Nhặt Dũng Cảm Lên Ta Làm Lại Người đứng chờ dưới gốc cây tầm gửi

Người đứng chờ dưới gốc cây tầm gửi
Sớm đầu xuân, chuông dưới cổng nhà bỗng kêu ting ting ting, người đưa thư mang đến cho tôi bưu kiện bạn gửi về từ nước Mĩ xa xôi.

 

Những bức ảnh ghi lại không khí Giáng sinh, chiếc khăn len thật ấm màu bordeaux trang nhã, một bức thư dài thật dài bạn đính kèm những câu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường ngày. Ở cuối trang viết, tôi chú ý hơn cả tới chi tiết Huy, cậu em trai của bạn, năm sau tốt nghiệp một trường đại học ở Mĩ, trở về nhà sau đêm Giáng Sinh, lòng vui phơi phới và miệng cười suốt. Bạn bảo, cậu chàng đã lăm le theo chân những người bạn theo đạo Thiên Chúa đứng dưới gốc cây tầm gửi và đợi chờ một nụ hôn trong đêm Thánh. Chẳng là, theo quan niệm của người Mĩ, đứng dưới gốc cây tầm gửi cũng giống như việc chúng ta trao tặng những thỏi sô-cô-la vào ngày mười bốn tháng Hai, tin yêu và mong ngóng. Còn đợi người mình thích đến hôn hệt như thói quen trông chờ sô-cô-la trao đổi vào ngày mười bốn tháng Ba vậy, đáp lễ và “nên duyên”.

Huy may mắn nhận được nụ hôn của một cô gái tóc vàng, người mà cậu chàng thường để ý và mơ mộng mỗi đêm. Chuyện tình cảm bắt đầu, êm dịu như một món quà tuyệt vời nhất cho sự khởi đầu của năm mới. Thế nhưng, đâu phải chàng trai hay cô gái nào cũng may mắn như Huy, nghĩa là trông đợi và được hồi đáp, nghĩa là mỏi chân, chùn gối vì lạnh nhưng có người ra đứng cạnh và hỏi “Lạnh lắm không?”. Ấm áp biết mấy.

Thế nhưng, cuộc đời dài rộng và chen chật những lo toan, đắn đo như hiện nay, liệu có ai may mắn như cậu em Huy, liệu rằng ta có nên “há mồm chờ sung rụng” không?

Vẫn nhớ, dạo mới yêu chàng, tình yêu bồng bột và non nớt, thứ rung cảm đầu đời lắm vụng dại và không tránh khỏi những dại khờ. Khi tôi và chàng đứng chờ ngớt mưa trước mái hiên của một hàng quán đã đóng cửa, nhìn sự lo lắng trên gương mặt chàng, chỉ sợ tôi ướt. Rất không dưng, tôi muốn hôn chàng thật sâu, thật nồng. Mặc người đi đường nghĩ sao cũng được. Bận tâm làm chi khi trong giây phút ấy, tất cả những gì tôi nghĩ được là nụ hôn ngọt ngào, dành cho chàng.

“Hôn anh một “miếng” được không?”.

Phải nhắc thêm rằng, thuở “vụng dại” ấy, những ngôn từ cũng thật ngô nghê, chẳng biết nói sao để biểu đạt điều mình muốn. Đến ước ao đặt môi mình lên môi người kia cũng bẽn lẽn và tẽn tò đến thế cơ mà. Chàng nhìn tôi, đơ đến vài giây trước khi hôn tôi thật say. Hồi lâu, chàng bảo, cứ kiễng chân lên mà hôn anh là được mà, đâu cần xin phép hử. Tôi ngại ngùng, chẳng biết nói sao để che hết sự bối rối của mình. Tất nhiên, đó là chuyện của ngày xưa ấy. Sau này, chúng tôi chia tay nhau. Vì nhiều lí do khác nhau được dựng lên để che đậy một sự thật rằng chàng đã có người mới. Một cô nàng trẻ đẹp và khéo ăn khéo nói hơn tôi. Tôi biết. Tôi cảm nhận sự đổi thay trong chàng. Tôi muốn đưa tay ra níu giữ. Nhưng ý nghĩ “con gái phải kiêu” khiến tôi từng bước trượt dài. Nếu chàng là của tôi, nhất định chàng sẽ quay về. Tôi bao bọc chính mình trong cách tư duy đó, tự cho phép mình lánh xa chàng, dù tim như bão nổi. Rất lâu sau đó, chúng tôi gặp lại, khi cả hai đã an phận trong những cuộc tình mới, chàng bảo, giá như ngày xưa tôi đưa tay níu lấy tay chàng, giá như tôi không lặng yên một cách bị động như thế. Có thể chúng tôi đã khác.

Nhưng thôi, luyến tiếc những điều xa xôi không để làm gì. Tôi chỉ kể ra đây, để tự nhắc nhở mình, để sẻ chia với bạn về vị thế chủ động – bị động trong tình yêu.

Chúng ta thường vin vào những điều cho là duyên số, là định mệnh. Để ngóng cổ chờ đợi hàng năm trời vào một tình yêu ta tin là mãi mãi. Để buông tay và mất người ấy mãi mãi chỉ bởi ý nghĩ những người yêu nhau rồi sẽ trở về với nhau. Để đứng dưới cây tầm gửi mùa đông và đợi chờ một nụ hôn. Liệu rằng ta có đủ tư cách để thương yêu và được thương yêu khi chính bản thân mình không gom đủ can đảm để thổ lộ lòng mình? Sẽ thế nào nếu bạn ra khỏi gốc cây tầm gửi sau khi mỏi chân đứng chờ cả một buổi tối và má lạnh cóng không được sưởi ấm? Hoặc tệ hơn, sẽ thế nào nếu nụ hôn tìm đến không bắt nguồn từ người bạn đang ngóng trông? Điều đó đồng nghĩa rằng bạn sẽ... ế cả năm?

Câu chuyện về cây tầm gửi chỉ là một “truyền thuyết” vui, người tin kẻ không. Nhưng cứ thử nghĩ và so sánh điểm được và mất giữa việc đứng dưới một cây tầm gửi, lạnh cóng và một mình với việc ra phố, nói chuyện với bạn bè, vui vẻ cười đùa và biết đâu gặp được “một nửa định mệnh” của mình. Quyết định đó nằm ở bạn. Điều quan trọng không nằm ở việc bạn lựa chọn thế nào, mà nằm ở chỗ bạn dám lựa chọn, cho phép mình chủ động thay vì bị động mà thôi.

Tôi đã sống, thương yêu và được thương yêu một cách bị động trong suốt nhiều năm trời. Nhưng thật may, khi bàng hoàng tỉnh giấc và nhận ra điều ấy thì giấc mơ hạnh phúc vẫn chưa biến thành cánh diều bay quá tầm với. Bởi một ngày đông giá chúng tôi tình cờ đứng cạnh nhau, cảm giác ấm áp và thương yêu tràn ngập mặc dù biết chắc đó là một người xa lạ, chàng đã nhìn tôi và bảo, “Em có thể cùng tôi uống một tách trà?”. Mẹ tôi nói con gái phải kiêu, bạn tôi nói con gái không thể chủ động và đường đột. Nhưng mọi thứ hoàn toàn mờ nhạt khi tôi đứng trước ánh mắt thiết tha ấy. Ánh mắt đã theo tôi, che chở và thương yêu tôi suốt quãng đời sau này. Tôi không muốn là người đứng chờ dưới gốc cây tầm gửi. Tôi muốn là người chạy một quãng đường thật xa để tới chỗ chàng, đặt lên môi chàng nụ hôn còn thoảng vị phố phường. Nhưng đó là chuyện của những ngày sau này. Riêng hôm ấy, tôi chỉ nắm tay chàng và gật. Câu chuyện từ đây xin được bắt đầu...

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t119686-nhat-dung-cam-len-ta-lam-lai-nguoi-dung-cho-duoi-goc-cay-tam-gui.html?read_type...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận