Thoạt nhìn Monsieur Grimal - không phải, lần đầu tiên đánh hơi lớp mùi bao quanh Grimal nó biết ngay ông này sẵn sàng đánh nó chết ngay dù chỉ phạm một điều sai trái nhỏ. Mạng sống của nó chỉ giá trị bằng công việc nó hoàn thành, do sự hữu dụng mà Grimal đánh giá. Vì vậy mà Grenouille theo răm rắp, không thử phản kháng dù chỉ một lần. Ngày qua ngày, nó nút chặt mọi năng lực tiềm tàng của thách thức và ương bướng vào bên trong, chỉ dùng rất ít theo kiểu con bọ chét để sống qua giai đoạn giá băng sắp đến: dai, không đòi hỏi gì, kín đáo và giữ thật kỹ ngọn lửa chiếu tia sáng hy vọng chỉ dám để le lói. Lúc này nó là một mẫu mực về sự dễ bảo, thanh đạm và cần cù, tuyệt đối vâng lời, cho gì ăn nấy. Tối tối nó ngoan ngoãn chịu bị nhốt trong cái kho cạnh xưởng, nơi vẫn để dụng cụ và treo da thô xát muối. Ở đây nó phải ngủ trên nền đất nện. Ngày ngày nó làm việc đến tối mịt, mùa đông tám tiếng, mùa hè mười bốn, mười lăm, mười sáu tiếng: nạo thịt những tấm da hôi kinh tởm, nhúng nước, cạo lông, rắc vôi, nhúng dung dịch kiềm, vò, đập, xát nước vỏ dà, bửa gỗ, lột vỏ gỗ phong và gỗ thủy tùng, leo xuống hố đun vỏ dà đầy hơi cay xé, theo lệnh bọn thợ phụ xếp da lên trên vỏ cây thành lớp, rải mụn cây đã đập nát lên trên, rồi phủ nhánh cây thủy tùng và đất lên cái giàn hỏa thiêu kinh tởm này. Mấy năm sau nó sẽ phải đào và lôi những xác da ướp, bấy giờ thành da thuộc, ấy lên.
Nếu không chôn da xuống và đào da lên thì phải đi lấy nước. Xách nước từ sông, mỗi lần hai thùng, mỗi ngày cả trăm thùng, hàng tháng dài như thế vì nghề này cần không biết bao nhiêu là nước để rửa, để làm mềm, để nấu dung dịch, để nhuộm. Hàng tháng trời người nó không chỗ nào khô vì phải xách nước; đêm đêm nước nhỏ ròng ròng từ quần áo nó; da nó lạnh ngắt, mềm đi và trương lên như thể miếng da sũng nước.
Sau một năm sống giống súc vật hơn là người nó bị bệnh than, một chứng bệnh đáng sợ trong nghề thuộc da, và nếu mắc thì thường chỉ có chết. Grimal cầm bằng như mất nó, tìm người thay tuy không phải không tiếc vì ông ta chưa từng có một tay thợ cho gì nhận nấy và làm giỏi như Grenouille. Nhưng trái với mọi chờ đợi Grenouille khỏi bệnh, chỉ phải mang sẹo của những chùm nhọt to đen ở sau tai, ở cổ và trên má khiến nó bị biến dạng và trở nên xấu xí hơn dù vốn dĩ nó đã xấu rồi. Ngoài ra nó còn miễn dịch với bệnh than để từ nay có thể nạo các tấm da bẩn thỉu nhất với hai bàn tay trầy trụa và chảy máu mà không sợ bị nhiễm trùng lại; quả là lợi vô giá. Qua đó nó khác hẳn không chỉ với đám học nghề và thợ phụ mà còn cả với đám có khả năng thay nó nữa. Và bởi vì bây giờ nó không dễ thay như trước kia nên giá trị của việc nó làm, nghĩa là giá trị mạng sống của nó, cũng tăng theo. Bỗng dưng nó không còn phải ngủ trên nền đất nữa mà đã được phép dựng trong kho một bục gỗ, được rơm để trải lên và được một cái chăn riêng. Khi ngủ nó không còn bị nhốt nữa. Bữa ăn cũng đầy đủ hơn. Grimal không còn nuôi nó như con vật bất kỳ nào mà là một gia súc có ích.
Khi nó mười hai tuổi, Grimal cho nó nghỉ nửa ngày Chủ nhật và vào tuổi mười ba nó còn được phép đi chơi một tiếng, làm những gì nó thích vào buổi tối sau khi xong việc. Nó đã thắng bởi vì nó sống và bây giờ nó có được một chút tự do đủ để tiếp tục sống. Giai đoạn ngủ đông đã qua. Con bọ chét Grenouille cựa quậy. Nó đánh hơi không khí ban mai. Nó khao khát săn mồi. Cái vùng chứa mùi lớn nhất thế giới mở ra trước nó: thành phố Paris.
7
Như thể vườn địa đàng vậy. Chỉ riêng hai vùng phụ cận Saint-Jacques de la Boucherie và Saint-Eustache cũng đã là vườn địa đàng rồi. Trong những ngõ hai bên Rue Saint-Denis và Rue Saint-Martin người ở chen chúc; nhà sát nhà; năm, sáu tầng gác khiến không thấy bầu trời và lớp không khí sát nền đất như bị ứ lại trong những đường ống ẩm thấp đặc sệt mùi. Mùi của người trộn lẫn với súc vật, hơi của thức ăn và bệnh tật, của nước và đá cuội, của tro và da thuộc, của xà bông và bánh mì mới nướng, của trứng luộc trong giấm, của mì sợi và đồng thau đánh bóng, của lá xô thơm, của bia và nước mắt, của mỡ và rơm rạ khô lẫn ướt. Hàng nghìn và hàng nghìn thứ mùi hòa thành một thứ cháo đặc vô hình tràn ngập các ngõ hẻm, họa hoằn mới bay đi nếu ở tuốt trên các nóc nhà, còn ở dưới đất thì không bao giờ. Người dân ở đó chẳng còn ngửi thấy có gì đặc biệt trong thứ cháo này bởi vì nó từ họ mà ra và không ngớt thấm vào họ, nó chính là không khí họ thở và nhờ đó họ sống, nó giống như bộ quần áo ấm đã mặc lâu khiến người ta không còn ngửi thấy gì và không còn cảm thấy trên da thịt. Còn Grenouille ngửi thấy tất cả như mới lần đầu. Nó không chỉ ngửi cái toàn thể của hỗn hợp mùi kia mà chẻ nhỏ ra, phân tích thành những phần, những mảnh nhỏ và khác biệt nhất. Cái mũi nhạy của nó gỡ mớ bòng bong mùi thơm và mùi hôi nọ thành từng sợi riêng lẻ của những mùi cơ bản không thể nào tách thêm được nữa. Nó sung sướng khôn tả khi tách những sợi ấy ra, xe chúng lại.
Nó thường đứng lại, tựa lưng vào tường hay nép mình trong một góc tối, mắt nhắm nghiền, miệng hé ra, cánh mũi phập phồng, bất động như một con cá rình mồi trong dòng nước lớn, đen thẫm chầm chậm trôi. Ðể rồi khi một làn gió mỏng manh đưa tới nó đầu một sợi hương thơm mềm mại thì nó chụp ngay lấy, không nhả ra nữa và nó không ngửi thấy gì khác hơn cái mùi này, níu chặt, hút vào trong lòng và giữ mãi mãi. Mùi ấy có thể nó đã biết rồi, hoặc là một biến thể, nhưng cũng có khi hoàn toàn mới, chỉ giống tí xíu hay không giống chút nào với những gì nó đã ngửi từ trước tới nay, chứ đừng nói đến chuyện được nhìn thấy: chẳng hạn mùi lụa được ủi; mùi trà ướp bách lý hương, mùi tấm kim tuyến thêu chỉ bạc, mùi cái nút của một chai vang hiếm, mùi một cái lược đồi mồi. Nó chạy theo những mùi chưa biết này; nó săn đuổi chúng và thu góp vào trong người với sự say mê và kiên nhẫn của một người câu cá.
Khi đã ngửi no nê mùi cháo đặc ở các ngõ hẻm, nó đi tới những nơi thoáng khí; mùi ở đấy mỏng hơn, lẫn vào trong giỏ, tỏa ra, gần như là nước hoa: ở chợ Les Halles(12)_ chẳng hạn, tuy đã tối rồi nhưng ngày chưa thực sự kết thúc mà vẫn tiếp tục tồn tại trong mùi, vô hình nhưng rất rõ, như thể ở đó những nhà buôn còn hối hả trong đám đông, như thể ở đó vẫn còn những sọt đầy rau và trứng, những thùng đầy rượu và giấm, những bao tải đầy đồ gia vị, khoai tây và bột, những két gỗ với đinh và ốc, những sạp thịt, những bàn đầy vải và xoong chảo, đế giày và trăm thứ linh tinh khác bày bán ban ngày... toàn bộ sự tấp nập ấy vẫn còn đó cho đến từng chi tiết nhỏ nhất trong cái không khí mà nó để lại. Grenouille nhìn toàn bộ cái chợ qua khứu giác, nếu như có thể nói như thế được. Và nó ngửi còn rõ hơn không ít người nhìn vì nó cảm nhận cái chợ sau buổi chợ, do đó ở một cấp cao hơn: đó là bản chất, là hồn của cái gì đó đã qua, tức là không bị làm xáo trộn bởi những đặc điểm thông thường của hiện tại như tiếng huyên náo, ánh sáng chói chang, sự va chạm gớm ghiếc của con người bằng xương bằng thịt... ở cái chợ này.
Hoặc nó đi tới chỗ mẹ nó bị chặt đầu; Place de Grève trông không khác một cái lưỡi khổng lồ thè ra liếm dòng sông. Ở đây tàu được kéo lên bờ hay buộc vào cọc; chúng có mùi than, mùi ngũ cốc, mùi cỏ khô và mùi dây thừng ướt.
Từ phía Tây thổi lại qua cái hành lang duy nhất tạo ra bởi con sông cắt ngang thành phố này một luồng gió mênh mông mang đến mùi của đồng quê, của những đồng cỏ ở Neuilly, của những cánh rừng nằm giữa Saint-Germain và Versailles, của những thành phố rất xa xôi như Rouen hay Caen và đôi khi cả của biển. Biển có mùi như một cánh buồm căng phồng hứng nước, muối và mặt trời lạnh. Mùi của biển thì mộc mạc nhưng đồng thời thật lớn lao và độc đáo khiến cho Grenouille do dự, không tách ra thành mùi cá, mùi muối, mùi nước, mùi rong, mùi tươi mát v.v... Nó thích để chung mùi của biển, giữ như một toàn thể trong trí nhớ và thưởng thức trọn vẹn. Nó thích đến nỗi ao ước một lần có được thật nhiều mùi biển tinh khiết, không pha trộn để có thể uống đến say mèm. Sau này, khi nghe kể biển mênh mông biết bao và người ta có thể đi tàu nhiều ngày trên ấy mà không thấy đất liền thì nó không thích gì hơn là hình dung được ngồi trong chòi cao tít trên cột buồm tuốt phía trước của một con tàu như thế, bay đi trong mùi vô tận của biển; đúng ra không phải mùi mà là hơi thở, hơi thở ra, tột cùng của mọi mùi, và vui sướng được tan biến trong hơi thở đó. Nhưng điều này không bao giờ đến vì Grenouille đang đứng ở bờ sông cạnh Place de Grève và nhiều lần hít thở một mảnh nhỏ gió biển bay qua mũi; nó không bao giờ thấy biển, biển thật sự, cái đại dương mênh mông ở phía Tây, và không bao giờ được tan vào cái mùi ấy.
Chẳng mấy chốc nó ngửi thấy khu nằm giữa Saint-Eustache và Hôtel de Ville rõ đến nỗi ngay trong đêm tối đen nó cũng không lạc. Rồi nó mở rộng vùng đi săn, trước hết về phía Tây tới Faubourg Saint-Honoré, rồi ngược Rue Saint-Antoine tới Bastille và cuối cùng qua bên kia sông, tới khu Sorbonne và Faubourg Saint-Germain, khu nhà giàu. Mùi da xe ngựa và mùi phấn trong mái tóc giả của đám thiếu niên quý tộc bay qua song sắt cổng thành, và từ trong vườn mùi thơm của kim tước chi, của hoa hồng và của cây thủy lạp vừa mới xén thoảng qua những bức tường thành cao. Nơi đây, lần đầu tiên Grenouille được ngửi mùi nước hoa theo đúng nghĩa của từ này: nước hoa giản dị mùi oải hương hay hoa hồng mà người ta vẫn trộn vào hồ phun nước ở trong vườn vào những dịp lễ hay những mùi phức tạp, đắt tiền hơn như xạ hương pha với tinh dầu hoa cam, hoa huệ, hoa trường thọ, hoa nhài hay hoa quế, chiều chiều vẫn bềnh bồng sau những cỗ xe như một dải lụa nặng trĩu. Nó ghi nhận những mùi thơm này như mọi mùi bình thường khác, tò mò nhưng không hâm mộ đặc biệt. Dĩ nhiên nó ghi nhận rằng nước hoa có tác dụng làm say mê và lôi cuốn; nó cũng nhận ra cái hay của từng tinh chất nhưng là một tổng thể thì nó thấy thô thiển và chán ngắt, trộn ẩu hơn là sáng tạo và nó biết rằng nó có thể làm ra những mùi thơm khác hẳn nếu có được những nguyên vật liệu đó.
Một số lớn những nguyên vật liệu này nó đã biết nơi các quầy hoa và gia vị ở chợ; những thứ khác đều mới và nó lọc ra từ cái hỗn hợp mùi để giữ lại trong trí nhớ mà không biết tên: long diên hương, xạ hương, hoắc hương, gỗ đàn hương, hương cam chanh, hương bài, độc hoạt điểu, an tức hương, hoa hublông, hương hải ly...
Nó không kén chọn. Nó không, nó chưa phân biệt những thứ mùi mà người ta cho rằng hay hoặc dở. Nó chỉ thèm khát. Mục đích chuyến săn tìm của nó chỉ để có được mọi thứ mùi trên thế gian này, với một điều kiện duy nhất: mùi đó phải mới. Mùi mồ hôi ngựa cũng quý như hương xanh mềm mại phảng phất từ nụ hồng chớm nở, mùi cay sè của con rệp không dở hơn mùi thịt bê quấn mỡ rán cuộn ra từ bếp nhà giàu. Nó ngốn tất, uống tất vào trong người. Và trong cái nhà bếp tưởng tượng để tổng hợp mùi vị của mình, nơi nó thường xuyên tạo ra những hỗn hợp mùi mới, cũng chưa có một nguyên tắc thẩm mỹ nào. Toàn là những thứ kỳ quái mà nó tạo ra rồi lại phá đi như một đứa trẻ chơi xây nhà, sáng tạo và phá bỏ, không theo một nguyên tắc nào cả.
Hết chương 7. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.