Lịch Sử Tình Yêu Chương 13


Chương 13
Cuộc sống dưới nước của tôi

1. Sự khao khát tồn tại giữa các loài

Sau khi cậu Julian đi, mẹ tôi trở nên thu mình hẳn, hay có thể nói đúng hơn là mờ nhạt, như thể mờ đi, không rõ ràng, xa cách. Những tách trà cạn sạch bao quanh mẹ tôi, những trang từ điển rơi xuống chân bà. Bà đã bỏ bê khu vườn, và đám cúc cứ tin bà sẽ để mắt tới chúng cho tới khi hạt băng đầu tiên đóng lại trên những cánh hoa đọng nước. Những lá thư từ các nhà xuất bản gửi tới hỏi liệu bà có muốn dịch cuốn này cuốn khác. Chúng không được hồi âm. Những cú điện thoại duy nhất được bà trả lời là điện thoại của cậu Julian, và bất kỳ khi nào nói chuyện với cậu, bà đều đóng cửa.

Mỗi năm ký ức của tôi về cha một mờ dần, không rõ ràng, xa xôi hơn. Có một thời chúng sống động và chân thực, rồi chúng trở nên giống các bức ảnh, còn bây giờ chúng giống các bức ảnh chụp các bức ảnh hơn. Nhưng đôi khi, vào những thời khắc hiếm hoi, một kỷ niệm về ông trở lại cùng tôi đột ngột và rõ ràng tới mức tất cả những cảm xúc tôi đã dồn nén suốt nhiều năm bật tung lên như hộp hình nộm. Vào những lúc ấy, lòng tôi tự hỏi phải chăng mẹ tôi luôn cảm thấy như thế này.

2. Chân dung tự họa có ngực

Mỗi tối thứ Ba, tôi bắt tàu điện ngầm vào thành phố và dự lớp “Vẽ từ cuộc sống.” Trong buổi học đầu tiên tôi hiểu ra tên đó nghĩa là gì. Nó có nghĩa là phác họa đủ những người khỏa thân hoàn toàn được thuê đứng yên ở tâm vòng tròn chúng tôi tạo nên từ những chiếc ghế của mình. Cho tới nay tôi là học sinh ít tuổi nhất lớp. Tôi cố tỏ ra bình thường, như thể tôi đã vẽ người khỏa thân được nhiều năm rồi. Người mẫu đầu tiên là một phụ nữ có bộ ngực chảy xệ, tóc xoăn tít và đầu gối đỏ tấy. Tôi không biết nhìn vào chỗ nào. Quanh tôi, cả lớp còng người trên tập của họ và vẽ như điên. Tôi ngập ngừng vạch vài nét trên tập vẽ. “Hãy ghi nhớ các núm vú, các bạn,” giáo viên nói to, đi một lượt quanh vòng tròn. Tôi vẽ thêm các núm vú. Khi đến chỗ tôi, cô nói: “Cho phép tôi nhé?” và cầm bức vẽ của tôi cho cả lớp xem. Thậm chí cả người mẫu cũng quay lại nhìn. “Các bạn biết đây là gì không?” cô nói và chỉ bức vẽ của tôi. Vài người lắc đầu. “Một chiếc đĩa ném có một núm vú,” cô nói. “Xin lỗi,” tôi lầm bầm. “Đừng xin lỗi,” cô giáo nói, đặt một bàn tay lên vai tôi: “Tạo bóng.” Rồi cô trình bày cho lớp cách biến chiếc đĩa ném của tôi thành một bầu vú lớn.

Người mẫu trong buổi học thứ hai trông rất giống người mẫu ở buổi đầu. Cứ khi nào giáo viên đến bên là tôi gò người trên tác phẩm của mình và hăng hái tạo bóng.

3. ‑Làm thế nào để giúp cho em trai bạn không bị ướt

Mưa bắt đầu từ gần cuối tháng Chín, vài ngày trước sinh nhật của tôi. Trời mưa suốt một tuần, và dường như khi mặt trời chỉ vừa mới chuẩn bị ló ra là nó đã bị đẩy trở lại, và mưa lại bắt đầu rơi. Có vài hôm mưa to đến nỗi Bird phải bỏ dở công việc trên cái tháp xây từ rác thải, mặc dù nó đã căng một tấm bạt ở cái chòi nhỏ bắt đầu thành hình trên đỉnh. Có lẽ nó đang xây một ngôi nhà làm nơi gặp gỡ cho các thiên sứ. Một số tấm ván cũ tạo thành hai bức tường, nó đã chất mấy cái thùng các tông thành hai bức tường còn lại. Ngoài tấm bạt đang võng xuống, vẫn chưa có cái mái nào. Một buổi chiều tôi dừng lại để quan sát nó lật đật leo xuống cái thang dựa vào một rìa đống đồ thải. Nó đang cầm một miếng kim loại phế thải lớn. Tôi muốn giúp nó, nhưng chẳng biết giúp thế nào.

4. ‑Càng nghĩ nhiều về chuyện đó lòng tôi càng đau

Buổi sáng sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi, tôi thức dậy vì tiếng Bird hét “DẬY ĐI!” sau đó là “Vì cô ấy là người tốt,” bài hát mẹ tôi thường hát tặng chị em tôi vào dịp sinh nhật hồi chúng tôi còn nhỏ và Bird đã đảm nhận việc tiếp tục hát. Mẹ vào sau một lát và đặt quà của mẹ cạnh quà của Bird trên giường tôi. Tâm trạng tôi nhẹ nhõm và hạnh phúc cho tới lúc mở quà của Bird, hóa ra đó là một cái áo cứu hộ màu cam. Một khoảnh khắc im lặng khi tôi chằm chằm nhìn nó, mắt dán vào lớp giấy bọc.

“Một cái áo cứu hộ!” mẹ tôi thốt lên. “Đúng là ý tưởng tuyệt vời. Con kiếm được nó ở đâu thế Bird?” bà hỏi, tay mân mê những cái đai áo với vẻ thán phục thực sự. “Có ích quá,” mẹ nói.

Có ích? tôi muốn hét lên. CÓ ÍCH?

Tôi bắt đầu lo lắng ghê gớm. Nếu sự ngoan đạo của Bird không chỉ là giai đoạn tạm thời mà là tình trạng cuồng tín vĩnh viễn thì sao? Mẹ tôi nghĩ đó là cách nó đối phó với việc mất cha, và rồi một ngày nó sẽ vượt khỏi chuyện ấy. Nhưng nếu tuổi tác chỉ làm tăng thêm lòng tin của nó, bất chấp những bằng chứng chống lại những niềm tin ấy thì sao? Nếu nó không bao giờ kết bạn thì sao? Nếu nó trở thành một kẻ đi lang thang quanh thành phố, mặc áo khoác bẩn thỉu, chìa những chiếc áo cứu hộ ra, buộc phải chối bỏ thế giới vì không đúng với giấc mơ của nó thì sao?

Tôi cố tìm cuốn nhật ký của nó, nhưng Bird đã chuyển nó khỏi chỗ phía sau giường, và cuốn sổ không nằm ở bất kỳ nơi nào tôi đã tìm. Thay vào đó, lẫn với đống quần áo bẩn đã hai tuần không giặt dưới gầm giường tôi, tôi tìm thấy cuốn Phố cá sấu của Bruno Schulz.

5. Một lần

Tôi bình thản hỏi mẹ liệu bà đã nghe nói về Isaac Moritz, nhà văn mà người gác cửa ở số 450 phố 52 khu Đông nói là con trai của Alma. Lúc ấy mẹ đang ngồi trên chiếc ghế dài trong vườn, chăm chăm nhìn bụi mộc qua khổng lồ như thể nó sắp nói gì. Ban đầu bà không nghe thấy tôi. “Mẹ?” tôi nhắc lại. Bà ngoái lại, vẻ ngạc nhiên. “Con nói là mẹ đã bao giờ nghe nói về một nhà văn tên Isaac Moritz chưa?” Mẹ bảo Có. “Mẹ đã bao giờ đọc cuốn sách nào của ông ấy chưa?” tôi hỏi. “Chưa.” “Ừm, mẹ có nghĩ là có khả năng ông ấy xứng đáng được giải Nobel không?” “Không.” “Làm sao mẹ biết nếu mẹ chưa từng đọc cuốn nào của ông ấy?” “Mẹ đoán,” bà nói, bởi bà sẽ không bao giờ thừa nhận rằng bà chỉ tặng giải Nobel cho những người chết. Rồi mẹ lại chăm chăm nhìn bụi mộc qua.

Ở thư viện, tôi gõ “Isaac Moritz” vào máy tính. Cái tên này dẫn tới sáu cuốn sách. Cuốn có nhiều bản in nhất là Thuốc. Tôi ghi ra các mã số sách và khi đã tìm thấy những cuốn của ông, tôi lấy Thuốc từ trên giá xuống. Ở bìa sau là tấm ảnh tác giả. Cảm giác thật lạ khi nhìn mặt ông, biết rằng người có tên được dùng đặt cho tôi chắc hẳn phải rất giống ông. Ông có mái tóc xoăn, đang hói dần, có đôi mắt nâu trông nhỏ và yếu phía sau gọng kính bằng kim loại. Tôi lật qua mặt trước và mở tới trang đầu tiên. CHƯƠNG MỘT, sách bắt đầu. Jacob Marcus đang đứng chờ mẹ cậu ở góc giao giữa phố Broadway và Graham.

6. Tôi đọc lần nữa

Jacob Marcus đứng chờ mẹ cậu ở góc giao giữa phố Broadway và Graham.

7. Và lần nữa

Jacob Marcus đứng chờ mẹ cậu

8. Và lần nữa

Jacob Marcus

9. Chúa ơi

Tôi lật trở lại tấm ảnh. Rồi tôi đọc cả trang đầu tiên. Rồi tôi lật lại tấm ảnh, đọc một trang khác, rồi lật trở lại và chằm chằm nhìn tấm ảnh. Jacob Marcus chỉ là một nhân vật trong sách! Người đàn ông đã gửi thư cho mẹ tôi suốt từ trước tới giờ là nhà văn Isaac Moritz. Con trai của Alma. Ông đã ký các bức thư bằng tên của nhân vật trong cuốn sách nổi tiếng nhất của mình! Một dòng trong thư ông trở lại trí nhớ tôi: Đôi khi tôi còn giả vờ viết, nhưng tôi không lừa ai đâu.

Tôi đọc tới trang năm mươi tám thì thư viện đóng cửa. Lúc tôi bước ra ngoài thì trời đã tối. Tôi đứng trước lối vào, cuốn sách kẹp bên cánh tay, nhìn trời mưa và cố gắng hiểu tình cảnh hiện tại.

10. Tình cảnh

Đêm ấy khi mẹ tôi ở trên gác dịch cuốn Lịch sử tình yêu cho người đàn ông có cái tên bà nghĩ là Jacob Marcus, tôi đọc hết Thuốc, viết về một nhân vật tên Jacob Marcus, của một nhà văn tên Isaac Moritz - con trai của nhân vật Alma Mereminski - người hóa ra cũng có thật.

11. Chờ đợi

Khi tôi đọc hết trang cuối cùng, tôi bấm máy gọi Misha và chờ cho đổ chuông hai lần trước khi gác máy. Đây là ám hiệu chúng tôi dùng khi muốn nói chuyện với nhau lúc khuya. Đã hơn một tháng kể từ khi chúng tôi nói chuyện lần cuối. Tôi đã liệt kê một danh sách trong sổ ghi tất cả những điều tôi nhớ về cậu. Một trong số đó là cách cậu nhăn mũi khi suy nghĩ. Cách cậu cầm các thứ là một điều nữa. Nhưng bây giờ tôi cần nói chuyện thẳng với cậu, không danh sách nào thay thế được. Tôi đứng bên điện thoại trong khi ruột gan như rối tung hết lên. Trong lúc tôi chờ đợi, có thể cả một loài bướm đã tuyệt chủng, hoặc một loài động vật có vú cỡ lớn có cảm xúc như tôi.

Nhưng cậu chẳng hề gọi lại. Có lẽ thế nghĩa là cậu không muốn nói chuyện với tôi.

12. Tất cả những người bạn tôi từng có

Dọc theo hành lang, trong phòng của nó, em trai tôi đang ngủ, chiếc mũ kipph rơi xuống sàn. Trên lớp lót có in dòng chữ vàng Đám cưới Marsha và Joe, ngày 13 tháng Sáu, 1987, và dù Bird tuyên bố đã tìm thấy nó trong tủ ở phòng ăn và tin rằng đó là mũ của cha, chẳng ai trong chúng tôi từng nghe nói về Marsha hay Joe. Tôi ngồi xuống bên nó. Người nó ấm, gần như nóng hầm hập. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ thế nào, nếu tôi đã không bịa ra nhiều như vậy về cha, có lẽ Bird đã không tôn thờ ông đến như thế và tin bản thân nó phải là cái gì đó phi thường.

Mưa quất vào cửa sổ. “Dậy đi,” tôi thầm thì. Nó mở hai mắt và rên rỉ. Ánh sáng từ hành lang chiếu vào phòng. “Bird,” tôi nói, chạm vào cánh tay nó. Nó nheo mắt nhìn tôi rồi dụi mắt. “Em phải ngừng nói về Chúa, được không?” Nó không nói gì, nhưng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng lúc này nó đã tỉnh hẳn. “Em sắp lên mười hai tuổi. Em phải ngừng tạo những âm thanh lạ, nhảy từ các thứ xuống và làm mình bị đau.” Tôi biết tôi đang cầu khẩn nó, nhưng tôi chẳng quan tâm. “Em phải ngừng đái dầm,” tôi thầm thì, và bây giờ, trong ánh sáng lờ mờ, tôi đã trông thấy nỗi đau hiện trên gương mặt nó. “Em chỉ cần phải kìm nén những cảm xúc của mình và cố bình thường. Nếu em không…” Miệng Bird mím lại, nhưng nó không nói. “Em phải có vài người bạn,” tôi nói. “Em có một người bạn,” nó thì thào. “Ai?” “Ông Goldstein.” “Em phải có hơn một người.” “Chị không có hơn một người,” nó nói. “Người duy nhất từng gọi cho chị là Misha.” “Có, chị có hơn một. Chị có nhiều bạn,” tôi nói, và chỉ khi những lời ấy thoát ra khỏi miệng tôi mới nhận ra rằng chúng không đúng.

13. ‑Ở một phòng khác, mẹ tôi cuộn tròn người ngủ cạnh hơi ấm của một đống sách

14. Tôi cố không nghĩ về

       Misha Shklovsky

Luba Đại đế(1)

Bird

Mẹ tôi

Isaac Moritz

15. Tôi nên

Đi ra ngoài nhiều hơn, tham gia vài câu lạc bộ. Tôi nên mua ít quần áo mới, nhuộm tóc xanh, cho Herman Cooper chở tôi bằng xe hơi của bố nó, hôn tôi, và có thể còn sờ bộ ngực không tồn tại của tôi. Tôi nên hình thành một số kỹ năng có ích như phát biểu trước đám đông, chơi đàn cello điện, hay hàn điện, đi khám dạ dày, tìm một vị anh hùng không phải là người viết một cuốn sách cho trẻ em rồi sau đó mất tích cùng máy bay, dừng cố gắng lập kỷ lục thời gian dựng lều của bố, ném mấy cuốn sổ đi, đứng thẳng, và bỏ thói quen trả lời bất kỳ câu hỏi nào về sức khỏe của tôi bằng một câu trả lời hợp với một nữ sinh Anh nghiêm túc - người tin rằng cuộc đời chẳng là gì ngoài quá trình dài chuẩn bị cho một bữa ăn vài cái bánh sandwich nhỏ cùng Nữ hoàng.

16. ‑Hàng trăm thứ có thể thay đổi cuộc sống của bạn

Tôi mở ngăn kéo bàn mình và đổ ngược các thứ bên trong ra để tìm mẩu giấy tôi đã chép lại địa chỉ của Jacob Marcus - người thật ra là Isaac Moritz. Dưới một cuốn sổ liên lạc, tôi thấy một lá thư cũ của Misha, một trong những lá thư đầu tiên của cậu. Alma thân mến, thư viết. Làm thế nào bạn biết mình rõ thế? Mình nghĩ bọn mình giống nhau như hai giọt nước. Đúng là mình thích John hơn Paul. Nhưng mình cũng rất tôn trọng Ringo.

Sáng thứ Bảy, tôi in một bản đồ và đường đi từ Internet xuống và bảo mẹ rằng tôi sẽ tới nhà Misha và ở đó cả ngày. Rồi tôi cuốc bộ dọc phố và gõ cửa nhà Cooper. Herman bước ra với mái tóc dựng đứng, mặc một chiếc áo phông Sex Pistols(1). “Chà chà,” nó nói khi trông thấy tôi. Nó lùi lại khỏi cửa. “Cậu muốn đi chơi một vòng không?” tôi hỏi. “Đùa hả?” “Không.” “Đươơợc chứ,” Herman nói. “Đợi một chút.” Nó lên gác mượn chìa khóa xe của bố, và khi xuống, nó đã vuốt cho tóc ướt và thay một chiếc áo phông mới màu xanh nước biển.

17. Nhìn tôi đi

“Bọn mình sẽ đi đâu, Canada à?” Herman hỏi khi trông thấy tấm bản đồ. Có một dải nhợt quanh cổ tay nó - nơi chiếc đồng hồ đeo tay đã nằm suốt cả mùa hè. “Connecticut,” tôi nói. “Chỉ thế khi cậu bỏ cái mũ trùm đầu ấy ra,” nó nói. “Tại sao?” “Tớ không thể nhìn được mặt cậu.” Tôi đẩy mũ ra. Nó mỉm cười với tôi. Khóe mắt nó vẫn còn nét ngái ngủ. Một giọt mưa lăn từ trán nó xuống. Tôi đọc cho nó chỉ dẫn đường đi và chúng tôi nói chuyện về những trường đại học nó sẽ nộp đơn vào năm sau. Nó bảo tôi nó đang xem xét một chuyên đề về sinh học đại dương bởi nó muốn sống một cuộc sống như Jacques Cousteau(1). Tôi nghĩ có khi bọn tôi có nhiều điểm chung hơn tôi nghĩ hồi đầu. Nó hỏi tôi muốn làm gì, tôi bảo tôi đã có lúc thoáng nghĩ tới môn cổ sinh học, rồi nó hỏi tôi một nhà cổ sinh học làm gì, thế nên tôi bảo nó rằng nếu nó cầm một cuốn sách hướng dẫn đầy đủ, minh họa chi tiết tới Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, xé cuốn sách thành trăm mảnh và cho gió ở thềm bảo tàng cuốn đi, vân vân, rồi nó hỏi tôi tại sao tôi thay đổi ý định, tôi bảo nó rằng tôi không có thiên hướng cho việc ấy, thế nên nó hỏi tôi có thiên hướng cho việc gì, tôi bảo, “Đó là một câu chuyện dài,” nên nó nói, “Tớ có thời gian,” nên tôi nói, “Cậu thực sự muốn biết hả?” và nó bảo Có, vậy nên tôi nói cho nó sự thật, bắt đầu bằng con dao nhíp Thụy Sĩ của cha tôi và cuốn Các loài hoa và cây ăn được ở Nam Mỹ, kết thúc với kế hoạch của tôi một ngày nào đó sẽ thám hiểm Bắc Cực mà không mang theo gì hết trừ những thứ tôi có thể mang trên lưng. “Tớ hy vọng cậu sẽ không thế,” nó bảo. Rồi chúng tôi rẽ khỏi đường không đúng chỗ và dừng lại một cây xăng để hỏi đường và mua ít kẹo SweetTarts. “Mấy thứ này để tớ,” Herman nói khi tôi móc ví mình ra trả. Lúc nó đưa tờ năm đô la qua quầy, hai bàn tay nó run rẩy.

18. ‑Tôi kể cho nó toàn bộ câu chuyện về Lịch sử tình yêu

Trời mưa to đến nỗi chúng tôi phải tấp vào vệ đường. Tôi tuột giày ra và gác chân lên bảng điều khiển. Herman viết tên tôi vào lớp hơi nước trên kính chắn gió. Rồi chúng tôi hồi tưởng về một trận té nước hai chúng tôi đã tham gia cả trăm năm trước, và tôi đột nhiên cảm thấy buồn vì năm tới Herman sẽ đi xa để bắt đầu cuộc sống của nó.

19. Chỉ vì tôi biết

Sau khi tìm kiếm hết hơi, cuối cùng chúng tôi tìm thấy con đường đất dẫn tới nhà Isaac Moritz. Chắc là chúng tôi đã lái xe quá chỗ đó hai, ba lần nhưng không hề nhận ra. Lúc ấy tôi đã sẵn sàng bỏ cuộc nhưng Herman thì không. Hai lòng bàn tay tôi bắt đầu ướt mồ hôi khi chúng tôi chạy xe theo lối vào đầy bùn, bởi tôi chưa bao giờ gặp một nhà văn nổi tiếng, và càng không phải một người mà tôi đã gửi tới một bức thư giả mạo. Những con số nằm trong địa chỉ của Isaac Moritz được gắn vào thân cây thích lớn. “Làm thế nào cậu biết đó là cây thích?” Herman hỏi. “Chỉ vì tớ biết,” tôi đáp, không nói chi tiết cho nó. Rồi tôi trông thấy cái hồ. Herman đánh xe tới ngôi nhà rồi tắt máy. Đột nhiên thật tĩnh lặng. Tôi khom người để buộc dây giày. Khi tôi ngồi thẳng dậy, nó đang nhìn tôi. Gương mặt nó lộ vẻ hy vọng, hoài nghi và cả thoáng buồn, và tôi tự hỏi liệu có chút nào giống gương mặt của cha tôi khi ông nhìn mẹ tôi bao năm trước ở Biển Chết, tạo đà cho một loạt sự kiện mà rốt cuộc đưa tôi tới đây, một nơi nào đó chẳng ai hay, với một đứa con trai tôi đã lớn lên cùng nhưng hầu như chẳng hiểu gì.

20. Shallon, Shalop, Shallot, Shallow

Tôi ra khỏi xe và hít một hơi sâu.

Tôi nghĩ: Tên cháu là Alma Singer bác không biết cháu nhưng cháu được đặt tên theo tên của mẹ bác.

21. Shalom, Sham, Shaman, Shamble

Tôi gõ cửa. Không có ai trả lời. Tôi bấm chuông nhưng vẫn không có ai trả lời, thế nên tôi đi vòng quanh nhà và nhìn qua các ô cửa sổ. Bên trong tối. Khi tôi quay trở lại cửa trước, Herman đang dựa người vào xe, hai tay khoanh trước ngực.

22. Tôi quyết định rằng không còn gì để mất

Chúng tôi ngồi cùng nhau trên một chiếc ghế dài ngoài hiên nhà Isaac Moritz, đu đưa người và nhìn mưa rơi. Tôi hỏi Herman liệu nó đã từng nghe nói về Antoine de Saint-Exupéry và khi nó bảo chưa, tôi hỏi liệu nó có từng nghe về Hoàng tử bé và nó nói rằng nó nghĩ là có. Thế nên tôi kể cho nó về lúc Saint-Exupéry rơi máy bay ở sa mạc Libya, uống sương đọng trên cánh máy bay mà ông gom lại bằng một miếng giẻ vấy dầu mỡ, đi bộ vài trăm dặm, mất hết nước và mê sảng vì cái nóng và lạnh. Khi tôi kể tới đoạn ông được một số người du mục Ả rập tìm thấy, Herman luồn một bàn tay nó vào tay tôi, và tôi nghĩ, Trung bình mỗi ngày có bảy mươi tư loài tuyệt chủng, đó là một lý do hợp lý nhưng không phải duy nhất để nắm tay một người, rồi điều tiếp theo xảy ra là chúng tôi hôn nhau, và tôi thấy rằng mình đã biết cách hôn, tôi cảm thấy hạnh phúc và buồn ngang nhau, bởi tôi biết rằng tôi đang yêu, nhưng không phải yêu nó.

Chúng tôi đợi một lúc lâu, nhưng Isaac chẳng hề tới. Tôi không biết làm gì khác, thế nên tôi để lại một lời nhắn trên cửa kèm theo số điện thoại của mình.

 Một tuần rưỡi sau - tôi nhớ ngày, mồng 5 tháng Mười - lúc đang đọc báo, mẹ tôi bảo, “Có nhớ nhà văn con đã hỏi mẹ không, Isaac Moritz ấy?” và tôi bảo “Có,” mẹ nói, “Trên báo đăng cáo phó của ông ấy.”

Tối hôm đó tôi lên phòng viết của mẹ. Bà còn lại năm chương Lịch sử tình yêu nữa chưa dịch, và lúc này bà không biết rằng bà sẽ không dịch chúng cho ai khác ngoài tôi.

“Mẹ?” tôi nói. Bà quay lại. “Con có thể nói chuyện với mẹ về một việc được không?”

“Tất nhiên là được rồi, con yêu. Đến đây.”

Tôi bước vài bước vào phòng. Có biết bao điều tôi muốn nói.

“Con cần mẹ phải…” tôi nói, và rồi tôi bật khóc.

“Phải làm sao?” mẹ nói, dang rộng hai cánh tay.

“Không buồn,” tôi nói.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29533


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận