Jên Erơ Chương 31


Chương 31
Cuối cùng tôi cũng có được một ngôi nhà.

Nhà tôi là một căn buồng nhỏ, tường quét vôi trắng, sân lát gạch ô vuông, kê một cái bàn và bốn ghế sơn, một cái đồng hồ, một tù buýt phê đựng vài ba cái đĩa và một bộ đồ trà bằng sành. Trên gác có một buồng khác, kích thước cũng bằng nhà bếp, kê một cái giường sắt, một tủ commốt, tuy nhỏ nhưng cũng còn là quá rộng đối với số quần áo ít ỏi của tôi mặc dầu nhờ lòng tốt của hai cô bạn lịch sự và hào hiệp, tôi có thêm được một vài vật thiết dụng nữa.

Lúc ấy vào buổi chiều, tôi đã cho con bé mồ côi giúp việc về nhà, sau khi thưởng công cho nó một quả cam. Sáng nay, trường làng đã khai giảng, tôi có hai mươi học sinh. Chỉ có ba đứa biết đọc, chẳng đứa nào biết viết, biết làm tính. Nhiều đứa đan được, vài đứa biết khâu vá qua loa. Chúng nói giọng địa phương rất nặng. Lúc đầu khó khăn lắm tôi và chúng mới hiểu được nhau. Có vài đứa rất cục mịch, ngỗ nghịch, cũng như rất dốt. Nhưng những đứa khác thì đều dễ bảo, thích học, xem chừng có những thiên tư khiến tôi vui lòng. Tôi không được phép quên rằng những đứa bé quê mùa, ăn mặc lôi thôi ấy cũng là người bằng xương bằng thịt như những đứa trẻ con nhà quý tộc, và trong tâm hồn chúng cũng có những mầm mống của sự hoàn thiện thiên bẩm, của sự phong nhã, trí thông minh và những tình cảm tốt đẹp như con các nhà quyền quý nhất. Nhiệm vụ của tôi là phải phát triển những mầm mống ấy, thực hiện được công việc này, chắc chắn tôi sẽ thấy một niềm vui sướng nào đó. Tôi không chờ đợi được nhiều vui thú trong cuộc đời mở ra trước mặt, tuy nhiên, nếu tôi ổn định tâm trí, sử dụng khả năng của mình cho đúng thì cuộc đời ấy nhất định cũng có thể sống cho qua ngày được.

Tôi có vui vẻ, yên tâm, mãn nguyện trong những giờ làm việc buổi sáng và buổi chiều hôm nay, trong cái lớp học trống rỗng nghèo nàn kia không? Không tự lừa dối mình, tôi phải trả lời: "không". Tôi đã cảm thấy hơi buồn, tôi đã cảm thấy - vâng, tôi thực sự là ngu ngốc! Giá trị mình bị hạ thấp. Tôi ngỡ mình đã đí vào một con đường đưa tôi xuống dốc chứ không nâng tôi lên cao trên bậc thang xã hội. Tôi ngán ngẩm trước sự ngu tối, nghèo nàn, thô lỗ của tất cả những điều mắt thấy tai nghe ở quanh mình. Nhưng tôi không nên thù ghét, khinh bỉ chính mình vì đã có những cảm tưởng đó. Tôi biết là mình sai lầm, và như thế cũng đã là một bước tiến bộ rồi. Tôi sẽ cố sức khống chế những cảm tưởng ấy. Ngày mai, tôi tin rằng sẽ chế ngự được chúng phần nào và trong vài tuần nữa có lẽ chúng sẽ hoàn toàn bị khuất phục. Trong vài tháng nữa, có thể vì thấy học sinh mình tiến bộ và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thì sự ghê tởm sẽ được thay thế bằng niềm vui thỏa mãn.

Trong khi chờ đợi, tôi hãy tự đặt cho mình câu hỏi: - Đằng nào tốt hơn? - Đầu hàng trước sự cám dỗ, nghe theo tiếng gọi của đam mê, không gian khổ cố gắng - không phấn đấu - chui đầu vào cái lưới dệt bằng lụa, ngủ thiếp đi trên những đóa hoa, để rồi thức dậy ở một vùng nào đó tại miền nam, giữa sự xa hoa của một biệt thự thừa lương, để sống ở Pháp hiện nay, để làm nhân tình của ông Rôchextơ, say sưa suốt ngày với tình yêu của ông - vì ông sẽ, vâng, nhất định, ông sẽ yêu tôi trong một thời gian, ông có yêu tôi, và sau này sẽ không bao giờ có ai yêu tôi đến thế nữa. Tôi sẽ không còn bao giờ biết được thế nào là sự tôn sùng êm ái đối với sắc đẹp, tuổi trẻ, và duyên dáng, bởi vì trước mắt bất cứ người nào khác, hình như tôi sẽ không có những ưu điểm ấy. Ông yêu tôi và kiêu hãnh vì tôi - đó là điều mà không một người đàn ông nào khác có như thế. Nhưng kìa, tôi đang nghĩ vơ vẩn gì đây, tôi nói gì đây, và trên hết mọi điều, tôi đang cảm thấy gì đây nhỉ? Tôi đang tự hỏi, làm một kẻ nô lệ trong cái thiên đường của những kẻ ngốc dại ở Macxây, để mê man với lạc thú ảo ảnh trong một giờ, và ngay sau đó lại nghẹn ngào với những giọt lệ cay đắng vì hối tiếc và hổ thẹn thì hơn, hay làm một cô giáo trường làng tự do và lương thiện, ở một xó nhỏ thoáng gió, giữa trung tâm trong lành của nước Anh thì hơn?

Vâng, hiện giờ tôi cảm thấy tôi đã hành động đúng khi tôi tán đồng đạo lý và luật pháp, và khinh bỉ, và nghiền nát những sự mê hoặc rồ dại trong một phút điên cuồng. Chúa đã hướng dẫn tôi lựa chọn con đường phải, tôi xin cảm tạ Người đã dẫn dắt tôi.

Mơ màng nghĩ đến đây, tôi đứng dậy đi ra cửa nhìn bóng hoàng hôn của một ngày mùa gặt, nhìn cánh đồng im lìm trước ngôi nhà nhỏ của tôi, nhà tôi và trường học cách xa làng đến nửa dặm. Chim muông đang ca khúc ca cuối cùng. Không khí dịu êm, giọt sương thơm mát.

Trong khi ngắm cảnh, tôi tự nghĩ mình cũng có hạnh phúc, và ngạc nhiên thấy mình khóc. Vì đâu? Vì số mệnh đã chia rẽ, không cho tôi đoàn tụ với ông chủ tôi, vì con người mà không bao giờ tôi được gặp lại nữa, có lẽ đang bị nỗi đau đớn tuyệt vọng và sự phẫn nộ ác hại - hậu quả của việc tôi bỏ đi - đang lôi kéo người ấy đi chệch quá xa con đường phải, khó lòng hy vọng trở lại nữa. Nghĩ thế, tôi ngoảnh mặt đi, không nhìn bầu trời đẹp đẽ của chiều tà và lòng thung lũng Mortơn cô quạnh - tôi nói là cô quạnh, vì ở khoảng giữa thung lũng mà mắt tôi nhìn thấy tịnh không có một tòa nhà nào, trừ ngôi nhà thờ và nhà của vị mục sư, thấp thoáng sau đám cây, và mãi tận cuối thung lũng, mái lâu đài Vêlơ Hôn, chỗ ở của nhà phú hào Ôlivơ và con gái. Tôi nhắm mắt tựa đầu vào khung cửa bằng đá, nhưng liền đó một tiếng động nhẹ gần cái cửa con ngăn khu vườn nhỏ của tôi với cánh đồng bên ngoài, làm tôi ngửng đầu lên. Một con chó săn - con chó già Caclô của ông Rivơ, mà tôi nhận ra ngay - đang thúc mõm đẩy cánh cửa, còn chính ông chủ Xanh Jôn thì khoanh tay tì lên cửa, lông mày ông nhíu lại chăm chú nhìn tôi, nghiêm nghị đến thành khó chịu. Tôi mời ông vào.

- Không, tôi không ở lại được, tôi chỉ mang đến cho cô một gói nhỏ của các cô em tôi để lại cho cô, có lẽ hộp đựng thuốc màu, bút chì và giấy.

Tôi lại gần để cầm lấy, thực là một tặng phẩm thú vị. Lúc tôi lại gần, ông nhìn mắt tôi dò xét với một vẻ tôi cho là khắc khổ. Chắc chắn trên má tôi còn có ngấn nước mắt.

Ông hỏi:

- Cô có thấy công việc ngày đầu tiên nặng nhọc hơn cô tưởng không?

- Ồ, không. Trái lại, tôi tin rằng rồi đây tôi sẽ rất hợp với các em học sinh của tôi.

- Nhưng có lễ chỗ ở của cô, ngôi nhà nhỏ bé, với các đồ đạc này... khiến cô không vừa ý phải không? Thực ra thì cũng hơi nghèo nàn, nhưng...

Tôi ngắt lời ông:

- Căn nhà nhỏ này sạch sẽ, và không trống gió, đồ đạc cũng tạm đủ và khá tiện nghi. Tôi rất biết ơn về tất cả những thứ tôi trông thấy, chứ không buồn rầu đâu. Tôi không đến nỗi quá ngốc dại hay xa hoa mà lấy làm tiếc rằng không có một tấm thảm, một cái ghế xô pha, hay một chiếc khay bạc, vả chăng, năm tuần lễ trước đây tôi có gì đâu, đang lang thang và vất vưởng, ăn mày ăn xin, bây giờ lại có nhà cửa, có công ăn việc làm, có người quen kẻ thuộc. Tôi ngạc nhiên trước ân huệ của Chúa, trước lòng hào hiệp của các bạn tôi, trước số phận may mắn. Tôi không phàn nàn gì hết.

- Nhưng cô có cảm thấy tâm hồn nặng trĩu vì cô đơn không? Ngôi nhà nhỏ đằng kia tối tăm và trống rỗng.

- Tôi chưa kịp có thì giờ để thích thú cảnh yên tĩnh, lại càng chưa có thì giờ để chán sự cô quạnh.

- Tốt lắm, tôi mong cô được hài lòng như cô nói, dù sao lương tri của cô rồi sẽ bảo cô rằng bây giờ mà bắt chước vợ chồng Lốt(1) chập chờn sợ hãi thì là quá sớm. Cô đã bỏ lại những gì trước khi cô gặp, cố nhiên tôi không rõ. Nhưng tôi khuyên cô hãy nên kiên quyết chống lại sự cám dỗ khiến cô nhìn lại đằng sau. Hãy vững tâm theo đuổi nghề nghiệp hiện nay của mình, ít ra là trong vài tháng.

Tôi trả lời:

- Tôi cũng định thế.

Xanh Jôn nói tiếp:

- Kiểm soát được mình, hướng dẫn được những thiên hướng của mình, là một công việc khó khăn, nhưng qua kinh nghiệm, tôi biết rằng có thể làm được. Chúa đã ban cho ta một chừng mực nào đó cái khả năng tự tạo lấy số mệnh của mình, và khi nghị lực của ta hình như đòi hỏi một món ăn ta thiếu, khi ý muốn của ta khao khát một con đường mà ta không thể theo được thì chẳng việc gì ta phải chịu chết đói hoặc tuyệt vọng, ta chỉ cần đi tìm thức ăn khác cho tâm hồn cũng bổ dưỡng như thức ăn bị ngăn cấm, có khi còn trong sạch hơn, ta chỉ cần khai phá lấy một con đường cho bước chân mạo hiểm, cũng thẳng thắn và thênh thang như con đường Số Mệnh đã ngăn rào, tuy có gập ghềnh hơn.

"Một năm trước đây, chính tôi cũng khổ sở ghê gớm, vì tôi nghĩ rằng tôi đã nhầm khi bước vào đường tu hành, những bổn phận lặp đi lặp lại làm tôi chán ngán đến chết được. Tôi khao khát nồng nhiệt một cuộc đời hoạt động hơn trong xã hội, những công việc kích thích hơn của nhà văn, cuộc sống của một nghệ sĩ, một tác giả, một nhà hùng biện, hoặc bất cứ một cái gì khác ngoài cuộc đời của một tu sĩ. Phải, ẩn dưới bộ áo tu hành của tôi là trái tim của một nhà chính trị, của một quân nhân, một kẻ ham danh vọng, chuộng vinh quang, một kẻ khao khát quyền hành. Tôi suy nghĩ, cuộc đời tôi thảm hại quá, cần có sự thay đổi, nếu không tôi chết mất. Sau một thời gian mù mịt, vận lộn, ánh sáng bỗng bừng lên mang lại cho tôi sự thảnh thơi nhẹ nhõm, cuộc sống chật hẹp của tôi đột nhiên trải rộng ra thành một cánh đồng mênh mông vô hạn. Một tiếng nói từ trên trời kêu gọi những năng lực của tôi vùng dậy, tập trung hết sức lực, mở rộng đôi cánh và bay lên cao vút. Chúa đã giao cho tôi một sứ mệnh, để mang nó đi xa, để hoàn thành tốt, tôi cần phải có sự khéo léo và sức mạnh, lòng can đảm và tài hùng biện, nghĩa là tất cả những đức tính tốt nhất của kẻ quân nhân, của người chính khách và của diễn giả, vì tất cả những cái đó đều tập trung ở nhà truyền giáo ưu tú.

"Tôi bèn quyết định trở thành một nhà truyền giáo. Từ lúc đó tâm trạng tôi thay đổi, tất cả những xiềng xích đều đứt tung và rời bỏ mọi năng khiếu của tôi, không để lại dấu tích nào của sự trói buộc, ngoài vết thương đau mà chỉ có thời gian mới hàn gắn lại được. Quả thực, cha tôi phản đối ý định ấy, nhưng từ khi người mất đi, tôi không phải đấu tranh với một trở ngại chính thức nào. Rồi đây khi đã thu xếp ổn vài việc, khi đã tìm được người thế chân tôi ở Mortơn, khi đã gỡ xong hay cắt đứt một vài mắc mứu về tình cảm - một cuộc tranh đấu cuối cùng với sự hèn yếu của con người, mà tôi biết là tôi sẽ thắng - thế là tôi sẽ rời châu Âu đi sang phương Đông".

Ông nói những câu ấy bằng cái giọng riêng của ông, dịu dàng, đồng thời cũng khoa trương, và khi nói xong ông ngước lên, không nhìn tôi, nhưng nhìn mặt trời đang lặn, mà tôi cũng nhìn theo. Cả ông và tôi đều đứng xoay lưng lại phía con đường từ cánh đồng đi tới cái cửa nhỏ ở hàng rào. Chúng tôi không nghe thấy tiếng chân trên lối đi đầy cỏ dại ấy, vào giờ này, trong khung cảnh ấy, chỉ có tiếng suối chảy êm như ru dưới thung lũng, thành thử chúng tôi giật mình khi nghe một gọng nói vui vẻ, êm như tiếng chuông bạc vang lên:

- Chào ông Rivơ! Chào cả chú Caclô già mua! Con chó của ông lại sớm nhận ra bạn cũ hơn ông đấy. Lúc tôi còn đang ở mãi tít dưới cánh đồng, nó đã dỏng tai, vẫy đuôi mừng rồi, thế mà bây giờ ông vẫn còn quay lưng lại phía tôi.

Thực vậy. Tuy ông Rivơ thoạt nghe giọng nói êm như điệu nhạc ấy đã giật mình, tựa hồ có tiếng sét rạch đôi đám mây trên đầu ông, nhưng nghe xong câu nói, ông vẫn đứng yên như lúc bị người mới nói bắt gặp, tay dựa vào cánh cửa, mặt quay về phía tây. Tôi thấy như bên cạnh ông vừa xuất hiện một ảo tưởng, đứng cạnh ông độ ba bước là một người bận áo trắng toát, một dáng người trẻ trung, yêu kiều đầy đặn và thanh tú, sau khi cúi xuống vuốt ve con Caclô, người ấy ngửng mặt lên và hất tấm mạng ra phía sau, thì lộ ra một khuôn mặt rạng rỡ, một nhan sắc tuyệt mỹ. Nói nhan sắc tuyệt mỹ thì cũng hơi quá, nhưng tôi không lấy lại hay sửa đổi lời đó, những đường nét tuyệt diệu mà chưa bao giờ khí hậu ôn hòa ở xứ Anbiơn này khuôn đúc được nên, nước da hồng hào trong sáng mà những đợt gió ẩm ướt với bầu trời mờ sương ở đây tạo thành và che chở, đã chứng minh cho lời nói ấy. Nàng không thiếu một vẻ duyên dáng nào, không lộ một khuyết điểm nào. Thiếu nữ ấy có những đường nét đều đặn và thanh tú, đôi mắt nàng đẹp như trong tranh vẽ, to đen mà sâu thẳm, với hàng mi dài đậm nét viền quanh, có một vẻ quyến rũ êm đềm, đôi lông mày gọn nét như tô chì, vầng trán mịn trắng ngần, khiến những màu vẽ lộng lẫy hơn trên khuôn mặt dịu bớt đi, cặp má bầu bầu, mơn mởn, đôi môi cũng đỏ tươi, đỏ chon chót, đầy sức sống với những đường cong mềm mại, hàm răng đều sáng bóng, không còn điểm nào chê được, cái cằm gọn có lúm đồng tiền, những búp tóc dày và rậm... tóm lại, nàng có đầy đủ những ưu điểm phối hợp với nhau để tạo nên một nhan sắc lý tưởng. Tôi ngạc nhiên ngắm nhìn con người xinh đẹp ấy, tôi cảm phục nàng với tất cả tâm hồn. Nhất định là Tạo hóa đã quá thiên lệch khi tạo ra nàng, và quên phắt mất tính bủn xỉn thông thường của người dì ghẻ, đã ban ân tứ cho người con yêu quý này với cả tấm lòng rộng rãi của một bà mệnh phụ.

Chẳng biết Xanh Jôn nghĩ thế nào về nàng tiên dưới trần kia? Thấy ông quay lại nhìn nàng, tự nhiên tôi tự hỏi, và cũng tự nhiên tôi tìm câu trả lời trên gương mặt ông. Ông đã rời mắt khỏi nàng Peri(1) và đang ngắm nhìn một khóm cúc tầm thường mọc bên hàng rào.

- Chiều nay trời đẹp, nhưng cô đi chơi một mình bây giờ là muộn rồi đấy. - Ông vừa nói vừa lấy chân nghiền nát những nụ hoa mọc chi chít, trắng như tuyết.

- Ồ, tôi vừa từ S. về chiều hôm nay đây mà (cô nói tên một thành phố lớn cách xa chừng hai mươi dặm). Ba tôi nói ông đã mở trường học, cô giáo mới cũng đã đến, thế là uống trà xong tôi vội đội mũ chạy ngay lên đây để gặp cô ấy. Cô ấy đây phải không? - Cô chỉ vào tôi.

- Vâng, Xanh Jôn nói.

- Liệu cô có thích Mortơn? - Cô hỏi tôi, giọng giọng nói và cử chỉ thẳng thắn, ngây thơ giản dị, tuy hơi trẻ con, nhưng thú vị.

- Tôi mong như thế. Tôi có nhiều lý do để thích Mortơn.

- Cô có thấy học trò của cô chăm chú như cô mong muốn không?

- Rất chăm chú.

- Cô có ưa ngôi nhà này không?

- Ưa lắm chứ.

- Đồ đạc tôi bày biện có khéo không?

- Vâng, quả thật khéo lắm.

- Và tôi chọn Ailixơ Ut để giúp việc cô tốt đấy chứ?

- Vâng, đúng thế. Con bé dễ bảo và khéo tay. (Bây giờ tôi mới rõ đó là cô Ôlivơ, người con gái thừa kế gia sản, được ưu đãi cả về mặt tiền tài lẫn sắc đẹp. Chẳng hiểu lúc sinh ra, cô được vị sao nào chiếu mệnh mà sung sướng thế?)

- Thỉnh thoảng tôi sẽ lên dây dạy giúp cô, - cô ta nói thêm. - Đôi lúc phải lên thăm cô để giải trí một tí, tôi thích giải trí lắm. Ông Rivơ ạ, tôi ở S. vui lắm cơ. Đêm qua, sáng nay thì đúng hơn, tôi khiêu vũ đến tận hai giờ. Binh đoàn thứ... đóng ở đây từ sau vụ rối loạn(1), bọn sĩ quan tính nết dễ chịu lắm. Đám thợ trẻ mài dao kéo của chúng ta chẳng nghĩa lý gì với họ.

Hình như tôi thấy ông Xanh Jôn hơi bĩu môi dưới và vành môi trên co lại trong giây lát. Nghe cô gái tươi cười báo tin ấy, chắc chắn là miệng ông mím chặt, nửa dưới mặt có vẻ khắc khổ hơn lúc thường, ông cũng rời mắt khỏi đám cúc trắng, ngước nhìn cô thiếu nữ, một cái nhìn không tươi tinh, xoi mói đầy ý nghĩa. Cô ta đáp lại bằng một chuỗi cười khác, chuỗi cười thực hợp với tuổi trẻ, với sắc mặt hồng hào, với hai lúm đồng tiền và cặp mắt long lanh của cô.

Vì ông vẫn đứng lặng, nghiêm trang, cô ta lại cúi xuống vuốt ve con Caclô.

- Chú Caclô đáng thương này thế mà quý tôi đấy. Chú ta không khắc khổ, lạnh nhạt với bạn bè, và nếu chú biết nói thì hẳn chú chẳng lặng thinh đâu.

Trong khi nàng cúi mặt xuống, với vẻ duyên dáng bẩm sinh, để vỗ về con chó trước mặt người chủ trẻ tuổi và khắc khổ của nó, tôi thấy mặt ông ta chợt đỏ bừng, đôi mắt của ông ta vừa lóe lên một ánh lửa và long lanh một xúc động không cưỡng được. Bị kích động như vậy, trông ông lúc đấy thật là đẹp, theo cách đẹp của đàn ông, không kém gì cô ta đẹp theo cách đẹp của đàn bà. Ngực ông phập phồng, dường như trái tim to lớn của ông, mệt mỏi vì bị chuyên chế đè nén, đang muốn nở ra, trái với ý chí của ông, và nhảy mạnh vươn tới tự do. Nhưng tôi cho là ông đã kìm nó lại, như một kỵ sĩ cương quyết ghìm con chiến mã đang cất vó lồng lên. Ông không nói, cũng không có một cử chỉ nào đáp lại những lời nói đưa đón đáng yêu kia.

- Ba tôi nói độ này chẳng bao giờ thấy ông lại chơi đằng chúng tôi. - Cô Ôlivơ ngửng lên nói tiếp, - ông như người hoàn toàn xa lạ với Vêlơ Hôn ấy. Chiều nay, ba tôi chỉ có một mình và không được mạnh, ông cùng đi với tôi lại thăm ba tôi nhé.

- Giờ này lại quấy rầy ông Ôlivơ không tiện. - Xanh Jôn trả lời.

- Có gì là không tiện ! Chính vào giờ này ba mới lại càng cần có người trò chuyện, xưởng đóng cửa, và ba chẳng biết làm gì nữa. Thôi, ông Rivơ, cứ đi nhé. Sao ông lại ngượng ngùng và đăm chiêu thế? - Rồi cô ta tự trả lời để phá tan bầu không khí yên lặng vì ông ta không nói gì cả.

- À, quên mất! Cô kêu lên, lắc mạnh những búp tóc tuyệt đẹp, như bực với chính mình. - Tôi cũng vô tâm và ngơ ngẩn quá! Thứ lỗi cho tôi nhé. Tôi quên bẵng mất là ông đang có nhiều lý do không tiện nói chuyện ba hoa với tôi. Đyana và Mary đi xa. Mua Haodơ lại đóng cửa, ông đang cô đơn quá. Thực đấy, tôi ái ngại cho ông lắm. Thôi đến chơi thăm ba tôi đi.

- Để khi khác, cô Rôdamơn ạ, xin để khi khác.

Ông Xanh Jôn nói gần như một cái máy, chỉ có riêng ông rõ ông phải cố gắng đến thế nào mới từ chối được như vậy.

- Thôi được, nếu ông đã bướng bỉnh thế thì tôi xin về vậy, vì tôi không dám ở lại lâu hơn, sương đã bắt đầu xuống rồi. Thôi, chào ông nhé!

Cô chìa tay ra, ông chỉ khẽ đụng vào tay cô.

- Chào cô, ông nhắc lại, giọng thấp và ấm như một tiếng vang.

Cô ta quay đi nhưng rồi ngoảnh lại ngay, hỏi thêm:

- Ông có được khỏe không? Cô đặt câu hỏi ấy là phải lắm, mặt ông trắng bệch như màu áo của cô.

- Vẫn khỏe lắm! - Ông đáp, và khẽ cúi chào, ông bước ra khỏi cổng. Cô ta đi một đường, ông đi một đường. Cô vừa đi xuống cánh đồng, nhẹ nhàng như một nàng tiên, vừa quay lại hai lần để nhìn theo, còn ông vẫn mạnh bước đi mà không hề quay đầu lại.

Cảnh tượng đau khổ và hy sinh của người khác ấy đã khiến tôi không còn nghĩ tới phận mình nữa. Đyana Rivơ có nói rằng anh cô "khắc nghiệt đến chết được". Quả thực không phải là nói quá.



1. Một điển tích trong Kinh thánh: vợ Lôt trốn khỏi thành Xôđôm, vì quay lại nhìn đằng sau mà biến thành cột đá.

1. Một nàng tiên từ thiện trong những truyện thần thoại phương Đông.

1. Tác giả muốn nói đến cuộc nổi dậy ờ mièn Bắc nước Anh vào đầu thế kỷ 19, bị nhà cầm quyền đàn áp bằng vũ lực.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86033


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận