Nắng Vỡ Truyện ngắn 13


Truyện ngắn 13
Ô ăn quan

Bà lão lúi húi nhặt những viên sỏi trong chậu cây cảnh trong khi ông lão đang vẽ xuống nền sân gạch. Một cái hình chữ nhật có năm ngăn, lại chia đôi năm cái ngăn ấy thành mười ô. Hai đầu chiều rộng vẽ tiếp hai cái cung tròn - Ô ăn quan đấy!

- Xong chưa bà? - Ông lão bày hai cái ghế con, hỏi.

- Xong rồi đây! Nhưng còn thiếu hai ông quan nữa.

- Ôi dào, cái gì mà chả làm quan được.

Nói rồi nhặt hai cái mẩu đầu lọc vứt ngoài sân đặt lên hai cái vòng cung. Bà lão trở lại thấy thế, cười:

- Ông thật là! Quan nó phải to hơn quân. Mà quan ra quan chứ ai lại làm như thế! Thôi, cứ để đấy cho tôi.

- Đặt ở đâu thì thành quan ở đấy, có cái gì. - Ông


cằn nhằn.

Bà lão trở vào trong bếp lấy hai bao diêm mang ra. Ông nhìn rồi khen: "Hai ông quan này đẹp thế!".

- Bà rải quân đi.

Bà ngồi xuống, bỏ những viên sỏi ra. Chia đều mỗi ô năm viên, còn thừa một viên bà nhón nó lên ném ra xa, vừa nhìn ông ý nhắc:

- Ông là chúa hay ăn gian!

Ông cười:

- Có tôi với bà, ăn gian làm gì.

- Chơi hôm nay phải nghiêm chỉnh đấy!

- Quân tử nhất ngôn! Tôi đi trước.

- Không được! Ván bài này quan trọng không đùa được. Chơi như ngày xưa ấy!

Ngày xưa. Thời trẻ con ông với bà từng chơi trò này. Ừ, chỉ có trẻ con là công bằng thôi. Hai người nắm tay "oẳn tù tì". Ông ra chậm hơn bà một tí thôi. Ông thắng. Thế mà bà cũng mắng:

- Ông là chúa hay ăn gian!

Ông bốc sỏi lên và rải ra các ô

- Tôi có gian gì đâu. Bà thua rồi!

- Được! Chưa biết mỉu nào cắn mửu nào đâu.

Hai người vừa chơi vừa tính toán quân bài. Bà theo dõi ông rất chặt. Bên này ông đã ăn được một quan. Vốn cũng kha khá. Đến lượt bà đi, rải hết quân, chỉ còn một lượt đi nữa là bà ăn tất cả quan, cả quân bên phía bên ông. Ông bỗng vu cho bà ăn gian rồi lấy tay xoa lẫn lộn hết cả.

- Chơi lại! Bà ăn gian. Chơi lại.

Bà không bằng lòng:

- Ông ăn gian thì có! Tôi đã lường trước rồi thế mà vẫn bị ông ăn gian được. Ông chả quân tử tí nào. Được! Tôi tha cho ông ván này.

- Quân tử nhất ngôn là quân tử dại! - Ông cười.

- Ván này thôi đấy nhá! - Bà giao giá.

- Ừ, ván này thôi. Thua là bà chết trước đấy!

Tối hôm qua, tối hôm kia, tối hôm kìa, hôm kiết, hôm kiệt. Ông bà vẫn nằm sóng đôi trên giường mà tranh cãi với nhau, lý lẽ, phân trần, ai cũng mong cho người kia chết trước. Bà khích:

- Trông ông cũng chả còn được mấy nả nữa đâu.

- Có bà thì có. Trông người cứ như quả táo tàu. Bà sắp thăng rồi!

- Ông thì hay hớm lắm! Người đâu mà nhìn xương cũng hói. Chết đến đít còn nói phách!

Rõ chán! Hết khôn dồn đến dại. Người này cứ thích người kia phải chết trước. Cuối cùng bà nghĩ ra một cách.

- Cứ mong nhau chết thế này thì khó quá! Thôi, mai tôi với ông sẽ chơi một ván bài xanh chín, ông nhé!

Ông khôn lắm! Vừa nghe bà nói xong là ông đồng ý ngay rồi ông đưa ra các thể loại bài bạc mà bà dốt
không biết đánh. Bà cũng là đối thủ không vừa, chớ có mà coi thường.

- Cả đời ông cờ gian bạc lận tôi sao sánh được.
Thôi ông chơi với tôi một ván ô ăn quan cũng tạm gọi là công bằng.

Ông đồng ý ngay. Riêng món cờ bạc ông chưa bao giờ biết thua.

Ván trước coi như xí xoá. Bắt đầu sang ván mới, bà lại chia bài. Ông "oẳn" lại được đi trước. Trong lúc đi bà luôn để mắt theo dõi kỹ trong lòng bàn tay ông, ông đừng có hòng mà ăn gian!

- Hôm qua tôi chả ngủ đựơc tí nào bà ạ.

- Ừ, tuổi già thường ít ngủ. Tôi cũng thế. Không ngủ được thì thức!

- Tôi sợ thức! Thức lại phải nghĩ ngợi khổ lắm, thật đấy! Tôi sợ đêm. Cứ phải đi ngủ là tôi sợ! Mỗi lần nhắm mắt tôi lại nhìn thấy ba con kiến chúa mặc áo xô,
theo sau là một đàn kiến thợ chít khăn trắng tha tôi đi khắp nhà.

- Ông nói làm tôi hãi bỏ xừ! Não nùng lắm.
Nghe ông mà ruột gan cứ xọp lại. Có ông cả nghĩ chứ đàn bà chúng tôi giỏi chịu đựng. Ông cứ chết đi, tôi chịu được tất!

Ông "hừ" một cái. Đến lượt bà đi. Vừa đi bà vừa lái chuyện:

- Hôm qua cả Cúc nó gọi điện về. Lúc ấy ông đang ở ngoài vườn. Tôi nghe máy.

- Nó có nói gì không? Ừ, - ông chỉ cây bàng - Hai đứa nó bằng tuổi nhau. Cây bàng đã trút hết lá vào cuối mùa thu giờ còn trơ lại những cành khẳng khiu, sót lại hai cái lá úa vàng.

 

Bà cũng nhìn theo tay ông, bà cũng đang liên tưởng đến những vòng đời, những cái mầm non bên trong đang thúc mạnh, mắt nhìn hai chiếc lá còn sót lại cô đơn, tàn tạ nhưng vẫn để ý đến các viên sỏi: "Ông ấy là chúa hay ăn gian".

- Thế nó có định năm nay về Ca-li chỗ thằng Hồng không? Mà thằng ấy cũng tệ, lấy đến mấy đời vợ mà trước khi cưới cũng không thăm anh lấy một lần.

- Chả biết ở Mỹ bận rộn thế nào mà lại thế! À,
nó bảo vợ chồng con Nhài theo quân đội Mỹ đi sang Libya rồi.

- Thế à, chúng nó thì lúc nào cũng chỉ mong cho thiên hạ đánh nhau, chúng nó càng vớ bở.

- Hay là năm nay ông đi chuyến nữa? Ở với mỗi đứa vài hôm cho chúng nó đỡ buồn.

- Thôi, tôi lạy bà! Bảo bà, bà không đi. Nước Mỹ tiếng thế cũng chẳng sung sướng gì, đầu óc suốt ngày cứ căng ra như mặt trống.

- Tôi mà như ông thì tôi theo phứt các con. Tôi ở lại còn vườn tược, cửa nhà, mồ mả chứ để ông ở nhà sao được.

- Tôi nói thật đấy! Hai năm trời tôi ở bên ấy tụ tập được đầy đủ gia đình là cả một vấn đề. Giáng sinh này lại hẹn đến Giáng sinh sau. Cho đến tận lúc tôi về cũng chả gặp được chúng nó. Đứa nào mời là đứa ấy lo, còn lại chỉ khỏe gọi điện.

Ông chờ bà đi xong. Lượt này bà bị "chẫng" chả ăn được quân nào. Ông bốc quân lên rồi lại bỏ xuống:

 

- Từ nhà thằng Cúc đến nhà thằng Hồng bay mất hai tiếng rưỡi. Từ nhà thằng Hồng đến nhà con Nhài mất một tiếng mười lăm. Ở nước Mỹ người ta coi trọng công việc, mở mồm ra là: "Chính xác" - "Hiệu quả". Tôi ở Mỹ hai năm, tiếng thế mà đã đến được nhà hai đứa kia đâu. Bao nhiêu lần bảo thằng Cúc đưa tôi đi. Nó gọi điện cho hai đứa đến đón. Tôi biết chúng nó "Hiệu quả" lắm! Cho nên chả đề nghị nữa. Nhưng mà gọi điện ngày nào cũng được. Sướng lắm!

- Ông có gặng chúng nó về quê chơi không?

- Có! Nhưng chúng nó cứ nằng nặc mời bố mẹ sang ở bên này. Bà tính chúng nó cũng như mình, đi đâu mà không thấy thân quen thì sợ lắm! Nhìn cái gì cũng lạ thì quả hãi thật. Ấy, đến lượt tôi đi.

Bà nhìn ông bốc sáu viên sỏi mà đếm theo tay chỉ có năm lần đi. Ô cạnh đó có ba viên, rải tiếp là vừa vặn ông ăn quan. Bà cười ranh mãnh:

- Ông là chúa hay ăn gian! Tôi đã đếm trước rồi đấy. Chơi cho nghiêm chỉnh vào.

- Bà tinh thật!

- Chả tinh! Tôi là vợ ông, ông làm gì tôi chả biết. Ông chơi bài cũng gian, làm cái gì cũng gian lận.

- Nhưng cả đời tôi chưa làm hại ai bao giờ. - Ông cãi! - Thừa nhận là tôi có khiếu đấy chứ!

Hai ông bà cười như xúc xắc, chẳng cần giữ gìn làm gì. Cả những chuyện bí mật làm ăn của ông trước đây, ông lừa thiên hạ thế nào giờ cứ bô bô nói ra, không sợ gì phải giấu.

- Bây giờ thì chả thiết gì bà nhỉ? Hão huyền hết cả. Vù một cái đã mấy chục năm, chán quá! Tiền bạc, danh lợi hão tất! Sống càng đầy đủ bao nhiêu càng chán bấy nhiêu. Sống đã sợ, sống lâu càng sợ! Chán thật! Ông cầm viên sỏi trong tay, chưa đi vội, lại nói tiếp:

- Chả ai bất hạnh như vợ chồng mình, bà nhỉ?

Bà mắng:

- Ông nói linh tinh cái gì thế! Mình có ba mặt con. Bất hạnh là bất hạnh thế nào?

- Tôi hỏi bà, lúc chết thối ra liệu chúng có về kịp hay không? - Nói rồi ông thở dài sườn sượt. - Tôi hãi sống lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ lo cho bà thôi. Nếu vô phúc tôi mà đi trước…

- Ông than vãn nẫu chín cả ruột. Chú ý mà chơi bài không có thua lại đổ tội cho là không để ý.

- Kiểu gì tôi cũng thắng được bà. Cả đời bà cứ nhường nhịn tôi. Còn mỗi cái chết là bà chả chịu, cứ đòi tôi chết trước. Tôi mà chết bà ở lại một mình khác gì
ma sống!

- Ma tôi cũng không sợ. - Bà giục: "Đến lượt ông đi đi. Ông đi đến lượt thứ hai thì ăn được mỗi quan không".

- Hết quan toàn dân kéo về.

Ông đắc ý nhìn đống sỏi trong lòng mình to hơn đống sỏi của bà.

- Lần này thì bà phải chết rồi! - Ông reo.

- Còn lâu nhớ! Ông đừng có mà tưởng bở.

Bây giờ là lúc ăn thua. Hồi hộp không kém gì lúc sòng bài mở bát. Ông bỏ ra một viên, bà cũng bỏ ra một viên. Lúc hết ông vội hỏi bà: "Còn không?". Bà từ từ mở bàn tay ra còn đúng một viên. Bà thắng. Ông cuống lên. Mặt nhăn lại. Già nua. Buông xuôi.

- Tôi không chơi gian thì không thắng được ai. Lần đầu tôi chơi một ván thật thà đã thua trắng tay. Tôi biết mình có khiếu gian lận mà!

Bà thu hai đống sỏi lại với nhau, trịnh trọng "tuyên" ông chết trước! Ông van vỉ:

- Tôi xin bà! Từ trước đến giờ tôi chưa xin bà cái gì. Tôi muốn chơi một ván thật thà nữa. Ngày trước cái tay Khổng Minh bảy lần tha Mạnh Hoạch. Ở ta không "quá tam ba bận". Thua ba bận là tôi tâm phục, khẩu phục, không còn ân hận gì nữa, tôi xin xung phong chết trước!

Bà nhìn ông thật thà tận ruột, có ý xiêu xiêu, bụng nghĩ: "Ông còn thế này kiểu gì cũng thua".

- Được. Ông cố mà giữ lấy lời. Tôi đàn bà biết phận. Nhường ông đến hai lần, còn một ván chót mong ông nhường nhịn đừng ăn gian là được.

- Vậy tôi nghe theo ý bà.

Ông lại sôi nổi hẳn. Đàn bà là dễ lừa lắm! Ông cười cười rồi nhìn bà chia quân. Lúc chia xong bà hỏi:

- Ở Mỹ có bốc mả không?

- Không! Nó đốt.

- Thế thì cháy hết hồn vía còn gì?

- Cho nên nó có thờ ai đâu.

Ông bà lại "oẳn". Ông lại được đi trước, bà tị nhưng lại bảo ăn gian, ông bảo bị oan. Lần này ông vẫn xuất quân như cũ nhưng rải ngược lại, đổi cách chơi. Đến lượt bà đi, bà hỏi tiếp chuyện lúc nãy:

- Thế ở Mỹ con cái muốn báo hiếu bố mẹ thì làm
thế nào?

- Người ta báo sống chứ không báo chết!

- Thế nhỡ chết ở Mỹ thì làm thế nào?

- Đốt!

- Thế thì thèm vào. Thôi sau này ông chết tôi cứ
ở nhà.

- Ấy, chắc gì tôi chết mà tính sớm. Ván này tôi sẽ cho bà chết! Bà chết, đợi xây nhà mới cho bà xong là tôi tếch đi Mỹ. Chết, cho Mỹ nó đốt.

- Không được! Như thế tôi với ông sẽ không được gặp nhau nữa. Vậy ông chết trước là tình lý vẹn cả đôi đường.

- Bà khéo tính lợi cho mình. Ở Mỹ văn hóa chết cao lắm! Bà nhìn đây nhá, tôi xơi được một em quan đây này.

- Tôi công nhận ông chơi tử tế đấy. Ông cũng nhìn tôi đi đây này, tôi cũng xơi được một anh quan đây.

- Không ngờ bà cũng cờ bạc gạo, hay phết! Tôi nói với bà, ở ta và ở Mỹ cách làm "hiếu" khác nhau lắm. Nhưng phải có tiền, rất nhiều tiền mới mong có "hiếu".

 

- Sao lại vây? "Hiếu" mà khó thế thì cũng sợ chả dám chết. Ở ta không có xu nào cũng có "hiếu".

- Nhưng ở ta "hiếu" thật, "hiếu nhái" chả biết đâu mà lần. Mỹ chính xác lắm!

Hai lượt đi bà ăn được cả hai. Ông ăn một lượt, "chẫng" một lượt nhưng nhìn đống sỏi của bà chỉ ngang với đống sỏi của ông. Ông lại kể tiếp:

- Ở tòa nhà bố Cúc ở có anh Trương sống ở tầng chín chín, cách trời một đoạn. Anh sang Mỹ từ ngày cách mạng văn hóa. Nghèo lắm! Sau này vẫn đón bố sang phụng dưỡng. Báo chí Mỹ ca ngợi hết lời, coi như là tấm gương cho toàn dân Mỹ học tập. Bố chết, đốt. Nhưng anh Trương không có tiền thuê cốt để ở nhà quàn, cất ở nhà thì sợ cảnh sát môi trường phạt tiền. Cuối cùng anh đành mang bố về nhà đem cái tro ấy ra ăn mỗi ngày một ít.

- Khiếp!

- Anh Trương nói: "Thương bố thì để trong lòng". Thằng Cúc, thằng Hồng, con Nhài nhà mình chả biết có được tí thơm thảo ấy không? Nên tôi lo lắm! "Hiếu" bây giờ trở thành xa xỉ, ai có phúc mười đời mới được hưởng một tí. "Hiếu" bây giờ hiếm lắm! Xa xỉ lắm!

Bà đang đi bỗng dừng lại chả biết tính bài hay nghĩ đến "hiếu". Ông giục:

- Bà đi đi! Không ăn gian được với tôi đâu.

- Ông chỉ được cái suy bụng ta ra bụng người. Đây tôi đi đây. Ăn.

Ông đi lượt cuối, ăn thêm được một ít nữa. Nhìn đống sỏi của ông nhỉnh hơn bà. Ông tin chắc ván này bà sẽ thua. Bà chết!

Lại đối nhau khấu trừ, hồi hộp đến viên cuối cùng. Mở bàn tay ra bà còn, ông hết. Ông lại thua. Ông cứng đờ người ra, tự nhiên nói lắp: "Không… không, thể… thể, nào…". Bà lão chìa hai bàn tay thừng chão chằng chịt trên mu định gom hai đống sỏi làm một. Bất ngờ ông bảo:

- Bà để nguyên đấy cho tôi kiểm.

Bà ngỡ ngàng:

- Kiểm là kiểm thế nào? Ông tâm phục khẩu phục đi!

Ông đếm tổng những viên sỏi, thấy thừa ra những năm viên. Thì ra bà lấy thêm sỏi đem giấu đi, nếu ăn được ít thì bỏ thêm vào. Ông giãy nẩy lên:

- Tôi cứ ngỡ mình không chơi được thật thà, suốt đời tôi là chúa ăn gian! - Ông nghỉ lấy hơi rồi lại làm toáng lên:

- Tôi cứ tưởng đàn bà dễ lừa lắm cơ! Ai ngờ bị bà chơi lại. Đáng ra bà đã thua tôi ngay từ ván thứ hai. Bà mới là chúa hay ăn gian!

- Thì tôi cũng học được ở ông. Không gian lận thì sống làm sao được!

Bà bỗng nhìn bóng râm đang dân dấn xuống bậc thềm, giật mình:

- Ông ơi, trưa rặt ra rồi đây này. Thôi tôi đi nấu cơm đây. Nói rồi chống gối đứng dậy, vừa đi vừa hỏi:

- Ông ăn gì tôi nấu?

- Tôi chả muốn ăn gì! Rồi cứ chăm chú nghiên cứu những viên sỏi, bụng nghĩ: "Đến chiều tôi phải cho bà đo ván". Mắt ông dõi theo chiếc lá bàng liệng xuống chỗ ô ăn quan, miệng lẩm bẩm:

- Cuống còn xanh lè thế này mà đã chết! Không
biết nhục!

Tiếng bà trong bếp vọng ra:

- Ông chả chịu ăn uống có mà chết đơ ra đấy!

- Bà nói phải lắm! - Rồi ông từ từ đứng dậy. Ông liếc nhìn lên chiếc lá còn lại, nó vừa mới mất đi người bạn cuối cùng. Ông tỏ ra buồn rầu và ao ước: "Giá mà nó rụng cùng một lúc thì tốt!".

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88274


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận