Ngôi Nhà Ma Truyện ngắn 15


Truyện ngắn 15
Khoảng xanh non

Họ ngồi đã ba tiếng đồng hồ. Dưới gầm chiếc bàn ăn, lổng chổng một đống vỏ bia hộp dễ chừng đến hơn hai chục chiếc, đủ nói rằng họ đã uống khá nhiều.

- Cho thêm sáu lon đi - Lâm khoát tay về phía cô gái mặc bộ váy trắng, trông ngon lành như một viên đậu phộng đã bóc vỏ.

- Thôi, uống gì nữa - Nguyên ợ lên một tiếng, giọng méo xệch.

- Ông say rồi à? - Thanh giương đôi mắt lờ đờ nhòm hẳn vào mặt Nguyên - Uống xả láng đi. Tao bao hết. Mấy khi thằng Lâm trọc nó ở rừng ra. Ngót hai chục năm mới gặp nhau. May mà cả ba thằng còn giữ được cái gáo để ngồi với nhau hôm nay. Cứ uống đi. Nào, lon này để tưởng nhớ thằng Họp, thằng Thụ đã nằm lại ở cửa ngõ Xuân Lộc.

Lâm nâng lon bia cụng với hai người bạn cùng quân ngũ một thời. Anh ngửa cổ uống một hơi rồi thả tay ra. Chiếc vỏ lăn lông lốc trên mặt bàn, rơi xuống sàn đá hoa, rồi như có một bàn tay tinh nghịch vô hình đẩy nó đi, lăn

 

nó ra mãi lòng đường. Trong những ý nghĩ chập chờn, đứt nối về những kỷ niệm chiến tranh, tự nhiên cái vỏ lon bia khiến Lâm liên tưởng đến một quả thủ pháo. A, một trò chơi thú vị. Thử xem ai là mục tiêu của quả thủ pháo kia. Lâm hồi hộp nhìn theo nó. Nó vẫn lăn, tiến dần đến chỗ đám đông đang họp chợ. Một tiếng nổ đanh nhẹ. Chiếc vỏ lon bia bẹp rúm dưới một bàn chân to bè đi dép cao su.

Lâm đưa mắt nhìn lên. Và anh bỗng sững sờ. Một người đàn ông vừa giẫm phải chiếc lon bia đang nặng nhọc đẩy chiếc xe đạp thồ hai sọt hàng kềnh càng, khiến anh như không tin ở mắt mình. Chiếc mũ lá úp chụp xuống tận chân mày, che lấp đi cái trán dô và một vết sẹo dài vắt qua một bên mai tóc, nhưng bộ mặt đen sắt kia, những vệt rỗ đậu mùa hằn sâu trên đôi gò má cao kia thì không lẫn được.

Lâm đứng bật dậy khỏi bàn tiệc, bàn tay chạm phải chiếc lẩu cá bỏng rẫy mà vẫn coi như không có chuyện gì. Hai người bạn chưa kịp hiểu Lâm định làm gì thì Lâm đã xăm xăm bước đến trước mặt người đàn ông thồ hành.

- Đại trưởng Tít, có nhận ra nhau không?

Nghe gọi đúng tên mình, người đàn ông ngớ ra. Chiếc xe thồ loạng choạng rồi đổ nghiêng xuống mặt đường, tung tóe những mớ hành xanh nõn. Bộ mặt đang đỏ phừng phừng của Tít bỗng tái đi. Mồ hôi khắp các lỗ chân lông tóa ra, lấp đầy các vết rỗ.

- Lâm trọc phải không? - Tít lắp bắp. Anh lúng túng quờ chiếc khăn mặt vắt vai quệt những dòng mồ hôi đang chảy tràn xuống mắt.

 

- Nhớ được cả tên tục thì khá lắm. Vậy là chúng ta vẫn không quên nhau - Lâm bỗng bật cười, tiếng cười khả ố của một kẻ đắc thắng - Tôi tưởng đại trưởng đã lên tướng rồi, ai ngờ gặp lại nhau trong tình cảnh này. Ha ha, hết thời lên voi thì phải xuống chó. Thôi, để giúp người anh em, tôi mua hết xe hành này, mua cả vốn lẫn lãi - Lâm thọc tay vào túi rút ra một xấp tiền mới cứng năm


ngàn đồng.

- Đừng đùa vậy Lâm. Trông cậu thế kia, mua hành của mình làm gì - Tít cười khổ sở.

- Thằng Lâm trọc này không đùa đâu, đại trưởng ơi. Mua giúp đại trưởng cho hên. Thậm chí còn mời thêm một bữa nhậu nữa. Nào, ông đặt giá đi. Giá cao nhất vào. Rồi ông sẽ thấy rằng cả đời mình sẽ không bao giờ còn bán được một xe hành nào hời như thế này đâu. - Lâm quay vào nhà khoát tay gọi cô váy trắng - Bé ơi, em cho khuân hết xe hành này vào cửa hàng. Anh mua tặng
em đó.

Đến lúc này thì Tít hiểu rằng Lâm hoàn toàn không đùa. Quả đắng rồi - Tít nghĩ - Nó hạ nhục mình. Nó vẫn nhớ đến mối thù hai mươi năm trước. Ôi, giá như không có xe hành này, không có bộ quần áo nhàu nát và cáu bẩn mồ hôi này, mình sẽ tiếp nó với một tư thế khác.

- Kìa, sao tính toán lâu thế đại trưởng? Cả xấp tiền này không đủ sao? - Lâm dứ dứ xấp tiền trước mặt Tít, hai mắt nheo nheo cười cợt.

Tít gạt tay Lâm.

 

- Mình không bán cho cậu. Cậu không thể hiểu được những giọt mồ hôi của những người lính trở về với đồng ruộng đâu. Nhưng nếu cậu vẫn muốn, thì tùy, giả thế nào cũng được.

- Xong! - Lâm vỗ đánh đét vào vai Tít, tay kia ném xấp tiền xuống sọt hành.

- Mày say rồi - Thanh và Nguyên lao từ trong bàn bia ra, người kéo Lâm, người nhặt xấp tiền lại.

Lâm vặc một câu rồi vơ lại xấp bạc nhét tất cả vào túi áo Tít.

- Tao mua đấy. Thậm chí mua cả đồng chí đại đội trưởng đáng kính này. Anh Tít ơi, hãy tin rằng chưa bao giờ tôi tỉnh táo như buổi gặp anh ngày hôm ấy. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên cái lò thúc mầm ấy, anh hiểu chưa?

Trong khi hai người bạn đẩy Lâm vào bàn, Tít thận trọng dựng lại sọt hành. Anh biết mình đang bị hạ nhục bởi một mối thù vặt, bị hạ nhục trong một tình cảnh đáng thương. Nhưng Lâm ơi, mày lầm rồi. Thằng lính này ít ra cũng hơn mày mười tuổi quân, hơn mày cả mười năm bom đạn. Mày chưa hiểu tao đâu. Vợ con tao đang rất cần tiền, nhưng đời tao đâu thèm tiêu những đồng tiền bố thí. Mày đã cố chấp thì tao sẽ chơi - Nghĩ vậy, Tít điềm nhiên đi đến chỗ ba người.

- Hãy cho tôi cùng góp với - Tít nói và đặt xấp tiền của Lâm lên mặt bàn - Coi như uống hết xe hành này, được không?

Lâm nhìn Tít chằm chằm. Những nốt rỗ giật giật trên gương mặt khắc khổ. Chao ơi, đúng là cái bộ mặt đầy ngạo mạn hách dịch của một tay đại đội trưởng đầy quyền uy trước một thằng binh nhì vừa rời ghế nhà trường. Vậy thì được. Ông sẽ phải nằm gục trên mặt
bàn này.

- Khỏi cần - Lâm đẩy xấp tiền về phía Tít - Anh cầm tiền bán hành về cho vợ con mừng. Tôi đãi anh - Lâm nháy mắt cho hai người bạn rồi mở cặp lấy ra hai xấp tiền nữa đặt lên bàn - Uống cho xả láng đi. Nào, bà chủ. Dẹp. Cho một cuộc mới.

Chiếc bàn được dọn sạch.

Những lon bia mới xếp hai hàng dài, chồng lên nhau.

Bia ồng ộc rót ra bốn cốc vại, ngàu bọt.

- Nào uống! - Lâm giơ vại bia lên.

- Chúng ta chúc nhau cái gì? - Đôi mắt Tít vẩn lên mối ngờ vực và phòng ngừa. Rồi anh bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt Lâm.

Đôi mắt Tít vẫn như thế - Lâm thoáng nghĩ - Anh ta tướng bướng bỉnh và bất cần ngay cả khi biết mình bị hạ nhục. Khá lắm. Chịu chơi lắm, đáng mặt thằng lính lắm. Nhưng trớ trêu thay, cái tư thế yêng hùng kia chỉ là sự lên gân của một kẻ đã hết thời. Quyền lực của một tay đại đội trưởng hét ra lửa ngày ấy là nhà thúc mầm. Còn bây giờ là tiền. Ha ha, đúng là kẻ cắp bà già gặp nhau. Lâm bật cười lớn đón vại bia từ phía Tít đưa lại.

- Uống đi. Uống để quên đi cái nhà thúc mầm chết tiệt - Hai cốc vại đụng chát vào nhau, bia và bọt cùng bắn tung tóe ra ngoài.

 

Nơi ấy là gian nhà thúc mầm của một hợp tác xã bên bờ sông Chu. Ngày ấy Lâm, chàng trai Hà Nội mười bảy tuổi vừa rời ghế nhà trường, khoác bộ quần áo lính ra trận. Đơn vị tân binh đóng quân ở một làng nhỏ thuộc địa phận Thanh Hóa. Họ sẽ dừng lại đây ba tháng để huấn luyện và biên chế thành các đơn vị, trước khi vượt
Trường Sơn.

Lâm háo hức ra trận như hết thảy những người lính lãng mạn ngày ấy. Nhưng ở trong anh vẫn còn nguyên vẹn cái chất học trò. Đi đánh giặc mà lòng vẫn mơ về cái làng nhỏ Nghi Tàm, con đường Thanh Niên râm ran tiếng ve mùa hạ, lứa học trò vừa tốt nghiệp và cô bạn gái làng Nhật Tân có đôi má lúm đồng tiền. Đêm ngủ, Lâm luôn mơ đến mẹ, nhớ mẹ đến cồn cào.

Một ngày chủ nhật, Lâm và một thằng bạn lén trốn khỏi đơn vị đi bộ ra đường quốc lộ, đón một chiếc xe tải trốn về Hà Nội.

Cứ tưởng rằng cuộc trốn trại ấy cũng chỉ vặt vãnh như chuyện bỏ một tiết học, trốn một buổi ngoại khóa, ai ngờ kỷ luật quân ngũ nghiêm ngặt hơn nhiều. Ngay buổi chiều Lâm trở lại đơn vị, người ta đã tóm cổ anh binh nhì vô kỷ luật giam vào một nhà thúc mầm của hợp tác xã. Hai ngày quản thúc với chế độ ăn chỉ có cơm với muối trắng. Một bản kiểm điểm với thái độ thành khẩn. Đó là hình phạt đầu tiên trong đời lính của Lâm. Tất nhiên là Lâm chịu đựng được. Không những thế, trong nhà thúc mầm nóng hầm hập, cái tính khẳng khái học trò còn biến Lâm thành một nhà thơ bất đắc chí.


"Dù ta bị nhốt trong nhà mầm

Trái tim ta vẫn hát cùng Thủ đô..."

Bài thơ được những thằng bạn trong tiểu đội
truyền tay nhau đọc, và cuối cùng đã lọt vào tay đại đội
trưởng Tít.

Đại đội trưởng Tít, bí danh Tít rỗ, Tít lửa, hơn Lâm mười tuổi, nhưng già dặn, từng trải và nóng như thiên lôi. Đang họp, tóm được bài thơ của "thi sĩ" Lâm, Tít đùng đùng xuống nhà thúc mầm.

- Thằng Lâm, ai cho phép mày nhại thơ lãnh tụ? - Tít tóm lấy cổ áo Lâm kéo xềnh xệch ra giữa nhà - Mày muốn phản động hả?

- Báo cáo đại trưởng nói oan cho em. Em đâu dám phản động, chính em đã viết đơn bằng máu để được ra mặt trận...

- Máu hay là thuốc đỏ? Giả dối. Cái ngữ đào ngũ như mày thì đừng có nói đến máu.

- Đại trưởng đừng xúc phạm. Dù sao tôi cũng là trí thức. Chúng ta nên nói với nhau một cách có văn hóa...

- A, lại còn trí thức, văn hóa cơ đấy. Ở đây đéo cần văn hóa với trí thức ngữ mày. Chúng tao chỉ cần kỷ luật.

Người Lâm run lên. Khả năng kìm nén của cậu học trò bướng bỉnh và đầy tự trọng chỉ đến mức ấy. Anh trừng mắt:

- Chúng tôi chỉ tuân thủ kỷ luật vì cách mạng. Cái mặt anh thế kia thì đừng hòng mong gì lớp trí thức chúng tôi tuân thủ kỷ luật...

 

- A, thằng này láo. Tao sẽ bắn vỡ sọ - Tít gầm lên, rút phắt khẩu K59 lên đạn đánh rốp.

Nòng súng thép chĩa thẳng vào ngực Lâm. Cả người Lâm lạnh toát, bủn rủn. Nhưng cảm giác ấy qua đi rất nhanh. Thấy đôi mắt đỏ ngầu tóe từng tia lửa của Tít cứ xuyên xoáy vào mình như một kẻ tử thù, máu trong người Lâm chợt sôi lên. Lâm trừng mắt, rứt tung hàng cúc áo, tiến lên ba bước, ưỡn ngực:

- Bắn hả? Thì đây, bắn đi. Có giỏi thì bắn đi!

Tít lùi một bước. Nòng súng thép run rẩy. Chỉ một cái ấn nhẹ, viên đạn sẽ bay ra khỏi nòng.

Đúng lúc ấy, chính trị viên đại đội từ đâu ào tới Tít, đánh văng khẩu K59 xuống đất.

- Đồng chí Tít không nên nóng nảy. Đề nghị đồng chí về ngay ban chỉ huy. Còn đồng chí Lâm... - Chính trị viên chỉ tay. Hai chiến sĩ xô tới kéo Lâm đi.

- May cho mày đấy, không thì tao bắn tan sọ mày ra. - Tít gầm gừ như một con hổ sổng mồi.

Lâm quay ngoắt, nhằm đúng bộ mặt rỗ đỏ gay nhổ một bãi nước bọt.

Câu chuyện tưởng rồi cũng sẽ qua đi êm thấm, nào ngờ sau khi được tự do Lâm vẫn không nguôi mối hận thù. Anh tự cạo trọc đầu để biểu lộ một ý chí quyết tử. Ban tối anh lẻn trốn khỏi tiểu đội, vác chiếc xẻng quân dụng nấp rình trước nhà Tít ở. Bị tịch thu đạn, Lâm lén vào kho đại đội ăn cắp cả một hòm đạn mang ghè chát chúa ngay giữa đường làng. Cái biệt danh Lâm trọc, Lâm điên lan khắp đại đội. Tình hình căng thẳng và nguy hiểm đến mức ban chỉ huy đại đội phải họp khẩn cấp, quyết định đại đội trưởng Tít phải thân chinh mang một bao thuốc lá Hòn Mê bao bạc xuống gặp Lâm để giảng hòa.

 

*

*      *

 

Họ đã uống đến lon thứ tư. Lâm và hai người bạn đã say mềm. Nhưng Tít thì vẫn tỉnh táo như thường.

- Chúng ta sẽ không thể nào quên được cái nhà thúc mầm ấy đâu Lâm ạ - Tít nói - Vì nó là sản phẩm của một thời, dấu ấn của một thời. Bây giờ nhớ lại tao vẫn thấy ân hận. Giá như ngày ấy chúng mình đừng hành hạ nhau, thì đâu đến nỗi hôm nay mày phải gặp tao trong tình cảnh để hạ nhục nhau thế này. Nhưng chiến tranh vốn dĩ là thế đấy Lâm ạ. Nếu mày ở hoàn cảnh tao lúc đó, chắc mày cũng phải làm như vậy. Và tao, nếu như bây giờ gặp lại tình huống ấy, tao vẫn phải làm như thế, không có cách nào khác được. Bởi khi ấy tao không chỉ là thằng Tít đơn thuần, mà là một người chỉ huy. Ai cũng về tranh thủ như mày, ai cũng làm thơ khảng khái như mày thì còn đâu là kỷ luật chiến trường? Và làm sao chúng ta chiến thắng? Đó, bi kịch của chiến tranh là ở chỗ đó. Để cho cả dân tộc chiến thắng, đôi khi từng người lính có thể dồn nhau tới những xung đột, đối xử với nhau nghiệt ngã tới mức tàn nhẫn... Tao biết mày còn thù tao đến suốt đời. Nhưng đành vậy. Làm sao mà thanh minh nổi. Chiến thắng rồi, bọn mày có thể hưởng thụ gấp trăm lần tao, và vẫn có quyền thù oán... Ha ha, uống đi. Uống hết cả xe hành này đi... - Tít cười, Tít đẩy xấp tiền về giữa bàn, nhưng hai khóe mắt Tít lại rịn ra hai giọt nước.

- Thôi, anh Tít, quên đi - Lâm đặt tay lên vai Tít và Lâm bật khóc - Chiến tranh bắt người ta đôi khi phải sống khác mình. Ở cương vị anh ngày ấy, bắt buộc anh phải làm như thế. Bây giờ thì Lâm hiểu anh rồi...

Tít nhìn sâu vào đôi mắt Lâm. Gương mặt anh rạng rỡ trong niềm hạnh phúc được giải thoát.

- Thế thì uống nữa đi. Cho hết số tiền bán hành này. Hãy để cho tao được góp vui Lâm ạ.

- Thôi, đừng sĩ diện dởm nữa, anh Tít. - Lâm cầm xấp tiền đút vào túi áo Tít - Bây giờ thì không phải là tiền mua hành nữa mà là tiền chú Lâm gửi anh mua quà cho chị và các cháu. Tôi giàu hơn anh nhiều. So với anh, tôi quả là có may mắn hơn...

Lâm kể vắn tắt cho Tít nghe về mình: Sau giải phóng, về trường đại học. Ra trường, vào Tây Nguyên làm cán bộ kỹ thuật, rồi được đề bạt giám đốc một lâm trường. Lâm lấy vợ, một bác sĩ dịu dàng xinh đẹp người Đà Lạt. Họ có một đứa con và một héc ta đất trồng cà phê, hồ tiêu.

- Một trăm triệu đồng tiền bán cà phê, hồ tiêu một năm. Đủ sức tiêu xài chưa, anh Tít? - Lâm cười ha ha, dáng điệu vênh vang tự mãn như một ông chủ.

- Vậy là số cậu quá may mắn. Vợ chồng tớ chỉ mong được một phần trăm số đó...

- Sao? Tưởng một ông Mi-su-rin trồng hành như anh phải kiếm bạc triệu mỗi ngày chớ?

 

Tít xòe hai bàn tay, trở lại nguyên dạng một anh nông dân ngoại thành.

- Tất cả đều trông vào hai bàn tay này mà vẫn không xong. Hai vợ chồng tớ cùng bộ đội. Tớ xuất ngũ với hàm thiếu tá, cô ấy trung úy. Lương gộp lại ba trăm ngàn đồng. Nuôi lợn, làm ruộng khoán, chạy chợ, mỗi tháng kiếm thêm trăm ngàn nữa. Bốn trăm ngàn cho hai vợ chồng với ba đứa con...

Kỳ cục, sao lão ấy sống nghèo đến thế? - Trong Lâm bỗng trào lên một niềm trắc ẩn - Chao ôi, cả hai vợ chồng cùng đổ máu, đổ mổ hôi trên chiến trường suốt hai chục năm ròng mà khi ra khỏi cuộc chiến vẫn chỉ hai bàn tay trắng. Vậy mà mình nỡ đùa giỡn với con người khốn
khổ này.

- Hãy trở lại Tây Nguyên đi anh Tít - Lâm bỗng nảy ra một ý định - Ở lâm trường tôi có một làng của những người lính từng chiến đấu ở Tây Nguyên.

- Trong ấy mình không có anh em bạn bè. Với lại cái tạng mình không dám chấp nhận một cuộc thay đổi mà mình chưa lường hết được.

- Anh khỏi lo đi. Đã có chúng tôi, có anh em đồng đội. Nếu anh chị quyết, tôi sẽ lo giúp anh chị chuyển vào
trong đó. Chỉ cần một năm thôi, chắc chắn cuộc sống sẽ khác hẳn...

Đôi mắt Tít lại hoe đỏ. Giọng anh nghẹn ngào:

- Có thật thế không? Nếu chú giúp tôi được...

- Anh quyết định vào nhé - Lâm nắm bàn tay Tít bóp chặt - Với danh dự của thằng Lâm trọc, tôi sẽ lo hết mọi chuyện để đón anh chị và các cháu. Đây, địa chỉ của tôi - Lâm rút một tấm các visit - Trong một tuần nữa tôi vẫn ở nhà khách của Bộ Lâm nghiệp. Nếu anh làm kịp hồ sơ giấy tờ thì hãy đưa đến tôi ngay. Hoặc anh cứ gửi bưu điện theo địa chỉ này. Khi nào tôi điện ra thì anh chị và các cháu chuyển vào.

Tít cầm tấm các visit ngắm nghía. Hai mươi năm rồi không ngờ anh lại tìm thấy địa chỉ một người đồng đội.

 

*

*      *

 

Bốn tháng sau, vợ chồng Tít đã chính thức trở thành công nhân liên hiệp lâm trường Easúp.

Đó là một vùng rừng nằm ở thượng nguồn sông Srepốc. Mười năm trước, nơi đây còn hoang dã lắm. Những cánh rừng săng lẻ, rừng khộp mùa mưa xanh ngút ngát, nhưng mùa mưa lại khô xác, chỉ cần một tàn lửa là có thể cháy rần rật hàng tháng trời. Những người đầu tiên trở lại đây sau giải phóng vẫn là những người lính. Đất nước hòa bình, nhưng ở đây vẫn còn tiếng súng. Bọn Phun-rô từ nước bạn tràn sang vẫn ẩn nấp trong những cánh rừng già, trà trộn trong những buôn người Thượng để chống phá cách mạng.

Hơn mười năm dẹp phỉ, không ít người lính đã ngã xuống. Và rồi chính những người lính lại là những người đầu tiên, những hạt nhân nòng cốt, ở lại xây dựng lâm trường.

 

Bây giờ cả vùng Easúp đã có mười một lâm trường, có cả một xí nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Những con đường xuyên rừng dài hàng trăm cây số cho xe ô tô chạy đã được mở. Hàng chục điểm dân cư mang dáng dấp những thị tứ đang được hình thành ở cả những vùng rừng heo hút nhất.

Lâm đã đón gia đình Tít đến với lâm trường như đón những người thân. Với cương vị giám đốc, anh đã dành cho vợ chồng Tít một ngôi nhà mới dựng ở sát lâm trường bộ. Ngôi nhà hai gian trát toóc xi và lợp tôn nằm giữa một khoảnh vườn vài trăm mét vuông như nhiều gia đình khác của lâm trường.

Buổi gặp mặt đầu tiên với chị Hà, vợ Tít, không hiểu vì sao đã gây cho Lâm một ấn tượng khác lạ. Trời ơi, mình đã gặp người đàn bà này ở đâu rồi. Tiếng reo bất chợt ấy bật lên trong ý nghĩ ngay khi anh vừa bắt gặp gương mặt trái xoan trắng mịn và đôi mắt to đen của chị. Dường như có một cái gì đó từ trong tiềm thức đã bật dậy. Nó giống như hình ảnh một giấc mơ trong một đêm ngủ chập chờn mà ta cố xâu chuỗi lại ngay buổi sáng ta vừa thức giấc. Hà không hẳn là một người đàn bà đẹp. Nhưng so với Tít, quả tình chị rất đáng để cho anh phải làm một kẻ nô lệ suốt đời. Ở tuổi bốn mươi mà vẫn còn giữ được những đường cong khêu gợi thời con gái thế kia, hẳn là suốt hai mươi năm qua thân hình ấy hút biết bao ánh mắt đàn ông thèm khát.

Còn Hà, sự xuất hiện của Lâm đã thực sự làm chị bối rối. Cái nốt ruồi son giữa trán Lâm, như một tiêu điểm, ngay lập tức kéo chị trở lại cái vạt suối giữa rừng khộp năm nào. Đúng cậu ta rồi, cái cậu Lâm trọc nghịch ngợm và bướng bỉnh mà anh Tít đã từng nhốt trong nhà thúc mầm, không ngờ lại chính là chàng trai ấy. Trí nhớ của phụ nữ thường ít khi lầm lẫn. Huống chi cái kỷ niệm chiến tranh ngày ấy lại đầy chất bi hài, xót xa.

- Sao? Hai người đã từng gặp nhau rồi phải không? - Tít như đọc thấy qua thái độ của Lâm và Hà. Anh nheo mắt nhìn Lâm và bỗng trở nên bộc trực - Tớ đố chú Lâm mình đã gặp và quen nàng trong hoàn cảnh nào? Đời cũng có luật bù trừ cả Lâm ạ. Mình hỏng mọi thứ, nhưng riêng chuyện vợ con thì lại gặp may đủ đường. Sau cái vụ nhà thúc mầm ở Thanh Hóa ấy, các cậu đi rồi, tớ còn ở lại đón một đợt tân binh nữa, rồi vào sau. Chuyến ấy không ngờ mình gặp cô nàng. Nàng là lính coi kho ở binh trạm. Đợt ấy hành quân qua trạm, duyên số thế nào một trận ốm vật tớ lăn đùng ra. Đơn vị đành gửi lại binh trạm ít ngày. Ha ha, chuột sa chĩnh gạo. Nàng xinh đẹp, lại là con gái vùng Láng, nổi tiếng đất trồng rau ở Hà Nội, khiến tớ cứ chết mê chết mệt. Sáu ngày ở binh trạm của nàng là sáu ngày thần tiên. Thịt gà, rau muống non xào mỡ trăn. Càng chén càng rậm rịch. Nhân một buổi sáng cô bạn gái đi vắng, tớ liền đánh liều giả vờ đau bụng. Cô nàng đến, tớ ôm choàng ngay lấy. Ban đầu còn ngúng nguẩy, sau đành chịu. Chao ơi, cậu không thể tưởng tượng nổi đâu. Đàn bà giữa nơi lửa đạn thật là tuyệt vời đến mức...

Hà đỏ bừng mặt, nguýt chồng một cái rõ dài khiến Tít phải ngừng bặt.

 

Câu chuyện của Tít khiến Lâm càng bối rối. Anh
nói lảng:

- Trông chị quen quá. Chị làm tôi nhớ lại một người con gái mà tôi đã gặp ngày còn ở chiến trường.

- Anh Lâm còn lãng mạn lắm - Hà cười, ý nhị - Tôi sẽ mách. Rồi anh sẽ phải khai với chị em tôi về cái cô gái thuở chiến trường ấy đấy nhé...

Lâm không hiểu câu đùa ý tứ của Hà. Hà đã nhận ra anh. Còn anh thì vẫn mơ hồ, nghi hoặc. Lâm vừa muốn khẳng định ra người con gái ấy chính là Hà, mà lại muốn nàng mãi mãi chỉ là một hình bóng huyền ảo, một khoảng xanh non lung linh, vô thực của chiến trường Tây Nguyên khô cháy một thời.

 

*

*      *

 

Ấy là mùa khô năm 1972. Anh binh nhì Lâm trọc từ giã cái làng nhỏ bên bờ sông Chu, từ giã cái nhà thúc mầm - kỷ niệm cay đắng đầu tiên của đời lính - cùng đồng đội vượt Trường Sơn, tiến vào chiến trường B3 Tây Nguyên.

Ba tháng hành quân ròng rã. Những trận bom rải thảm khốc liệt. Những trận đánh chớp nhoáng với bọn thám báo. Bàn chân túa máu vì vượt dốc băng rừng. Những gương mặt tái xanh vì sốt rét. Những làn môi sưng phù vì khát, vì thiếu rau xanh. Cuối cùng, đơn vị Lâm đã lọt vào giữa bạt ngàn Tây Nguyên.

 

Một buổi trưa nắng đổ lửa, mấy chàng tân binh tranh thủ lúc nghỉ ngơi giữa hai đợt hành quân, kéo nhau ra suối tìm bắt cá. Bỗng tất cả đứng sững lại: Bên kia bờ suối có một vạt rau muống xanh rờn. Mắt những c 3927 hàng lính trẻ cùng như hút về phía đó, cùng sáng rực lên. Những đôi môi phồng rộp cùng động đậy theo một phản xạ bản năng. Cơn thèm khát rau xanh cồn cào, hối thúc. Ba tháng trời chỉ có lương khô, đồ hộp và những cọng rau rừng hiếm hoi, vạt rau muống xanh rờn kia khác nào những ngọn rau thần trong những câu chuyện huyền thoại.

Không ai bảo ai, cánh lính trẻ cùng nhảy xô qua
dãy hàng rào cây rừng, lăn xả vào đám rau muống, thi nhau hái.

Bỗng roạt một cái. Rồi một tràng AK nổ giòn, đạn bay chiu chiu trên đầu.

- Bỏ rau xuống, không chúng tôi bắn! - Sau loạt đạn cảnh cáo là tiếng hai cô gái dõng dạc.

Cánh lính trẻ hết hồn. Họ nhận ra hai nữ chiến sĩ của binh trạm. Một cô gái chừng hai mươi lăm, cao to, tướng đàn ông. Cô gái kia trẻ hơn, dáng thon thả với nước da trắng bóc. Hai khẩu AK lăm lăm trong tay, trông cả hai đều bừng bừng khí thế.

Không thể đùa với hai bà tướng vũ khí nai nịt kia được. Cánh lính trẻ nghĩ vậy mà ngoan ngoãn bỏ lại những cọng rau hái dở, lủi thủi trở về chỗ trú quân.

Bữa cơm chiều, cơn đói rau xanh lại càng cồn cào gấp bội. Mấy chàng trai vừa nhai cơm trệu trạo vừa bàn tính:

 

- Cú lắm. Mỡ treo trước miệng mèo mà đành bó tay sao? - Lâm trọc nói.

- Thôi đừng nhắc đến, thèm bỏ mẹ - Nguyên gạt đi.

- Chúng mày hèn. Phải tìm cách chứ chịu à? - Thanh phụ họa với Lâm.

Thế là "trận đánh rau muống" được cả tiểu đội bàn tính ráo riết. Với đối thủ là hai cô gái được vũ trang từ đầu đến chân, lại với một tinh thần quyết tử để giữ đến cùng những ngọn rau thần kia, phải có một "phương pháp tác chiến" đặc biệt.

Lâm trọc và Thanh đen, hai chàng trai ngổ ngáo của Hà Nội, xung phong làm những người lính "cảm tử".

Hoàng hôn vừa buông xuống cánh rừng, hai chiến sĩ đã ém sẵn một vị trí xuất phát. Họ cởi bỏ hết quần áo giấu trong một bụi cây, tay lăm lăm dao nhọn, lom khom bò qua rào, đột nhập vào giữa vườn rau. Những đường dao sắc lẻm trong phút chốc đã cắt trụi một vạt luống. Họ yên trí tưởng hai cô gái ngủ quên hoặc đi đâu đó. Chẳng ngờ, đúng lúc ấy, một băng AK bỗng nổ nhức óc trên đầu họ.

Cả Lâm và Thanh đều rụng rời, ngã gục mặt xuống thảm rau xanh. Đến lúc hoàn hồn ngẩng lên, họ bỗng sững sờ: trước mắt họ, cô gái trẻ xinh đẹp cầm chắc khẩu AK, trong một tư thế như thần Vệ nữ, chiếc quần lót màu xanh lá cây ướt rượt hằn sát vào người. Thì ra đang tắm dưới suối, thấy có trộm, cô vụt lao lên, không kịp mặc quần áo.

 

Một tình thế thật oái oăm. Các chàng lính nghịch ngợm cố tình đánh vào giới tính đối phương để buộc đối phương có biết cũng không dám đối đầu. Nào ngờ...

Lâm và Thanh cùng lom khom đứng dậy. Người Lâm run lên như lên cơn sốt. Nỗi sợ hãi dường như đã qua đi, thay vào đó là sự bàng hoàng, sửng sốt của một chàng trai mười tám tuổi, lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một thân hình con gái căng nở mềm mại, trắng nõn nà mà gần đến như thế. Đôi mắt Lâm đờ dại. Trong ánh hoàng hôn đang đổ xuống, anh nhìn như hút lấy cái núm vú đỏ hồng và một vệt nhỏ xanh chàm, như dấu ấn riêng nơi ngực trái của nàng.

Ánh mắt ấy bỗng đánh thức cái giới tính của cô gái. Đến lượt cô cũng ngỡ ngàng nhận ra hai chàng trai trần truồng trước mặt mình. Và, như một phản xạ bản năng, cô buông rơi khẩu AK, đưa cả hai tay che lấy bộ ngực trần.

- Cầm lấy mớ rau và đi đi... - Giọng cô van vỉ.

Tim Lâm thắt lại. Anh chợt nhận ra khóe mắt cô gái long lanh hai giọt nước.

 

*

*      *

 

Cô gái ấy có phải chính là chị Hà?

Câu hỏi ấy cứ chập chờn trong đầu Lâm suốt từ ngày vợ chồng Tít chuyển đến lâm trường. Có lúc anh định nói chuyện thẳng với chị Hà, coi như một cách nhớ lại những kỷ niệm chiến trường. Nhưng rồi anh lại không thể. Nhỡ ra không phải là chị thì anh thất vọng và buồn biết đến chừng nào. Anh sợ hãi điều đó. Anh sẽ đánh mất đi hình ảnh lung linh nhất của thời trai trẻ, sẽ mất đi nỗi xót xa và ngọt ngào nhất của những năm tháng chiến tranh. Cái vạt rau muống xanh non ấy, bộ ngực thần Vệ nữ trinh nguyên ấy dường như là bến đỗ của ký ức, tiếng gọi mơ hồ xa xăm của tình yêu đã níu kéo anh trở lại với những cánh rừng Tây Nguyên này.

Một buổi sáng chủ nhật, Lâm lững thững đi ra bờ sông Srêpốc. Những ngày nghỉ, anh thường có thói quen đi dạo. Đó là những lúc anh có thể suy ngẫm về công việc của lâm trường. Cánh rừng ở tiểu khu II6 bao giờ thì đi vào khai thác? Giao khoán cho đội trồng rừng theo cách nào tốt nhất? Nên đầu tư như thế nào để đồng bào ở buôn Atia phát triển vườn rừng? Và cây cầu vượt qua sông Srêpốc ở đoạn cong kia bao giờ thì Bộ và Liên hiệp sẽ cho khởi công xây dựng? Những câu hỏi ấy cứ sâu xoáy vào trong đầu Lâm. Đi dạo nhiều khi giúp anh nhặt được một ý tưởng vụt lóe.

Nhưng buổi sáng nay bước chân Lâm sao trĩu nặng. Chiều qua, Tít đến báo tin đội khai thác của anh đã phát hiện thấy những dấu chân cọp ở tiểu khu 97. Đêm qua, bốn tay súng do Tít phụ trách đã đến nằm phục ở tiểu khu 99. Họ đoán chừng con thú đang men theo triền sông Srêpốc đi xuống.

Vậy là con cọp này đã lạc vào địa phận lâm trường của Lâm. Ba tháng liền nó đã hoành hành khắp vùng buôn Gia Văm và Eatam. Bốn lâm trường viên và một đứa trẻ bị thiệt mạng. Những con hổ già không còn đủ sức bắt mồi thường ăn quẩn như vậy. Suốt đêm qua, Lâm hầu như không ngủ. Có cách nào để tiêu diệt con thú hung bạo này, cái con thú mà Lâm tin chắc rằng hai năm trước, chính nó đã bị anh bắn què.

Lâm bước đi mà mắt và tai vẫn hướng về phía tiểu khu 99, với hy vọng mong manh rằng tay súng cừ khôi của Tít nhất định sẽ kết liễu đời con cọp già hung bạo.

Một vạt rau muống xanh non bờ sông bỗng đập vào mắt Lâm. Ôi, vạt rau muống của chị Hà, vạt rau xanh của một thời đạn lửa. Lâm chợt bắt gặp mình trở lại nguyên vẹn là anh chàng Lâm trọc ngày nào. Anh bồi hồi nhìn những búp rau non tơ và nhận ra chiếc cuốc của Hà vẫn còn để nguyên bên mép luống. Không thể nhầm lẫn được, nhất định Hà chính là cô gái canh rau muống ở binh trạm năm xưa. Lâm thầm khẳng định như vậy và anh bỗng chợt sững người: Trên một tảng đá cách bờ chừng hai mét, Hà đang cúi người, lấy tay phả nước lên đôi chân trần. Mái tóc của chị xổ tung, chảy qua bờ vai, như tràn xuống dòng nước trong suốt. Có lẽ đó là cái giây phút lãng mạn nhất của một đời người. Hà đang trẻ lại, hệt như một cô gái nghịch nước bên bờ sông. Còn Lâm, như một nhà thơ ngẩn ngơ đứng nhìn...

Sợ Hà phát hiện ra người đang nhìn trộm, Lâm quay lại, leo lên một bờ dốc.

Lâm không thể ngờ rằng, vào chính lúc ấy, từ phía bờ sông bên này, nơi chỉ cách trước mặt Lâm chừng một trăm mét, con hổ già què cũng vừa từ phía thượng nguồn lần xuống. Nó mừng rơn khi thấy Hà đang ngồi trên tảng đá. Từ phía sau, trên cao, nó nhún mình nhảy phốc xuống dòng sông.

Bàn chân trước con vật tóm chặt chỏm tóc Hà, bàn chân bị thương kia yếu hơn, nhưng vẫn cố sức vả. Nó không ngờ rằng đối thủ của nó từng là nữ chiến sĩ Trường Sơn. Trong giây phút thử thách giữa cái sống và cái chết, Hà bỗng tỉnh táo và mạnh mẽ lạ thường. Chị quay ngoắt lại, một tay túm chặt lấy hàm dưới con vật giơ lên, tay kia ráng sức thụi vào mặt nó.

Người và hổ quần nhau suốt từ bờ sông bên này sang bờ dốc bên kia. Con vật vừa quặp chặt mồi vừa loay hoay tìm cách vọt lên bờ. Nhưng chỗ ấy nước sâu, bờ lại dốc, nó chưa thể nhảy lên được.

 

*

*      *

 

Nghe tiếng kêu thất thanh, Lâm giật mình quay lại và vô cùng kinh hoàng khi thấy Hà đang lâm vào tình thế hết sức hiểm nghèo.

Khẩu súng ngắn trong tay anh run run. Suốt những năm ở chiến trường, chưa bao giờ anh bóp cò trong một trạng thái như thế này. Chỉ có một cơ may duy nhất để cứu chị Hà. Bởi thế anh không được sai sót.

Một đường đạn rất căng trúng giữa đầu con mãnh thú khi móng vuốt của nó vừa chạm tới, xé toang vạt áo Hà. Con vật hộc lên một tiếng rung cả lòng sông.

Lâm bế thốc Hà lên bãi cỏ cạnh vạt rau muống. Một vết cào khá sâu kéo dài từ cổ xuống ngực chị. Lâm lấy vạt áo lau những vết máu và chợt nhận ra một vết chàm xanh mờ... Không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng Hà là người con gái canh vạt rau muống năm xưa...

Tiếng súng của Lâm đã báo động cho những tay súng đang truy tìm con mãnh thú. Tít và mấy người bạn cùng hớt hả chạy đến.

Họ làm những động tác hồi phục cho Hà. Chị tỉnh
lại dần.

- Chị Hà... Không ngờ tôi đã gặp chị ở chính chiến trường Tây Nguyên này... - Lâm cúi xuống, nói thật khẽ.

Hà mở mắt nhìn Lâm, rồi nhìn Tít.

- Lâm ơi... cái vạt rau muống ngày ấy... tôi không giữ cho riêng mình đâu... Đừng trách tôi nhé... cũng đừng trách anh Tít về câu chuyện cái nhà thúc mầm ấy. Anh Tít nóng nảy nhưng là một người rất tốt...

- Sao? Hóa ra các bạn đã từng gặp nhau hồi ở chiến trường ư? - Tít nhẹ nhàng đặt vợ lên cáng, giọng anh lạc đi vì vui sướng.

Lâm mỉm cười cầm tay Tít áp lên tay Hà. Anh muốn nói rằng không có cái nhà thúc mầm ấy, làm sao lại gặp được vợ chồng họ hôm nay, rằng cả cái nhà thúc mầm, cả vạt rau muống giữa rừng ấy là những điểm nhớ, điểm hẹn của một thời. Và cái vết chàm xanh giữa khuôn ngực của chị kia chính là một khoảng xanh non giúp anh đang sống lại những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất ở chiến trường...

 

Trại sáng tác Đồ Sơn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) tháng 5-1992.

Hà Nội tháng 3-1994.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86356


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận