Cảm giác ngày Giáng Sinh còn kéo dài nhiều ngày. Mỗi buổi sáng, bà Boast lo bữa ăn sáng thật nhanh và tới tiêu thời giờ với “mấy cô gái khác” như bà ấy nói. Bà ấy luôn vui vẻ, thích thú và luôn duyên dáng với mái tóc đen mềm mại, cặp mắt xanh lơ hom hỉnh, đôi má ửng sáng rạng rỡ.
Tuần lễ đầu tiên có nắng thì gió ngưng và nội sáu ngày, tuyết đã tan hết. Đồng cỏ phô ra một màu nâu trơ trụi và bầu không khí ấm áp giống như có mùi sữa. Bà Boast nấu bữa ăn trưa mừng Năm Mới. Bà ấy nói:
- Tất cả phải quây quần trong cái chỗ tí hon của tôi một lần.
Bà ấy nhờ Laura phụ giúp mọi việc. Cả hai đặt bàn ăn lên trên giường để mở hết cánh cửa ra vào áp sát vách. Rồi bàn ăn được kê lại ở chính giữa nhà. Một góc bàn ăn gần đụng vào lò bếp còn đầu kia thì gần như áp sát giường. Nhưng vẫn còn khoảng trống cho mọi người bước vào theo hàng một và ngồi quanh bàn. Bà Boast ngồi bên lò bếp để lo tiếp thức ăn được đặt trên lò.
Trước tiên là món súp sò. Suốt đời mình, Laura không bao giờ còn được nếm một món nào ngon bằng cái món sữa nóng đượm hải vị thơm ngát đó kèm với lớp kem đầy những đốm vàng cùng những chấm hạt tiêu màu đen rắc bên trên và những con sò đóng hộp nhỏ ở bên dưới. Cô húp thật chậm từng muỗng cố giữ cho cái hương vị đó đọng thật lâu trên lưỡi.
Ăn kèm với theo món xúp này còn có những chiếc bánh qui lạt nhỏ hình tròn. Bánh qui lạt tương tự như loại bánh-qui-búp-bê nhưng ngon hơn.
Khi những giọt súp cuối cùng đã hết và những chiếc bánh qui lạt cuối cùng đã được phân chia thì tới phiên món bánh qui nóng ăn với mật và xốt dâu rừng khô. Sau đó là một chảo đầy bắp rang muối giòn tan vẫn còn nóng hổi.
Đó là bữa ăn trưa đón mừng Năm Mới. Bữa ăn nhẹ nhàng nhưng thật no nê. Bữa ăn còn có vẻ kiểu cách vì có những thứ mới lạ và cách tiếp món ăn rất thanh nhã trên những chiếc đĩa xinh xắn và chiếc khăn trải bàn mới toanh của bà Boast
Sau bữa ăn, tất cả cùng ngồi nói chuyện trong căn nhà nhỏ đầy khí trời nhẹ nhàng và phía ngoài khung cửa mở, đồng cỏ màu nâu kéo xa tít tắp tới tận chỗ nền trời xanh nhạt uốn cong xuống.
Bố nói:
- Tôi chưa từng được nếm một món mật ngon hơn, Boast ạ. Tôi mừng là anh đã mang được nó từ Iowa tới đây.
Mẹ nói:
- Cả món sò nữa. Tôi không biết bao giờ tôi mới thiết nổi một bữa ăn trưa như thế này.
Bố nói:
- Đây là sự mở đầu tốt đẹp cho năm 1880. Những năm bảy mươi đã không tệ lắm, nhưng những năm tám mươi có vẻ sẽ khá hơn. Nếu đây là một mẫu mực cho mùa đông ở Dakota thì tất cả chúng ta đã may mắn tới được miền tây.
Ông Boast tán đồng:
- Đây là một xứ rất tuyệt. Tôi mừng vì đã lo xong thủ tục trên một trăm sáu mươi mẫu đất và tôi mong an cũng sẽ có như thế, Ingalls.
Bố nói:
- Tôi đã có đất trước khi tôi già thêm được một tuần lễ. Tôi đang chờ sở điền địa ở Brookins mở cửa để tiết kiệm một tuần lễ đi về tới Yankton. Người ta bảo sở điền địa Brookins sẽ mở cửa vào ngày đầu năm và với thời tiết này, tôi sẽ lên đường vào sáng mai, nếu Caroline nói được.
Mẹ nói một cách thản nhiên:
- Em chấp thuận, Charles.
Mắt Mẹ và cả gương mặt Mẹ rạng rỡ nét vui vì bây giờ thì Bố đã chắc chắn có một trang trại trong thời gian không xa.
Bố nói:
- Vậy là xong. Không phải tôi nghĩ nếu chậm quá sẽ có điều gì nguy hiểm nhưng cần dứt điểm sớm cho rồi.
Ông Boast nói:
- Càng sớm càng tốt, Ingalls. Tôi nói với anh rằng anh chưa có ý niệm rõ rệt về điều mà cuộc xô tới đây sẽ đem đến vào mùa xuân này.
Bố đáp:
- Tốt, không ai ở đó sẽ nhanh hơn tôi. Khởi hành trước lúc mặt trời mọc thì tôi sẽ có mặt tại sở điền địa sớm sau buổi sáng mai. Như vậy, nếu anh chị muốn gửi thư về Iowa thì tôi sẽ mang theo và gửi ở bưu điện Brookins.
Bữa ăn đón mừng Năm mới chấm dứt như thế. Bà Boast và Mẹ viết thư vào buổi chiều hôm đó, Mẹ còn lo gói cho Bố một phần ăn trưa để mang theo. Nhưng buổi tối, gió nổi lên cuốn theo đầy tuyết và sương giá lại bắt đầu bò trên các ô kính cửa sổ.
Bố nói:
- Loại thời tiết này thì không thể đi đâu được. Nhưng đừng lo về nông trại, Caroline. Anh sẽ lo xong.
Mẹ đáp:
- Dạ, em biết là anh lo được mà, Charles.
Trong thời gian có bão, Bố lo những chiếc bẫy rập và căng các bộ da để hong khô. Ông Boast thì tới chỗ hồ Henry kéo những cụm cây về chẻ củi để đốt vì ông không có than. Mỗi ngày, bà Boast vẫn tới chơi.
Thường khi nắng lên, bà ấy cùng Laura và Carrie bọc kĩ trong quần áo ấm cùng nhau đùa giữa đám tuyết dầy. Hộ vật lộn, rượt đuổi, ném những trái banh tuyết và có ngày còn nặn một người tuyết. Tay trong tay, cả ba chạy và lướt trên mặt hồ Nước Bạc giữa cái lạnh như cắt, Laura chưa khi nào được cười đùa nhiều như thế.
Một buổi chiều sau khi trượt băng, họ trở về trễ gần hụt hơi nhưng ấm áp. Bà Boast nói:
- Laura, ghé qua nhà tôi một lát đã.
Laura đi theo và bà Boast cho cô thấy một chồng báo cao ngất. Những tờ báo New York Ledgers này được bà ấy mang từ Iowa tới. Bà ấy nói:
- Cháu có thể lấy tuỳ sức mà ôm. Khi nào đọc xong thì đem trả lại rồi lấy tiếp những tờ khác.
Laura chạy về nhà với một ôm báo. Cô chạy ào vào nhà và thả hết vào lòng Mary. Cô kêu lớn:
- Coi này, Mary! Coi em mang gì về này! Những câu chuyện! Tất cả đều là chuyện!
Mary nói một cách háo hức:
- Ô, mau lên, đi lo cho xong buổi tối rồi cùng đọc.
Nhưng Mẹ nói:
- Khỏi cần nghĩ tới công việc, Laura! Đọc đi thôi!
Thế là trong lúc Mẹ và Carrie lo bữa tối, Laura bắt đầu đọc cho tất cả cùng nghe một câu chuyện kì lạ về những người lùn cùng hang động của những bọn cướp và một cô gái đẹp bị lạc trong các hang động đó. Cô đọc đến đoạn căng thẳng nhất thì thấy đột ngột xuất hiện mấy chữ “còn tiếp” và, không còn một lời nào khác về câu chuyện nữa.
Mary rên rỉ:
- Ôi, tiếc thật! Mình không thể nào biết cô gái đó sẽ gặp chuyện gì. Laura, do đâu mà em cho rằng họ chỉ in có phần đó của câu chuyện.
Laura hỏi:
- Mẹ, tại sao người ta làm thế?
Mẹ nói:
- Họ không làm vậy đâu. Hãy tìm trong tờ báo kế tiếp.
Laura tìm trong tờ báo sau, tờ sau rồi tờ sau nữa. Cô kêu lên:
- Ô, đây rồi! Đây nữa, đây nữa. Có cả đống cả đây rồi, Mary! Đến đây mới có chữ “Hết”.
Mẹ nói:
- Đó là một truyện dài liên tục.
Laura và Mary chưa từng nghe nói tới một truyện dài liên tục nhưng Mẹ biết.
Mary lên tiếng một cách hài lòng:
- Tốt rồi. Vậy thì mình để dành phần tiếp cho ngày mai. Mỗi ngày mình chỉ đọc một đoạn để câu chuyện sẽ kéo dài hơn.
Mẹ nói:
- Các con của M thật khôn ngoan.
Vậy là Laura không thể nói ý của cô muốn đọc càng nhanh càng tốt. Cô cẩn thận cất những tờ báo đi. Mỗi ngày cô đọc thêm một đoạn và sau đó tất cả đều tự hỏi vào ngày tới sẽ có chuyện gì xảy ra với cô gái đẹp kia.
Vào những ngày bão, bà Boast mang những món đồ khâu hoặc đan qua và đó là những ngày đọc báo và chuyện trò ấm cúng. Một bữa, bà Boast nói về những cái được gọi là kệ tháp. Bà ấy nói ở Iowa, mọi người đều làm những cái kệ tháp và chỉ cho các cô cách làm.
Thế là Laura nói Bố đóng cho một cái giá ba góc ghép vừa khít vào một góc nhà. Bố làm cái giá có năm tầng khác cỡ, tầng rộng nhất ở dưới cùng, tầng nhỏ nhất ở trên đầu được gắn chặt với nhau bằng những tấm ván hẹp. Khi Bố làm xong, cái kệ tháp vừa khít một góc phòng và đứng vững chãi trên ba chân. Đầu giá chỉ cao vừa với tầm với của Mẹ.
Rồi bà Boast cắt một tấm màn che bằng giấy bồi treo từ cạnh này qua cạnh khác của một ngăn giá. Bà ấy cắy phía dưới giấy bồi một đường viền vỏ sò với những nếp uốn lớn ở giữa và nhỏ dần ở hai bên. Những miếng giấy bồi với các đường viền vỏ sò vừa với kích thước của những ngăn giá từ rộng ở dưới đáy tới nhỏ ở trên đầu.
Kế tiếp, bà Boast còn chỉ cách gắt và gấp những góc vuông nhỏ bằng giấy bao nền. Các cô gấp từng góc vuông rồi bắt chéo lại và ép cho thẳng. Khi gấp xong mười hai góc vuông, bà Boast chỉ cho Laura cách khâu lại thành hàng trên tấm giấy bồi cho gần sát nhau và những mũi nhọn hướng xuống. Mỗi hàng đều gối lên hàng ở bên dưới và mỗi mũi nhọn phải nằm giữa hai mũi nhọn ở hàng dưới, tất cả các hàng phải uốn theo đường cong của những đường viền vỏ sò.
Trong lúc làm việc trong căn nhà gọn ghẽ, ấm áp, họ kể chuyện, ca hát và chuyện trò. Mẹ và bà Boast nói rất nhiều về những nông trại. Bà Boast đã có đủ hạt giống cho hai thửa vường nên bà ấy nói sẽ chia bớt cho Mẹ và Mẹ không còn lo về hạt giống nữa. Khi thị trấn được xây dựng có thể hạt giống sẽ bán trong thị trấn nhưng cũng không cần. Vì bà Boast đã mang theo rất nhiều từ vườn của mấy người anh ở Iowa.
Mẹ nói:
- Tôi hết sức biết ơn khi được định cư xong. Đây là lân di cư cuối cùng của chúng tôi. Ingalls đã đồng ý như thế từ trước khi chúng tôi rời Minnesota. Các con tôi sẽ được đi học và sống theo cung cách văn minh.
Laura không rõ là cô có muốn định cư hay không. Khi cô đi học thì cô sẽ phải đi dạy học và thà rằng nghĩ tới một điều gì khác. Thà rằng cô phải cất tiếng hát còn hơn là nghĩ tới mọi thứ. Cô có thể lảm nhảm hát khe khẽ để không cắt ngang câu chuyện và thường thì sau đó, Mẹ cùng bà Boast, Mary và Carrie đều hát theo cô. Bà Boast dạy cho các cô hai bài hát mới. Laura rất thích bài “lời Khuyên Của Kẻ Lang Thang”.
Đừng tin gã, hỡi cô nàng duyên dáng
Dù gã thì thầm dịu ngọt nỉ non
Đừng bận tâm vì gã đang quì gối
Và buông lời tha thiết nài xin
Nàng tươi mát như gió lành sáng sớm
Không một gợn mây, hạnh phúc tràn dâng
Quên gã đi, hỡi cô nàng duyên dáng
Ráng lắng nghe lời của kẻ lang thang
Bài hát kia là “Khi Anh Hai Mươi Mốt và Em, Nell, Vừa mười Bảy”. Đây là bài hát mà ông Boast thích nhất. Ông đúng hai mươi mốt tuổi khi gặp bà Boast, và bà ấy vừa tròn mười bảy. Tên thật của bà ấy là Ella, nhưng ông Boast gọi bà ấy là Nell.
Cuối cùng, năm tấm giấy bồi đã được phủ vừa vặn bằng những hàng giấy có mũi nhọn gối lên nhau và không lộ ra một mũi khâu nào, ngoại trừ những mũi khâu dọc theo phía trên của hàng trên đầu. Lúc đó, bà Boast khâu một dải giấy màu nâu ở phía trên và gấp lại để che kín đường chỉ.
Công việc chốt là đóng mỗi tấm giấy bồi vào ngăn giá phù hợp. Những đường viền vỏ sò cứng được phủ kín bằng những mũi nhọn nhỏ bằng giấy cứng treo một cách cứng đơ. Bố cẩn thận sơn toàn thể chiếc kệ tháp cùng tất cả những mũi giấy với màu nâu xám. Khi sơn khô, chiếc kệ tháp được đặt trong góc sau ghế của Mary.
Bố nói:
- Chiếc kệ tháp là như thế.
Mẹ nói:
- Này, nó không đẹp hả?
Bố nói:
- Đây là một thứ đơn giản.
Mẹ nhắc Bố:
- Bà Boast bảo đây là một thứ mốt ở Iowa.
Bố nhìn nhận:
- Đúng, chị ấy phải biết rõ điều đó. Và, ở Iowa chẳng có thứ gì là quá tốt đối với em, Caroline.
Thời điểm tuyệt nhất với mọi người vẫn là sau giờ ăn tối. Mỗi tối Bố đều chơi đàn và lúc này sang sảng giọng ca của ông bà Boast. Một cách tươi vui, Bố đàn và hát:
Khi trẻ trung ngang dọc
Ta vung tiền mua vui
Đời sao mà đẹp thế
Đời bay bổng tuyệt vời
Rồi có nàng bên cạnh
Ta với nàng chung đôi
Nàng là nguồn hạnh phúc
Cõi tiên giữa cuộc đời.
Đoạn tiếp của bài ca lại nói nang không phải là người vợ hiền nên không bao giờ Bố hát tiếp đoạn này. Mắt Bố long lanh nhìn Mẹ trong lúc tiếng nhạc như cười vui, bốc cao tới chóng mặt rồi Bố hát:
Nàng là một chiếc bánh
Billy! Billy ơi!
Nàng là một chiếc bánh
Billy thương nhất đời
Nàng là một chiếc bánh
Chỉ trong chợp mắt thôi
Nhưng nàng bé bỏng mãi
Để bên ta không rời
Tiếng nhạc chuyển sang vui nhộn ầm ĩ trong khi chỉ có Bố và ông Boast cùng hát:
Cá cược vào con ngựa cái đuôi cộc
Cá cược vào con ngựa xám, bạn ơi!
Ngay cả trong những bài hát, Mẹ cũng không muốn nhắc tới bài bạc nhưng ngón chân Mẹ không thể ngưng đập khi Bố chơi khúc nhạc này.
Rồi mỗi buổi chiều, tất cả lại hát xoay vòng. Giọng cao nam của ông Boast mở đầu “Ba con chuột mù!” Và kéo dài trong lúc giọng nữ trầm của bà Boast cất lên “Ba con chuột mù!”. Rồi khi giọng bà ấy ngân dài thì giọng trầm nam của Bố nối theo “Ba con chuột mù!” Tiếp tới là giọng nữ cao của Laura giọng nữ trầm của Mẹ rồi tới Mary và Carrie. Khi ông Boast hát tới câu cuối, ông ấy lại bắt đầu ngay trở lại không ngưng nghỉ và mọi người đều lần lượt hát theo:
Ba con chuột mù! Ba con chuột mù!
Chạy theo sau một bà chủ trại
Dao bà chặt đứt đuôi tuốt luốt
Chuyện ra sao, ai biết gì không
Về ba con chuột mù đuôi cụt!
Tất cả cứ hát cho tới khi một người bật cười và bài hát chấm dứt rời rạc trong sự hụt hơi và những tiếng cười. Rồi Bố chơi tiếp một vài điệu ca cổ “để ru ngủ” như Bố nói:
Cô gái nellie qua đời hồi tối
Chuông từng hồi báo tử ngân vang
Người đẹp Nell dễ thương không còn nữa
Cố nhân thành xa cách vô vàn
Và:
Bạn nhớ chăng một giai nhân hiền dịu
Được gọi tên Alice mắt nâu
Rơi nước mắt khi bạn cười mơn trớn
Và sợ run khi bạn thoáng u sầu
Rồi:
Trong đêm đen lặng lẽ
Giấc ngủ thành câm lặng
Kỉ niệm xưa ngọt dịu
Bừng sáng khắp trời đông
Laura chưa bao giờ sung sướng như thế, nhưng không rõ vì sao cô luôn thấy sung sướng nhất vào lúc tất cả mọi người cùng hát:
Này dốc đất bờ cao thân thiết
Làm sao hoa bừng nở thắm tươi?
Này chim non làm sao ríu rít
Khiến cho ta chẳng dám xa rời?