Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 10

Chương 10
Mẹ Mai Du thấy con gái sớm có thai lại, vừa mừng vừa lo, sợ Mai Du chưa kịp lại sức,

 liền bố trí cho mấy đứa em sơ tán lên chỗ chị, để mấy chị em gái đỡ đần nhau. Mai Du giúp các em chuyện học hành, còn các em giúp chị cơm nước, giặt giũ.

Một chiều chủ nhật, Mai Du đạp xe từ Hà Nội trở lên khu sơ tán. Mới cách nhà chừng bốn, năm cây số, Mai Du thấy đau bụng dữ dội, mồ hôi vã ra. Có phải động thai chăng? Mai Du lo lắng tìm đến khu sơ tán của bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở gần Cầu Giấy. Đúng là như vậy rồi! Bệnh viện giữ Mai Du nghỉ lại một đêm lấy sức, sáng hôm sau lại đi. Khi cô lên đến nơi thì bà chủ nhà đã "nằm ổ" trong căn buồng cô và đã dời giường của cô sang một nhà bên cạnh. Người ta bảo đối với người có thai, bị "động giường" như thế là một điều cấm kỵ. Thì đúng là Mai Du đã bị động thai! Nhưng Mai Du hiểu rằng đó chỉ tại cô đạp xe nhiều quá, về nhà cũng không có thời gian nghỉ ngơi. Cô cảm ơn bà chủ nhà đã kịp thời tìm cho chị em cô một nơi ở mới rất tốt.

Bà cụ Tỉn có ba gian nhà ngói cao ráo sạch sẽ nhưng chỉ ở có một mình. Mỗi sáng thổi lưng bát gạo vào cái niêu bằng đồng, bà không quên hấp vào cho Mai Du hai quả trứng gà so. Bà lại nhờ cháu chắt đi tìm lá mỏ và hái đọt cau, trộn lại, sắc cho Mai Du uống liền trong một tuần. Mai Du thấy yên dạ và dần dần phục sức. Cô cảm động và biết ơn bà chủ nhà đã giúp cô giữ được an toàn cái thai trong bụng. Thai nhi mỗi ngày một lớn, cô báo tin vui cho chồng r i hồi hộp chờ ngày mãn nguyệt khai hoa. Cũng từ đó, thỉnh thoảng Phú lên chỗ sơ tán thăm vợ, vì suốt mấy tháng liền Mai Du không hề dám nghĩ đến chuyện tự đạp xe về Hà Nội. Một chiều thứ bảy, trời mưa lâm thâm, Mai Du không thể không về Hà Nội để xem Phú ốm đau thế nào. Cô đi bộ dọc bờ kênh rồi ra đường nhựa, vẫy mãi mà không một xe nào chịu dừng. Khi hoàng hôn đã buông xuống, vừa hay có một chiếc xe tải quân sự tự nguyện dừng lại. Người lái xe đon đả mời Mai Du lên ca-bin. Vài ba lời trao đổi qua lại, xe đi qua Phụng Thượng, qua Phùng, rồi qua Trạm Trôi bình thường. Trời đã tối hẳn. Xe xuôi ngược bắt đầu loang loáng ánh đèn. Người lái xe những tưởng người ngồi bên mình là một cô gái còn trẻ trung, son rỗi. Anh ta dè dặt đưa ra một yêu cầu...! Mai Du nhẹ nhàng khước từ. Chàng trai trẻ bực mình phanh két xe lại: "Mời cô xuống!". Mai Du cố gắng bình tĩnh, mặc dù trong lòng rất hoang mang, cô bảo với anh lái xe trẻ: "Đây mới là Nhổn. Anh định thả tôi xuống giữa đường sao? Cố nhiên rồi tôi cũng sẽ có cách về đến nhà, chỉ khổ nỗi thằng con tôi đang mong mẹ và ông chồng tôi đang ốm. Vả lại, biết đâu chính anh có ngày sẽ phải ân hận về việc làm này của mình?".

- Thì lên đi! Tôi chở cô về! - Người lái xe nói như quát.

- Tôi nghĩ rằng anh còn ít tuổi hơn tôi kia đấy.

Mai Du lên xe, nói bạo, cố tình cho mình "già" đi, nhưng trong lòng vẫn run run.

Xe chạy tiếp. Làm như không có chuyện gì vừa xảy ra, Mai Du xởi lởi bộc bạch với người bạn đường:

- Tôi đi dạy học đã hơn 10 năm rồi. Trong những bài giảng văn của tôi có rất nhiều hình ảnh đẹp về anh bộ đội Cụ Hồ. Trong ký ức của nhân dân ta nói chung và cô trò chúng tôi nói riêng, lúc nào cũng giữ những ấn tượng rất đẹp về các anh bộ đội. Tin rằng lần này, được tiếp xúc với anh chiến sĩ lái xe, lòng cảm mến và trân trọng đối với anh bộ đội của tôi chẳng những vẫn nguyên vẹn mà còn được củng cố và khẳng định thêm nữa...

Xe càng đi càng nhanh. Đường xa rút ngắn lại. Chiếc xe tải quân sự từ từ đỗ ở đầu khu tập thể Kim Liên. Người lái xe hơi ngượng nghịu chào Mai Du rồi ân cần bảo:

- Chị đi cẩn thận nhé!

Mai Du chào anh ta và không quên nói một câu dí dỏm:

- Chẳng những tôi mà cả chồng con tôi xin cám ơn anh, cám ơn người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam!

Và cô đứng nhìn theo mãi cái xe tải quân sự đã lao đi vội vã.

 

*

*      *

 

Mỗi tháng một vài lần, Mai Du cùng các anh cán bộ Vụ đi thực tế cơ sở. Khi xuống các trường phổ thông cấp 3 dự giờ, thăm lớp, kiểm tra chất lượng. Khi về các Ty Giáo dục hướng dẫn triển khai văn bản, chỉ thị mới, hoặc theo dõi các kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông. Quần áo, chăn màn, mỗi người một ba lô hoặc túi du lịch, buộc đằng sau xe đạp. Họ đi trên những con đường đê lởm chởm đất đá, đi trên đường ruộng, đường làng sống trâu hay bùn lầy nhớp nháp, vượt qua những bãi cát nóng bỏng bên bờ sông Hồng, sông Ninh Cơ, leo qua mấy cây cầu khỉ, cầu cuốn bắc ngang kênh mương thủy lợi... Mấy anh lớn tuổi trong đoàn đi một quãng lại đứng chờ, nhìn cái bụng to của cô đồng nghiệp trẻ mà ái ngại: "Ước gì có thể vác được xe cho cô!". Cũng như mọi ngày dưới huyện, mỗi khi qua cầu, Mai Du lại mở túi lấy một sợi dây dù gập lại làm bốn, buộc hai đầu vào yên và vào ghi đông xe, rồi cô ậm ạch nặng nề mang xe theo gót những người đàn ông, mặt đỏ bừng và mồ hôi vã ra như tắm!

Khi Mai Du nhận thấy không thể đi công tác địa phương được nữa, cô xin nghỉ đẻ. Nhưng nghỉ mãi, nghỉ hoài, đến một tháng mười ngày sau cô mới được làm mẹ. Nhìn đứa con trắng trẻo, xinh xắn và khỏe mạnh, ai cũng bảo "giống hệt bố nó" và "giống y như bà nội", Mai Du sung sướng lắm. Cô như đếm từng khắc từng giờ để đợi tiếng kẻng cho con bú. Bao giờ Mai Du cũng là người nhanh nhảu đón con sớm nhất và trả con vào phòng Nhi trễ nhất, để được chăm chút âu yếm con lâu hơn. Hai ngày sau, cô dậy rất sớm, xăng xái xếp dọn đồ đạc rồi hăm hở tự đi làm mọi thủ tục xuất viện. Cô đến phòng Nhi học cách tắm cho trẻ sơ sinh. Là người sau cùng đón con về, Mai Du ôm con ngồi chờ chồng. Chờ mãi, chờ mãi, cuối cùng Mai Du đành ôm con lên chiếc xích lô lọc xà lọc xọc, không có chiếu ngồi và không có cả mui che. Ra tới cổng viện, vừa hay Phú tới. Chồng cô chỉ cái xe đạp Thống nhất nữ mới anh đang đi, và khoe: "Mua được xe cho cô Sinh rồi đây!". Chao ôi, tưởng anh còn mải đi mua một bó hoa, hóa ra lý do đến đón con muộn là vì thế! Khi bế con vào nhà, Mai Du nhận thấy mọi cái vẫn y như khi cô ra đi, không có gì mới, không có gì khác để đón đứa con đầu lòng, đứa cháu đích tôn ra đời! Hai mươi ngày sau, Mai Du hết hạn nghỉ đẻ, cô đạp xe đi làm mãi tận bờ sông Hồng, cách nhà mấy cây số.

Cuối năm 1968, tình hình chiến sự có phần bớt căng thẳng hơn, máy bay Mỹ đã thưa giãn, bầu trời Hà Nội tạm yên. Những người đi sơ tán lục tục kéo nhau về, trong đó có vợ chồng con cái gia đình nhà chủ ở khu C Kim Liên mà Mai Du đang ở nhờ. Người vợ vừa vui vẻ vừa khéo ngoại giao, nói với bà Thiệu: "Chúng con về ở với bà cho vui, bà nhỉ. Càng chật càng ấm. Rộng bụng hơn rộng nhà, phải không bà?". Bà Thiệu tưởng hai gia đình chín, mười con người vẫn có thể ở mãi trong một căn phòng 16 mét vuông như thế được. Khi Mai Du xin cơ quan được một căn hộ bên Thái Hà Ấp, tuy mái lá tường đất nhưng diện tích hai phòng khá rộng, bà Thiệu vẫn không chịu chuyển đi. Bà bảo: "Đi ở nhà của nó để rồi nó đuổi mẹ con tao ra đường!", ý rằng bà không muốn đưa con gái mình đến ở nhà tiêu chuẩn của Mai Du. Chị chủ nhà đi xem nhà mới của Mai Du về, bảo: "Được quá rồi còn gì! Nhưng chị biết nói thế nào với bà bây giờ?". Mai Du nhận thấy Phú cũng "không biết nói với bà thế nào bây giờ?", đành cứ để cho hai gia đình kéo dài sự chung đụng chật chội!

"Phải tự quyết thôi!", cuối cùng Mai Du nghĩ bụng. Cô lặng lẽ sắp đặt xếp dọn, cho dần các thứ vào thùng, vào hòm, rồi lặng lẽ đi gọi một cái xe tải. Nhằm lúc Phú đi công tác, Mai Du vận động hàng xóm, nhờ mỗi người một tay khuân các thứ ra xe. Bà Thiệu và cô Sinh bất đắc dĩ phải theo. Chiếc xe tải đỗ lại ở địa điểm mới, Mai Du bế con từ ca-bin xuống, lo trông coi ngoài xe. Ở trong nhà, mẹ và em chồng cô liền sắp đặt giường vào hai phòng riêng biệt: một phòng cho hai anh em Phú và Sinh, phòng kia cho bà Thiệu và mẹ con Mai Du. Phú về, cứ như thế mà ở, một tuần, hai tuần rồi ba tuần! Hàng xóm bắt đầu xì xào: "Em gái lớn như thế lại ở chung với anh trai?". Còn Mai Du thì cảm thấy sao mình cực quá vậy? Đêm hôm, những khi con quấy, con đói, muốn nhờ Phú hộ một tay nhưng hai phòng cách bức, cửa đóng then cài, làm sao mà gọi nổi?

Một hôm, cả Phú và bà Thiệu đi vắng, Mai Du bảo với em chồng: "Cô Sinh! Hộ tôi một tay". Hai chị em sắp xếp lại chỗ ở: vợ chồng con cái Mai Du một gian, mẹ và em chồng cô một gian.

Khi về bà Thiệu hỏi: "Ai sắp đặt lại?".

- Lệnh ông không bằng cồng bà! Ông không ý kiến gì, nhưng bà ấy bắt thế! - Cô Sinh lầu bầu với mẹ mình như vậy. Mai Du không nói gì, thầm nghĩ: "Đến khi nó lấy chồng, nó sẽ hiểu". Bà Thiệu nín lặng.

Phú về, lại cũng cứ thế mà ở.

 

*

*       *

 

Chuẩn bị cưới cô Sinh. Một đoàn họ nhà trai đã ra. Cô Sinh mua về một con lợn sữa. Mai Du mua mấy con ngan, con gà. Khi thấy Mai Du lỉnh kỉnh chở một xe đạp xoong nồi các cỡ về, bà Thiệu hỏi:

- Ở đâu mà lắm thế?

- Dạ, con mượn bên bà ngoại.

 

- Cả xóm này không có mấy cái nồi cho mày mượn à? Đi tha bên nhà mày về cho xấu mặt tao!

- Con nghĩ chủ động là hơn. Ở đây cũng chưa biết ai có cái gì, ai không. Với lị, con sợ lẫn lộn.

Đám cưới cũng vui vẻ.

Đến tối, khi bà con khách khứa về cả rồi, Mai Du bưng ra một mâm cháo gà, mời đoàn họ hàng nhà trai ăn cho đỡ mệt. Mọi người vừa bưng bát cháo thì nghe phòng bên tiếng cô Sinh khóc rú lên.

- Có chuyện gì vậy? - Một người nhà trai hỏi.

- Bây giờ cô ấy là dâu con các bác rồi! Có gì không phải, xin các bác bỏ quá cho!

Phú xấu hổ nói. Chợt bà Thiệu, đang ngồi trước mặt khách, thét sang bảo con gái: "Nó không cho mày ăn thì mày nấu lấy mà ăn! Mày cũng có tiền, có gạo. Làm sao phải khóc?". Chỉ Phú và Mai Du hiểu: "Nó", trong câu của bà, chính là Mai Du đấy. Th ì ra cô Sinh khóc vì nghĩ "tủi thân": "Tại sao "bà ấy" bê cháo mời khách bên ấy mà không múc "mời" mình và bạn mình bên này?". Khốn khổ, Mai Du đâu có nghĩ cô em chồng và bạn cô đang ngồi trong bếp kia là "khách"?!

Nguồn: truyen8.mobi/t87349-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận