Hàng ngày tôi vẫn đi làm tại cửa hàng hoa ở đầu phố từ năm giờ ba mươi đến chín giờ tối, vào giờ đó siêu thị chưa đóng cửa. Tôi không biết nấu những món ăn phức tạp, vì thế tôi có thói quen mua đồ ăn sẵn. Đôi khi người ta hỏi tôi vì sao không mua tất cả cùng một lúc, như là một lốc mười hai hộp sữa hay một thùng ngũ cốc mà thay vào đó tôi chỉ mua mỗi thứ một tí như ăn tạm. Tôi không biết nữa, quả tình tôi đã trả lời như vậy. Hoặc cũng có khi tôi sẽ nói, vì tôi thích được đến siêu thị vào buổi tối, khi tất cả nhân viên đang bận rộn sắp xếp lại hàng hóa hay kiểm tra sổ sách, mọi người đều chuẩn bị ra về nhưng không vì thế mà ánh sáng giảm bớt đi, những món hàng lung linh vẫn nằm yên trên kệ. Tôi hay lang thang trong siêu thị. Đi từ nhà tới siêu thị gần nhất mất năm phút. Khi không có việc gì làm, tôi sẽ tắm rửa, ăn vận chỉnh tề, dấp một ít nước hoa lên cổ tay và đi tới siêu thị. Vào cuối tuần cậu hay làm gì, có lần Neil hỏi tôi, mình sẽ đi siêu thị, tôi trả lời. Giống như người ta nói, tôi mua cái cốc này vì nó đẹp chứ không phải chỉ vì tôi muốn dùng nó đâu.
Neil là một đứa trẻ bướng bỉnh. Cậu ấy chẳng bao giờ chịu mặc đồng phục khi đến trường. Nếu phải mặc cái sơ mi này thì cậu ấy sẽ mặc với quần jean, nếu phải mặc cái quần âu kia thì cậu sẽ chêm thêm một cái áo phông sặc sỡ. Những ngày nhà trường tổ chức lễ kỉ niệm hay một dịp gì đó yêu cầu học sinh phải ăn mặc chỉnh tề, giáo viên của chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn một đôi giầy da cho Neil. Cậu ấy chỉ đi giầy thể thao và không một ai kể cả mẹ cậu ấy có thể thay đổi được điều đó. Không phải Neil không biết những điều cậu làm chỉ tổ gây phiền phức cho tất thảy mọi người, chỉ là Neil từng nói với tôi việc phải tuân thủ mọi thứ như thế là vô cùng lố bịch.
“sao cậu không nghĩ như tớ được nhỉ? Đây, tớ sẽ nói lại một lần nữa còn cậu thì hãy im lặng mà nghe nhé” – lúc nào Neil cũng bắt đầu cuộc nói chuyện của chúng tôi như thế. Luôn là cậu ấy nói, một cái gì đó mà tôi không hiểu, được diễn giải hết sức hùng hồn, còn tôi, chăm chú quan sát cậu ấy đầy thích thú như đang làm một trò thí nghiệm.
“một thằng ngu đã thiết kế ra đồng phục để đánh đồng con người đấy, đó là điểm chính, cậu cố mà nhớ nhé” – Neil trỏ một ngón tay vào mặt tôi – “từ bé chúng ta đã bị buộc phải mặc những thứ giống hệt nhau, làm những trò giống hệt nhau, chơi những thứ như nhau và sống chung với nhau. Cả đời cậu là những ngày thứ Hai nối tiếp nhau chứ làm gì có các thứ nào khác, họ phải đặt tên cho các ngày thứ Hai để lừa dối chúng ta nhưng làm sao mà lừa nổi. Cậu biết đấy, vậy nên tớ không chấp nhận việc mặc đồng phục. Cậu định sẽ lớn lên như thế hả? Cậu đã thứ Hai được mười tám năm rồi đấy ông nội ạ, sớm mà tỉnh lại đi, như tớ đây này” – Neil nhấc chân lên cho tôi xem đôi giầy da của cậu.
Phải nói thêm về bối cảnh lúc đó một chút. Hôm ấy nhà trường tổ chức lễ kỉ niệm cho các giáo viên dưới sân nhưng dự được một nửa thì chán quá, Neil rủ tôi lên căng tin mua cà phê. Sau đó hai chúng tôi trốn vào nhà thể chất theo lối cửa sổ, vì vào những tiết bình thường phòng thể chất chỉ được phép mở cửa cho các nhóm học sinh thuộc đội tuyển thể thao. Hai chúng tôi ngồi trên khán đài xa nhất và quan sát tuyển bóng rổ đang luyện tập. Các học sinh khỏe mạnh vui tươi lấy quả bóng làm trung tâm và xoay vần chung quanh, cười nói với khuôn mặt lấp lánh. Nhìn kìa, Neil cười khẩy, rặt một lũ ngốc. Chúng nó nghĩ mình sẽ tóm được quả bóng đó cả đời đấy chắc?
Thi thoảng khi tôi không đồng ý với Neil về một vấn đề gì đó là y như rằng cậu ta sẽ nổi khùng lên. Không phải kiểu khùng điên bình thường mà vài ngày sau là hết, cậu ta sẽ tính bằng tuần bằng tháng hoặc thậm chí bằng năm. Khi tôi mười bốn tuổi chúng tôi đã có một cuộc cãi vã như thế. Nguyên nhân tôi không còn nhớ rõ. Những gì còn in đậm trong kí ức tôi khi nhớ về mùa hè lớp tám chỉ còn sót lại việc chúng tôi đã trải qua quãng thời gian ấy không có nhau. Khi tôi nói với Neil về những gì tôi nhớ được, Neil đặt lon cà phê của cậu ấy xuống và nằm dài ra bãi cỏ. Đó là cái bãi đất trống gần nhà tôi, hồi xưa được một công ty nào đó quy hoạch để phát triển thành sân cỏ nhân tạo nhằm cho các nhóm nhỏ thuê đá bóng nhưng không rõ vì sao mà dừng lại. Họ bỏ đi và để lại cái sân cho tụi hút chích nghiện ngập vào nửa đêm còn phần lớn thời gian, tôi và Neil chọn chỗ đó để ngồi chơi và tận hưởng cái nóng của mùa hè.
“thực ra tớ cũng không nhớ” – Neil nói, cậu vắt tay ngang trán và nhìn lên bầu trời. Lúc đó là buổi chiều, tuy thế ánh nắng vẫn còn khá gay gắt – “phủ cái gì lên mặt tớ đi”.
Tôi mở rộng tờ tạp chí và định trải lên khuôn mặt Neil. Dù thế không rõ vì điều gì, tôi dừng lại để ngắm nhìn cậu ấy. Neil gầy gò, có nước da trắng xanh mà theo mẹ tôi là hơi bệnh hoạn, loại con trai cớm nắng thường chết yểu. Đi ngược lại mọi nhận định của mẹ tôi, Neil lớn nhanh một cách đáng sợ và thậm chí là khá kì quái với cái thể trạng nhìn lúc nào cũng như sắp chết của mình. Cậu ta ăn khỏe, ngủ khỏe và đặc biệt yêu thể thao, Neil mê nhất là chạy bộ và chống đẩy, ngày nào cậu ta cũng phải làm những bài tập đó chừng bốn tiếng, hai tiếng vào buổi sáng và hai tiếng vào buổi chiều bằng không Neil sẽ lăn đùng ra mà chết. Neil thích nói những từ lóng mà cậu ta học được trong các bộ phim bậy bạ, đôi khi cậu ta dùng chỉ để cho vui cũng có khi cậu ta để dành phòng trường hợp cần kíp, đại khái như là vốn liếng để thóa mạ tôi khi tức giận chẳng hạn.
Không vì thế mà tôi giận cậu ta. Có thể tôi không có khả năng giận dữ vì từ khi sinh ra tôi chưa có cảm giác tức giận đến mức nghẹt thở với bất kì ai bao giờ. Mẹ tôi nói chắc là khi mang thai tôi mẹ đã ăn nhầm thứ gì đấy mà vì thế tôi lành tính đến không ngờ. Tôi luôn gặp đủ mọi vấn đề từ hồi đi nhà trẻ vì không mấy khi tôi kể chuyện mình bị bắt nạt hay tìm cách phản kháng. Những hôm tôi nghỉ học, có khi tụi to con trong lớp còn nhớ tôi hơn cả những đứa tôi chơi cùng. Mẹ hay cho tôi một ít tiền và vì thế tôi trở thành cái hầu bao béo bở. Mọi chuyện diễn ra đến khi tôi vào lớp hai. Tôi gặp Neil và thế là chẳng còn ai làm tôi đau khổ nữa. Neil cao hơn bọn con trai trong lớp, cái đầu cậu ta to hơn người bình thường và khi cậu ta đi lại loanh quanh với đôi mắt mở to tỏa ra cái tham vọng làm người khác đau đớn của mình, mọi người tự khắc đều biết mà tránh xa. Hai chúng tôi bị gọi là những đứa trẻ bàn cuối. Suốt những năm tiểu học, bao giờ cũng là Neil và tôi ngồi chung một bàn, không bàn đầu tiên thì bao giờ cũng là bàn cuối cùng. Không ai thích lại gần chúng tôi, hay đúng hơn Neil làm cho người khác không thể lại gần.
“làm gì thế, phủ lên đi chứ” – Neil hé mắt ra, tránh để ánh sáng không lọt vào nhiều và trực tiếp quá, cậu ta gắt lên với tôi rồi nhắm mắt lại.
“đang làm đây” – tôi trải rộng tờ báo. Chúng che kín Neil, chỉ thi thoảng nhô lên hạ xuống để tôi yên tâm cậu ta không làm sao trong lúc ngủ.
Vào mùa hè, khi các gia đình lên kế hoạch đi ra biển hay đi leo núi hoặc tới một đất nước nào đó để du lịch, tôi thường kiếm cớ được ở lại thành phố. Thực ra tôi cũng thích đi du lịch, nhưng khi tôi nhận ra thành phố bỗng trở nên vắng vẻ hơn và ngoài đường con người cũng bắt đầu thưa thớt, cái ý nghĩ thăm thú nơi chốn của chính mình xuất hiện. Không có mấy người trẻ tuổi biết rõ được thành phố của mình. Vì thế, tôi luôn nói với mẹ rằng chúng ta nên tiết kiệm thì hơn. Mẹ tôi không phải típ người thích đi đây đi đó, vậy nên đối với bà mùa hè chỉ là khoảng thời gian đặc biệt nóng bức và khó chịu mà thôi. Nhưng thực ra tôi chọn ở lại đây thay vì đi tới một nơi nào khác, còn là bởi tôi không muốn bỏ lại Neil. Gia đình cậu ta không dư dả lắm để một năm đi chơi biển một lần hay cũng không được hạnh phúc lắm để cái đám người kì quặc ấy cùng làm chung thứ gì đó với nhau. Neil hay bảo tôi cái mối quan hệ giữa bố mẹ và cậu ta có thể gói gọn trong một câu chưa quá hai chục từ. Nghe này, đừng có bận tâm về nhà tớ, chúng tớ chỉ là một đám người bất hạnh đang chơi trò gia đình mà thôi. Khi đó tôi không có hiểu rõ lắm những gì Neil muốn nói mặc dù Neil đã giải thích khá kĩ càng. Chỉ là lúc đó, những gì tôi nhìn thấy và những gì Neil thực sự để tôi nhìn thấy giống như một con cá nhỏ mở mắt giữa đại dương.
Neil có bạn gái sau khi chúng tôi tốt nghiệp được một năm. Thực ra đó không hẳn là bạn gái của Neil, tôi cũng không chắc lắm vì tôi chỉ mới gặp cô ấy một lần. Gọi là cô ấy thì có hơi..., mà, tôi cũng không biết nữa. Neil dẫn tôi đến một quán bar nhỏ nằm trên tầng sáu thuộc một tòa nhà cũ kĩ, trước đó cậu ta đến gặp tôi ở cửa hàng hoa và ngồi đợi tôi cho đến khi cửa hàng đóng cửa. Sau đó Neil hỏi có muốn gặp thử bạn gái của cậu không.
“cô ấy làm ở đây à?” – tôi hỏi, đó là buổi nói chuyện đầu tiên của chúng tôi đề cập đến một người nào khác trong phạm vi mở rộng. Từ trước đến giờ những sinh vật sống chúng tôi từng nói qua chỉ có tôi, Neil, một nhóm nhạc nào đó mà chúng tôi cùng thích dù chỉ được một thời gian rất ngắn và Keira Knightley. Tận bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao hồi đó chỉ với ngần ấy chủ đề mà chúng tôi lại có thể nói được nhiều đến thế, không biết là đã bao năm.
“ừ” – Neil đáp, cậu ta đưa tôi vào tầng một và đi thẳng đến thang máy. Tầng một vắng vẻ và chỉ có một người ngồi trực ở bàn lễ tân. Trông nó giống mọi khu chung cư khác và chẳng có gì bất thường cho đến khi tôi nhận ra người đàn ông ngồi sau quầy lễ tân chẳng thèm ngẩng đầu lên ngó chúng tôi lấy một lần. Neil chẳng nói gì thêm cho đến khi chúng tôi vào thang máy. Mọi thứ cứ phảng phất cái mùi kì lạ của nó nhưng tôi im lặng. Trong thang máy phát một bản nhạc với âm lượng nhỏ xíu. Nghe kĩ một lúc tôi nhận ra đây là phiên bản không lời của Hotel California. Thật khéo vừa, tôi nói.
Thang máy dừng lại và khi cửa mở ra, bạn gái Neil đã đứng đợi sẵn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô gái này là, à, đây là bạn gái của Neil đấy. Ngay lập tức tôi đã nghĩ như thế và có cảm giác chắc chắn chính là cô. Neil nhìn cô ấy một lúc còn cô ấy nhìn chằm chặp vào tôi. Trong khi đó, tôi quan sát chung quanh rồi đưa ra kết luận, đây đúng là một cái bar thật. Tường dán giấy màu đỏ đun, sàn trải thảm dày và toàn bộ căn phòng được bao phủ bởi một lớp ánh sáng đỏ quạch. Tiếng nhạc dội đến đập vào các bức tường rồi truyền đi khắp mọi nơi như đang ra sức phong tỏa tất cả mọi lối thoát. Tôi chưa từng vào một cái bar, pub nào mà chỉ mới nhìn qua trên phim ảnh. Sau đó tôi nhận ra tôi cảm thấy bồn chồn.
“đi nào” – Neil nói, thực ra tôi có cảm giác cậu ấy đã nói thế vì trong cái không gian chật hẹp và mở nhạc lớn như này, tôi chẳng nghe được cái gì hết. Neil bước đi, còn tôi, tôi đi theo cậu ấy. Bạn gái Neil dẫn đường cho chúng tôi, càng đi sâu vào trong chúng tôi càng vấp phải nhiều người. Họ nằm trên sàn hoặc đứng dựa vào nhau, họ rì rầm trò chuyện như một bầy ong, họ không đoái hoài đến ai ngoại trừ cái li trên tay và khuôn mặt người đối diện. Những kẻ đi một mình thì có ánh nhìn lơ đãng và mặc dù tôi đi qua trước mặt họ, cái nhìn của họ khiến tôi có cảm giác bản thân như một kẻ vô hình. Hoặc tệ hơn. Đang tồn tại, đang sống, đang hiện diện nhưng hoàn toàn không được để ý tới. Tôi đút hai tay vào túi quần đúng lúc bạn gái của Neil chuyền chai bia về phía tôi. Rốt cuộc Neil đứng giữa và phải cầm cả hai chai cùng lúc.
“thấy thế nào?” – Neil hét vào tai tôi. Cậu đặt hai cái chai lên bàn và ra hiệu đi đây một lát với bạn gái. Neil dẫn tôi đi sâu vào trong và khá bất ngờ, có một dãy các phòng nhỏ nằm liền kề trong đó theo mô hình song song, kiểu như các dãy nhà san sát nhau bên rìa một bến cảng. Sau khi bước vào trong và chốt cửa lại, mọi âm thanh biến mất. Đột ngột cứ như là người ta có thể dùng một cái kéo để cắt lìa đôi tai của bạn ra.
“nói thật là tớ không khoái mấy cái này lắm” – tôi đáp, ngồi xuống ghế sô pha trong phòng. Ở đây họ kê một cái bàn kính, trên mặt bàn có một số đồ ăn vặt và nước uống, bia, thuốc lá, khăn mặt, trên tường treo một cái màn hình lớn lúc này đang chiếu một đoạn quảng cáo giặt là. Nói chung cũng giống như một phòng cách âm chuyên dụng ở các quán karaoke vậy.
“tớ cũng không, nhưng làm thế nào được. Muốn gặp cô nàng này thì phải đến tận nơi thôi. Cô nhỏ ghét ra đường lắm” – Neil nói và cười một mình. Tôi rất thích chuyện Neil vui vẻ vì khi tâm trạng thoải mái tôi sẽ không phải nghe cậu ta lăng mạ ai. Nhưng nụ cười của Neil bỗng trở thành một công việc nặng nề cho chủ nhân của nó, Neil hơi cúi đầu rồi đợi một lát, khi chẳng ai nói gì, cậu ta với tay lấy bao thuốc lá và xé cái vỏ một cách thành thạo.
“cậu hút lại từ bao giờ thế?” – tôi ngồi hẳn dậy, hai tay đan vào nhau. Lúc này tôi thực sự không thoải mái một tí nào.
Neil nghiện thuốc lá cách đây hai năm, khi cha cậu ta bỏ nhà đi. Hồi đó Neil gần như trở thành một dạng côn đồ mặc dù cậu ta không đánh ai bao giờ mà chỉ nhìn họ chăm chăm và trốn học. Neil rúc vào một cái xó nào đó cả ngày và chẳng ai tìm được cậu ta. Ở đó Neil tha hồ hút thuốc, xem phim và đọc một lô sách về đủ mọi đề tài. Cậu ta thưa liên lạc với tôi và chỉ thi thoảng khi Neil muốn, tôi mới có thể tìm được cậu ấy. Nếu trước đó khi vẫn còn ăn uống đầy đủ và tinh thần sảng khoái Neil đã gầy, thì bây giờ cậu ta còn không thể gọi là gầy được nữa. Nó hẵng là một loại mĩ từ.
Neil vào năm hai chúng tôi mười sáu tuổi giống như là cái chết đang đứng trên đôi chân của nó và đi lại xung quanh, bóng tối tỏa ra từ cơ thể cậu ta và dường như nó nhấn chìm tất cả mọi ánh sáng. Không một ai có thể cứu được Neil bởi mọi bàn tay đưa ra đều bị cậu ta từ chối. Khi đó tôi đã nghĩ rằng mọi chuyện thế là hết, đứa trẻ này đã từng là bạn tôi và ngày hôm nay tôi sẽ nhớ kĩ cái lí do vì sao chúng tôi không còn là bạn nữa. Tôi sẽ cố gắng không quên để khi tôi ba mươi tuổi hoặc vào cái ngày tôi gần đất xa trời, tôi sẽ không phải khổ sở tự vấn chính mình để biết được vì sao cái mối quan hệ đã từng vững bền đến thế lại biến mất.
Rồi sau đó, Neil trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cậu ta lại sạch sẽ và ăn mặc lung tung, cậu ta đi học và vẫn đủ nanh nọc để móc mỉa mọi người, chỉ có điều tôi biết được rằng Neil không ổn. Khi không ai để ý hoặc khi cậu ta tin rằng chẳng có ai để ý, Neil sẽ chống cằm nhìn ra bên ngoài và tỏ vẻ chẳng sao trong khi những móng tay của cậu ta bấm chặt vào lòng bàn tay, mồ hôi hơi túa ra và lưng cậu ta run rẩy. Những lúc như thế tôi không biết phải làm gì. Tôi nên đến gần và an ủi cậu ta hay tôi nên để mặc cậu ta? Tôi đã chọn để mặc cậu ấy.
“cũng mới đây thôi” – Neil đáp, cậu ta mân mê cái gói thuốc màu vàng trong tay – “nhưng mà tớ hút có điều độ lắm”.
“là thế nào?” – tôi hỏi – “đưa đây” – tôi chìa tay về phía Neil. Cậu ta nhìn nó một lúc rồi đặt gói thuốc xuống bàn. Nghĩ thế nào Neil nhặt nó lên rồi thả vào tay tôi. Tôi nhét cái gói vào túi áo. Tôi cũng nhét tất cái đống còn lại trên bàn vào túi áo bên kia.
“cậu phải trả tiền đấy nhé” – Neil phá lên cười rồi nói. Chẳng buồn cười gì cả. Hai túi áo tôi căng phồng toàn thuốc lá, cái mùi hăng của nó làm tôi khó chịu. Không khí của căn phòng và toàn bộ nơi chốn này cũng làm tôi khó chịu. Tôi thấy buồn nôn và bực dọc. Việc Neil dính dáng vào một chỗ như thế cộng thêm việc cậu ta hút thuốc trở lại làm tôi thấy bất an.
“tớ đi về đây, dù sao cũng gặp được bạn gái cậu rồi” – tôi đứng lên đi về phía cửa. Ví tiền trong túi quần, tôi thử kiểm tra để chắc chắn nó hãy còn ở đó. Sau đó tôi lấy ra một ít và đưa cho Neil – “tớ đi trước đây. Tiền thừa thì cậu đi ta-xi về nhé”.
Tôi đi thẳng về phía trước. Cái đám con người đang nhảy nhót cuồng loạn trước mắt tự tách họ ra và hình thành một dạng thế giới phẳng riêng biệt. Tôi không muốn bước vào đó. Tôi lách người qua bọn họ và tiến về chỗ thang máy. Trong lúc gọi thang, tôi nhìn thấy bạn gái của Neil đứng tựa lưng vào tường và nhìn ngó một lúc như đang tìm kiếm điều gì đó. Sau rốt cô bước về chỗ tôi và im lặng.
“muốn ra khỏi đây không?” – khi thang máy lên đến tầng năm, tôi hỏi. Tôi nhắm mắt lại một chút và khi mở mắt ra, cửa thang máy đã chờ sẵn. Quầng ánh sáng lạnh nhưng quen thuộc của nó giúp tôi an tâm và vững dạ hơn một chút.
“đi nào” – bạn gái Neil đứng trong góc thang máy. Ngón tay trỏ của cô nhấn nút mở và cô ra hiệu cho tôi bước vào. Bản nhạc không lời của The Eagles đang vang lên văng vẳng.
Tôi ngủ với bạn gái Neil ngay trong đêm đó. Tôi thuê một căn phòng từ mười một giờ tối và hẹn trả vào bảy giờ sáng hôm sau. Trong bóng đêm, tôi cảm nhận mùi hương da thịt đàn bà và thì thầm những lời khó hiểu. Cũng có khi tôi hát một bài nào đó của Elvis và cô bật cười nói, anh thật lỗi thời. Đúng, tôi là một phiên bản lỗi thời. Tôi bước đi trong thời đại này hoàn toàn cô độc, tôi nói, em có biết không, cả tôi và Neil đều là những đứa trẻ được sinh ra trong thời đại cô độc. Nếu không sống dựa vào nhau, chắc chắn chúng tôi sẽ vô cùng sợ hãi.
“Neil thực sự rất đáng thương, anh biết điều đó không?” – cô ngồi dậy, tựa cằm trên đầu gối và mơ màng nhìn tôi như một người bệnh nặng đang từ từ tỉnh lại. Ánh sáng lờ mờ hắt ra từ cái đèn ngủ đầu giường lấp lánh trên lưng cô, xương cột sống gồ lên như một con trăng non đang bơi thong thả - “anh biết điều đó chứ?”.
“có, anh biết” – tôi đáp. Hình ảnh Neil ngồi tựa lưng vào một bức tường trắng bị tróc lở dập nổi trong trí óc tôi. Neil buông thõng hai cánh tay và những ngón tay cậu dính máu. Cổ tay trái của Neil bị xé toạc như một lỗ đen sâu thẳm thu hút đôi mắt tôi.
“anh nên xin lỗi anh ấy” – cô nói – “và em cũng sẽ xin lỗi anh ấy” – mãi cô mới nằm xuống trở lại, cô quay mặt về phía tôi. Tôi nhận ra cô ấy cũng chỉ là một đứa trẻ. Cô không còn là “cô gái là bạn gái của Neil” nữa. Trước mắt tôi người phụ nữ này chỉ là một đứa trẻ bị thành phố nuốt chửng. Cô cũng giống chúng tôi. Bị bỏ rơi hoặc tự mình rời bỏ. Tôi khẽ hôn lên mi mắt cô.
“để tránh cảm giác tội lỗi mà em biết là anh sẽ làm trầm trọng hóa lên, hôm nay tụi em đã chia tay rồi” – cô nói, trước khi quay lưng lại và chìm vào giấc ngủ. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất tôi gặp cô. Chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa. Tôi nghĩ có thể một lúc nào đó, cũng giống như Neil, nếu cô muốn cô sẽ cho tôi gặp. Trên phố, đang chờ đèn đỏ để sang đường, bên cạnh một gốc cây to, đang đứng yên hoặc là đang khóc lóc.
Để tôi kể cho bạn nghe một chút về mùa hè năm chúng tôi mười bốn tuổi. Khi tôi và Neil phải trải qua khoảng thời gian đầu tiên không có nhau. Như tôi đã nói ở trên tôi không nhớ rõ cái lí do dẫn đến sự xa cách khủng khiếp ấy. Một hôm, khi ngày đầu tiên của kì nghỉ hè bắt đầu, mẹ tôi hỏi một câu rất bình thường mà ngày nào bà cũng hỏi tôi, thế nào, mẹ nói, hôm nay hai đứa có kế hoạch gì không? Đó là lúc tôi nhận ra tôi sẽ phải trải qua mùa hè này một mình, tự lên các dự định và tự hiện thực hóa chúng.
Đầu tiên tôi lên danh sách những địa điểm cần phải tránh xa. Thứ nhất là bãi đất trống, là chỗ quen thuộc của chung; thứ hai là hồ bơi nơi Neil hay rủ tôi đến xem người ta nhảy cầu; thứ ba là công viên vì sáng và chiều nào Neil cũng có mặt ở đó; thứ tư là quán cà phê mà cả hai chúng tôi đều thích; thứ năm là khu thư viện vì tôi biết khi không có gì làm Neil sẽ trốn vào đây và đọc đi đọc lại cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển; thứ sáu là khu vui chơi bởi ở đó có rạp chiếu phim, cả hai chúng tôi đều mê xem phim chết được; thứ bảy là, đến đây thì tôi không làm nữa. Trong quá trình lên danh sách tôi nhận ra một điều, tất cả những nơi tôi phải tránh, tất cả những chốn tôi hay lui đến hay những chỗ quen thuộc của tôi đều gắn liền với Neil. Nơi tôi thích cũng là nơi cậu ấy thích. Nếu tôi muốn tránh mặt Neil, tốt nhất tôi nên ở nhà. Đó là nơi duy nhất tôi được quyền chối bỏ sự tồn tại của cậu ấy.
Vậy là suốt cả mùa hè đó, trừ những lúc đi siêu thị tôi đều ở trong phòng, nằm dài ra tận hưởng sự mát mẻ của điều hòa và uống những bình nước chanh lớn. Đôi khi, khi hoàng hôn buông xuống tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ và tự hỏi lúc này Neil đang làm gì. Tôi không rõ liệu cậu ấy có lên một cái danh sách như tôi không nhưng vì sự ngu ngốc của Neil không phong phú như tôi nên có lẽ cậu ấy sẽ chẳng màng nhiều đến thế. Tôi đóng cửa sổ và kéo rèm, sau đó tôi ngồi trên giường và bôi kem chống muỗi. Có lẽ, với Neil, một kẻ tinh nghịch và chẳng mấy khi để tâm đến các vấn đề tình cảm vụn vặt sẽ vẫn vui chơi nhảy múa và tận hưởng mùa hè này như mọi khi thôi, cậu ấy đâu phải loại sẽ nghĩ quá nhiều đến việc phải làm sao để không giáp mặt cái kẻ làm cậu ấy bực mình đến thế. Mà có khi, tôi nghĩ, Neil còn muốn đụng mặt tôi để chửi bới nữa kia. Nói chung, cả mùa hè từ lớp tám lên lớp chín đó, tôi nằm nhà, không làm gì đặc biệt ngoại trừ nghe đến nát album One của The Beatles.
Khi mùa hè dài đằng đẵng cuối cùng cũng kết thúc, chúng tôi rục rịch trở lại trường. Trong khi tôi vẫn còn đang băn khoăn không biết nên làm sao thì Neil đã đợi tôi để đi học vào buổi sáng. Tôi thức dậy lúc sáu giờ ba mươi và như mọi ngày trong suốt cuộc đời mười bốn năm đó, tôi tập ba bài thể dục kết hợp. Xong xuôi tôi đi làm vệ sinh cá nhân và chờ mẹ gọi xuống để ăn sáng. Nhưng hôm đó mẹ không gọi tôi xuống ăn sáng, bà chỉ lên phòng để bảo với tôi rằng Neil đang đợi tôi dưới nhà và cậu ấy nói cậu ấy đã mua bữa sáng cho cả hai. Vậy là chúng tôi cứ thế chơi lại với nhau thôi.
Cảm giác gặp lại Neil khi đó, khi cậu ấy quay lại để nhìn tôi cho rõ lúc tôi bước ra khỏi nhà, khi tôi nhìn thẳng vào Neil, chúng giống như một đám mây dịu dàng bao bọc lấy tôi, như thể bạn gặp lại đứa bạn thân đi du lịch xa vừa trở về sau một mùa hè nóng nực. Chuyện gì đó gây ra mối xung đột giữa chúng tôi đã biến mất ngay lập tức và có thể là bởi thế, tôi đã quên mất nó rồi. Đôi mắt của Neil và dáng vẻ uể oải nửa đứng nửa ngồi quen thuộc của cậu ấy đã an ủi và ôm siết lấy tôi, nếu trước đó tôi đã từng buồn bã thì những nỗi buồn trẻ con đó đã bị rút cạn đi hết rồi.
Khi đã bắt đầu nhớ lại, từng kí ức nhỏ sẽ tập hợp tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Như người ta đã từng nói, phải lùi ra xa thì mới có thể dùng cái nhìn khách quan để phán xét mọi chuyện. Điều này đúng với Neil. Sau khi cậu ấy đã ra đi rồi, tôi mới có thể hình dung và tái tạo lại cậu ấy. Khi tôi vẫn còn cậu ấy kề bên, Neil chỉ là một đứa trẻ bướng bỉnh, thích thuyết giảng về đạo đức và xem việc lăng mạ người khác là chuyện cười, cậu ấy rất dễ cáu giận và có cái dáng vẻ hung hăng đến mức dù chưa bao giờ đánh ai, sự xa lánh của mọi người trầm trọng tới nỗi đến một lúc, Neil cũng bắt đầu tin vào việc bản thân cậu ấy có thể làm tổn thương ai đó khi mất kiểm soát. Nhưng mà thực ra, Neil hoàn toàn khác. Cậu ấy chính là con người mà không có bất kì ai ngay cả tôi, được nhìn thấy. Neil là chính Neil khi không ai khác nhận ra.
Neil rất hay cười. Cậu ấy mau quên và vì thế, rất dễ dàng tha thứ. Mặc dù khi nổi giận Neil sẽ trở nên đáng sợ nhưng thành thật mà nói cậu ấy luôn có thể làm lành với bất kì ai. Neil muốn được yêu thương, nhưng cậu ấy không có khả năng tiếp nhận sự yêu thương. Theo tôi nghĩ thì đó là điều buồn bã nhất. Khi mà cả hai bên chỉ có thể bất lực nhìn thẳng vào nhau khi tự tay đâm nát trái tim nhau.
Vào buổi sáng sau hôm tôi ngủ với bạn gái của Neil, tôi tỉnh dậy và nhận ra cô đã biến mất. Thực ra trước khi đi ngủ tôi đã nghĩ đến điều này. Cô ấy là kiểu con gái không bao giờ ở bên cạnh bạn khi bạn tỉnh giấc, cô ấy không phải con người của buổi sáng. Tôi thay quần áo và vì còn một tiếng nữa mới đến giờ trả phòng, tôi quyết định gọi cho Neil. Tôi không có ý định nói chuyện này với cậu ấy qua điện thoại, không hề, chỉ những đứa bạn tồi mới làm thế. Tôi chỉ muốn gọi để hỏi xem cậu ấy đang ở đâu và liệu tôi có thể gặp được cậu ấy. Tiếng chuông đổ trong không gian yên ắng của bầu trời sáu giờ sáng, từ bên ngoài tôi có thể nghe thấy tiếng chim hót sau những bụi cây, những búi dây điện lớn cuộn chặt vào nhau giăng ngang trên bầu trời, những con người nhỏ xíu trên mặt đất đang bắt đầu về nhà và những con người bé nhỏ hơn thì hãy còn say giấc. Neil của tôi ở đâu trong thế giới ấy? Giữa cái thành phố cô đơn đồ sộ này, đôi khi tôi có cảm giác Neil đã lọt xuống một cái khe nứt nào đó chạy dọc ngang, và rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại cậu ấy nữa.
Những ngày đó khi chúng tôi chỉ vừa tốt nghiệp, như những con cừu non đang đi lang thang trên cánh đồng và cố gắng xác định phương hướng trong bóng tối, chúng tôi chỉ có thể dựa vào nhau. Những tháng ngày đó, sự bất ổn của mọi thứ đã đổ rạp lên chúng tôi như bị ai giẫm đạp. Chúng tôi bước từng bước, chậm rãi, đầu cúi gằm và đóng chặt vào mặt đất dưới chân, những cơn bão lớn từ phương nam thổi tới như muốn cuốn chúng tôi bay lên cao rồi ném xuống. Bỗng, có một lúc nào đó, khi mà dường như ánh nắng ấm áp từ đâu xuất hiện sau một một đám mây mù, khi tôi khoan khoái ngẩng đầu lên và chậm rãi xoay cổ, tôi mới nhận ra từ lúc nào chỉ còn tôi trơ trọi trên cánh đồng xanh thăm thẳm, không có ai kề bên, bầu trời trên cao rộng lớn như không cùng và mặt đất dưới chân thì cứ thế trải dài ra, bao la và vô tận. Neil đang ở đâu, tôi nhìn quanh, nhưng dù tôi có tỉnh dậy bao nhiêu lần từ những giấc mơ, trong thực tại này Neil cũng không còn ở đó. Đôi khi những suy nghĩ này làm tôi thấy mệt mỏi. Chúng nghiền nát tôi tới mức tôi thậm chí không thể nào khóc.
“tớ đây” – Neil đáp, giọng nói của cậu ấy rơi qua ống nghe và tan ra, nhập làn với không khí – “gọi sớm thế?”.
“tí nữa gặp được không? Hôm qua mấy giờ cậu về nhà?” – tôi hỏi, trong đầu mình tôi đang sắp xếp lại câu chuyện theo lối rành mạch nhất. Này, Neil, có một chuyện tớ phải nói với cậu, hôm qua tớ đã ngủ với bạn gái cậu, cô ấy đấy, sau khi rời quán bar tụi tớ đã đi uống một chút và tớ hỏi cô ấy có thể ngủ với tớ không. Khi đó tớ chưa biết là các cậu đã chia tay, Neil ạ, tớ đã làm một việc rất sai và tớ thấy mình có lỗi với cậu. Neil, này, có thể tha thứ cho tớ không?
Nhưng tôi cứ chần chừ mãi.
“được chứ, lát nữa bảy giờ ở trước nhà cậu nhé” – Neil nói – “mà này, hôm qua thế nào? Cậu thấy sao?”
“ừ, sao là sao? Bạn gái cậu à? Cô ấy xinh đấy” – đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Sau đó tôi im lặng.
Neil cũng im lặng. Cậu ấy không nói gì và chúng tôi nghe tiếng thở của nhau.
“nghe này” – cuối cùng Neil thì thầm – “nếu cậu gọi cho tớ để hối lỗi thì tốt nhất là bỏ đi. Chuyện này đâu có là gì”.
“cậu biết rồi?” – tôi cảm thấy trái tim thắt nghẹn lại. Không phải sự giận dữ, Neil đang dịu dàng với tôi. Những lúc như vậy luôn làm tôi sợ hãi. Neil chỉ tỏ ra như vậy khi cậu ấy bối rối và không biết phải xử trí thế nào. Giống như lần tôi làm vỡ trò chơi điện tử của cậu ấy hồi lớp sáu hay như lần tôi không cho cậu ấy cái bánh mì. Chỉ là những chuyện nhỏ và cũng lâu rồi nhưng sự dịu dàng của Neil, cách cậu ấy nhìn và mỉm cười với tôi rồi quay lưng đi đều làm tôi đau đớn. Có thể khóc được một chút như chứng kiến cái chết rất nhanh của một con vật nhỏ.
“ừ, cô ấy gọi cho tớ. Trước cả cậu luôn đấy. Nhưng tụi tớ chia tay rồi mà, ối trời, cậu đâu có lỗi lầm gì” – Neil nói – “lát nữa gặp nhé. Bây giờ tớ phải đi tắm đây” – rồi Neil cúp máy.
Ba ngày sau đó, tôi nhận được tin Neil chết khi đang mải chuyển các chậu hoa đinh hương vào cửa hàng. Mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Bà nói, Neil chết rồi, thằng bé bị tai nạn. Một cái xe mất lái đã đâm vào Neil khi nó đang sang đường. Thằng bé chết rồi.
Phải, Neil chết rồi. Tôi lẩm bẩm. Cậu ấy chết rồi. Sau đó tôi chuyển hết số đinh hương trong xe tải vào cửa hàng và ngồi trực đến chín giờ. Tôi trở về nhà, không đi siêu thị. Mẹ tôi đi đâu đó chưa về, có thể bà vào bệnh viện. Có thể Neil đang ở trong bệnh viện, có thể không. Vì cậu ấy chết rồi. Có ở đâu thì cũng vậy thôi. Tôi không thể đến với cậu ấy được nữa.
Sau cái chết của Neil, tôi cố không để sự kiện đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nhiều. Tôi giảm thiểu mức thiệt hại của nó như người ta phòng trừ một thảm họa. Đám tang của Neil nhỏ bé đến mức không được quá mười người. Tôi và mẹ là hai trong số ấy. Tôi gặp mẹ của Neil, bà đứng trước cửa nhà để đón khách. Tôi thử bắt chuyện với bà nhưng có vẻ bà không trông thấy tôi. Bà có vẻ không trông thấy bất kì ai suốt cả ngày hôm ấy.
Cô gái đó không xuất hiện trong đám tang. Tôi chưa bao giờ có dịp hỏi cho ra lẽ chuyện của hai người. Họ gặp nhau ở đâu, ra sao, ai đã làm quen trước, họ đã hôn nhau chưa, khi ôm Neil cô cảm thấy thế nào. Nhưng nói cho cùng thì, dù có gặp lại tôi cũng sẽ không hỏi những điều ấy. Nếu thực sự có thể gặp lại cô, tôi sẽ nói với cô rằng, không, cô đã nhầm rồi, Neil không phải một đứa trẻ đáng thương đâu.
Cậu ấy đã sống rất kiên cường. Cậu ấy mạnh mẽ hơn cả tôi và cả cô, cậu ấy khoan dung hơn phần lớn mọi người. Neil là một đứa trẻ mười tám tuổi, cậu ấy là một người bạn của tôi và tôi nghĩ, có lẽ cậu ấy đã tìm thấy chính mình giữa thành phố có những xa lộ cô đơn.
2014-04-24
11:16 pm