Nhất Phẩm Giang Sơn Chương 173 : Chạm tới cửa

Nhất Phẩm Giang Sơn
Tác giả: Tam Giới Đại Sư

Quyển 4: Vũ Lâm Linh
Chương 173: Chạm tới cửa

Nhóm dịch: Đọc Truyện Đêm Khuya
Nguồn: Mê Truyện



Không uổng công Trần Khác tận tình khuyên bảo, Địch Thanh không chỉ một lần nữa thắp cháy hi vọng mà trong lòng còn có mục tiêu quan trọng hơn, con người ông như khoác lên một sức sống mới mà mấy năm nay chưa từng thấy. Ông lập tức viết sớ tấu trình, lại cẩn thận đưa Trần Khác xem qua.

Trần Khác đọc kĩ một lượt, vuốt cằm rồi nói:
- Ngài viết rất tốt.
Mặc dù theo hắn, cách diễn đạt ở một số chỗ còn thiếu tính thương thảo, nhưng hiển nhiên việc giữ nguyên phong cách viết của Địch Thanh mới là quan trọng:
- Nguyên soái chỉ cần làm tốt chuyện này, việc còn lại chỉ cần xem bọn chúng cắn nhau thôi…



- Ta rất mong chờ.
Địch Thanh cười rộ lên.

- Có điều cứ như vậy,
Trần Khác than nhẹ một tiếng nói:
- Chỉ e là Nguyên soái sẽ không có cơ hội quay lại sa trường mà ngài mong nhớ.

- …
Địch Thanh lặng thinh, mặc dù sơn trưởng của võ học là triều đình, nhưng những võ tướng tương lai đều là do ông đào tạo ra, đổi lại nếu là bất kì quân vương nào cũng sẽ không để ông tiếp tục dẫn binh nữa, kì thực đây là tự mua dây buộc mình… Nhưng mà đó là một việc làm đáng giá, Địch Thanh gượng cười nói:
- Cho dù không làm võ học, triều đình cũng sẽ không yên tâm để ta trở lại sa trường.

- Cũng khó mà nói được, có ai biết được tương lai sẽ ra sao?
Trần Khác cười không chút vướng bận tới tương lai, thời gian ở đây cũng đã quá lâu, hắn vội cáo từ ra về.

Địch Thanh đứng dậy tiễn đưa, muốn nói gì đó nhưng lại thôi:
- Còn có chuyện này, không biết Tam Lang có thể xem xét giúp ta không?


- Chuyện gì vậy?

Địch Thanh đem chuyện hai lần xin quẻ cách nhau mười mấy năm, không ngờ lại rút được quẻ đúng như thế, còn cả lời tiên tri của lão hòa thượng nói về “sinh tử hưng vong” kể cho Trần Khác.

Trần Khác nghe vậy cười nói:
- Nguyên soái, sao ngài lại nghĩ đó là nói về con đường của bản thân ngài?

- Con đường của bản thân ta?

- Hay là Nguyên soái đã quên quẻ mà ngài xin được ở miếu Linh Thuận tại thành Quế Lâm?

Địch Thanh nghe thấy vậy, vô cùng sửng sốt, rồi sau đó không kìm nổi cười phá nên:
- Thật xấu hổ quá…

Năm đó Địch Thanh xuống phía nam chinh phạt Mã Chí Thư, khi đi qua Quế Lâm từng dẫn người đến một ngôi miếu to ở ngoại thành. Ông lấy ra một trăm đồng tiền, nâng hai tay lên, xin cầu nguyện thần linh:
- Lần này xuất chinh, thắng bại khó lường. Nếu con có thể đại thắng trở về thì xin cho một trăm đồng tiền con gieo đều là mặt chính!

Những người đi theo vừa nghe thấy vậy đều tiến tới khuyên răn, mọi người đều nói ý thần khó dò, nếu kết quả không được như ý muốn chỉ sợ ảnh hưởng tới sĩ khí của quân lính. Nhưng Địch Thanh ngoảnh mặt làm ngơ, hai tay vung lên, một trăm đồng tiền trong nháy mắt đã rơi hết xuống đất. Ông để mọi người kiểm tra tỉ mỉ, không ngờ một trăm đồng đều là mặt chính, toàn quân không ngừng reo hò vui sướng. Địch Thanh sai người dùng một trăm chiếc đinh dài đính vào những đồng xu trên mặt đất, lấy một lồng bọc vải xanh rồi đậy lại, trên đó còn có cả dấu niêm phong, nói khi nào chiến thắng trở về lại mở ra xem.

Sau này, Địch Thanh quả nhiên công phá được Côn Luân quan, lại đánh bại Mã Chí Thư. Sau khi chiến thắng quay lại tạ lễ ở ngôi miếu kia, ông mở lồng ra, thu hết một trăm đồng tiền kia lại rồi đưa cho mọi người xem, thì ra hai mặt của mỗi đồng tiền đều là mặt chính…

Tuy rằng không có cách nào giải thích, thần thần quỷ quỷ chỉ là vô căn cứ, nhưng trong thực tế lại có nhiều trường hợp người giả thần giả quỷ. Địch Thanh nổi tiếng vô song, nhiều người thích bới móc những chuyện ít ai biết đến của ông, do vậy chuyện mười mấy năm trước ông từng xin quẻ ở chùa Tướng Quốc từ lâu không còn là bí mật nữa, thậm chí ngay cả lúc đó bốc được quẻ gì thì mọi người cũng biết.

Còn lần này ngẫu nhiên lại bốc trúng quẻ đó, cũng không khó lý giải, chỉ cần đổi tất cả số quẻ trong ống thành một loại quẻ là được.

- Lẽ nào Viên Giác đang lừa ta sao?
Địch Thanh giận dữ nói.

- Mặc kệ lão, chỉ là kẻ tiểu nhân mà thôi, không ảnh hưởng đến đại cục.
Trần Khác khẽ nói:
- Lòng người hiểm ác, Nguyên soái đừng quá tin người.

- Phải.
Địch Thanh nhìn sâu vào mắt Trần Khác nói:
- Từ nay về sau, ta chỉ tin tưởng ngươi.


- Ha ha, tôi chưa làm tới được mức này đâu.
Trần Khác lắc đầu cười nói.

- Ngươi có thể làm chưa tới, nhưng võ học trong tương lai xây dựng như thế nào, nội dung giảng dạy ra sao, các bài kiểm tra sát hạch như thế nào đều cần ngươi lên kế hoạch.
Địch Thanh cũng cười rộ lên nói:

- Nói thật, để cho những tên quan văn kia làm ta không tin được.

- Tôi cũng sẽ trở thành quan văn đó.
Trần Khác giễu cười nói:
- Nguyên soái yên tâm, tôi sẽ đem hết khả năng giúp đỡ ngài.

- Đại ân đó không có lời nào cảm tạ hết được!
Địch Thanh trịnh trọng chắp hai tay nói:
- Địch Thanh ta nợ ngươi nhiều rồi!

- Không nợ.
Trần Khác lắc đầu nói, đội chiếc nón lá lên đầu, khoác chiếc áo tơi lên rồi biến mất trong làn mưa dày đặc. Hắn rời khỏi phòng thiền trong hậu viện, khung cảnh vàng thau lẫn lộn của chùa Tướng Quốc là nơi che chở tốt nhất cho hắn.

Trèo tường nhẹ nhàng không một tiếng động ra ngoài, Trần Khác nhún người nhảy xuống nước, trong nháy mắt không thấy bóng dáng hắn đâu.

…..

Đêm đã sang canh ba, ngọn đèn dầu vẫn leo lét trong nhà thủy tạ Thiên Âm, bởi vì chủ nhân trong ngôi nhà đó vừa mới kết thúc màn trình diễn trên lầu, dẫn đoàn ca múa của nàng lên thuyền quay về.

Đời Tống là một thời đại đặc thù, con người nghìn năm sau có thể mặc sức chê cười sự yếu đuối trong võ thuật của nó, nhưng khi bạn từng bước tìm hiểu thời đại này, nhất định sẽ bị thuyết phục bởi sự dịu dàng của nó từ người dân. Từ thời Tần Hán đến thời Minh Thanh, thì chỉ có thời đại này là không nói đến vấn đề mua bán nô lệ, mà ban hành chế độ thuê mướn nô tì.

Đương nhiên cũng không phải ngay từ đầu đã như vậy, mà là từ sau khi “Thiên Thánh Lệnh” được ban bố vào năm Thiên Thánh thứ bảy, chế độ này mới bắt đầu thực hiện.

Sau khi học xong bộ “Thiên Sắc Lệnh” Trần Khác không khỏi hoài nghi, đây là bộ sách được biên soạn bởi một người xuyên việt giống như mình. Bởi vì đối với sự tôn trọng tài sản riêng tư vượt thời đại như thế này, Trung Quốc của một nghìn năm sau vẫn không chạm tới được.

Cho nên mặc dù không đề cập tới việc buôn bán nô lệ, nhưng nó vẫn đáng được xem trọng như một tài sản tư hữu, không được áp dụng những phương thức áp đặt, cướp đoạt hoàn toàn đối với nô lệ giá rẻ, mà chỉ yêu cầu của chủ nhân chỉ là dịu dàng, cho phép nô lệ bất cứ lúc nào cũng có thể chuộc thân, chuyển hóa thành hình thức thuê nô tì. Nếu chủ nhân vẫn chưa cho nô lệ cơ hội chuộc thân, “Thiên Thánh Lệnh” còn quy định sau khi nô lệ phục dịch tròn mười năm thì được tự do hoàn toàn.

Kĩ nữ cũng là một bộ phận thuộc vào tầng lớp những người nô lệ, cũng tuân thủ theo “Thiên Thánh Lệnh”, cho nên kĩ nữ triều Tống chỉ cần có đủ ngân lượng quy định trong khế ước bán thân thì bất cứ lúc nào cũng có thể chuộc thân. Nếu không có đủ số tiền đó, thì sau mười năm phục vụ cho tú bà cũng có thể được hưởng tự do.

Các tú bà mặc dù không nỡ bỏ những cây kiếm tiền đó, nhưng người dân triều Tống chấp hành đúng luật pháp, từ trước tới nay đúng trăm phần trăm, nếu không cứ đến báo quan, người vi phạm không chỉ bị phạt nặng mà có thể phải ngồi tù.

Nhưng mà các kĩ nữ sau khi chuộc thân, số người quay lại nghề cũ chiếm hơn một nửa. Bởi vì họ quen sống trong cuộc sống gấm lụa giàu sang cho nên không chịu được kham khổ, ngoại trừ những người được gả cho những nhà phú quý, nếu không thì tiền bạc cũng cạn, không có cách nào để duy trì tiêu chuẩn cuộc sống lúc trước, chỉ có thể quay đầu tiếp tục đi theo con đường cũ.

Nhưng sự thực khốc liệt là vô số các kĩ nữ đều không có cách nào để trở lại cảnh tượng lúc trước, vô cùng cực khổ mà vẫn không kiếm được nhiều tiền như lúc còn trong giai đoạn phục dịch. Đây là bởi vì khi thanh lâu bóc lột họ, đồng thời cũng mang lại cho các nàng nguồn khách hàng ổn định mà chất lượng cũng cao. Những khách hàng có nhiều tiền đến tìm hoa cũng chỉ nghĩ đến thanh lâu, chỉ có những người không đến được thanh lâu mới giải quyết trong những lều tư che một nửa cửa…

Trừ những cô nương có tên tuổi đặc biệt, hoặc là những người thành thạo một nghề nào đó mới có thể có nguồn khách hàng ổn định, giống như kĩ nữ Đỗ Thanh Sương tài sắc vẹn toàn lại là một cảnh giới khác hoàn toàn… Nhiều người bỏ ra biết bao nhiêu vàng chỉ để nghe nàng ta hát một bài, cho nên Đỗ Thanh Sương mới có được tòa nhà thủy tạ xa hoa như thế này, nàng có cả thuyền hoa của chính mình thì cũng không có gì kì lạ.

Có câu cây cao hóng gió, không biết bao người cùng nghề nai lưng kiếm kế sinh nhai đến nương nhờ nàng. Đỗ Thanh Sương không tiện từ chối, huống chi những cô nương này hầu hết đều được bồi dưỡng kĩ thuật ở thanh lâu nhiều năm, ca hát nhảy múa đều là sở trường của họ. Nàng ta nhanh chóng thành lập một đoàn ca múa, những người có sở trường về ca hát thì ca hát, có tài đánh đàn thì đánh đàn, giỏi nhảy múa thì nhảy múa, sau khi chú tâm tập luyện thì sẽ biểu diễn tại các cuộc vui buổi tối.

Ai ngờ cuối cùng lại trở nổi tiếng, trở thành đoàn ca múa thành công nhất ở Biện Kinh, có nhiều lời mời các cô nương đó diễn xuất, nhiều đến nỗi lịch diễn kéo dài đến tận mùa hè năm sau.

Các cô nương đều có thu nhập khá tốt, điều quan trọng hơn là có cảm giác thân thuộc nên tự nhiên mọi người đều cảm thấy vui vẻ. Nhưng Đỗ Thanh Sương lại không thấy vui, nàng ta giúp đỡ rất nhiều người, đáng lẽ phải cảm thấy vô cùng vui mừng, nhưng nàng ta luôn lao tâm khổ trí về việc vận hành đoàn ca múa, giải quyết vô số các vấn đề, ứng phó với rất nhiều phiền toái phức tạp… Đối với những cô nương lấy ca hát để mưu sinh mà nói, họ đều không chịu được những đày đọa kham khổ.

Buổi biểu diễn xã giao tại tửu lầu nhộn nhịp đêm nay đã khiến nàng ta không thể nào chịu đựng được nữa, để bầu yên tĩnh nhanh chóng trở lại, nàng ta đã cho những người hầu lui đi hết. Còn nàng ngồi một mình trước bàn trang điểm, khuôn mặt kiều diễm của nàng hiện lên trong chiếc gương đồng có chút tiêu điều, lạnh lùng và mệt mỏi.

Mặc dù mới hai mươi hai tuổi nhưng nàng lại cảm thấy mình chóng già… Hít một hơi thật sâu, Đỗ Thanh Sương bắt đầu tháo trang sức xuống, chiếc châm vàng trên đầu, bộ lắc, hoa thịnh, châu hoa lần lượt được tháo xuống, sau đó nàng ta buông xõa mái tóc dài đen nhánh mềm mại. Tháo bông hoa tai lung linh như ánh trăng xuống, sau khi tẩy lớp phấn trang điểm trên mặt, nàng ta vô cùng ngạc nhiên thấy một gương mặt thanh tú xinh đẹp trong gương, thì ra sau khi tẩy trang xong thấy mình không già chút nào.

Đang làm dáng giống như một cô bé, Đỗ Thanh Sương đột nhiên nghe thấy tiếng rầm bên ngoài cửa sổ, nàng quay đầu lại nhìn, sợ hãi tới mức hồn bay phách lạc, chỉ nhìn thấy dáng một người ướt đẫm từ dưới nước vịn tay vào cửa sổ của nàng.

Nàng đang định hét lên thật lớn, nhưng lại nghe thấy giọng nói quen thuộc:
- Suỵt…

Đôi môi phớt hồng của Đỗ Thanh Sương mấp máy nói:
- Công tử…

Tỳ nữ bên ngoài nghe thấy tiếng động bên trong lạ thường, vội lên tiếng hỏi:
- Tiểu thư, có chuyện gì vậy?

- Không có việc gì.
Đỗ Thanh Sương vừa trả lời, vừa mở toàn bộ cửa sổ ra để cho Trần Khác leo vào.

Đợi Trần Khác vào trong nàng mới nhìn rõ, anh chàng này không ngờ chỉ mặc một chiếc quần cộc, thân hình đều đặn khỏe đẹp, cơ bắp không thô kệch, không hề che đậy như thế xuất hiện trước mặt nàng.

Cho dù mang tiếng là kĩ nữ, nhưng nàng không nhớ rõ lần trước nhìn thấy thân hình của nam nhân là khi nào nữa. Nàng lại đỏ mặt xấu hổ, vội quay đầu đi, nhỏ nhẹ nói:
- Công tử mau mặc áo vào.

- Nhưng phải để ta lau khô đi chứ.
Trần Khác chỉ những giọt nước đọng trên người nói.

Đỗ Thanh Sương tiện tay rút lấy chiếc khăn mặt đưa cho hắn, Trần Khác nhận lấy lau khắp người, rồi quay người lại nói:
- Trên lưng lau không được.


Đỗ Thanh Sương không có cách nào khác đành cầm lấy chiếc khăn giúp hắn lau sau lưng. Lúc này mới phát hiện chiếc khăn trong tay chính là chiếc khăn dùng để lau mặt sau khi mình tháo trang sức xuống.

Nguồn: tunghoanh.com/nhat-pham-giang-son/quyen-4-chuong-173-2WLaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận