Momo Chương 4. Một ông lão kiệm lời

Chương 4. Một ông lão kiệm lời
Một ông lão kiệm lời và một anh chàng khéo ăn khéo nói

Khi ta có nhiều bạn thì thế nào trong số đó cũng luôn có vài người đặc biệt gần gũi và thân thiết với ta nhất. Đối với Momo cũng thế.

Cô có hai người bạn thân nhất; ngày nào họ cũng đến thăm viếng, chia sẻ mọi chuyện buồn vui với Momo. Một người trẻ và một người đã có tuổi. Momo không thể nói được ai thân hơn ai.

Người lớn tuổi tên là Beppo - Phu quét đường. Đúng ra họ của ông không phải là Phu quét đường, nhưng vì ông làm nghề này và vì mọi người gọi ông như thế, nên ông cũng xưng như vậy luôn.

Ông Beppo - Phu quét đường ở gần Nhà hát lộ thiên, trong một cái chòi do ông tự dựng lên bằng gạch, tôn lá, mái che bằng giấy thùng cứng. Người ông thấp bé khác thường, dáng đi lại hơi gù nên đứng chỉ cao hơn Momo một chút ít. Cái đầu to với chỏm tóc bạc ngắn dựng đứng luôn hơi nghiêng về một phía. Cặp kính nhỏ luôn nằm trên sống mũi.

Một số người cho rằng đầu óc ông Beppo - Phu quét đường không bình thường. Ấy là vì khi người ta hỏi thì ông chỉ mỉm cười vui vẻ chứ không đáp ngay. Ông còn bận ngẫm nghĩ. Rồi khi thấy không cần thiết trả lời thì ông im lặng luôn. Nhưng khi thấy cần trả lời thì ông ngẫm nghĩ thật kĩ. Thành ra đôi khi sau hai ba tiếng đồng hồ, cũng có khi sau cả ngày trời ông mới trả lời. Khi ấy thì người ta đã quên bẵng điều đã hỏi nên thấy câu trả lời của Beppo mới kì quặc và lạc lõng làm sao.

Chỉ Momo là có thể chờ đợi thật lâu và hiểu được điều ông nói. Cô biết rằng ông nghĩ lâu để đừng bao giờ nói ra những điều không đúng. Theo ông thì mọi bất hạnh trên đời đều do bao điều dối trá gây ra, đó là cố ý; nhưng cũng do vô tình nữa, chỉ vì người ta vội vã nên thiếu suy nghĩ thật chín chắn.

Hàng ngày, tuy còn lâu mới sáng nhưng ông đã lọc lọc đạp chiếc xe cũ rích vào phố, đến một tòa nhà lớn, cùng các đồng nghiệp đứng ở sân, chờ người ta phát cho một cây chổi, một cái xe đẩy và phân công con đường phải quét.

Beppo thích khoảng thời gian trước khi trời sáng này, lúc thành phố còn say ngủ. Ông yêu và tận tâm với công việc của mình, vì ông biết nó hết sức cần thiết.

Khi quét đường, ông quét chậm rãi nhưng liên tục. Cứ bước một bước ông lại thở một hơn, cùng với hơi thở là một nhát chổi. Bước một bước - thở một hơi - một nhát chổi. Bước một bước - thờ một hơi - một nhát chổi. Thỉnh thoảng ông lại ngừng một lúc, ngẫm nghĩ và nhìn mãi đâu đâu. Rồi lại tiếp tục. Bước một bước - thở một hơi - một nhát chổi...

Trong lúc đi tới như thế, trước mặt là đoạn đường còn bẩn thỉu và sau lưng là đoạn đường đã quét sạch sẽ, ông thường có nhiều ý tưởng hay ho. Nhưng đó là những ý tưởng không lời, khó giãi bày, tương tự một mùi thơm ta chỉ còn thoáng nhớ hay một màu sắc ta đã thấy trong mơ.

Xong việc, ngồi bên Momo, ông giải thích cho cô bé những ý tưởng hay ho của mình. Và vì Momo chăm chú nghe theo cách đặc biệt của cô nên Beppo đâm ra nói năng lưu loát.

"Cháu thấy không, Momo," chẳng hạn ông nói, "thế này nhé: đôi khi ta thấy một con đường thật dài trước mắt. Ta liền nghĩ dài thế này thì chẳng bao giờ quét xong nổi."

Ông lặng im nhìn xa xăm một chặp rồi nói tiếp: "Rồi ta liền vội vàng. Cứ vội vàng hơn nữa. Mỗi lần nhìn lên lại thấy đoạn đường trước mặt không ngắn đi. Ta liền gắng sức thêm, ta đâm ra sợ, cuối cùng ta thở dốc, chịu thua. Mà đoạn đường vẫn còn sờ sờ ngay trước mắt. Không làm thế được đâu."

Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp: "Ta không nên nghĩ đến cả con đường luôn một lúc, cháu hiểu không? Chỉ nên nghĩ đến bước chân kế tiếp thôi, tới hơi thở kế tiếp, tới nhát chổi kế tiếp. Lúc nào cũng chỉ nên nghĩ đến bước kế tiếp thôi."

Ông ngừng lại ngẫm nghĩ rồi nói thêm: "Như thế làm việc mới vui. Quan trọng lắm, cháu ạ. Như thế mới làm việc tốt được. Nên như thế."

Rồi ông lại ngừng một lúc lâu trước khi nói tiếp: "Bỗng dưng ta nhận ra: à, thế là ta đã từng bước quét sạch con đường. Ta không để ý đó thôi, nhưng rõ ràng ta không thở dốc." Ông gật đầu kết luận: "Điều đó quan trọng lắm, cháu ạ."

Hoặc một lần khác Beppo đến ngồi im lặng cạnh Momo. Cô thấy ông đăm chiêu, như có điều gì khác thường muốn nói. Đột nhiên ông nhìn vào mắt Momo: "Chú đã nhận ra hai chú cháu mình." Rồi mãi một lúc sau ông mới rủ rỉ nói tiếp: "Thỉnh thoảng - buổi trưa - tất cả say giấc nồng - Thế giới trong suốt - Như một dòng sông, cháu hiểu không? - Nhìn thấy tận đáy được."

Ông gật gù, im lặng một lúc rồi nói khẽ hơn: "Dưới đây là những thời đại khác."

Rồi ông lại ngẫm nghĩ thật lâu cố tìm cho đúng lời. Nhưng có vẻ như tìm chưa ra nên ông nói với giọng hoàn toàn bình thường: "Bữa nay chú quét cạnh bức tường thành cổ. Chú thấy trong bức tường có năm tảng đá khác màu. Đấy, cháu hiểu không?"

Rồi ông đưa ngón tay vạch trên lớp bụi một chữ T 1 to. Ông nghiêng đầu ngắm nghía rồi thì thầm: "Chú đã nhận ra được mấy tảng đá đó."

Lát sau ông ngập ngừng nói tiếp: "Những thời đại, hồi xây bức tường, khác hẳn bây giờ. Bao người đã làm việc ở đấy. Nhưng có hai người đã đặt những tảng đá này vào đấy. Đó là dấu hiệu, cháu hiểu không? Chú đã nhận ra được nó."

Ông đưa tay dụi mắt. Rồi như phải cố sức lắm ông mới nói được, vì nghe có vẻ khó nhọc: "Hồi đó hai người này trông khác hẳn." Rồi ông bật ra như tức giận: "Nhưng chú nhận ra chính là hai chúng ta: hai chú cháu mình. Chú nhận ra!"

Thành ra không thể trách người ta đã cười nhạo khi nghe Beppo - Phu quét đường nói năng những điều đại loại như thế. Có người còn lén đưa ngón tay chỉ đầu 2 nữa chứ. Nhưng Momo rất quý ông và ghi nhớ mọi điều ông nói trong tâm khảm.

Người bạn thân kia của Momo còn trẻ và khác hẳn Beppo - Phu quét đường về mọi mặt. Gã xinh trai, có đôi mắt mơ màng và cái miệng liến thoắng, lúc nào cũng sẵn trong đầu một câu đùa, thậm chí cợt nhả, động một tí là cười khiến ai cũng phải cười theo. Tên gã là Girolamo, gọi tắt là Gigi.

Vì chúng ta đã đặt họ cho ông già Beppo theo nghề nghiệp của ông thì chúng ta cũng cứ thế mà đặt cho Gigi, tuy rằng gã không có nghề ngỗng gì thật sự. Thôi thì chúng ta hãy cứ gọi gã là Gigi - Hướng dẫn viên du lịch đi. Nhưng như đã nói, hướng dẫn du lịch chỉ là một trong bao thứ nghề gã làm khi gặp dịp thôi, chứ gã không phải nhân viên Sở du lịch.

Thứ duy nhất cần thiết mà gã có được cho công việc này là một cái mũ lưỡi trai. Hễ thấy đôi ba khách du lịch lạc bước trong vùng, gã liền chụp ngay cái mũ kia lên đầu, rồi nghiêm trang tiến lại gần, đề nghị hướng dẫn khách đi tham quan và giải thích tường tận mọi điều. Khi khách đã như cá mắc câu thì gã liền liến thoắng kể toàn những chuyện vớ vẩn không đâu vào đâu. Gã bịa ra đủ thứ dữ kiện, tên tuổi, năm tháng trong lịch sử khiến các vị khách du lịch đáng thương rối tinh đầu óc. Có người biết bị mắc lừa liền bực bội bỏ đi, nhưng phần đông cứ tin là thật nên trả tiền cho y đã hướng dẫn, khi Gigi ngửa cái mũ lưỡi trai vào phút chót.

Người trong vùng thường chỉ cười về mánh lới của Gigi, nhưng đôi lúc họ cũng băn khoăn rằng gã bịa chuyện mà lại nhận tiền của khách như thế là không ổn.

"Nhà văn, nhà thơ nào cũng đều làm thế cả thôi," Gigi đáp. "Vả lại chẳng lẽ những khách du lịch kia không nhận được tí gì tương xứng với đồng tiền họ đã bỏ ra sao? Tôi nói cho các người biết: họ đã nhận được đúng những thứ họ muốn đấy! Còn những thứ ấy có trong sách vở hay không thì đã sao nào? Ai dám nói chắc với các người rằng những chuyện ghi chép trong sách vở uyên thâm không phải bịa đặt? Chẳng qua không còn ai biết rằng chúng được bịa đặt đấy thôi."

Hay một lần khác gã nói: "Trời đất ơi, đúng hay sai nghĩa là sao mới được chứ? Ai biết được một nghìn năm hay hai nghìn năm trước ở đây đã xảy ra chuyện gì? Chẳng lẽ các người biết chắc chắn à?"

"Không," mọi người nhìn nhận.

"Thấy chưa!" Gigi - Hướng dẫn viên du lịch reo lên. "Vậy làm sao các người dám bảo rằng những chuyện tôi kể là bịa đặt? Có thể đúng như thế lắm chứ. Nghĩa là tôi chỉ kể toàn sự thật thôi!"

Thật khó mà cãi lại gã. Đúng thế, về khoản liến thoáng thì khó có ai địch nổi Gigi.

Nhưng tiếc thay họa hoằn lắm mới có khách du lịch muốn tham quan Nhà hát lộ thiên, thành thử Gigi thường phải làm nhiều nghề khác: gác công viên, làm chứng hôn lễ, dắt chó đi dạo thuê, chuyển thư tình, khóc mướn cho các đám tang, bán hàng lưu niệm, bán thực phẩm cho mèo và nhiều nghề khác nữa.

Nhưng Gigi mơ sẽ có một ngày nổi tiếng và giàu sang. Gã sẽ ở trong một tòa nhà đẹp như trong truyện cổ tích, chung quanh là vườn rộng. Gã sẽ ăn bằng đĩa mạ vàng, ngủ gối đầu trên gối lụa. Choáng ngợp trước ánh hào quang danh vọng chói lọi s đến trong tương lai, gã thấy mình như mặt trời mà những tia nắng của nó, tạm gọi là từ xa, đã sưởi ấm gã ngay trong lúc cơ hàn này.

"Tôi sẽ đạt được như ý nguyện cho mà xem!" Gã nói to khi mọi người cười nhạo những ước mơ của gã, "rồi các người sẽ nhớ đến lời tôi!"

Nhưng làm gì để đạt được như ý nguyện thì gã chịu không biết. Vì gã không mấy thích quần quật làm ăn chăm chỉ và những việc nặng nhọc.

"Như thế quá dễ," gã nói với Momo, "ai thích thì cứ việc theo đó mà làm giàu. Em hãy nhìn những kẻ bán cả cuộc đời và linh hồn đổi lấy chút ít phồn vinh ấy xem mặt mũi họ như thế nào! Không, anh không làm theo họ. Không! Cho dù lắm khi anh không có tiền mua một tách cà-phê, nhưng Gigi vẫn là Gigi!"

Chắc ai cũng đều nghĩ rằng hai người khác tính khác nết, khác cả quan niệm về xã hội và cuộc đời đến thế, như Gigi - Hướng dẫn viên du lịch và Beppo - Phu quét đường, thật không thể nào kết bạn với nhau được. Ấy thế mà họ là bạn của nhau đấy. Mà lạ thay, người duy nhất không hề trách Gigi về tính hời hợt của gã lại chính là ông già Beppo. Và cũng thật lạ lùng không kém rằng gã Gigi liến láu là người duy nhất không bao giờ nhạo báng ông già Beppo kì cục.

Hẳn đó cũng là do cô bé Momo biết lắng nghe cả hai người ấy.

Nhưng không ai trong bộ ba này lại ngờ được rằng một bóng đen sắp trùm lên tình bạn của họ. Không chỉ thế, nó còn trùm lên khắp cả vùng này. Bóng đen ấy, lạnh lẽo và âm u, không ngừng lan nhanh và ngay bây giờ đây đang trải khắp trên thành phố rộng lớn này.

Ngày ngày nó lặng lẽ âm thầm lấn chiếm. Không ai chống lại nó, vì chẳng ai thật sự chú ý tới nó. Thế thì kẻ âm thầm lấn chiếm kia là ai?

Ngay cả ông già Beppo, xưa nay vốn vẫn thấy những điều người khác không thấy, cũng không để ý đến những gã màu xám đang càng ngày càng đi lại đông hơn, khắp trong thành phố rộng lớn này. Họ làm việc không mệt mỏi. Mà hoàn toàn không phải là họ vô hình. Người ta nhìn họ, thế mà không thấy họ, vì họ tránh trở nên lộ liễu rất giỏi, khiến chẳng ai buồn chú ý đến diện mạo của họ, hoặc có thấy thì cũng quên ngay. Chính vì thế nên họ có thể hoạt động âm thầm. Bởi không ai chú ý đến họ nên dĩ nhiên cũng không ai thắc mắc họ từ đâu tới.

Họ mỗi ngày một đông hơn.

Họ lái những chiếc xe ô-tô xám hảo hạng trên đường phố, họ đi vào mọi ngôi nhà, họ ngồi trong mọi nhà hàng. Và họ thường ghi ghi chép chép gì đấy trong quyển sổ tay nho nhỏ của họ.

Họ là những gã đàn ông mặc toàn một màu xám như màu mạng nhện. Ngay cả mặt mũi họ cũng xám như tro. Họ đội mũ cứng tròn hình quả dưa và hút loại xì-gà nhỏ màu xám tro. Người nào cũng kè kè cắp theo một chiếc cặp màu xám chì.

Cả Gigi - Hướng dẫn viên du lịch cũng không để ý rằng đã vài lần rồi nhiều gã màu xám này đi khắp vùng quanh Nhà hát lộ thiên cổ, vừa đi vừa cần mẫn ghi chép vào sổ tay của họ.

Chỉ riêng Momo là đã để ý đến họ, vào một buổi chiều nọ khi những cái bóng xám sẫm của họ xuất hiện trên bờ đá trên cùng của khu phế tích. Họ ra hiệu với nhau rồi ngồi chụm đầu lại như bàn bạc. Không thể nghe được họ bàn bạc gì, nhưng Momo chợt ớn lạnh, song đây là thứ lạnh khác thường cô chưa từng trải qua. Momo kéo chặt chiếc áo khoác rộng thùng thình mà cũng không đủ ấm, vì đó không phải thứ lạnh bình thường.

Rồi những gã màu xám kia bỏ đi; từ đó không thấy họ xuất hiện trở lại nữa.

Tối hôm ấy Momo không nghe được tiếng nhạc êm ái mà mãnh liệt như mọi khi. Nhưng rồi hôm sau cuộc sống lại tiếp tục như bình thường và Momo không còn bận tâm nữa về những người khách lạ lùng kia. Cô cũng đã quên họ luôn rồi.


--------------------------------
1 Không rõ ý tác giả cho chữ T này là viết tắt từ chữ gì, phải chăng từ chữ Tempo: thời gian?
2 Đưa ngón tay trỏ gõ nhẹ lên trán, gần thái dương ý nói người nào đó đầu óc không bình thường

Nguồn: truyen8.mobi/t117541-momo-chuong-4-mot-ong-lao-kiem-loi.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận