Ngày kia, lúc tôi đang ngáp ruồi vì ế khách, thì một nhóm thanh niên đi ngang qua. Họ sà xuống làm quen. Tưởng khách rủ đi, tôi mừng thầm trong bụng. Ai dè, họ nói toàn chuyện trên trời dưới đất, si đa si điếc gì đó. Bực mình vì không có tiền, tôi trút giận vào họ. Tôi chửi té tát: “Đ. M, tụi bây biến đi chỗ khác cho tao nhờ. Đi cho tao làm ăn. Đồ ám quẻ. Si đa gì ở đây?”. Lạ một điều, dù tôi có chửi thế nào, các thanh niên này vẫn cứ đến. Có lúc họ còn mời tôi đi uống cà phê, mời tôi hút thuốc, dù bị đám ma cô dẫn mối bảo: “Mấy thằng này không đủ tiền chơi gái, tới đây nói chuyện xạo cho đỡ vã”.
Cứ vài ngày họ lại đến, riết rồi quen mặt. Bẵng đi một tuần nhóm thanh niên ấy không đến, tôi cũng chẳng quan tâm làm gì. Chiến dịch liên miên. Tôi ngồi bó gối chờ thời. Nga “điên” dẫn mối tìm tôi: “Tâm. mày có khách quen tới kiếm kìa! Đỡ vã rồi nghe. Mày nhớ cứu bồ tao với đó!”. Tôi mừng húm. Có khách quen tới kiếm tức là có tiền trang trải nợ nần cho ngày mai rồi. Tôi lật đật chạy tới… Quỷ thần ơi! Hai thằng nhóc con và thằng cha xì ke hôm bữa chứ khách khứa gì đâu? Tụi này tìm tôi để nói ba cái chuyện tào lao đây mà. Thật đen đủi quá. Họ lại nói toàn chuyện bệnh hoạn cho tôi nghe, cho tôi tờ giấy in toàn hình mấy người đau ốm. Mỗi lần họ đưa là mỗi lần tôi đốt ngay trước mặt họ để đốt phong long.
Bữa đó cuối tuần ế khách, tôi lại ngồi suy ngẫm chuyện đời. Càng nghĩ càng buồn. Bà dẫn mối lại kêu rân trời: “Tâm ơi, có khách!”. Tôi vội đứng lên. Lại mấy thằng quỷ sứ. Mấy thằng ám quẻ tới tìm. Không hiểu lý do gì tụi này cứ tìm mình hoài? Làm gì đây vậy trời? Để cắt đứt mấy thằng ám quẻ, tôi nói một hơi, cốt để họ không tìm tới nữa: “Si đa hả? Nó lây ra làm sao, lây như thế nào, tôi biết rồi khỏi phải dạy”. Không ngờ tôi vừa dứt lời thì một người tên Lê Ngọc Thanh gợi ý: “Chị có thích đi làm giống như tụi này không? Em thấy chị nói năng cũng hay lắm! Chị vừa vui vừa tiếu lâm. Hay là chị tham gia nhóm đi. Em sẽ giới thiệu chị với sếp để chị đi làm chung với tụi em cho vui”. Tôi nghĩ thầm: Lại thêm một lũ xạo nữa rồi. Cơn khùng trong tôi bùng nổ: “Tụi bây nói láo cũng vừa vừa thôi chứ. Đ.M, có biết bao nhiêu thằng làm giám đốc đi ngủ đêm với tao cũng đã hứa hẹn giúp tao việc làm đàng hoàng. Cuối cùng cũng là hứa cho có lệ. Rốt cuộc có được cái con c. gì đâu? Huống hồ chi tụi bây, còn cơm cha áo mẹ. Đi chỗ khác chơi đi mấy cha, cho con kiếm sống với. Mấy cha ngồi đây nói toàn chuyện si đa si điếc hoài, con mất khách hết. Mấy cha làm ơn đi chỗ khác!”.
Thấy tôi nổi cơn tam bành, anh Hùng, người lớn tuổi nhất trong nhóm kéo các bạn đi và hẹn khi khác sẽ trở lại. Quả thật, tôi đã hết thời làm “gái” ngay trong đêm hôm đó. Tôi đi ngủ đêm với khách, bị mười mấy thằng làm hội đồng, còn bị lột sạch áo quần. Một anh xích lô thương tình về nhà lấy đồ của vợ anh đem ra cho tôi mặc để về. Anh còn nói, anh chạy xe ban đêm, anh thường gặp tụi du côn này rước gái về chơi hội đồng hoài, nhưng anh không dám can thiệp vì sợ bị trả thù. Anh chỉ âm thầm giúp các chị em như tôi thôi. Anh khuyên tôi nên kiếm nghề khác để làm ăn. Tôi ậm ừ cho qua chuyện, cám ơn anh giúp đỡ tôi trong lúc như vầy. Xong, tôi lội bộ về khu Lê Lai cách đó sáu, bảy cây số. Cay đắng, tủi nhục. Tôi không còn tin bất cứ ai trong cuộc đời này. Liên tục một tuần lễ, tôi ế khách, nợ chồng nợ chất, không còn cách để xoay trở. Tôi lại nghĩ đến cái chết. Có lẽ chết là sướng nhất. Chết là thoát nợ đời. Chết rồi sẽ không còn bị bầm dập xác thân bởi cái nghèo, khỏi phải đi bán xác thân để sống nữa…
Lúc tôi đang suy nghĩ mông lung về cuộc đời, về gia đình thì “đám si đa” lại tìm đến, lân la hỏi chuyện. Tôi nghĩ: “Thôi kệ, lúc này có tụi nó trò chuyện cũng đỡ buồn, cũng vơi bớt sự cô đơn”. Lê Ngọc Thanh, cậu thanh niên có dáng người nhỏ nhất trong nhóm, nói chuyện với tôi nhiều nhất. Tôi cũng kể Thanh nghe về cuộc đời của tôi, về quá khứ, về hiện tại khổ đau, về những ước mơ bình thường… Thanh chỉ ngồi yên lặng nghe tôi kể lể.
Lúc chia tay, Thanh không quên nhắc lại đề nghị hôm trước về việc tham gia nhóm. Thanh nói: “Chị cứ thử đi với tụi em vài bữa. Nếu thích thì chị làm, không thích thì nghỉ. Không sao hết. Em thấy việc này phù hợp với khả năng của chị và em tin chị làm được!”.
Tôi muốn thử thời vận để thay đổi cuộc đời khốn khổ của mình.
Thế là Ngọc Thanh đưa tôi đi gặp anh Phạm Thanh Vân
Vượt qua thử thách
Vài ngày sau, chị em từng làm chung con đường Hồng Thập Tự thấy tôi xuất hiện với bộ mặt mới. Có đứa hỏi: “Ê! Bộ mày tìm cách trốn nợ hả? Sao hổm rày không thấy mặt vậy?” Đứa khác trả lời thay tôi: “Nó đi theo mấy thằng làm si đa si điếc gì đó”. Thúy, chủ nuôi “gái” chen vô hỏi: “Ê Tâm! Trong ba thằng mày lấy thằng nào? Thằng già nhất (Hùng phở), thằng đẹp trai (Công Bình), hay thằng suy dinh dưỡng (Ngọc Thanh)?”. Thúy tiếp luôn: “Tao thấy mày nên lấy thằng đẹp trai vì nó vừa đẹp vừa có duyên. Lấy nó đi, tao thấy được đó”. Tôi nói: “Thôi đi mấy mẹ! Một thằng thì bằng tuổi tao, còn hai thằng kia tuổi của nó còn nhỏ hơn em trai út của tao nữa. Lấy gì mà lấy, tụi bây khùng quá đi”. “Ối! Nhằm nhò gì mày. Mà có sao đâu? Bộ mày tưởng dễ có chồng nhỏ tuổi hơn mình lắm hả?”.
Mỗi người chọc một câu, tôi chỉ cười trừ. Loan, nhỏ bạn thân của tôi nói: “Làm đĩ dễ kiếm tiền. mày đang hái ra tiền, chỉ bị xui có mấy ngày mà mày đã nản thì làm sao “tổ” đãi được? Tự nhiên bỏ đi theo mấy thằng làm si đa. Một tháng được bao nhiêu tiền lương? Trong lúc mày phải nuôi cơn nghiện của mày, nuôi má, lại nợ nần chồng chất… Làm sao mày sống nổi với đồng lương chết đói đó? Áo quần không có. Lấy tiền đâu ra để mướn, để mua? Mày chỉ có ba bộ đồ dính da. Làm sao sống nổi? Thời buổi này sống lương thiện là tự sát đó. Bộ mày tính trở về thời xa xưa làm con gái nhà lành hả? Hiện tại của tụi mình đâu có tốt đẹp gì. Ai tin tụi mình tốt? Ai tin mày sống đàng hoàng? Mày điên quá đi. Điên hết chỗ nói. Quá khứ còn rành rành ra đó, mày có cố gắng sống cho tốt đi nữa người ta vẫn coi mày là con “đĩ”, là con “xì ke”, mày biết không, đồ ngu?”.
Loan chửi tôi một tràng. Tôi không cãi, chỉ lẳng lặng ngồi nghe. Bởi vì nó nói cũng có những câu đúng. Nó cũng từng cố gắng sống tốt, từng mơ ước thay đổi cuộc sống. Nhưng cuối cùng chỉ là con số không. Tôi hận cuộc đời giống nó nên tôi hiểu tâm trạng của nó. Đợi nó hết chửi, tôi từ từ giải thích: “Tao đợi ngày này lâu lắm rồi mày có biết không? Từ ngày giải phóng đến giờ lận. Tao đâu muốn sống bằng cái nghề khốn nạn này, cái nghề mà gặp ai cũng sợ, gặp ai cũng phải né tránh, cái nghề mà đêm đêm ra đứng lề đường trông ngóng một người đàn ông mà mình không hề yêu thương, mời gọi để bán xác thân, ăn ngủ với người ta mà không có chút tình cảm. Cũng chỉ vì đồng tiền thôi. Cái nghề mà gặp công an còn sợ hơn cha mẹ. Sống như vầy chán lắm rồi! Tao muốn thay đổi, dù khổ tới đâu tao cũng chịu! Tao muốn giúp tao và có thể giúp được bạn bè như tụi mình”. Loan xì: “Mày hơi cải lương đó Tâm. Mày ráng sống cho tốt nghen… Ráng nhịn đói đi làm si đa, rồi ráng nhịn đói mà đi trốn nợ”. Tôi đáp lời Loan: “Nợ mòn con lớn, lo gì mày?”.
Loan nhắc tôi: “Mày ráng nhớ lời tao nói nghe. Dù có làm chín mươi chín điều tốt cho xã hội thì mày vẫn là con nghiện, vẫn là con đĩ. Chỉ cần một chút lỗi lầm nào đó, lập tức mày sẽ bị lên án. Tao chỉ có lời khuyên này để mày suy nghĩ lại. Bọn người trí thức không dễ dàng chấp nhận hạng người như tụi mình đâu. Nếu họ có giúp mày thì cũng chỉ để lấy mày làm công cụ cho họ nổi tiếng, cho họ hái ra tiền. Họ kiếm được mười đồng thì chỉ cho mày năm cắc… Toàn đạo đức giả hết, mày có biết không, đồ ngu? Tao ráng chống con mắt coi mày làm người tốt được bao lâu. Ráng đừng để phải trở lại hè phố nghe con, đừng để nghiện trở lại nghen con. Tụi tao sẽ ỉa vào mặt mày đó! Đám trí thức mưu mô xảo trá tinh vi theo kiểu trí thức, mày làm sao mà hiểu được? Hết xôi rồi việc, mày ráng giữ thân, ráng tu thành Phật nha. Tao thấy lỗ tai mày dài dài rồi đó…”.
Nói xong, nó bỏ đi kiếm khách. Tôi uể oải ra về, vừa đi vừa suy nghĩ lời Loan nói. Tôi cũng thấy lo lo, liệu rồi đây tôi có bị “vắt chanh bỏ vỏ” không? Trước mắt tôi hàng ngày nhan nhản những chuyện như vậy. Khi đi ngủ đêm với khách, tôi nghe họ bàn tán bao nhiêu là chuyện xảy ra trong cơ quan. Người ta chia phe chia nhóm, chà đạp lên nhau mà đi, huống chi tôi chỉ là con nghiện ma túy và là gái làm tiền...
Tuy hoang mang nhưng tôi vẫn gắng gượng đứng lên, quyết phải làm người. Tôi chăm chú quan sát, học hỏi cách tiếp cận từ thực tế mà các bạn mới của tôi đang làm. Càng ngày, tôi càng khám phá và cảm nhận tình người quanh tôi. Tôi được gặp gỡ, được tiếp xúc với những anh chị có địa vị trong xã hội, được cảm thông, giúp đỡ, động viên… Dần dần, tôi trở lại con người thật của mình lúc nào không hay!
Mỗi tối, tôi đi tiếp cận các đối tượng tại khu vực mà trước đây tôi từng kiếm cơm. Không riêng gì Loan mỉa mai mà các bạn cùng nghề mại dâm với tôi trước đây cũng vậy. Hễ thấy tôi đi tuyên truyền về si đa là họ xầm xì bàn tán. Nào là hết thời làm đĩ mới đi làm chuyện ruồi bu. Nào là làm bộ nói si đa để quảng cáo “áo mưa” (bao cao su) chứ si đa si điếc gì. Cũng có người động viên tôi. Họ nói rất muốn được như tôi, muốn có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng họ không chữ nghĩa, khó mà làm được việc gì. Họ bảo tôi hãy cố gắng giữ vững lập trường, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để trở thành con người có ích cho xã hội. Tôi hãy thay họ làm tốt để chứng minh cho mọi người trong xã hội thấy rằng xì ke, mại dâm không phải là đồ bỏ đi hoặc không làm được gì, cũng không phải là nhọt lở, là cặn bã… như xã hội từng lên án. Chúng tôi vẫn có thể sống tốt nếu được xã hội tạo điều kiện, giúp đỡ thật tình.
Nhưng cũng không ít người chửi tôi ngu, làm gái mỗi đêm bèo lắm cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng, còn đi làm “người tốt” như vậy cả tháng chỉ có ba trăm ngàn. Nợ nần, góp sách vẫn còn đó, nhà cửa thì không, đói nhăn răng lại bày đặt học làm người tốt, bày đặt học sống đàng hoàng… Mỗi người một câu. Chửi cũng có. Động viên cũng có. Tôi đều ngồi nghe, để thêm kinh nghiệm sống mà trở lại làm người bình thường. Tôi vừa học vừa làm. Tôi học ở những người bạn mới, dù họ nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều. Rồi tôi quen dần với công việc. Tôi nhận ra nhiều điều mới lạ xung quanh. Tôi bắt đầu hiểu tiếp cận là gì, tập huấn là sao… tuy công việc của tôi còn mới mẻ và khó khăn, tuy mọi người vẫn cho công việc này là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, là việc tào lao.
Quả thật làm người tốt không đơn giản chút nào. Mỗi buổi sáng, tôi phải thức dậy thật sớm chui ra khỏi gầm cầu thang chung cư Chợ Quán, nhịn đói lội bộ đến điểm hẹn với các bạn rồi mới đi tiếp cận. Thời điểm này, chúng tôi chưa có văn phòng riêng để làm việc. Anh Phạm Thanh Vân là trưởng nhóm. Anh kết hợp với Trung tâm cai nghiện ma túy Bình Triệu để làm công tác tuyên truyền. Vào sáng thứ Hai đầu tuần, tất cả chúng tôi phải đạp xe lên Trung tâm Bình Triệu để họp giao ban, còn để triển khai công tác thì họp ngay tại các công viên hoặc ngồi trước thềm Cung Văn hóa Lao Động. Được vài tháng, chúng tôi bắt đầu có văn phòng riêng ở số 41/3 đường Phạm Ngọc Thạch. Bản thân tôi cũng thấy yên tâm và tự tin hơn để mà sống cho tốt.
Tôi cứ đi bộ để làm việc trong khi cả nhóm ai cũng có xe đạp để đi. Còn Bình thì có xe Honda PC chạy tới chạy lui. Thấy tôi không có xe đạp, các bạn hùn tiền cho tôi mượn để mua xe đạp cũ mà đi Được giúp đỡ có xe, tôi rất xúc động. Tại sao mấy đứa này gan quá, dám cho tôi mượn tiền? Tụi nó không sợ tôi bỏ trốn sao? Chính sự ân cần của các bạn càng giúp tôi thêm nghị lực để vươn lên. Tôi cố gắng sống thật tốt để tạo niềm tin nơi các bạn mới của tôi. Dần dần nghề dạy nghề, tôi có nhiều kỹ năng tiếp cận hơn, nói năng không còn ngập ngừng như trước nữa. Từ ngày có văn phòng, tôi có cảm giác mình đã là một nhân viên chân chính như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác trong xã hội - có công ăn việc làm, sáng đi chiều về. Lúc này tôi mới thấy giá trị đích thực của sức lao động.
Tôi quý trọng chiếc xe đạp cà tàng mà các bạn hùn tiền cho tôi mượn. Tôi dùng nó để đi tiếp cận ở những “điểm đen”, để tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV cho các chị mại dâm, các anh nghiện ma túy biết những nguy cơ mà phòng tránh. Ngày ba buổi, sáng học tập, chiều và tối đi tiếp cận. Tôi vẫn đạp xe đều đặn từ chỗ ở tới văn phòng hơn năm cây số. Má tôi thấy tôi cứ đi đi về về, ăn cơm ké hoài mà không phụ đồng bạc nào, bà cũng bực mình. Bà thường chửi chó mắng mèo khi có mặt tôi ở nhà. Tôi hiểu má tôi vì tiền bạc không có nên đâm ra bực bội. Có lần, má tôi nói: “Mày có thấy con Tâm con dì Hồng không? Nó đi làm gái đem tiền về nuôi cả nhà. Dì Hồng ăn ở không, tối ngày đánh bài, không cần làm gì hết. Còn mày đi tối ngày về không có đồng xu dính túi. Đi đã rồi về lục cơm nguội ăn. Riết rồi tao thấy mày giống thằng cha mày, cùng là thứ đểu cáng. Còn mụ nội mày thì lường gạt gia tài của tao…”. Đó là điệp khúc muôn thủơ của má khi bà không có tiền. Chịu hết nổi lời nói bạc bẽo của má về nội, tôi cãi: “Má đừng nói thêm cho nội. Má bỏ mấy chị em tui dưới Cần Thơ. Nếu không có nội, chắc gì giờ này còn tụi tui trên đời? Ai lường gạt má? Gia tài của má làm gì có ở đây? Có ở tận Cà Mau kìa, má về đó mà đòi!”.
Một trận cãi vã kịch liệt giữa hai má con. Tôi ôm quần áo bỏ đi, rời xa má tôi, rời xa gầm cầu thang chung cư Chợ Quán. Tôi lang thang không biết về đâu. Không còn nơi nương tựa để có thể sống cuộc sống tốt mà tôi vừa có được. Trong túi không có tiền, giấy tờ tùy thân cũng không nốt, làm sao thuê được căn phòng nhỏ để ở? Tôi lang thang, chân mỏi rã rời. Đánh liều, tôi về văn phòng xin bảo vệ cho ngủ đỡ qua đêm. Bảo vệ không dám cho tôi ngủ nhờ vì sợ bị sếp rầy. Tôi năn nỉ mãi, cuối cùng anh đành cho tôi ngủ tạm ở phòng sinh hoạt.
Bốn giờ sáng, tôi dậy thật sớm rời văn phòng, ra đầu hẻm ngồi chờ Bình đến để nhờ Bình nói giùm vài câu với bảo vệ cho tôi ở nhờ. Thời gian chờ đợi dài lê thê... Tất cả nhân viên lần lượt đến văn phòng làm việc. Tôi chận Công Bình ở đầu hẻm và kể Bình nghe chuyện xảy ra giữa tôi và má. Nghe xong, Bình hứa sẽ tìm cách giúp tôi được ngủ tạm ở văn phòng. Bình còn an ủi tôi: “Chị phải cố gắng lên, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Tụi em không bỏ chị đâu!”. Từ đó, tôi ngủ tạm ở văn phòng. Ban ngày tôi đi tiếp cận với các bạn, đến tối khi các bạn về nhà hết, tôi vẫn đi tiếp cận một mình. Vì tôi cũng không biết đi đâu nữa. Đến 22 giờ đêm, tôi mới dám mò về văn phòng. Chờ anh Phạm Thanh Vân, sếp của chúng tôi ra về, tôi mới dám nhấn chuông xin vào. Tắm rửa vệ sinh xong là trải khăn bàn ra nằm ngủ ngon lành sau một ngày mệt lử. Ngủ một mạch đến bốn giờ sáng thức dậy, vệ sinh xong lại ra đầu hẻm ngồi uống cà phê chờ đúng giờ làm việc mới dám trở vô…
Ngày qua ngày, tôi cứ lén lút như một tên trộm ở văn phòng. May mắn cho tôi là tất cả bảo vệ đều thương cho hoàn cảnh của tôi. Cả ba người đều muốn giúp tôi nên đều giấu sếp để tôi được ở tạm tại văn phòng. Có đêm, anh Vân ở lại văn phòng để làm kế hoạch, tôi đành ra Hồ Con Rùa thức với nhóm các bạn đồng luyến ái nam. Tôi truyền thông luôn cho các bạn biết những nguy cơ về HIV. Tôi sống như vậy ròng rã gần một năm trời.
Nhớ lại lần đầu ký tên lãnh lương, tôi cầm cây viết mà run run xúc động không biết viết tên mình như thế nào. Ký tên xong bước ra khỏi phòng kế toán, tôi cứ đếm đi đếm lại ba trăm ngàn đồng trên tay. Đếm hoài không biết mỏi. Nước mắt chảy dài. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào với đồng tiền rất ư là trong sạch. Tôi không bao giờ quên lần đầu ký tên ấy trong đời. Với đồng lương khiêm tốn, tôi phải dè sẻn trả bớt nợ cho những người đã cho tôi vay khi tôi còn sống lang thang ngoài đường phố. Cũng vì vậy mà tôi không thể phụ giúp được cho má tôi
Thật tình mà nói, những ngày đầu gian nan vất vả lắm, nhịn đói nhịn khát để được sống tốt, chờ ngày lãnh lương, bù lại tôi sống thanh thản không lo âu sợ sệt. Những bữa trưa ở văn phòng, tôi ít dám đi ăn cơm vì không có tiền. Các bạn mua về cho tôi bịch cơm. Sự săn sóc ân cần của các bạn như Công Bình, Ngọc Thanh, Hùng “phở” là tấm gương để tôi học theo. Đó là những tháng ngày gian truân. Nhóm chỉ có vài người khởi đầu xây dựng mạng lưới truyền thông phòng lây nhiễm HIV giúp cho những người như chúng tôi biết để phòng tránh. Anh Phạm Thanh Vân là đầu đàn. Trần Công Bình, Lê Ngọc Thanh, Võ Hoàng Sơn, Trần Tuấn Huy, Tùng Uyên, bé Khanh… là những người thật tốt đã giúp cho các bạn tôi như anh Hùng “phở”, Tài Minh, Bùi Văn Du, sau đó là tôi cũng như nhiều bạn khác nữa, thay đổi cuộc sống.
Mọi người sống bình đẳng, yêu thương nhau như ruột thịt. Sống trong môi trường mới, tôi ngộ ra một điều: Còn có rất nhiều người tốt trong xã hội mà trước đây tôi cho là rỗng tuếch, là cạn tình người. Được làm việc, được gần gũi chia sẻ công việc, tôi học được rất nhiều đức tốt mà lâu nay tôi đã bỏ quên. Dần dần, tôi biết quan tâm đến người khác. Nhiều lúc đi công tác với Ngọc Thanh, hai chị em đạp xe cọc cà cọc cạch trên đường phố, bất chợt thấy có chị phụ nữ bị ngã xe do chở đầy hàng hóa, kẻ qua người lại không ai giúp, một mình chị loay hoay với chiếc xe đạp và bao hàng. Tôi và Thanh vừa đạp xe tới, Thanh nhanh chân quẳng xe đạp qua một bên, chạy đến giúp chị lượm từng trái bắp cho vào bao và chất lên xe cột cẩn thận để chị kịp đem về bán buổi chợ. Mỗi lúc như vậy, tôi đều học hỏi, đều suy nghĩ đến cuộc sống hiện tại của tôi.
Quả thật, tôi may mắn hơn các chị em cùng cảnh ngộ rất nhiều. Tôi được sống đúng ý nghĩa của một con người, được yêu thương trong vòng tay bè bạn. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Trước đây, khi sống trên vỉa hè, tôi chỉ nghĩ đến trộm cắp, lọc lừa, lấy của thiên hạ để mà sống, để mà tồn tại nơi tận cùng xã hội. Còn bây giờ, tôi nghĩ làm thế nào để giúp đỡ các em gái nhỏ từ quê bị dụ lên thành phố bán thân. Tôi cố tìm đủ mọi cách giúp các em trở về cuộc sống lương thiện. Bởi vì bản thân tôi cũng nghèo đói, cũng từng bán thân, tôi hiểu thế nào là sự khổ đau bầm dập trong cuộc sống dưới đáy xã hội.
Có nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình có dịp đối diện với những người bình thường trong xã hội. Nhưng bây giờ, tôi được tiếp xúc với mọi tầng lớp trí thức, từ các anh chị phóng viên đến các vị bác sĩ nổi danh… Các anh chị không dè bỉu khinh khi tôi, không xem tôi là mại dâm, là ma túy, mà xem tôi như một người bạn, một đứa em, một người chị trót lỡ sa chân nay đã quay trở về. Sự ân cần, động viên, yêu thương ấy đã giúp tôi vượt qua mặc cảm. Tôi tự nhủ phải sống thật tốt, phải làm được nhiều việc có ích mà mọi người trong xã hội đã đốt đuốc soi đường cho tôi đi, phải tìm cách giúp các em, các bạn rời xa ổ mại dâm, ổ ma túy, tìm cách đưa các em tìm lại tuổi hồn nhiên, giúp các chị mại dâm trở về cuộc sống bình thường.
Tôi cố gắng làm hết sức mình với hy vọng những ân nhân, bè bạn từng giúp đỡ tôi được vui lòng khi thấy tôi sống có ích và còn giúp cho những người cùng cảnh ngộ như tôi trước đây. Tình yêu thương của anh em trong chương trình làm tôi cứ ngỡ họ là những anh em ruột thịt của mình. Tôi luôn lo sợ bị mất người thân. Cho nên khi Bình, Thanh, Huy “mờ” hay Dũng mà quan tâm chăm sóc bất cứ ai khác trong chương trình là tôi ganh tị. Tôi lo đến phát điên. Tôi tìm đủ cách để kiếm chuyện chửi người nào được các bạn ấy quan tâm. Kiếm chuyện không được, tôi lại hụt hẫng, tinh thần bắt đầu sa sút bởi những nỗi sợ hãi vô cớ. Vì tôi không phải là máu mủ ruột thịt của các bạn ấy nên tôi càng sợ mất đi tình thương mà các bạn đã dành cho tôi.
Làm người tốt thật khó
“Bụng đói, nhà cửa không có mà bày đặt làm công tác xã hội!”, bạn bè cũ nói với tôi như vậy. Còn tôi, mọi thứ hoàn toàn mới. Mới trong việc học làm người tốt, học làm công tác xã hội và học để biết cách giúp đỡ người khác. Thật ra, tôi không hiểu hết ý nghĩa của bốn chữ “công tác xã hội” đâu, chỉ biết một điều duy nhất là làm thế nào để có cách giúp các anh chị mại dâm, ma túy hiểu được những nguy cơ của si đa mà phòng tránh.
Tôi theo nhóm đi tiếp cận, truyền thông, phát những tờ bướm mang thông tin đến cho mọi người. Công việc tưởng dễ nhưng không dễ chút nào! Tôi phải nhập vai trong từng hoàn cảnh ở những tụ điểm, nơi mà thường có các tay anh chị đủ thành phần bất hảo tập trung sinh sống. Gặp giang hồ, ma cô tôi phải nói chuyện theo kiểu giang hồ, ma cô, đại loại như nhắc đến một vài tên của anh chị từng làm mưa làm gió trong giới “xã hội đen”; gặp chủ chứa tôi lại theo phe chủ chứa, giả đò như mình đã từng chứa gái, nuôi gái; gặp các chị mại dâm, tôi nói về chính bản thân mình, về những đau khổ bầm dập khi tôi còn là gái mại dâm, kể những địa điểm mà các chị thường hoạt động về đêm, và lý do nào tôi không làm mại dâm nữa mà đi tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV/AIDS…
Tôi không muốn ai mắc phải căn bệnh không thuốc chữa này. Tôi muốn các chị đầy đủ sức khỏe. Hầu hết các chị đều có hoàn cảnh khó khăn, chồng bỏ, cha mẹ già yếu, nghèo đói, các chị không nghề ngỗng gì, chỉ còn cách bán thân lấy tiền phụ giúp gia đình. Cũng có một số chị đua đòi chưng diện - để có tiền thỏa mãn tính đua đòi, các chị cũng bán thân. Thôi thì đủ trường hợp.
Đối với các chị vì hoàn cảnh, khi được nghe nói đến bệnh không thuốc chữa, ai nấy đều tỏ ra lo âu. Còn những chị đua đòi thì dè bỉu, chẳng hạn họ bảo: “Si đa thì có xi măng, lo gì? Si đa không chết liền, không có tiền thì đói, chết còn lẹ hơn”. Tôi kiên nhẫn thuyết phục để các chị chịu xài bao cao su. Tôi đánh động tới gia đình họ: “Nếu chẳng may vướng vào căn bệnh hiểm nghèo này, các chị sẽ là gánh nặng cho gia đình. Khi các chị bị bệnh, không lẽ gia đình bỏ các chị? Mọi người trong nhà phải chạy lo trong khi kinh tế không có. Còn con cái các chị nữa. Lỡ các chị mất đi, đứa trẻ sẽ mồ côi. Nó có thể sẽ thành đứa trẻ lang thang đường phố, rồi tù tội do bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu khi sống lang thang, không người nuôi dưỡng…”. Tôi thuyết phục đủ cách để các chị hiểu về an toàn tình dục và chấp nhận thay đổi hành vi. Để công việc được thuận lợi, tôi đã làm những chuyện không có trong chương trình hướng dẫn truyền thông về phòng tránh lây nhiễm HIV!
Muốn vào các động mại dâm để truyền thông rất khó bởi ở mỗi khu vực đều có những tay ma cô canh giữ hoặc chủ chứa không cho vào. Tôi đến tìm những bạn bè cũ đang ở chung xóm hoặc có quen với chủ chứa, mời gọi họ tham gia làm cộng tác viên. Ví dụ như ở khu vực “Cây điệp đôi” ngã Bảy Lê Hồng Phong, tôi mời gọi Tư Huệ, và Huệ đồng ý cùng tôi đi dán áp phích tuyên truyền HIV/AIDS trong những con hẻm ngoằn ngoèo có các chị đang hành nghề mại dâm.
Rồi Huệ giúp tôi nói chuyện với chủ chứa. Sau khi gặp và tiếp xúc được với chủ chứa, tôi gửi tặng bao cao su để chủ bán cho khách. Có lợi nhuận và có người quen trong xóm đi cùng, chủ chứa bắt đầu tin tưởng và để tôi vào tận trong nhà. Dần dần, tôi mới tiếp xúc các chị đang làm trong động. Tôi hướng dẫn các chị xài bao cao su cho đúng cách để phòng bệnh. Trong số các chị, có chị đang bệnh mà không biết hoặc biết mà không dám đến bệnh viện vì sợ người khác biết mình là gái mại dâm. Tôi bắt đầu gợi ý với chủ chứa để đưa các chị đến bệnh viện da liễu khám 377a chữa bệnh miễn phí. Ban đầu chủ chứa ngần ngại. Tôi tiếp luôn: “Chị cứ yên tâm, em không hại các chị đâu. Chị cứ nghĩ đi, nếu mấy chị này bị bệnh chị cũng đâu nỡ bỏ? Chị cũng phải xuất tiền túi ra cho họ chữa bệnh vậy. Chi bằng để em đưa đi, đỡ phải tốn tiền mà chị cũng không mất sở hụi vì phải nuôi bệnh. Chưa tính đến việc lây bệnh qua con cái của chị nữa đó”. Vậy là tôi được phép đạp xe chở các chị đi chữa bệnh. Chở các chị đi rồi chở các chị về, tôi càng được các chủ chứa ở khu “Cây điệp đôi” tin tưởng.
Bất cứ chuyện gì liên quan đến bệnh hoạn của chị em trong động, các chủ chứa đều nhờ tôi giúp. Qua thời gian tiếp cận ở khu vực Lê Hồng Phong, tôi thấy được sự nhiệt tình của Huệ. Tôi xin ý kiến của sếp Vân để vận động Huệ đi làm giáo dục viên đồng đẳng như tôi. Được sếp đồng ý, tôi dặn Huệ phải cố gắng để có cuộc sống tốt.
Cũng từ Huệ, tôi tiếp cận được chị Nguyễn Thị Kim Dung. Dung bán thuốc lá trá hình. Tối tối, Dung bày xe thuốc ra bán, vừa bán vừa bắt khách để bán dâm. Rất khó bắt chuyện khi Dung đang “hoạt động”. Tôi để ý ở khu vực “Cây điệp đôi” này, các chị đặc biệt thích hát karaoke. Tôi bèn rủ Huệ ban ngày đến nhà Dung thuê và rủ Dung đi hát karaoke. Cứ hai, ba ngày tôi rủ một lần. Thật không dễ tạo lòng tin nơi Dung. Chơi đùa đó, ca hát chung đó, nhưng vẫn nói chuyện xóc óc như thường. Song tôi vẫn kiên nhẫn thuyết phục.
Dần dần, Dung cũng thay đổi thái độ và bắt đầu tâm sự với tôi về cuộc đời mình. Em có chồng, được cưới hỏi đàng hoàng. Cả hai vợ chồng đều là công nhân viên nhà nước, gia đình ở Tây Ninh. Vợ chồng được một đứa con gái vừa tròn hai tuổi thì chồng có vợ bé. Chán nản, em đi theo bạn xuống đây làm gái kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con. Có lần em bị bắt quả tang đang hành nghề, bị đưa vô Trường Phụ nữ 2. Khi mẹ em biết con mình làm gái, bà từ em luôn… Nghe Dung kể xong, tôi gợi ý ngay: “Dung có thích đi làm như chị không? Nếu Dung thấy thích thì chị xin cho”. Dung nói: “Em đâu có biết gì mà đi làm giống chị?”. “Không sao đâu! Mình vừa học vừa làm. Như chị đây nè, cũng vừa học vừa làm, có sao đâu? Từ từ nghề dạy nghề, miễn là mình quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị tin là một ngày nào đó, Dung sẽ tốt và giỏi hơn chị bây giờ”. Dung ngần ngại: “Nhưng người ta có chịu cho em đi làm giống như chị không?”. Tôi kể: “Thấy mấy đứa thanh niên đi tiếp cận chung với chị không? Tụi nó toàn là con nhà đàng hoàng, có trình độ nhưng tụi nó dễ thương chưa? Chính tụi nó đã giúp chị có cuộc sống tốt như bây giờ. Chị tin là tụi nó cũng sẽ giúp em như đã giúp Tư Huệ. Cả ba đứa tụi mình cố gắng đi làm công tác tiếp cận để giúp bạn bè cùng cảnh ngộ biết cách phòng tránh căn bệnh si đa. Đó là công việc có ích cho xã hội, cho bạn bè mình. Rồi đây, chị tin là mẹ em sẽ thương em trở lại, không từ em nữa đâu”.
Cuối cùng, Dung chịu tham gia. Khu vực Lê Hồng Phong bắt đầu hình thành một nhóm sinh hoạt. Các chị tham gia ngày càng đông, từ chị Huệ, Dung đến Mai lớn, Mai nhỏ, Tuyết, bé Thanh... Vậy là tôi đã có thêm nhiều đồng sự mới. Tôi để Huệ và Dung tiếp cận, truyền thông ở khu vực “Cây điệp đôi”, còn tôi với Ngọc Thanh chuyển sang khu vực Cầu Hàn, Nhà Bè, Phú Xuân.
Khu Cầu Hàn còn gọi là Gò Bông súng. Người dân bỏ kinh tế mới về đây, dồn vào khu nghĩa địa cất chòi ngay trên mả người chết để sống. Cứ cách vài ngôi mộ lại có một cái chòi. Đủ thành phần dân tứ chiếng giang hồ tụ tập về đây sinh sống, tệ nạn xã hội cũng từ đó nảy sinh. Nạn mại dâm tràn lan trong khu vực này. Chồng đón khách về cho vợ ngủ đêm tại căn chòi; con cái nằm bên cạnh chứng kiến cảnh đi khách của mẹ hàng đêm.
Thậm chí có nhiều trẻ em, là con của những cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn này, mới bốn - năm tuổi đã biết ra đường đón khách cho mẹ. Các em đã biết cách níu kéo khách cho mẹ, biết cách giới thiệu với khách đại loại như: “Chú ‘đi dù’ không chú? Gà móng đỏ thứ xịn đó!”. Nếu ông khách nào có xe Honda, khi đi dù xong trở ra lập tức phát hiện mất vài món đồ như cốp xe, bóng đèn… Nói chung, các em lấy bất cứ cái gì, bán được là lấy. Nếu ông khách nào bị mất đồ mà âm thầm ra về thì không có chuyện gì, còn nếu như tri hô lên hoặc bắt giữ các em thì hãy coi chừng. Một trận đánh lộn tưng bừng. Cuối cùng ông khách phải ngậm đắng nuốt cay ra về với chiếc xe không nguyên vẹn, có khi còn ôm đầu máu bỏ của chạy thoát thân.
Tôi và Ngọc Thanh đi khảo sát địa bàn này và thấy nơi đây cần phải làm công tác tiếp cận để phòng lây nhiễm. Chúng tôi quyết định trụ tại nơi đây. Buổi đầu thật gian nan! Thấy có người lạ đến, họ đề phòng ngay. Các chị truyền miệng với nhau: “Coi chừng hai đứa đó là hình sự hoặc hội phụ nữ giả dạng, làm bộ nói si đa si điếc, nắm tình hình rồi cho xe tới xúc là toi mạng!”. Không tài nào tiếp cận được với người lớn, chúng tôi chuyển sang tụ tập trẻ em lại thành từng nhóm nhỏ để sinh hoạt.
Thông thường trẻ em rất thích nghe kể chuyện đời xưa, thích chia phe đùa giỡn. Nắm được tâm lý đó, chúng tôi chơi đùa với các em thoải mái, dạy các em học vần ê a, dạy các em biết giữ gìn vệ sinh thân thể. Muốn các em biết cách vệ sinh thì chúng tôi phải hướng dẫn các em trước, từ tắm rửa đến cắt móng tay móng chân. Ngay đến việc mang dép chúng tôi cũng phải tập cho các em. Mỗi ngày chúng tôi đến khu vực cầu Hàn chỉ để chơi đùa với các em, đọc truyện và dạy chúng những bài hát thiếu nhi. Thậm chí có em bệnh, cha mẹ cũng không quan tâm. Thấy vậy, chúng tôi nói các em về xin phép cha mẹ để chúng tôi đưa đi khám chữa bệnh.
Tôi chở các em đi khám bệnh và mang thuốc về, dặn dò kỹ lưỡng cách uống thuốc. Các bà mẹ chỉ ậm ừ cho qua chuyện vì không muốn tiếp xúc với chúng tôi nhiều. Biết vậy nhưng tôi và Ngọc Thanh không nản lòng, vẫn tiếp tục ngày ngày đến chơi với các em, dạy các em biết si đa là gì, có mấy đường lây, lây như thế nào, cách phòng tránh ra sao… Chúng tôi cho các em thi đua với nhau, em nào nhớ nhiều sẽ được thưởng một món quà đồ chơi bằng nhựa. Dần dần, các em mến chúng tôi và luôn chờ đợi chúng tôi đến chơi. Thấy các em có nhiều thay đổi, chúng tôi thử ngừng đến.
Khi chúng tôi quay lại, tự nhiên các anh, các chị là cha mẹ các em bắt chuyện với chúng tôi ngay: “Trời ơi, mấy đứa nhỏ cứ trông cô Tâm với thầy Thanh hoài, bữa nay mới thấy mặt đó. Chị Tâm biết không, tụi nhỏ ở đây gây với nhau, đứa này đổ thừa đứa kia ở dơ, đứa kia chửi tục… cho nên cô Tâm giận không thèm đến chơi nữa. Bây giờ chị tới, tụi nó vui như vừa vô mánh”. Từ đó, tôi gắn bó với các chị ở khu Cầu Hàn. Sếp của tôi, anh Phạm Thanh Vân đến chụp hình khi tôi sinh hoạt với các anh chị cũng không có chuyện gì xảy ra. Đôi khi các anh chị còn đòi chụp hình riêng từng cặp để kỷ niệm, anh Vân cũng chụp để tặng cho họ. Lúc này tôi đem bao cao su ra tặng cho các chị, hướng dẫn các chị sử dụng đúng cách để phòng các bệnh lây qua đường tình dục. Thực ra, các chị không hề biết quan tâm đến sức khỏe của chính mình, chỉ khi tôi nói đến các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lý, các chị mới tâm sự với tôi và muốn tôi giúp đỡ đưa đi khám bệnh.
Người đầu tiên tôi đưa đi khám là chị Nguyễn Thị Cúc. Bác sĩ Trần Thịnh của bệnh viện Da liễu sau khi khám bệnh cho chị Cúc đã yêu cầu mỗi tuần chị phải đến bệnh viện để điều trị giang mai và đốt mồng gà. Sau khi được bác sĩ khám và điều trị không tốn đồng xu nào, chị Cúc về nói lại cho các chị ở khu vực Cầu Hàn biết là nhóm của chúng tôi không hại ai hết, mà chỉ đến để giúp đỡ mọi người. Người này nói với người kia, cứ như vậy truyền miệng cho nhau. Mỗi tuần, các anh chị đều đến văn phòng của chúng tôi để cùng sinh hoạt với các nhóm khác. Khu vực Cầu Hàn đã thân quen với tất cả nhóm chúng tôi.
Tháng 10 năm 1993, nhân ngày kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Thành hội tổ chức cuộc thi “Phụ nữ hùng biện. Anh Vân kêu tôi đi thi với đề tài “Cầu Hàn của tôi”. Lần đầu tiên trong đời đi thi kiểu này nên tôi rất lo. Tôi càng lo hơn khi đến hội trường Cung Văn hóa Lao động - toàn là phụ nữ trí thức, cán bộ hội, báo cáo viên đi thi… Tôi bắt đầu mất bình tĩnh. Anh Vân và nhóm động viên tôi, vì đây là cơ hội tôi có thể làm thay đổi cách nhìn của xã hội về những người như tôi.
Thế là tôi cố gắng thi với sự động viên của các anh chị trong chương trình. Không ngờ tôi được giải đặc biệt với đề tài lạ lùng là “chỉ nói về nạn mại dâm”. Sau lần thi đó, tôi thấy tự tin hơn trong công việc đang làm - vừa giúp bản thân vừa giúp các anh chị còn đang sống ngoài lề xã hội hiểu biết những nguy cơ HIV để mà phòng tránh. Khu vực Cầu Hàn bắt đầu quen thân với tôi. Lúc này tôi bàn giao cho chị Huệ và Dung tiếp tục hỗ trợ các chị em và trẻ con ở đây. Tôi lại đi tìm địa bàn mới để tiếp cận và truyền thông lây nhiễm HIV.
Tôi đến công viên Quách Thị Trang, một địa điểm nổi tiếng phức tạp về tệ nạn mại dâm, ma túy. Công viên nằm trước chợ Bến Thành và trạm xe buýt. Vì ở đây dễ trà trộn với người dân đi chợ, với người chờ xe buýt nên những người sống lang thang cũng tập trung rất đông. Các chị, các anh, trẻ đường phố, người ăn xin, tất cả đều tụ về. Ban ngày họ túa ra các quận huyện để làm ăn, ban đêm về đây mướn chiếu trải dưới chân tượng Quách Thị Trang mà ngủ. Công an rượt đuổi thì ôm chiếu chạy, hết rồi thì trải chiếu nằm ngủ tiếp. Cùng cảnh sống bụi đời nhưng họ sẵn sàng trấn lột, chà đạp lên nhau để sống, mạnh được yếu thua. Nam cũng như nữ, hễ thích ai thì ngủ với người đó, không cần tình yêu. Tôi từng sống ở khu vực Lê Lai, gần chợ Bến Thành nên ít nhiều gì tôi vẫn quen một số người ở đây.
Khi tôi la cà làm quen, mời các chị hút thuốc, uống cà phê ngồi tán gẫu một vài lần. Bắt đầu thân rồi tôi mới nói về si đa, nói về các bệnh lây qua đường tình dục. Có chị ngần ngại hỏi tôi: “Chị Tâm, em hỏi điều này chị đừng giận nha! Chắc hồi trước chị cũng giang hồ lắm phải hả?”. Tôi đáp luôn: “Ừ! Hồi trước tôi cũng như các bạn, cũng nghiện ma túy, cũng đi làm gái, cũng sống bụi ở khu Lê Lai… Bây giờ tôi có cái may mắn hơn các bạn, tôi được sự giúp đỡ của số anh chị tốt trong xã hội. Cho nên tôi cần phải giúp lại những người cùng cảnh như tôi trước đây, vì tất cả chúng ta không ai muốn mình xấu, do hoàn cảnh mà phải sống cuộc sống như thế này thôi”.
Những người tôi đến tiếp cận, không phải ai cũng như ai. Có một số anh chị nói “móc họng” mỗi khi gặp tôi, nhưng cũng có người mong chờ tôi đến để nhờ dẫn đi khám chữa bệnh.