề, chưa được nhờ vả gì đã gả chồng cho nó, coi như mất toi bao nhiêu công của với nó ư? Không, mình phải bắt ông ấy chuộc, phải bắt ông ấy bồi thường tiền". Tính toán vậy nhưng vẫn sợ uy danh ông Phó sứ nên chưa biết nói ra cách nào.

Bẵng đi ba tháng không thấy tìm gọi Quế. Nhà trò Bình Kha cũng không được đón ông Phó sứ. Bà Quản và cụ Đông đều lo lắng: ông ấy đi kinh lý? Hay là ông ấy tự ái? Ông ấy mà dùng quyền sinh quyền sát, trút cơn hờn giận xuống thì nhà trò Bình Kha phải đóng cửa, cả phường hết cách làm ăn. Còn Quế thì yên chí rằng thế là hết! Bấy giờ mới càng thấy luyến tiếc những cử chỉ thanh cao và lịch sự của người khách phương Tây chân thành và nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa mình sẽ bị lún ngập vào vũng bùn nhơ "tiếp khách" làng chơi! Cơ hội thoát thân khỏi chốn lầu xanh này e không có nữa!

Bỗng một hôm, ông Bếp ra báo tin là quan Phó ốm. Cụ Đông mua bó hoa vào thăm lại nói: "Đây là hoa của cô Quế gửi tặng quan Phó". Ông Bếp khi thông ngôn còn thêm thắt rằng: "Cô Quế hôm nay cũng bị cảm mạo, không vào thăm ngài được", khiến cho ông Phó sứ cứ băn khoăn, xót xa, thương cảm và đinh ninh rằng Quế đã yêu ông.

Cả hai người, không chịu bỏ lỡ cơ hội, cố vun đắp cho đôi lứa. Ông Bếp thương chủ một mình, cô Đào mê mà không lấy, lại cố tình theo đuổi Quế, còn cụ Đông thì tiếc cho đứa con gái hiền thảo nết na, phúc hậu, gặp được người chức tước, có tài có đức vậy mà đũa chẳng thành đôi. Bà tìm cách không để ông Phó chán nản.

Qua Nôen, ông Phó lại cho Bếp ra mời cụ Đông và Quế vào. Hai n 6b71 gười ngồi trong nhà bếp, đợi một lúc thì ông Phó đi thư viện về. Ông bắt tay và chào cụ Đông. Đến Quế, vẫn như lần gặp đầu tiên, ông nhìn trìu mến và mỉm cười tủm tỉm, rồi nhẹ nhàng giữ tay Quế trong tay mình lâu hơn một chút. Những cử chỉ lịch lãm tao nhã ấy của ông làm Quế thật sự xúc động. Cô càng quý ông ở chỗ ông đã tỏ ra tôn trọng cô, và bộc lộ tình yêu theo đúng phong cách kín đáo, nhẹ nhàng của người châu Á. Không cần phải lên nhà trên, ông Phó sứ đứng ngay ở bếp đi vào câu chuyện. Thì cũng không có câu nào ngoài câu: "Cô có lấy tôi không?". Lần này Quế trả lời lưỡng lự:

- Nhưng mẹ nuôi không cho lấy vì sợ ông bỏ.

Thế là, có lẽ sợ vốn tiếng Việt ít ỏi không đủ khả năng diễn đạt, ông Phó nói một thôi với ông Bếp và cụ Đông bằng tiếng Pháp để hai người dịch lại:

- Tôi yêu Quế thật, không bỏ đâu. Tôi chưa có vợ ở Pháp. Ba năm về phép một lần, sang tôi lại tìm, lại ở với Quế.

Bấy giờ, Quế cũng thấy trái tim mình rung động, cũng muốn tin lời ông Phó nhưng chưa dám quyết định vì còn sợ mẹ nuôi không tán thành.

Bốn người đứng một lúc thì chia tay. Ông Phó tiễn ra đến tận cổng mới đứng lại chào tạm biệt rồi quay vào với đàn chó. Cụ Đông và Quế lững thững đi bộ ra đến phố Khách mới gọi được xe kéo. Trên đường về, cụ hết sức khuyên bảo nó: "Đây là duyên trời đấy con ạ. Mày có phúc đức lắm mới gặp được người tử tế như quan Phó...". Khi hai người xuống xe vào tới nhà, thấy mẹ nuôi cái Quế vẫn đang ngồi đợi. Con bé sợ, chỉ im như thóc. Còn cụ Đông thì kể:

- Quan Phó thực tình yêu nó, bà cứ gả, sau này sẽ được nhờ cái tiếng.

Mẹ nuôi nó vẫn lạnh lùng:

- Tây, Tàu, nó chơi bời rồi nó bỏ!

Rồi bà ta quay ra chửi một câu quen miệng:

- Phục sinh mày! Không cởi áo ra mà đi ngủ à?

Cụ Đông thấy đã hết cách, ra về với vẻ thất vọng.


 

 

4

 

Từ hôm lên dinh quan Phó trở về, lòng Quế cứ xao xuyến, đứng ngồi không yên. Tình yêu đã chớm nở, Quế cứ hình dung con người lịch thiệp, hào hoa, tao nhã mà nhớ nhớ, thương thương. Nhưng cũng nặng trĩu lo buồn: vì đường đi đầy trắc trở, vì mẹ nuôi cương quyết không gả, và cả đến tháng nay rồi chẳng hề có tin tức gì về ông Phó sứ.

Thì ra ông nghỉ phép, đi Việt Trì, Phú Thọ đánh pingpông lấy Coupe. Vừa về hôm trước, hôm sau đã cho Bếp ra mời. Thấy ông Phó nóng lòng muốn giải quyết cho xong, lẵng nhẵng cũng đã gần một năm rồi, mẹ nuôi cái Quế đặt điều kiện thách tiền. Cụ Đông buộc lòng phải nói với ông Phó: "Mẹ nuôi nó muốn quan đưa tiền để sắm quần áo đẹp cho Quế". Ông Phó bằng lòng ngay.

Khi thấy cụ Đông cầm về ba mươi đồng, mẹ nuôi nó giãy nảy lên:

- Không được một trăm thì cũng phải năm mươi đồng chứ. Đời con gái có một lần. Lại mang tiếng lấy chồng quan, dù sao cũng phải sắm sửa cho nó bộ cánh để đẹp mặt với hàng phố chớ.

Bà Quản nói vậy rồi nhất định không chịu cầm tiền, cũng không thèm hỏi han, nhìn mặt con Quế lấy một lần. Thương bà mẹ nghèo mù lòa ở quê đang ốm đau, đói khát hàng ngày, Quế nghĩ, mình phải thoát vòng son phấn để cứu mẹ khỏi cảnh cơ hàn, phải vượt trở ngại khó khăn của mẹ nuôi để giải quyết cuộc đời, lần này mà được mời thì không trở về nữa. Nó đang đau khổ, buồn tủi, mất ăn mất ngủ, sống căng thẳng nặng nề trong những ngày chờ đợi thấp thỏm với những dự định liều lĩnh thì nghe cụ Đông nói với mẹ nuôi:

- Này, bà Quản, quan Phó cho gọi con Quế vào dinh. Nuôi nó khôn lớn thì dựng vợ gả chồng cho nó, giữ nó làm cái gì. Ông này hiền hậu, tử tế, sẽ chung thủy, thương vợ. Thế là cái số nó may, bà nên mừng cho nó chứ.

Bà Quản không cưỡng lại được nữa, đành gọi một tiếng rất đanh:

- Quế!

- Dạ! - Cái Quế sợ hãi thưa như người chịu tội.

- Phục sinh mày! Không chải chuốt mà đi à?

Mẹ nó lại quen miệng chửi. Nhưng câu chửi không làm nó buồn bực mà trái lại. Nó nhanh nhảu nhờ chị Lan chải đầu, vấn tóc. Thấy trời hơi lạnh, chị Lan còn cho nó mượn cái áo len dài, quần trắng và cả đôi giày cườm nữa. Bởi từ lâu Lan đã thương nó, biết nó nhỏ nhất mà cũng khổ nhất nhà, lúc nào cũng bị mẹ nuôi chửi mắng, đòn roi. Đã từ lâu ngoài cụ Đông nhân hậu thỉnh thoảng lui tới động viên, an ủi thì chị Lan là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho nó ở đây. Có điều gì buồn tủi, xót xa, sợ hãi, lo lắng, Quế chẳng tìm ai khác ngoài chị Lan để tâm sự. Lan dường như đã nhắm mắt buông trôi, tự bằng lòng an phận với cái nghiệp cầm ca bán thân nuôi miệng của mình, nhưng cô thương Quế: nó còn nhỏ quá, mới ở tuổi trăng rằm, tâm hồn nó còn sáng trong như tờ giấy trắng. Thâm tâm Lan cũng thầm cầu mong cho Quế thoát khỏi tay mụ Quản, thoát khỏi cái nhà trò mà thực chất từ lâu đã biến thành cái nhà chứa này.

Trang điểm xong, Quế lại theo chân cụ Đông, đi một quãng rồi gọi xe kéo vào dinh ông Phó sứ. Cũng như mọi lần, hai người vào bếp ngồi đợi, nói chuyện với ông Bếp. Cả Quế và cụ Đông loáng thoáng hiểu rằng ông Bếp có căn nhà nhỏ ở bên ngoài dinh ông Phó sứ, cách dinh ông Phó sứ chừng vài ba cây số về phía bắc. Vợ con ông ở đó, kiếm sống dựa vào cái mẹt tạp hóa với mươi lọn chỉ màu, vài chục tập vở, mấy tá kim băng... Ông Bếp ngày đêm kề cạnh phục dịch trong dinh quan Phó, năm bữa nửa tháng mới tạt về nhà một lần. Ông còn cắt nghĩa rằng, sở dĩ ông cúc cung tận tụy phục vụ quan Phó như vậy vì ngày trước, cha ông đã chịu ơn sâu nghĩa nặng của các đấng sinh thành ra quan Phó bây giờ. Ơn đó ông Bếp cứ nhắc đi nhắc lại - là cái ơn cứu mạng, là cái ơn tái sinh, đã hơn hai mươi năm về trước, khi ông Phó mới chỉ là một chú bé con lẫm chẫm biết đi, còn cụ thân sinh ra ông là một nhân viên hành chính ở sở Hỏa xa Hà Nội.

Đang chuyện, bỗng nghe tiếng ô tô và thấy đàn chó ở trên gác làm loạn xạ, ông Bếp bảo: "Quan đã về". Cụ Đông đứng dậy, Quế cũng đứng theo. Khi ông Phó sứ bước vào, cụ Đông cung kính: "Chào quan lớn". Quế cũng chào theo, nhưng ngượng ngùng nói không thành tiếng. Cụ Đông kín đáo gí vào tay Quế ba mươi đồng bạc, ý rằng bảo nó đưa cho quan Phó, bảo mẹ nuôi không bằng lòng, ông phải đưa thêm. Cái Quế vẫn cứ cầm nhưng e sợ chẳng nói chẳng rằng, vả lại, nó có biết tiếng đâu mà nói. Khi bà cụ Đông nói chuyện với ông Phó bằng tiếng Pháp, nó không hiểu gì, cũng không dám nhìn, cứ e thẹn đưa tay vuốt lông con chó, nhưng dường như nó cũng cảm nhận được rằng cụ Đông đang nói hộ nó về chuyện tiền.

Một lúc sau, ông Phó xin phép cụ Đông, mời Quế lên gác ăn cơm. Chỉ có hai người bên nhau, ông Phó vừa nhũn nhặn, ân cần chăm sóc, mời mọc Quế, vừa muốn dốc hết vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của mình để cạn bầu tâm sự với người ông yêu. Ông nói bập bõm, câu được câu chăng, song cũng đủ cho cô gái thơ trẻ thông minh hiểu được rằng ông thật lòng yêu thương Quế, ông chân thành muốn lấy Quế làm vợ - vợ duy nhất, vợ chính thức hẳn hoi, ngoài Quế ra, trái tim ông không dành chỗ cho một người đàn bà khác nữa. Ở Pháp ông chưa có vợ, và mãi mãi ông sẽ không bao giờ lấy vợ Pháp, mặc dầu cha mẹ ông vẫn muốn thế, đã từng mấy lần viết thư sang giục ông về, để nhắm nhe cho ông lấy một cô vợ Pháp. Quế cũng hiểu được rằng chính phủ bảo hộ không cho phép các quan chức người Pháp lấy vợ thuộc địa. Cho nên, yêu nhau thì đến với nhau thôi. Ông không thể tổ chức cho Quế được cưới hỏi đàng hoàng theo nghi thức hôn lễ, ông không dám công khai giới thiệu Quế với bạn bè, và đặc biệt là ông phải hoàn toàn giữ Quế trong vòng bí mật, phải giấu kín ông Chánh sứ. Cô gái nhỏ thông minh vốn đã hát bao nhiêu trò, đã nghe kể nhiều tích chuyện, cũng đã từng ít nhiều biết đến những sự đời, những thân phận đàn bà với biết bao nỗi éo le trắc trở, chỉ mong thoát kiếp bùn nhơ, chứ có dám đâu mơ tưởng công danh phú quý hão huyền. Bởi vậy, Quế chấp nhận tất cả, cô mở lòng đón nhận tình yêu chân thành của ông Phó sứ.

Từ trên gác bước xuống, Quế cứ cúi đầu nhìn xuống chân mình, lòng ngổn ngang suy tính. Rồi, cô ngẩng phắt lên, nói với bà cụ Đông một lời quả quyết dứt khoát:

- Con nghĩ, muốn thoát khỏi cảnh son phấn thì lần này phải quyết định, còn chần chờ gì nữa. Con nhất định ở lại, không về nữa bà ạ.

Khuya, ông Phó sứ thân hành lái ô tô tiễn bà cụ Đông tốt bụng về xóm Bình Kha rồi ngoặt trở lại hướng Bắc. Chiếc xe đỗ xịch trước một căn nhà nhỏ ở ngoại vi thị xã, cách dinh ông Phó sứ chừng vài ba cây số.

 

 

5

 

Bà Bếp lén nhẹ đặt đứa con xuống giường rồi lồm cồm vén màn ra mở cửa, vội vã đón vị khách quý đột ngột đến thăm nhà vào giữa đêm hôm khuya khoắt. Bà ngỡ ngàng nhìn cô gái nhỏ rụt rè đi sau lưng ông Phó sứ và càng vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông chủ của chồng bà giới thiệu gãy gọn và thẳng thắn:

- Đây là vợ tôi. Tôi muốn bà giúp đỡ, cho tôi gửi vợ tôi ở đây với bà một thời gian. Xin bà thông cảm cho, đây là chuyện kín đáo và riêng tư của tôi, không thể để ông Chánh sứ biết.

Người đàn bà sáng dạ và ít lời, nhanh chóng hiểu rõ mọi sự. Không hề hỏi thêm điều gì, chỉ đon đả pha chén trà nóng mời hai vị khách, và thưa gửi với hai người rất lễ độ:

- Dạ, được bà lớn ở đây ngày nào là niềm vinh hạnh cho chúng tôi. Xin quan lớn cứ yên tâm.

Cô gái thẹn thùng vội chữa:

- Bác ạ, tên em là Quế. Xin bác cứ gọi tên, coi như em vừa trong quê mới ra.

Gần sáng, ông Phó vội đánh xe trở về tư dinh, uống tách cà phê rồi sửa soạn lên công sở.

Bà Quản Bình Kha thấy bà cụ Đông trở về một mình, lại "tay không" thì hậm hực:

- Vậy là mất cả chỉ lẫn chài!

Thấy thế, cụ Đông còn hù dọa thêm:

- Tôi đã bảo mà. Người ta đã thật tình bà lại cứ làm khó cho người ta. Lần này là ông ấy cương quyết đấy. Cái Quế mà cứ sợ bóng sợ vía bà không ở lại, rồi ông ấy còn làm ra thế nào chưa biết chừng.

- Vậy là công tôi xe cát dã tràng, ky cóp cho cọp nó xơi rồi! Suốt mấy năm trời nuôi nó trắng trẻo, lớn khôn, dạy nó hát hay vào hạng nhất nhì, đã xếp nó vào loại "đào chanh cốm", mà nó đã làm ra được đồng tiền nào đâu cho tôi nhờ? Bây giờ lại mang tiếng có con gái nuôi đi lấy chồng quan, mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, có khổ tôi không hở trời!

 

Thấy mẹ nuôi con Quế tru tréo la lối, bà cụ Đông lại dịu dàng vỗ về:

- Thì bà cứ để yên năm bữa nửa tháng xem ông Phó xử trí thế nào đã nào. Tôi xem cung cách ông ấy là người đàng hoàng, cao thượng, không phải là hạng người không biết điều.

Nghe đến đây, bà Quản phường Bình Kha mới nguôi ngoai, nín lặng chờ đợi.

Ba hôm sau Quế trở về, đưa năm mươi đồng lạy tạ mẹ nuôi. Bà Quản không chịu cầm. Ông bố nuôi đến bảo:

- Thôi, đưa đây tao đi may sắm cho, nhân thể tao cũng có việc phải lên Hà Nội.

Quế vội thưa:

- Dạ, đấy là tiền... ông bảo con đưa về biếu mẹ, còn may sắm cho con, ông đã nhờ bà Bếp giúp rồi.

Rồi, Quế mở cái hòm gỗ sơn đen mang theo: một tấm áo dài vải len màu hồng, một cái quần sa tanh trắng, một cái áo khoác len đan màu huyết dụ và một đôi giày cườm. Dưới đáy hòm, bộ quần áo mượn của chị Lan đã được giặt là cẩn thận, Quế giấu kỹ trong đó ba mét lụa óng mượt màu mỡ gà để kín đáo tặng chị Lan may áo dài.

Buổi chiều, "ngày lành tháng tốt" - nói như bà cụ Đông, ông Phó sứ tự lái xe đến phường hát Bình Kha, xin bà Quản cho đón Quế mượt mà trong trang phục mới về tư dinh của ông. Ngồi trên chiếc xe con hôm ấy còn có cả bà cụ Đông và chị Lan. Ông Bếp đã soạn một bữa tiệc lịch sự thết đãi đôi vợ chồng mới và mấy vị khách.

 

Chỉ chưa đầy vài tháng sau, người đi ra đi vào thị xã đã thấy ở chỗ căn nhà nhỏ của mẹ con bà hàng xén đã mọc lên một ngôi nhà gạch mái bằng xinh xinh với hai tầng lầu. Tầng dưới, cánh cửa lúc nào cũng mở rộng, kê mấy sạp tạp hóa lớn bằng gỗ, có nhiều ô và có đậy kính cẩn thận, cái đứng, cái nằm, bên trong đủ thứ hàng xén với những sắc màu sặc sỡ. Tối tối, dăm ba hôm một lần, những khi không có tiệc tùng, công chuyện ở tòa sứ, ông Phó lại đánh xe chở theo ông Bếp về. Cả nhà vui vẻ với nhau trong một bữa cơm gia đình thân mật rồi hai vợ chồng lên lầu. Chưa sáng, cả hai thầy trò họ lại đã quay xe trở về tư dinh từ lúc nào. Người ngoài có thóc mách cũng chỉ biết có ông chủ Tây giản dị, tốt bụng với người ăn người làm, hay là muốn cặp bồ với cô hàng xén xinh đẹp trẻ trung đó chăng, chứ không ai nghĩ rằng, nơi ấy có bà vợ chính thức của quan Phó sứ.

 

 

6

 

Cô hàng xén xinh đẹp - như lời bà Bếp vẫn giới thiệu, là em của chồng bà mới từ quê ra mở quầy hàng trợ giúp bà, thử ít lâu xem, hàng chạy thì ở hẳn, ế ẩm thì chị em khéo lại dắt díu nhau vào sâu trong thị xã hay là lên Hà Nội - cứ như có ma lực hút khách. Những ông lục lộ, thầu khoán, những ông đại lý, nhà buôn, những ông thư ký ở nhà băng, ở sở nhà đất, cả đến mấy thầy giáo và bọn học trò lớp lớn từ trong thị xã, cứ chiều chiều tan trường, tan sở lại phóng xe ra... Rồi thứ bảy, chủ nhật có kẻ còn cất công từ Hải Dương, Hà Nội kéo về. Họ đến mua hàng chỉ là cái cớ. Thực tình muốn lân la bắt chuyện, làm quen với cô chủ nhỏ có mái tóc dài óng mượt, có nước da trắng mịn màng và đôi môi đỏ mọng bỗng dưng từ đâu xuất hiện như người đẹp trong tranh giáng trần! Sáng sáng, có chàng họa sĩ si tình kê giá vẽ ở gốc cây bàng đối diện lặng lẽ chờ. Anh muốn vẽ cô hàng xén mà mãi chưa tìm được cơ hội tiếp cận.

Chiếc xe khách nội tỉnh lọc xà lọc xọc rẽ vào bến xe thị trấn. Một cô gái mượt mà trắng trẻo trong trang phục giản dị định hướng về làng Ngọc Đồng. Cô chỉ mặc cái quần lụa đen và tấm áo cánh phin màu mận chín, nhưng dường như còn nguyên nếp gấp. Mái tóc dài óng mượt đung đưa theo nhịp bước, cái cặp tóc sáng loáng trễ xuống ngang lưng. Đặt chiếc túi xách xuống bên vệ đường, cô lật nón đứng quạt. Chắc chẳng phải trời nóng bức. Thời tiết đang sang thu. Nắng vàng rắc trên những ngọn tre, gió heo heo nhè nhẹ, khiến cả cánh đồng lúa xanh non mơn mởn cứ dập dờn như biển sóng. Từ ngày mẹ đưa theo chân bà Chín lên tỉnh, đến nay dễ cũng đã bảy, tám năm rồi. Đây là lần đầu tiên Quế trở về thăm lại quê hương xứ sở của mình. Đứng nơi đây, cô có thể hình dung phía ấy là làng Ghềnh, quê ngoại, còn phía kia là làng Thượng, quê cha, có mom đê mà dân hàng tổng vẫn gọi là Mỏ Kè, có túp lều nhỏ giữa vườn chuối bạt ngàn là chuối mà mẹ đã đêm đêm ủ ấm mình bằng một "đệm" lá chuối khô, và sáng sáng buộc vào bụng mình một quả cam cơm nắm... Ký ức tuổi thơ đang dần dần tái hiện trong tâm trí Quế. Nhưng, với một đứa bé con đi ở mình trần, nhỏ nhoi, ký ức tuổi thơ cũng chẳng mấy êm đẹp và chưa có được gì nhiều, đường về làng Thượng, làng Ghềnh Quế cũng còn chưa thuộc lối. Mà lần này, Quế đâu đã có ý trở về thăm quê, Quế phải đến Ngọc Đồng tìm mẹ - người mẹ mù lòa khốn khổ, một đời ở đợ, một đời làm thuê.

Người đàn bà lòa lam lũ đang lúi húi làm cỏ trên ruộng nhà ai. Cô con gái đã tới gần. Hai mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Người mẹ sờ nắn vào cánh tay, vào bờ vai mừng con gái mình đã trơn tru, phổng phao. Con gái muốn mẹ từ đây có chút vốn nhỏ, bán rau quả nhì nhằng cho đỡ cực nhọc thân già. Mấy ngày sau, ở đầu đê cạnh cái lều cũ của ông Cả Đường khi trước, mọc lên một căn nhà nhỏ ấm cúng. Bà mẹ lòa ngồi bán ít rau quả, chè xanh, thêm mấy thứ mắm muối. Quế ở với mẹ mấy ngày rồi lại lặng lẽ ra đi. Láng giềng đến chơi, thăm hỏi, có người đã nói vui với bà Cả Đường:

- Mừng cho bà được nhờ con gái rồi. Trông trơn lông đỏ da, xinh đẹp, mặn mà cứ như là cô Kiều, cô Tấm ấy. Mai mốt lấy được chồng sang, bà đừng quên mời chúng tôi ăn cỗ nhớ.

Bà Cả Đường vui mừng, khấp khởi hy vọng trong bụng. Con gái mang về cho ít tiền, vậy là nó khá rồi, đời nó yên ổn rồi. Bà nghĩ đó là nhờ lộc của nhà trò bà Quản chứ đâu có biết được nó đã thoát khỏi cái lầu xanh đó và đang được làm vợ ông quan đứng thứ nhì trong hàng tỉnh.

Cô hàng xén vắng nhà có mấy hôm mà đã làm cho
nhiều chàng trai ngẩn ngơ. Có anh bạo dạn cất tiếng hỏi thăm bà chủ nhà, cũng chỉ nghe đáp lại bằng một câu bâng quơ, hờ hững:

- À, thưa cậu, cô cháu đi công chuyện.

Rồi những đêm sáng trăng, dưới gốc cây bàng đối diện, mấy đứa học trò nhỏ cứ ngửa cổ hát theo một cây ghi ta
bập bùng:

"Cô hàng xén ơi!

Cô đi đâu rồi?

Cô đi xa xôi!

Cô hàng xén ơi

Lòng nào để tôi

Ngày đêm mong đợi?

Cô hàng xén ơi

Xao xuyến lòng tôi

Hết đứng lại ngồi!

Tan nát lòng tôi

Cô hàng xén ơi!..."

Vừa về hôm trước, hôm sau đã thấy bà Bếp đưa vào một phong thư. Ông Phó đã nói là Quế cứ yên tâm về quê thăm mẹ, ông cũng có việc phải đi Hà Nội, dễ đến mươi hôm mới về. Mà ông Phó thì có bao giờ viết thư, vậy thì thư của ai? Phong bì không dán tem, cũng không đề tên người gửi? Bóc thư ra, Quế chỉ thấy mấy dòng thơ:

"Khắc khoải lòng anh mãi đợi chờ

Mà sao em vẫn cứ làm ngơ?

Thu về se lạnh hây hây gió

Liễu rủ hồn anh trong bến mơ!".

Mấy dòng thơ ngắn ngủi mà Quế đánh vần mãi mới hết. Bởi Quế đâu có được học hành. Thuở bé, khi là con bé Mật cầu bất cầu bơ làng trên xã dưới, khi là con "ma Mỏ Kè" sống lầm lũi theo bóng mẹ trong vườn chuối nhà ông Nhỡ, nó nào có biết tới trường lớp là cái gì. Nay đánh vần được võ vẽ cũng là nhờ chị Lan. Chị Lan chẳng biết học đến lớp mấy mà đọc thông viết thạo. Những khi rỗi khách, thỉnh thoảng, chị Lan dạy Quế đánh vần, chị bảo: để mà viết thư cho mẹ. Sau này phải thường xuyên tiếp khách, bà Quản không cho về thăm mẹ đâu. Cái Quế sáng dạ, học ít hiểu nhiều, chưa biết viết nên câu nên chữ, nhưng những lời lẽ trong bài thơ kia thì Quế đã hiểu cả, cô châm bức thư lên ngọn đèn rồi quay ra dặn bà Bếp: "Bác ạ, lần sau ai gửi thư cho em, bác đừng cầm nhé".

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86580


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận