Sống Từng Ngày Chương 23-25


Chương 23-25
Âm tính

Hôm lấy kết quả xét nghiệm, tôi gọi Sebastian đi cùng. Nhìn cách bà bác sĩ mở cửa phòng mời chúng tôi vào là tôi đoán ra kết quả. Tựa như cuộc đời tôi từ một tấm ảnh đen trắng chuyển sang màu. Âm tính. Bà nói chuyện với chúng tôi một lát nữa, dặn dùng bao cao su, vân vân, đại khái những gì bác sĩ có nghĩa vụ dặn dò. Còn Sebastian hỏi chuyện bà về công việc, đại khái những gì phóng viên hay hỏi. Rồi bà đưa một lọ đầy bao cao su ra, hỏi tôi có muốn lấy một nắm không. Tôi cảm ơn và từ chối. Tôi muốn tự mua hơn.

Chúng tôi la cà ra St. Pauli. Tôi không nói gì nhiều. Tôi nhìn xuống tay mình như vật gì mới lạ và tự nhủ: bàn tay này không bị AIDS. Bàn tay này không bị AIDS. Bàn tay này không bị AIDS. Màn mây xé ra, trước mặt chúng tôi một tia nắng phản chiếu lấp lánh trên mặt đường lát đá. “Giả sử phải viết một phóng sự về cậu,” Sebastian nói, “tớ sẽ kết thúc bằng khoảnh khắc mặt trời ló ra. Một kết thúc hoành tráng!“ Tôi muốn đá đùa cho cậu ta một phát nhưng cũng bật cười.

Nó chỉ là đầu óc tưởng tượng của tôi. Tôi hơi ngượng khi kể ra - trước bối cảnh là Sreykeo quả thật mang virus ấy trong người và không chỉ tưởng tượng, mà quả thật đang trải nghiệm nỗi kinh hoàng. Nhưng cú nhiễm bệnh tưởng tượng đã thay đổi tận gốc lối hành xử của tôi. Đột nhiên tôi đặt được mình vào vị trí của Sreykeo. Tôi hiểu ra bị AIDS nghĩa là gì. Tôi thấu hiểu được sự cách ly và tuyệt vọng. Nó đã tác động đến quyết định chung sống với cô.

Bangkok

Tháng Giêng 2005 tôi lại xuất hành lần nữa. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Bangkok. Chuyến xe buýt của cô rời Phnom Penh lúc sáu giờ, nhưng không ai biết nó tới Bangkok lúc nào. Ngày ấy đường đến Thái Lan chưa rải nhựa hết, rất có thể một xe tải quá đầy hàng sa lầy vào khe nứt và làm tắc đường hàng tiếng liền.

Tôi thuê một phòng ở nhà trọ Rooftop Garden (Vườn Sân Thượng), loại rẻ tiền ở Banglamphu. Không có sân ăn sáng, ti vi màn hình phẳng và dịch vụ mát xa. Cái tên nhà trọ hứa hẹn một sân thượng, nhưng mỗi lần tôi hỏi đều được trả lời là sân đang sửa - không khác gì hai năm trước.

Tôi ghét chờ đợi. Thỉnh thoảng tôi lại chạy ra bến xe buýt đối diện đồn cảnh sát, không thấy ai, lủi thủi đi về, hỏi cô đến chưa, để rồi lại chạy ra đồn cảnh sát lần nữa.

Tôi muốn đi đo lượng virus cho Sreykeo một lần nữa ở Bangkok. Đó là tiền đề để bắt đầu điều trị. Người ta phải đo lượng virus khi bắt đầu điều trị để sau này có thể đánh giá thành công của liệu pháp. Lượng khuẩn HIV chậm nhất sau nửa năm phải giảm đến mức không thể đếm được bằng các phương pháp xét nghiệm thông thường. Nói theo cách chuyên môn là lượng virus hạ xuống “dưới ngưỡng phát hiện”. Chính xác hơn là dưới 50 virus trong một phân khối huyết tương. Đó là tin lành cho các bệnh nhân bị nhiễm, con số đầu tiên họ tìm đến trong kết quả xét nghiệm: dưới 50. Nghĩa là virus nằm trong tầm kiểm soát. Và nghĩa là: “Mi còn thì giờ.”

Lý do tôi quyết định bắt đầu điều trị không hẳn liên quan đến y học. Lượng CD4 của cô - loại tế bào bạch cầu được virus chọn làm nơi ký sinh - trong mấy tháng cuối đã giảm xuống 340. Đa số bác sĩ ở Đông Nam Á chắc sẽ tiếp tục đợi. Nhưng chúng tôi muốn bắt đầu điều trị. Tình trạng ốm đau liên tục làm Sreykeo hoang mang và lo sợ. Rốt cuộc chúng tôi cần tin lành như một bứt phá.

Con virus khốn kiếp này khiến chúng tôi không thể giải quyết được các vấn đề khác. Sreykeo không thể tìm việc làm hay thậm chí chỉ đi học tiếng vì lúc nào cô cũng ốm. Không hẳn các cơn sốt hay tình trạng suy nhược kéo dài làm cô kiệt quệ. Niềm kiêu hãnh của cô bị bẻ gãy. Cơ sở của mỗi sáng tạo là niềm kiêu hãnh. Khi đi phỏng vấn xin việc người ta phải tự tin. Tự tin làm sao được khi có mụn mủ trên mặt và tiêu chảy kinh niên? Muốn học ngoại ngữ cần có kỷ luật và niềm tin sắt đá rằng ngoại ngữ rất cần cho tương lai. Làm sao có được kỷ luật khi không biết sẽ sống được bao lâu nữa?

Nhưng tệ nhất vẫn là quan hệ giữa chúng tôi hầu như tan nát bởi con virus. Thời gian gần đây ở Hamburg tôi chẳng còn hứng thú gọi điện cho cô nữa. Lần nào cũng chỉ nghe tin dữ mới, bệnh tật mới, lần nào cũng vẫn chuyện tiền, thuốc, chỉ số máu. Chẳng mấy chốc hết thẻ điện thoại, chỉ còn kịp nói vớt vát “I love you!” rồi nghe tiếng tút tút trong ống nghe.

Tôi có cảm giác như một võ sĩ đấm box bị dồn vào góc và chỉ còn cố ôm đầu đỡ đòn. Không làm gì được nữa ngoài chịu hết cú đấm này đến cú đấm khác. Người ta vẫn nói, trận đấu không được quyết định bằng nắm đấm mà bằng cái đầu. Đúng vậy. Không phải nắm đấm không quan trọng, nhưng quyết định sinh ra trong đầu - vì sẽ có một khoảnh khắc mà một trong hai đấu thủ chỉ muốn kết thúc. Chỉ muốn yên thân. Bao giờ cũng có một khả năng chấm dứt. Chịu thua. Bỏ cuộc. Xuôi tay. Chỉ muốn lăn ra sàn và đợi sự nhân từ của đối phương. Chỉ cần bớt tốc độ đỡ đòn là được toại nguyện.

Đấu tranh giữ một quan hệ hay để sống sót không khác nhau: một lúc nào đó đến thời điểm quyết định chịu thua. Và chúng tôi không còn xa điểm ấy nữa. Chịu thua nghĩa là cô sẽ chết và tâm hồn tôi tàn tạ, nhưng chúng tôi sẽ thanh thản. Không có nghĩa vụ nào nữa, cứ xuôi tay để mọi việc trôi đi. Chúng tôi chẳng còn đích nào để bõ công tranh đấu. Thất bại có sức quyến rũ. Thua một lần thì người ta dễ sẵn sàng thua những lần sau. Không việc gì sợ tương lai nếu đã biết tương lai đem lại gì. Người ta không thể làm gì sai được nữa.

Là kẻ bại trận nghĩa là tự do vô biên. Nó quyến rũ ta như liều heroin thứ hai. Vì vậy các bác sĩ nói gì cũng vô ích, lượng CD4 không quan trọng lắm. Quan trọng là chúng tôi ra khỏi ngõ cụt. Chúng tôi muốn được một lần thở hắt ra. Vì vậy chúng tôi cần điều trị. Ngay lập tức.

Chúng tôi bất ngờ lao vào nhau ngoài phố. Tóc cô xõa tung vì đi xe buýt. Cô bám chặt tay tôi và cắn vào vai tôi. Chúng tôi lại có nhau.

Sáng hôm sau chúng tôi đến một bệnh viện ẩn danh của hội Chữ thập Đỏ Thái Lan dành riêng cho bệnh nhân HIV. Ở đó họ làm mọi xét nghiệm cần thiết với giá phải chăng.

Bệnh viện này ở trong một tháp nước ngày xưa và không thể nhận ra là bệnh viện. Không tài xế taxi nào biết đường, cửa vào không treo biển, nếu không biết trước thì không thể tìm được. Sau này tôi được thấy nhiều bệnh viện HIV không thể nhận được từ bên ngoài - nếu không thì chẳng ai chịu vào. Chẳng ai muốn công khai hóa chứng bệnh bị coi là một nỗi điếm nhục này.

Một tuần sau chúng tôi nhận kết quả xét nghiệm. Lượng CD4 của cô có giảm chút ít, lượng virus nói chung cũng xuống còn 55.000, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì lớn. Chúng tôi cần thuốc. Dĩ nhiên có thể mua thuốc ở Thái Lan nhưng trong internet tôi đọc thấy là chính phủ Thái Lan tuyên bố đã sẵn sàng xuất khẩu thuốc sang Campuchia. Chúng tôi cần một nguồn cung cấp bền vững, không phải chỉ một lần mà tháng nào cũng có, không gián đoạn. Nguồn nào?

Sống trong hộp

Taxi đỗ trước nhà Sreykeo ở Phnom Penh lúc nửa đêm. Một lần trong điện thoại cô đã kể là căn phòng khá s’at, đại khái có thể hiểu là “sạch và đẹp”. Song cô cũng cảnh báo rằng tôi không thể đứng thẳng lưng trong đó. Tôi hỏi có cửa sổ không - nhà ở Campuchia không nhất thiết phải có. “Không, nhưng phòng rất s’at!” cô đáp. Vậy thì tôi không mong đợi gì nhiều khi đến Phnom Penh, nhưng khi tận mắt nhìn thấy căn phòng thì tôi suýt đứng tim. Không phải phòng, mà là một cái hộp.

Căn nhà là một nhà hai tầng nhiều căn hộ cho thuê, ở phía bên kia đường của Walkabout, xây vào khoảng đầu thập kỷ bảy mươi. Cầu thang lên lầu đã làm người ta phát hoảng. Nó chỉ là một lỗ nẻ không ánh sáng, rộng hơn vai tôi một chút, mà tôi thì thực sự rất hẹp ngang, đã thế lại rất sợ cảnh tù túng.

Ở chiếu nghỉ chúng tôi vấp phải một nhóm choai choai ngồi quanh một cây nến hút Jaba, một hỗn hợp chất kích thích loại mạnh. Cầu thang dẫn lên một bao lơn, đi thông qua đó vào một phòng lớn trên lầu. Một toán đàn bà ngồi bệt dưới sàn gạch men hút thuốc, uống bia và chơi bài trên một tấm khăn trải rộng. Mọi người ngồi xếp bằng tròn, tiền cuộn lại và kẹp vào ngón chân để khỏi bị trộm mất hoặc quạt trần thổi bay.

Tiếng nhạc vẳng sang từ Walkabout bên kia đường. Tôi có thể nhìn xuyên qua các chậu hoa nhài ở sân thượng và thấy mấy cô gái bên bàn billiard. Một dây đèn đủ màu chăng qua đường và nối hai tòa nhà, tựa như muốn nhấn mạnh mối liên quan.

Gia đình nhà chủ còn cho mấy cô gái nữa từ Walkabout đến ở; họ thường đem cả bạn gái đến, rồi có khi tất cả cùng biến mất mấy ngày liền. Khó đoán có bao nhiêu người sống trong nhà này. Ở phần sau căn hộ có một gác xép bằng gỗ cho các cô gái, chia thành nhiều hộp nhỏ như tổ yến dính sát vào nhau. Mỗi hộp giá 40 đô la hằng tháng.

Sreykeo thuê căn phòng tận cùng phía trái. Tôi thở dài não nuột khi đặt ba lô vào góc và đoán sẽ sống ở đây mấy tuần tới ra sao. Trần nhà là bê tông trần trụi. Cửa ra vào bằng gỗ có ổ khóa. Vách bên phải là một tấm bìa cứng láng nhựa, thực ra là vật liệu làm hộp sữa đậu nành, in vô số khuôn mặt trẻ con. Tấm đệm dưới sàn nhà chiếm gần hết diện tích.

Sreykeo đã mua một bó hoa sen, lọ hoa đặt trên một cái ghế nhựa chỉ làm cho căn phòng thêm trơ trọi.

Một tuýp đèn nê ông gắn trên gương lồng khung nhựa trắng là nguồn sáng duy nhất. Trên khung dán nhiều ảnh. Tôi gửi tấm hình tôi đứng trước thác nước ở Mondulkiri qua email, chắc cô in ra ở quán cà phê internet, bây giờ đã ngả màu xám xịt trên nền giấy A4 quăn queo. Cạnh đó là ảnh hai chúng tôi chụp ở hiệu: cô mặc áo dài Khmer thêu đầy kim tuyến, tôi trong bộ com lê đen ngớ ngẩn, cả hai cùng cầm một bó hoa nhựa bụi bặm. Còn có một ảnh gia đình mà tôi gửi qua bưu điện cho Sreykeo: mọi người ngồi ngoài sân thượng khách sạn ở Mecklenburg, con gái Annette ụp một cái xô nhựa vàng lên đầu như đội mũ. Bên cạnh đó tôi thấy ảnh Tý Lai, một bạn gái người Việt Nam của Sreykeo, cùng chồng Terry người Mỹ. Tý Lai là gái mại dâm vị thành niên ở Svay Pak, một làng toàn nhà thổ cách Phnom Penh mười một ki lô mét nên được du khách kiếm gái gọi là K11. Lúc Tý Lai làm quen Terry, cô mới mười hai tuổi. Hôm nay cô hai mươi tuổi và ông ta trên chín mươi, bị ung thư.

Đêm hôm đó hầu như tôi không chợp mắt được. Sreykeo bật dậy với một tiếng hét trong cơn ác mộng. Cô thường mơ dữ như vậy. Trong đó có một ác mộng là cô từ từ chết đuối và không ai nghe cô kêu cứu.

Hộp bên cạnh chúng tôi nhốt một con mèo, một con vật đa nghi và sợ tù túng - giống tôi. Nó kêu như một đứa trẻ bẳn tính và nhảy từ tường này va vào tường kia. Đột nhiên im lặng. Cho đến khi có người chạy búa nén hơi để phá ngôi nhà bên cạnh. Có cảm tưởng như công trường cách đầu tôi có một mét.

Lúc thức dậy tôi cộc đầu vào trần bê tông. Sau đó tôi thấy con mèo đã sang hộp bên này: nó cào được một lỗ trong vách bìa và đang thanh toán món cá khô của chúng tôi, với sự trợ giúp của bầy chuột mà lẽ ra nó phải săn bắt. Thế mà mọi người ở nhà cứ tưởng tôi qua đây nghỉ mát.

Tôi quá cao đối với phòng này. Sau khi cộc đầu nhiều lần, tôi quen lấy dáng đi của một con vượn: lưng còng lom khom, hai tay buông lủng lẳng vô nghĩa, lúc nào cũng lo sợ đón một trong vô vàn trở ngại nào đó do căn phòng đưa lại. Trên cửa là một dầm sắt chữ T chào đón tôi đầu tiên sau một đêm ngủ không mộng mị. Tránh được con chó trắng giống Pinscher của nhà chủ ưa đợp chân, tôi va phải khung gỗ của gác xép. Khe cầu thang được chiếu sáng bởi một ngọn điện tù mù duy nhất, và đúng chỗ không được chiếu sáng thì vì lý do nào đó mà các bậc thang tách nhau rất xa, chúng dạy tôi một bài học đau điếng. Sau khi ngã, tôi chỉ tập trung nhìn vào chân, kết quả là lại cộc đầu vào dầm sắt chữ T tiếp theo.

Một điểm bất ngờ là tôi không phải người phương Tây duy nhất được tận hưởng tình thế cư ngụ này. Trong hộp cạnh chúng tôi là Patrick và An, một cô gái từ Walkabout, cả hai trên dưới hai mươi. Cậu ta là một người Úc với ánh mắt trẻ thơ chân thực, cô người Khmer, xinh đẹp nhưng khô khan. Patrick là Tây ba lô, tới đây hai tháng trước và hôm nay làm giáo viên tiếng Anh như nhiều người phương Tây khác ở Phnom Penh. Trong hệ thống thứ bậc của dân da trắng ở Phnom Penh thì giáo viên tiếng Anh gần sát đáy, chỉ cao hơn Tây ba lô hủi lậu một chút xíu.

Đám giáo viên này được coi là một lũ nát rượu chuyên đi nhà thổ. Patrick cũng không là ngoại lệ. Sáng dậy mắt cậu đỏ ngầu. Cậu xỏ vội chiếc sơ mi xanh lam và quần tây rồi đi dạy cho một lớp sinh viên Campuchia. Buổi chiều cậu nằm phê thuốc ngoài bao lơn, râu ria không cạo. Cả đêm cậu lại cùng An đảo qua các quán bar. Dù vậy tôi mến cậu ta, như vẫn có cảm tình với mọi kẻ bại trận trên thế gian này.

Nhưng chúng tôi không bao giờ đi cùng nhau. Patrick vừa mới phát hiện ra Phnom Penh và những tự do ở chốn này. Kiểu sống xả láng bạt mạng đã nuốt chửng cậu ta. Cậu tìm phiêu lưu, nguy hiểm, trải nghiệm, thả phanh - những cái đã làm tôi ngán đến tận cổ.

Cả Sreykeo cũng không muốn dính dáng nhiều đến cặp đôi ấy. Cô không ưa An. Một lần tôi hỏi dò cô về An trong khi cô ngồi trên sàn nhà và giặt đống quần áo của chúng tôi trong một thau nhựa.

“Anh hỏi về An làm gì?“ cô hỏi. Mỗi lần tôi hỏi về các cô gái khác đều làm cô nghi ngại.

Nhưng cô vẫn kể cho tôi những gì cô biết. An là người Khmer nhưng xuất xứ từ vùng Kampuchea Krom là một phần đất Việt Nam có đông người Campuchia sinh sống. Cô đã có lần kết hôn với một người Anh tên là Andy, cộng tác viên một đài truyền hình ở Phnom Penh, thậm chí họ có một con chung. Nhưng quan hệ đổ bể. Lý do theo Sreykeo là An luôn cần tiền, tuy cô cũng không rõ để làm gì. Khi Andy không còn tiền nữa, An bỏ anh ta. Andy phát điên và bắt đầu hút cần sa và chích heroin. Bố mẹ anh ta từ Anh lặn lội sang đây và đón đứa cháu về cùng, nhưng để Andy lại. Sau này anh ta mượn của Sreykeo máy quay video và để lại hộ chiếu làm tin. Cô không bao giờ gặp lại anh ta, cũng không ai rõ anh ta lang bạt đến đâu. Và An lại chơi billiard ở Walkabout - cho đến khi Patrick xuất hiện.

Quyển hộ chiếu của một người Anh mà tôi tìm thấy ở La Building hồi đến Campuchia lần đầu tiên là một mẩu nhỏ của trò xếp hình lớn. Nhưng tôi không bao giờ biết hết được quá khứ của Sreykeo. Những mảnh xếp khác xuất hiện bất ngờ như xác chết trong hồ từ đáy nổi lên. Đôi lúc tôi vấp phải một chi tiết, tên tuổi, một người quen, một ai đó bắt chuyện với cô trên đường - và cố tìm hiểu về cô. Cô kể chuyện nọ chuyện kia, chỉ vừa đủ để trả lời câu hỏi của tôi. Cùng đường thì cô nói: “Em cũng không nhớ hết mọi chuyện.”

Có lần tôi bắt được một tấm hình chụp cô với một người đàn ông da trắng. Cô giấu nó tận đáy hộp thiếc của mình. Có thể nhận rõ tấm hình là của một trong những thợ chụp ảnh dạo ở Wat Phnom chuyên chụp cho khách du lịch. Người đàn ông đứng sau Sreykeo, vòng tay trước bụng cô và cười lúng túng. Tôi hỏi cô đó là ai, cô nói: “Khách đầu tiên.” Trông người đàn ông đặc trưng cho một du khách kiếm gái: dép xăng đan, tất trắng, quần soóc, ria mép, tóc lưa thưa. Một người Đức. Cô nói, hồi ấy cô mười chín tuổi, không biết tiếng Anh, do đó họ không trò chuyện gì được. Khi chia tay, người ấy ôm cô. Tim ông ta đập rộn, và ông khóc “hệt như một đứa trẻ”.

Tôi muốn biết cô làm quen ông ta ở đâu. Ở Walkabout, cô nói. Một bạn gái dẫn cô tới đó, cô chỉ muốn đến cho biết chứ không làm việc. Ông ta thấy cô và để ý quan sát, rồi đến hỏi cô có muốn ngồi cạnh ông ta. Cô nói “Không biết.” Cô sợ người da trắng.

Khi chia tay ông ta đưa cô 200 đô la và số điện thoại ở Đức. Một thời gian dài, cô hy vọng ông ta quay lại và cưới cô. Cô gọi điện rất nhiều lần từ một quán cà phê internet nhưng chỉ nghe một câu trả lời tự động.

“Số điện thoại này hiện không liên lạc được?”

“Vâng.”

“Sau đó em bắt đầu làm việc ở Walkabout?”

“Vâng. Em cũng không nhớ hết mọi chuyện.”

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đến Walkabout. Vì nó gần nhà. Vì các quán bar khác cũng chẳng hơn gì. Và vì tôi không chịu nổi cảnh tù túng trong hộp. Ngoài ra mỗi thứ Sáu ở đó có “Joker Draw”, một dạng xổ số, và Sreykeo hy vọng trúng số để giải quyết các vấn đề tài chính chúng tôi đang có. Thứ Ba là ngày thi đấu billiard, thường là cô giật giải nhì hay giải ba. Giải là một phiếu ăn, chúng tôi có thể chọn một bữa sáng gồm bánh mì, trứng đúc, đậu, cà phê, nước cam và xúc xích.

Ông chủ quán người Úc có lần đến chỗ tôi, đưa tay bắt và chào “Hello Benjamin.” Tôi ngạc nhiên vì tôi không ưa không khí ở đây và không bắt chuyện với ai bao giờ. Sao ông ta biết tên tôi, và muốn bắt tay tôi?

Dần dần tôi cũng biết chuyện các cô gái ở Walkabout. Tôi hầu như không trực tiếp trò chuyện với ai trong số họ và có lẽ họ cũng chẳng kể cho tôi nghe. Vả lại Sreykeo cũng cố cách ly tôi với các cô gái ở đó.

Đa số khách đến Walkabout có mường tượng về các cô gái được lưu truyền như một truyền thuyết: trong số các cô gái ở các quán bar kiểu Tây không có nạn nhân của tệ buôn người, vì kỳ thực tất cả họ đều “hành nghề tự do” không phụ thuộc vào ai, đi và đến lúc nào tùy ý. Tiền kiếm được thì nộp cho mẹ ở quê để nuôi các anh chị em. Đó là câu chuyện mà đa số cư dân Tây và du khách đến Phnom Penh đều muốn tin - kể cả tôi trong một thời gian dài.

Qua Sreykeo tôi muốn biết thêm về cuộc đời họ.

“Các cô ấy nói chuyện gì cả ngày?”

“Em không biết. Về đàn ông.”

“Họ nói chuyện gì về đàn ông?”

“Họ kể cho nhau ai xấu.”

“Là người xúc phạm họ?”

“Vâng.”

“Họ có kể chuyện về gia đình mình không?”

“Không. Không bao giờ.”

“Có nói chuyện về HIV không?”

“Không.”

“Bọn em ở với nhau hăm tư tiếng mỗi ngày trong quán bar. Phải có chuyện gì khác để nói nữa chứ?”

“Người này kể về người kia. Đứa nào xấu, đứa nào tốt. Và chuyện chơi billiard.”

Đại khái như giữa các đồng nghiệp - họ nói chuyện về công việc. Đa số các cô gái ấy không phải người Campuchia, tôi đoán ngay từ đầu. Sreykeo cho rằng một nửa là người Việt Nam. Một phần tư như An, nghĩa là lớn lên ở Việt Nam nhưng thuộc về dân thiểu số Campuchia. Chỉ một phần tư sinh ra ở Campuchia.

Có một băng hơn một chục gái Việt Nam do hai nữ thủ lĩnh cầm đầu: Ata và Aileen. Thường là họ ngồi vơ vẩn ở góc phòng cạnh bàn billiard dưới tầng trệt. Ata đi lắc mông như vịt, hai mắt gần nhau, sau mỗi cú chọc billiard lại vung tay hất mạnh mớ tóc nhuộm vàng đỏ dài đến hông ra sau lưng. Có vẻ mọi người sợ cô hơn mến cô. Vào bar là cô cầm cơ, mặc dù trên bảng ghi một loạt các tên khác đến lượt trước. Cô khinh bỉ hất tay ra hiệu tất cả xéo đi, tin rằng các cô gái Việt Nam khác sẽ bảo vệ mình.

Các cô gái thuộc băng này không cướp khách của nhau. Ngược lại, họ tìm đủ mọi cách giật đàn ông của gái Campuchia, đưa về bàn mình. Khi một cô có khách, cô dỗ anh ta mua đồ uống cho các cô khác. Trông họ làm việc đó một cách dễ dàng. Đám đàn ông cũng khoái ưng thuận sau khi đã uống vài cốc bia và được một đám gái trẻ vây quanh, cả quyết là anh ta “rất đẹp trai”.

Vài cô thuê chung một căn hộ làm nơi cất đồ đạc vì hiếm khi họ ngủ ở đó. Mỗi ngày họ ở Walkabout hăm tư tiếng, đợi có người nào đưa đến Heart of Darkness, hy vọng vớ được một khách du lịch rủ về khu ven hồ. Nếu không tìm được ai và Heart đóng cửa lúc hai giờ, họ quay về Walkabout gặp lại các cô gái không săn được mồi ở những quán nhảy khác - giống mình.

Bên phe các cô gái Campuchia cũng có một băng do Dary cầm đầu, đó là cô gái từng mời chúng tôi đến dự sinh nhật. Hai băng liên tục cạnh tranh, mỗi ván billiard là một sự kiện. Đã có lần ván billiard giữa Dary và Ata chấm dứt bằng một trận chiến tóe máu bằng gậy cơ. Khi hai gái bán hoa châu Á cầm gậy xông vào nhau thì tốt nhất ta nên lánh.

Có một khác biệt lớn trong đường đời các cô gái Việt Nam và Campuchia. Gái Việt Nam rời quê hương mình sang Campuchia để làm tiền - tự nguyện hay bị ép buộc. Ở Việt nam nghề này không chỉ bị cấm, mà cảnh sát cũng ra tay thực sự. Nhiều người trong số họ bị bán vào một nhà thổ ở Svay Pak khi mới tám đến mười hai tuổi. Một ngày đẹp trời, một khách Tây kéo họ tới Walkabout hay một quán Tây nào đó. Svay Pak là một chợ thịt tươi tàn bạo, phụ nữ làm việc trong những túp lều thảm hại, kiếm vài đô la mỗi khách. Ai từng ở đó sẽ thấy Walkabout là thiên đường. Đa số họ không còn gia đình để phải nuôi, họ chỉ kiếm tiền để mua quần áo, trang sức, điện thoại di động và Jaba. Họ chi nhiều tiền tại chỗ cho bia rượu. Vài người bao cả nhà ở và đồ ăn cho “bồ” người Campuchia.

Trái lại, các cô gái Campuchia không bị bán vào chốn làm tiền mà trượt dần vào nghề mại dâm. Họ có hai điểm chung: một là xuất thân từ một gia đình rệu rã, bố chết hoặc bố mẹ ly dị; hai là họ đã mất trinh do bị cưỡng hiếp hoặc đã đính hôn nhưng bị người yêu bỏ, vì thế mất luôn chỗ đứng trong xã hội Campuchia.

Người Khmer phân biệt giữa phụ nữ “trắng” và “đen” một cách đơn giản. Phụ nữ “trắng” là người trong trắng đến tận đêm tân hôn. Ai chưa có chồng mà mất trinh, người đó mất phẩm giá và không còn chỗ đứng trong xã hội. Không thể cưới xin, trừ phi làm vợ hai. Đó là phụ nữ “đen” - không có chồng thì không thể có một gia đình, và không có gia đình thì hết tất cả. Không còn thể diện, không có ai lo cho khi về già hoặc đưa đến bác sĩ khi lâm bệnh.

Trong khi tán gẫu, tôi biết nhiều về số phận các cô gái. Một cô từng làm việc ở một tiệm bia Campuchia. Cô là gái “trắng” và không bao giờ đi với đàn ông. Một đêm cô đạp xe về nhà và bị ô tô ép vào lề đường. Một người đàn ông, khách của tiệm bia, ra khỏi xe, cưỡng hiếp cô rồi quẳng cô lại bên lề đường với vài đồng bạc. Khi cô kể cho bố nghe, cô bị bố đánh. Hôm sau mẹ cô tống cô lên một chuyến xe đi Phnom Penh. Một cô khác có quan hệ với một người da trắng làm việc tại Phnom Penh. Anh ta theo đuổi cô theo kiểu Campuchia: anh trai cô luôn có mặt. Sau nửa năm, bố mẹ cô lơ là kiểm tra. Một lần họ ra khỏi thành phố, cô qua đêm cuối tuần ở nhà bạn trai. Cô tin sẽ cưới anh ta, chẳng việc gì phải coi trọng trinh tiết. Họ đi với nhau nửa năm. Một hôm cô từ nông thôn quay về thì thấy bạn trai của mình đã rời khỏi Campuchia: hợp đồng lao động của anh không được gia hạn, anh cũng không kể cho cô biết.

Chắc chắn anh ta ý thức được rằng cách hành xử của mình là xấu - ngay cả bên Tây - nhưng cũng có thể không hình dung được rằng đã vùi dập cả một cuộc đời. Bây giờ cô chỉ còn một con đường để sống bình thường: phải tìm được một người Âu làm chồng.

Những phụ nữ ấy đi qua một cửa ải. Họ bắt đầu ở một quán bar và chuyện trò với đàn ông, rủ mời uống và tán tỉnh. Nếu có cảm giác là đàn ông mến mình thực sự, có thể họ sẽ lên giường cùng. Một ngày nào đó họ thấy người tình của mình ra đi, vậy thì lại thử với người khác, để rồi lại bị bỏ rơi lần nữa. Có thể ai đó trong gia đình bị ốm và họ cần gấp tiền. Lúc đó họ sẽ “làm tiền” lần đầu tiên. Sẽ đến thời điểm mà mọi ả fc3 o vọng đều tan biến, họ chỉ muốn kiếm tiền nữa mà thôi. Vậy thì hãy gia nhập băng của Dary. Có thể một ngày họ biết mình bị nhiễm HIV, lúc đó thì chẳng còn gì quan trọng nữa, chẳng ai cưới họ nữa.

Khi một cô gái mới vào làm phục vụ bar, các cô gái “đen” sẽ chăm sóc cô ta, cảnh báo cô đừng để kết thúc như họ, tiết lộ đàn ông nào tốt hay xấu. Ví dụ họ khuyên: “Thằng cha kia chỉ kiếm gái cho một đêm thôi.” Hoặc dọa: “Nếu mày động vào ma túy thì chúng tao sẽ cho biết tay.”

Ngồi bên quầy bar ở Walkabout, tôi nhận ra định kiến của mình về họ là sai. Trước đây tôi nghĩ họ là nạn nhân, bị hoàn cảnh ép buộc làm nghề mại dâm. Tôi cũng từng nghĩ phải “chuộc” họ ra và chỉ cho con đường khác trong cuộc sống. Tôi cứ tưởng họ làm việc này vì thất học, không hiểu gì về HIV và không có cách kiếm sống nào khác. Vậy thì ta phải cho họ điều kiện học hành, ví dụ học cắt tóc hay học tiếng Anh để họ kiếm sống bằng cách khác. Nhưng vô ích - vì trong mắt người Khmer họ vẫn là gái đen.

Họ không tự nguyện làm gái mại dâm, nhưng trong tất cả mọi lựa chọn thì đó vẫn là một cách sống trong danh dự. Có thể họ tìm được một người để cưới, hay ít nhất cũng kiếm đủ tiền để khiến xung quanh phải nể. Tất cả đều biết HIV là gì. Và họ bước vào rủi ro này một cách có ý thức. Trong tình cảnh họ, bước vào con đường mại dâm là hợp lý nhất. Thật buồn khi phải tự thú nhận điều đó. Không chính phủ nào, không tổ chức phi chính phủ nào có thể giúp các cô gái ấy. Chỉ có một sự kiện đảo ngược được con đường mại dâm: cưới chồng. Cho dù vô cùng mong manh.

Một tối chúng tôi rời Walkabout tới Soho 2, một quán bar cuối phố. Dọc đường chúng tôi gặp Patrick loạng choạng vừa đi vừa bám vào tường.

“An bỏ tớ rồi,” cậu ta nói.

“Tại sao?”

“Vì tớ là một thằng Tây ngu xuẩn! Nó lấy tiền của tớ, và hết rồi thì biến.”

Cậu thở hổn hển.

Aott luy, aott An,” cậu bồi thêm bằng tiếng Khmer. Hết tiền, hết An. Kể cũng hiếm khi một cô gái đuổi “bồ” của mình đi, chắc cô phải ngán quan hệ ấy lắm. Patrick nói cậu ta sẽ lên đường đi Việt Nam và không bao giờ quay lại Phnom Penh nữa.

Hôm sau tôi gặp An bên bàn billiard ở Walkabout. Tất nhiên Patrick chẳng đi đâu cả. Tối qua cậu cùng hai cô gái về hộp, tôi biết chắc, vì tôi không thể không phải nghe tiếng giường cậu kẽo kẹt nhịp nhàng rất lâu - hai giường chúng tôi chỉ cách nhau một tấm bìa. Tôi không thể bịt tai mãi được. Sáng hôm sau Patrick nhận ra chẳng còn đồng nào để trả cho gái. Cậu gọi điện cho một giáo viên tiếng Anh khác để vay. “Bạn già ơi, rất nghiêm túc đấy!” cậu quát, chắc là người kia không muốn cho bạn vay.

Hình như bố mẹ cậu gửi tiền qua Western Union, mấy hôm sau cậu biến mất thật.

Hết chương 25. Mời các bạn đón đọc chương 26!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38083


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận