Tác giả tâm sự: "Thật ra lúc đầu tôi quan tâm đến những người đồng tính chỉ vì không thể tưởng tượng được trong cuộc đời này lại có những người đàn ông-đàn ông, đàn bà-đàn bà “yêu” nhau, vậy họ yêu nhau như thế nào và tại sao lạ thế? Lúc đó tôi không có ý định là sẽ viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về đề tài những người đồng tính. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu, từ những điều mình biết, đã nảy sinh trong tôi những hứng thú muốn tìm hiểu sâu hơn về những con người này với tư cách người cầm bút.
Đấy là cả một thế giới nội tâm rất phong phú, có nhiều màu sắc cả bi lẫn hài… Hãy nhân ái hơn, tạo hóa đã quá nghiệt ngã vớihọ, thì chúng ta, những con người với con người, lẽ nào lại không hiểu nổi nhau…”
Những nhân vật chính của truyện là những người phụ nữ thành đạt, cả về danh vọng lẫn vật chất, họ có thể là nghệ sĩ, có thể là doanh nhân, có thể là giảng viên đại học, hay cô sinh viên đang theo học ở một trường nào đó. Họ đã phải đối mặt với những rắc rối của chính bản thân cũng như sức ép của dư luận. Họ đã tìm đến nhau...
"Phụ nữ - bất kể họ là ai thì vẫn luôn luôn giữ được sự mềm mại, dịu dàng, nữ tính. Và dĩ nhiên những trang viết về họ cũng sẽ như vậy. Không có vụ án, không có máu đổ nhưng nhiều nước mắt. Xin đừng so sánh cuốn này với Một thế giới không có đàn bà, e rằng bạn đọc sẽ thất vọng, bởi tuy chung một đề tài đồng tính nhưng mỗi một cuốn tiểu thuyết đều có đối tượng riêng của nó." (Bùi Anh Tấn)
Nhà văn Bùi Anh Tấn: "Gay" hay "Les" tôi đều thích cả!
Bùi Anh Tấn là nhà văn đầu tiên viết về đề tài đồng tính nên anh đã vấp phải nhiều luồng dư luận đối kháng. Kẻ này hoan nghiênh đề tài lạ nhưng chưa phải là mới, kẻ khác lại cho rằng viết như thế vẽ đường cho hươu chạy! Bất chấp mọi ý kiến, tuần qua Bùi Anh Tấn bắn tiếp một phát đạn thứ hai bằng tiểu thuyết “Les – Vòng tay không đàn ông”.
Với “Một thế giới không có đàn bà” anh gặp quá nhiều dư luận khen chê, thậm chí đặt dấu hỏi to đùng về giới tính của anh. Bây giờ anh tiếp tục “tái xuất” với một tiểu thuyết cùng đề tài nhưng “trái dấu” đó là “les” (đồng tính nữ). Anh không ngại búa rìu dư luận sao?
Bùi Anh Tấn: Đối với một người cầm bút viết văn, điều sợ hãi nhất là lặp lại chính mình, thà không viết nữa còn hơn viết lại những gì mình đã viết. Chính vì vậy, với “Les – Vòng tay không đàn ông” tôi tự coi là trách nhiệm viết một tác phẩm cho những người đồng tính, vì họ cũng cần được quan tâm. Tôi viết nhiều về đề tài đồng tính vì tôi hiểu họ, tôi tôn trọng họ. Gay hay les gì tôi đều yêu cả. Bạn bè tôi cứ nói thế này “Bùi Anh Tấn đã viết một thế giới không có đàn bà, rồi đến một thế giới không có đàn ông. Thôi mai mốt viết nốt luôn “Thế giới không có người” cho đủ bộ”.
Trước đây khi viết “Một thế giới không có đàn bà” tôi gặp rất nhiều khó khăn vì mình chỉ là người vô danh, chưa đủ độ tin cậy cho một gay nào đến cung cấp tư liệu. “Les – Vòng tay không đàn ông” tôi được những bạn đọc là người đồng tính tìm đến tâm sự, cung cấp những tình tiết mà nhiều khi tôi không tưởng tượng nổi trên đời này có việc ấy xảy ra. Nói thuận lợi cũng không phải là hoàn toàn. Vì sao à? Để hiểu một người đàn bà bình thường là vô cùng khó, để hiểu một người đàn bà “les” thì còn khó hơn gấp nhiều lần.
Anh có vẻ bi quan khi cho số phận các nhân vật đồng tính của mình có một kết cuộc buồn, thảm khốc. Đỉnh điểm là nhân vật Cô Út trong “Les – Vòng tay không đàn ông”, một người đàn bà sống nghiêm túc đến độ khô khan lại phải chết vì hoảng loạn khi chỉ mới thoáng nghĩ mình có vấn đề về giới tính dù ít hay nhiều.
Cái chết này chỉ là một tai nạn chứ không phải cô này tự đi tìm cái chết, cô không cố ý tìm đến cái chết. Vì cô Út sống trong một gia đình vô cùng nghiêm khắc do vậy khi mà phát hiện ra những sự thật chính tàn nhẫn nơi chính bản thân mình, cô ta không chịu nổi nên hoảng loạn chạy ra đường… Đây quả là điều đáng tiếc, nhưng tôi muốn nói: còn nhiều người vẫn chưa trả lời đượccâu hỏi “Tôi là ai?” ngay cả chính bản thân mình. Đôi lúc trai cũng thích mà gái cũng thích, ngủ với vợ mà mơ đàn ông, nhưng “đi” với với đàn ông lại cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn. Quả là bi kịch của con người, không biết mình là ai đấy mới là đau khổ.
Anh có nghĩ mình sẽ làm phật lòng những người đồng tính nam khi anh cho rằng “Là một người đồng tính nam thì trước sau gì cũng nhanh chóng bộc lộ bản thân mình…
Đây là những điều tôi đúc kết được từ kinh nghiệm của những bạn đọc đồng tính tâm sự với tôi. Tôi cũng đã suy nghĩ mãi khi viết về điều ấy, nhưng sự thật nó là thế. Có một điều không biết có phải là qui luật hay không, thường những người đồng tính nam lúc trẻ hay thích se sua, khoe khoang quần áo, thân xác, xe máy, những cuộc tình chớp nhoáng, thỏa mãn… nhưng đến một ngày tàn tạ trong mắt người tình của mình sau cái tuổi 25 thì mới nhận ra giá trị cần một tình yêu thật sự, nhưng nó đã trễ mất rồi. Đó cũng là bi kịch của người đồng tính.
Với “Les – Vòng tay không đàn ông” gần như trọn tiểu thuyết chẳng có một nụ hôn nào giữa các “nàng”, trong khi “Một thế giới không có đàn bà” anh khá táo bạo về sex. Phải chăng với les Bùi Anh Tấn không có kinh nghiệm về “chuyện ấy”?
Không phải là tôi không biết chị em les “sinh hoạt” như thế nào, thậm chí còn biết nhiều, biết một cách chóng mặt vì nó ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhưng mà tôi không muốn nhắc đến vì dù gì thì họ vẫn là phụ nữ, mà phụ nữ rất ngại nói huỵch toẹt những vấn đề tế nhị đó.
Với tư tưởng trong tác phẩm của mình, anh không sợ bị gán cho tội cổ vũ chuyện đồng tính?
Trong tác phẩm của tôi có nhiều đoạn có thể gây sốc cho một số người nào đó, nhất là những người tỏ vẻ cao đạo, nghiêm cẩn. Có thể họ sẽ hiểu lầm đây là những tuyên ngôn gì đấy cho giới đồng tính hay cổ súy cho hiện tượng này. Nhưng tôi muốn nói rằng mọi người nên chấp nhận vì đây là một thực tế, thục tế đồng tính đã, đang và sẽ tồn tại trong xã hội này. Nhưng nó tồn tại ở một chừng mực nhất định nào thôi, không thể từ chối hay phủ nhận nó được.
Trước đây anh từng lên tiếng thất vọng khi Đài truyền hình VTV chuyển thể tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” thànhphim, nhưng lại “nhào nặn” các nhân vật của anh như một tội phạm, những thành phần không tốt của xã hội. Nếu VTV tiếp tục chuyển “Les – Vòng tay không đàn ông” thành phim, anh có đồng ý không?
Cũng chưa biết nữa vì họ chưa có liên hệ gì với tôi. Xin nói rõ rằng dù tôi có buồn đôi chút về những nhân vật của mình bị biến đổi quá nhiều khi lên màn ảnh. Nhưng, với VTV việc làm phim với những đề tài như thế này là một sự cố gắng cực kì vì đây là đề tài nhạy cảm. Tôi phải cảm ơn hơn là buồn chứ vì họ cũng chịu nhiều sức ép dư luận.
Trần Hoanh
(Theo VietNamNet)
Mỗi ngày 1 cuốn sách xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Bạn đọc của tôi thân mến, tôi viết cuốn tiểu thuyết này không nhằm mục đích "ăn theo" cuốn tiểu thuyết trước đó của tôi, cũng như để chứng minh hay khẳng định điều gì. Lý do rất đơn giản: Tôi muốn được chia sẻ sự cảm thông với tất cả những người đồng tính nói chung. Tôi luôn hiểu những hạn chế của mình, ví dụ: hiểu biết về những thuật ngữ chuyên ngành về đồng tính, y học, tâm lý nhất là tâm lý phụ nữ... cho nên nếu có sai sót thì là điều không thể tránh khỏi. Tôi nhiên tôi đã rất cố gắng viết và hy vọng bạn đọc hiểu được thiện chí của tôi. Sẽ có những điều không làm hài lòng một số bạn đọc, âu cũng là điều bình thường, mục đích của tác giả là nhắm đến phục vụ cả cộng đồng.
Tôi xin trân trọng cám ơn cố Bs.Trần Bồng Sơn cùng một số bác sỹ, nhà tư vấn tâm lý, anh Lê Huy Phú, chị Ý Nhi, Hương Trà cùng một số bạn (mà không tiện nêu tên) ... đã giúp tôi có nhiều tư liệu quý báu để viết tác phẩm này.
T.G.
Ta mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng
Đêm này đêm
Buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng
Vừa khép những đóa mong manh
Ta mang cho em một chút buồn
Vì ta như sóng lênh đênh
Môi em cho ta một cánh hồng
Lụa là phút ấy chưa quên
Thôi chào em
Về giữa phố xá thênh thang
Không gì vui
Thì hãy gắng nhớ đôi lần.
Đêm này đêm
Buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng
Vừa khép những đóa mong manh
Ta mang cho em một chút buồn
Vì ta như sóng lêng đênh
Môi em cho ta một cánh
Lụa là phút áy chưa quên
Thôi chào em
Về giữa phố xá thênh thang
Không gì vui
Thì hãy gắng nhớ đôi lần.
QUỲNH HƯƠNG - TRỊNH CÔNG SƠN