Quần Jean May Mắn Chương 7

Chương 7
Mình đang chết dần chết mòn ở cửa hàng Wallman, Tibby kết luận như vậy vào buổi chiều hôm sau dưới những bóng đèn huỳnh quang kêu vo vo.

 Công việc này sẽ không làm cho ai chết sớm hơn bình thường. Nhưng nó thực sự gây đau đớn kinh.

Tại sao những cửa hàng như thế này lại không có cái cửa sổ nào nhỉ? nó tự hỏi. Họ có bao giờ tưởng tượng ra một cái nhìn thoáng qua của mặt trời có thể khiến những nhân viên bị giam hãm và xanh xao của họ đào tẩu mất không?

Hôm nay nó quay lại dãy 2, lần này là để dỡ các băng vệ sinh cho người già xuống. Thế còn nó và vệ sinh cá nhân thì sao? Tối qua mẹ đã yêu cầu nó dùng thẻ ưu đãi giảm giá ở cửa hàng để mua tã cho em trai và em gái. Nó không chịu thú nhận rằng nó đã mất ưu đãi ấy.

Khi nó ngồi xếp những đống tã hiệu Depends, cơ thể và đầu óc nó dường như đã chìm xuống hoạt động ở mức thấp nhất. Nó có thể tưởng tượng hình ảnh vạch sóng não của nó phẳng lì trên những bảng thông báo của máy điện não đồ của bệnh viện. Nó đang chết ở đây, trong cửa hàng Wallman này.

Bỗng nhiên nó nghe thấy tiếng đổ vỡ và vươn cổ ra xung quanh để nhìn. Trong một cơn thôi miên, nó nhìn thấy toàn bộ tòa kim tự tháp các thỏi lăn nách của nó đổ sụp dưới sức nặng của một cô bé bị ngã. Cô bé vừa ngã này không tự đứng dậy như Tibby mong đợi mà ngã sóng soài xuống đất, đầu đập một cái choang trên sàn nhà.

Ối giời ơi, Tibby nghĩ, cuống cuồng chạy đến chỗ cô bé. Tibby có cảm giác như nó đã nhìn thấy cảnh này trên TV hơn là thực sự trải qua nó. Các thỏi lăn nách lăn khắp nơi. Cô bé khoảng mười tuổi. Mắt cô bé nhắm chặt. Mái tóc hoe vàng xõa ra sàn nhà. Cô bé có chết không nhỉ? Tibby phân vân trong hoảng loạn. Nó nhớ ra máy bộ đàm của nó. “Có ai không? Có ai không?” nó gào vào máy, bấm loạn xạ, ước gì biết cách sử dụng.

Nó chạy hết tốc lực về phía cửa kiểm tra đằng trước. “Cấp cứu! Có một ca cấp cứu ở dãy 2! Gọi ngay 911_(1) đi!” nó ra lệnh. Hiếm khi nó nói liền tù tì nhiều từ đến thế mà không có chút mỉa mai nào. “Một cô bé đang nằm bất tỉnh ở dãy 2!”

Yên tâm vì Brianna đã gọi điện, Tibby chạy lại với cô bé. Cô bé vẫn nằm đó, không động đậy. Tibby nắm tay cô bé. Nó tìm mạch, cảm thấy như bỗng nhiên nó rơi vào một buổi trình diễn cấp cứu. Một mạch đã mất nhịp. Nó vươn tay ra tìm ví của cô bé trong túi, rồi dừng lại. Có phải là không được chạm vào thứ gì cho đến khi cảnh sát đến đây không nhỉ? Hoặc là, ôi không, nếu như đó là một vụ giết người thì sao? Nó đang lẫn lộn giữa buổi trình diễn của bác sĩ và của cảnh sát. Nó tiếp tục lấy chiếc ví. Dù bố mẹ của cô bé này là ai, họ chắc chắn sẽ muốn biết tại sao cô bé lại nằm lăn ra ngất ngay giữa cửa hàng Wallman.

Trong ví có một cái thẻ thư viện. Một trang xem tử vi cắt từ một tạp chí. Một bức ảnh con gái chụp ở trường cười hở toàn răng là răng với cái tên Maddie và rất nhiều hình vẽ những nụ hôn ở mặt sau. Bốn tờ một đôla. Sao mà vô dụng khủng khiếp thế. Cũng như kiểu những thứ nó có trong ví khi ở tuổi đó.

Đúng lúc này thì ba anh chàng cấp cứu khẩn cấp mang một chiếc cáng lao vào hành lang. Hai người trong bọn họ bắt đầu lắc cho cô bé tỉnh lại, và người còn lại xem xét chiếc vòng y tế bằng bạc quanh cổ tay trái cô bé. Tibby đã không nghĩ ra việc đó.

Anh chàng thứ ba có những câu hỏi dành cho Tibby. “đã xảy ra chuyện gì vậy?” anh ta hỏi. “Cô có nhìn thấy không?”

“Không hẳn là tôi đã nhìn thấy hết. Tôi nghe thấy một tiếng động lớn, rồi tôi chạy ra và thấy cô bé này đang ngã lăn vào chỗ hàng bày mẫu đó. Cô bé đã đập đầu xuống đất. Tôi đoán là cô bé bị ngất.”

Anh chàng này không còn chú ý vào vẻ mặt Tibby nữa, nhưng vào chiếc ví mà cô đang cầm trong tay. “Cái gì thế kia?” anh ta hỏi.

“À, đó là ví của cô bé.”

“Cô lấy ví của em ấy?”

Mắt Tibby mở to. Bỗng nhiên nó nhận thức ra việc đó trông có vẻ thế nào. “Tôi muốn nói, tôi chỉ...”

“Tại sao cô không bước tới đây và đưa nó lại cho tôi nhỉ?” người đó nói chậm rãi. Có phải anh ta đang đối xử với nó như một tên tội phạm hay nó bị hoang tưởng?

Tibby không hề thấy muốn trêu chọc anh ta bằng miệng lưỡi vốn nổi tiếng mỉa mai của nó. Nó thấy như muốn khóc. “Tôi muốn tìm số điện thoại của cô bé,” nó giải thích, giơ chiếc ví ra cho anh ta. “Tôi muốn cho bố mẹ cô bé biế t chuyện gì đang xảy ra.”

Mắt anh chàng dịu lại. “Tại sao cô không ngồi yên một lúc trong khi chúng tôi mang cô bé vào xe cấp cứu. Bệnh viện sẽ lo việc liên hệ với bố mẹ cô bé.”

Tibby nắm chặt lấy chiếc ví và đi theo những người đàn ông và chiếc cáng ra ngoài. Chỉ trong vài giây họ đã đưa cô bé vào trong xe. Tibby nhìn thấy vệt ố trên quần bò của cô bé và chỗ thấm ướt do con bé tè ra. Tibby quay đầu đi thật nhanh cũng như khi nó nhìn thấy một người lạ khóc. Nhìn thấy người khác ngất đi và đập đầu xuống đất có vẻ ổn, nhưng thế này thì có vẻ là quá nhiều thông tin.

“Tôi có thể đi cùng không?” Tibby không biết tại sao nó lại hỏi thế. Có lẽ là do nó lo rằng cô bé sẽ tỉnh dậy và chỉ nhìn thấy những anh chàng cấp cứu đáng sợ kia. Họ ngồi dịch lại để Tibby có chỗ ngồi gần cô bé. Nó vươn tay ra và nắm lấy tay cô bé. Một lần nữa nó không rõ tại sao nó lại làm thế, trừ phi nó có cảm giác nếu nó phóng vọt đi trên phố Old Georgetown Road trong một cái xe cứu thương thì có lẽ nó sẽ muốn có ai đó nắm tay mình.

Đến ngã tư giữa đường Wisconsin và Bradley, cô bé đã tỉnh lại. Cô bé nhìn xung quanh, chớp chớp mắt, có vẻ bối rối. Nó nắm chặt lấy tay Tibby, sau đó nhìn xuống để xem là tay ai. Khi nhìn thấy Tibby, nó có vẻ ngơ ngác, rồi nghi ngại. Mắt mở to, cô bé nhìn thấy cái bảng tên “Xin chào, tôi là Tibby!” và cái áo đồng phục màu xanh của Tibby. Sau đó nó quay sang anh chàng của đội cấp cứu đang ngồi phía bên kia. “Tại sao chị bán hàng ở cửa hàng Wallman lại nắm tay cháu?” cô bé hỏi.

 

Có tiếng gõ cửa. Carmen liếc nhìn cái cửa và ngồi dậy trên tấm thảm. Vali đang mở, nhưng nó chưa xếp cái gì ra cả. “Ai đấy?”

“Em có thể vào được không?”

Nó gần như chắc đó là Krista.

Không, cô không được vào. “Ừ, vào đi.”

Cánh cửa mở ra ngập ngừng. “Chị Carmen? Đến giờ... ăn tối rồi đúng không? Chị đã sẵn sàng xuống chưa?”

Chỉ có đầu của Krista thò vào khung cửa. Carmen có thể ngửi thấy son môi của cô bé. Nó ngờ Krista nói chuyện kiểu uốn cao giọng ở cuối. Thậm chí cả những câu thông báo cũng ở dạng câu hỏi.

“Chị sẽ xuống ngay, một phút nữa thôi,” Carmen nói.

Krista rút lui và đóng cửa lại.

Carmen duỗi dài ra trên sàn thêm một phút. Làm thế nào mà nó đến được đây nhỉ? Làm thế nào mà tất cả những chuyện này xảy ra? Nó hình dung ra một Carmen thay thế ở một hành tinh khác đang ăn uống no say với bố ở một nhà hàng trên phố, trước khi thách bố chơi một ván bi-a. Nó thấy ghen tỵ với Carmen ấy thế.

Carmen lê bước xuống cầu thang và ngồi vào chỗ của nó ở cái bàn ăn bày biện công phu. Các loại dao dĩa phức tạp ở nhà hàng thì được, nhưng ở chính phòng ăn của ai đó ư? Có những chiếc đĩa trắng tinh phủ khăn mà cuối cùng hóa ra bên trong đầy những món ăn tự nấu ở nhà. Sườn cừu, khoai tây rán, món zucchini sốt cay và ớt đỏ, xa lát cà rốt, bánh mì nóng. Carmen giật bắn mình khi nhận thấy tay Krista cầm lấy tay nó. Nó gạt phăng tay cô bé đi không suy nghĩ.

Má Krista đỏ lựng lên. “Xin lỗi,” cô bé lẩm bẩm. “Chúng tôi nắm tay để cầu kinh.”

Nó nhìn bố. Ông đang vui vẻ nắm tay Paul một bên và vươn tay ra để nắm lấy tay nó ở bên kia. Đó là điều họ làm. Chúng ta thì làm gì nhỉ? nó cảm thấy như đang hỏi bố nó. Chúng ta cũng phải là một gia đình ư? Nó đành chịu phục tùng nghi lễ nắm tay và việc cầu kinh lạ lẫm này. Bố nó chính là người đã từ chối cải đạo sang Thiên Chúa giáo để làm hài lòng ông bà ngoại Carmen. Bây giờ bố lại là Ông Cầu kinh ư?

Carmen khổ sở nghĩ đến mẹ. Bây giờ nó và mẹ vẫn cầu kinh, nhưng khi bố còn ở cùng hai mẹ con thì không.

Nó nhìn Lydia trừng trừng. Người đàn bà này có thứ sức mạnh gì vậy?

“Lydia, món này tuyệt quá,” bố nó nói.

“Ngon lắm ạ,” Krista chêm vào.

Carmen cảm thấy mắt bố nó đang nhìn nó. Nó có nhiệm vụ phải nói gì đó. Nãy giờ nó chỉ ngồi đó và nhai.

Paul ngồi im lặng. Anh ta nhìn Carmen, sau đó nhìn xuống.

Mưa quất vào cửa sổ. Tiếng đồ ăn bằng bạc chạm nhau lách cách, tiếng răng nhai.

“À, Carmen,” Krista đánh bạo bắt chuyện. “Chị không giống như em hình dung chút nào?”

Carmen nuốt nguyên một miếng tướng mà không cần nhai. Chẳng ích gì. Nó hắng giọng. “Em muốn nói là trông tôi giống như người Puerto Rico à?” Nó chĩa đôi mắt trừng trừng vào Krista.

Krista cười khúc khích và sau đó rút lại. “Không, em chỉ muốn nói... chị biết đấy... kiểu chị có mắt màu sẫm và tóc sẫm lượn sóng?”

Và da nâu và một cái mông bự? Carmen cảm thấy muốn thêm vào.  

“Đúng,” Carmen nói “Trông tôi như người Puerto Rico, cũng như mẹ tôi vậy. Mẹ tôi là người Puerto Rico. Dân Mỹ Latinh. Bố tôi có lẽ đã không đề cập đến điều đó.”

Giọng Krista trở nên khẽ đến nỗi Carmen không chắc liệu cô bé có còn nói tiếp không. “Em không chắc liệu chú có...” Krista nói nhỏ dần cho đến khi cô bé chỉ còn lẩm nhẩm với cái đĩa của mình.

“Carmen có chiều cao và khả năng học toán của chú,” bố nó nói. Như vậy thật là vụng về, nhưng Carmen dù sao cũng biết ơn câu nói đó.

Lydia sốt sắng gật đầu. Paul vẫn không nói gì.

“À, Carmen,” Lydia đặt chiếc dĩa lên đĩa của mình. “Bố cháu kể với cô rằng cháu chơi tennis cừ lắm.”

Tình cờ đúng lúc đó mồm Carmen lại đầy những thức ăn. Có vẻ như phải mất đến tận năm phút nó mới nhai và nuốt xong. “Cũng tạm ạ,” chính là phần thưởng tuyệt vời có được sau khi thực hiện xong cái việc nhai nuốt lâu la ấy.

Carmen biết nó đã quá kiệm lời với những câu trả lời cụt ngủn ấy. Lẽ ra nó có thể trả lời dài hơn, hoặc hỏi lại một câu. Nhưng nó tức giận. Nó tức giận đến độ nó cũng không hiểu chính mình. Nó không muốn thức ăn Lydia nấu lại ngon thế. Nó không muốn bố nó ăn lại ngon lành thế. Nó không muốn Krista trông lại giống như một cô bé búp bê trong cái áo len màu hoa oải hương ấy. Nó muốn Paul thực sự nói gì đó chứ không chỉ có ngồi kia và nghĩ nó là một con điên ngu ngốc. Nó ghét những người này. Nó không muốn có mặt ở đây. Bỗng nhiên nó thấy chóng mặt. Nó cảm thấy nỗi lo sợ nhói lên trong bụng. Tim nó đập thình thình.

Nó đứng lên. “Con gọi điện cho mẹ có được không?” nó hỏi bố nó.

“Dĩ nhiên rồi,” ông nói, cũng đứng lên. “Sao con không sử dụng điện thoại trong phòng dành cho khách ấy.”

Nó rời bàn không nói thêm lời nào và chạy thẳng lên gác.

“Mẹ ơiiii,” nó nức nở trong điện thoại một phút sau. Kể từ khi được nghỉ hè ngày nào nó cũng dần dần đẩy mẹ ra xa, mơ tưởng một mùa hè với bố nó. Bây giờ thì nó lại cần mẹ, và nó cần mẹ quên hết những điều đó.

“Sao thế con yêu?”

“Bố sẽ lấy vợ. Bây giờ bố đã có cả một gia đình rồi. Bố có một bà vợ và hai đứa con tóc vàng và ngôi nhà tuyệt vời này nữa. Con đang làm gì ở đây thế này, mẹ ơi?”

“Ôi Carmen. Chúa ơi. Bố con sẽ lấy vợ à? Đó là ai vậy?”

Mẹ nó không thể nào nhịn nổi đã để lộ chút tò mò trong sự quan tâm.

“Vâng, vào tháng Tám. Tên cô ta là Lydia.”

“Lydia gì?”

“Con còn chưa biết.” Carmen thả mình rơi xuống lớp ga trải giường in hoa.

Mẹ nó thở dài. “Vậy còn bọn trẻ con kia thế nào?”

“Con không biết. Tóc vàng. Ít nói.”

“Bao nhiêu tuổi?”

Carmen cảm thấy không thích những câu hỏi này. Nó cảm thấy như đang trở lại thành trẻ con và được thương hại. “Thiếu niên. Cậu con trai thì hơn tuổi con. Con không biết chính xác tuổi.”

“Ừm. Lẽ ra bố nên nói cho con biết trước khi con đến đó.”

Carmen có thể cảm thấy có sự tức giận trong giọng mẹ nó. Nhưng bây giờ nó không muốn liên can đến việc đó.

“Không sao đâu mẹ. Bố nói bố muốn khi nào gặp sẽ cho con biết. Chỉ là... con không cảm thấy thích ở đây chút nào nữa thôi.”

“Ôi con yêu, con đang thất vọng không có riêng bố cho con.”

Khi có câu nói đó, Carmen không thể nào tìm thấy chỗ thích hợp cho cơn phẫn nộ của nó được nữa.

“Không phải thế,” nó rền rĩ. “Họ thật...”

“Sao con?”

“Con không thích họ,” nỗi tức giận của Carmen đã khiến nó không nói ra lời.

“Tại sao thế?”

“Con chỉ không thích thôi. Họ cũng không thích con.”

“Làm sao con biết?” mẹ nó hỏi.

“Con chỉ đơn giản là biết,” Carmen dằn dỗi nói, tự căm ghét chính mình vì đã trẻ con như vậy.

“Con cáu với những người lạ đó, hay con cáu với bố?”

“Con không cáu với bố,” Carmen nói nhanh, thậm chí không chút suy nghĩ. Không phải là lỗi của bố nó khi ông say mê một phụ nữ có đủ thể loại nước uống cho các con và một phòng dành cho khách sang trọng cỡ khách sạn năm sao.

Nó tạm biệt mẹ và hứa hôm sau sẽ gọi lại. Sau đó nó nằm cuộn mình trong chăn và khóc vì những lý do mà nó cũng chẳng biết là gì nữa.

Một phần tỉnh táo trong đầu bảo nó rằng nó nên cảm thấy mừng cho bố nó. Ông đã gặp người phụ nữ ông yêu đến độ muốn làm lễ cưới. Ông bây giờ đã có cả cuộc sống. Rõ ràng đó là điều ông muốn. Nó biết lẽ ra mình nên cầu cho ông có những gì ông muốn.

Nhưng nó vẫn ghét họ. Và nó ghét mình vì đã ghét họ.

*

*       *

Bridget từ từ thả mình xuống làn nước ấm. Hàng nghìn con cá nhỏ đang rỉa quanh mắt cá nó.

“Tớ muốn có Eric,” nó bảo Diana, cô gái ở bên đội 4. “Cậu đổi nhóm với tớ được không?” Đây không phải lần đầu tiên nó đề nghị thế.

Diana cười nó. “Cậu không nghĩ là họ sẽ chú ý à?”

“Anh ấy sẽ hướng dẫn một buổi tập chạy vào lúc 5h,” Emily nói.

Bridget nhìn đồng hồ “Úi, năm phút nữa thôi.”

“Cậu không sẵn sàng để chạy đâu,” Diana nói.

Bridget đã ra khỏi làn nước. “Có chứ.”

“Sáu dặm đấy,” Emily nói.

Thực tế là Bridget đã chẳng chạy dù chỉ một dặm trong suốt hai tháng qua. “Họ sẽ tập trung ở đâu?”

“Ở gần kho dụng cụ,” Emily nói, nhúng mình sâu hơn vào làn nước.

“Hẹn gặp lại các cậu,” Bridget nói với qua vai mình.

Trong cabin nó mặc vội vàng một cái quần soóc và một cái áo lót thể thao trùm ra ngoài bộ đồ tắm. Nó đi tất và xỏ giày vào. Trời nóng phát khiếp nên chẳng cần phải lo về việc chạy với cái áo lót thể thao có được chấp nhận hay không.

Nhóm chạy đã bắt đầu. Bridget phải chạy theo họ một chặng đường. Lẽ ra nó phải dành một phút cho khởi động.

Có khoảng mười lăm người tất cả. Bridget bị tụt lại trong dặm đầu tiên cho đến khi nó cảm thấy bắt được nhịp. Chân nó dài và nó không thừa kilô nào. Điều đó khiến nó trở thành một người chạy tốt bẩm sinh, kể cả khi nó không tập luyện đều.

Nó chạy lên nhóm giữa. Eric nhận ra nó. Nó chạy bứt lên sóng ngang anh ta. “Xin chào, em là Bridget,” nó nói.

“Bridget?” anh ta để nó chạy bắt kịp.

“Nhưng mọi người thường gọi em là Bee.”

“Ong à? Như là trong từ Ong ngh phải không?”

Nó gật đầu và mỉm cười.

“Anh là Eric,” anh ta tỏ vẻ cởi mở.

“Em biết,” nó nói.

Anh ta quay ra đối diện với nhóm chạy “Hôm nay chúng ta sẽ chạy bảy phút một dặm. Tôi cho là chúng ta có những người tập chạy nghiêm túc trong nhóm. Nếu thấy mệt, chỉ cần quay lại nhịp chạy bình thường của các em. Tôi không trông đợi tất cả mọi người đều có thể chạy hết vòng chạy với tôi.”

Trời ơi. Bảy phút một dặm. Con đường chạy lên đồi. Nó đá tung bụi từ lớp đất khô dưới chân lên. Bên kia đồi mặt đất bằng phẳng trở lại. Họ chạy dọc theo một lòng sông đã cạn trong mùa khô.

Nó toát mồ hôi, nhưng vẫn thở đều. Nó chạy song song với Eric. “Em nghe nói là anh từ Los Angeles tới,” nó nói. Một số người thích nói chuyện trong khi chạy. Một số người ghét việc đó. Nó rất muốn thử xem anh ta thuộc loại nào.

“Ừ,” anh ta nói.

Nó có thể đoán anh ta là loại thứ hai khi anh ta mở miệng tiếp. “Tuy nhiên anh dành nhiều thời gian ở đây.”

“Ở Baja này á?” nó hỏi. 

“Ừ. Mẹ anh là người Mexico. Bà ở Mulegé.”

“Thật à?” Bridget hỏi, thật sự rất thú vị. Điều đó lý giải cho vẻ ngoài của anh ta. “Chỉ cách đây có vài dặm về phía nam, phải không?”

“Đúng,” anh ta đồng ý. “Thế còn em?”

“Em đến từ thủ đô Washington. Bố em từ Amsterdam.”

“Ái chà. Vì thế mà em biết tất cả hội chứng của người có bố mẹ là người nước ngoài nhỉ.”

Nó cười, vui vì thấy việc này đã diễn tiến như vậy. “Em biết.”

“Thế còn mẹ em?” Và đây, không hề dự báo trước, nó đã đến thẳng cuộc thử nghiệm thứ hai. Đây là cuộc thử nghiệm nó định để dành cho đoạn cuối con đường, nếu có thể.

“Mẹ em...” là? đã là? Nó vẫn chưa quyết định nên sử dụng thời nào khi nói đến chuyện này. “Mẹ em... đã từ Alabama đến. Mẹ mất rồi.” Bridget đã phải mất đến bốn năm nói rằng mẹ nó “đã qua đời”, nhưng rồi từ đó thật sự bắt đầu làm nó khó chịu. Nó không thích hợp với những gì đã xảy ra.

Anh ta quay đầu lại và nhìn thẳng vào nó. “Anh rất buồn cho em.”

Nó cảm thấy mồ hôi khô đi trên da nó. Đó là một câu nói trung thực, làm nguôi lòng. Nó nhìn ra chỗ khác. Ít nhất anh ta đã không nói, “Anh rất tiếc.” Bỗng nhiên nó cảm thấy mình như đã quá hở hang trong cái áo lót thể thao.

Với phần lớn các chàng trai, nó đều hoàn toàn có khả năng chặn trước vấn đề này. Đôi khi nó đi chơi với các chàng trai suốt hàng tháng trời mà vẫn không hề nói chuyện như thế này. Thật lạ là với Eric mọi thứ đã xuất hiện chỉ trong hai phút đầu tiên. Carmen sẽ coi đó là dấu hiệu của thứ gì đó, nhưng đó là vì Carmen luôn tìm kiếm những dấu hiệu. Bridget chẳng bao giờ làm như thế.

“Anh đang học ở trường Columbia?” nó hỏi, để sự lo lắng rớt lại con đường họ vừa qua.

“Ừ.”

“Anh có thích trường ấy không?”

“Đó là một ngôi trường hơi lạ đối với một vận động viên,” anh ta nói. “Thể thao không hẳn là thứ gì đó đặc biệt quan trọng ở đó.”

“Đúng.”

“Nhưng trường đó có một chương trình bóng đá đặc biệt, và các giảng viên rất giỏi. Điều đó đối với mẹ anh rất quan trọng.”

“Nghe hợp lý,” nó nói. Profile của anh ta đẹp hết cỡ.

Anh ta đang tăng dần tốc độ chạy. Nó coi đó là một thách thức. Nó lúc nào cũng thích sự thách thức.

Nó liếc nhìn lại phía sau để thấy rằng nhóm chạy đã vơi đi rất nhiều. Nó giữ nhịp chạy ngang bằng anh ta. Nó yêu cảm giác căng trong cơ bắp của mình, niềm vui đến cùng với sự mệt mỏi dần tăng.

“Em bao nhiêu tuổi?” anh ta hỏi rất thẳng thắn.

Nó đã hy vọng có thể tránh vấn đề này. Nó biết nó là một trong những cô gái ít tuổi nhất ở đây. “Mười sáu,” nó trả lời. Nó sẽ mười sáu tuổi sớm thôi mà. Làm tròn vậy không phải là một tội lỗi ghê gớm gì, đúng không? “Thế còn anh?”

“Mười chín,” anh ta trả lời.

Đó không phải là một khoảng cách lớn. Đặc biệt là nếu nó mười sáu tuổi.

“Em đã nghĩ về trường đại học chưa?” anh ta hỏi.

“Có lẽ là đại học Virginia,” nó nói. Thực ra thì nó chưa có ý tưởng gì cả. Thực tế là huấn luyện viên trường đại học Virginia đã khen ngợi Bridget với huấn luyện viên ở trường trung học của nó. Bridget biết nó không cần phải lo lắng nhiều về trường đại học, kể cả khi điểm số của nó không chói lọi cho lắm.

“Trường đó hay đấy,” anh ta nói.

Bây giờ nó đang tăng tốc độ chạy. Nó cảm thấy tuyệt vời và sự phấn khích khi được ở gần Eric đến thế này đã tiếp sức cho những cơ bắp của nó. Họ chạy vòng lại để kết thúc cuộc chạy đến bãi biển.

“Em hẳn là rất nghiêm túc với việc tập chạy,” anh ta nói với nó.

Nó cười. “Hàng tháng rồi em đã không chạy đấy.” Và với câu đó, nó chạy nước rút thêm. Những người còn lại của nhóm chạy đã tụt lại xa phía sau. Nó rất tò mò muốn biết liệu Eric sẽ chạy với nhịp độ trước đây hay tăng tốc để chạy ngang bằng nó.

Nó cảm thấy khuỷu tay anh chạm vào khuỷu tay nó. Nó mỉm cười. “Chạy thi nhá.”

Họ chạy nước rút khoảng nửa dặm dọc bờ biển. Có nhiều adrenaline trong máu Bridget đến độ nó chạy như bay qua suốt chặng đường.

Nó nằm lăn ra cát. Anh ta cũng nằm lăn ra. “Anh nghĩ mình đã lập một kỷ lục rồi đấy,” anh ta nói.

Nó dang hai tay ra, vui sướng. “Em lúc nào cũng là người theo đuổi mục tiêu của mình,” Bridget lă n qua lăn lại cho đến khi người nó dính đầy cát như một chiếc bánh rán tẩm đường vậy. Anh ta nhìn nó, cười phá lên.

Những người còn lại trong nhóm chạy chỉ vài phút nữa sẽ bắt kịp họ. Nó đứng lên, cởi tất và giày. Nó nhìn thẳng vào anh ta khi nó cởi bỏ cái quần soóc, để lộ ra bộ đồ tắm bikini, sau đó nó tháo dải băng chun giữ tóc trên đầu ra. Những mảng cát vàng bám vào vai và tấm lưng đẫm mồ hôi của nó.

Anh ta nhìn đi chỗ khác.

“Bơi đi,” nó nói.

Mặt anh ta giờ trông nghiêm túc. Anh ta không cử động.

Nó không chờ anh ta. Nó đi vài mét xuống nước và bắt đầu lặn xuống. Khi ngoi lên, nó thấy anh ta đã cởi cái áo phông sũng mồ hôi ra. Nó không giả vờ không nhìn.

Eric cũng nhảy xuống nước sau nó, đúng như nó đã cầu mong. Anh ta bơi qua chỗ nó vừa bơi và ngoi lên cách đó vài mét.

Bridget giơ tay lên trời chẳng vì lý do gì cả. Nó nhảy lên rồi rơi xuống làn nước, không thể nào kiềm chế năng lượng của mình. “Đây đúng là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới.”

Anh lại cười, vẻ mặt nghiêm túc đã không còn.  

Nó ngụp xuống dưới mặt nước và lặn sâu xuống đáy cát. Nó chầm chậm bơi ngang chân anh ta. Không suy nghĩ, nó giơ tay ra và chạm ngón tay vào mắt cá chân anh ta, nhẹ như một con cá nhỏ.

 

 

Khi Lena vào bếp sáng hôm sau để ăn sáng, chỉ có ông nó đã thức dậy. “Kalemera,” nó nói.                                   Ông gật đầu và nháy mắt ghi nhận. Nó ngồi xuống đối diện ông qua cái bàn bếp nhỏ. Ông chỉ cho nó hộp ngũ cốc Rice Krispies. Nó tình cờ lại rất thích món này. “Efcharisto,” nó cảm ơn ông, có vẻ như sắp sửa cạn vốn từ Hy Lạp đến nơi rồi. Bà nội đã dọn sẵn bát và thìa. Bapi đưa sữa cho nó.

Họ nhai. Nó nhìn ông còn ông nhìn vào bát. Ông có khó chịu khi nó ở đây không nhỉ? Ông có thích ăn sáng một mình không? Ông có thất vọng không khi nó không nói được tiếng Hy Lạp?

Ông tự dốc hộp lấy thêm một bát ngũ cốc nữa. Bapi khá rắn rỏi, nhưng rõ là ông ăn rất ngon miệng. Thật là buồn cười, khi nó nhìn Bapi, nó nhận ra một số đặc điểm của nó. Cái mũi chẳng hạn. Hầu như tất cả những người khác trong gia đình đều có cái mũi Kaligaris trứ danh - bố nó, cô nó, Effie. Chiếc mũi to khoằm đã đem lại vẻ đặc biệt cho tất cả những người có nó. Dĩ nhiên mẹ nó có chiếc mũi khác - một chiếc mũi của nhà Patmos - nhưng kể cả như thế cũng đã đủ khác biệt rồi.

Mũi của Lena nhỏ, thanh tú và không có tí vẻ đặc biệt nào. Nó luôn tự hỏi liệu chiếc mũi này ở đâu ra, nhưng bây giờ nó đã thấy chiếc mũi này ngay chính giữa mặt ông nội. Điều đó có nghĩa là đã có chiếc mũi Kaligaris chính cống chăng? Từ khi còn nhỏ nó đã thầm ước mong có được chiếc mũi to của gia đình. Bây giờ khi nhận ra mũi của nó từ đâu mà ra, nó cảm thấy thích chiếc mũi của mình hơn một chút.

Nó tự buộc mình không được nhìn ông nội nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó đã làm ông không thoải mái. Có lẽ nó nên nói gì đó. Thật là khó chịu đối với nó khi ngồi đây và chẳng nói gì cả.

“Sáng nay cháu sẽ đi ra ngoài vẽ tranh,” nó nói. Nó phác cử chỉ như đang vẽ.

Ông có vẻ đang mơ màng với món ngũ cốc. Nó biết rõ cảm giác đó. Ông nhướn mày lên và gật đầu. Nó không thể biết được là ông có hiểu chút nào không.

“Cháu đang nghĩ đến việc đi xuống Ammoudi. Có cầu thang nào đi xuống không ạ?”

Ông nội đắn đo và gật đầu. Nó có thể đoán là ông muốn trở lại mơ màng với bát ngũ cốc. Ông có phát mệt với nó không? Liệu nó có làm phiền ông không?

“Ok, vậy thì cháu sẽ gặp ông sau vậy. Chúc một ngày vui vẻ, Bapi. Andio.”

Nó đi lên gác và xếp đồ vẽ với cái cảm giác kỳ quặc nhất rằng nó chính là Effie và nó vừa mới ăn sáng với chính nó.

Nó mặc Cái quần cùng một cái áo sơ mi trắng bằng vải lanh nhăn. Nó khoác chiếc balô trong có hộp màu vẽ, bảng pha màu, bút vẽ lên vai.

Ngay khi nó ra đến cầu thang, thấy Kostos ngoài cửa trước, mang một hộp bánh nóng mà bà anh sai mang đến. Bà nội ôm hôn anh và cảm ơn anh bằng những từ Hy Lạp nhanh đến nỗi Lena không nghe ra được từ nào.

Bà chỉ Lena và có cái nhìn đó trong mắt. Nó nhanh chóng mời Kostos vào nhà.

Lena ước gì Effie đã dậy. Nó đi ra phía cửa.

“Lena, ngồi xuống đi nào. Ăn một cái bánh đi,” bà nội ra lệnh.

“Cháu đi vẽ đây ạ. Cháu cần bắt đầu trước khi mặt trời lên quá cao và bóng râm biến mất,” Lena nói. Điều này về kỹ thuật là không đúng, vì hôm nay nó bắt đầu một bức tranh mới, tức là bóng râm thế nào cũng không ảnh hưởng lắm.

Kostos đi ra cửa trước. “Cháu phải đi làm đây, bà Valia ơi. Cháu đã muộn giờ rồi.”

Bà nội vui vẻ bằng lòng với ý tưởng rằng ít nhất cả hai sẽ phải đi cùng một chặng đường ngoài kia. Bà nháy mắt với Lena khi nó theo Kostos ra ngoài cửa. “Đó là một cậu bé ngoan,” bà thì thầm với Lena. Đấy đúng là điệp khúc thường xuyên của bà.

“Em thích vẽ,” Kostos nhận xét khi ra đến bên ngoài.

“Em thích,” Lena nói. “Nhất là ở đây.” Nó không chắc tại sao nó lại cởi mở nói câu sau cùng.

“Anh biết là ở đây cảnh rất đẹp,” Kostos nói rất trầm ngâm, nhìn ra phía bờ nước lấp lánh. “Nhưng anh khó mà thấy được điều đó. Đây là những cảnh duy nhất mà anh được biết.”

Lena cảm thấy thực sự muốn nói chuyện. Nó thấy thích những gì anh ta nói. Sau đó nó nghĩ đến bà nội, có lẽ đang nhìn hai đứa qua cửa sổ.

“Anh đi đường nào?” Lena hỏi. Đó là một thủ thuật hơi xấu mà nó sử dụng.

Kostos nhìn chỗ rẽ cạnh nó, rõ ràng đang cố đoán nên t rả lời thế nào. Sự thật chiến thắng.

“Xuống đồi. Đến lò rèn.”

Thật dễ dàng. “Em đi lên đồi. Hôm nay em sẽ vẽ cảnh đất liền.” Nó bắt đầu lượn đi, lên đồi.

Rõ ràng anh không vui lắm. Anh có quan tâm đến việc nó dùng mẹo với anh không? Hầu hết các cậu trai đều không nhạy cảm lắm với việc bị từ chối.

“Được thôi,” anh ta nói. “Chúc một ngày vui vẻ.”

“Anh cũng thế,” nó hớn hở nói.

Có cảm giác xấu hổ kiểu gì ấy khi nó đi trên con đường lên đồi, vì hôm nay nó đã tỉnh dậy với một mong ước thật sự là vẽ những ngôi nhà thuyền ở dưới làng Ammoudi.

Tibba-dee yêu quý,

Cậu sẽ ghét nơi này. Hết thảy những người là dân Mỹ xịn đều chơi thể thao cả ngày. Những đội bóng rổ năm người rất phổ biến. Tớ còn nhìn thấy một nghi thức ôm hôn của đội nữa chứ. Suốt cả ngày toàn các nghi thức thể thao thôi.

Công việc ở cửa hàng Wallman sắp sửa khiến cậu vui rồi đấy, phải không?

Tớ đùa đấy, Tib.

Dĩ nhiên tớ yêu nơi này. Nhưng tất cả những ngày tớ ở đây, tớ lúc nào cũng vui vì biết rằng cuộc sống thực sự của tớ không phải như thế này, đầy những người giống như tớ, vì tớ không thể nào có cậu ở cùng, đúng không?

Ôi, tớ yêu mất rồi. Tớ kể cho cậu nghe chưa nhỉ? Tên anh ấy là Eric. Anh ấy là một huấn luyện viên và 100% bị cấm không được quan hệ. Nhưng cậu biết tớ sẽ đoạt được như thế nào rồi đấy.

Yêu cậu nhiều,

Bee

 

Khi Tibby quay lại cửa hàng Wallman, nó khám phá ra hai điều: đầu tiên nó “phạm một tội có thể dẫn đến đuổi việc” bằng việc đã bỏ đi quá lâu trong ca của nó (vì Duncan chẳng buồn dành thời gian báo cáo lại câu chuyện của nó). Nó có thể có cơ hội cuối cùng, nhưng nó sẽ không được trả công cho khoảng thời gian đã làm trong ngày hôm đó. Tibby bắt đầu nghĩ rằng nó sẽ thành con nợ của cửa hàng Wallman khi làm xong công việc này.

Khám phá thứ hai là chiếc ví của cô bé bị ngất nằm ngay cạnh chiếc ví của nó trong chiếc túi ni lông trong suốt dành cho nhân viên tồi mà nó được phát. Ôi trời ơi!

Nó thấy chiếc thẻ thư viện có tên cô bé: Bailey Graffman. Tibby đi ra ngoài đến chỗ máy điện thoại. May quá, những trang trắng trong danh bạ điện thoại có tên Graffman có hai chữ cái f trên một phố gần cửa hàng Wallman.

Tibby ngay lập tức lấy xe đạp và đến nhà Graffman cách đó vài dãy nhà. Một người phụ nữ mà nó đoán là bà Graffman ra mở cửa. “Chào cô, ừm, tên cháu là Tibby và cháu...”

“Cháu là người thấy Bailey ngất ở cửa hàng Wallman,” người phụ nữ nói, có vẻ không khen ngợi gì cho lắm.

“Vâng. Và hóa ra là cháu đã cầm ví của em để tìm thông tin liên lạc và cháu, ừm, quên không đưa lại,” Tibby giải thích. “Chỉ có khoảng bốn đôla trong đó thôi,” nó nói thêm vẻ tự vệ.

Bà Graffman nhìn Tibby có vẻ bối rối. “Ừm. Đúng, dĩ nhiên rồi,” rồi bà mỉm cười. “Bailey đang nghỉ trên gác. Sao cháu không đưa chiếc ví cho em nhỉ? Cô chắc rằng em sẽ muốn đích thân cảm ơn cháu.”

“Lên gác và đi thẳng nhé,” người phụ nữ chỉ đường khi Tibby đi lên bậc cầu thang.

“Ừm, xin chào,” Tibby ngượng nghịu nói ở cửa phòng cô bé. Căn phòng trang trí bằng giấy dán tường có in hình những chiếc nơ và những lớp rèm bồng bồng màu vàng, nhưng đôi chỗ lại có những áp phích của các boy-band. “Chị là, ừm, Tibby. Chị...”

“Chị là người bán hàng ở cửa hàng Wallman,” Bailey nói, ngồi dậy.

“Ừ,” Tibby đi lại gần cái giường và chìa ví ra.

“Chị lấy ví của tôi?” Bailey cật vấn với đôi mắt nheo lại.

Tibby quắc mắt. Thật là một con nhóc khó chịu. “Chị không lấy ví của em. Bệnh viện dùng nó để liên hệ với bố mẹ em và chị giữ nó. Không phải cảm ơn chị đâu.” Nó thả chiếc ví lên giường.

Bailey chộp lấy chiếc ví và nhìn vào trong, đếm tiền. “Tôi nghĩ tôi có nhiều hơn bốn đôla.”

“Chị nghĩ không phải vậy.”

“Vì chị đã lấy đi rồi.”

Tibby lắc đầu không tin nổi. “Em đang đùa đấy à? Em thật sự nghĩ chị sẽ lấy trộm tiền của em và rồi lại đi cả quãng đường đến đây để trả lại chiếc ví bé tí đáng thương này? Có gì để trả lại ngoài số tiền kia? Lá số tử vi của em à? Ngăn chặn một ca cấp cứu nghiêm trọng trong trường hợp em quên mất số tử vi của mình?”

Bailey trông rất kinh ngạc.

Tibby cảm thấy tồi tệ. Có lẽ nó đã làm hơi quá.

Tuy nhiên Bailey vẫn không chịu nhún. “Và có gì quan trọng trong chiếc ví của chị nào? Một giấy phép đi xe đạp? Một thẻ nhân viên của Wallman?” Cô bé nói từ Wallman với vẻ giễu cợt còn nhiều hơn chính Tibby có thể nói.

Tibby chớp mắt. “Em bao nhiêu tuổi? Mười? Ai dạy em cái vẻ hằn học ấy?”

Lông mày Bailey nhíu lại rất tức giận. “Tôi mười hai tuổi.”

Bây giờ Tibby cảm thấy còn tệ hơn. Nó luôn ghét những người đoán nó ít hơn tuổi thực chỉ vì nó nhỏ, gầy và không có ngực.

“Thế chị thì bao nhiêu tuổi?” Bailey muốn biết. Con bé có cái vẻ thú vị hiếu chiến trong mắt. “Mười ba?”

“Bailey! Đến giờ uống thuốc rồi,” mẹ của Bailey gọi lên từ dưới nhà. “Con có muốn bạn con xuống lấy hộ không?”

Tibby nhìn quanh. Nó bị cho là cái người “bạn” ấy á?

“Phải đấy mẹ,” Bailey hét lên đáp lại. Trông con bé có vẻ vui tươi. “Phiền chị được không?”

Tibby lắc đầu. “Dĩ nhiên không rồi. Hãy suy ngẫm lại việc em nhận sự ff8 giúp đỡ của người khác như thế nào đi.” Tibby đi xuống cầu thang, tự hỏi không hiểu nó đang làm cái quái gì ở đây.

Cô Graffman đưa cho nó một cốc cao đầy nước cam và một gói giấy nhỏ đầy thuốc. “Mọi thứ trên đó đều ổn chứ cháu?” cô hỏi.

“Vâng, cháu cho là thế,” Tibby trả lời.

Cô Graffman nhìn dò xét gương mặt Tibby một khoảnh khắc. “Bailey thích kiểm tra mọi người,” cô nói mà không có lý do gì đặc biệt.

“Tibby thích kiểm tra mọi người.” Thật là rùng mình. Đã bao nhiêu lần nó nghe thấy chính mẹ nó nói những từ hệt như thế?

“Cô chắc đó là do bệnh của nó.”

Tibby không kịp nghĩ trước khi hỏi, “Bệnh gì ạ?”

Cô Graffman có vẻ ngạc nhiên khi Tibby không biết. “Bệnh bạch cầu.” Giọng cô Graffman cứ như thể cô đang cố gắng cực kỳ bình thản. Cứ như là cô đã nói từ này hàng triệu lần và nó không làm cô sợ nữa. Nhưng Tibby có thể thấy là nó vẫn làm cô sợ.

Tibby cảm thấy cái cảm giác suy sụp đó. Cô Graffman nhìn nó đăm đăm, cứ như Tibby có thể nói điều gì đó quan trọng vậy. “Cháu rất tiếc khi nghe về điều đó,” nó lẩm bẩm rất khó nhọc.

Tibby gắng buộc mình lại đi lên gác. Có gì đó thật buồn khi nhìn thấy ánh mắt kiếm tìm trên khuôn mặt mẹ của một đứa trẻ bị ốm.

Nó dừng lại trước cửa phòng Bailey, nước cam hơi sóng sánh một chút, cảm thấy tồi tệ vì những câu đầy ác ý mà nó đã nói. Dĩ nhiên Bailey đã gây sự trước, nhưng Bailey là người mắc bệnh bạch cầu.

Bailey đang ngồi trên giường, trông rất hăm hở được quay lại với cuộc khẩu chiến.

Tibby cố nặn ra một cái gì như một nụ cười dịu dàng, thân thiện trên mặt nó. Nó đưa cho Bailey những viên thuốc.

“Vậy thì, chắc là chị đã nói dối về tuổi để vào làm ở cửa hàng Wallman? Chả phải tuổi tối thiểu để đi làm là mười lăm hay sao?” Bailey hỏi.

Tibby hắng giọng, rất cẩn thận để nụ cười của nó khỏi bị chùng xuống. “Ừ, và thật sự thì chị mười lăm tuổi.”

Bailey rõ ràng khó chịu. “Chị trông không giống mười lăm tuổi.”

Nụ cười trên mặt Tibby lúc này căng ra. Tibby không nhớ một nụ cười bình thường thì phải thế nào. Nụ cười này có lẽ đã biến dạng thành một vẻ nhăn nhó rồi. “Chị cho là không,” Tibby khẽ nói. Nó thật sự muốn bỏ đi.

Mắt Bailey bỗng nhiên ngân ngấn nước. Tibby nhìn đi chỗ khác. “Mẹ đã kể cho chị phải không?” Bailey cật vấn.

“Kể cho chị cái gì?” Tibby nói với cái chăn, tự căm ghét mình vì giả vờ không biết khi đã biết rõ mười mươi. Nó ghét người khác làm vậy.

“Rằng tôi bị ốm!” gương mặt khó chịu của Bailey cũng đang căng ra như nụ cười thân thiện của Tibby vậy.

“Không,” Tibby lẩm bẩm, tự thấy ghét sự hèn nhát của mình.

“Tôi không nghĩ chị là một kẻ nói dối đâu,” Bailey độp lại.

Mắt Tibby tìm kiếm một mục tiêu để nhìn ngoài gương mặt của Bailey và cuối cùng đã hạ cánh ở một tấm vải lưới có dính một cái kim và một mảnh vải đỏ trên ga giường Bailey. Dòng chữ thêu BẠN LÀ… CỦA TÔI. Cái chỗ ba chấm là chữ gì nhỉ? Ánh nắng? Thứ này làm Tibby có cảm giác bi đát và hơi thương cảm.

“Tốt hơn là chị nên đi,” Tibby nói gần như thì thầm.

“Tốt thôi. Ra khỏi đây đi,” Bailey nói.

“Ok. Gặp lại em sau nhé,” Tibby nói như người máy. Nó quay người về hướng cửa ra vào.

“Áo đồng phục rất đẹp,” Bailey thật sự đã vỗ vào lưng nó.

“Cảm ơn,” Tibby nghe thấy tiếng của chính nó khi chuồn ra khỏi phòng.

Carmen thân mến,

Mùa hè nào đó tớ muốn tất cả bọn mình đến đây cùng nhau. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tớ có thể tưởng tượng ra. Ngày đầu tiên tớ phải đi bộ đến hàng nghìn bước xuống mỏm đá để đến một làng chài nhỏ tí tẹo có tên là Ammoudi trên vịnh Caldera. Caldera tức là “vịnh nhỏ” đấy. Đó chính là lớp nước đã tràn vào sau khi một cái núi lửa kinh khủng đã nổ và làm phần lớn hòn đảo chìm xuống. Sau khi tớ vẽ xong những chiếc thuyền Hy Lạp xinh đẹp này, trời sẽ nóng như hun, vì thế tớ sẽ mặc đồ bơi và lặn xuống những làn nước mát lạnh trong suốt kia.

Tớ đã vẽ một bức tranh cho cậu. Đó là tháp chuông ở ngay Oia này. Ông nội hay thẹn thùng của tớ, người không biết nói tiếng Anh ấy, đã đi vòng quanh và ngắm nghía bức tranh của tớ một lúc lâu. Ông gật đầu vẻ rất hài lòng, và cử chỉ ấy trông xinh cực.

Effie và tớ đã cưỡi xe máy cổ đến Fira, ngôi làng lớn nhất trên đảo, và đã uống cà phê đặc không thể tưởng được ở một quán ngoài trời. Cả hai chị em tớ đều cảm thấy ngất ngư vì thứ cà phê đó. Tớ trở nên lo lắng và im lặng, còn Effie thì tỏ vẻ tán tỉnh thái quá với những anh bồi bàn và thậm chí còn cả với (một số?) người đi ngang qua nữa.

Có anh chàng Kostos này. Anh ta sang nhà tớ khoảng sáu lần một ngày. Anh ta vẫn cố gắng bắt được cái nhìn của tớ và bắt đầu một cuộc nói chuyện, nhưng tớ không chơi trò đó đâu. Hy vọng ngọt ngào nhất của ông bà tớ là bọn tớ phải lòng nhau. Còn có gì kém lãng mạn hơn thế nào?

Ngoài ra, chẳng có gì thực sự lớn lao xảy ra cả. Chẳng có gì đặc biệt đến độ cần đến Cái quần. Nó vẫn ở đây chờ đợi một cách kiên nhẫn.

Tớ nóng lòng muốn nhận được thư của cậu quá đi mất. Thư tín ở đây có vẻ chậm chạp lắm. Ước gì tớ có một cái máy tính nhỉ. Tớ hy vọng là cậu và bố Al đang rất vui vẻ.

Yêu cậu,

Lena

Mình đang làm gì ở đây thế này? Carmen nhìn quanh căn phòng ồn ào. Chẳng có tiếng động nào hay gương mặt nào hiển hiện trong tai hay trong mắt nó cả. Đó chỉ là những thiếu niên vùng Nam Carolina.

Krista đang chuyện phiếm với các bạn của cô bé ở sân sau. Paul đang tỏ vẻ quan trọng với cô bạn gái như búp bê và nhóm bạn vui vẻ của anh ta. Carmen đứng một mình ở chân cầu thang, quên mất không để ý rằng trông nó như một kẻ thất bại không thể tha thứ được.

Nó cảm thấy mình chết lặng đi một cách kỳ lạ và vô hình. Không chỉ là nó nhớ các bạn; nó đang tự hỏi không hiểu liệu nó có cần các bạn nó ở đây để cảm thấy rằng mình có tồn tại hay không.

Lydia và bố nó có vé đi xem một buổi hòa nhạc thính phòng. (Theo những gì có thể ghi chép được nhé, bố nó ghét nhạc cổ điển). Họ nghĩ rằng Carmen sẽ đi dự một buổi “tiệc vui vẻ”, còn Krista và Paul sẽ làm cho mọi việc tốt đẹp. Thậm chí một cô gái dằn dỗi ở lì suốt bốn ngày trời trong phòng khách cũng không thể cưỡng lại một buổi “tiệc vui vẻ” được. Vì bố nó trông có vẻ hy vọng một cách buồn bã với ý tưởng đó, nên nó đã đi. Điều đó có ảnh hưởng gì không?

Một cậu trai thấp bé huých vào một bên vai nó. “Xin lỗi,” anh ta nói, làm đổ một nửa cốc bia ra tấm thảm. Anh ta dừng lại và nhìn nó. “Ê,” anh ta nói.

“Ê,” Carmen lúng búng đáp lại.

“Bạn là ai?” anh ta hỏi. Anh ta nhìn ngực nó cứ như là đang hỏi chúng vậy.

Nó khoanh tay trước ngực. “Tôi là, ừm, ... của Krista và Paul Rodman, ừm... Mẹ họ là... của...”

Mắt anh ta giờ đang nhìn đi chỗ khác. Nó chẳng buồn nói hết câu. Có ai quan tâm cơ chứ?

“Hẹn gặp lại bạn sau,” nó nói và bỏ đi.

Bỗng nhiên nó thấy mình đang đứng cạnh Paul. Thật là thảm hại. Anh ta gật đầu với nó. Anh ta đang cầm một lon Coke. Có lẽ đó là thứ đệm giữa bia. “Bạn gặp Kelly chưa?” anh ta hỏi. Kelly vòng tay quanh eo Paul. Cô ta xấu xí một cách hấp dẫn. Xương gò má cô ta nhô lên, mắt thì quá xa nhau, và xương đòn gầy nhom chỉ chực giơ ra.

“Chào Kelly,” Carmen mệt mỏi nói.

“Và bạn là?” Kelly hỏi. “Tôi là Carmen,” Carmen nói. Nó có thể đoán Kelly sẽ cảm thấy đe dọa khi Paul biết một cô gái mà cô ta không biết. Và xét việc Paul nói tổng cộng khoảng bảy từ mỗi ngày, chắc Paul đã không buồn giải thích cho Kelly rằng có một cô gái đang sống trong nhà anh ta. “Tôi sống cùng Paul,” nó nói thêm chỉ vì muốn tỏ ra xảo quyệt. Cặp lông mày ngắn của Kelly nhướn lên đến gần chân tóc. Carmen sau đó lỉnh ra chỗ khác “Tôi đi lấy cái gì uống đây,” nó lẩm bẩm, tung một cái nhìn tán tỉnh về phía Paul. Tội nghiệp Paul. Việc này sẽ khiến anh ta phải sử dụng đến lượng từ ngữ mà anh ta dùng trong cả năm để giải thích mất.

Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8!

Nguồn: truyen8.mobi/t40162-quan-jean-may-man-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận