Người Bên Này Trời Bên Ấy Truyện 2


Truyện 2
Thành phố đêm không có khách sạn.

Thì đúng như thế. Thành phố đêm ấy không có khách sạn.

Anh đưa cô về cái khách sạn ở Cầu Giấy, cô ở chung với một cô bạn đã đặt phòng từ trước, hẹn nhau sáng mai tất cả cùng trở về thành phố cảng. Cô bạn vào phòng rồi, anh mới đi tìm chỗ ngủ cho mình. Sục tìm khắp cái vùng không có một chiếc cầu nào làm bằng giấy. Nghe nói thuở giặc Pháp mới đặt chân đến thủ đô, một quan Tây bị nghĩa quân phục kích ở vùng này, chết tốt. Phố phường chi chít này hồi ấy còn là bạt ngàn bãi hoang. Ngoại bang kẻ lạ cứ lớ ngớ đến đây là biến. Biến sạch. Bây giờ thì anh đi tìm khách sạn, khách sạn cũng biến sạch.

A lô, anh ơi. Cô gọi vào điện thoại di động của anh. Anh đã tìm thấy cái khách sạn ấy chưa? Cái khách sạn ấy là chỗ một người đã mách cho để anh đến, nghe nói ở cùng phố này. Anh nói cứ yên tâm, anh đang đi tìm chắc nó ở đâu đây thôi. Họ bảo nó ở giữa quán cà phê Ban Mai và hiệu cầm đồ Một Hai Ba anh ạ. Anh đang đi tìm đây. Thấy rồi, quán cà phê và hiệu cầm đồ kia rồi. Nhưng giữa cái hiệu và cái quán lấy làm mốc, ở nơi phải là khách sạn thì chỉ có một khoảng trống. Không nhà không tường. Trống. Đúng theo nghĩa trống, thế thôi.

Nhưng anh không nói vào máy cho cô biết. Anh bảo cô yên tâm, không phải gọi nữa. Anh sắp vào được khách sạn rồi. Từ giờ cho đến hết đêm họ sẽ không còn phải gọi cho nhau làm gì. Sẽ im lặng triền miên cho đến sáng. Muộn rồi. Anh vào được khách sạn thì thôi.

Dân ngoại thành ngoại tỉnh đồn rằng những dịp đại lễ Hà Nội không có khách sạn. Bói không ra. Đồng loạt biến mất. Thì đấy, cả nghìn cả vạn người ngồi người nằm trong các công viên, trên các bãi cỏ, trên các vỉa hè, các dải phân cách. Có nhà nghỉ khách sạn thì ai phải màn trời chiếu đất như vậy làm gì. Nhưng anh và cô chưa biết chuyện này. Có biết cũng không tin. Bằng cớ là cô vừa vào được khách sạn, và anh đang đi tìm khách sạn cho mình, theo chỉ dẫn của nhân viên lễ tân nơi cô trọ. Chẳng may, khách sạn của cô không còn phòng cho anh. Nhưng lễ tân bảo vùng này khách sạn có mà đấy.

Không đầy. Suốt một tiếng đồng hồ sau đó anh biết thế. Khắp vùng không một khách sạn. Chàng xe ôm đưa anh đi cứ lẩm bẩm lạ nhỉ lạ nhỉ. Anh ta là sinh viên phân viện báo chí, tối đến làm xe ôm lấy tiền học, anh ta đã quần nát vùng này, khách sạn nhiều hơn nhà dán cơ mà. Một tiếng đồng hồ không ăn thua, anh quyết định đi lên Hồ Gươm. Dân Hà Nội gọi đấy là Bờ Hồ. Trái tim của trái tim. Trái tim phải có chỗ trú. Nhiều là đằng khác.

Anh đã thấy Hồ Gươm vài lần. Tháp Rùa rêu phong. Lung linh bóng nước. Quanh hồ mấy chục loại cây cả thướt tha và cả um tùm. Lúc này Hồ Gươm đã biến thành phố đi bộ. Chu vi một phẩy bảy cây sô là một dòng sông người chạy vòng quanh như cái đèn kéo quân, otô xe máy bị cấm hoàn toàn chỉ để dành cho người đi bộ. Nghìn nghịt kéo nhau đi. Ngàn ngạt lấn nhau đi. Rầm rập lòng đường, huỳnh huỵch vỉa hè. Bãi cỏ mọi lần anh thấy xanh mướt bây giờ là chỗ ngồi. Mỗi gia đình một tấm ni lông, một cái chiếu, mấy tờ báo trải ra. Chỗ tá túc của chúng tôi. Tá túc là ngủ nhờ, con nhờ cụ rùa một đêm, con xin.

Anh bất chợt có ý nghĩ nếu không tìm được khách sạn, mình sẽ chen vào giữa đám người kia, nằm trên bãi cỏ cũng được một giấc. Cố cùng thì thế cũng được. Nhưng anh vẫn cay cú với ý nghĩ rằng Hà Nội nhất định phải có khách sạn. Không tìm được là kém. Không tìm được là đần. Mà anh cũng không hình dung nổi mình thuộc về đám người kia. Cả gia đình người già trẻ con ngồi lố nhố quanh hồ. Giở cơm nắm ra ăn. Giớ đặc sản từng vùng quê cháu ra ăn. Bên này là bánh dày kinh giò, bánh gio bánh chưng, bánh tét bánh bột lọc. Bên kia dê núi, nem chua, nem cua bể, chà bông cá lóc, khô mực, khô nai. Bên này rượu Vân rượu cúc xị đế. Bên kia cô ca la vi cà phê cao nguyên. Cam quít táo bưởi xoài. Gió Bờ Hồ lồng lộng. Bay xuống hồ giấy báo túi ni lông. Ném thêm vỏ chai lon bia xương gà xương chó. Ăn xong rồi không thể ngồi im nằm im cả đêm. Người đứng ốp gốc cây lũ lượt, xếp hàng dằng dặc trước nhà vệ sinh của anh Việt Kiều William Cường wc. Một cái wc cố định um tùm cây và mấy cái lưu động mới lắp đặt trần trần phô lộ.

Anh chưa đến nỗi phải xông vào giữa cái trận tiền ấy. Đằng nào cũng đến đây rồi, đi ăn kem Tràng Tiền cái đã. Về thủ đô, xem ô tô, ăn kem Bờ Hồ, chụp ảnh Tháp Rùa... Giờ không chụp ảnh, không ô tô thì ăn kem. Rồi anh bỏ ngay ý định. Lòng đường nào cũng lén như bánh chưng bánh tét thế kia, kem cũng đã thành nước.

Một giờ sáng rồi. Chẳng lẽ Hà Nội đêm nay không có khách sạn. Anh thoát ra khỏi biển người quanh hồ, ra được đến một phố nhỏ gần bờ sông. Người vãn hơn một chút. Đang nghiêng ngó tìm kiếm thì có tiếng gọi. Anh ơi. Chú sinh viên xe ôm. Giữa cá đống người mà chú nhận ra anh. Hóa ra chú để ý tìm anh từ nãy đến giờ. Chú nói tên mấy nhà nghỉ mà chú mới hỏi bạn qua điện thoại. Mấy cái nhà nghỉ mang tên đàn ông nghe vững chắc kiên cường như tên quán thịt chó vùng ven Hồ Tây. Mấy cái khách sạn tên con gái dịu dàng nhã nhặn vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mấy cái khách sạn tên Tây khiến ra bất giác bước thẳng lưng vuốt lại tóc cho đúng dáng đi giữa đại sảnh tưng bừng ánh sáng. Có cả khách sạn tên là số theo kiểu Ba Vạn Chín Nghìn như đưa thông điệp cho khách về sự ăn đời ở kiếp. Khách sạn tư nhân và nhà nước, cổ phần và hữu hạn một thành viên. Vân vân và vân vân.

Nhưng.

Từ khách sạn mang tên con gái cho đến Ba Vạn Chín Nghìn đều đã biến mất. Hà Nội đêm nay...

Độc giả sẽ cướp lời tác giả:... không có khách sạn. Biết rồi.

Chú sinh viên xe ôm bảo thôi thì để chú đưa anh sang Gia Lâm, chỉ qua cái cầu Chương Dương kia là đến. Gia Lâm là chốn nhà nghỉ khách sạn. Ngủ Gia Lâm đâm Thái Hà. Cứ ngủ nghỉ thì sang Gia Lâm là chốn bồng lai tiên cảnh, lo gì thiếu chỗ.

Chú lại còn bảo, thôi thì đêm nay không tìm được nhà nghỉ, cùng lắm là anh về chỗ trọ của em. Nhà trọ sinh viên. Em thuê chung với một thằng bạn, hai giường đơn, anh nằm giường em, em trải chiếu nằm dưới đất cũng được. Sáng mai em đưa anh đi ăn phở rồi về. Gần chỗ em trọ, phở ngầu nhất Hà Nội.

Vun vút trên cầu. Gió sông Hồng phần phật biến người thành lá cờ. Cờ bay một lúc thì vào phố phường Gia Lâm. Đến đây thì người đọc dễ dàng đoán ra: không một khách sạn. Tác giả đã treo biển ngay từ ở cái tên truyện. Ở những chỗ đáng ra hàng ngày có một khách sạn thì bây giờ là một khoảng trống. Như là miếng đất hoang. Như là bãi đất các nhà liên doanh xí phần để buôn đất chuyền tay, chó ăn đá gà ăn sỏi, trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

Đúng lúc ấy thì điện thoại rung chuông. Rung và chuông. Rung ba lần và chuông triền miên. Cú gọi của cô. Nhưng trước khi để anh nghe cú điện thoại của cô, tác giả thấy cần có mấy lời giải thích, gọi là thanh minh cũng được, thanh minh cho cả cái thành phố nhà nghỉ nhiều hơn nhà dân.

Sự thật là vậy. Chỉ có điều hễ khi nào một khách sạn vừa đủ sức chứa, 100 người chẳng hạn, thì nó tự biến mất. Biến. Như chưa hề tồn tại. Cho đến khi một người khách rời khỏi khách sạn, chỉ còn lại 99 người, thì nó lại hiện ra. Rồi sau đấy, có thêm một người bước vào thuê phòng, vừa đầy 100 người, nó lại biến mất.

Thật là không công bằng khi những người nằm ngồi trên bãi cỏ Bờ Hồ, bãi cỏ Ba Đình, Bách Thảo, Thủ Lệ và các loại vườn hoa linh tinh đồng loạt huyên thuyên rằng Hà Nội không có khách sạn. Sai. Khách sạn là bạn muôn đời của các đô thị. Cũng như anh William Cường là bạn của mọi nhà.

Chỉ có điều anh bạn muôn đời ấy một khi đã đầy ứ cảm xúc, đã no xôi chán chè thì sinh ra viên mãn tròn đầy, sinh ra chán chường, và anh ta tự nhiên biến mất. Để lại kinh ngạc lạ lùng. Để lại ngẩn ngơ tìm kiếm.

Nhân vật của chúng ta đang đi tìm kiếm. Đúng lúc ấy thì điện thoại rung chuông. Rung và chuông. Cú gọi của cô. Anh ơi, con bạn cùng phòng em nó lại ra đường rồi. Bạn nó đến rủ nó đi. Chúng nó quyết thức trắng quyết tử quyết sinh đêm nay với Hà Nội. Hay là anh... Cô bồ lửng câu. Cô sinh viên sư phạm thành phố cảng không dám nói hết câu. Tình cảm còn e ấp giữa hai người không cho cô nói hết câu. Cái thình thịch trong ngực anh không cho anh nghe hết câu. Thủy thủ nghe sóng biển đã quen tai nhưng hiếm khi nghe tiếng ngực mình lớp lóp dâng trào.

ừ, hay là anh... Anh cũng bỏ dở câu nói.

Thủy thủ đã đi qua bao nhiêu đại dương, đã ghé lại bao nhiêu bến cảng, bến cảng nào cũng đầy hộp đêm nhà nghỉ cùng những gương mặt khả ái. Hô hô ngửa mặt chú cười: Món này chú biết từ hồi bên Tây. Nhưng ngay cả những chàng dày dạn nhất ở những nơi ấy cũng phải run run khi đứng trước đối tượng thực sự của mình, cũng không sao tìm ra lời nếu phải ngỏ lời gì đó gần với chữ yêu.

Ừ, hay là anh... Anh đang bỏ dở câu nói.

Vừa lúc còi xe inh ỏi. Dân Hà Nội làm như chỉ mình họ có xe máy xe hơi. Giỏi thì vào Bờ Hồ phố cấm xe đêm nay mà bóp còi. Anh nhớ chuyện tiếu lâm lưu truyền trong cánh tàu viễn dương những khi tàu anh đu đưa trên biển. Truyền thuyết rằng một ông già nhà quê mang lợn lên Hà Nội bán, về nhà chép miệng với bà vợ rằng Hà Nội chẳng được cái gì, chỉ được cái nhiều xe và được mỗi món ca ve. Lần sau đến lượt bà già mang lợn đi bán, xong xuôi, bà chọn một cái quán ăn nhậu nghi ngút, chễm chệ ngồi vào bên bàn, nhớ lời chồng kể hôm trước về cái món ngon Hà Nội, bà dõng dạc gọi: Cho một đĩa ca ve rán.

Vào cái lúc nghe còi xe các loại rú rít, anh nhớ chuyện ấy. Chính xác chuyện ấy. Nhiều xe và ca ve rán.

Nhưng anh cũng cần phải nhớ rằng hai người đang buông lửng mt câu nói. Điều mà họ vẫn mong vẫn phấp phỏng lâu nay. Không chính xác là như vậy. Đêm nay có lẽ vẫn chưa phải là lúc. Chỉ là anh đang tìm không ra khách sạn và hai người có thể chia sẻ một căn phòng nếu không quá ngại ngùng. Anh nghe cái sóng di động từ máy cô bay rít lên đâu đó trên không trung, luồn qua một cái vệ tinh nào đó, rồi lại lao vút xuống trôi vào máy tính. Anh nghe trong đó một hơi thở nhẹ. Mong manh. Anh biết đầu dây bên kia cô nghe thấy hơi thở của anh. Dồn dập. Mạnh dần lên. Mạnh thành một tiếng nói chủ động, đàn ông phải can đảm và chủ động. Được rồi, anh đến ngay đây.

Đường phố nào cũng chêm những người là người. Xe là xe. Sao mà chậm quá thế. A lô, anh đi đến đàu rồi. Chú xe ôm đêm nay dũng cảm can trường anh hùng xa lộ. Ngày mai vào lớp báo chí chú sẽ nghe định nghĩa báo chí là trên những chặng đường. Gật gù nghe. Lim dim nghe.

A lô, anh đâu rồi. Anh đây, anh sắp đến nơi rồi, vườn thủ Thủ Lệ rồi. Công viên phải có đến hàng trăm người ngủ bên ngoài chuồng thú. Nằm ngồi không cẩn thận, trong mơ lăn xuống hồ thì chỉ béo cá sấu và các loại thú lăng nhăng. Đến đầu phố có khách sạn, anh chia tay chú xe ôm. Mệt không cậu? Nhưng mà một đêm thế này em làm bằng cả tuần anh ạ. Sáng mai anh thích thì em qua dẫn anh đi ăn phở, phở ngầu nhất Hà Nội.

Lại điện thoại của cô. A lô em đây, em ra đứng trước khách sạn đây cho anh dễ nhận ra. cô là vị khách

trọ thứ 100 mới được chuyển xuống thành 99. Bạn cô mới đi ra. Khách sạn còn thiếu một người nữa thì vừa đầy. Cô đang đứng trước khách sạn, điện choại vẫn mở nối liên lạc với anh. Anh đã nhìn thấy cô từ phía xa. Anh thấy rồi, anh đang đến đây.

Ngay lúc ấy, anh nhìn thấy một người đàn ông khoác ba lô đi vào khách sạn. Anh không biết đó là vị khách thứ 100. Lác dác mấy hạt mưa rơi xuống. Bất ngờ. Cô phải ôm điện thoại chạy vào trong sảnh. Nhân viên lễ tân thừa cơ kéo ngay cái cửa sắt lại. Vừa mới lùa nốt được người khách thứ 100, khách sạn đóng cửa luôn. Từ giờ đến sáng nội bất xuất ngoại bất nhập.

Người đọc đã biết ngay rằng cánh cửa sắt vừa mới khóa lại thì cái khách sạn cũng biến. Mất tăm. Chỉ còn lại một miếng đất trống vài trăm mét vuông. Anh ngớ ra. Vừa mới đấy mà cô biến đi đâu. A lô, em đâu rồi? Em đây, em nhìn thấy anh đang đứng trước khách sạn đây, anh vào đi.

Nhưng vào đâu bây giờ?

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/48181


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận