Jên Erơ Chương 29


Chương 29
Tôi chỉ còn nhớ rất lờ mờ về ba ngày đêm tiếp theo đó.

Tôi có thể hồi tưởng một ít cảm giác trong khoảng thời gian ấy, loáng thoáng vài ý nghĩ song không nhớ rõ mình đã làm gì. Tôi biết là mình ở trong một căn buồng nhỏ trên một cái giường hẹp. Hình như cái giường này là một phần người tôi, tôi nằm trên đó, im lìm như một hòn đá, lôi tôi ra khỏi giường thì không khác gì giết tôi. Tôi không chú ý gì đến thời gian, đến sự thay đổi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Khi có người bước vào hay ra khỏi buồng, tôi đều nhìn thấy, tôi còn nhận biết được từng người, nếu có người đứng gần tôi, tôi vẫn hiểu được lời họ nói, nhưng tôi không sao trả lời được, tôi không thể nào cử động chân tay hay mở miệng được. Già Hanna hay vào thăm tôi nhất. Bà ta đến làm tôi bối rối. Tôi có cảm tưởng bà ấy mong muốn tống tôi đi, bà ấy không hiểu tôi và cảnh ngộ của tôi, bà ấy có ý nghĩ xấu về tôi. Mỗi ngày Đyana và Mary vào buồng tôi một hay hai lần. Đứng cạnh giường tôi, họ khẽ nói với nhau những câu như thế này:

- Chúng mình cho cô ấy vào nhà là phải lắm.

- Ừ, nếu cứ mặc cô ấy ở ngoài cửa kia suốt đêm thì sáng ra chắc đã thấy cô ta chết cứng rồi. Không hiểu làm sao cô ta đến nỗi thế nhỉ!

- Chắc là có chuyện bất hạnh lớn - tội nghiệp con người lang thang, gầy gò, xanh xao!

- Xem cách ăn nói của cô ta thì không phải là người không có học, giọng cô ta rất trong, quần áo cô tay thay bỏ ra, tuy lấm bùn và ướt, nhưng đẹp và còn khá mới.

- Khuôn mặt cô ta có vẻ đặc biệt đấy chứ, tuy võ vàng ngơ ngác, nhưng chị thấy dễ thương. Chị nghĩ khi nào cô ta khỏe mạnh tỉnh táo rồi thì vẻ mặt hẳn là dễ coi.

Trong khi câu chuyện của họ không một lần nào tôi thấy họ thốt ra một lời hối tiếc về tiếp nhận tôi, hay nghi kỵ hoặc có ác cảm với tôi. Tôi thấy dễ chịu.

Ông Xanh Jôn chỉ tới có một lần, ông nhìn tôi, bảo sờ dĩ tôi li bì là chỉ vì bị mệt nhọc liên miên quá sức... Ông nói không cần phải mời thầy thuốc, và tin chắc rằng cứ để mặc rồi tự khắc sẽ khỏi, ông nói hẳn là các dây thần kinh của tôi đã bị căng thẳng thế nào đấy, và toàn bộ cần được nghỉ ngơi một thời gian và tôi không có bệnh tật gì cả. Ông cho rằng khi nào bắt đầu bình phục thì tôi sẽ lại sức rất chóng, ông nói những ý kiến đó bằng vài ba câu thấp giọng, bình thản, ngừng một lúc, ông lại thêm bằng một giọng của một người không quen bình phẩm dài lời, rằng vẻ mặt tôi "hơi đặc biệt, chắc chắn không phải là con người hèn kém hay sa đọa".

- Nhất định thế! - Đyana trả lời - Nói thực, anh Xanh Jôn ạ, em thấy em có thiện cảm với cô gái đáng thương này em mong chúng ta có thể cưu mang giúp đỡ cô ta.

- Không chắc đâu! - Ông Xanh Jôn trả lời. Em thấy rằng cô ta là một thiếu nữ con nhà, có chuyện gì xung khắc với thân quyến mà giận dỗi bỏ đi. Có lẽ chúng ta sẽ khuyên được cô ta trở lại với gia đình, nếu cô ta không quá bướng bỉnh. Nhưng anh nhận thấy trên mặt cô ta có những nét cương quyết, có lẽ khó mà khuyên bảo được. - Ông đứng nhìn tôi một lúc rồi nói thêm:

- Cô ta có vẻ thông minh, nhưng không đẹp chút nào.

- Anh Xanh Jôn, cô ta đang ốm thế mà lại.

- Ốm hay không thì nhan sắc cô ta cũng thường thôi, bộ mặt này không có cái duyên dáng và sự cân đối của sắc đẹp.

Sang ngày thứ ba tôi đã khá hơn. Đến ngày thứ tư tôi đã có thể nói năng, cử động, ngồi dậy và quay đi quay lại được. Đến giờ ăn (tôi đoán thế), già Hanna mang đến cho tôi bánh mì nướng và cháo bột. Tôi ăn một cách khoan khoái vì thức ăn ngon lành, không có cái vị đắng chắt của cơn sốt như mấy hôm trước đây tôi đã nuốt mọi thứ. Khi già Hanna lui ra rồi, tôi cảm thấy mình tương đối khỏe khoắn, lại sức, không mấy chốc tôi chán nghỉ ngơi, và thấy bứt rứt, muốn hoạt động. Tôi muốn đứng dậy, nhưng biết ăn mặc thế nào đây? Có độc một bộ áo thì vừa ướt lấm, vì ngủ trên mặt đất và ngã cả xuống đồng lầy. Ăn vận như thế để ra mắt các ân nhân của tôi thì xấu hổ lắm. Nhưng rồi tôi cũng không đến nỗi mất thể diện.

Bộ quần áo của tôi, đã được giặt sạch, phơi khô đặt ngay trên mặt ghế cạnh giường. Chiếc áo lụa đen của tôi cũng treo ngay trên tường. Những vết bùn đã được gột đi, các nếp nhàu vì ẩm ướt đã mất hết, trông tươm tất lắm. Cả đôi giày cũng được lau chùi và bít tất cũng được giặt sạch sẽ, coi cũng được. Trong buồng lại có sẵn những đồ dùng rửa mặt, lược và bàn chải để chải đầu. Phải mất một lúc lâu, và cứ năm phút lại nghỉ cho đỡ mệt, tôi mới mặc xong được quần áo. Áo rộng lùng thùng vì tôi gầy sút đi nhiều, tôi phải quấn thêm chiếc khăn quàng cho đỡ thảm hại. Bây giờ người trông đã sạch sẽ, chỉnh chện, không còn vết bùn, không còn dấu vết lôi thôi lếch thếch nào - đó là điều tôi rất ghét, và xem chừng nó làm giảm giá trị của tôi đi nhiều - tôi bèn vịn lan can bước xuống cầu thang rồi theo một hành lang thấp và hẹp, tìm đường vào bếp.

Trong bếp thơm mùi bánh mới, hơi lửa ấm áp. Bà Hanna đang nướng bánh. Ai cũng biết trong một tâm hồn không được sự giáo dục bồi dưỡng mở mang, thực rất khó rứt bỏ được những thành kiến đã mọc sâu như cỏ dại giữa đống đá. Thực tế lúc đầu bà Hanna đã có vẻ lạnh lùng, khó khăn, về sau bà mới dễ dãi hơn một chút và bây giờ, khi trông thấy tôi ăn vận sạch sẽ tươm tất, bà còn mỉm cười với tôi nữa.

- Gớm nhỉ, dậy được rồi kia à? - Bà ta nói. - Vậy thì cô đã khá đấy. Cô có muốn ngồi thì ngồi vào ghế của tôi ở bên lò sưởi này.

Bà ta chỉ cho tôi chiếc ghế xích đu, tôi ngồi xuống. Bà ta loay hoay làm việc, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn tôi.

Trong lúc này mấy cái bánh ở lò ra, bà quay lại sỗ sàng hỏi tôi:

- Thế trước khi đi đến đây, cô đã đi ăn mày bao giờ chưa?

Tôi bực mình đến mất một lúc, nhưng rồi lại nhớ lại rằng bực mình là không đúng, vả lại lúc gặp bà ta quả thật tôi đã có vẻ là ăn mày, tôi bèn bình tĩnh trả lời, nhưng không phải không để lộ rõ vẻ cứng cỏi:

- Già tưởng tôi là kẻ ăn xin thì nhầm đấy. Tôi có phải là kẻ ăn xin đâu, cũng như già hay các cô chủ của già vậy.

Ngừng một lát, bà ta nói:

- Tôi chẳng hiểu ra làm sao. Cô không có nhà, không có xìn phải không?

- Không có nhà, không có xìn (tôi chắc bà muốn nói không có tiền) thì cũng không phải là ăn xin như già nghĩ.

Bà ta hỏi ngay:

- Thế cô có biết chữ không?

- Có, biết nhiều chữ lắm.

- Nhưng cô có đến trường bao giờ đâu!

- Có chứ, tôi ở trường tám năm.

Bà ta trợn tròn mắt:

- Thế làm sao cô lại không tự nuôi thân được?

- Thì tôi vẫn tự nuôi thân đấy chứ và tôi chắc chắn sẽ còn tự nuôi thân nữa. - Những quả phúc bồn tử kia để làm gì đấy già? Thấy bà ta đem ra một rổ quả đó, tôi hỏi thế.

- Để làm bánh tạc.

- Đưa tôi nhặt vỏ cho.

- Không, tôi không muốn cô làm việc gì cả.

- Nhưng tôi phải làm một cái gì chứ, cứ đưa cho tôi.

Bà ta bằng lòng, và còn đưa cho tôi một chiếc khăn sạch để phủ lên áo, bảo rằng "cho khỏi bẩn áo".

- Cô không quen làm việc bếp núc rồi, trông tay cô cũng đủ biết, - bà ta nhận xét, - hay là cô làm nghề khâu vá?

- Không, bà nhầm đấy. Mà thôi, già cũng đứng bận tâm về chuyện trước đây tôi đã làm gì, đừng nghĩ ngợi về tôi nữa. Già cho tôi biết nhà này tên là gì?

- Người thì gọi là Mac En, người thì gọi là Mua haoxơ.

- Ông chủ ở đây, tên là Xanh Jôn phải không?

- Không, ông ấy không ở đây. Ông chỉ lưu lại ít bữa rồi về nhà riêng trong xứ đạo của ông, ở Mortơn kia.

- Cái làng cách đây vài dặm ấy à?

- Phải.

- Thế ông ấy làm gì?

- Ông ấy là mục sư.

Tôi nhớ đến câu trả lời của bà quản gia già ở Mortơn, khi tôi xin gặp mục sư.

- Vậy đây là nhà thân phụ ông ấy ư?

- Phải, cụ cố Rivơ sống ở đây, và cả cụ tam đại, tứ đại trước nữa.

- Vậy tên ông ấy là Xanh Jôn Rivơ ư?

- Phải, Xanh Jôn là tên tẩy lễ.

- Các cô em tên là Đyana và Mary phải không?

- Phải.

- Thân phụ họ mất rồi à?

- Mới mất ba tuần nay, vì một cơn bệnh bất thần.

- Họ không có mẹ ư?

- Bà mẹ chết đã lâu lắm rồi.

- Già sống ở gia đình này lâu rồi chứ?

- Tôi sống ở đây đã được ba mươi năm. Tôi nuôi ông Xanh Jôn và các cô ấy từ bé.

- Như thế tỏ ra rằng già là người đày tớ thực thà và trung thành. Tôi khen ngợi già, mặc dù già đã bất lịch sự gọi tôi là ăn mày.

Bà ta lại trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên:

- Vâng, quả là tôi đã nghĩ sai lầm về cô. Nhưng hiện giờ có nhiều kẻ làm bậy ở trong vùng, cô cũng bỏ qua đi nhé.

- Và dù già đã muốn - tôi nói tiếp, giọng hơi nghiêm khắc - đuổi tôi ra khỏi nhà, vào một đêm mà đối với một con chó người ta cũng không nỡ thế.

- Vâng, cũng khí quá tệ thật đấy, nhưng cô tính làm thế nào được? Tôi nghĩ đến bọn trẻ chứ có lo gì cho mình đâu. Khốn nạn! Bây giờ ngoài tôi ra, còn có ai trông nom cho họ nữa, thành ra tôi cũng có điều phải nghiệt ngã.

Tôi lặng thinh làm ra vẻ nghiêm nghị một lúc.

Bà ta lại nói:

- Thôi, cô cũng đừng giận tôi nhé.

- Tôi giận già là phải chứ, tôi nói để già rõ tại sao, không phải là vì già đã từ chối không cho tôi trú, hoặc đã coi tôi là phường trộm cắp, mà là vì vừa rồi già lại lấy điều tôi không có nhà, không có "xìn" mà ra chuyện khinh miệt tôi. Vô khối người tốt cũng nghèo như tôi đấy. Nếu già là người có đạo, thì chớ nên coi sự nghèo nàn là tội lỗi.

- Vâng, tôi không dám nghĩ thế nữa. Ông Xanh Jôn cũng vẫn bảo tôi như vậy, tôi biết là tôi không phải, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ về cô khác trước rồi. Nom cô có vẻ là người hiền lành tử tế lắm.

- Thế thì được, bây giờ tôi tha lỗi cho già, ta bắt tay nhau nhé.

Bà ta đặt bàn tay xù xì, dính đầy bột vào tay tôi. Khuôn mặt thô kệch của bà sáng lên một nụ cười hể hả, và từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu chơi thân với nhau.

Rõ ràng là Hanna rất hay chuyện. Trong khi tôi nhặt vỏ quả thì bà nhào bột làm bánh tạc, bà dần dà cho tôi biết mọi chi tiết về ông chủ, bà chủ đã mất, và về "bọn trẻ", như lời bà gọi.

Bà kể rằng cụ Rivơ là người khá giản dị, nhưng là người thượng lưu, thuộc một gia đình dòng dõi lâu đời. Mac En từ khi xây cất đến nay vẫn thuộc về gia đình Rivơ, bà nói "như vậy là chắc đã trên hai trăm năm, tuy nhà cửa trông nhỏ bé, giản dị, không bì được với lâu đài của ông Bin Ôlivơ xưa là thợ làm kim, còn gia đình Rivơ thì dõng dõi quý tộc từ thời vua Henry ngày xửa ngày xưa, điều này ai muốn biết thì cứ xem trong các danh bạ ở nhà thờ Mortơn sẽ thấy. Tuy thế, bà cũng nhận rằng ông chủ cũng như mọi người thôi, không có vẻ gì đặc biệt hết. Ông ham săn bắn, thích làm trại và những việc đại loại như thế. Bà chủ thì khác hẳn. Bà ham đọc sách, bà học nhiều thứ lắm, "bọn trẻ" cũng giống bà. Nội trong vùng này, từ xưa đến giờ, chẳng có ai được như họ. Cả ba anh em đều ham học, gần như ngay từ khi mới biết nói. Con nhà nòi nên cũng có khác. Lớn lên ông Xanh Jôn muốn đi học trở thành mục sư, còn các cô gái, sau khi rời khỏi nhà trường, đã kiếm được chỗ dạy trẻ, các cô có cho biết mấy năm trước đây thân phụ họ mất một món tiền lớn vì tin cẩn một người, về sau người ấy bị vỡ nợ, bởi ông không còn nhiều của cải để chia cho các con, các cô ấy phải tự lo lấy sinh kế. Ít khi các cô ở nhà lâu, hồi này vì cha chết, các cô mới về nhà ít tuần. Nhưng họ rất yêu Mac En và Mortơn với tất cả những đồng lầy đồi núi quanh vùng. Họ đã sống ở Luân Đôn và nhiều thành phố lớn, nhưng bao giờ họ cũng bảo, không đâu bằng ở nhà, sao mà họ hòa thuận với nhau thế! Chẳng thấy họ cãi nhau bao giờ. Thực bà chưa thấy có gia đình nào êm thấm như vậy.

Nhặt xong vỏ phúc bồn tử, tôi hỏi bà ta hai cô chủ và ông anh của họ bây giờ ở đâu.

- Họ vừa đi chơi ra Mortơn, nhưng độ nửa giờ nữa thì về uống trà đấy.

Họ trở về đúng như bà Hanna nói, và đi bằng lối cửa bếp. Trông thấy tôi, ông Xanh Jôn chỉ khẽ chào, rồi đi thẳng, hai cô em gái thì đứng lại. Mary nói vài lời dịu dàng, ngỏ ý vui sướng khi thấy tôi đã khỏe và xuống dưới nhà được. Đyana nắm lấy tay tôi, cô lắc đầu nhìn tôi.

- Lẽ ra cô phải đợi tôi cho phép mới được xuống chứ. Trông cô còn xanh lắm... mà gầy quá! Tội nghiệp!

Đyana có một giọng nói nghe như tiếng chim bồ câu. Tôi thích bắt gặp được ánh mắt của cô. Toàn bộ gương mặt của cô đối với tôi đầy vẻ quyến rũ. Khuôn mặt Mary cũng thông minh không kém, cũng xinh đẹp như vậy, nhưng thái độc của cô dè dặt hơn, cử chỉ tuy dịu dàng nhưng không thân mật bằng. Cái nhìn và giọng nói của Đyana rất đường hoàng. Rõ ràng cô là một người cương quyết. Bản tính tôi vẫn ưa khuất phục trước người có uy lực như cô, và tuân theo một ý chí mạnh mẽ, khi nào lương tâm và lòng tự trọng của tôi cho phép.

- Mà cô xuống đây làm gì? - cô nói tiếp: - Đây không phải là chỗ của cô. Tôi và Mary cũng có khi ngồi trong bếp, vì ở nhà chúng tôi vẫn ưa được tự do, đến mức phóng túng. Nhưng cô thì khác, cô là khách, và phải vào phòng khách chứ.

- Ở đây tôi thấy dễ chịu lắm.

- Dễ chịu thế nào được!... Già Hanna thì bận túi bụi và làm cho người cô đầy bột.

Mary xen vào:

- Vả lại ở đây nóng quá, cô chịu sao được.

- Thực đấy - cô chị tiếp lời, - thôi, cô phải nghe lời chứ. - Và, vẫn nắm tay tôi, cô kéo tôi đứng dậy, dắt vào phòng trong.

- Ngồi đây - cô nói và đặt tôi vào ghế xô pha - đợi chúng tôi đi thay áo và sửa soạn trà. Ấy, ở cái nhà giữa đồng quê thế này, chúng tôi lại còn cái đặc quyền nữa là soạn lấy bữa ăn, lúc nào thích, hoặc khi già Hanna bận làm bánh, giặt giũ hay là quần áo.

Cô đóng cửa, để tôi ngồi lại một mình với ông Xanh Jôn, ông ngồi ngay trước mặt tôi, tay cầm một quyển sách hay tờ báo. Mới đầu tôi quan sát gian phòng, rồi nhìn đến người ngồi đó.

Phòng khách cũng đẹp, bày biện rất sơ sài, nhưng có tiện nghi và sạch sẽ ngăn nắp. Bộ ghế kiểu cổ sáng bóng, cái bàn bàng gỗ sến lấp loáng như gương. Tường sơn treo vài bức chân dung cổ kính và kỳ dị của những người đàn bà thuộc một thời xa xôi nào đó. Một tủ buýp phê cửa lắp kính đựng một ít sách và một bộ đồ sứ cổ. Trong phòng không có vật trang trí nào thừa, cũng không có đồ đạc kiểu mới, trừ hai hộp đồ khâu và một chiếc kỷ nhỏ bằng gỗ đào dùng cho phụ nữ, kê bên một cái bàn con. Mọi thứ - kể cả thảm và màn cửa - đều có vẻ đã lâu đời nhưng khéo giữ gìn.

Ông Xanh Jôn ngồi lặng lẽ như những bức tranh đã xuống màu treo trên tường, mắt chăm chú nhìn vào trang sách ông đang nghiền ngẫm, cặp môi mím chặt, thành thử tôi cũng dễ quan sát. Giá ông là một pho tượng chứ không phải là người thì quan sát ông cũng dễ đến như vậy thôi. Ông còn trẻ, vào quãng hai tám ba mươi, người cao mảnh khảnh. Khuôn mặt ông khiến ai cũng phải nhìn, trông như mặt tượng Hy Lạp, đường viền rất thanh tú, mũi thẳng, kiểu cổ điển, miệng và cằm như của người dân Aten. Thực ít khi gặp một người Anh nào lại gần gũi với những mẫu tượng cổ như khuôn mặt ông. Nét mặt ông cân đối như thế, trách nào ông chẳng khó chịu khi nhìn những nét thiếu vẻ hài hòa của tôi. Mắt ông to và xanh, lông mi màu hạt giẻ, trán cao, trắng như ngà, vài món tóc hung hung lòa xòa rủ xuống.

Đó là một người đẹp trai, phải không bạn đọc? Tuy nhiên, con người như thế mà không gây cho ta được ấn tượng về một tính tình dịu dàng, mềm mỏng, dễ cảm động hoặc chỉ là ôn hòa mà thôi. Tuy ông ngồi im lìm, nhưng nhìn cánh mũi, khuôn miệng, vầng trán ông, tôi vẫn cảm thấy một cái gì chứng tỏ một bản chất hiếu động, hoặc cứng rắn, hoặc nồng nhiệt. Cho tới khi các cô em trở lại, ông không hề nói với tôi một lời, cũng không hề nhìn về phía tôi một lần nào. Đyana nhân đi ra đi vào để sửa soạn trà, cô mang cho tôi một cái bánh nhỏ nướng trên mặt lò. Cô nói:

- Cô hãy ăn tạm đi, chắc cô đói lắm nhỉ. Già Hanna bảo rằng từ lúc điểm tâm đến giờ cô chỉ mới ăn có ít cháo bột.

Tôi không từ chối vì quả thực tôi đói cồn cào cả người. Lúc ấy ông Rivơ mới gập sách lại, ông bước đến cạnh bàn, ngồi xuống ghế và nhìn thẳng vào tôi với cặp mắt xanh lơ, đẹp như tranh vẽ. Trong ánh mắt ông có cái vẻ thẳng thắn, không kiểu cách, có sự xoi mói, vững vàng, quả quyết, chứng tỏ rằng từ nãy đến giờ ông không ngó ngàng gì đến tôi là có chủ ý, chứ không phải vì ngượng ngùng.

- Cô đói lắm nhỉ - ông nói.

- Thưa ông, vâng. - Tôi có thói quen - bao giờ thì đó cũng là thói quen bẩm sinh của tôi - trả lời vắn tắt những câu hỏi vắn tắt, trả lời thẳng thắn những câu hỏi thẳng thắn.

- Ba hôm vừa rồi cô bị sốt nhẹ, thành ra không ăn uống được mấy, thế mà lại tốt, chứ nếu lại thỏa mãn cái đói ngay từ đầu thì có thể nguy hiểm. Bây giờ cô có thể ăn trả bữa được, tuy nhiên cũng nên có điều độ.

- Tôi tin rằng sẽ không phải ăn nhờ ông lâu - tôi trả lời vụng về và khiếm nhã.

- Không, ông lạnh lùng đáp - khi nào cô cho chúng tôi biết địa chỉ của thân quyến, chúng tôi sẽ viết thư đến và cô sẽ có thể trở về nhà được.

- Thưa ông, tôi xin thưa với ông rằng điều đó không thể làm được, vì tôi chẳng có họ hàng nhà cửa gì hết.

Cả ba người đều nhìn tôi, nhưng không có vẻ ngờ vực. Tôi không cảm thấy trong cái nhìn của họ có sự nghi kỵ mà chỉ có vẻ tò mò nhiều hơn, nhất là các cô gái. Đôi mắt của Xanh Jôn trong sáng theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa bóng thì lại sâu thẳm khó hiểu. Hình như ông quen dùng mắt làm phương tiện dò biết ý nghĩ của kẻ khác hơn là để bộc lộ tư tưởng của chính mình. Sự sắc sảo và dè dặt trong cái nhìn ấy hòa hợp với nhau làm cho người khách bị bối rối hơn là được khích lệ.

Ông hỏi tôi:

- Cô muốn nói rằng cô hoàn toàn cô độc, không có quan hệ với ai cả ư?

- Vâng, không một quan hệ ràng buộc tôi với một người nào hiện còn sống, tôi cũng không có quyền đòi hỏi được thu nhận dưới một mái nhà nào ở nước Anh hết.

- Vào tuổi cô mà gặp cảnh ngộ ấy, kể cũng lạ thật!

Tôi thấy ông đưa mắt nhìn hai tay tôi, đang chắp lại trên bàn trước mặt. Tôi tự hỏi ông tìm gì vậy, câu nói của ông sau đó giải thích ngay.

- Cô chưa lập gia đình bao giờ chứ? Cô vẫn sống một mình?

Đyanna cười lớn, nói:

- Kìa, anh Xanh Jôn, cô ấy mới độ mười bảy mười tám chứ bao nhiêu.

- Tôi gần mười chín rồi, nhưng tôi chưa lấy chồng.

Tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng lên, vì câu hỏi về chuyện hôn nhân đã gợi lại những kỷ niệm bồi hồi, chua chát. Họ đều nhìn thấy tôi bối rối xúc động. Đyanna và Mary quay đi, tránh nhìn vào bộ mặt đỏ bừng của tôi để tôi khỏi ngượng, nhưng người anh trai lạnh lùng và nghiêm khắc của họ thì vẫn cứ chăm chăm nhìn tôi, cho đến khi sự lúng túng ông gây ra cho tôi làm tôi đến phát khóc.

Ông hỏi:

- Vừa mới đây thì cô ở đâu?

- Anh hay chất vấn quá, anh Xanh Jôn - Mary nói khẽ, nhưng ông nghiêng mình trên mặt bàn và vẫn xoi mói nhìn thẳng vào tôi, đòi trả lời.

Tôi đáp dứt khoát:

- Nơi tôi và những người cùng sống với tôi là chuyện riêng của tôi.

Đyana chêm vào:

- Điều đó, theo ý tôi, thì cô có quyền giữ kín, nếu cô muốn, không phải nói cho anh Xanh Jôn hay bất cứ ai biết.

- Tuy nhiên, ông nói, nếu tôi không biết tí gì về cô thì tôi không thể giúp cô được, mà cô thì lại đang cần được giúp đỡ, phải không?

- Vâng, tôi đang cần và tìm người giúp đỡ, cho tới khi có người nào thực giàu lòng nhân ái kiếm giúp cho tôi một công việc tôi có thể làm được, và tiền lương để lại cho tôi phương tiện để sống, ít nhất là thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu.

- Tôi không biết mình có phải là một người thực giàu lòng nhân ái không, nhưng tôi vui lòng đem hết khả năng giúp đỡ cô, để thực hiện một mục đích lương thiện như vậy. Trước hết, cô hãy cho tôi biết cô vẫn quen làm gì và có thể làm được việc gì.

Vừa uống trà xong, bây giờ tôi cảm thấy mình tỉnh táo hẳn như một người khổng lồ sau khi uống rượu. Các dây thần kinh buông chùng trong người tôi như lại được căng lên, và giúp tôi đủ sức đối đáp rắn rỏi với vị quan tòa trẻ tuổi mà sắc mắc này.

Quay lại phía ông, và cũng nhìn ông như ông nhìn tôi thẳng thắn, không ngượng ngập, tôi nói:

- Thưa ông Rivơ, ông và các cô em ông đã giúp tôi một việc lớn lao nhất mà con người có thể giúp được cho đồng loại, vì lòng cao quý cho tô 1ef2 i trú ngụ, ông và hai cô đã cứu tôi khỏi chết, ông và hai cô có quyền đòi đáp lại bằng một tấm lòng biết ơn vô hạn, và có quyền đòi tôi tỏ bày tâm sự, trong một mức độ nào đấy. Tôi xin thưa để ông và hai cô rõ về người con gái lang thang đã được cứu mạng, trong chừng mực câu chuyện đó không ảnh hưởng gì đến sự thư thái của tâm hồn tôi, đến sự yên ổn tinh thần và vật chất của tôi, cũng như của người khác. Tôi mồ côi, và là con gái một vị mục sư, cha mẹ tôi mất từ khi tôi còn tấm bé chưa biết gì. Tôi sống nhờ người khác, rồi được nuôi dạy trong một trường làm phúc. Tôi có thể nói ông rõ tên nhà trường tôi đã sống ở đấy tám năm, sáu năm là học sinh và hai năm làm cô giáo, đó là trường mồ côi Lôut ở quận..., chắc ông đã nghe nói đến? Ông Rôbơc Brôckơn-hơc làm quản lý.

Tôi rời Lôut, đã được gần một năm, để làm cô giáo dạy trẻ ở tư gia. Tôi được một chỗ làm rất tốt và sống sung sướng. Tôi bắt buộc phải rời bỏ chỗ ấy bốn ngày trước khi tôi đến đây. Tại sao tôi bỏ đi, tôi không thể và cũng không nên nói ra ở đây, nói ra vô ích... nguy hiểm, và lại có vẻ khó tin nữa. Tôi không làm điều gì đáng trách, tôi vô tội, lương thiện cũng như ông và hai cô đây. Tôi đau khổ, và sẽ còn phải đau khổ một thời gian nữa, vì cái tai họa khiến tôi phải rời khỏi nơi tôi đã coi như thiên đường ấy thực là kỳ lạ và ghê gớm. Khi dự định ra đi, tôi chỉ nghĩ đến đi sao cho thật nhanh, thật kín đáo, thế thôi, muốn được thế, tôi đã bỏ lại tất cả những gì tôi có, chỉ mang theo một gói nhỏ, mà rồi trong lúc bối rối vội vã, tôi đã bỏ quên mất trên chiếc xe chở tôi đến Waitơcrôt. Thế là tôi đến vùng này, không có một tí gì trong người. Tôi phải ngủ hai đêm ở ngoài trời và lang thang mất hai ngày, không được bước chân qua ngưỡng cửa của một nhà nào, trong thời gian ấy tôi chỉ được ăn có hai lần và chính vào lúc tôi gần kề cái chết vì đói, vì mệt và tuyệt vọng thì ông, ông Rivơ, ông đã cứu tôi khỏi chết và cho tôi được trú dưới mái nhà ông. Tôi biết rõ những việc các cô em ông đã làm cho tôi lúc ấy, vì tôi không mất hẳn tri giác trong khi bề ngoài có vẻ như li bì mê mệt - và đối với mối từ tâm tự nhiên, chân thực, đại độ của hai cô ấy, cũng như đối với lòng từ thiện hợp với đạo Chúa của ông, tôi chịu ơn rất nhiều.

Khi tôi ngừng lời, Đyana bảo ngay:

- Đừng bắt cô ấy phải nói giữa, anh Xanh Jôn. Rõ ràng là cô ấy chưa khỏe, không nên để cô ấy bị xúc động mạnh. Cô Êliôt, cô hãy lại ghế xôpha mà ngồi xuống đi.

Vô tình tôi hơi giật mình khi nghe gọi bằng cái tên giả, tôi quen bẵng mất cái tên mới của mình. Hình như không có cái gì thoát hỏi mắt ông Rivơ, ông hỏi luôn:

- Cô bảo tên cô là Jên Êliôt?

- Tôi có nói thế. Hiện nay tôi nghĩ nên tạm dùng cái tên ấy cho tiện, nhưng đó không phải là tên thực cho nên nghe nhắc đến, tôi thấy hơi lạ tai.

- Cô không muốn nói tên thực của cô ư?

- Không, tôi sợ nhất là bị lộ tung tích, và tôi muốn tránh mọi sự tiết lộ có thể đưa đến điều đó.

Đyana nói:

- Cô làm thế là phải lắm, tôi cũng nghĩ vậy. Thôi anh hãy để cho cô ấy nghỉ một lát.

Nhưng trầm ngâm một lúc, Xanh Jôn lại bắt đầu nói, vẫn thản nhiên và xoi mói như ban nãy.

- Cô không muốn nhờ vả chúng tôi lâu, như tôi thấy, cô muốn không bị ràng buộc vì mối từ tâm của các em tôi càng sớm càng hay, và nhất là lòng từ thiện của tôi (tôi rất hiểu ý cô phân biệt, nhưng tôi không giận cô đâu, điều dó cũng đúng thôi). Cô mong không phải phụ thuộc vào chúng tôi?

- Vâng, tôi đã thưa với ông như vậy. Xin ông hãy bày cách làm việc hoặc tìm hộ việc cho tôi, hiện giờ tôi chỉ cầu như vậy thôi, rồi xin ông cho tôi đi dù phải sống trong căn lều tồi tàn nhất cũng được nhưng cho tới lúc đó, xin ông cho tôi cứ được ở đây. Tôi rất sợ lại phải chịu đựng những nỗi khủng khiếp của cảnh lang thang không nhà không cửa.

- Cố nhiên là cô sẽ ở lại đây - Đyana đặt bàn tay trắng trẻo lên đầu tôi nói vậy.

- Cô sẽ ở lại - Mary nhắc lại bằng cái giọng chân thực không kiểu cách hình như hợp với tính tình cô.

- Cô thấy đấy, các em tôi rất thích giữ cô ở lại - Xanh Jôn nói - cũng như thích được giữ và nâng niu một con chim gần chết cóng bị gió đông đánh giạt vào bên cửa sổ. Còn tôi thì muốn tạo điều kiện cho cô có khả năng tự túc là hơn, và tôi sẽ cố gắng làm điều đó. Nhưng cô xem, khả năng của tôi rất có hạn. Tôi chỉ là một mục sư cai quản một xứ đạo nghèo nàn, sự giúp đỡ của tôi sẽ không có gì đáng kể. Và nếu cô coi khinh những sự nhỏ mọn tầm thường, thì cô hãy tìm một sự giúp đỡ nào khác xứng đáng hơn.

Đyana trả lời hộ tôi:

- Cô ấy nói rằng sẵn sàng làm bất cứ việc gì lương thiện cô ấy có thể làm được và anh Xanh Jôn, anh cũng biết cô ấy không thể lựa chọn người giúp đỡ. Cô ấy bị bắt buộc phải trông cậy vào một người khó tính như anh.

Tôi trả lời:

- Nếu không có việc gì hơn thì may vá, làm thuê, đi ở, hay giữ trẻ, việc gì tôi cũng làm.

- Thế thì được - ông Xanh Jôn lạnh lùng nói. Nếu cô định như vậy thì tôi hứa sẽ giúp cô, vào lúc nào và giúp cách nào sẽ tùy ở tôi.

Đoạn ông lại cầm lấy quyển sách đã xem từ trước lúc uống trà. Tôi cũng xin cáo lui ngay, vì sức khỏe của tôi lúc ấy chỉ cho phép tôi nói nhiều và ngồi lâu được đến thế là cùng.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86024


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận