Tháng Tư là mùa hoa tulip và chắc chắn đó là mùa của Hà Lan. Khi cánh đồng hoa tulip nở tung tạo thành những dòng kẻ đầy sắc màu cũng là lúc vườn hoa Keukenhof bắt đầu mở cửa và vụ pho mát mới đã vào mùa ở Alkmaar.
Thực ra thì mùa nào Hà Lan cũng có vẻ đẹp riêng nhưng có lẽ tháng Tư là mùa hợp với Hà Lan nhất. Vào mùa ấy gió và nắng bắt đầu tràn về quấn quít bên những cối xay lừng lững, hội chợ pho mát ở thành phố Alkmaar cũng bắt đầu rộn ràng và triệu triệu bông hoa tulip đua nhau khoe sắc trên những cánh đồng thẳng tắp nơi chân trời.
Tôi chỉ có năm ngày ở Hà Lan trong khi tháng Tư Hà Lan có quá nhiều sự kiện như vậy nên những ngày ở Hà Lan là những ngày tôi cuống quýt với mùa xuân.
“Pho mát”, cười lên nào!
Tôi lục tung cả đống bản đồ và sách du lịch để tính toán hành trình sao cho hợp lý nhất. Cuối cùng tôi chọn làng Alkmaar cách Amsterdam hơn một giờ tàu là điểm đến đầu tiên. Lý do cho sự lựa chọn này là lời giới thiệu thật hấp dẫn của anh chàng lễ tân đẹp trai người làng Alkmaar ở khách sạn mà tôi ở. Đặc biệt hơn, thứ sáu đầu tiên của tháng Tư cũng chính là lễ hội pho mát đầu tiên của năm, mở màn cho hai mươi hai thứ sáu trong năm. Thời điểm này đã nườm nượp các chàng trai cô gái gánh gồng pho mát về dự lễ hội nên không khí đông vui nhộn nhịp vô cùng.
Đúng như lời chàng lễ tân nói, tuy còn sớm mà dòng người khắp nơi đã tấp nập đổ về Alkmaar. Vui nhất là khi hỏi thăm đường tới quảng trường Waagplein nơi diễn ra lễ hội, tôi luôn nhận được câu trả lời: “Just follow that stream of people” (cứ đi theo dòng người đằng kia). Vậy là tôi nhập bọn, chẳng cần biết đi đâu cứ hòa vào dòng người đang nói cười lao xao khắp con đường dẫn ra quảng trường trung tâm. Trong dòng người đổ về, tôi ngỡ ngàng bắt gặp nhưng cô gái Hà Lan trong bộ trang phục váy diềm đăng ten điệu đà và mũ trắng, chân đi đôi giày gỗ xinh xinh. Những người đàn ông về dự lễ hội thường mặc cả bộ quần áo trắng, đội mũ trắng, điểm khác biệt duy nhất là dải ruy băng thắt trên mũ màu xanh, đỏ hoặc vàng. Sau này tôi mới biết, màu sắc dải mũ tượng trưng cho các đội từ các làng khác nhau về thi pho mát. Có một điều đặc biệt là ai cũng khá gầy và rất cao khiến những cô gái châu Á như tôi cứ phải ngước mắt lên nhìn. Không chỉ nheo ánh mắt tinh nghịch trêu đùa cùng các thiếu nữ và khách du lịch, họ còn hát dân ca rồi nhảy rất tự nhiên trong khi tay vẫn cầm chai bia Heiniken và miệng thì ngậm tẩu xì gà. Một không khí lễ hội tràn ngập khắp thành phố xinh xắn Alkmaar.
Đúng mười giờ sáng, lễ hội bắt đầu. Sau tiếng vỗ tay hiệu lệnh của người điều khiển, người mua và người bán sẽ cân những bánh pho mát tròn vàng, mịn màng trên những chiếc đòn bằng gỗ và gánh ra quảng trường, xếp lại ngay ngắn. Tất cả đều diễn ra rất nhanh, nhịp nhàng và chuẩn xác. Tôi đoán những bánh pho mát đó khá nặng vì dường như người đàn ông nào cũng phải gồng mình để gánh chúng. Những bước chân của họ thật điệu nghệ và uyển chuyển cuốn theo hàng tràng vỗ tay háo hức của người xem và khách du lịch. Người thủ lĩnh của nhóm gánh pho mát được gọi là “cheese father”, cũng là người quyết định đưa ra hiệu lệnh và tiếng hô để hai hoặc cả nhóm người phối hợp cân rồi đưa những bánh pho mát ra sân một cách nhanh nhất. Thỉnh thoảng, họ còn tiện thể gánh hai ba đứa trẻ con tóc vàng hoe nở nụ cười ngộ nghĩnh, ngây thơ. Các cô gái Hà Lan trong bộ váy truyền thống sẽ đi một vòng quanh sân, mời bạn nếm thử những miếng pho mát địa phương thơm ngon. Tiếng loa bán đấu giá vang lên lanh lảnh khắp quảng trường. Không khí thật sôi nổi, hồi hộp, vui tươi kéo dài từ mười giờ sáng đến mười hai giờ ba mươi vẫn chưa dứt, dù đó là thời điểm kết thúc của phiên đấu giá. Nắng lên vàng ươm và trên quảng trường cũng đầy những bánh pho mát vàng ươm xếp chồng lên nhau.
Như tất cả những người dân tham gia lễ hội, tôi cũng nếm pho mát và tò mò hỏi thăm giá cả. Sau một vòng tham khảo thì vị giác của tôi bão hòa đến nỗi không thể phân biệt được loại pho mát nào nữa. Đó cũng là điều dễ hiểu vì pho mát ở đây không phải là những loại trứ danh của Hà Lan như Edam hoặc Gouda mà hoàn toàn là sản phẩm địa phương. Bạn cũng đừng mong có thể mua pho mát tại sân đấu giá này vì cả phiên chợ tấp nập đang diễn ra trước mắt bạn chỉ để cho bạn biết rằng: người Hà Lan mấy trăm năm trước đã bán mua pho mát như thế nào. Chợ pho mát Alkmaar có từ năm 1593 đến nay đã trải qua biết bao đổi thay, thăng trầm, nhưng cái cách người Hà Lan bảo tồn khu chợ đã khiến du khách đến đây ai cũng yêu mến thành phố Alkmaar. Trên đường phố Alkmaar ai cũng biết cách chào nhau bằng câu nói “say cheese” (hãy nói “pho mát” nào, vì khi phát âm chữ “cheese”, bạn sẽ đương nhiên nở nụ cười thật tươi).
Ai chẳng biết Hà Lan có nhiều cối xay gió, ai chẳng biết ở đây gió thoải mái tung tăng trên vùng đồng bằng trải tít tắp đến chân trời, nhưng khi tận mắt chứng kiến những chiếc cối xay gió bên bờ sông Zaan, tôi mới thật sự choáng ngợp.
Không chỉ có những chiếc cối xay gió đồ sộ vẫn kẽo kẹt khi gió ùa đến, khung cảnh chung của ngôi làng Zaanse Schans đều thật lãng mạn và nên thơ. Hai bên bờ sông lồng lộng gió, những căn nhà thấp bằng gỗ sơn xanh, cửa sổ trắng xinh xắn nằm trong những khu vườn nho nhỏ được bài trí thật hợp lý. Hoa thủy tiên nở vàng soi bóng bên dòng kênh, hoa đầu xuân rực rỡ xung quanh khuôn viên một căn nhà nhỏ, hoa tulip đu đưa trước gió và lũ vịt đủng đỉnh bơi giữa đám lau cứ như thể tôi đang sống ở nước Hà Lan trong những câu chuyện cổ tích xưa kia vậy. Bác đưa thư vẫn cần mẫn bên chiếc xe đạp sơn đen với hai thùng thư bằng sắt đằng sau. Và khi ai đó gõ cửa bất cứ căn nhà nào trong làng thì một chú cún con lăng xăng chạy ra sủa trước, át cả tiếng đàn gà xáo xác. Nếu muốn mua giày gỗ, bạn cứ đi loanh quanh trong làng, thế nào cũng thấy một bác thợ mộc (lạ là cũng khá gầy và rất cao) đang cần mẫn bên những súc gỗ, loáng một cái là đã làm ra đôi giày gỗ trắng, sơn vẽ thế nào thì tùy ý người mua. Những đôi giày này thường được làm bằng gỗ liễu, gỗ dương hay gỗ sồi. Ngày nay không ai dùng giày gỗ hàng ngày nữa nhưng cảm giác xỏ chân vào đôi giày gỗ man mát thật thú vị. Một số chiếc giày treo bên cửa, giờ đã biến thành bình cắm hoa tulip hay hoa đầu xuân.
Gió vẫn đùa nghịch trên khắp ngõ ngách trong làng và những cánh quạt cối xay đồ sộ vẫn quay đều. Thỉnh thoảng khi gió chao nhanh, đám trẻ con cười khanh khách hòa nhịp cùng tạo nên những âm điệu đồng quê ngập tràn hạnh phúc. Một số cậu bé giả làm Don Quijote vung tay thách đấu với cối xay. Một số nhà cối xay vẫn xay lúa mạch, bụi bay mù một góc. Tuy vậy, đa số khách đến làng chẳng màng đến chuyện xay lúa mà chỉ tìm cách leo lên tầng hai của nhà cối xay để rướn tay chạm vào những cánh quạt lừng lững, tưởng như muốn theo đó đu lên không trung.
Tôi thả bộ bên bờ sông Zaan vi vút gió, mỏi chân thì ngồi vắt vẻo bên những lan can gỗ nhô ra sông, đạp chân vào đám lau sậy đang vẫy cờ phần phật. Bình yên biết bao, ngày thứ hai ở Hà Lan.
Triệu triệu bông tulip
Trên những chuyến tàu ngang dọc Hà Lan tháng Tư, tôi bắt gặp những cánh đồng đẹp như tranh vẽ bởi sự hòa sắc của muôn ngàn luống hoa thẳng tắp, màu đỏ gối màu vàng, màu hồng kết hợp với nền trời mùa xuân xanh lơ. Nhưng phải đến tận vườn hoa Keukeuhof của thành phố Lisse, tôi mới biết thế nào là hoa tulip ở Hà Lan. Vườn châu Âu này vốn là triển lãm ngoài trời cho những người trồng hoa mỗi dịp xuân về nên xuất hiện những bông tulip thật lạ. Có những bông màu đỏ huyết dụ, màu đen và cả những bông có cánh diềm lua tua. Không chỉ tulip, những bông dạ lan hương xanh tím, bông thủy tiên vàng cũng chen nhau khoe sắc. Mấy cây hoa anh đào ở góc vườn cũng lặng lẽ thả muôn vàn những cánh hồng phớt mong manh lên vạt cỏ và dòng suối nhỏ trong veo. Tôi thích hoa diên vỹ cũng chỉ vì mê bức tranh Hoa diên vỹ của Vincent Van Gogh nên tôi cứ lang thang khắp vườn để tìm hoa, dù biết rằng hoa diên vỹ phải đến hè mới nở.
Trong khu vườn, hoa tulip vẫn là nhiều nhất, bạt ngàn cả công viên, quay tứ phía cũng chỉ bắt gặp hoa tulip mà thôi. Riêng tôi vẫn thích nhất vạt hoa tulip đỏ, màu đỏ thật mê hoặc. Tôi cảm tưởng như mình mê đi giữa màu đỏ rực rỡ mà đằm thắm, dữ dội mà bí ẩn từ hàng vạn bông tulip đu đưa trước gió như muôn ngàn những cây đèn lồng nhỏ.
Tôi không ngạc nhiên khi biết, có đến hơn bốn triệu bông hoa tulip khoe sắc ở vườn này mỗi độ xuân về. Tuy nhiên, con số đó khiến tôi liên tưởng tới bài hát Triệu bông hồng mà tôi hằng yêu thích. Không biết có anh họa sỹ nào đang vẽ tranh trong vườn hay không, nhưng có lẽ cô gái nào cũng sẽ vô cùng cảm động nếu được cùng chàng trai mình yêu nắm tay nhau đi dạo trong vườn mà như đi giữa cả đại dương hoa tulip đỏ này.
Hẹn hò với Hà Lan
Sáng sớm tháng Tư nắng trong veo, đường phố Amsterdam vốn nhộn nhịp về đêm bỗng trong trẻo lạ thường. Hôm nay tôi lên chuyến tàu sớm để tạm biệt Hà Lan, và tôi quyết định thả bộ ra ga. Sáng sớm mà ai đó đã dựng vội chiếc xe đạp cũ bên bờ cây cầu xinh xinh, giỏ xe rực rỡ bó hoa tulip màu cam gói trong giấy báo còn đẫm ánh sương đêm. Tôi tưởng mình ngái ngủ vì đâu đâu cũng thấy những căn nhà gạch nâu đen cứ xô ngả nghiêng trái phải. Thấy tôi và các bạn cứ nheo mắt bàn tán, chàng trai Hà Lan đi ngang giải thích rằng điều đó là sự thực vì với đặc thù đất lấn biển, nền đất ở đây tương đối mềm khiến các căn nhà cứ phải nghiêng nghiêng dựa vào nhau mà sống. Rồi thật bất ngờ chàng đố tôi vì sao trên mái mỗi căn nhà đều có móc như để treo ròng rọc, đố tôi cảng biển Rotterdam lớn thứ mấy thế giới, giày “klompe” là giày gì… Hỏi và trả lời, tôi chợt phát hiện ra còn biết bao điều tôi chưa biết về Hà Lan. Tôi ước gì kỳ nghỉ Phục Sinh của tôi kéo dài thêm mấy ngày nữa để tôi có thể lang thang khám phá thêm mảnh đất kiên cường miệt mài lấn biển mà vẫn không quên giữ những nét văn hóa thật đặc sắc.
Tàu đã đến rồi và đã đến lúc tôi phải nói lời tạm biệt.
Thôi thì Hà Lan ơi, mình hẹn lần sau nhé, khi tháng Tư lại về!