Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 5

Chương 5
Vị trí gác danh dự số 1.

Trong những năm 1924-1993, ở cửa vào Lăng Lenin luôn có hai người lính bồng súng đứng gác. Đó là đội vệ binh danh dự ở vị trí gác số 1. Những người lính gác bồng súng nhiều lần chào Người sáng lập và Nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên bang Nga và Liên Xô.

Đội vệ binh danh dự ở Lăng được ấn định bởi quân lệnh do chỉ huy quân đồn trú tại Moskva, N. I. Muralov ban hành ngày 26 tháng 1 năm 1924 - một ngày trước khi cử hành tang lễ. “Cho đến khi kết thúc lễ an táng - quân lệnh ghi rõ - phải bố trí đội vệ binh danh dự tại Lăng mộ là các học viên sĩ quan của trường quân sự mang tên BCHTƯ Liên bang Xô viết”(1).

Nhưng trên thực tế đội vệ binh danh dự được tổ chức sớm hơn, ngay cả khi chưa ban hành quân lệnh - vào buổi tối khi tại Gorki, mi mắt của vị lãnh tụ thiên tài đã mãi mãi khép lại. Những người nông dân từ những thôn làng quanh đó, chân quấn sà cạp và mặc áo lông cừu, khuôn mặt đầy râu là những người đầu tiên đứng gác.

- Lenin là một con người vĩ đại đáng kính - một trong những người đó nói - Người đã làm tất cả. Ngoài những điều tốt lành, người không làm điều gì xấu đối với chúng tôi, những người mugic(2).

- Những người công nhân Moskva và các đại biểu tham dự đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ XI, là người Nga, người Tartar, người Kirgiz, người Chuvash, người Yakut, đã đến thay chỗ cho những người nông dân.

Từ ngày 27 tháng 1 năm 1924 - ngày cử hành tang lễ - đảm nhận vị trí vệ binh danh dự tại Lăng Lenin là các học viên sĩ quan trường quân sự Kremli mang tên BCHTƯ Liên Xô. Đốc gác János Meisaros, người Hungary, bố trí những kíp gác đầu tiên tại vị trí số 1.

Đúng 16 giờ, các học viên sĩ quan Grigory Koblov và Arsenty Kashkin đứng gác cạnh quan tài trong có thi hài Lenin đặt trên bục g tại Quảng trường Đỏ. “Tôi vẫn nhớ, mọi người nâng quan tài lên và chầm chậm đưa vào trong Lăng, - sau 10 năm, thiếu tướng G. P. Koblov vẫn còn nhớ. - Tôi đi phía bên trái, Kashkin phía bên phải. Những hồi còi vang lên ngày càng lớn và đanh. Sau đó là những loạt đạn đại bác nổ vang”. Đi đến trước Lăng, Grigory Koblov và Arsenty Kashkin dập chân đứng lại, xoay mặt vào nhau, đứng nghiêm im lặng, bồng súng ở cửa vào...

Đội vệ binh danh dự được lựa chọn từ những đại diện ưu tú của các tầng lớp xã hội khác nhau. G. Koblov và A. Kashkin là con của những người cố nông. Viên hạ sĩ quan đốc gác János Meisanos là con một nhân viên đường sắt. Chỉ huy đội vệ binh Nikolai Dreyer là một người dòng dõi quý tộc.

V. I. Lenin là vị chỉ huy danh dự của trường quân sự mang tên BCHTƯ Liên Xô. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp trường vào tháng 9 năm 1924 những người vệ binh danh dự đầu tiên, G. Koblov và A. Kashkin cùng người đốc gác đầu tiên János Meisanos, trước khi đến nhận công tác ở các trung đoàn khác nhau, đã đến Lăng đứng trước vị chỉ huy của mình. Họ dừng lại trước cỗ quan tài kính.

- Đồng chí Ilyich, xin Người hãy yên nghỉ. Người đã làm tất cả những gì có thể. Còn lại là nhiệm vụ của chúng tôi.

Là những người con của cách mạng từng trải qua khói lửa chiến đấu, họ không thể nghĩ khác về cuộc sống sắp tới của mình (những kẻ bôi xấu Cách mạng tháng Mười hiện nay cố mà bỏ qua cho tôi giọng điệu trang nghiêm này nhé). “Và họ đã thề giữ lòng trung thành đến cùng với vị lãnh tụ”.

Arsenty Kashkin (1901-1979) suốt đời giữ trọn vẹn lời thề trung thành, ở mặt trận Turkestan nơi ông chiến đấu với bọn phỉ Basmachi(1), ở Kirgizia, tại đó sau khi bị thương ông làm việc trong Cơ quan thanh tra công nông và lãnh đạo những nông trường quốc doanh lớn. Về hưu năm 1963, ông vẫn là thành viên danh dự của tập thể nhà xuất bản Mektep ở thành phố Frunze, nơi ông làm việc trong những năm cuối đời.

 G. Koblov (1898-1988) cũng không quên lời thề dù ông phục vụ ở các trung đoàn trong những năm 1920, học ở Học viện quân sự, hay khi công tác ở Trung Quốc vào năm 1937 với tư cách là cố vấn quân sự. Trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc, thành phố Moskva đã 15 năm lần bắn pháo hoa chào mừng các chiến công của sư đoàn kỵ binh cận vệ của thiếu tướng G. P. Koblov. Đã tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva và Stalingrad, khi chiến tranh kết thúc, ông đang ở khu Tây Bắc thành phố Berlin. Người chiến sĩ gác Lăng đầu tiên ấy đã bảy lần bị thương, được thưởng 12 huân chương và 19 huy chương các loại, trong đó có ba huân chương của Ba Lan.

János Meisaros (1897-1956) mang theo lời thề trong tim qua các doanh trại của lữ đoàn kỵ binh Moskva nơi ông phục vụ vào những năm 1920, qua những thảo nguyên Mông Cổ nơi ông giúp nước bạn thành lập các đơn vị kỵ binh thường trực, mang vào Bộ tham mưu của Quân đoàn viễn chinh nước Hungary phát xít, nơi trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai với vỏ bọc của một quân nhân đào ngũ ông đã hoạt động tình báo ở đó hơn hai năm. Tháng 2 năm 1945 viên hạ sĩ quan đốc gác đầu tiên của đội vệ binh danh dự của Lăng đã tham gia trận đánh giải phóng thành phố Budapest quê hương(1).

Trong số những người lính đứng gác ở vị trí gác số 1 có không ít người sau này đã trở thành những tướng lĩnh mà Tổ quốc đã tự hào và còn tự hào về họ. Đó là những người ba lần Anh hùng Liên Xô: thượng tướng A. I. Rodimtsev, người từng chiến đấu bảo vệ Madrid và Stalingrad, hai đại tá chỉ huy các lữ đoàn cận vệ đi suốt những trận đánh từ Budapest đến Berlin S. F. Shutov và A. A. Golovachev. Đó là những Anh hùng Liên Xô: đại tướng A. F. Shcheglov, các thượng tướng V. V. Butkov và I. A. Kuzovkov, các thiếu tướng Ye. G. Koberidze, V. A. Borisov, L. D. Churilov, G. I. Tkhor, đại tá D. K. Shishkov và nhiều người khác. Đó là những con người dũng cảm và vinh quang mà cuộc sống của họ gắn chặt với sự vĩ đại cũng như những mâu thuẫn bi thảm của những thời kỳ họ đã sống.

Năm 1935 các học viên sĩ quan chuyển giao nhiệm vụ vệ binh danh dự ở Lăng cho các chiến sĩ Hồng quân. Trường quân sự mang tên BCHTƯ Liên Xô chuyển ra vùng ngoại thành Moskva(2), còn doanh trại của họ trước đó nay thuộc trung đoàn Kremli vừa mới được thành lập.

Năm 1941-1942 những người vệ binh gác Lăng thực hiện phiên gác của mình dưới tiếng pháo cao xạ nổ ầm ầm, tiếng bom nổ và tiếng réo của các mảnh bom. Những quả bom của bọn phát xít Đức đã rơi xuống gần Lăng: một quả bom phá rơi ngay gần tháp Spasskaya phía sau bức tường thành Kremli; một quả bom cháy rơi xuống khu vực nhà thờ Thánh Vasily. Bọn phi công phát xít đã ném được xuống khu vực Kremli 15 quả bom phá, trong số đó có một quả nặng 250 kg không nổ, cùng hàng trăm quả bom cháy. Chứng nhân cho độ khốc liệt của các trận chiến là những con số sau: 92 chiến sĩ của trung đoàn Kremli đã hy sinh và 150 người khác bị thương khi đánh trả các cuộc không kích của quân địch. Không phải ngẫu nhiên mà việc phục vụ ở Kremli, trong đó có việc đứng gác ở vị trí số 1 trong những năm tháng đó được coi như là đang chiến đấu phục vụ tại các đơn vị ngoài chiến trường.

Đại đội vệ binh đặc biệt chịu trách nhiệm đứng gác ở Lăng. Người ta lựa chọn kỹ càng người vào đây, chỉ tuyển những thanh niên khỏe mạnh có tầm vóc cao lớn cân đối. Có người Nga, người Ukraina, người Belorussia, người Latvia, người Estonia - thành phần dân tộc không quan trọng. Điều quan trọng là đạo đức tác phong của người lính.

- Chúng tôi chỉ chọn vào đại đội những người mà phẩm chất cá nhân của họ chứng minh rằng về mặt đạo đức họ có quyền đứng bên cạnh tòa Lăng thiêng liêng, - thiếu tướng G. D. Bashkin Tư lệnh Kremli Moskva (1986-1991) phát biểu.

Cảnh đổi gác trang trọng của đội vệ binh danh dự ở Lăng Lenin luôn thu hút nhiều người chứng kiến. Tất cả những ai vào giờ phút đổi gác đó tình cờ có mặt trên Quảng trường Đỏ đều bất giác đứng lại để chiêm ngưỡng các nghi lễ nghiêm trang đẹp đẽ. Những cặp mắt xúc động sáng bừng lên ở những người lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đó cũng như ở những người đã từng thấy nó hàng trăm lần.

*  *  *

Đội vệ binh danh dự - đó không chỉ là nghi lễ quân sự dành cho Người sáng lập nhà nước Liên bang Nga và sau đó là Liên Xô của chúng ta.

Những người lính gác còn có một nhiệm vụ nữa: bảo vệ Lăng và chính xác hơn là bảo vệ cỗ quan tài có thi hài V. I. Lenin ở bên trong.

Tháng 4 năm 1990 đã xảy ra một trường hợp hi hữu. Ngay cửa Lăng, một tên tội phạm hình sự đã ném xuống lan can Lăng hai bình loại ba lít chứa hỗn hợp gây cháy. Ngọn lửa bùng lên... Người lính gác chỉ bằng một cú đánh của báng súng đã quật ngã tên tội phạm ác ý. Những cán bộ của phân đội bảo vệ Quảng trường Đỏ kịp chạy đến bắt trói kẻ gây hỏa hoạn và giải đến cơ quan công an. Ngọn lửa nhanh chóng bị dập tắt. Kẻ khủng bố là một tên đã có hai tiền án (một tội cưỡng hiếp và một tội lăng mạ các cán bộ công an), quá khứ hình sự của hắn chưa hẳn đã nói lên lý do chính trị của việc gây hỏa hoạn. Hắn bị buộc tội có hành động côn đồ ác ý. Những vệ binh đứng gác V. Shushkanov và V. Onishchenko đã không lúng túng mà nhanh chóng ngăn chặn hiệu quả hành động tội ác nên đã được khen và thưởng 10 ngày nghỉ phép.

Tháng 3 năm 1959, một trong những người đến viếng Lăng đã ném vào cỗ quan tài một chiếc búa sắt làm rạn kính quan tài. Các mảnh kính vỡ nhỏ đã gây những tổn hại không lớn trên da mặt và da tay của Lenin. Các nhà khoa học nhanh chóng thu xếp ngăn nắp như cũ. Kẻ cố ý gây tội ác đã bị bắt giữ. Hóa ra hắn bị bệnh tâm thần và đã bị tòa án xử bắt buộc đi chữa bệnh. Ngày 1 tháng 9 năm 1973 một kẻ khác khi đứng trong dòng người chờ vào Gian Tưởng niệm đã kích nổ một cơ cấu nổ tự tạo giấu ở trong áo của hắn. Thân thể tên điên đó chỉ còn sót lại phần đầu, một cánh tay và các mảnh giấy tờ tùy thân. Vụ nổ đã làm thiệt mạng một cặp vợ chồng đến từ Astrakhan, 4 em học sinh bị thương nặng và một vài chiến sĩ trong đội vệ binh canh gác bị sức ép nặng. Cỗ quan tài ở thời điểm đó được bảo vệ bằng lớp kính chống đạn nên không bị hư hại. Cơ quan điều tra sau đó đã xác định “tên đánh bom liều chết” là một kẻ bị bệnh tâm thần.

Nhưng thường thì những người lính gác nhìn thấy một việc khác - đôi khi những người viếng Lăng để lại trên bệ hàng rào lan can vây quanh khối quan tài những bức thư để địa chỉ: “Gửi đến Lăng cho V. I. Lenin”. Những người lính trở thành nhân viên bưu điện.

Chẳng hạn, năm 1981, vào những tháng cuối cùng của thời đại Brezhnev, có một bức thư nằm trong Lăng. “Đồng chí Vladimir Ilyich kính mến! - những người dân tộc Dekhkan từ một vùng của Uzbekistan viết - Người là người duy nhất chúng tôi tin tưởng...”. Họ tố cáo những người lãnh đạo khu tham nhũng, hối lộ và thông báo rằng những hành động tương tự như vậy sẽ trở thành nguồn kích thích gây tội ác đối với nhân dân và làm cho nạn tham nhũng thêm trầm trọng. Một thời gian sau đó, những quan chức tham nhũng đã bị bắt.

Viết thư đến Lăng là những người tuyệt vọng tìm kiếm sự công bằng, những người đã mất niềm tin là có thể có công lý ở địa phương. Người thì cho rằng họ bị thải hồi bất hợp pháp, người khác bị kết tội vô lý, người khác nữa lại yêu cầu giúp họ có chỗ ở và v.v... Khi chuyển những bức thư đến đấy, nhân dân coi Lenin như là biểu tượng của sự công bằng, của công lý cao nhất.

Tất cả những bức thư đều được thu thập rồi đăng ký vào sổ của Bộ Tư lệnh Điện Kremli Moskva và sau đó gửi tới các cơ quan chức năng của nhà nước với yêu cầu xem xét kỹ càng các khiếu nại và khi khẳng định được sự việc, cần giúp đỡ ngay những người đó bằng mọi biện pháp.

*  *  *

Hằng năm vào ngày 22 tháng 4 - ngày sinh của Lenin - ở vị trí gác số 1 có những cựu binh đầu bạc đứng cùng với những người lính gác trẻ tuổi. Họ đứng ở tư thế nghiêm. Họ đến từ Moskva, từ Ivanov, từ Tver... trong những bộ quân phục cấp tướng và những tấm áo choàng lính khiêm tốn vải đã sờn. Một vài người đeo những cuống huân chương gắn trên áo. Những tấm huân chương họ được thưởng do chiến công ở các trận chiến Khasan và Khalkhin-Gol, do thành tích xây dựng trên công trường nhà máy thủy điện Dnepr và vùng Kuzbass, do chiến công bảo vệ Madrid và các trận đánh năm 1941. Những người chiến sĩ và những người lao động sáng tạo... Có lẽ, mỗi người trong số họ vào giây phút đó đều thầm nhớ lại trong đầu những gì mình đã trải qua. Sau lưng họ là công trường xây dựng Magnitka và Turksib, là lá cờ Chiến thắng tung bay trên thành Berlin và những chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên.

Trước ngày lễ trọng đại tháng 10, trên các vòng hoa do trung đoàn hải quân tham gia duyệt binh đặt quanh Lăng, những thanh niên đội mũ lính thủy không có lưỡi trai đứng nghiêm trang bất động - họ là con cháu các thủy binh trên các chiến hạm Potemkin và Aurora.

Ngày 6 tháng 10 năm 1993, sau cuộc chính biến(1) do Tổng thống Yeltsin thực hiện, vị trí gác số 1 đã bị bãi bỏ bởi một sắc lệnh đặc biệt của ông ta.

Vào ngày hôm đó, vào lúc 16 giờ bên cạnh Lăng Lenin, như mọi khi, tập trung hàng trăm người dân Moskva và từ các nơi khác đến, trong đó có cả các khách du lịch nước ngoài, để ngắm nhìn nghi lễ đổi gác long trọng của các vệ binh. Nhưng sự chờ đợi của họ lần này là vô ích. Kíp gác mới thường với các nhịp chân duyệt binh long trọng bước trên Quảng trường Đỏ không xuất hiện như mọi khi. Đúng 16 giờ, cửa Lăng đột nhiên mở, những người lính gác xoay lưng về phía đám đông, bước vào khoang tối của sảnh rồi biến mất trong Lăng. Vị trí gác số 1 được quy định từ năm 1924, trong tất cả các Từ điển bách khoa trong nước đều được giải thích là vị trí gác quan trọng nhất của đất nước, được các nhà thơ ca ngợi bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới, giờ đây bị bỏ trống không còn vệ binh đứng gác.

Những người lính gác cuối cùng - binh nhì Roman Poletaev và binh nhất Vadim Dedkov - đi vào phía trong Lăng đợi đại đội trưởng là đại úy Aleksandr Gorbunov đến, và như một tờ báo đã viết, “họ rời khỏi Lăng bằng lối cửa sau rồi đi vào thà nh Kremli tránh không cho ai thấy”.

Sự việc diễn ra một cách sỉ nhục đối với các công dân đang ở đó (những người lính gác quay lưng lại với họ) và rất hèn mạt (họ bỏ đi “bằng lối cửa sau đi vào thành Kremli tránh không cho ai thấy”).

Yeltsin đã đạt được mục đích là làm sao lãng sự chú ý của công luận trong nước và thế giới về vụ ông ta nã pháo vào Tòa nhà Xô viết Tối cao và vụ bắn giết đẫm máu ở cạnh tường nhà quốc hội. Các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới sôi nổi bình luận về việc hủy bỏ vị trí gác số 1 và tiên đoán Lăng có thể bị tháo dỡ.

Việc xóa bỏ vị trí gác đã làm các chiến sĩ trong Đại đội vệ binh danh dự rất đau lòng. Họ từng vô cùng tự hào là có được vinh dự đứng gác ở vị trí gác số 1 của đất nước. Trong số hàng nghìn hàng vạn thanh niên nhập ngũ, cứ nửa năm một lần, chỉ có 36 người được tuyển vào Đại đội canh gác Lăng Lenin. Các chiến sĩ nghĩ rằng cần phải bảo vệ Lăng như bảo vệ các ký ức lịch sử của chúng ta.

Chính quyền mới của nước Nga dần dà tìm cách giải quyết Đội vệ binh danh dự ở Lăng Lenin.

Tháng 9 năm 1992 họ thả một quả bóng thăm dò. Như nhiều việc không lương thiện, họ cũng bắt đầu làm vào buổi đêm. Từ 3 đến 5 giờ sáng, những người lính gác cũng bắt đầu đi đến vị trí gác, đi ra từ cửa Lăng chứ không phải đi nghiêm diễu hành qua Quảng trường Đỏ vào ban ngày trước mắt mọi người như trước nữa. Lúc đó trong Gian Tưởng niệm người ta cũng bãi bỏ hàng rào vệ binh danh dự và bỏ những vệ binh đứng gác bên cạnh khối quan tài. Những nhân viên an ninh của Lăng vẫn đứng ở các vị trí dọc theo tường, nhưng đã thay đổi quần áo mặc quân phục công an. Những cựu chiến binh của trung đoàn bảo vệ Điện Kremli sau thời điểm đó đến viếng Lăng và ngạc nhiên: “Tại sao không thấy vệ binh danh dự đứng gác. Tại sao lại có công an đứng ở đây? Lenin bị bắt hay sao?” Thực tế quang cảnh đó trông giống như Người bị bắt lần thứ tư. (Ai cũng biết lần thứ nhất cảnh sát Sa hoàng bắt Lenin vào năm 1887, lần thứ hai năm 1895, lần thứ ba Người bị chính quyền Áo-Hung bắt năm 1914.)

Ngày 1 tháng 12 năm 1992 “những nhà dân chủ” của Kurkova, Starovoytova, Basilashvili - kéo một bọn 15 người tấn công vào vị trí gác số 1. Trong đơn chất vấn đại biểu Nghị viện, bọn họ yêu cầu Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ VII công khai ngân sách chi tiêu để duy trì Đại đội vệ binh danh dự. Mục đích của đơn chất vấn mang tính khiêu khích rõ ràng - họ muốn hét to lên: đấy thấy chưa, tiền thuế của những người nghèo được chi dùng bừa bãi thế đấy! Nhưng “màn kịch từ thiện” không ăn khách. Trong công văn phúc đáp chính thức, các đại biểu được trả lời rõ rằng, chi phí cho Đại đội vệ binh danh dự không liên quan gì tới việc họ đứng gác ở Lăng, bởi vì đại đội này là một đơn vị quân đội chính quy, binh lính và sĩ quan của đại đội đang nhận và sẽ nhận tiền lương, trợ cấp, lương thực và các vật phẩm khác theo nhu cầu, không phụ thuộc vào việc họ phục vụ tại đâu - đứng gác tại Lăng Lenin, tại phòng làm việc của tổng thống, trên các bậc thang Cung Lớn Đại hội của Điện Kremli khi các vị khách cao cấp nước ngoài bước lên đó, hay trong các gian khánh tiết tại các buổi tiếp tân của chính phủ, những nhiệm vụ mà họ hiện đang thường xuyên làm sau khi vị trí gác số 1 bị bãi bỏ. Sự khác biệt chỉ ở chỗ là hiện nay chi phí cho Đại đội vệ binh danh dự tăng lên rất lớn: thay cho bộ quân phục khiêm tốn trước đây, các chiến sĩ được may những bộ quân phục hào nhoáng, kiểu lễ nghi với những dây thao, gù và tua trên vai cùng với những hình thêu trang trí khác như của cuối thế kỷ XVIII. Chỉ riêng chiếc áo cổ cứng đã có giá khoảng 2.000 đô la, còn cả bộ trang phục lên tới 30.000 đô la.

Vào thời gian Kurkova và đồng sự mở cuộc “tấn công”, thì việc đứng gác danh dự ở Lăng là do các chiến sĩ trẻ đảm nhiệm - người Nga có, người Ukraina có, người Belorussia có... Những người lính gác như là minh chứng cho đại gia đình các dân tộc anh em sống trong Liên bang Xô viết do Lenin lập nên. Họ tự hào được nhân dân tin tưởng. Thậm chí ngay cả sau khi Liên Xô đã tan rã, một vài người lính gác trong số đó - những thanh niên quê ở Ukraina - về nghỉ phép và ở đó người ta đề nghị họ ở lại quê nhà và sẵn sàng cấp giấy cho giải ngũ đột xuất trước thời hạn, với lý lẽ rằng, chẳng việc gì mà phải phục vụ trong quân ngũ ở nước khác cho đến hết hạn, thế nhưng mọi chiến sĩ nghỉ phép đều từ chối và quay trở lại Đại đội vệ binh danh dự.

Những tay phóng viên theo trường phái Goebbels(1) bắt đầu như lũ quạ đen quanh quẩn xung quanh vị trí gác số 1 với hy vọng lấy được những tin tức giật gân bẩn thỉu, nhưng các chiến sĩ trẻ tuổi đứng gác đã trả lời thẳng:

- Lenin là lịch sử của chúng ta, cần phải bảo vệ giữ gìn.

- Lenin là điều thiêng liêng nhất mà chúng ta có.

- Tôi thực hiện nghĩa vụ quân nhân, tôi không cần biết người này là ai.

Tháng 12 năm 1993, trong Điều lệnh nội vụ mới của các Lực lượng vũ trang nước Nga do Tổng thống Yeltsin phê duyệt, Lăng Lenin bị gạt ra khỏi danh sách những địa điểm cần phải thực hiện các nghi lễ quân sự trang trọng.

Nhưng hàng triệu người dân không đồng ý với quyết định này. Những bức thư của nhiều công dân, tập thể và các tổ chức xã hội tới tấp được gửi đến Văn phòng Tổng thống, Đuma quốc gia với yêu cầu khôi phục vị trí gác số 1. Điều đó sẽ là một hành động tỏ lòng kính trọng đối với người con vĩ đại của nước Nga, phục hồi một trong các truyền thống nghi lễ quốc gia quan trọng và trả lại sự công bằng cho lịch sử. 

Hết chương 5. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26588-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-chuong-5.html?...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận