Nắng Trong Đáy Mắt Cha điếm

Cha điếm
Có khi tôi từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ muốn viết ra câu chuyện này.

Thế nhưng “nó” ám ảnh, “nó” gào thét, “nó” thôi thúc tôi viết về “nó”. “Nó” của tôi là một thiếu nữ nổi loạn, tôi đã mơ nhiều lần thấy “nó” cười nhếch mép dửng dưng, cách cười cuồng ngạo của kẻ đã đánh mất đi tin yêu và khát khao của cuộc đời. “Nó” và tôi có gì đó đối lập, nhưng sâu xa lại có một mối quan hệ vô hình. Tôi và “nó” như hai bản ngã khác biệt, nhưng viết càng nhiều, hóa ra “nó” và tôi lại tương đồng nhau đến mức khó tin. Tôi muốn cười khẩy lên: Nó đang ăn sâu vào tôi, chỉ có cách cho nó thoát ra khỏi thâm tâm, nhảy múa trên những con chữ thì có vẻ nó mới chịu buông tha cho tôi.

Tôi sẽ viết về “nó”. “Nó” có ngôi xưng là “Tôi” hẳn hoi. “Nó” hứa sẽ buông tha cho tôi nếu tôi viết về “nó”, nên tôi viết.

Mẹ tôi rất hận những người đồng tính, vì họ đã hại bà mất đi một đứa con.

Và... Cha tôi... đã từng là một người đồng tính!

Tôi muốn giới thiệu thẳng thế ấy, có thế người ta mới biết được rõ ràng nhất về gia đình của tôi, một cách “vạch áo cho người xem lưng” rất cục mịch, tôi muốn cho tất cả biết rằng đó chính là lí do cho những mâu thuẫn bùng phát trong ngôi nhà này.

Nực cười! Đồng tính có vợ và hai con!

Bạn hiểu gì về cảm giác bị bạn học mình chỉ vào mặt mình và nói: “Cha của mày là bê đê!”?

Tôi không dám chơi với ai, gia đình tôi chìm trong sự ghẻ lạnh, kinh tởm của hàng xóm và họ ngoại.

À, cha tôi cũng đâu phải đồng tính, là lưỡng tính thì đúng hơn!

Tuổi trẻ của ông đào hoa phết. Một sinh viên trường điện ảnh đẹp trai, phong nhã, sẵn sàng đốn gục trái tim của những quý bà lắm tiền và cả giới thứ ba. Có cả những cô gái ngây thơ cũng bị ông ấy lừa, như mẹ tôi chẳng hạn. Bỏ mặc sự can ngăn của gia đình, mẹ theo ông ấy. Lúc bà mười bảy tuổi, bà mang thai anh hay chị tôi gì đó.

Nhưng khi bà biết ông đang cặp kè cùng một gã bóng bẩy, nỗi kinh tởm khiến bà nhẫn tâm giết chết anh (chị) tôi khi cái thai chỉ ba tháng. Tôi không biết bằng cách nào, cha tôi có thể khiến mẹ tôi quay lại với ông. Có lẽ, ông ám ảnh bởi giấc mơ có đứa bé trai đứng nhìn ông với ánh mắt căm hận rồi bỏ chạy. Đó phải chăng là linh hồn xấu số chưa kịp chào đời của anh tôi (có lẽ bào thai của mẹ là một bé trai nhỉ?), ông rút khỏi showbiz, rút khỏi những cuộc chơi, rút khỏi những mối tình và kết hôn với mẹ tôi.

Hai mươi lăm tuổi, mẹ có tôi. Bà kể cha tôi đã phải dâng hương cầu khấn không biết bao nhiêu chùa. Có lẽ, ông vẫn còn mụ mị bởi đứa bé trai trong giấc mơ năm xưa. Có thể nói, tôi là một đứa con cầu, con khẩn. Ban đầu, khi biết tôi là con gái, cha tôi buồn lắm, ông ta vẫn quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tuy nhiên, có lẽ tình thân cao hơn cả, ông vẫn yêu thương tôi, vì tôi là con của ông. Gia đình tôi sống tạm cho là hạnh phúc trong ngôi- nhà-của-tình-nhân-cũ-mua-cho-ông, một bà già đáng tuổi nội tôi.

Lão bà ấy nghe theo lời nhân tình (nhân tình ấy là ai thì cũng rõ), bán hết nhà cửa, đất đai ở quê, mặc con cái ngăn cản để mua một ngôi nhà nhỏ một lầu với ý: ''Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Chẳng may, bà ấy bị cha tôi phụ bạc, ông cưới mẹ tôi. Mất hết tài sản, mấy năm sau, bà ta chết vì tuổi cao sức yếu trong ngôi nhà lá sụp xệ ở quê nhà. Ngôi nhà ở thành thị mà bà mua đứng dưới tên sở hữu của cha tôi đã mặc nhiên trờ thành tổ ấm của ba con người. Mỗi lần mẹ kể về chuyện cũ, bà hay rủa oán rằng cha tôi là điếm thúi!

Lúc nhỏ, tôi không hiểu bê đê, đĩ điếm là gì nhưng mỗi lần hàng xóm chọc cha tôi từng làm điếm hay ổng là bê đê là tôi thấy quê lắm. Mỗi lần như vậy tôi lại khóc oà lên rồi về mách mẹ. Bà cười chua chát rồi ôm tôi vỗ về. Bà bảo tôi phải nghe lời bà, đừng tin những gì cha nói. Tuổi thơ ở con hẻm sâu trong thành thị với lũ trẻ hay đẩy tôi ra mọi cuộc chơi đã thành điều quen thuộc. Thuở bé tôi chẳng có bạn bè, đơn giản vì cha tôi là bê đê! Tôi hiểu thế thôi và nhục nhã với câu nói đó vô cùng.

Cha tôi vẫn ham chơi lắm. Ông đẹp mã và có nhiều bạn bè. Ông thường về nhà rất khuya và trên người luôn sực mùi nước hoa. Ông vẫn lén lút qua lại với đám người đồng tính. Mẹ tôi mãi dùng lí do đó dằn vặt ông, bà xét nét từng người bạn của ông và ghen tuông mù quáng.

Ba tuổi, tôi theo nhà về nông thôn sinh sống. Cha bán ngôi nhà một trệt, một gác do lão bà kia mua, cùng tiền dành dụm mua một công đất ở quê. Thời đó quê nghèo lắm, nhà tôi thuộc hạng sang khi cha tôi có chiếc Wave mới cáu, tôi có váy công chúa mà mấy đứa con nít chảy nước mũi ròng ròng ở đây luôn thèm thuồng. Nhưng vẫn lối sống thành thị, ngôi nhà to lớn bao bọc bằng lưới và cổng cao kín mít. Vì thế, dù tôi có búp bê barbie, có đồ hàng, có xe điều khiển nhưng tôi cũng chẳng có ai chơi cùng. Cha tôi mở một salon tóc ở trấn, cách chỗ tôi ở hai mươi phút đi xe. Ở trấn thì nhộn nhịp và hiện đại hơn nhiều. Và chỗ đó người ta cũng đủ khôn ngoan và dễ dàng đồn đại rằng: “Ông H, chủ salon tóc đó là bê đê, xem bê đê ngày nào cũng tới salon đó chơi cả!”.

Tiếng xấu đồn xa, đồn tới tận chỗ quê tôi ở. Mỗi lần ai hỏi tôi là con của ai, tôi trả lời, xong họ lại che miệng cười tủm tỉm. Mẹ lại lên cơn Hoạn Thư quằn quại. Nhà tôi trở thành bạo lực gia đình khi những cơn chè chén của cha kéo theo tiếng tru tréo của mẹ. Tôi hay trốn trong kẹt cửa nhìn họ, mắt rưng rưng. Gia đình tôi trở thành trò hề lớn cho thiên hạ bàn tán.

Lúc nhỏ mẹ hay châm vào đầu tôi những tư tưởng móp méo về cha, như một thứ rất kinh tởm. Còn cha, ông chỉ thở dài và bảo: “Chừng nào lớn con sẽ hiểu!”. Tôi già dặn hơn tuổi. Thật vậy! Lớn dần, tôi chả tin ai trong ngôi nhà này. Tôi ghét cha mỗi lần gây gổ lại đánh mẹ. Tôi ghét mẹ mỗi lần phẫn uất lại giày vò con cái. Suốt mười bảy năm vẫn thế. Mệt mỏi và chán chường không?

Đứa em tôi cũng là gái, nó được mẹ tẩy não từ nhỏ. Nó không ưa cha. Đối với tôi, ông chỉ đang thực hiện trách nhiệm là đưa tiền ăn uống nuôi gia đình, ngoài ra, ông vẫn ưa ở ngoài suốt đêm. Tôi bất trị vì có ai đáng để giáo dục tôi. Cười khẩy, tôi muốn thoát khỏi ngôi nhà này!

Chỉ có học tập mới là thứ đưa tôi thoát khỏi chốn địa ngục này. Rất muốn! Tôi đã muốn thoát khỏi cảnh sống này phát điên lên được! Tôi đã quyết tâm mình phải học thật giỏi, sau đó lên đại học, thoát khỏi nơi đây. Sẽ không bao giờ về gia đình này! Đúng! Không bao giờ trở về đây nữa! Mười năm phấn đấu với thành tích học xuất sắc, kế hoạch của tôi còn tí nữa là thành công. Ai ngờ có một ngày, một ngày cuối tháng tư năm lớp 10, cuộc đời tôi rẽ sang ngã khác.

Hôm đó, vào buổi chiều, tôi đang chìm sâu trong cơn mê man sốt do dầm mưa đi học. Trong giấc ngủ u mê tràn đầy tiếng cãi vã. Sau đó là tiếng xe nổ máy chát chúa. Cảm giác lồng ngực đang rất đau, cảm giác chơi vơi đang gắng gượng tỉnh dậy. Tiếng la hét êm dần, êm dần khi tiếng xe máy rời xa. Cơn mụ mị êm theo, tôi lại chìm trong cơn sốt rệu rã. Những ý thức lơ mơ đủ đoán ra là nhà tôi vừa có một trận cãi nhau. Chuyện quá thường xuyên, tôi chẳng quan tâm, cứ đóng chặt cửa phòng, không ai biết tôi đang bệnh.

Chắc đã khuya, giấc ngủ lại bị kéo căng như dây đàn khi âm thanh mắng nhiếc bủa tràn. Có khi nào vừa ngủ, trong cơn mê sảng, đầu nặng trịch, bạn khóc không?

Tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ. Tiếng mắng nhiếc bổ thẳng vào mình xối xả. Vừa đau, mệt, khó chịu, phẫn uất. Mẹ vào phòng tôi, chửi rủa tôi một trận cho hả tức khi cha của tôi đã bỏ đi, bà như sư tử cái nhào đến lấy roi quất vào tôi tới tấp, chỉ vì tưởng tôi biếng nhác, bỏ ăn, cứ trốn trong phòng mà ngủ. Tôi cáu bẳn gào lên, điên tiết giựt phắt cây roi của mẹ, bẻ gãy. Đau đầu quá! Nóng quá! Tôi vừa điên vừa khóc như mưa. Không phải khóc vì đau, tôi khóc vì uất ức. Xô bà mẹ khỏi phòng, tiếng cửa đập mạnh bạo đóng lại. Tôi ngã dài trên giường. Khóc nức nở! Tàn dư trong cuộc chiến này chỉ có những nỗi đau bị xới lên ê buốt.

Tôi muốn thoát khỏi đây!

Ai cũng có phần tử điên loạn trong người, quan trọng là nó bộc phát khi nào và vì cái gì. Một khi nó đã xuất hiện rồi thì liệu còn đủ lý trí để kiềm chế được không? Tôi quá lý trí, quá thực dụng và thận trọng. Tôi muốn lo cho tương lai mình ít ra cũng phải lên đến đại học để có cái nghề ra hồn. Nhưng giờ, không nhất thiết thế nữa! Tôi chẳng cần thiết gì ngoài muốn bỏ đi khỏi cái nhà này.

Sửa soạn một ba-lô, gần sáng tôi sẽ trốn khỏi đây. Nhất quyết là vậy!

Cuộc đời tôi chỉ yên bình và thoát ra bể nhơ nhuốc này khi rời khỏi gia đình. Tôi muốn là một cánh chim, bay cao thật cao, xa thật xa. Bay đến đâu đó người ta không biết tôi là ai, tôi tên gì và... Cha tôi là ai?

Gần thi học kì hai, bài vở cao như núi. Tôi vờ tỉnh táo ăn qua loa, lén uống hạ sốt và rúc trong phòng làm bài tập như thường lệ. Tôi chờ họ ngủ để mình thoát khỏi đây. Hơn một giờ sáng, tôi tỉnh như sáo, lắng tai nghe thấy tiếng Honda về. Bão táp lại về ư? Ha ha, sao trốn được đây?

Trái như tôi nghĩ, căn phòng sát bên vang tiếng rầm rầm của tủ quần áo, tiếng mẹ làu bàu nho nhỏ rồi lớn dần. Phát giác! Hình như... Cha muốn bỏ nhà đi!

Hừm, một ngày có hai người cùng muốn thoát khỏi địa ngục này. Thật trùng hợp. Tôi cầm chặt bút, mím môi, nước mắt loang ướt trang giấy trắng, chữ nhoè rồi! Gạt tay thật nhanh lau đi nước mắt, tay tôi run lẩy bẩy.

Cửa phòng thô bạo bị mở toang, cha kéo vali ngang phòng, ông tìm tôi. Tôi cúi gằm mặt xuống đống bài vở, cố che đôi mắt đỏ ầng ậc, ngón tay bấm chặt vào nhau, siết, không được khóc!

Cha cất cái tiếng khàn trầm, gương mặt đen lại, tràn một mảng quả quyết, ông hỏi thẳng:

- Hạ à, con có muốn đi cùng cha?

Muốn! Dại gì mà không? Nhưng đi theo cha thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? Tôi sợ cái bức tường tồn tại thực dụng kia sụp đổ. Tôi nghĩ đến những cái như việc ăn học đang dang dở, nghĩ đến cảnh ấm no hiện tại, nghĩ đến nhiều thứ nữa. Ở lại hay là đi?

Tôi ngước nhìn ông bằng con mắt ráo hoảnh, giọng cũng nhẹ tênh:

- Cha có chắc là nuôi con tốt nghiệp đại học nổi không?

Cha nói:

- Bằng mọi giá. Con đi chứ?

Không chần chừ, tôi bình thản thảy cây bút xuống, lôi ba-lô trong tủ đồ ra. Cắn chặt môi:

- Chờ chút, con thay đồ.

Đến lúc cần phải tìm lối thoát. Tôi không thể để đời tôi phải dính vào những điều áp bức mình trong khổ ải, đau đớn. Đã đến lúc tìm cho mình một cuộc đời khác đi. Sướng hay khổ chưa biết, có điều, thoát khỏi nỗi khổ hiện tại là hoan hỉ lắm rồi.

Mẹ dựa vào cửa nhìn tôi, lầm bầm:

- Mày đi theo nó sớm muộn mày cũng như nó thôi. Con ngu!

Lòng xót tấy, mắt cay như xát phải ớt, tôi nghe tim mình cuồng loạn. Mặc kệ! Nhìn thẳng và đi nào! Em gái đang ngủ, nó nghe động, choàng tỉnh rồi chui ra khỏi mùng, ôm lấy chân tôi. Nó khóc và lết theo mỗi bước chân tôi, kéo theo lòng tôi nặng trịch. Mệt mỏi quá rồi! Hãy để tôi yên! Kiếp này chị em mình có duyên làm người ruột thịt đến đây thôi!

Tôi hôn lên trán nó. Mắt nó tèm nhem nước mắt. Nó níu vali của cha, hét om sòm:

- Tui không cho ông dắt chị hai tui đi! Không cho! Không cho! Chị Hạ, đừng bỏ em!

Chán chường đã ăn mòn tâm hồn tôi quá rồi. Thà là chết trong nhẹ nhõm, lúc tôi đang đói khổ còn hơn là đày đoạ mình trong ngôi nhà giả tạo rỗng tuếch tình thương này. Một gia đình mà tôi không muốn chấp nhận, phải hành hạ bản thân trong đơn độc, thống khổ, sỉ nhục như bây giờ, đã đến lúc tới lượt tôi lựa chọn: Đi thôi!

Nửa đêm đèn nhà sáng trưng, tiếng chó sủa dữ dội vang trong đêm tối. Tâm hồn tôi muốn chết đi rồi. Tiếng xe lại nổ máy, tôi rúc người trong chiếc hoodie, thấy đầu mình trống rỗng. Đêm lạnh buốt. Bóng đêm nuốt chửng hai con người đang lao cùng xe trong đêm, bỏ lại phía sau em gái tôi khóc nấc, đuổi theo thật xa, con bé bỏ chân trần chạy trên con đường nhựa nhám. Chân đau không em? Vết thương rồi sẽ lành thôi. Chị cũng cần cho vết thương lòng mình lành lại, bỏ đi là ích kỉ, nhưng với chị là giải thoát.

Vĩnh biệt ngôi nhà to có vườn trái cây mát lành, vĩnh biệt người mẹ mà tôi kính trọng, vĩnh biệt em gái, vĩnh biệt những nỗi u uẩn kiềm hãm tôi. Đi thôi! Thế là xong!

Gió đêm tạt vào người. Tôi trốn sau lưng cha. Mặc kệ ông là gay, là trai bao gì tôi chả cần biết. Tôi biết ông đang là thiên sứ lôi tôi khỏi những bế tắc này trước khi tôi muốn tự tử.

Bắt đầu tự lực mà sống! Hạ à, mày chẳng còn sống trong chăn êm nệm ấm nữa đâu!

Tiếng radio trưa kêu sột soạt lanh lảnh tiếng cải lương của bà chủ nhà vang khắp xóm trọ. Tôi lim dim mắt, trán đắp khăn nóng. Bớt sốt rồi nhỉ? Âm thanh mái tôn oằn lên trong nắng trưa thiêu đốt. Trên căn gác hầm hầm nóng, chiếc quạt máy nhỏ không đủ xua đi cái nóng đầu hè. Tôi lồm cồm bò dậy đi xuống gác. Quá trưa, xóm trọ vắng tanh, trong căn phòng nhỏ xíu có mình tôi. Cha chắc đã đi làm rồi.

Vậy là tôi đã bỏ học cả tuần, cha đưa tôi về thành phố. Hôm ngày mới bỏ đi, chưa tìm được chỗ ở nên cha đành thuê nhà nghỉ ở tạm một hôm, ngủ một giấc dài sau chuyến đi mệt, đến trưa cha mới đi tìm nhà. May mắn mà có nhà trọ này, tuy nhỏ và khá xa trung tâm thành phố nhưng có cái che nắng che mưa được rồi.

Đổ dĩa rau muống luộc sơ vào chảo xào qua lại, dầu ăn bắn vào tay bỏng rát, tôi nén đau, câm lặng. Giờ cái gì cũng phải tự lo, tôi còn cái quyền lựa chọn sao?

Cha xách hộp đồ nghề cũ kĩ đi hớt tóc dạo, sẵn tiện tìm xem coi có tiệm làm tóc nào nhận ông không, ông nội tôi vốn là thợ hớt tóc với bảng hiệu gia truyền tên “Trần Thiện Nghệ” - cái nghề lương thiện của họ Trần. Cha tôi lúc bé học được món nghề lương thiện này của ông phòng thân, cha hay kể chuyện bao cấp cực khổ thế nào, kể nhà cha nghèo đến nỗi bằng tuổi tôi cha phải đi buôn gạo lậu. Những kí ức đó khiến ông căm ghét cái nghèo và yêu tiền, bằng mọi giá kiếm tiền. Đến khi cơ ngơi đã có chút dư dả, không chịu được cái cảnh éo le của gia đình, cha mang theo tôi đi nơi khác làm lại từ đầu.

Tôi ghét những người sống trong xóm trọ này, đó là những gã thanh niên xăm hình vằn vện, cởi trần trùng trục khoe hình xăm, tóc dài cột đuôi gà phì phò thuốc lá. Những lối vào phòng những gã nuôi đầy gà đá. Tôi ghét nhất trong đám đó cái gã tóc qua gáy nhuộm highlight hay ôm con gà chuối đi ngang qua phòng tôi.

Thấy tôi đang phơi đồ trước phòng, gã tiến lại choàng vai, bá cổ, vừa nói bông đùa vừa nhả vào mặt tôi mùi thuốc lá kinh tởm.

Tôi trừng trừng mắt nhìn gã, gã lại sờ má tôi. Khi tôi đẩy cái tay gớm ghiếc đó ra và cắp cái thau giặt đồ vào phòng thì hắn lại vươn tay ôm tôi vào lòng. Hoảng quá, tôi thảy cái thau xuống, xoay người và gồng tay vật một cú trời giáng khiến gã bò lăn ra đất. Đám người phía sau cùng gã trố mắt nhìn tôi. Tôi hừ lạnh, đưa tay quệt quệt bầu má bị bàn tay kia sờ mó, lãnh đạm đóng chốt cửa lại, bên trong phòng ôm ngực thở hắt. May thay lúc bé tôi đã mê tít cái môn Judo khi mà gần xóm có ông võ sư từ trấn về mở lớp dạy. Tôi nằng nặc xin đi học võ. Đến giờ thì cũng đã chục năm, cũng dư dả chiêu đá đấm phòng thân rồi còn gì. Nhờ vụ hôm tôi vật ngã gã đó mà giờ mấy tên trong xóm chả thằng nào còn dám sớ rớ tới gần tôi. Thật tốt!

Cha cứ đi làm tới tối mịt mới về, tôi nấu mâm cơm đạm bạc nhất quyết chờ cha về ăn cùng. Cuộc sống tôi trông lay lắt và thảm hại quá.

Kệ đi! Tôi đã chọn nó và không được phép hối hận. Cứ thế, tôi cảm giác cuộc sống tẻ nhạt này nặng nề trôi qua. Bao giờ mới tìm ra cho mình chút ý nghĩa để sống?

Nửa tháng qua rồi. Hè tới đổ lên những con đường phố thị cái nắng muốn bỏng da. Tôi khoác lớp áo khoác dày cộm, khẩu trang và mũ tai bèo kín mặt, mồ hôi ướt đầm đìa, co người đạp từng vòng trên chiếc xe cũ hàng thanh lý được cha mua ở tiệm cầm đồ cho tôi. Tôi không thể ở nhà ăn bám suốt ngày được, cha thì kiếm được bao nhiêu tiền lo xuể cho hai cha con? Thế nên tôi quyết định đi bán vé số phụ thêm tiền cho cha.

Dù sao cũng đã dở dang năm lớp 10, còn vài ngày nữa là thi mà tôi lại bỏ học thì coi như xong rồi. Chắc qua hè tôi sẽ nhờ cha xin vào một trung tâm giáo dục thường xuyên học.

Trước mùa nhập học tranh thủ kiếm thêm tiền mua sách vở, tôi muốn tự lo. Vì thế, tôi nhận thêm vé số và bán dạo vào những nơi xa chỗ ở hơn, tối về thì xin gia công kẹp tóc làm thêm. Cuộc sống tôi bắt đầu bận rộn bươn chải. Nhiều khi tiết kiệm tiền cơm, trưa tôi và cha đèo nhau sang quận kế bên ăn cơm chay từ thiện. Có hôm, tối khi tôi rúc trong góc nhà làm kẹp, cha nhìn tôi rồi run giọng:

- Theo cha con khổ quá! Con có hối hận không?

Lúc đó, tôi nghiến mạnh quai hàm vì cơn xúc động trào lên, mắt cay cay, cố cười:

- Không cực! Con chịu được. Ở đây rất thoải mái!

- Cha sẽ ráng xin cho con đi học lại. Hôm nào cha về quê đem giấy tờ cho con. Mình vẫn còn hộ khẩu thành phố mà. Tiện thể cha đưa đơn ly hôn.

Ly hôn? Ha ha, kết thúc của một cuộc hôn nhân ngột ngạt bị hai từ “ly hôn” nhẹ nhàng đạp đổ. Trên đời này chẳng có gì là vĩnh cửu. Tình yêu cũng vậy. À, đúng hơn là cha chỉ cưới mẹ vì trách nhiệm, vì ông sợ quả báo. Ông thương mẹ được bao nhiêu? Còn tôi, tôi không thương, cũng không ghét mẹ. Tôi không trách bà xem tôi là thứ ràng chân cha ở nhà. Phải, mẹ hay dùng tôi làm cái cớ để cha êm xuôi mọi chuyện. Và khi cha mang theo tôi đi thì bà chẳng còn cách nào níu kéo ông. Tội nghiệp em tôi! Nó đã có những rắp tâm căm hờn cha từ nhỏ. Mẹ vừa yêu, vừa hận cha. Cớ sao mẹ nỡ nhồi nhét những tư tưởng đó vào đầu một đứa bé?

Tôi im lìm không đáp và chúi đầu làm kẹp tiếp. Tiếng cải lương trên sóng phát thanh nhà bên cứ lảnh lót xuyên trong đêm khuya não nề. Có con gà kê chướng tính, nó canh giữa khuya lại gáy lên ầm ĩ. Tôi rất muốn bẻ cố, vặt lông nó. Gà gì lại gáy nửa đêm.

Một trưa cuối tháng năm, sau đợt triều cường lụt lội thì cơn nóng lại thiêu đốt đất trời. Tôi đạp xe ngang góc đường có cây phượng lớn nằm trong khuôn viên nhà văn hoá. Hè về và phượng đã đỏ cả cây. Có tiếng ve râm ran. Tôi nhìn mấy bóng áo dài trắng đạp xe cười nói ngang qua mình mà thấy lòng chạnh lại. Tôi nhớ trường lớp, thầy cô, bè bạn quá! Tôi muốn đi học! Tôi nhớ những phương trình mình hay than thở là rắc rối, nhớ bài thơ trong Truyện Kiều hay lải nhải là khó học. Tôi nhớ tất cả. Muốn sớm hết hè và xin đi học lại quá! Hi vọng là cha sẽ tìm được chỗ học cho tôi.

Mấy hôm trước, phòng trọ sát vách có khách trọ là hai gã đàn ông ẻo lả. Nhìn cũng đoán ra là dân đồng tính, nghĩ sâu hơn, bậy bạ hơn là đám trai đứng đường, trai bao. Xóm trọ của dân lao động phức tạp, dân nghiện cũng có, đĩ điếm cũng có, thứ hỗn tạp nào cũng có. Đáng ra là trưa tôi đang bán vé số phải canh về nhà nấu cơm, nhưng khi về đến cửa phòng, xóm trọ vắng im ỉm. Đa phần người ta đi làm, hay mấy người “đi làm vào ban đêm” đã đóng cửa ngủ bù. Tôi định mở cửa phòng vào trong, nhưng chợt nghe thấy tiếng rên rỉ, thở dốc bên phòng kế bên, chợt thấy má đỏ bừng. Ngượng chín người, phòng hai gã bê đê kia cứ phát ra âm thanh như đặt loa cho cả xóm nghe. Tôi lủi thủi gạt chống xe rồi quay đi bán vé số tiếp. Nghĩ đến họ, tôi lại liên tưởng đến những câu chuyện về cha lúc trẻ, không hiểu sao tự nhiên thấy buồn nôn.

Vé số hôm nay bị ế, tôi muốn đốt phong long cái bà ăn cơm tấm hồi sáng gì đâu. Mới sáng chìa cọc vé số mời bả mua, thấy bả ăn mặc cũng sang, vẽ cái mặt lòe loẹt như hát bội, tôi cố niềm nở nịnh nọt. Bà ta đưa cái tay béo múp lật lật xem xem, hỏi vé đài này, đài nọ, mượn coi vé dò tí rồi đòi số này, số kia. Cuối cùng quẳng trả vào mặt tôi cọc vé số vì chê số xấu. Báo hại sáng tới giờ mời ai mà họ cũng chê. Nếu chiều nay bán không đủ số này là coi như xong rồi. Phải tranh thủ đi bán xa hơn coi sao!

Bán vé số cũng cực lắm, phải lê đến mọi nơi mời mọc người ta mua. Tôi sợ nhất là đến mời chào ở mấy quán nhậu, mấy gã bợm cứ hay sờ soạng tôi. Nhưng khổ nỗi mấy gã đó hay chơi sộp, có khi boa thêm tiền nhiều lắm. Mỗi lần bán cho đám thanh niên đi xe tôi lại canh cánh lo, sợ bị giật, bị cướp. Mấy “đồng nghiệp” kể cho tôi nghe về kinh nghiệm của họ, những tai nạn họ từng bị, nhắc tôi phải cảnh giác.

Đi nhong nhong dưới nắng, tôi đen đúa và gầy gò đi, không còn giống lúc ở quê. Đang đạp xe rao bán vé số, tự nhiên trong một nhà bán tạp hoá có gã đàn ông chừng gần bốn chục ngoắc tôi lại hỏi vé số. Cái nhà bên trong mát lành có quạt máy làm tôi thấy thật dễ chịu khi bơi mình dưới nắng suốt trưa. Gần bốn giờ chiều, tranh thủ bán lẹ cho kịp giờ xổ số. Gã đàn ông nằm dài cởi trần khoe làn da bánh mật dưới sàn gạch men, gã bắc chân chữ ngũ nằm lựa vé số khi tôi ngồi bên cạnh. Gã nhìn ghê ghê khi trên ngực và tay xăm mấy hình rồng, hổ, đầu gã cạo trọc. Tôi tháo cái nón, đưa tay phe phẩy quạt. Gã liếng láo, nhìn tôi chăm chăm, vờ vịt hỏi này nọ. Tôi cúi người đưa tay lật tìm số hắn đòi trên cọc vé số gã đang cầm trên tay.

Khốn nạn thay, tên chó má đó đè ngửa vật tôi xuống, bịt chặt miệng, hãm tay chân tôi lại. Cái thân thể béo ú đó đè lên người tôi, ra sức sờ soạng, hun hít. Tôi cắn tay gã, hét lên kêu cứu, âm thanh thất thanh nhỏ dần khi tôi bị gã giáng cho một cái tát nảy lửa vào mặt. Đau quá! Sợ quá! Cha ơi cứu con!

Tôi cố vẫy vùng, phản kháng càng bị gã tát dã man. Cái cảm giác tởm lợm kinh khủng khi gã cấu véo trên cổ tôi, hôn nham nhở trên mặt làm tôi muốn phỉ nhổ vào bộ mặt đó. Bàn tay to lớn đó di dần xuống áo tôi, xé toạc cúc áo. Bờ môi đó lan dần đến ngực.

Khủng khiếp quá! Kinh tởm quá! Tôi hỗn loạn vô cùng. Tôi thôi giãy giụa, cứng đờ như xác chết, bình tĩnh để gã làm loạn trên người mình. Bàn tay đang len lén mò mẫm, tôi chụp được một dị vật cứng.

CỐP!!!

Những giọt máu nóng hổi trên mặt gã đàn ông đang nằm đè lên tôi nhỏ giọt lên mặt tôi. Đôi mắt tên đó trợn to rồi ngã gục dài trên nền nhà. Tôi nhìn cái gạt tàn thuốc bằng thủy tỉnh dính đầy máu thảng thốt.

Hoảng sợ, tôi vội đầy gã ra khỏi người mình, giựt lại cọc vé số, ôm chặt áo chạy bán sống bán chết ra ngôi nhà đó. May thay lúc đó không ai nhìn thấy tôi.

4 giờ 15 phút chiều, tôi co chân đạp thục mạng về hướng đại lý. Sắp xổ số rồi! Làm sao về kịp đây! Chết rồi! Chết thật rồi!

Tôi quăng xe trước cổng đại lý vé số, nhóm người đông đúc trước cổng tản đi hết rồi, hớt hải xộc đến chỗ bà chủ.

- Bà... bà chủ! Vé số... vé số của con! - Tôi nói mà như mếu, thở hì hục.

Bà chủ khoanh tay, ngoảnh mặt, chỉ vào cái đồng hồ, giọng lanh lảnh:

- Vé số, vé dò gì nữa! Xổ xong hết rồi!

Tôi nhìn cọc vé số trên tay, khóc nấc, quỳ xuống mà van:

- Nhận lại giùm con đi bà! Thương con đi bà! Hức hức! Nguyên cọc này giờ tính sao? Hôm nay tới hạn tiền nhà nữa! Hức! Cứu con với bà ơi!

Cái bà chủ đại lý lạnh lùng trơ ra trước vẻ khổ sở của tôi, húng hắng giọng lãnh đạm:

- Đủ rồi! Đừng có bày trò khóc lóc ở đây! Mày vì miếng cơm, manh áo, tao cũng thế thôi. Mày cũng phải thương tao chứ! Vé số xổ rồi mà kêu tao nhận lại thì lỗ cho tao quá!

Người đàn bà đi ngang qua tôi, bỏ lại đứa con gái đang quỳ khóc cùng cọc giấy lộn la liệt dưới đất. Chết tôi rồi!

Dắt xe lang thang trên con đường phố thị đã lên đèn. Tôi như cái xác không hồn vất vưởng thảm hại.

Hết thật rồi! Tiền đâu bù lỗ cho cọc vé số này? Tiền làm cả tháng chưa chắc đủ bù. Tôi muốn ngây dại ra, đi một cách vô hồn trên con đường nườm nượp xe qua lại. Áo khoác được kéo cao che chiếc áo sơ mi bên trong đã rách rưới vì gã đốn mạt ban chiều, bầu má tôi sưng đỏ, môi bị tát đến rỉ máu. Tại sao khi người ta thấy tâm hồn mình có chút giải thoát thì thể xác mình lại bị đày đoạ? Tôi thèm như xưa, có giường to, phòng riêng, có đồ ăn ngon miệng chứ không phải cảnh trôi nổi, bạc bẽo, nơm nớp lo như bây giờ. Khổ quá! Mẹ ơi con khổ quá! Nhưng tôi không muốn lại tiếp tục đày ải tâm hồn mình mục ruỗng, đau khổ. Cuộc sống là gì mà sao khó khăn quá? Con đường nào để ta thoát đây?

Chết phải chăng là hết?

Tôi nhắm mắt, miên man suy nghĩ, chưa bao giờ suy nghĩ cùng cực đó dâng trong tôi mãnh liệt như vậy. Tôi muốn chết!

Bụng đói sôi sục, người lem nhem bẩn thỉu, tôi đưa mắt nhìn về phía nhà hàng sang trọng bên đường bằng con mắt thèm khát.

Trên bàn ăn đó có nồi lẩu sôi bùng, có tôm, có đùi gà nữa, những sơn hào hải vị thật no mắt. Tôi đói lắm! Rất lâu rồi tôi chưa ăn một bữa thật no. Nghĩ đến thùng gạo sắp cạn ở nhà, tôi còn bao nhiêu buổi no đây?

Ánh mắt tôi di dần nhìn những vị khách đang ăn, bàn ăn bốn người với gã trai mặc áo hường in hoa to bản, nhìn bộ điệu ẻo lả đó cũng hiểu rồi. Tôi phì cười. Trên đời sao phổ biến cái giới tính lửng lơ thế không biết. Đồng tính không xấu, nhưng lỡ bạn có người cha từng dính dáng tới đồng tính thì bạn có mặc cảm hay không?

Tôi rất muốn nói là cha không xấu. Tôi muốn đấu tranh rằng điều đó cũng thật bình thường. Thế mà cảm xúc luôn đi ngược với lý trí. Và tôi đã khắc quá sâu những lời của mẹ, cho nên giờ mới thấy họ là cảm giác nôn mửa đã tràn lên ngay.

Làm sao tôi bỏ được cái suy nghĩ gớm ghiếc đó ra khỏi đầu óc mình?

Và tôi đang đói đến hoa mắt phải không? Tên áo hường đó đang cặp kè người đàn ông kia, bàn tay vuốt ve, sờ soạng rồi cười vui vẻ. Mắt tôi có vấn đề phải không? Tại sao tôi trông thấy người đàn ông đang ăn cùng gã lại là Cha?

Trong lúc con gái mình đang khổ sở bán vé số, xém bị cưỡng hiếp và còn lỗ tiền bán thì ông ta quần là áo lượt đi ăn cùng đám bạn bê đê ở một nhà hàng sang trọng ở trung tâm. Trong khi tôi chẳng dám ăn nhiều cơm, chừa ra nhiều đồ ăn cho cha thì ông ta lại có tôm hùm, cua lớn mà ăn. Đó là cha của tôi sao? Cha sung sướng chơi bời rồi lại giả khổ cực khi về nhà với tôi. Nhìn gương mặt vui vẻ đang dang tay cụng bia với đám nọ có phải là ánh mắt thương xót tôi nữa đâu.

Giả dối! Tất cả là giả dối! Ông lừa gạt tôi! Ông giống như lời mẹ nói, chỉ là tên điếm thúi cơ hội ăn bám! Ông lừa phỉnh tôi! Ông xấu xa!

Tôi cười chua chát, nước mắt tuôn thành dòng dài, lẳng lặng quay đầu xe trở về nhà.

Tiếng xe chạy về con hẻm nhỏ, văng vẳng tiếng chó sủa khan. Ánh sáng trắng đột nhiên sáng khắp phòng, phơi bày ra hình ảnh đứa con gái đang ngồi rúc trong góc, bộ đồ trên người nhàu nhĩ. Xé toạc khoảng không tịch mịch là âm thanh có chút bất ngờ:

- Hạ, con còn thức sao? Sao không bật đèn? - Rồi chất giọng đó trở nên vui vẻ. Ông đưa trước mặt tôi một cái bánh kem ngon lành cùng dòng chữ “Mừng sinh nhật con gái Nhật Hạ - 16 tuổi” - Chúc mừng sinh nhật con gái yêu, bận rộn quá cha xém quên hôm nay là sinh nhật con. Thứ lỗi cho cha nhé!

Ừ, cha bận rộn lắm! Bận rộn tới mức trên người nồng nặc mùi cồn trộn với mùi nước hoa đắt tiền, quần áo đẹp đẽ thế mà. Cha rất “cực khổ”! Ha ha, “cực khổ”!

Tôi nói, giọng chát ngầm:

- Vâng, rất bận. Vậy thì cha có thể quên hẳn sinh nhật con cho đỡ bận!

- Uầy, sao con lại nói vậy? Sinh nhật mỗi năm chỉ có một lần, dù bận thế nào cha cũng phải mừng cho con chứ! Sinh nhật con yêu của cha mà!

Ừ, sinh nhật thì một năm chỉ có một ngày còn chơi bời thì ngày nào cũng được, phải không?

- Con không cần! - Tôi gằn giọng.

- Kìa Hạ, sao ẩm ương thế? Sao má con sưng đỏ vậy? Ai đánh con?

Tôi gạt bàn tay đang sờ trên má mình xuống, kích động nhìn ông, đứng dậy hét lên:

- Đừng giơ bàn tay đã chạm vào những thứ dơ bẩn đó chạm vào mặt tôi! Không cần sinh nhật gì cả! Không cần ông phải giả nhân nghĩa với tôi! Ông ăn chơi vui vẻ bên ngoài rồi về vờ vịt ban chút tình thương bố thí đó!

Cha bất ngờ nhìn tôi chăm chăm, lắp bắp:

- Hạ, con nói gì vậy?

Tôi chỉ thấy trong tôi hiện tại là một chân trời sụp đổ. Kinh tởm! Thật đáng sợ với một người cha như thế. Hình tượng của ông trong tôi đổ vỡ cả rồi. “Cha của mày là điếm thúi!” - Câu nói của mẹ cứ như cào xé ruột gan tôi. “Cha mày rất đê tiện!” - Phải, ông cực kì đê tiện. Mẹ nói đúng hết. Tôi sai rồi! Sai rồi!

- Tôi không cần ông tiếp tục vờ vịt như thế! Sao không tiếp tục vui chơi cùng đám bạn bóng bẩy của ông đi? Sao phải về đây làm gì? Sao không ở nhà hàng ôm ấp nhau tiếp đi! Ông làm tôi thấy thật tởm! Ha ha, mẹ nói đúng thật chứ! Ha ha, ông là điếm thúi! Ha ha, là điếm thúi! Là thứ bẩn thỉu mạt hạng nhất trên đời! Là điếm!

CHÁT!!!

Bầu má đau buốt vừa lãnh một cái tát tàn bạo từ ông. Cha đứng nhìn tôi long sòng sọc, quai hàm bạnh ra. Tôi trân mắt đối mặt với ông, nước mắt tuôn giàn giụa khắp mặt, đôi mắt như đang đập tan tất cả kí ức tốt đẹp về cha. Tất cả mọi thứ tan biến hết rồi! Hết thật rồi! Giả tạo! Đều là giả tạo tất!

Những âm thanh tiếp theo là tiếng đồ đạc đổ vỡ, chiếc bánh kem nát bét dưới sàn, tiếng cửa bị tung ra, tiếng chó tru lên từng hồi, tiếng chân huỳnh huỵch chạy trên đất và... tiếng gọi tên tôi:

- Hạ! Đứng lại! Hạ!

Tôi chạy điên cuồng, nước mắt mờ mịt nhòe hết mọi thứ. Chạy, cứ chạy. Làm sao xóa hết nỗi đau đớn ê chề này? Làm sao cho tôi một lối thoát? Tôi muốn trốn thoát khỏi những nghiệt ngã này!

Người cha ấm áp của tôi? Hết rồi!

Người mẹ năm nào vỗ về tôi trong vòng tay? Hết rồi!

Gia đình nhỏ bé của tôi? Hết thật rồi!

Giả dối! Tất cả lừa gạt tôi! Ha ha, đều là một trò lừa lố bịch! Tôi mất tất cả rồi!

Đứng trên lề đường, nhìn dòng xe đang chạy như mắc cửi. Tôi khóc trong điên loạn. Cõi tâm hồn tôi đã chết rồi! Còn gì mà luyến tiếc! Còn gì mà hi vọng! Chấm hết!

Nhắm mắt lại và cảm nhận cơn đau xác thịt sắp ập tới. Đừng sợ! Đau một chút rồi thì mày sẽ được bình yên! Đừng sợ! Mạnh mẽ lên Hạ à!

Bước chân càn xuống lòng đường, xông ào ra giữa lộ, ánh đèn xe chói lòa rọi vào mắt, tiếng kèn xe chói tai và tiếng hét thất thanh bao lấy tôi. Tim như đứng lại.

-CẤN THẬN, HẠ!!!

KÉT! RẦM!!!!

Tôi đã chết rồi phải không?

“Oe... Ò... Oe... Oe...”

Tiếng xe cấp cứu ngân dài, băng ca trượt nhanh trên nền gạch, sau đuôi là những bóng áo blouse, tôi chạy theo chiếc băng ca, đầu óc trống rỗng tựa như bị tẩy não.

- Cha ơi, đừng làm con sợ mà! Tỉnh lại đi cha! Cha ơi! Đừng bỏ con! Cha đừng chết mà!

Người đàn ông máu me bê bết trên người khẽ động đậy con ngươi, ông đưa tay run run giơ tay vuốt nước mắt trên mặt tôi, thều thào:

- Đừng khóc, con gái! Đừng làm sinh nhật mất vui!

Tôi vuốt nước mắt trên mặt, gật đầu loạn lên, nuốt nước mắt.

- Con không khóc! Cha đừng có chuyện gì nha cha!

Cha mím nhẹ môi, gật đầu rồi mắt nhắm nghiền lại, ngất lịm. Tôi bị cản lại ở cửa phòng cấp cứu.

Thời gian đằng đẵng trôi, ánh đèn đỏ gay gắt trước phòng cấp cứu vẫn sáng tỏ. Tôi ôm người ngồi trên băng ghế, tóc tai bù xù, tay chân bê bết máu tươi. Lúc tôi xông ra đường, cha đã đẩy tôi khỏi mũi xe tử thần, còn ông thì...

Hức, hức, nếu cha có bề gì tôi sẽ hối hận cả đời.

Cô y tá gửi lại cho tôi những tư trang của cha, một chiếc di động bể nát, một ví tiền và một phong thư, tất cả loang đầy máu. Trên phong thư, dòng chữ nắn nót ghi: “Thân gửi con gái của cha!”

Là gửi cho tôi u? Lá thư này là gì đây? Sao cha lại viết thư cho tôi?

Bóc thư ra khỏi phong thư, trang giấy trắng xỉn màu máu đỏ đã khô cứng, màu mực đã nhòe cùng máu của cha. Tôi đọc:

Yêu thương gửi Nhật Hạ, con yêu của cha!

Đây là sinh nhật 16 tuổi của con, một năm đầy biến cố. Cha rất buồn vì những điều này. Thành thật xin lỗi con!

Con gái cha đã lớn, đã biết hiểu chuyện rồi. Cho nên cha nghĩ đã đến lúc con nên biết thêm nhiều chuyện.

Cha không yêu mẹ con, điều này chắc con biết. Cha cưới mẹ vì trách nhiệm, giảm bớt nghiệt quả của mình. Chắc con cũng đã nghe nhiều chuyện mẹ kể về cha. Thực sự là vậy, nhưng đó chỉ là thời trẻ bồng bột của cha. Ai lại không có sai lầm. Cha làm mọi thứ để có được tiền, kể cả những công việc nhơ nhuốc nhất. Chính cha cũng kinh tởm bản thân mình. Nhưng từ khi con chào đời, khoảnh khắc bế một sinh linh bé bỏng trên tay, thiên chức làm cha đã buộc cha lánh xa những điều đen tối, vì cha muốn làm tấm gương tốt cho con. Cha không phải đồng tính, cha giao du với họ chỉ vì tiền. Con ơi, khi lớn đừng thả mình theo lối sống thực dụng của cha. Đồng tính không hề xấu, con đừng khinh họ.

Nếu mẹ con không ghen tuông mù quáng, cha sẽ không phải suốt ngày ở bên ngoài. Chịu đựng cũng có giới hạn của nó, đến cùng cực cha phải buông xuôi. Nhưng cha quá thương con, làm sao cha nỡ xa con, vì vậy cha quyết định mang theo con. Xuân là đứa con chào đời ngoài ý muốn, cha không ghét bỏ nó, chỉ thương nó không bằng con. Xuân nó sớm bị nhiễm những tư tưởng xấu về cha, có lẽ thế mà nó và cha không bao giờ dung hòa được.

Con theo cha phải chịu nhiều vất vả, cha xót xa lắm. Mấy hôm trước cha gặp lại một người bạn cũ, là gay, là Việt kiều định cư ở Mỹ. Ông ấy về đây chơi, nghe cha kể về hoàn cảnh nên ông ấy xúc động lắm. Ông có một ngôi nhà ở quận 3, ông bảo nếu không ngại thì cha con mình hãy dọn tới đó ở, đừng ở xóm trọ phức tạp nữa. Cha tìm được chỗ làm rồi con; là một salon cũng do bạn cũ cha mở, chú đó nói rất vui nếu cha về làm cho chú. Con đừng đi bán vé số nữa, cha lo được mà con. Tuy tất cả tiền cha đã để lại cho mẹ nuôi em nhưng bàn tay cha vẫn kiếm được tiền mà. Đừng cực khổ như vậy nữa!

Ông bạn Việt kiều nghe cha có đứa con ngoan hiền, lại học giỏi nên thương lắm. Ông hứa sẽ giúp đỡ con ăn học. Con phải cảm ơn ông ấy nhé!

Con biết không, cha rất thương con. Dù có làm việc cực nhọc cỡ nào cha cũng quyết nuôi con thành tài. Sinh nhật năm nay không thịnh soạn bằng mọi năm, con đừng buồn nha! Cha hứa năm sau sẽ tổ chức bù. Cha có bao giờ thất hứa với con đâu.

Cuối cùng, cha chúc con thêm năm, thêm tuổi mới. Càng lớn càng xinh đẹp, học hành càng đỉnh cao! Vỗ tay quyết tâm với cha nào!

Thân gửi con yêu,

“Vỗ tay quyết tâm với cha nào!” - Tôi đưa bàn tay run rẩy giữa khoảng không, trơ trọi một bàn tay nhớp nháp máu của tôi ở đó. Không có tiếng vỗ “bốp” vang lên giòn giã, không có tay cha ấm áp vỗ vào. Thuở nhỏ, mỗi lần cha và tôi quyết tâm điều gì cũng hào hứng vỗ tay với nhau.

Nước mắt từ đâu ướt đẫm lá thư, hoà cùng máu của cha thành mảng màu tê tái. Cha ơi! Con có lỗi! Cha ơi, con sai rồi! Đừng bỏ con mà cha!

Nỗi hoang mang nhấn chìm tôi trong mụ mị. Có con đường nào cho tôi quay lại không? Con bất hiếu quá cha ơi! Con hối hận! Hối hận lắm!

Tôi thẫn thờ đưa mắt chú mục nhìn vào cánh cửa cấp cứu im ỉm, bàn tay đan lại với nhau. Nhắm mắt và nguyện cầu. Lạy Chúa đừng cướp mất đi cha của con!

Chăm chú theo dõi biểu hiện trên gương mặt của người đối diện, từ trắng bệch rồi dần dần nhăn nhó. Tôi sốt ruột hỏi dồn:

- Như thế nào? Quá ngọt hay quá mặn? Không vừa miệng con đổ đi nhé!

Cha nằm trên giường bệnh cùng cái tay bị bó bột, cười vui vẻ:

- Ha ha, cha đùa thôi. Ngon lắm! Sớm biết bị tai nạn mà được con gái chăm như ông hoàng kiểu này thì cũng nên bị lâu rồi!

Tôi bí xị mặt, làu bàu khe khẽ rồi tiếp tục đút cháo cho cha. Cũng may cha không bị thương nặng lắm, chỉ gãy vài đoạn xương, nhưng do có tuổi rồi nên cũng phải hết sức cẩn thận.

Ngày hôm nay trời quang đãng, những cây xanh mơn mởn bên ngoài cửa sổ rung lao xao trong gió. Cha ăn xong, tôi đưa khăn lau miệng cho ông, cất tiếng ngập ngừng:

- Con đọc lá thư đó rồi.

- Ừ. - Cha đáp. - Có lẽ con đã hiểu lầm gì đó. Cha muốn giải thích với con, cơ mà con bé ngốc này dại dột quá!

Tôi cúi gằm mặt, ăn năn, nước mắt lưng tròng:

- Con xin lỗi! Con đã hiểu lầm cha.

Trên cơ mặt của cha dãn ra những đường nét hiền hòa, ông ôm tôi áp vào lòng, ôn nhu:

- Đừng khóc mà con gái! Qua rồi. Tất cả chỉ là hiểu lầm thôi. Cha cũng xin lỗi vì đã lỡ đánh con. Nào, bỏ qua tất cả nhé, bắt đầu từ hôm nay không ai nhắc tới chuyện cũ nữa!

Tôi rúc trong ngực cha, gật gật đầu, rồi lại ngẩng lên, tròn xoe mắt:

- Còn một điều cha chưa làm cho con.

-Hả?

Tôi phì cười, giơ bàn tay lên cao:

- Vỗ tay quyết tâm với con nào!

Cha cũng bật cười, đưa cái tay lành lặn đập vào tay tôi. Cha kéo trán tôi hôn dịu dàng. Khoảnh khắc này tôi không cần biết gì cả. Mặc kệ cha là ai, cha có quá khứ thế nào, tôi chỉ biết rằng ông là người cha tốt nhất thế giới.

- Cha, con thương cha nhiều lắm!

- Cha cũng vậy! Thương Hạ nhất đời!

Có lẽ, cái kết thế này đã quá viên mãn. “Nó” đã tìm ra được ánh sáng cho “nó”, “nó” nhận ra dù mọi người có nói cha nó là người thế nào thì đối với nó cha vẫn là người tuyệt vời nhất. Không có tình yêu nào cao đẹp nào bằng tình phụ tử. Đừng quan tâm cha bạn là người thế nào, chỉ cần ông ấy yêu thương bạn bằng cả trái tim thì cha bạn chính là người cha tốt nhất thế giới.

“Trên đời không có người cha nào hoàn hảo cả, nhưng họ luôn yêu con họ theo cách hoàn hảo nhất!”

“Trong vũ trụ có rất nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ!”

Nguồn: truyen8.mobi/t124166-nang-trong-day-mat-cha-diem.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận