Khi mới đến Trung tâm, em không cao, không béo và sức khỏe không tốt lắm. Ngay lập tức họ tìm cách ép em ăn. Ép em ăn là ám ảnh của họ, nhưng việc đó quá tệ. Mỗi khi họ thử cho em ăn, em đều quay đầu đi, hàm ngậm chặt. Mặc dù thế, họ vẫn đút được một thìa vào mồm, nhưng em nhè ra ngay tắp lự. Nhiều lần em nôn ra cả mật và máu. Điều này được ghi trong báo cáo.
Cuối cùng, họ cột em vào giường, luồn dây xông qua mũi và truyền cho em ăn qua đường đó. Không thể nói rằng cách này thoải mái, nhưng dù sao còn khá hơn là phải nuốt mấy thứ rác rưởi của họ.
Em không thể chịu nổi sự tiếp xúc dù là nhỏ nhất. Điều này được ghi tại trang 13: Hét ngay khi người khác chạm vào. Ngay sau đó: Làm dịu. Làm dịu có nghĩa là tiêm thuốc an thần, chằng dây và nhạc nhẹ để thấy việc này nhân văn hơn.
Đó là cách họ làm để trấn an em và đưa em đi hết phòng khoa này sang phòng khoa kia để thực hiện rất nhiều khám nghiệm: họ sờ nắn, nghe tim phổi, cân đo, gập người em theo mọi hướng. Họ chọc kim vào cơ thể em, đeo máy móc vào người em. Họ cũng chụp hình em nữa. Em khóc khi đèn chớp. Thế là họ cho em đeo cặp kính đen được thít bằng dây chun, và em chẳng ho he gì nữa.
Ít lâu sau, họ phẫu thuật đôi bàn tay em. Các ngón tay được tách ra không hề hấn gì. Không để lại di tật, chỉ có vết sẹo rất mảnh và có ánh xà cừ, em thường để ý nắm tay lại để che đi vết sẹo đó hòng tránh những câu hỏi tọc mạch.
Phần lớn thời gian họ giữ em trong một phòng kín mờ tối. Em bồng bềnh theo kiểu đờ đẫn, không ý thức được thời gian trôi, và như vậy cũng tốt.
Ngay khi bừng tỉnh khỏi sự u mê, em liền gọi mẹ. Em chẳng biết nói gì khác ngoài những từ mạ, mạ, mạ trong hàng giờ với hy vọng khúc ca đằng đẵng không ngừng đó cuối cùng sẽ mang mẹ đến với em.
Một người đàn ông đến: Cháu không được gọi mẹ nữa. Mẹ cháu đã đi rồi. Cháu hiểu không? Em gật đầu. Ở đây cháu được an toàn. Rồi cháu sẽ thấy mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Chỉ có điều cháu không được gọi mẹ nữa. Ông nói nhẹ nhàng nhưng trong đôi mắt rất lạnh lùng ấy có sự đe dọa ngầm, ẩn dưới sự dịu dàng của lời nói.
Em cảm thấy tốt hơn hết là không nên chống đối. Họ có thể gây điều tồi tệ cho mẹ nếu em không vâng lời. Vậy là em vâng lời: em không gọi mẹ nữa nhưng không ngừng nghĩ đến mẹ. Em cần phải như vậy để chịu đựng tiếng ồn.
Tiếng ồn đến phòng ngủ của em từ khắp nơi. Những tiếng thì thầm đằng sau cánh cửa, những tiếng rên rỉ của trẻ con bị nhốt trong các phòng bên, như những con gián trên mặt em, như những con ruồi gặm nhấm màng nhĩ em. Ngay cả khi lắc đầu, rất mạnh từ trái sang phải, em cũng không tống khứ ra nổi. Chúng bám lấy em, chúng ăn não em, chẳng lúc nào ngừng.
Em những muốn lấy tay bịt chặt tai, ẩn náu trong giường, cuộn tròn mình thật chặt. Việc đó dường như giúp em lấy lại được sự tĩnh lặng cô đặc ấy, pha với tiếng ồn giảm nhẹ, sự yên lặng bảo vệ em xưa kia, khi em nằm dài trong cái vỏ kén tối tăm vô cùng thoải mái của mình. Nhưng em nằm bẹp, và quá kiệt sức nên chẳng làm được việc gì khác ngoài rên lên yếu ớt như một con mèo lạc.
Vào tất cả các buổi chiều, người ta kéo em ra khỏi giường, đặt em vào trong chiếc ghế bành có bánh xe, sau đó đẩy đến khu sân rộng, cho em hít thở không khí. Thật là khủng khiếp vì ánh sáng thiêu đốt đôi mắt em cho dù đeo cặp kính đen, nhưng đặc biệt là do những chiếc máy bay trực thăng. Chúng liên tục tuần tra phía trên thành phố vào thời đó, chắc anh vẫn còn nhớ. Khi ấy là vài năm sau các sự kiện; công tác an ninh vẫn được thắt chặt ở mức độ cao nhất.
Lần đầu tiên, em hoảng sợ. “Mạ, mạ, mạ.” Họ đưa ngay em vào bên trong: “Cháu có nhớ những gì đã nói với cháu không? Cháu không được gọi mẹ nữa. Cháu không được gọi bà ấy nữa!” Em cảm thấy sự không hài lòng qua giọng nói của họ. Em nghĩ về người đàn ông đã đến nói với em, về ánh đe dọa trong đôi mắt ông ta. Em co rúm lại trong chiếc ghế bành. “Mạ”. Em lo sợ cho mẹ, và nỗi lo đó còn lớn hơn cả những chiếc máy bay trực thăng.
Từ đó, em cẩn trọng giữ gìn. Ngay khi em nghe thấy tiếng vỗ cánh vù vù âm thầm từ xa của những con ong bầu béo lùn là em liền bịt tai lại, vừa cắn môi vừa nhắm mắt lại. Bình tĩnh nào, chẳng có chuyện gì đâu. Chúng bảo vệ mình,
mi biết như vậy mà. Chúng sắp bay đi rồi. Em không nghe
thấy tiếng chúng. Em bí mật cầu xin mẹ, người duy nhất có thể bóp nghẹt tiếng inh ỏi của những con quái vật đổ dồn xuống em.
Dần dần, ký ức của em mờ đi - hẳn là do tất cả những viên thuốc an thần mà người ta cho em uống. Chúng vò nhàu đầu óc em một cách xảo trá, xóa đi quá khứ của em. Em nhớ rõ khoảnh khắc mà bọn đàn ông mặc toàn đồ đen đến chia lìa em với mẹ - việc đó thì em nhớ - nhưng ngoài việc đó ra, tất cả trở nên lờ mờ. Một mớ lộn xộn những cảm giác không có mối liên kết. Ở giữa lộ ra một ý niệm cụ thể, một ý niệm duy nhất - nào có biết tại sao - ý niệm về một công viên nhỏ, với cái đu quay đầy trẻ con.
Em ở giữa họ, bị những đứa lớn xô đẩy. Tuy vậy em cười; em vui chơi, cuốn đi theo vòng quay mà mỗi vòng đều mang lại cho em hình ảnh mẹ ngồi trên một chiếc ghế dài cùng những người đàn bà khác. Những người đàn bà ấy xấu xí, da nham nhở nổi mẩn, cười nhe chân răng sâu. Bên cạnh họ, mẹ em trông giống như một nữ hoàng, một thiên thần được tách khỏi sự hư hỏng này một cách kỳ diệu.
Để không quên mẹ, em không ngừng nghĩ đến cảnh này, công viên nhỏ, trò đu quay và nguyên vẹn khuôn mặt của mẹ em. Nhưng điều đó chưa đủ: thuốc an thần không ngừng gặm nhấm ký ức em; thiên thần của em mỗi ngày bay lên cao hơn một chút.
Hàng sáng đều có người đến vuốt ve em, có hôm là một người đàn ông, có lúc là một người đàn bà. Trong vòng nhiều phút, ngón tay họ lướt lên trên bàn tay em rồi từ từ luồn vào lòng bàn tay, đến đó họ nắm tay lại, không siết chặt. Em co rúm lại trong đai vải - thật là ghê tởm. Nhưng em không cố cưỡng lại. Phản kháng là vô ích: em phải tuân theo mệnh lệnh của họ.
Vuốt ve xong bàn tay, họ chuyển đến cánh tay, đến vai và cổ. Rồi đến chân, mắt cá chân, bắp chân và đùi. Những cái vuốt ve, mát xa, lúc nhẹ lúc mạnh khiến em gần như mất
ý thức.
Theo dòng năm tháng, sự ghê tởm giảm dần. Em không biết đó là do thói quen hay sự nhẫn nhịn, hay do cả hai. Em đã có thể để cho người ta sờ vào bất cứ chỗ nào trên người, mà không giật bắn mình, không phản ứng lại. Em không còn là con vật hoang dã nhỏ bé mà họ mang về lúc ban đầu. Em trở nên ngoan ngoãn, đúng hơn là đã được thuần hóa.
Nhưng đó chỉ là sự thay đổi ở bên ngoài: bản chất sâu thẳm trong em vẫn nguyên vẹn. Mặc cho mọi nỗ lực của họ, các buổi mát xa mà họ áp đặt điều trị cho em năm này qua năm khác không thể xóa đi sự ghê tởm khiến em rùng mình mỗi khi họ chạm vào em. Họ không xóa được cái phản xạ mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn đẩy em tránh sự tiếp xúc với người khác chừng nào có thể.
Cuối cùng, dây xông làm rát màng nhầy. Họ rút dây ra khỏi mũi em. Cảnh tra tấn lại tiếp tục, các món cháo, món luộc, món xay. Ngay khi trông thấy chiếc thìa nhỏ lại gần, em không còn đờ đẫn nữa mà trở nên hết sức kịch liệt. Mùi thức ăn triệt tiêu tác dụng của thuốc an thần.
Em không hiểu tại sao họ cố bắt em nuốt tất cả những thứ tồi tệ này. Chỉ có mẹ mới là người biết em thích món gì. Thật ấm áp và dễ chịu làm sao, mới ngon tuyệt cú mèo làm sao. Khi mẹ quên mang thìa, em thò tay vào trong hộp và ăn bằng tay. Em ngấu nghiến, em háu ăn, em bôi đầy lên mặt. Cái mùi hương ấy, vị dịu ngọt ấy. Em không ngừng nghĩ đến nó, và điều đó khiến cho sự phản kháng của em dữ dội
hơn nữa.
Nhưng em không lên cân. Họ có dây đai, cái banh. Không có cách nào chống lại những thứ này. Ngay khi họ có thể ép em nuốt hai ba thìa thì họ liền truyền bổ sung đường glucô kèm vitamin, và thế là họ hài lòng cho đến lần sau.
Cuối cùng em nhượng bộ; em không còn sức lực nữa. Khi họ đưa chiếc thìa lại gần, em tự động hé miệng, em nhai, em nuốt. Không còn cái banh, không còn dây đai, không còn bàn tay giữ đầu, ấn cằm em xuống nữa. Dù có chán ngấy thì đó cũng là sự trút bỏ gánh nặng.
Em lấy lại sức sống và lên cân. Em bình phục. Ngay khi em có thể tự ngồi, họ đã có thể bắt đầu tiến hành phục hồi chức năng. Lúc đó em không biết nói, không biết đi, không biết làm gì cả. Họ dạy em lại mọi thứ.
Em nhớ rằng người dạy chỉnh phát âm có hơi thở hôi, như mùi chuột chết ở trong họng. Ngay từ đầu, điều đó làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai người. Khi mở miệng, cô ta phả thẳng vào mặt em thứ chướng khí, và em phải cắn chặt môi để ngăn sự co thắt làm nôn nao dạ dày. Cô ta coi việc làm đó của em là thiếu thiện chí và tiến sát mặt lại gần hơn về phía mặt em: Hãy xem cô làm thế nào này. Nào, hãy nhìn xem! Và như thế còn tệ hơn nữa.
Thời gian đầu, em giãy giụa. Thậm chí em còn thử cào cấu cô ta, báo cáo viết như vậy. Cô ấy kiên nhẫn. Họ đề nghị với cô ta cột em vào chiếc ghế bành, nhưng cô không muốn. Cô ấy nói rằng sẽ không bao giờ có tiến bộ nếu em không đồng thuận. Tất cả đều phải đến từ phía em, khi em thấy sẵn sàng. Phải nói là việc này khiến em vui lòng, đặc biệt khi có người không tìm cách cột chặt mình. Thế là em quyết định cố gắng và chịu đựng mùi hôi.
Em cho rằng nghịch cảnh giúp ta sáng tạo. Sau một thời gian, em đã tìm ra cách giải quyết: mỗi khi cô ta nói, em liền nín thở. Đương nhiên vẫn còn hơi ấm phả lên mặt em. Nhưng không phải ngửi mùi hôi thì em có thể chịu đựng được. Đó là khởi đầu của quá trình hợp tác thực sự giữa em và cô ta.
Em phải mất mười tám tháng trị liệu hàng ngày, biết bao lần ngừng thở kết hợp với yết hầu của cô ta sát gần đến kinh tởm, niêm dịch của cô ta, cái hàm răng sứ thẳng tắp của cô ta, nhưng em đã có thể làm được: em lại nói được, gần như bình thường. Em nói còn chút lơ lớ mà chẳng ai biết nguồn gốc từ đâu, có cái gì đó chưa ổn trong cách phân tiết, nhịp điệu. Chỉ chút xíu thôi, em nhớ thế, nhưng có thể nhận thấy rõ ràng, và dù anh vẫn nói với em rằng anh thích cách nói của em nhưng em thấy việc đó khiến một số người không thoải mái.
Về vấn đề đi đứng cũng vậy, chẳng hề đơn giản, do cơn chóng mặt choán lấy em ngay khi người ta luồn em vào trong bộ yên cương. Bị treo lên những chiếc dây cáp ấy, đầu cách rất xa mặt đất, em mất hết điểm mốc. Ngay khi dây cáp bắt đầu trượt trên rãnh trên trần nhà, em bắt đầu nôn. Thế là bình thường, thầy dạy liệu pháp vận động Takano nói. Đừng nản lòng. Cháu sẽ làm được.
Tất cả các buổi chiều, ông ấy bó chặt em vào bộ yên cương cơ động, rồi dắt em theo ông ấy một hai tiếng, từ trái sang phải rồi từ trước ra sau. Nào, đi nào. Hãy dựa vào đôi chân của mình! Em để cho ông ấy ẵm đi, hoàn toàn ngây dại. Bàn chân em chạm đất, nhưng cẳng chân mềm nhũn. Giữa mình và cơ thể, em không thấy có gì liên kết hết.
Dù sao nhờ luyện tập hàng ngày nên vấn đề cũng trở nên bớt phức tạp hơn. Em không bị chóng mặt và buồn nôn nữa. Ông Takano khen ngợi em. Ông như trút được gánh nặng, em hình dung thế, vì không phải lau dọn sau mỗi buổi tập nữa. Còn em thì hài lòng vì đã đem lại cho ông niềm vui này. Em rất quý ông Takano. Ông có khiếu hài hước, là người chồng và bố của sáu đứa con, lúc nào ông cũng có đầy chuyện để kể.
Một hôm, em đặt được chân xuống đất - ý em là đứng thực sự, thực sự ép gan bàn chân xuống đất. Em cảm thấy cơn run lên đến tận đùi, cứ như một cú sốc điện làm thức tỉnh cặp đùi. Ông Takano chứng kiến sự ngạc nhiên của em. Ông cổ vũ em: Nào đi đi. Tiếp tục bước trên đôi chân đi! Em làm theo lời ông nói. Một bước, như có phép mầu. Rồi một bước nữa, rụt rè, kinh ngạc. Và đột nhiên em hiểu rằng đây không phải là sự ép buộc. Đây không phải là mệnh lệnh mà em phải tuân theo: em muốn đi. Sâu thẳm trong lòng, em muốn điều đó. Đây là lần đầu tiên những đòi hỏi của họ trùng khớp với mong muốn của em.
Việc biết đi đã làm thay đổi tất cả, rốt cuộc, cơ thể đứng thẳng, vững chắc, đầu thẳng. Sau nhiều tháng để cho mình bị nhào nặn bởi những bàn tay xa lạ hay bị dắt theo hướng chiếc ghế bành có bánh xe, đột nhiên em lấy lại sự tự chủ. Cuộc đời của em không còn là một dòng triền miên những sự kiện phi lý nữa. Cuộc đời em tìm lại được một hình hài, một sự liên kết. Em có thể phân biệt ngày và đêm, sáng và chiều tối, ngày hôm trước và ngày hôm sau. Cứ như em thức dậy sau một giấc mộng dài bệnh hoạn.
Kể từ đó, em tự tổ chức các việc của mình. Hàng ngày, em tập nín thở. Em thích làm vậy vì nín thở khiến em chóng mặt và tim đập thình thịch. Và đặc biệt như thế là rất có ích. Từ khi nuốt bữa ăn mà không hít thở, em chịu đựng thức ăn tốt hơn nhiều. Mùi vị của chúng nhạt đi, biến thành nhạt nhẽo tuyệt diệu, ngay cả khi em còn cảm thấy thành tố ghê tởm của chúng.
Sau bữa tối, em lại một mình trong phòng. Nhiều lần họ đề nghị em ra chơi cùng với những đứa khác, ở bên chúng một lúc trước khi đi ngủ, nhưng em từ chối. Những đứa khác làm em sợ. Hàng ngày, em quan sát chúng từ phòng phục hồi chức năng. Mũi dán vào cửa kính, em thấy chúng chơi ở ngoài sân chính, dưới chân tòa nhà. Mặc dù lớp kính dày gấp ba làm giảm tiếng la ó của chúng, mặc dù ba mươi tầng ngăn cách chúng với em, em vẫn không thể không rùng mình. Em biết rõ và chắc chắn về điều này: em không thể sống giữa chúng; em quá khác biệt, và đặc biệt là không thể chịu đựng được tiếng ồn oang oang trong không gian, những tiếng la ó ấy, những tiếng cười ấy, những tiếng khóc xa xa ấy, những tiếng thì thầm trong đêm ấy, trong hành lang, cả cái thế giới sống lúc nhúc bên ngoài cánh cửa phòng em. Thật khiếp sợ! Không bao giờ em có thể quen nổi với môi trường ấy.
Em nghĩ đến điều này từ lâu nhưng không dám làm. Em sợ họ không hài lòng, sợ họ lại cột mình. Tuy nhiên một buổi tối, em vẫn cứ làm điều đó, em không thể chịu được nữa: em ẩn náu dưới tấm ga trải giường. Thu mình sát tường, cuộn tròn trong tấm ga, em co rúm, gối phủ trên đầu. Và em có thể xua đi tiếng ồn. Em vẫn còn đoán ra tiếng ồn đằng sau lớp chăn bông dày, nhưng yếu ớt, gần như tiếng xì xào. Điều tồi tệ nhất mất đi trong các sợi chăn. Cái giống với sự im lặng này tuyệt diệu đến mức em như không thể tin được.
Em ngờ rằng họ đã thấy tất cả - chiếc camêra gắn ngay trên đầu giường em. Chắc họ sắp phản ứng rồi. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ đến, kéo em ra rồi nói: Không được, không được làm thế, không bao giờ được làm lại điều đó. Em ép mình hơn một chút, cuộn mình hơn nữa, chờ họ đến.
Chẳng có chuyện gì xảy ra, và em ngủ thiếp đi trong đống ga giường lộn xộn, như một cái tổ nhàu nhĩ xung quanh cơ thể. Đó là đêm đầu tiên thực sự của em kể từ khi em ở đây.
Những đêm sau đó em lại làm như vậy. Đương nhiên việc này không phải hoàn hảo. Chẳng gì có thể sánh được
với nơi tiện nghi ấm áp và mờ tối mà họ lôi em ra từ đó. Nhưng như thế còn hơn không. Khởi đầu cho sự thoải mái và an toàn.
Họ khéo léo không ngăn cấm gì hết. Họ đành để dưới tấm ga giường một cái nệm mỏng, giúp giấc ngủ của em thoải mái hơn.
Tháng này qua tháng khác, em tiếp tục: phục hồi chức năng, các bữa ăn, những lần nín thở, và ban đêm ngủ dưới tấm ga trải giường. Vào cuối năm thứ hai, em nói gần như hoàn hảo, cho dù với một đứa trẻ ở độ tuổi của em thì vốn từ như thế là còn hạn chế. Em đã học lại cách đi, cách sử dụng đôi bàn tay, mặc dù còn rất vụng về. Em biết trèo lên cầu thang, nhảy trên đầu ngón chân, nhào lộn ra phía trước và nhào lộn ra phía sau. Em ăn, không bao giờ nhăn nhó, không bao giờ hít thở. Họ hài lòng về em. Họ khen ngợi những tiến bộ của em. Lấy lại tình yêu cuộc sống. Đó là những gì họ viết trong bản báo cáo. Có một chút sự thật trong đó.
Tuy nhiên em chỉ sống một nửa. Em nhớ mẹ. Em không ngừng nghĩ đến mẹ. Em thầm nghĩ đến mẹ - Em hiểu rõ rằng không được nói ra việc này. Dù sao thì em đâu có chuyện gì để kể chứ? Hầu như em đã quên hết cuộc sống của em với mẹ. Em chỉ còn lưu lại những ấn tượng không rõ nét: chiếc váy dài đỏ, tiếng nước chảy, hương vị của những món ăn mẹ chuẩn bị cho em. Thậm chí em còn không nhớ rõ khuôn mặt mẹ, chỉ nhớ được đường nét vừa cụ thể vừa mờ mờ, nụ cười của mẹ, mờ trong một kiểu sương mù sớm, như nhắc lại cho em thấy rõ khoảng chia ly giữa mẹ và em từ nay.
Một buổi sáng, họ đến tìm em, dẫn em đến căn phòng có năm đứa trẻ đang chơi, hai gái, ba trai. Ngay lập tức em hiểu họ nghĩ gì. Em không cố cưỡng lại. Như thế là vô ích, em biết rõ như thế. Khi họ nói: Cháu sẽ chơi với các bạn, chỉ một lúc thôi, nào, chơi đi, đừng sợ, em tiến lên, như người mộng du bên cửa sổ. Em cho là mình cảm thấy chuyện gì sắp diễn ra.
Ngay khi trông thấy em, bọn trẻ chạy lại xúm quanh. Em thấy chúng xa lạ, thực sự xấu xí, có cái gì đó khập khiễng trong khuôn mặt. Không cân đối. Phải, đúng thế: em thấy chúng lệch đối xứng. Chúng nhìn em kỳ dị. Em cho rằng cặp kính đen của em kích thích trí tò mò của chúng. Như một màn phủ giữa chúng và em.
Chúng bắt đầu hỏi em: Mày tên là gì? Tại sao mày đeo kính? Tại sao mày gầy thế? Tại sao mày run rẩy? Chúng nói nhanh, cùng một lúc, không ngừng lại. Em chỉ có một ham muốn: lấy tay bịt tai rồi quay lưng lại với chúng. Nhưng em biết đó không phải là điều mà họ trông đợi ở em, thế là em đương đầu lại: em trả lời, một cách máy móc tất cả các câu hỏi của chúng. Có lẽ đến lượt em phải hỏi lại chúng, nhưng việc đó vượt quá sức em.
Khi họ đề nghị em chơi cùng với chúng, em chấp thuận - em không có lựa chọn nào khác - và cả lũ bắt đầu chơi. Chỉ có điều em không biết các trò chơi của chúng. Chúng cố gắng giải thích cho em luật chơi, nhưng em chẳng hiểu gì hết. Sao mày ngu thế? Có gì phức tạp đâu! Sự bực tức của chúng khiến em hốt hoảng; giống như sự đe dọa, làm em càng không hiểu. Cuối cùng một thằng nói: Mày bị chập mạch rồi. Câu nói đó không thực sự ác độc. Nhưng câu đó bộc lộ những gì nó muốn nói: em không như chúng và chúng nhận ra điều đó.
Cuối cùng chúng bỏ rơi em để cùng nhau ra chơi đầu kia căn phòng. Việc này không làm phiền em, trái lại là đằng khác: em cảm thấy như trút được gánh nặng khi thấy chúng đi ra xa. Sau đó chúng bắt đầu thầm thì rồi thỉnh thoảng nhìn trộm em. Lúc sau, một đứa con gái tách ra khỏi nhóm chạy đến chỗ em.
- Tao cược là mày chưa bao giờ làm chuyện đó!
- Cái gì?
- Mày đã làm chuyện đó chưa?
- Nhưng cái gì? Mày nói về cái gì thế?
Nó không trả lời. Trong đôi mắt ánh lên tia đáng lo ngại.
- Thế nào, mày đã làm chuyện đó chưa?
Những đứa khác lại gần để quan sát hết cảnh tượng.
- Mày đã làm chuyện đó chưa?
Em đờ ra, ngạc nhiên, cơ hoành bị kìm lại, nhưng như thế chưa đủ ngăn chặn nỗi kinh hoàng. Đằng sau đôi mắt kính màu nhạt, nước mắt em ứa ra. Chúng cười. Chúng đoán thấy nỗi hoảng sợ của em, và việc đó khiến chúng hưng phấn.
Đột nhiên, đứa con gái lao vào em. Em ngã ngửa. Nó lấy toàn thân đè lên em. Em cảm thấy bàn tay của nó tàn nhẫn luồn vào trong váy rồi tụt quần lót em xuống.
- Chuyện đó, mày đã làm chưa?
Em hét lên trong lòng bàn tay nó.
Bằng bàn tay kia, nó bắt đầu cào cấu đùi em. Em giãy giụa và hét lên nhưng vô ích, nó khỏe hơn em. Tất cả mọi người đều khỏe hơn em. Con ranh không buông em ra, còn những đứa khác thì cười và gào lên: Con điên! Con điên! Con điên! Đôi kính của em bị quăng về phía cuối phòng. Một tia sáng làm lóa đôi mắt em đẫm lệ. Em thấy một thầy chạy đến. Em còn tiếp tục giãy giụa mãi sau khi họ đã tách đứa kia ra.
Em không nhớ rõ những ngày sau đó, nhưng theo bản báo cáo thì không có gì xuất sắc. Em hét lên ngay khi người ta lại gần. Đôi kính của em bị vỡ. Họ đưa cho em đôi kính khác. Em không muốn tháo kính ra nữa, ngay cả ban đêm. Họ lại cho em thuốc an thần và truyền đường glucô. Và họ chờ đợi.
Em giữ đôi mắt nhắm. Em không muốn thấy ai. Thỉnh thoảng, họ đến sờ soạng em, thay dây truyền, làm vệ sinh cho em hoặc lấy máu. Em để cho họ làm, đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Em nghe thấy họ thì thầm: Tội nghiệp con bé, nó không cần như thế. Và họ cũng nói rằng lẽ ra người ta không bao giờ nên như vậy, rằng em chưa sẵn sàng. Họ nói rằng: Hình như ông Kauffmann rất phẫn nộ.
Việc đó đem lại điều tốt hơn cả mong đợi cho em. Tội nghiệp con bé. Một số người bênh vực em. Họ không đồng ý với những gì người ta đã làm với em. Chuyện đó như một lỗ hổng ở giữa bức tường, như một điểm rạn nứt trong hệ thống. Một hy vọng. Em thấy tất cả những gì mình có thể lợi dụng từ tình hình đó. Em bắt đầu giả vờ lên cơn thần kinh, khiếp sợ và khóc như thật, đến mức mà cuối cùng, em chẳng biết đó là thật hay giả nữa.
Họ không tìm cách ngăn em lại, không tìm cách tiêm hay cách nào đó để trấn an. Đây là lần đầu tiên em thấy họ hết cách, khó xử, và có thể ý thức mình đã mắc sai lầm. Em nhận thấy điều đó trong ánh mắt luôn trốn chạy của họ. Em đoán ra điều đó thông qua các cử chỉ thận trọng của họ, cứ như em được làm từ một chất liệu dễ vỡ mà họ sợ làm sứt mẻ mỗi khi thao tác. Em có thể nói gì với anh nhỉ? Cảm giác tội lỗi, chỉ thực sự cái đó. Anh hãy thu xếp sao cho những người khác luôn cảm thấy hơi có lỗi với anh, rồi anh sẽ đạt được tất cả những gì anh muốn.
Khi họ thông báo với em bằng một giọng rất nhẹ nhàng rằng em sắp có thể rời trạm xá, em liền hét lên, hốt hoảng:
- Cháu không muốn quay về phòng!
- Cháu không muốn ư? Nhưng tại sao?
- Phòng của cháu quá gần với phòng của những đứa khác! Cháu không muốn quay về đấy! Cháu sợ!
- Nhưng rốt cuộc...
- Cháu không muốn quay lại đó. Làm ơn cho cháu ở xa những đứa khác!
Họ nhìn nhau, rụng rời. Họ đã không lường trước sự phức tạp này. Nhưng họ đã không nói không. Để đóng cái đinh sâu hơn, em nhỏ ra vài giọt lệ hoàn toàn thực sự, đồng thời vặn vẹo các ngón tay để vết sẹo hiện ra thật rõ. Tóm lại, em đã làm xong phần việc của mình. Chỉ còn chờ đợi thôi.
Mọi chuyện mất ít thời gian hơn như em tưởng. Vài ngày sau, họ cho em ở trong một chái cách xa tòa nhà trung tâm, rất xa các học sinh nội trú khác. “Chỉ là tạm thời thôi”, họ nói. Sau này, họ dự định cho em tái hòa nhập vào khu trẻ con. Nhưng thế nào cũng mặc: hiện tại, em được hưởng hòa bình đế vương, gần như thanh tịnh trong tâm hồn. Và em cũng biết rằng không có chuyện hòa nhập xã hội trong thời gian dài sắp tới. Em xin nói rằng cảm giác tội lỗi, chỉ có cảm giác tội lỗi là có thực.
Mãi sau này, khi đọc hồ sơ của mình thì em mới biết rằng vụ việc của em đã dẫn đến một cuộc điều tra nội bộ với những kết luận rất nặng nề. Thử nghiệm mà họ bắt em phải theo là vô lý. Em đã không được chuẩn bị phù hợp. Nhưng đặc biệt là, không thể tưởng tượng được sao lại để xảy ra việc này, người ta đã không cẩn thận kiểm tra toàn bộ đặc tính tâm lý của những đứa trẻ mà họ cho em tiếp xúc. Một thất bại. Vài vị trí bị đổ: một bác sĩ tâm thần và hai bác sĩ điều trị bị sa thải vì mắc lỗi nặng. Thật đáng đời.
Đôi lúc em vẫn còn nghĩ đến lần tấn công ấy. Khuôn mặt của đứa con gái. Miệng của nó, đôi mắt xấu xa của nó. Cơ thể lực lưỡng của nó đè bẹp lên em. Các ngón tay lục lọi của nó. Mày đã làm chuyện đó chưa? Họ nói về nó trong hồ sơ của em. Nó tên là Bianca, đến từ Zone. Người ta nhặt được nó khi nó mới hơn bốn tuổi tại một ổ biểu diễn bất hợp pháp, cùng với sáu đứa trẻ khác cùng tầm tuổi.
Trong vòng vài tuần, họ để cho em yên. Họ không dám đối xử thô bạo với em. Em tranh thủ lợi dụng: em ngồi ăn nhấm nháp, tự cho mình miễn tham gia các buổi phục hồi chức năng. Quá mệt mỏi. Phần lớn thời gian em ở trong phòng, dưới tấm ga phủ giường. Em không thể thoát ra khỏi sự im lặng.
Thế rồi, dần dần, mọi việc trở lại trật tự, ý em là theo mệnh lệnh của họ. Dù sao thì tình hình này cũng không thể kéo dài. Mọi việc đều có hồi kết, nhất là với những điều
tốt nhất.
Những buổi đi dạo hàng ngày của em từ nay diễn ra trên sân thượng rộng lớn của tòa tháp trung tâm. Sau những chuyện vừa xảy ra, họ nghĩ rằng như vậy có lẽ tốt hơn cho em. Những đứa khác chơi ở dưới, ngoài sân, trong vườn. Còn em thì trên sân thượng. Theo phương diện nào đó thì như thế là tốt. Nhưng theo phương diện khác thì việc này khiến em gần những chiếc máy bay trực thăng hơn - vẫn là chuyện đó, không bao giờ giải quyết được: Charybde và Scylla, cái búa và cái đe. Còn em thì ở giữa.
Hàng ngày, em đều đặn phải đi trong vòng nửa giờ, đầu rụt xuống vai, đôi kính đen đeo trên mũi, rình từ xa những chuyến bay của những con ong bầu đen. Cô quản giáo ê a nói: Hít thở đi, sẽ cảm thấy thoải mái! Hít sâu vào! Cô ta làm em khó chịu làm sao với cái hít sâu của cô ta! Em chỉ thích bầu không khí tù hãm, ô nhiễm, hơi hôi hôi như em ngửi thấy khi ở dưới ga trải giường xâm xấp mồ hôi trong phòng. Cái đó làm em nhớ lại cuộc sống xưa kia, niềm hạnh phúc đã mất của em. Nhưng làm thế nào để giải thích điều này với cô ta? Hẳn cô sẽ không hiểu. Chỉ cần nhìn vào đôi má căng tròn, sắc mặt tươi tỉnh, dáng vẻ ngu xuẩn của cô là em đoán ra
điều đó.
- Hít thở đi, nào, hít thở đi!
Câm mõm lại nếu không ta quẳng mi từ trên mái nhà xuống bây giờ.
- Hít thở đi, sẽ thấy thoái mái vô cùng!
Em mỉm cười với cô ta, đồ ngu, để phỉnh phờ. Trong đầu em nghĩ đến việc đẩy cô ta qua lan can, một cú nhỏ thôi và hấp, tha hồ mà hít thở.
- Nào, hãy hít căng đầy hai lồng ngực! Chúng ta hít-thở-không-khí-trong-lành.
Em làm ra vẻ vâng lời - việc này chẳng hề kéo theo một nghĩa vụ nào, và rút cục như thế thật là đơn giản hơn. Như cô ta, em mở rộng cánh tay, căng phồng lồng ngực, miệng há to. Trong thực tế, em nín thở gần như suốt thời gian ở trên sân thượng.
Tháng Giêng năm 98, gần hai năm sau khi đến đây, em tham gia chương trình giảng dạy của Trung tâm. Xét đến những khó khăn đã được xác nhận về khả năng hòa nhập, em được hưởng một chế độ học riêng đặc biệt, do một thầy và một cô luân phiên dạy. Em nhớ là họ rất xanh xao, hơi khó coi, nhất là ông thầy- một số trường hợp dù có phẫu thuật thẩm mỹ cũng chẳng thể khá hơn. Không nhân từ cũng chẳng thù địch, nhưng lúc nào cũng kiên nhẫn, họ nói với em bằng một thứ giọng đều đều và nhẹ nhàng, như với một đứa bé gái rất mong manh hay loạn tính nết cần phải thận trọng. Không thể nói rằng em yêu họ, nhưng đúng là họ không làm phiền em, và như thế thật tuyệt vời cho mối quan hệ giữa em với họ.
Họ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng em rất đặc biệt. Không phải em là người nói ra điều này đâu nhé, điều này được viết trong bản tường trình mà họ gửi cho các thành viên Ủy ban vào đầu tháng Ba: Biết đọc trong một tháng. Một trí nhớ đáng kinh ngạc, khả năng tính nhẩm đáng kinh ngạc. Viết còn khó khăn nhưng tiến bộ không ngừng.
Họ cho em làm một tá bài kiểm tra và đánh giá. Em thấy rất dễ dàng. Kết quả cho thấy rằng em có năng khiếu đặc biệt. Họ không muốn tin vào điều đó. Họ cho làm lại các bài kiểm tra, nhiều lần, để chắc chắn rằng không có nhầm lẫn. Nhưng không, đúng là như thế. Không còn nghi ngờ gì nữa: em là cái mà người ta gọi là một ca khó, càng đặc biệt hơn thế vì quá khứ của em hẳn khiến em bị cho là đứa trẻ chậm phát triển
tư duy.
Các thành viên trong Ủy ban rất khó xử: họ có trong tay một con vật lạ lùng thực sự. Có năng khiếu đặc biệt, không hòa nhập, nhiều tổn thương tâm thần. Không ai biết phải làm gì với em. Chính lúc đó ông Kauffmann xuất hiện. Ông làm thay đổi cuộc đời em.