từ khi tin Huyền Lăng muốn tổ chức tiệc mừng cho tôi được truyền ra ngoài, cửa Đường Lê cung suýt nữa bị đạp đổ. Từ tôn quý như Hoàng hậu đến nhỏ nhoi như canh y cấp bậc thấp nhất, không kẻ nào không đích thân đến chúc mừng và tặng lễ vật hậu hĩnh. Hoa Phi vốn bất hòa với tôi nhưng lễ nghĩa ngoài mặt thì vẫn luôn mười phần tròn vẹn. Đến thượng cung, nội giám hầu hạ trong cung cũng đi theo nịnh nọt, bợ đỡ người trong cung của tôi. Hậu cung vốn thiện trường thượng đội hạ đạp, xu phụ kẻ được sủng ái, huống hồ tôi vừa được phong làm quý tần, lại đang mang thai, đương nhiên là vinh quang vô cùng tận.
Vó ngựa xuân dập dồn, hoa Trường An ngắm hết[1]. Hai câu thơ này có thể tóm gọn được nỗi đắc ý của tôi lúc này.
[1] Bài thơ Đăng khoa hậu của Mạnh Giao. Nguyên tác: “Xuân phong đắc ý mã đề tật, nhất nhật khán tẫn trường an hoa.”
Gặp mặt đẩy đưa, tươi cười ứng đối quá nhiều không tránh khỏi mệt mỏi, chán nản, tôi ba lần bảy lượt muốn đi chơi thuyền ngoài hồ Thái Dịch cho khuây khỏa, nhưng Lưu Chu và Hoán Bích đều hết lòng khuyên can, nhanh mồm nhanh miệng bảo rằng mặt hồ gió lớn, nếu bị cảm thì không ổn. Nghĩ lại cũng đúng, tháng Tư ngoài hồ không có hoa sen, chỉ có cảnh đền rồng gác phượng chạm trổ cầu kỳ, dẫu mỹ lệ cách mấy cũng không so sánh được với nét đẹp tự nhiên. Cứ như vậy mấy lần liền, tôi cũng chẳng buồn ra khỏi cửa nữa.
Một ngày trước hôm sinh nhật, Huyền Lăng đích thân mang lễ vật đến chỗ tôi, một chiếc đệm đan tổ văn bằng vàng, một tấm gấm uyên ương nghìn vàng, một hạt bất dạ châu treo trước gối, một tấm đệm lông báo xanh tẩm hương, hai con long hương ác ngư, bốn chiếc vòng liên hoàn vàng ròng, một chiếc váy giáng tiêu, ba tấm lót tay hương vân la, một hộp bích ngọc cao, tám tấm cung đoạn mới đủ màu cùng các món đồ chơi từ nước ngoài tiến cống.
Tôi dù gì vẫn còn trẻ, ân sủng của quân vương ban xuống quá nhiều, sống ở lầu vàng gác bạc, khắp nơi đều là cảnh phồn hoa, lòng tham hư vinh chẳng kém bất kỳ thiếu nữ nào. Nhìn những món quà trân quý chưa từng thấy bao giờ chiếu rọi lấp lánh khiến cả căn phòng của tôi sáng rỡ như ban ngày, trong lòng tôi đương nhiên hết sức vui sướng. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả là sự hết lòng của Huyền Lăng. Y vui vẻ kể: “Lâu lắm rồi, trẫm có đọc Phi Yến ngoại truyện, rất tò mò liệu Thành đế có thực sự ban cho Phi Yến nhiều bảo vật thế này không. Trẫm nghĩ bụng, Thành đế ban cho Phi Yến được thì trẫm cũng có thể ban cho nàng được, do đó bèn lệnh cho người đi khắp nơi tìm kiếm, chỉ mong lấy được của nàng một nụ cười.”
Tôi nhoẻn cười ngọt ngào, bảo y: “Tên của những món đồ này thần thiếp chỉ mới được biết qua sách sử, cứ cho đó là lời đồn không thực, không ngờ trên đời này quả thực có tồn tại.”
Y khoác tấm áo giáng tiêu lên người tôi, thốt lên đầy cảm xúc: “Ngày mai nàng mặc chiếc áo này nhé, nhất định sẽ khiến tất cả mọi người bị mê hoặc.”
Tấm áo giáng tiêu có thêu hình đuôi phượng màu tím bạc, từng sợi lông vũ màu xanh khổng tước tỏa ra hào quang yếu ớt lập lòe dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi, nhất định sẽ hết sức rực rỡ, chói mắt. Tôi khẽ cười thành tiếng. “Cần gì phải mê hoặc mọi người cơ chứ. Hoàn Hoàn không tham lam đâu, chỉ cần mê hoặc được mình tứ lang là đủ.”
Y giả vờ ngã lăn ra, cất tiếng cười lớn. “Trẫm đã bị nàng mê hoặc từ lâu rồi!”
Đến tối, kiểm tra lại lễ vật từ các cung, các phủ đưa đến, Cận Tịch thưa: “Chỉ mình Thanh Hà vương phủ là không có lễ vật thôi!”
Đã lâu lắm rồi tôi chưa hề nghe lại cái tên này, cũng chưa từng cố ý nhớ đến. Hiện giờ tình cờ nghe thấy, lại có liên quan đến ngày sinh của tôi, tôi chẳng thèm để ý đến, tiếp tục tập viết theo mẫu chữ, miệng bảo: “Lục vương cởi mở thoải mái, đương nhiên là chẳng quan tâm đến những lễ nghi phàm tục này.”
Cận Tịch chỉ cười. “Nô tỳ nghe nói vương gia cư xử hết sức đặc biệt, không làm thì thôi, đã làm thì khiến ai nấy không khỏi kinh ngạc, vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người.”
Tôi chấm bút vào mực, nghĩ lại chuyện xưa, bất giác mỉm cười. “Vậy ư?” Rồi bỏ qua chẳng thèm để ý đến nữa.
Bữa tiệc sinh nhật của tôi được tổ chức ở Trọng Hoa điện trong Thượng Lâm uyển. Nơi này lầu gác huy hoàng, phong cảnh mê người, vừa uống rượu vui chơi vừa có thể thưởng thức cảnh đẹp như họa, đúng là hứng thú, thoải mái không sao kể xiết. Chỉ có chút thiếu sót nhỏ nhoi là Trọng Hoa điện cách hồ Thái Dịch xa quá, không thể ngắm được cảnh hồ nước.
Ngày hôm đó, tôi hoàn toàn độc chiếm sân khấu, tiếp đãi hậu phi, mệnh phụ, thoăn thoắt không ngơi nghỉ. Trong điện chen chúc bóng người, ai cũng giữ vẻ tươi cười với tôi. Tôi không có thời gian để ý tới việc đằng sau vẻ mặt ân cần đó có bao nhiêu là chân tâm, bao nhiêu là nguyền rủa. Kẻ chân tâm thì nhất định có thể cùng tôi chia sẻ niềm hạnh phúc hôm nay, còn nguyền rủa thì bao vinh quang và đắc ý của tôi sẽ khiến bọn họ khó chịu hơn nhiều. Đối với tôi mà nói, đó là cách báo thù hay nhất.
Sau những lời chúc tụng là đến tiếng đàn sáo véo von, vũ cơ múa may quay cuồng, mọi người mời nhau thưởng thức rượu ngon, nhắm tốt. Các vũ cơ xinh đẹp cười tươi như hoa, mắt đưa tình lúng liếng, giữa tiếng sênh ca nhạc đệm, tay ngọc uốn lượn, thân hình thướt tha. Tấm lụa bảy màu phấp phới tung bay khắp điện, mềm mại tựa sóng nước, dập dờn lấp lánh.
Sau khi khỏi bệnh, đây là lần đầu tiên My Trang xuất hiện trong một buổi tiệc lớn thế này. Sức khỏe của tỷ đã khôi phục lại như xưa, chỉ là thân thể hơi gầy gò, vẻ mặt càng trầm tĩnh, chẳng khác gì mặt hồ phẳng lặng không gợn sóng, lẳng lặng ngồi nơi bàn tiệc một mình uống rượu.
My Trang hiện giờ không còn phong thái đắc ý, phấn khởi của ngày xưa. Vinh sủng cùng vận may thay đổi không ngừng, lúc này lúc khác, chẳng bao giờ có thể giữ chặt trong tay. Hẳn là tỷ đã hiểu được điều đó, cho nên dẫu được khôi phục lại địa vị cũ thì tính tình của tỷ cũng càng lúc càng kín đáo, cứ như thể chẳng muốn ai để ý đến mình vậy.
Chỉ mình tôi cảm nhận được, lửa giận ấm ức vẫn đang phừng phừng bốc cháy trong nội tâm của tỷ.
Rượu uống đến dở say, ca vũ xem cũng phát chán. Nhìn quanh một lượt, không thấy Thanh Hà vương Huyền Thanh trên bàn tiệc, cũng chẳng ai biết y đang ở chốn nào. Huyền Lăng chỉ cười xòa, chẳng mấy quan tâm. “Vị lục đệ này của trẫm chẳng biết đang đi đến nơi nào rồi!”
Tôi càng chẳng muốn quan tâm đến, y và tôi chẳng qua chỉ là em chồng chị dâu, dẫu y là người duy nhất từng chứng kiến và an ủi nỗi đau ẩn giấu trong lòng tôi, dẫu trong lòng y đang ấp ủ chút tình ý không thể giãi bày với tôi, tôi chỉ có thể vờ như không hay biết, chẳng khác gì đối xử với Ôn Thực Sơ.
Người trong núi chừ, như đỗ nhược thơm, tôi vốn không phải là đỗ nhược lặng lẽ nở rộ trong u cốc nơi núi cao, mà là đóa hải đường bị hái cầm trong tay ven dao trì của bậc đế vương. Hoa thơm cũng đã có chủ, huống gì là người cơ chứ! Đều là chuyện không thể nào thay đổi được, không có sức thay đổi, mà cũng chẳng cần thay đổi làm gì.
Chỉ có điều, vào những lúc cảm thấy đau lòng và mất mát trước bao chuyện thị phi trong cung, tôi không khỏi dằn vặt, nhớ nhung đóa tịch nhan tinh khiết nơi góc đài Đồng hoa cùng bó hoa sen cuối mùa trong đêm ngoài hồ Thái Dịch, mùi hương ngọt ngào, thơm ngát đến cực điểm ngay trước lúc lụi tàn vẫn còn như đang ngưng đọng phảng phất nơi chóp mũi.
Sau một thoáng ngẩn người, tôi để ý thấy giữa đám người náo nhiệt, chính phi của Nhữ Nam vương là Hạ thị ngồi yên trong góc, vẻ mặt ưu sầu không thốt tiếng nào. Tôi bèn bước lên, hạ giọng hỏi thăm: “Vương phi trong người không được khỏe sao?”
Nàng ta thấy là tôi, có chút ngượng ngùng rồi cố nhỏ giọng đáp lời: “Thiếp thân thất lễ, căn bệnh đau ngực lại tái phát rồi!”
Tôi gật đầu hiểu ý, lấy cớ cần thay áo, kéo tay nàng ta ra chỗ khuất ở điện phụ, đỡ nàng ta ngồi xuống. Hạ thị áy náy xin lỗi tôi: “Sinh nhật của nương nương mà thiếp thân làm nương nương mất hứng quá!”
Tôi tủm tỉm cười, ôn hòa an ủi: “Vương phi đừng nói như vậy, ai mà chẳng có lúc đau bệnh cơ chứ, uống thuốc đầy đủ là khỏe lại ngay thôi.” Lại hỏi: “Vương phi ngày thường vẫn hay dùng thuốc Thiên vương bảo tâm đan phải không?” Nàng ta gật đầu nói phải. Tôi bèn lập tức vẫy tay lệnh cho Lưu Chu quay về lấy thuốc, bảo nàng ta: “Vương phi chịu khó đợi chút, thuốc lập tức sẽ được đưa tới ngay.” Nói xong, tôi đích thân rót nước ấm ra cho nàng ta uống.
Nàng ta nửa cảm kích nửa lo âu. “Phiền đến tay ngọc của nương nương, thiếp thân thực lòng không dám nhận.”
Tôi đáp: “Bên ngoài kia, bản cung và vương phi là quân thần, bên trong lại là thân thích, sao lại nói khách sáo phiền hay không phiền cơ chứ? Vương gia chinh chiến sa trường, vương phi lẽ ra nên biết trân trọng sức khỏe mới phải.”
Tôi đột nhiên để ý đến ấn đường nàng ta, trên có vẽ mấy nét đỏ nhạt, hệt như Giảo lê trang trên ấn đường của tôi, bất giác tò mò hỏi: “Bên ngoài cung cũng có nhiều người thích kiểu vẽ này ư?”
Nàng ta dịu dàng mỉm cười. “Hiện giờ trong cung và những nơi khác đều thịnh hành Giảo lê trang này, coi đó là đẹp, chẳng những vì muốn bắt chước nhan sắc của nương nương mà còn để cầu cho phu thê hòa thuận, đúng là một đoạn giai thoại đẹp.”
Tôi dẫu không có tính khoe khoang nhưng nghe những lời như vậy thì không khỏi sinh lòng cao hứng tự đắc.
Thuốc nhanh chóng được mang tới, Hạ thị dùng thuốc xong, quả nhiên sắc mặt tươi hơn nhiều. Nàng ta cười, thưa: “Thường nghe nói nương nương được Hoàng thượng sủng ái nhất, không ngờ người lại hiền hậu thế này, hèn gì Hoàng thượng hết lòng yêu thương người.” Nhữ Nam vương tính tình ngay thẳng, lạnh lùng, thế mà vương phi lại là một người hết sức hòa nhã, dịu dàng, khiến tôi hết sức bất ngờ.
Cứ như thế hai bên trò chuyện liên miên, Hạ thị vốn cũng khỏe mạnh, nhưng sau khi sinh thế tử thì mắc phải bệnh đau ngực, không sao chữa khỏi. Tôi cũng đang mang thai, vừa nhắc đến chuyện con cái thì không khỏi hứng thú, vui vẻ trò chuyện khá lâu, hai người chúng tôi hết sức ăn ý với nhau.
Nhữ Nam vương là thế lực mạnh nhất sau lưng Hoa Phi, tôi trước giờ đều hết sức cố kỵ, không ngờ hôm nay cơ duyên xảo hợp, có dịp gặp mặt trò chuyện với Hạ thị, hai bên lại cũng hợp ý. Nhưng dẫu hợp ý đến đâu, nàng ta cũng là chính phi của Nhữ Nam vương, tôi tuy tỏ vẻ thân mật nhưng cũng ngầm giữ chút khoảng cách. Đến lúc Huyền Lăng sai người đến gọi, tôi bèn hẹn với nàng ta năng vào cung gặp gỡ trò chuyện, rồi hai người chúng tôi mới chia tay nhau.
Trở lại bàn tiệc, tôi liền thấy có cung nhân đến mời: “Lục vương gia có chuẩn bị lễ vật chúc mừng ngày sinh của Quý tần nương nương ở bên hồ Thái Dịch, xin mời Hoàng thượng và nương nương cùng đi xem thử.”
Huyền Lăng cười, nói: “Lão lục có nhiều ý tưởng hay ho, không biết lần này lại nghĩ ra trò gì đây? Chúng ta cùng đi xem thử nào!”
Thế là mọi người xúm xít, túm năm tụm ba đi về phía bờ hồ Thái Dịch. Từ xa nhìn lại, thấy ở ven hồ có màn che gấm thêu giăng trên cao, khẽ phất phơ theo gió, hết sức đẹp mắt. Chỉ có điều chúng đã che khuất cảnh quan hồ Thái Dịch, vẻ ngoài xa hoa thật nhưng chẳng nhìn thấy gì bên trong.
Bốn bề im lặng một cách kỳ lạ, tôi nghi hoặc nhìn sang Huyền Lăng, y cũng lộ vẻ chẳng hiểu gì, chỉ tươi cười đứng nhìn. Đột nhiên trên bầu trời có đến mấy trăm mấy ngàn cánh diều, hình chữ phúc, hình chữ thọ, hình chim ưng, bươm bướm, chuồn chuồn, con rết, chim nhạn, chim yến, lồng đèn, có thứ làm bằng lụa, có thứ làm bằng giấy, dát vàng dát bạc, có món đứng riêng lẻ, có loại đứng thành đôi, xỏ thành chuỗi, phát ra âm thanh, tỏa ra ánh sáng, bay lượn đầy trời, sắc màu chói lọi, khiến người nhìn hoa cả mắt. Bốn bề vang lên tiếng thở dài thán phục, tấm tắc khen ngợi, liên miên không dứt.
Tôi đang mở to mắt ngắm nghía thì đột nhiên Cận Tịch tiến lại thỉnh an rồi vui vẻ thưa: “Chúc mừng nương nương, xin người hãy thả diều cầu phúc.” Nói xong bèn đặt sợi dây diều vào tay tôi. Nói thả diều chỉ là cho có, chứ nội giám sớm đã căng dây sẵn cho tôi rồi, tôi chỉ cần dùng tay kéo là được. Tôi tươi cười kéo dây đi, cánh diều chập choạng rồi bay vút lên cao, thì ra là một cánh diều hình chim phượng cực lớn, màu sắc sặc sỡ, phong thái huy hoàng, lấp lánh chói mắt. Nó rất hợp với chiếc áo giáng tiêu có thêu hình đuôi phượng màu tím bạc đang khoác trên người tôi, cả hai chiếu rọi tôn lên vẻ đẹp của nhau. Tiếng hoan hô khen ngợi ồn ã bên tai, tôi bất giác nở nụ cười thỏa mãn.
Đột nhiên một tiếng huýt sáo trong trẻo vang lên, những tấm màn gấm thêu bao quanh hồ Thái Dịch soạt một tiếng đồng loạt rơi xuống đất. Cảnh tượng trước mắt thực sự vượt ngoài sức tưởng tượng, mọi người vốn đang xuýt xoa trước những cánh diều bay đầy trời nay đồng loạt im phăng phắc. Cảnh đẹp như vậy nằm ngay trước mắt khiến người xem không khỏi nín thở hồi hộp.
Đang độ tháng Tư, đến lá sen cũng chưa có, hồ Thái Dịch hôm trước chỉ là mảng nước xanh thoáng đãng. Nhưng vào giờ phút này, trên mặt hồ xanh biếc đã nổi lên vô số hoa sen trắng muốt, thanh tao, tựa như những chiếc chén bằng dương chi bạch ngọc, bồng bềnh trôi nổi. Ánh ban mai lấp lánh, hơi sương đọng trên cánh hoa phản chiếu ánh long lanh, đẹp như ráng mây, chói lọi như gấm đoạn. Gió cùng sen uyển chuyển, lá xanh dập dờn, sóng nước nhấp nhơ, phản chiếu bóng người xen lẫn bóng hoa, yểu điệu mê người khó mà tưởng nổi.
Ngước mắt nhìn ra xa, tôi thấy Huyền Thanh chầm chậm bước tới, trong tay không cầm nhạc cụ nào, chỉ lấy tay đặt giữa môi, huýt sáo khúc Phượng hoàng vu phi. Phượng hoàng tung cánh, hòa giọng véo von[2], đó có thể nói là giấc mộng của tất cả nữ nhân trên thế gian này. Điệu nhạc mà y huýt sáo cũng hết sức trong trẻo mà giản đơn, tựa gió mát hiu hiu từ mặt hồ thổi lại, chao mình một thoáng giữa khoảng yên tĩnh đầy thán phục, từng khúc từng khúc ngấm sâu vào lòng người. Phượng hoàng tung cánh, đối với y là một điều đơn giản mà y luôn cố chấp theo đuổi. Đối với tôi, đó chính là một giấc mơ tươi đẹp của thời thiếu nữ, không thích hợp để tiếp tục đắm chìm trong chốn thâm cung này. Tôi đã chứng kiến một mảnh mộng vỡ tan trên người My Trang rồi.
[2] Nguyên tác: “Phượng hoàng vu phi, hòa minh khanh thương”, trích từ Tả truyện - Trang công, ý chỉ phu thê tình thâm gắn bó.
Tiếng huýt sáo của y dần chùng xuống rồi tắt hẳn, điệu nhạc chấm dứt, y bèn chầm chậm bước tới trước mặt tôi và Huyền Lăng, nụ cười mỉm hướng về tôi nhàn nhạt, bình thản. Y đã bỏ bao nhiêu công sức vào món lễ vật này, cho nên chỉ dùng một câu chúc tụng cực kỳ vô vị: “Tiểu vương xin lấy hoa sen đầy hồ chúc mừng sinh nhật Hoàn Quý tần.”
Tôi thấy y chúc mừng sinh nhật của mình long trọng như vậy, chợt nhớ lại bức tranh cắt giấu trong túi gấm của y hôm đó, trong lòng sớm đã cẠthấy bất an, nhưng dù gì cũng đang ở trước mặt bàn dân thiên hạ, tôi bèn giữ vẻ mặt khách sáo, nền nã. “Vương gia vất vả rồi, bản cung hết sức cảm kích!”
Vừa dứt lời, Huyền Lăng đã cất tiếng cười lớn đầy sảng khoái. “Trẫm chỉ dặn dò ngươi nghĩ ra trò gì hay ho, mới lạ để chúc mừng ngày sinh của Hoàn Quý tần, không ngờ ngươi lại tài hoa như vậy, khiến trẫm cũng phải giật mình ngạc nhiên.” Nghe y nói như vậy, tôi mới an tâm.
Nụ cười của Huyền Thanh hết sức ôn hòa nhưng ánh mắt lại đầy xa cách. “Thần đệ chẳng qua là kẻ phú quý nhàn rỗi, chỉ thông hiểu những trò thế này. Hoàng thượng cũng biết mà, nếu không thì đã không nhờ thần đệ lo liệu giúp.”
Huyền Lăng nghe vậy thì cười lớn vẻ đắc ý, nhưng tôi nghe thì không khỏi động lòng. Huyền Thanh lộ vẻ bất cần như vậy nhưng trong lòng hẳn cũng rất băn khoăn, con trai của Ngọc Ách phu nhân chinh chiến sa trường, còn bản thân y là con trai được tiên hoàng yêu thương nhất, nay chỉ biết dốc lòng vào chuyện viển vông, lo liệu tổ chức ngày sinh nhật cho sủng phi của hoàng huynh. Hẳn là không thể không sinh lòng thương cảm.
Dung nhan của tôi ẩn giấu sau lớp lụa giao mỏng nhẹ, khóe môi nhếch lên lộ nét cười nhàn nhạt thấu hiểu. “Chỉ có điều, không biết vương gia làm thế nào mà có thể khiến cho hoa sen nở rộ vào tiết trời này được?”
Y nhìn sang tôi, trong mắt lóe lên chút tình ý dịu dàng, nhàn nhạt khó mà phát giác. “Củ sen đã được trồng sẵn từ sớm, đưa nước suối nóng ở bên ngoài gần cung nhất vào hồ Thái Dịch, hoa sẽ nở ngay thôi.”
Ánh mắt tôi lướt qua người y rồi dừng lại nơi Huyền Lăng, tôi cảm kích lên tiếng: “Đa tạ Hoàng thượng!” Giọng nói tràn đầy hoan hỷ, nụ cười hết sức quyến rũ. Vào giây phút này, cuộc đời tôi tựa hồ chẳng có gì không vừa ý cả.
Người tôi cảm ơn là Huyền Lăng. Đương nhiên tôi cũng biết Huyền Lăng chỉ dặn dò một tiếng, còn Huyền Thanh mới là kẻ vất vả dốc lòng làm nên. Cánh diều bay đầy trời không nói làm gì, còn hoa sen ư? Tôi chợt nhớ đến khoảng thời gian cuối tháng Tám năm ngoái và bó hoa sen nở rốn tận phút cuối cùng.
Y đương nhiên vẫn còn nhớ rõ.
Nhưng tôi lại không thể nói thêm điều gì, cũng không thể có cử chỉ nào khác lạ. Trong mắt người ngoài, y chẳng qua là một kẻ dòng dõi hoàng tộc từng gặp tôi trong buổi yến hội cung đình, bỏ công sức ra nhiều đến thế cũng chỉ vì Huyền Lăng. Nhưng những điều tôi hiểu và cảm nhận được thì người ngoài không thể nào biết được. Thế là tôi chỉ có thể lướt mắt nhanh như làn gió nhìn qua y một thoáng rồi khẽ gật đầu. Y nhìn lại tôi rồi mỉm cười với hoa sen nở đầy hồ.
Chúng tôi chẳng có chút gì liên quan đến nhau.
Thực ra tận đáy lòng, tôi cũng cảm thấy sợ hãi. Không có giờ nào phút nào mà tôi không ghi nhớ sâu sắc thân phận của mình, bởi vì ghi nhớ, bởi vì từng vô tình phát hiện ra bí mật như có như không của Huyền Thanh, bởi vì biết rõ thứ tình ý mà tôi khao khát nhưng chẳng bao giờ đạt được ấy, y có thể dễ dàng trao cho người vợ tương lai chưa hề biết mặt, tôi không khỏi tự thương thân mình, cố ý giữ khoảng cách với y.
Huyền Thanh khác hẳn với Ôn Thực Sơ. Tình cảm của Ôn Thực Sơ dành cho tôi, bởi vì tôi luôn biết rõ, luôn chẳng để ý đến, cho nên đối với tôi, hắn chẳng khác gì một chiếc lá bình thường trên cây, biết nó có tồn tại là đủ. Còn khi nào mọc, khi nào rụng thì chẳng mấy quan tâm, dẫu cho có một hôm nào đó hắn đột nhiên biến mất. Cũng vì thế mà tôi chẳng hề sợ hãi, chỉ là không muốn hắn nghĩ vẩn nghĩ vơ, chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho mình, cho người.
Còn Huyền Thanh ư, y là em trai của phu quân tôi, cơ hội gặp gỡ về sau còn quá nhiều. Hơn nữa, y lại hiểu được tôi, cũng hiểu không nên đem lại phiền phức cho tôi. Chỉ khi nào tôi đau lòng không kìm nén được thì mới cất tiếng an ủi một, hai câu. Chỉ có thế mà thôi!
Thái độ kìm nén và thông hiểu của y khiến cho tôi có chút động lòng và đồng cảm.
Hôm nay Huyền Lăng vui lòng đắc ý, cao giọng nói: “Chiến sự tây nam báo tin thắng trận, đại quân đã ban sư hồi triều. Trẫm đương nhiên phải luận công ban thưởng, thăng chức cho các tướng sĩ.” Y quay đầu nhìn tôi, tươi cười vui vẻ. “Ngày mà anh trai Chân Hành của nàng hồi triều, trẫm sẽ phong cho y làm Phụng Quốc tướng quân, tứ hôn cho y và Tiết thị, được không?” Ân huệ cao quý như vậy, tôi đương nhiên chỉ biết tạ ơn. Huyền Lăng cao giọng nói lớn, mọi người có mặt đều nghe rõ mồn một, tôi đảo mắt nhìn quanh, chợt thấy mặt Lăng Dung ngồi cạnh Lưu Thận tần biến sắc rồi sau đó lại lập tức trơ ra, trầm lặng như cũ.
Có lẽ đến giờ, Lăng Dung đã đủ trưởng thành để hiểu rõ, mối tình thiếu niên vương vấn đến tôi cũng chẳng tỠtường giữa nàng ta và ca ca cuối cùng cũng phải chấm dứt bên trong hậu cung giữa bốn bức tường đỏ thắm. Lạnh lẽo thê lương, ai lo đời người nấy, chẳng cần nhớ lại làm gì.
Tôi không khỏi cảm thấy đau lòng nhưng Hoàng hậu đã vui vẻ nói tiếp ngay: “Ngươi đã là Quý tần, phụ thân vốn là quan lớn trong triều, nữ quyến trong nhà cũng phải được phong thưởng mới phải. Bản cung đã ban phượng dụ, phong mẹ của người làm chính tam phẩm Bình Xương quận phu nhân.” Trong lúc nói chuyện, nàng ta đưa mắt nhìn lướt qua khuôn mặt trang điểm kĩ càng của Hoa Phi.
Mẫu thân của Hoa Phi vốn là chính tam phẩm Hà Nội quận phu nhân, Hoa Phi từng ỷ được sủng ái, vòi vĩnh Huyền Lăng phong mẹ của mình làm chính nhị phẩm phu nhân, đó chính là vinh dự mà chỉ có gia quyến của tứ phi có được nên bị Hoàng hậu ra sức phản đối, cuối cùng phong thưởng không thành. Vì chuyện này, Hoa Phi hết sức mất mặt, lúc nào cũng ra mặt chống đối Hoàng hậu. Hiện giờ mẫu thân của tôi dễ dàng có được cáo phong, nàng ta tự nhiên sẽ trút hết cơn giận lên đầu tôi.
Còn đối với tôi, ngày hôm nay, vinh dự và hào quang đã đạt đến cực điểm.
Ngẩng cao đầu nhìn quanh, hoa sen nở rộ đầy hồ, lá sen xanh ngắt nối tiếp nhau, cánh hoa trong ngần dưới ánh mặt trời, làn nước mềm mại, dập dờn, phản chiếu vô số tia sáng mỹ lệ lấp lánh, hào quang chuyển động lung linh.
Ở nơi đây, cuộc đời của tôi muôn hồng nghìn tía, cẩm tú vô song.
Hoa tươi trên gấm, lửa cháy thêm dầu, những ngày tốt đẹp hẳn là như thế này đây.