Khu phố mới đây rồi. Những đoạn phố hình bàn cờ, mặt đường hẹp chừng một chiếc xe tải đi vừa, hai bên vun vút những căn hộ ba, bốn tầng, giống nhau đến mức, một người có trí nhớ siêu việt như Hưng, cũng phải mất mười phút mới lần tìm ra nhà Việt. Mình đã nhìn thấy con số 13 viết bằng vôi, đúng ở chỗ tấm biển 11 bis này. Ờ, có khi thằng cha sợ xúi quẩy đã thay biển số nhà rồi.
Hưng quyết định ấn vào nút chuông. Vẳng từ trong ngôi nhà sang trọng bật lên tiếng du dương thánh thót của loài chim họa mi.
Không biết bằng cách nào mà vợ chồng thằng cha này phất lên nhanh thế? - Cái nút chuông sang trọng và tiếng chuông du dương cứ xoáy vào trong đầu Hưng như một câu hỏi. Quả là không thể hiểu nổi. Chơi với nhau đã mươi năm rồi, Hưng thuộc bạn đến từng chân tơ kẽ tóc. Vốn liếng, gia tài của anh chồng là cô vợ. Và ngược lại. Chỉ trần sì thế thôi. Lương bổng hai thầy cô giáo quèn,
gánh thêm mẹ già và hai đứa con. Méo mặt. Cơ hội duy nhất để vợ chồng Việt có thể đổi đời được là gian nhà hai mươi lăm mét vuông mặt phố ngã tư, của hồi môn của Thúy, vợ Việt. Bốn năm trước, hai mươi nhăm mét vuông đã từng được giá tới một trăm cây vàng. Hồi ấy chính Hưng đã dẫn mối và thúc ép vợ chồng Việt, vậy mà vợ chồng "anh giáo Thứ" không nghe, để rồi năm ngoái chịu cho thành phố giải tỏa mở rộng đường, chấp nhận với sáu mươi mét vuông đất đền bù ở cái khu phố mới này. Rõ là cái thằng ngu. Mất mẹ nó năm mươi cây vàng. Không dưới một lần Hưng đã ném vào mặt vợ chồng Việt cái câu nói ấy. Cũng là thương nhau, nối khố với nhau mới dám vậy, chứ người dưng nước lã, thì hoài hơi. Ấy vậy mà vợ chồng Việt không giận. Việt bảo: "Chính vì biết sớm muộn thành phố sẽ giải tỏa mà tao không nỡ bán cho người ta. Lừa được mấy chục cây vàng mà lúc nào lương tâm cũng cắn rứt thì sống làm sao?". Đúng là cái anh giáo Thứ, thời buổi kinh tế thị trường mà lúc nào cũng cắn rứt với lương tâm thì có mà ăn cháo cám. Nghĩ thế thôi, nhưng mà càng yêu và nể trọng Việt ở cái cách sống ấy. Cho đến cái đận vợ chồng Việt quyết định xây nhà ở cái khu đền bù thì chính Hưng lại là người hăng hái đi vận động bạn bè góp tiền cho Việt vay để cố mà lên hẳn một căn hộ ba tầng.
Bây giờ thì Hưng đứng trước ngôi nhà ấy đây. Nó sang trọng và Mô-đéc như hết thảy những ngôi nhà trong khu phố mới chưa kịp đặt tên này.
Liếc đồng hồ toan nhấn một nhịp chuông nữa. Nhưng rồi Hưng bỗng sững người khi qua ô cửa sắt, một người đàn bà chừng ba mươi tuổi với mái tóc bạch kim. Thoạt nhìn cũng biết đó là một phụ nữ Bắc Âu xinh đẹp và quý phái. Nàng nở một nụ cười đầy thân thiện rồi nói bằng một thứ tiếng Anh lơ lớ:
- Good afternoon sir. It seems that you are looking for something? (Chào ngài. Hình như ngài đang muốn kiếm một cái gì đó?).
Hưng ngớ ra một lúc. Cố huy động hết khả năng tiếng Anh của mình. Cuối cùng anh cũng lờ mờ hiểu nàng định nói gì. Đến lượt Hưng lắp ráp những từ của thứ ngôn ngữ mà lâu rồi anh không dùng đến:
- I am sorry. I want to see my friend, Mr Tạ Hùng Việt. (Xin lỗi. Tôi muốn gặp bạn tôi, ông Tạ Hùng Việt).
- Oh, excuse me, he no live here. I rent his house. (Ồ, xin lỗi ngài. Ông ta không ở đây nữa. Tôi thuê nhà của ông ấy).
- Where is he living now? (Bây giờ ông ấy ở đâu?).
- I am sorry, Sir. I don't know. (Xin lỗi ngài. Tôi
- No problem. Thank you! Good bye! (Không sao. Xin cám ơn và chào tạm biệt).
Hưng phóng xe đi, nhưng rồi anh quay phắt lại, bấm chuông liên hồi ngôi nhà bên cạnh. Người ta cho anh biết vợ chồng con cái Việt đã đi thuê nhà dưới khu tập thể ấp Thái Hà từ nửa tháng nay rồi.
- Cái chú Việt trông lù đù thế mà tính toán ra trò - Bà hàng nước đầu phố mách thêm với Hưng - nghe đâu ngôi nhà cho ông tây bà đầm thuê một tháng ba nghìn đô, trừ thuế má phẩy chè nước mất một nửa, một tháng đút túi mười lăm triệu, chỉ hai năm là ăn không cái nhà. Thời buổi này, kiếm gì cho lại.
Chao ôi, lại thế nữa ư? Hóa ra vợ chồng Việt đã trở thành niềm mơ ước của bao dân cư Hà Nội? Không đâu. Điều này chỉ riêng Hưng mới hiểu. Vênh váo và vui sướng cái nỗi gì khi gần cả đời người hết lo đánh giặc, lại lo gõ đầu trẻ kiếm sống, mãi gần năm mươi tuổi mới thoát khỏi cái gầm chạn nhà vợ, cất được ngôi nhà gọi là tươm tất, nào ngờ chưa kịp ấm chỗ đã vội nhường sự tiện nghi sang trọng cho các ông tây bà đầm để kiếm tí huê hồng. Đấy là lối xoay xở của kẻ tiện dân chứ đâu phải cách "tính toán ra trò" của nhà làm kinh tế. Tự nhiên Hưng thấy ngao ngán cho Việt và thương Thúy đến thắt lòng. Giá như ngày ấy Thúy đồng ý lấy Hưng thì đời nàng đâu đến nỗi gian truân thế.
*
* *
Ngày ở trường đại học, Hưng và Việt học cùng lớp với Thịnh, anh trai Thúy. Thúy học khác khoa, dưới bọn Hưng hai lớp, nhưng cùng chung một nơi sơ tán. Cô gái xinh đẹp mặc nhiên là em chung của cả ba ông anh, được các anh chăm sóc từng li từng tí. Riêng với Hưng, ngay từ lần gặp Thúy đầu tiên, anh đã có một mối thiện cảm đặc biệt. Giống như một làn gió heo may, nàng ùa vào Hưng mùa ổi chín, màu hoa cúc vàng rực, hương hoa sữa nồng nàn, khoảng trời xanh bất tận và những đêm trăng ngút ngàn. Nàng đánh thức trong Hưng một tâm hồn thi sĩ lâu nay ngủ quên, khơi gợi Hưng nhớ về một miền quê thôn dã lúc nào cũng thoang thoảng hương cốm, hương sen... Hưng như mụ mị đi mỗi lần nghĩ đến Thúy. Lác đác trên tờ tạp chí văn nghệ của tỉnh và một hai tờ báo trung ương đã đăng thơ Hưng - những bài thơ chảy từ một nguồn cảm xúc và chỉ để viết cho một người - Thúy.
Hưng đâu ngờ rằng bệnh mơ mộng và cái máu chủ quan của những chàng thi sĩ tỉnh lẻ mới tập tọng làm thơ, đã hại anh. Trong khi Hưng "đóng cửa phòng văn hì hục viết" thì Việt đã thực sự "cày xới" trên cánh đồng ái tình. Mẹ Thịnh ốm, Việt đã lặn lội từ nơi sơ tán, cùng Thịnh về cáng bà đi bệnh viện. Nhà Thịnh dột, Việt về quê, xin ông chú chủ tịch huyện giấy phân phối mua một cuộn giấy dầu, đèo lên, cùng Thịnh lợp lại mái nhà. Đến thăm Thúy ở nơi sơ tán, khi nào Việt cũng mang theo, hoặc là chùm bồ kết, hoặc là bánh xà phòng, chiếc khăn tay... Thế nên, những bài thơ của Hưng trở thành một thứ xa xỉ, mơ mộng hão, chẳng thiết cốt với ai, nhất là vào thời điểm chiến tranh ấy.
Rồi lệnh tổng động viên toàn diện. Ấy là năm 1972. Cả Hưng, Việt, Thịnh đều ra chiến trường.
Đau đớn nhất cho Hưng là cái buổi chia tay Thúy để ra mặt trận. Hưng mang đến tặng nàng tập thơ chép tay ba mươi bài đã được anh chăm chút, nâng niu từng chữ. Nàng đón lấy tập thơ, run run mở ra. Bỗng mặt nàng tái dần, vội đưa trả lại Hưng, và bảo:
- Không. Em không dám nhận cái này đâu. Nó như một thứ bùa mê ấy. Em sợ lắm.
Chao ôi, ước gì lúc ấy nhà thơ có tài độn thổ để chui xuống đất cho rồi. Giá Thúy đừng nói ra điều ấy! Đúng Hưng rắp tâm tặng Thúy thứ bùa ngải, những lời phù chú của tình yêu. Không đón nhận thì hãy im lặng trân trọng nó chứ ai lại đốp chát vào mặt nhau như thế. Vết thương ấy mãi sau nhiều năm ở chiến trường khiến Hưng không hề viết cho Thúy lá thư nào. Cho đến khi biết tin Thịnh hy sinh, Hưng tìm đến nhà Thúy, thì đã thấy Việt, với tư cách ông chủ gia đình, đón Hưng với bộ mặt vừa đau khổ, vừa ngầm một vẻ vênh váo của một kẻ thắng cuộc.
- Mày mắc hai tội nặng - Không đợi Hưng châm xong nén nhang, Việt đã xơi xơi - Đã nhận ra tội gì chưa? Một tội với bạn, một tội với em gái bạn. Anh Thịnh hy sinh mày không biết đã đành. Còn với Thúy, sao ngần ấy năm mày không tin tức gì với cô ấy? Hồi cưới, cô ấy cứ bắt tao tìm cách báo tin cho mày. Tao bảo: "Quên nó đi. Đã bạn bè chí cốt, những ngày như thế này, tự nó phải biết".
- Tao có lỗi - Hưng nói mà ánh mắt lại nhìn xoáy vào tấm gương bên cạnh, nơi đang phản chiếu gương mặt rờ rỡ của Thúy - Từ chiến trường, tao sang Đông Âu nên chẳng biết gì tin tức bạn bè...
- Thôi, tha. Nhưng muốn chuộc lỗi thì hôm nay phải ở lại đây. Tao sẽ thông báo cho cả bọn đến ngay bây giờ.
Việt phóng xe đi một lúc, mang về một can bia, một cái đùi lợn quay và kéo theo sáu thằng bạn học cùng khóa, cùng đi chiến trường. Và bắt đầu từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày giỗ Thịnh là cả bọn lại tụ tập ở nhà Việt - Thúy. Kỳ lạ thay cái tình bạn thuở thiếu thời. Nó trong sáng, vô tư và thắm thiết. Không nệ sang, hèn, giàu, nghèo, quyền chức, gặp nhau là tao mày, cười nói hô hố và sẵn sàng chia sẻ với nhau những vui buồn, lo toan... Riêng với Việt, Hưng còn có thêm một người bạn tri kỷ không thể thiếu mỗi khi có một trận bóng đá hay ở sân vận động thành phố. Trận bóng đá nào không có Việt đi cùng, coi như giảm đi một nửa niềm hứng khởi. Hò hét, bá vai nhau, nhảy nhách lên mỗi khi tiền đạo dẫn bóng xuống khu cầu môn đối phương. Ngồi lặng đi, thậm chí vò ngực bứt tóc khi "đội nhà" bị dẫn điểm... Tất cả những động thái ấy dường như cùng một lúc tác động lên cả hai. Nhưng cái lý thú nhất khi ngồi trên khán đài với Việt là cậu ta có trí nhớ kỳ lạ. Bất cứ cầu thủ nào, dù ta hay nước ngoài, Việt đều thuộc tên vanh vách cùng với số áo của họ, những bàn thắng họ từng ghi, từng cá tính và sở thích của từng người. Hơn cả một bình luận viên bóng đá xuất sắc, Việt chỉ ra từng lỗi nhỏ nhặt nhất của trọng tài, biết trước được ý đồ của từng huấn luyện viên, đánh hơi ra ngay cái "mùi" cá độ trong từng đường bóng, từng bàn thắng thua.
Thế cho nên trận đấu vòng hai tranh cúp quốc gia hôm nay, không thể thiếu Việt. Đội câu lạc bộ Trường Sơn - thần tượng của Việt và Hưng bao năm, sẽ chơi một trận quyết định trên sân nhà, một trận bản lề chỉ có quyền được thắng.
Hai chiếc vé mời trên khán đài A đang nằm trong túi áo ngực của Hưng đây. Đích thân thằng Trọng ghẻ ruồi cùng đại đội tăng với Hưng năm xưa mang đến mời, kèm theo một thông báo: "Nhớ đi trận này. Một vé cho mày, một vé của thằng Việt. Thằng Trọng Cường con trai tao khoác áo hậu vệ dập số 2 của câu lạc bộ Trường Sơn".
Tìm thấy nhà Việt trong khu tập thể Thái Hà quả là một kỳ công. Rất may là Hưng đã từng thông thuộc cái khu bát quái trận đồ này như thuộc lòng bàn tay.
- Ồ, anh Hưng. Sao tìm đến đây được? - Tiếng reo của Thúy. Đôi gò má nhô cao. Nước da xanh tái.
- Làm sao mà đến nông nỗi này hả Thúy? Nhà xây thì ở, sao lại đem cho thuê đi?
- Chỉ tại anh Việt. Em đã bảo liệu cơm gắp mắm. Mình ít tiền, chỉ xây hai tầng là đủ ở thôi. Anh ấy không nghe. Làm nhà xong còn nợ tám chục triệu. Ở chưa đầy hai tháng mà hơn chục đoàn chủ nợ đến đòi. May mà con bạn em môi giới cho vợ chồng một thương gia người Thụy Điển thuê. Họ trả tiền trước một năm, đủ trang trải nợ nần và thuê lại căn nhà này...
Câu chuyện của Thúy chốc chốc lại chìm đi bởi tiếng máy cưa, máy bào, tiếng búa, tiếng đục của xưởng gỗ tư nhân liền kề bên cạnh. Hưng sốt ruột nhìn đồng hồ. Chỉ còn mười lăm phút nữa, trận đấu sẽ bắt đầu.
- Việt đâu hả Thúy?
Thúy buồn bã lắc đầu.
- Anh có nghe tiếng cưa đục đấy không? Từ hôm chuyển xuống đây, vết thương trong đầu và bệnh cao huyết áp của anh ấy lại tái phát. Có hôm suốt đêm anh ý không ngủ được, đang nằm lại đùng đùng ngồi dậy, rồi cứ thế sùng sục đến sáng - Thúy chợt nhìn Hưng cười - Buồn cười lắm. Hồi này anh ấy lại đâm ra làm thơ. Toàn thơ con cóc. Hôm kia, anh Đoàn, bác sĩ bệnh viện 354 xuống chơi, thấy bệnh tình nhà em thế, đã bắt Việt nhà em lên nằm viện rồi.
Nhắc đến thơ, Hưng bỗng thoáng đỏ mặt.
- Tức là bây giờ nó đang nằm trên 354, chỗ cậu Đoàn? Chiều tối nay anh sẽ ghé thăm Việt. Định đến rủ Việt đi xem bóng đá. Bây giờ anh phải đi ra sân bãi một mình.
*
* *
Khi Hưng vào sân thì trận đấu đã khai cuộc được bảy phút. Sân vận động Hàng Đẫy chật kín người. Vé chợ đen lên tới hai trăm ngàn một đôi. Kỷ lục này chỉ có được ở những trận giao đấu quốc tế trước kia. Có thể lấy mốc Sea Games 18 ở Chiềng Mai để ghi nhận bước đột phá của bóng đá Việt Nam. Chiếc huy chương bạc đã làm hàng triệu người phấn khích suốt mấy năm nay, kéo họ trở lại với sân cỏ, làm cho họ lo âu mỗi mùa giải.
Trận gặp gỡ giữa hai câu lạc bộ Trường Sơn và đội Gió Biển hôm nay sẽ là một cuộc đọ sức đầy kịch tính và quyết liệt.
- Trận này, anh Trường Sơn muốn vào sâu trong giải, ít ra phải thắng một sọi...
Anh chàng râu ngạnh trê cạnh Hưng suốt từ lúc vào sân không lúc nào ngớt bình luận. Anh ta gợi cho Hưng nhớ đến Việt. Chắc giờ cậu ta đang nhảy thách lên bên máy thu hình. Có bác sĩ giời cũng không thể buộc cậu ta nằm trên giường bệnh, trừ lưỡi hái của tử thần. Mà thằng cha ấy còn to khỏe như vâm, chết thế nào được.
- Anh thấy chưa, cầu thủ số 2 lần đầu tiên khoác áo đội tuyển câu lạc bộ Trường Sơn - Tiếng anh chàng râu ngạnh trê như quát vào tai Hưng khi số 2 chuyền một đường bóng bổng vượt tuyến cho tiền vệ số 8.
- Trọng Cường đấy - Hưng cũng gào lên khi thấy số 2 băng lên trung lộ để sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến trên tham gia tấn công - Nó là thằng con trai của bạn mình. Bố nó trước là lính lái xe tăng.
- Thảo nào "ông nội" vừa như một cỗ máy dập mỗi khi đối phương xuống bóng, vừa như một chiếc xe tăng T78 mỗi khi lên tham gia tấn công.
- Kìa, Trọng Cường lại có bóng và đang dâng lên bên cánh phải - Hưng đã thực sư bị thôi miên bởi cậu con trai của người bạn thuở ngồi ghế nhà trường. Ngày còn là sinh viên đại học, Trọng ghẻ ruồi và Việt là cặp tiền đạo lợi hại của đội bóng trường Đại học Sư phạm. Ngày ấy, Trọng đã nổi tiếng về tài chơi bóng bổng và đánh đầu. Nhưng làm sao sánh nổi với cậu con trai bây giờ. Dễ thường nó cao tới một mét tám và nặng trên bảy mươi ký. Thật đúng là hổ phụ sinh hổ tử.
Suốt hiệp một, hai đội chơi quyết liệt, nhưng không đội nào ghi bàn.
Sang hiệp hai, ngay từ phút thứ 52, bằng một quả phạt góc do cầu thủ số 8 câu bóng bổng vào vòng cấm, hậu vệ số 2 Trọng Cường lên tham gia tấn công đã nhảy cao, đón bóng chính xác đưa gọn bóng vào lưới đối phương mở tỷ số trận đấu.
Tiếng reo hò tưởng nổ tung sân vận động.
Nhưng niềm vui của khán giả chưa lâu, chỉ năm phút sau, bằng một đường xuống bóng nhanh, tiền đạo đội Gió Biển đã đưa gọn bóng vào lưới câu lạc bộ Trường Sơn.
- Việt vị rồi... Cầu thủ số 11 ghi bàn đã ở thế việt
vị rồi.
- Trọng tài mù à?
- Đuổi trọng tài ra đi...
Tiếng la hét. Tiếng huýt sáo. Tiếng vỗ tay. Tiếng chửi tục. Người ta đòi đuổi trọng tài ra khỏi sân. Nhiều thanh niên quá khích nhảy qua hàng rào định tràn xuống sân. Những chai nước khoáng, vỏ đồ hộp tới tấp ném về phía trọng tài.
Ban tổ chức giải phải xuống sân hội ý gấp. Nhưng quyết định của trọng tài vẫn không thay đổi. Tỷ số của trận đấu là một đều. Và tỷ số này giữ mãi tới phút thứ 93, khi trọng tài thổi còi kết thúc hai hiệp chính.
Phải tiếp tục thi đấu hiệp phụ. Theo luật mới, người ta sẽ áp dụng "cái chết bất ngờ", nghĩa là trận đấu sẽ chấm dứt ngay khi tỷ số của hiệp phụ được mở.
Hưng cũng như anh chàng râu ngạnh trê ngao ngán quá, vì cả hai đều là cổ động viên của đội câu lạc bộ Trường Sơn.
Lại nhớ đến Việt. Nếu có mặt trên sân lúc này ắt cậu ta đã xông xuống tặng cho ông trọng tài ấm ớ kia một quả thôi sơn vào giữa mặt. Việt là thế. Thường ngày lầm lì ít nói, không mấy khi tham gia vào những chuyện của thiên hạ, nhưng đã vào trong sân bãi là vụt biến thành người khác hẳn. Bình luận, hò hét đến vỡ trời mỗi đợt tấn công hay cản phá quyết liệt, chửi tục, thậm chí sẵn sàng gây gổ, khi cầu thủ nào chơi xấu, trọng tài nào bắt lỗi sai. Đi xem bóng đá với Việt, Hưng nhận ra rằng trong con người cậu ta có cái chất nghệ sĩ mà Hưng dường như không có. Ấy là độ rung cảm, tung hứng, nỗi đam mê cuồng nhiệt và sự yêu ghét đến rạch ròi. Những ai hời hợt, lạnh lùng không thể là môn đệ của bóng đá - Việt bảo thế - Từ bóng đá, cậu ta nghiền ngẫm để rút ra một triết lý sống thế này: "Đời người là một cuộc chơi hết mình. Có gì thì anh hãy tung hết ra đi, đẩy hết lên đi, chiếm lĩnh hết đà tốc độ và sức mạnh, sự khôn khéo và sức mềm dẻo. Và phải luôn trung thực, vì anh không chỉ chơi cho riêng mình, vì mình mà là vì hàng triệu người đang chú mục vào trái bóng do anh dẫn dắt. Hãy dốc tất cả vào cuộc để giành chiến thắng".
Buồn thay, ngay khi hiệp phụ của trận đấu vừa diễn ra đúng hai phút, cái triết lý bóng đá của Việt đã bị tiếng còi của trọng tài làm tan biến như người ta thổi phù cái bong bóng xà phòng. Việt đã gục ngã ngay trước màn hình ti vi trong đại sảnh tầng hai bệnh viện 354. Anh bị vỡ mạch máu não như lời bác sĩ Đoàn - tức Đoàn đen - bạn của cả Việt và Hưng - sau này kể lại.
Nào có ai ngờ, cái hiệp phụ của trận chung kết sớm giữa hai đội câu lạc bộ Trường Sơn và đội Gió Biển đã chấm dứt cái hiệp chính của đời Việt.
Khi Hưng từ sân Hàng Đẫy phóng thẳng xe đến bệnh viện 354 thăm Việt đã thấy người đứng vòng trong vòng ngoài trước cổng chính. Sao? Lại một bệnh nhân ra đi? Hưng nghe người ta kháo nhau:
- Người to khỏe như thế nào ngờ lại chết đột tử vì tiếng còi của trọng tài bóng đá.
- Trọng tài gì cái ngữ ấy. Trọng tiền thì có.
- Cái ông Hôligân ấy là người thế nào nhỉ?
- Bộ đội, thương binh, rồi giáo viên. Mới xây cái nhà ba tầng cho Tây thuê để rồi đi thuê lại căn nhà cấp bốn. Tưởng dành ra ít tiền, nào ngờ lại bị ông chủ xưởng cưa hàng xóm "tra tấn". Đau đầu quá mới phải lên đây. Đời lạ thế đấy. Hàng chục năm lăn lộn ngoài chiến trường, bom đạn không giết nổi, thế mà bây giờ thời buổi kinh tế thị trường lại bị chết bởi một tiếng còi...
Hưng giật thót người.
- Có phải ông ấy tên là...
- Thầy giáo Tạ Hùng Việt, dạy lý...
- Trời ơi, đúng bạn tôi rồi...
Hưng lao bừa chiếc xe máy vào sân bệnh viện rồi rẽ đám đông chạy gằn về khu nhà xác.
Thảo nào Việt ơi, đúng cái phút thứ hai bi đát của hiệp phụ ấy, khi Trọng Cường cản phá đường xuống bóng của đối phương ngoài khu 16 mét 50, tao bỗng thấy nhói giữa ngực. Và suốt từ đó tao cứ nghĩ đến mày, bụng nóng như lửa đốt. Ra khỏi sân bãi, tao vội phóng xe đến ngay với mày đây.
Hưng cảm thấy có một sức nặng đè trĩu bên ngực, và anh đã linh cảm đúng. Chính vào cái phút thứ hai của hiệp phụ ấy, đúng cái lúc trọng tài thổi còi và chỉ tay vào chấm phạt đền, Việt đã chồm lên định đập vỡ ti vi trong đó có bộ mặt gớm ghiếc của gã trọng tài ăn tiền, nhưng anh chỉ kịp ú ớ rồi ngã vật ra.
It seems that you are looking for something? Câu nói của mađam Bắc Âu ban chiều chợt làm Hưng nhớ lại cái giây phút anh tìm đến nhà Việt. Ô hô. Hình như ngài đang muốn tìm kiếm một cái gì đó? Có phải người đàn bà mắt xanh tóc bạch kim ấy ngờ Hưng là một tên đạo chích? Bà ta đâu có biết rằng Hưng đến tìm thằng bạn đam mê bóng đá hơn cả người tình. Giá như bà ta không cậy mình có nhiều đô la để đẩy hắn đi, giá như cái mảnh đạn quái ác trong đầu không hành hạ hắn, giá như cái gã chủ xưởng kia không "tra tấn" hắn bằng đủ tiếng chói chát của cưa, bào, đục... thì hắn đâu phải đến xem bóng nhờ ti vi bệnh viện. Và dĩ nhiên hắn đâu phải kết thúc hiệp chính của đời mình vào phút thứ hai một hiệp phụ bóng đá.
Kia rồi, Thúy, chỉ một dáng đứng như sắp đổ của nàng đã đẩy những giọt nước mắt Hưng cố kìm giữ bỗng ứa tràn. Cứ để mặc đôi mắt nhạt nhòa, Hưng bước lại phía Thúy, nắm lấy hai bàn tay giá lạnh của nàng:
- Thúy, Việt nằm đâu?
Thúy bỗng khóc òa lên. Giọng chị ngập trong
nước mắt:
- Em có cảm giác anh ấy vẫn đang đi tìm một vị
trọng tài...
Nhà 17, ngày 30-9-1997