Lúc dì Lan cầm mẩu giấy ấy đến, tôi ngồi trên một chiếc ghế gỗ kê trong một góc của gian bếp rộng sau chùa. Tôi ngồi đó đã lâu, gần như bất động, không có ý nghĩ gì, chỉ có một cảm giác mơ hồ rằng tôi không muốn gặp ai hoặc đi đâu, ngay cả quay về căn nhà êm đềm của dì Thư. Tôi không muốn thế giới chạm đến mình, vì tôi không nguyên vẹn. Tôi cảm thấy làn da của mình - đường viền phân chia một bên trong và bên ngoài của một con người, thật mong manh. Tôi thấy sự cô đơn, nỗi bất an nằm ngay trên da thịt chứ không phải trong tim - con tim tôi trống, lênh đênh vô cảm. Tôi thấy sợ thời gian, mỗi lần nó nhích tới phía trước, thì có một chuyện gì đó vừa xảy ra, thêm vào những chuyện trước đó, càng lúc càng đầy. Những chuyện tôi không biết nhưng vẫn có đó, trập trùng vây quanh, như tiếng sóng của một dòng sông vô hình, như tiếng sóng của định mệnh. Mỗi lần thời gian nhích tới phía trước, tôi lại đến gần hơn một biến cố nào đó tôi chưa muốn nó xảy ra. Trong lúc tôi ngồi đây, bất động, thì dòng sông vẫn chuyển động, những dòng nước nhỏ từ những hốc đá, những ngõ ngách tối đen qua những miền đất lạ lùng, dù không tiếng động vẫn đang đổ vào dòng sông và dòng sông dâng lên, cơn lụt sẽ về. Thời gian không bất động, nó luôn luôn nhích về phía trước, về thời khắc của sự gãy đổ.
Dì Thư nhận được mẩu giấy lúc quá ba giờ chiều, lúc đó cơm đã dọn. Dì bỏ bữa ăn, chạy đi đến nhà dì Lan. Và bây giờ dì Lan đang ở đây.
Mẩu giấy là một bức điện tín. Những chữ trên đó là:
Chi Phan Ngoc Lien bi NGHEN mach mau nao dang hon me nhan nguoi than cua chi ve Ha Noi ngay khong co dia chi de gui tin nay den con gai chi Lien
Tên người gửi là bác Đàm ở cùng nhà tập thể của chúng tôi. Bác đã lục tất cả túi áo của mẹ và mọi nơi trong nhà tôi, địa chỉ của dì Thư mà dì Lan dùng là địa chỉ người thân duy nhất mà bác ấy có thể gửi đến được một dòng tin.
Tôi mượn điện thoại chùa để gọi bác Đàm. Mẹ tôi ngã trong sân nhà tập thể lúc trời chưa sáng. Lúc năm giờ bốn mươi bác xuống rửa mặt nhìn thấy mẹ tôi nằm thiếp trong góc sân ẩm ướt, mặt úp xuống đất. Bác gọi mọi người khênh mẹ lên xe đưa đến bệnh viện BM. Tới giờ này mẹ vẫn còn hôn mê.
Chúng tôi ra sân bay nhưng đã lỡ chuyến cuối cùng trong ngày. Dì Lan và tôi ngủ lại trong một cái quán trên quốc lộ. Chúng tôi mua được vé để đi chuyến sáu giờ ba mươi sáng ngày hôm sau. Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay.
Mẹ nằm trong một gian nhỏ với một dãy giường. Bác sĩ nói mẹ hôn mê cấp độ 5 hoặc 4 GCS, đâu đó giữa 5 và 3. Tôi không hiểu điều đó có nghĩa gì. Tôi chỉ biết là mẹ đang ngủ rất sâu. Bác sĩ nói khó biết mẹ tôi có còn thức dậy từ giấc ngủ này hay không. Dì Lan òa khóc. Tôi cũng khóc, nhưng tôi không hiểu, tôi chưa hiểu. Mẹ tôi chỉ trông tiều tụy hơn lúc tôi đi, chứ không giống như người bệnh nặng. Có ống tiếp khí và ống tiếp dưỡng chất nối vào mũi và miệng, nhưng ngoài ra trông mẹ như đang ngủ êm đềm, không có vết thương hay nét đau đớn chết chóc. Tôi ôm mẹ lay, tôi gọi, tôi rờ người mẹ. Mẹ ngủ sâu hơn tất cả các giấc ngủ từng ngủ trong đời, nhưng mẹ vẫn còn đây, và sáng mai mẹ sẽ dậy, khi mở mắt ra mẹ sẽ nhìn thấy tôi, biết rằng tôi đã về Hà Nội.
Dì Lan và tôi ngồi chờ. Chờ mãi. Chúng tôi không có việc gì làm. Cũng không có câu chuyện nào để nói, tất cả những chuyện trước đây bỗng dưng chìm vào một nơi nào đó rất xa. Buổi chiều tôi ra ngoài mua cho mẹ một chiếc áo lụa nhuộm màu cánh sen, tên mẹ là Liên, là hoa sen. Mẹ mới hơn bốn mươi mà đã nghĩ mình quá già để mặc áo màu của tên mình. Mẹ nhỏ bé co ro, đi đứng khẽ khàng, mẹ không bao giờ nhìn vào gương để biết đôi mắt mẹ rất dài và rất đen, mẹ có chiếc mũi thanh tú như một bà tần phi ngày xưa, chỉ nhờ một chiếc mũi đẹp mà suốt đời không phải làm việc nặng. Tôi mua một chiếc lược, vì lúc đi quá vội đã bỏ lược lại chùa, trong cái túi đựng quyển kinh và cái áo ngắn. Lúc chọn cây lược, không biết sao tôi lấy thêm cây son trong trên cùng quầy hàng, không biết cho tôi hay cho mẹ.
Tôi xin nước ấm từ cái phích nước của người đi thăm bệnh cùng phòng, đổ ra một cái bát. Tôi và dì Lan nhúng và vắt khăn âm ấm để lau người cho mẹ. Tôi ngồi hẳn lên giường, chải đầu xong rồi mới thay áo cho mẹ. Khi mái tóc buông ra, trông mẹ trẻ hơn nhiều, trước mẹ không bao giờ dám để tóc rơi xuống vai, lúc nào cũng búi. Tôi buộc lơi bím tóc, trông mẹ thong thả hơn. Tôi yêu mẹ và thấy đau nhói ở trong ngực, bao nhiêu năm mẹ luôn giấu đi vẻ yêu kiều, giờ nằm ngủ thanh thản, dù tiều tụy, tôi vẫn thấy mẹ đẹp đẽ, dịu dàng.
Tôi bảo dì Lan về lấy chìa khóa ở chỗ bác Đàm vào nhà để tắm. Bao giờ dì quay lại sẽ đến lượt tôi. Nhưng khi dì ra, tôi sợ không muốn bước vào nhà một mình, căn nhà tuổi thơ mà tôi đã ruồng rẫy. Tôi chỉ lau mặt và thay áo ở bệnh viện.
Buổi tối tôi và dì Lan ăn mấy tấm bánh chưng rồi không biết làm gì. Chúng tôi không về nhà. Hai dì cháu đến mấy băng ghế ngoài hành lang ngồi đến khuya. Bây giờ tiếng ồn ào ban ngày đã lắng xuống, trời vương hơi lạnh. Mặt trăng hạ tuần mờ nhạt sau những hàng mây mỏng. Tôi bắt đầu thở lại không khí của một bầu trời Hà Nội tháng mười một.
Tôi hỏi dì Lan:
"Nếu dì là mẹ, dì có bao giờ tha thứ cho cha con không?"
Không biết sao câu hỏi đó làm cho dì Lan òa khóc. Một lúc sau dì mới nói được.
"Dì sợ chị Liên không qua được… không quay lại nữa."
"Dì không nghe mẹ thở, không nhìn mặt mẹ sao? Mẹ thở đều, mẹ ngủ rất êm ái. Mấy tháng qua mẹ buồn khổ, mẹ cần một giấc ngủ dài. Mai mẹ sẽ dậy."
"Lúc nãy lau người cho mẹ, dì nâng người mẹ lên, dì thấy… mẹ không còn cảm giác gì, không biết gì, người mẹ như…"
"Mẹ chỉ ngủ sâu hơn một giấc ngủ thường thôi. Bác sĩ cũng nói mà, một giấc ngủ rất sâu. Chưa bao giờ mẹ ngủ sâu như vậy."
Chờ dì Lan hết khóc, tôi nhắc lại câu hỏi:
"Nếu dì là mẹ dì có bao giờ trong đời tha thứ cho cha con không? Con không thể hỏi mẹ được, vì mẹ không bao giờ nói về những chuyện đã qua."
Dì Lan im lặng.
"Tha thứ để chính mình không bị nỗi buồn tàn phá. Con biết là khó lắm, nhưng vẫn phải cố. Nếu hỏi thầy, thầy sẽ dạy: hãy tha thứ. Nhưng mẹ không bao giờ đi chùa. Mẹ có tha thứ không?"
...
"Dì có thể tha thứ cho cha con không?"
Dì Lan cúi đầu:
"Chi là con của dì với cha con. Không phải của mẹ con. Dì mới mười bốn tuổi, lúc sinh nó, vừa qua tuổi mười lăm."
Tôi sững sờ. Dì Lan khóc. Và tôi khóc. Bây giờ trăng đã lặn, bầu trời không có gió.
"Đây là câu chuyện của dì, câu chuyện chết cũng không nói được. Hôm nay… hôm nay mẹ con sắp mất, dì nghĩ vậy. Dì không dám để mẹ gánh nỗi buồn lớn nhất. Dì không biết… Giờ phút ra đi là giờ phút người ta phải nói thật vì, vì không biết bao giờ, không còn bao giờ có thể nói được nữa. Nếu chỉ còn một lần để nói thì phải nói thật.
Dì mới mười bốn tuổi. Buổi tối mẹ giả vờ đi ngủ rồi trốn ra ngoài đi chơi với cha. Cha đưa mẹ về. Mẹ quyến luyến. Cha quyến luyến. Cha không chịu về. Cha vào phòng của hai chị em. Người cha và mẹ đầy mùi cỏ ướt. Cha nằm giữa hai chị em. Cha con hôn chị Liên mãi. Tay ông đặt lên ngực dì trong lúc ông hôn chị Liên. Chị Liên quay mặt ra ngoài khóc. Ông xoay người lại, lấy tay bịt miệng dì, tay kia cha cởi áo dì, và kéo lưng quần. Dì sợ quá. Dì muốn ngất đi."
"Sao dì không la lên? Sao mẹ con không la lên?"
"Dì không biết. Mai ơi dì không biết. Dì thấy chị Liên khóc. Dì sợ cha mẹ mình nghe thấy chị khóc, và sợ nhiều thứ khác nữa. Mọi thứ đều lạ kỳ. Đôi bàn tay ông ấy cứng như sắt. Đêm đó, rồi nhiều đêm nữa…"
Tôi muốn nói với dì Lan là tôi biết bàn tay ấy. Nhưng đó là một chuyện chết cũng không nói được. Dù chỉ còn một lần này. Thời khắc của sự thật không bao giờ đến.
"Dì sinh con sau mẹ chín ngày. Chị Liên nuôi hai đứa. Dì phải về tựu trường. Mẹ con không đủ sữa nuôi. Mẹ con không còn tiền, không còn sức. Dì sợ chết cả hai đứa mất. Dì mang đi một đứa cho cha nuôi, sống được đứa nào, hay đứa ấy. Không ngờ cái chết của Chi dì không bao giờ quên được.
Hai mươi hai năm trước, dì đã mang bé Chi đến đặt vào tay cha. Hai mươi hai năm sau, dì lại dẫn con đến trước cửa nhà cha lần nữa. Cả hai lần đều vì một lý do: Mẹ nghèo không nuôi nổi. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, dì gửi Mai vào cho cha, là vì dì đã thả một cái gàu xuống giếng và sợi dây đã đứt rồi, nên dì muốn thả thêm một cái gàu nữa để mong tìm cái gàu trước nó chìm nơi đâu. Lần này thì dì nghĩ là dì nắm được sợi dây, vì con đã lớn, con biết nói, biết viết thư, chứ không nhỏ bé mỏng manh như Chi năm đó.
Dì có ngờ đâu nơi ấy tàn hại đến như vậy. Lần này dì cũng không nắm giữ được sợi dây. Con nguy nan mà dì không hề biết. Giống như lần trước Chi gặp nguy nan mà dì nào có ngờ nào có tin. Nhưng may con không chết. Nếu con chết, dì không biết còn sông biển nào rửa được tội dì mang với mẹ con. Con về đến Huế, mặt xanh mướt, tóc còn dính máu khô, người đầy vết thương, dì mới biết con đã cận kề cái chết đến đâu.
Con không chịu kể, con nói con đến chết cũng không kể được chuyện gì đã xảy ra và vì sao con tự đâm mình. Con không kể thì sợi dây nối gàu dì đời đời đã làm vuột mất, dì không có thứ gì để đo, để biết cuộc đời. Tại sao người đàn bà nào trong họ ta cũng có một chuyện không nói được? Có một thứ định mệnh như vậy sao?
Lúc gần sáng, cô y tá trực đi ra hành lang tìm chúng tôi, để báo tin mẹ tôi vừa đi rồi.
Niềm im lặng của mẹ đã trở nên tuyệt đối.
Dì Lan và tôi lãnh xác mẹ mang đi thiêu, rồi đem chiếc bình tro về Huế. Tôi không biết người ta có phải luôn luôn mang tro người chết về quê hương không. Tôi không biết đối với mẹ, Huế có còn là quê hương không. Mẹ đã hai mươi hai năm không về. Bà tôi mất mẹ cũng không về. Dường như người chết cần một quê hương hơn người sống. Tôi cũng không biết quê hương là gì và tại sao chết ở quê người lại buồn hơn sống ở quê người.
Chúng tôi gửi bình tro ở một cái chùa nhỏ. Bàn thờ có tám dãy bình. Những bình mới đặt phía trước, mỗi bình có bát hương riêng. Những bình cũ ở phía sau, có bình có ảnh, có bình chỉ có tên người. Linh hồn của họ có quanh đây không? Sao họ yên lặng quá.
Tôi lên chùa TL, xin thầy cho tôi ngồi tịnh tâm, tịnh khẩu cho đến ngày thứ 49. Thầy không cho, nói rằng tôi chưa đủ thức tỉnh để yên lặng trong lúc đau buồn. Bây giờ là lúc tôi cần đi lại, làm việc, nói chuyện với người khác. Bây giờ là lúc lời nói và công việc đều đặn hàng ngày trở thành cần thiết, hãy dựa vào những thứ đó như dựa vào bàn tay của Phật nâng cho tôi không ngã. Thầy cũng không cho tôi ở lại chùa. Thầy khuyên tôi về trông quán, gói bánh với dì Thư. Khi gói bánh thì chăm chút, chứ đừng nghĩ ngợi nhiều. Sầu não lan tỏa xuống đôi bàn tay, cầm lấy lá chuối lá sẽ héo vội và bánh không xanh. Thầy nói con muốn lên chùa thì cứ lên, thỉnh thoảng ngủ lại đêm cũng được. Nhưng phải ở nhà dì Thư, và làm việc với dì.