Nắng Vỡ Truyện ngắn 14


Truyện ngắn 14
Phải cả

Tên tôi là Bai. Họ tên đầy đủ là Trần Bái Bai nhưng mọi người cứ gọi tôi là Phải. Lớn lên đi công tác tôi đã được mọi người gọi là anh Phải, chú Phải rồi đến bác Phải. Chắc chắn sau này già tý nữa thế nào mọi người cũng gọi tôi là ông Phải. Tôi tên Bai hẳn hoi lại cứ gọi là Phải, thế có tức không? Nhưng nếu gọi tôi là Trái,
chắc tôi không tha. Một số người cũng có tên ghép nhưng đọc lên nghe bẩn lắm như: Dung lòi rom, Tuấn cứt… hoặc gán cho cái tên kèm với súc vật như Dung chó, Hưng ngựa, Tú lợn… Như vậy cái tên Bai Phải nghe cũng hay hay như Năm Sài Gòn, Xuân tóc đỏ… Cái tên ấy chẳng phải cũng hay ngang ngửa với những cái tên văn học đó sao? Tôi đón nhận cái tên ấy đã bao năm nay, dễ chịu lắm!

Gọi đến bác Phải là tôi chuẩn bị về hưu, được nghỉ trước một tháng để chờ quyết định. Vừa về ngày hôm trước, hôm sau ông tổ trưởng dân phố đã đến chúc mừng. Ông này tuổi cũng ngang ngang với tôi, trước đây công tác ở ngành đường sắt, tính tình ảnh hưởng nghề nghiệp nặng lắm. Công việc đã bàn là y như rằng ông tổ trưởng cứ làm băng băng, cũng giống như cái đầu máy xe lửa, chạy trên đường riêng của nó, đứa nào lớ ngớ là ông chẹt cho chết.

Chúng tôi ngồi nói chuyện rôm rả, cùng nhau đánh chén gần hết một tiệc trà thì ông tổ trưởng gạ gẫm:

- Ông Bai này, về hưu rồi ông có dự định gì không?

- Không. - Tôi nói trống không chứ chẳng thèm trả lời "không bác ạ" gì sất, vì đã từ lâu tôi quen với cái tên Phải, gọi tên cũ người ta ra có phải là nói khóe, coi thường người ta không?

- Bác Phải à, mình về rồi, chả còn vương vấn gì cả, sướng! Phải không bác?

Tôi chả hiểu ông ấy nói gì, đang suy nghĩ xem cái ông tổ trưởng dân phố này có âm mưu gì không thì ông ấy nói tiếp:

- Bác làm công tác công đoàn bao nhiêu năm, quý hóa lắm! - Nghe đến đây mũi tôi đã nở như phồng tôm, - bao nhiêu những vụ đình công bác dẹp yên hết. Thấy bác về là chúng tôi mừng lắm cho nên muốn mời bác tham gia lãnh đạo tổ dân phố khóa này. Làm cho vui ấy mà, ăn bàn ăn cuộc gì đâu.

Tôi nghĩ cũng phải. Mình về vườn rồi, không tham gia công tác xã hội mà cứ ở nhà chờ chết thì lâu lắm. Mà ông tổ trưởng có ý tốt, mình không nhận lời mất hay đi. Làm cho vui, đúng lắm! Ở đâu cũng gia đình văn hóa, tổ văn hóa, phường văn hóa… Rồi cả nước đâu đâu cũng văn hóa hết cả rồi còn việc gì mà làm. Ông tổ trưởng bảo làm cho vui ấy mà, cũng phải. Tôi đem chuyện này bàn với bà xã, chửa nghe xong bà ấy đã làm tán loạn:

- Ông điên à? Ông tưởng cái tổ dân phố này mà ngon ăn lắm đấy à? Có mấy ông lãnh đạo lẫn nhau còn chả xong nữa là…

- Ô hay cái bà này, cứ cả vú lấp miệng em.

- Không vớ vẩn gì sất! Ở nhà. - Vợ tôi quát. - Ông cứ ở nhà cho tôi. Hết tiêu chuẩn báo thì tôi mang tiêu chuẩn của tôi về cho mà đọc. Vớ va vớ vẩn! Đã nghỉ hưu rồi là nghỉ. Thật sướng chả biết đường sướng!

Nghe vợ quát, tôi thấy cũng phải. Vợ quát thì chẳng phải cái thằng tôi, đến tướng tá còn ngậm hột thị nữa là. Với lại đã mất tám mươi phần trăm sức khoẻ rồi, tàn phế rồi, làm được trò trống gì nữa. Với lại sư tử nhà tôi rất sợ tai tiếng, đã về hưu rồi còn tranh chìa cán bộ với mấy ông dân phố, làm gì mà làm mãi thế! Tôi thấy cũng phải.

Không ngờ con gái tôi lại nghĩ khác. Nó đấu với mẹ:

- Theo con, mẹ nên để cho bố đi làm. Ra khỏi cửa là đến cơ quan, nhân viên thì toàn hàng xóm. Chả bao giờ phải lo tắc đường. Đi làm cho nó vui, ru rú ở nhà có mà…

 

- Tôi xin chị! Chị còn lạ gì tính bố. Ngày trước ở cơ quan cái gì cũng phải, cũng chả chết ai. Nay trực diện với dân, không khéo người ta kéo đến tận nhà, vành mồm ra chứ chị tưởng. Có bố chị chịu được chứ tôi không.

Tôi đang dọn cơm, mải lắng nghe rơi mất cái bát. Sư tử nhà tôi sắp gầm lên thì con gái tôi đã vào cuộc:

- Đấy! Mẹ không cho bố đi, có ngày cái bát cũng không có mà ăn. Người ta nhìn vào cười chết. Con thấy bố đi làm là được, chả mất lòng ai. Vừa được sống vui, sống khoẻ, lại được thêm vài trăm một tháng, phải không bố? Nó nháy mắt, tôi cười đáp lại một cái. Ừ, con gái tôi nói phải, nó hiểu tôi, đúng là con gái bố! Vợ tôi thì bảo: "Không thèm". Tôi nghĩ đã có văn hóa rồi thì chả phải lo gì cả. Giờ có thêm tôi vào cho nó tốt lên đến mức nghệ thuật! Còn không được thì cứ giữ nguyên bản sắc cho nó là được chứ gì?

Dọn cơm xong. Trước khi đưa món ẩm thực do tôi nấu vào miệng, vợ tôi vẫn không thay đổi ý kiến: "Ông cứ ở nhà cho tôi nhờ". Nhưng con gái tôi không chịu: "Bố cứ đi đi". Vợ tôi nói nghe cũng phải, con gái tôi nói nghe cũng phải. Tôi có hai chân, hai tay, đem chặt ra chia cho mỗi người một cái còn được. Nhưng đầu thì có mỗi một, tôi nghe ai đây? Hai mẹ con nhận thức chéo ngoe, ai cũng phải cả, thật khó cho tôi quá! Nhớ lần đình công trong nhà máy, công nhân nghỉ việc mất mấy ngày. Tôi đi xuống khu công nhân, nhìn những khuôn mặt quăn queo, lắng nghe những lời đề nghị: "Bác Phải à, bác phải cứu lấy những người lao động chúng tôi. Ai đời giá cả tăng đến chóng mặt, cái gì cũng lên trong khi đó lương của chúng tôi vẫn bình ổn giá, mà sản phẩm của nhà máy tăng đến mấy lượt rồi. Bác Phải à, bác nghe chúng tôi nói có đúng không?".

Đúng quá đi chứ lị! Cắt xén cái gì thì cắt xén, nhưng mà xén cái khoản tiền công của công nhân ngang mới khâu bớt mồm của họ lại còn gì. Phải lắm! Tôi đem đề nghị của phía công nhân lên trình với ông chủ công ty. Mấy ông ấy nhảy dựng lên như chơi điền kinh:


"Ông Phải à, ông về bảo với họ cứ nằm ở nhà mà ăn chơi đi, ở Trung Đông người ta đang đánh nhau bỏ thằng cụ, không muốn yên ổn hay sao? Thích đình
công là đình công. Đây là công ty chứ không phải là cái chợ, nhớ!".

Tôi chăm chú lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Đúng ra là muốn đình công trước hết các tổ công đoàn phải họp rồi thống nhất đưa đơn, tôi chuyển lên cấp trên, cấp trên lại chuyền lên cấp trên nữa, cấp trên nữa lại thỉnh lên cao hơn, cấp cao hơn lại kính lên cấp cao nhất rồi ra quyết định đình công hay bãi xuống cấp dưới, xuống cấp dưới nữa… Cứ thứ tự như thế cho đến cấp cơ sở rồi tổ chức đình công, thế mới gọi là kim chỉ có đầu chứ! Phải đấy, gia đình cũng phải có nền nếp, xã hội cũng phải có trật tự. Cứ tự phát thế này là tự chết rồi! Tôi cứ đi lại như con thoi, xem ra thì ai cũng phải cả. Lạy trời, cuối cùng đình công chấm dứt, lại yên ổn, chủ thợ lại khoác tay nhau yên tâm sản xuất, máy lại chạy ro ro.

Tôi nghỉ hưu đã được một tháng rồi, chuẩn bị lĩnh sổ, ở nhà cả tháng trời khiến tôi buồn hết các thứ. Tôi nghe lời vợ vẫn án binh bất động, ai hỏi vẫn bảo là đang công tác, như thế người ta mới trọng. Một hôm ông tổ trưởng lại đến. Lúc ấy tôi đang nhặt rau chuẩn bị nấu cơm. Ông tổ trưởng đi qua cửa còn ngó lại phía sau lưng, như sợ có ai theo dõi. Cảnh giác như thế cũng phải, tôi nghĩ lại có vấn đề gì đây.

Tôi tráng ấm pha trà thì tổ trưởng ngăn lại:

- Thôi, không phải nước nôi gì cả. Tôi vào đề ngay đây. Gay lắm!

- Gay là gay thế nào?

- Tổ ta hưởng ứng chương trình toàn dân dùng nước sạch của thành phố. Nhà máy nước đến khảo sát, lên kế hoạch rồi tính toán giá thành. Kinh phí lên hơn trăm triệu, thành phố cho ba mươi triệu, phường cho hai mươi triệu, mới được non nửa phần trăm. Mấy hôm vừa rồi họp dân lại mà không thống nhất được khoản đóng góp. Người ở đầu nguồn thì đòi đóng ít, người cuối nguồn không chịu nộp nhiều, có người còn bảo tôi không có tiền, tôi cứ ăn nước giếng khoan, bẩn tôi chịu. Họp hành đến tã cả ra vẫn thế. Bác Phải à, mấy hôm nữa thì bác về? Bác có giục họ làm nhanh nhanh lên được không, chứ cái ông nhà nước là hay lần khân lắm! Nhờ bác về gỡ cho vụ này không có thì gay lắm!

Tôi hỏi kỹ tình hình thì thấy ai cũng phải cả. Người đầu nguồn tất hưởng lợi nhiều hơn, giống như người ở thành phố phải được hưởng lợi hơn người nhà quê chứ? Nhưng người ở cuối nguồn vừa đóng nhiều tiền mà nước lại yếu, hỏi công bằng đi chết ở đâu? Ở thành phố cái khoản nước nôi là quan trọng lắm. Cứ ăn bẩn ở bẩn văn hóa sẽ kém đi! Mà tổ thì đang xây dựng đời sống văn hóa. Phải có nước sạch mới hòng nâng cấp văn hóa lên bậc nghệ thuật được! Phải không bác?

- Đúng quá đi chứ! Bác nói chí phải. Từ ngày có con người đến giờ, ăn thì nhịn được, chứ nước không nhịn được, đã thế mà bà con nhà mình có chịu hiểu cho đâu. Có mấy đồng bọ mà họp hành chán chê chả ai chịu góp, lại còn đâm đơn kiện lung tung. Bác có cách gì lên phương án giúp với?

Tôi hứa sẽ tham mưu cho. Cũng may khi tôi mua cái nhà này đã có sẵn máy nước, chứ không đợt này cũng phải đóng góp đây, may thế! Tôi nhìn đồng hồ thấy trưa quá rồi, vội quáng quàng nhặt rau, cắm được nồi cơm xong thì sư tử nhà tôi đi làm về. Chưa kịp khóa cửa thì bà Hạnh ở đầu dãy, bà Phúc cuối khu phố ập đến. Từ trong bếp tôi nhìn qua khe cửa thấy trên tay mỗi người cầm một tờ đơn.

- Bác Phải có nhà không?

Vợ tôi phản xạ nhanh như điện: "Báo cáo các bác hôm nay nhà em đi họp cả ngày". Bà Hạnh nhìn qua vai vợ tôi

- Tôi vừa nhìn thấy ông tổ trưởng ở đây ra xong, cô cứ cho chúng tôi gặp bác ấy một tý.

- Khổ quá! Em đã nói rồi, các bác còn không tin. Mà nhà em có biết cái gì mà các bác đem đơn đến đây.

Bà Phúc mân mê tờ đơn gấp ra gấp vào, cứ tưởng bà ấy đang gấp máy bay. Tôi nghe giọng bà ấy tha thiết lắm: "Cô ơi, chúng tôi có thời tham gia ban chấp hành công đoàn cùng với bác ấy, cô không biết, chứ bác ấy uy tín lắm! Chả làm mất lòng ai bao giờ. Nghe tin bác ấy về hưu sẽ tham gia cán bộ tổ dân phố. Chúng tôi tin tưởng bác ấy, cái ông tổ trưởng chả nước non gì mà tính tình quân phiệt cứ như phát xít Đức ấy. Thôi, nếu chú ấy không có nhà thì đành về vậy, lúc khác tôi đến.

Hai bà vừa đi ra thì nhà tôi vội vàng khép cửa, quay vào bếp nhìn trừng trừng như nuốt chửng tôi vào ổ bụng. Ngoài vỉa hè, hai bà đang lý sự với nhau:

- Tôi còn lâu mới góp tiền theo cái kiểu chia đều, sao bà không mua cái nhà đầu dãy mà ở?

- Thế thì những nhà cuối dãy chúng tôi vừa thiệt đơn lại vừa thiệt kép à?

Tôi biết người nói câu trước là bà Hạnh đầu dãy, người nói sau là bà Phúc cuối dãy. Họp tổ đến mấy lần vẫn chỉ nghe hai bà tranh luận với nhau. Tình cảm thì không muốn mất mà tiền thì không chịu bỏ ra, cuối cùng mọi người góp ý cho hai bà cứ làm đơn nhờ ông Phải can thiệp hộ. Hai người đứng trước cửa nhà tôi tranh cãi làm mồi cho các bà trong khu phố kéo ra họp thành một cái chợ bổ bán đường ống nước. Chị Bình nhà ở giữa dãy bỗng nói:

- Cháu bảo với các cô thế này. Nếu tổ ta lắp một cái đường trục qua đây, ắt phải qua cái đoạn ống nước nhà bác Phải. Thế nếu nhỡ bác âý không cho thì làm thế nào?

- Không cho là thế nào? Đường ống của tổ là của tập thể, còn đường ống nhà bác ấy là cá thể! Bà Thiệp liền kề với nhà chị Bình lên tiếng. Bà Thông đang cầm mớ rau nhặt dở, tiếp vào: "Bà Thiệp nói phải. Nghe nói ngày xưa nhà máy nước để phần một họng nước cho tập thể. Bây giờ tập thể mới sử dụng, phải tháo cái đường ống nhà ông Phải ra, cho ăn vào với đường ống của tổ, thế mới phải chứ!

- Thế nhỡ bác ấy nhất quyết không cho thì làm thế nào? Một chị bụng chửa như thúng cái cũng bành bạch từ trong ngõ đi ra góp chuyện.

- Cái đó cứ để cho nhà máy người ta làm việc. Quyền hành ở trong tay, người ta quyết định thế nào thì phải nghe thế ấy. Một ông Phải chứ đến ba người cũng nghe hết! - Bà Thiệp bảo thế.

- Nếu vậy thì nhà ông Phải cũng phải đóng tiền. - Chị Bình khêu lên.

- Tất nhiên rồi…

- Tất nhiên rồi…

Ai cũng bảo như thể mọi người vừa mới nhận ra một chân lý. Ông Phải từ nãy giờ vẫn đứng ở bên trong, thấy bà con đang họp chợ trước cửa nhà mình ông cũng mặc. Chợt nghe thấy mọi người nói đến cái máy nước nhà mình, lại còn bảo mình đóng tiền nữa chứ! Ông liền mở cửa hùng hùng hổ hổ bước ra.

- A bác Phải!

- Chào bác Phải. Mọi người ồn lên chào hỏi.

- Không có phải với trái gì sất! Tôi là Bai, Trần Bái Bai!

- Vâng thì chào bác Bai, chào chú Bai, chào anh Bai…

 Ông Phải nhìn khắp mọi người một lượt, mới hỏi:

 - Lúc nãy ai nói phá máy nước nhà tôi? Ai nói tôi phải đóng tiền?

 Mọi người ngẩn ra không biết giải thích thế nào, vả lại tình cảm bà con khối phố ai cũng ngại va chạm,
nên chỉ được cái nói sau lưng là giỏi. Chị Bình mới mạnh dạn hỏi:

 - Cháu hỏi bác Phải… À bác Bai một câu: Thế mấy hôm nữa tổ mắc máy nước thì cái đường trục bắt vào đâu?

 - Muốn bắt vào đâu thì bắt. Đây là tài sản công dân. Ai mà động vào là tôi chặt tay.

 Mọi người nghe thấy thế mới ồn cả lên. Không ngờ bác Phải lại mạnh mẽ đến thế. Chưa bao giờ bác ấy đưa ra được một ý kiến rõ ràng, đừng nói đến một việc làm cụ thể, ngạc nhiên quá! Ông Phải cứ xăm xăm như thế, hễ bước chân đến trước mặt ai người ấy lại tụt về phía sau, như ý muốn bảo: "Ấy, không phải tôi nói đâu đấy nhé!". Ông tổ trưởng bỗng xuất hiện như mọc lên từ mặt đất, tay cầm một xấp giấy nói:

 - Bác Phải à. Cái họng nước đây người ta thiết kế để sau này cho một đường trục bắt vào để phục vụ bà con trong tổ phố. Bác còn nhớ không? Ngày đó bác mượn nó để kéo nước về nhà mình. Lúc ấy nhà máy đứng ra trả tiền cho bác, hóa đơn tôi còn giữ đây. Bây giờ đề nghị bác trả lại cho tổ sử dụng, còn đóng góp thế nào
mong bác hợp tác cùng bà con. - Nói rồi ông quay ra với
mọi người:

 - Thông báo với bà con một tin vui là toàn bộ kinh phí lắp đặt đường nước sinh hoạt chúng ta đã có nhà tài trợ. Bà con không phải lo nữa.

 Mọi người hò reo tán thưởng. Bà Phúc và bà Hạnh tay xé nát lá đơn. Ông Bai tiến đến bắt tay ông tổ trưởng phần phật:

 - Phải lắm! Phải lắm! Phải, Phải…

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88275


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận