Ngày 3 tháng 7 năm 1941 thi hài Lenin được sơ tán về phía Đông.
Ngay từ những giờ đầu của cuộc chiến tranh Xô-Đức, thành phố Moskva đã chờ đón những cuộc tấn công của không quân phát xít. Rạng sáng ngày 22 tháng 6, thiếu tướng N. K. Spiridonov, Tư lệnh Điện Kremli đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực đơn vị của ông phụ trách. Ba giờ sáng, quân lệnh số 1 của Lực lượng phòng không quân khu Moskva trong thành phố cũng công bố tình trạng khẩn cấp: người ta yêu cầu đưa các vị trí hầm trú ẩn tránh bom và tấn công hơi độc vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo ngụy trang hoàn toàn ánh sáng của các tòa nhà và phương tiện vận tải. Tới 19 giờ, 102 đại đội pháo cao xạ và 18 đại đội đèn pha đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại từng vị trí.
Tư lệnh Điện Kremli chịu trách nhiệm cá nhân về việc bảo vệ thi hài Lenin cho rằng, có lẽ cần phải chuyển thi hài của Người từ Lăng tới một hầm trú ẩn được chuẩn bị đặc biệt và xây dựng từ trước chiến tranh. Tuy nhiên, những sự kiện đã diễn ra quá nhanh làm thay đổi kế hoạch đó.
Đầu ngày thứ hai của cuộc chiến, vào lúc 3 giờ sáng ngày 24 tháng 6, những người dân Moskva bị đánh thức bởi các hồi còi của nhà máy và còi báo động phòng không rú lên.
Những chiến sĩ bảo vệ Điện Kremli chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu bên cạnh các cỗ súng máy cao xạ, bảo vệ khoảng trời tiếp cận các dinh thự của chính phủ và Lăng Lenin. Chăm chú nhìn lên bầu trời, các chiến sĩ Hồng quân căng tai lắng nghe những tiếng nổ âm âm xa tít - những loạt đạn pháo cao xạ đầu tiên. Những trái đạn nổ làm một số người tưởng nhầm là các vòng mái dù của lính nhảy dù bên địch. Nhưng ngay lập tức họ được thông báo là đã xảy ra việc báo động nhầm: những máy bay ném bom của chúng ta thi hành nhiệm vụ chiến đấu trở về bị mất định hướng nên xuất hiện trên bầu trời Moskva... Người ta tưởng nhầm đấy là máy bay địch.
“Tôi rút ra kết luận - tướng N. K. Spiridonov nhớ lại - chắc chắn không tránh khỏi các cuộc không kích của không quân phát xít, cũng như đà tiến nhanh của quân địch nên việc bảo vệ thi hài Lenin ở Moskva thậm chí ngay trong hầm trú ẩn đặc biệt cũng khó an toàn thực hiện được. Tôi đã nêu vấn đề sơ tán thi hài.
Ngày 26 tháng 6, vấn đề được đưa ra xem xét tại Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tôi báo cáo trình bày những suy nghĩ của mình và đề xuất việc sơ tán thi hài Vladimir Ilyich về Tiumen. Khi trả lời câu hỏi của Stalin tại sao lại đưa về đó, tôi nói: “Đó là một thành phố nằm sâu trong hậu phương và dân cư không đông. Không có các xí nghiệp công nghiệp và mục tiêu quân sự ở đó. Vì thế nó sẽ không gây chú ý cho không quân Đức”. Ai đó đề nghị chuyển về thành phố Sverdlovsk. Nhưng tôi nói đấy là một thành phố công nghiệp lớn và bọn phi công phát xít hoàn toàn có thể sẽ ném bom thành phố đó. Mọi người tán thành phương án Tiumen”.
Giáo sư B. I. Zbarsky phụ trách nhóm các nhà khoa học làm việc ở Lăng được gọi đến Điện Kremli. Các thành viên chính phủ thông báo cho ông về quyết định đã được thông qua và hỏi xem các nhà y học cần những gì cho chuyến đi sắp tới.
B. I. Zbarsky hiểu hết sức rõ ràng trách nhiệm to lớn cũng như mọi sự phức tạp của chuyến đi, theo như ông kể lại, nên lúc đó ông sững sờ và hơi hoảng hốt. Suốt 17 năm, các nhà bác học làm việc ở một chỗ, điều đó đã dễ dàng tạo điều kiện đảm bảo được những yêu cầu cần thiết khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nay đột nhiên lại là chuyến đi với những con đường xóc nảy bần bật, thời tiết khác hẳn, nhiệt độ khác hẳn và thêm vào đó cả một quãng đường dài hơn 1500 cây số!
Các thành viên chính phủ tuyên bố, quyết định cuối cùng đã được ban hành, không thể xem xét lại. Cố gắng tập trung suy nghĩ, vị giáo sư yêu cầu một toa tàu trang bị mọi máy móc thiết bị cần thiết để đảm bảo chế độ vi khí hậu tối ưu trong đó, toa tàu phải có các bộ giảm xóc đặc biệt để giảm thiểu tối đa những tác động có hại khi tàu chạy qua mối nối đường ray và làm giảm tối đa độ rung tự nhiên của toa tàu, và còn cần phải có một cỗ quan tài đặc biệt.
Lệnh trên chỉ cho có một ngày để chuẩn bị, người ta còn cảnh báo B. I. Zbarsky và yêu cầu thông báo cho mọi nhân viên của ông là mọi việc phải được giữ bí mật tuyệt đối.
Mọi người đã suy nghĩ cân nhắc cẩn thận tới từng chi tiết của chuyến đi (trong thời hạn thời gian cho phép), cũng như việc tiếp tục công tác khoa học tại nơi sơ tán. Một toa tàu đặc biệt được trang bị các máy móc và thiết bị bảo đảm tạo nên vi khí hậu cần thiết và loại trừ ngay cả độ rung lắc nhỏ nhất. Tại cơ xưởng đặc biệt chuyên phục vụ các thành viên chính phủ, người ta cấp tốc thành lập đoàn tàu đặc biệt: một đầu máy và ba toa xe.
Ban đêm, ngay trước khi sơ tán, Lăng được I. V. Stalin đến thăm. Một cán bộ an ninh cũ của Điện Kremli là A. T. Rybin nhớ lại: Stalin đứng lặng yên một lúc bên cỗ quan tài, nhìn ngắm khuôn mặt Vladimir Ilyich. Sau đó ông chậm rãi đi vòng quanh khối quan tài. Và nói khe khẽ như với chính bản thân mình (theo lời A. T. Rybin, Stalin có thói quen như thế).
- Dưới lá cờ Lenin, chúng ta đã chiến thắng trong cuộc nội chiến. Dưới lá cờ Lenin chúng ta sẽ chiến thắng cả kẻ thù phản trắc độc ác này.
Tối khuya, đoàn tàu đặc biệt rời Moskva. Lái tàu là các thợ máy cấp trung úy của cơ quan an ninh quốc gia, N. N. Komov và M. P. Yeroshin. Thi hài Lenin đặt riêng trong một toa, còn trong các toa khác là trung đội bảo vệ, các nhà y học - những người đã chế tạo một cỗ quan tài mới hoàn thiện hơn, cùng với bộ phận phục vụ và gia đình của họ. Địa điểm đến chỉ có hai người được biết: B. I. Zbarsky và chỉ huy đoàn tàu, đại úy an ninh quốc gia K. P. Lukin.
Những hàng cây bạch dương, hàng sồi, sau đó là các cánh rừng vân sam và thông lướt qua bên ngoài cửa sổ tàu. Có vẻ như thiên nhiên thân yêu đứng làm hàng vệ binh danh dự suốt quãng đường cả nghìn kilômét. Những đoàn tàu quân sự chở những cỗ pháo, những chiếc xe tăng trùm vải bạt chạy ngược lại. Chúng đi về hướng tây, đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Trong toa Lenin nằm, các chiến sĩ Hồng quân G. Ignatov, B. Gaponenko, D. Konyakhin, F. Pautov, A. Savvinov và những người khác đứng thành hàng vệ binh danh dự. Các hạ sĩ N. Kornukov và V. Zherin làm nhiệm vụ đốc gác đã bố trí họ đứng gác.
Sau này B. I. Zbarsky kể lại chuyện này cho nhà viết kịch A. Shtein ghi lại những hồi ức của ông:
“Zbarsky không hề chợp mắt, suốt đêm ông không ngủ.
Muốn vào toa Lenin nằm nhất thiết phải dừng cả đoàn tàu lại - lối vào là ở thành toa bên cạnh...mỗi một cú sóc tại mối nối đường ray như hằn lên trên khuôn mặt Boris Ilyich Zbarsky. Lần đầu tiên, sáu tiếng sau khi tàu khởi hành, ông đồng ý với đề nghị của chỉ huy đoàn tàu, đại úy Lukin, cho dừng đoàn tàu lại.
Mệnh lệnh được ban ra. Đoàn tàu dừng lại đứng im tại một ga xép hoang vắng. Boris Ilyich bước xuống sân ga rồi leo vào toa của Lenin.
Sau khi kiểm tra hoạt động của bộ giảm xóc và các thiết bị tạo vi khí hậu cần thiết, tin chắc rằng không có vi phạm nào và mọi việc đều diễn ra trôi chảy thuận lợi, ông ngước mắt nhìn Lukin ra vẻ cảm ơn...
Trên suốt đường đi họ đã dừng lại như vậy ba hay bốn lần gì đó”.
Ngày 3 tháng 7, từ đường dây thông tin cao tần bảo mật, Moskva gọi điện cho Bí thư thứ nhất Thành ủy Tiumen, D. S. Kuptsov. Người gọi lúc đó, - vị bí thư sau nhiều năm nhớ lại, - hình như là Tư lệnh Điện Kremli, tướng Spiridonov hay trợ lý Poskrebyshev của Stalin thì phải.
- Đồng chí Kuptsov, trong mấy ngày tới sẽ có một đối tượng hết sức quan trọng đến chỗ đồng chí. Chúng tôi yêu cầu đồng chí ra đón và giúp đỡ họ với mọi khả năng có thể.
- Đối tượng nào? -Kuptsov hỏi.
- Khi họ đến, họ sẽ nói với đồng chí. Yêu cầu trong những ngày đó đồng chí phải luôn có mặt ở thành phố, không được đi đâu cả.
Trong thời gian đó, kéo đến Tiumen là cả một dòng đông đảo những xí nghiệp và tổ chức đi sơ tán. Kuptsov nghĩ: “Chắc là cơ quan nào đó của Kremli đây”.
Vào đầu tháng 7 năm 1941, thủ trưởng cơ quan an ninh quốc gia của cung đường Tiumen của tuyến đường sắt Sverdlov S. A. Blokhin mời đại úy an ninh quốc gia P. D. Vedernikov tới phòng làm việc của mình.
- Đồng chí được giao nhiệm vụ - ông nói - một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với mức độ bảo mật quốc gia cao nhất: chuẩn bị ba đầu máy xe lửa cho một chuyến đi đặc biệt từ Tiumen đến Sverdlov và ngược lại. Hãy xem xét kiểm tra kỹ chúng cùng với đoàn thanh tra kỹ thuật của đêpô (xưởng đầu máy toa xe), nhớ ký biên bản kiểm tra và bàn giao.
Vốn là thợ máy phụ lái tàu, cựu sinh viên trường Đại học giao thông vận tải Tomsky ngành cơ khí điện, P. D. Vedernikov là cán bộ an ninh duy nhất của cung đường Tiumen của tuyến đường sắt Sverdlov có bằng kỹ sư lái tàu. Vì thế người ta đã giao cho anh nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho chuyến tàu đặc biệt chạy trên tuyến đường và khi nó đến Tiumen.
“Tôi đã ra lệnh cho các cán bộ công nhân đêpô, - thiếu tá về hưu P. D. Vedernikov nhớ lại, - để họ chuẩn bị ba đầu máy hiệu “IS”. Chiếc thứ nhất, được gọi là chiếc đi tiền trạm dò đường, cùng với đội bảo vệ đi phía trước. Chiếc thứ hai là đầu máy chính sẽ kéo các toa, trên một trong số các toa đó Lenin yên nghỉ. Chiếc thứ ba, chiếc đoạn hậu, sẽ đi cùng với đội bảo vệ khóa đuôi phía sau. Người ta luôn bố trí như vậy cho hành trình của các chuyến tàu đặc biệt”.
Các thành viên của tiểu ban kỹ thuật giám sát và Vedernikov kiểm tra các đầu máy rồi ký biên bản về tình trạng kỹ thuật của chúng. Dĩ nhiên họ không biết những đầu máy sẽ dùng làm gì.
Các thợ cả kiểm tra tuyến đường đã xem xét kiểm tra kỹ càng 350 km của đoạn đường sắt Tiumen - Sverdlov. Họ đi trên xe goòng với đầy đủ thiết bị: máy phát hiện hỏng hóc ghi nhận những vết nứt trên đường ray, và những máy móc khác cho phép phát hiện khoảng cách giữa hai thanh ray bị rộng ra hay hẹp lại vượt quá mức cho phép. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến đi của đoàn tàu, mọi trụ bẻ ghi đều được “bảo vệ” bằng nẹp và khóa lại. Kết quả là không thể có một đoàn tàu nào khác từ các đường nhánh có thể đi vào tuyến đường chính là tuyến đường đoàn tàu đặc biệt chạy trên đó. Điều này sẽ loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra đụng độ hay tai nạn ngẫu nhiên. Suốt trên đoạn đường 350 km đường sắt, dọc hai bên đường tàu đều dàn kín các đơn vị quân đội và cảnh sát.
“Sáng 7 tháng 7, giám đốc Sở an ninh quốc gia thành phố Kozov gọi điện đến cơ quan thành ủy cho tôi - D. S. Kuptsov nhớ lại.
- Nhà ga đã gọi điện cho đồng chí chưa?
- Chưa - tôi đáp.
- Họ gọi ngay bây giờ đấy.
Quả thực, họ gọi ngay. Người gọi là đại úy Kiryushin đến cùng với “đối tượng cực kỳ quan trọng” từ Moskva. Anh ta yêu cầu tôi đón chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố rồi cùng với ông này đi đến nhà ga.
Đoàn tàu đặc biệt đỗ ở một đường nhánh cụt không có người. Một vài người mặc quân phục bộ đội biên phòng đi đi lại lại dọc theo các toa - đó là đội bảo vệ.
Tôi cùng với chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Zagrinyaev và giám đốc sở an ninh quốc gia thành phố Kozov bước vào toa khách. Đứng dậy đón chúng tôi là một người đàn ông bộ dạng sang trọng đẹp đẽ, mặc thường phục. Ông tự giới thiệu:
- Giáo sư Zbarsky.
Vào tháng 2 năm 1941 tôi đã đến Moskva với tư cách đại biểu dự Hội nghị lần thứ XVIII của Đảng. Chúng tôi, những đại biểu hội nghị đã đến viếng Lăng Lenin. Các đồng chí cho tôi biết rằng giáo sư Boris Ilyich Zbarsky phụ trách công việc ướp xác Lenin.
Vì thế khi người đàn ông đó tự giới thiệu, tôi giật bắn mình như bị điện giật. Tôi hiểu ngay đoàn tàu đến chỗ chúng tôi chở ai. Trách nhiệm quá to lớn đã đặt lên vai chúng tôi!
- Mời đồng chí đọc - Zbarsky nói và chìa cho tôi văn bản nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng có chữ ký của Molotov về việc sơ tán thi hài Lenin đến Tiumen. Và ông cảnh báo luôn, chỉ có ba người biết việc này - tôi, Zagrinyaev và Kozov.
- Đồng chí Zbarsky, thế Lenin... đi cùng với các đồng chí ư? - tôi hỏi.
- Dĩ nhiên - ông ấy trả lời - trong toa đặc biệt. Thôi nào - ông nói tiếp - chúng ta sẽ không để mất thì giờ nữa. Ngay ngày hôm nay chúng ta sẽ phải tìm ra một căn phòng thích hợp.
Chúng tôi đã xem xét kỹ hai nhà an dưỡng ở gần Tiumen, nhưng chúng không thích hợp vì nhiều nguyên nhân. Lúc đó Kuptsov đề nghị đến xem một trường trung cấp nông nghiệp ở trung tâm thành phố. Một ngôi nhà hai tầng đồ sộ theo phong cách Phục hưng - một trong những ngôi nhà đẹp nhất ở Tiumen - được bao quanh bằng tường xây gạch với hàng rào đúc bằng gang ngăn cách nó với những ngôi nhà xung quanh. Chúng tôi xem xét các tầng nhà, các lớp học. “Tôi thấy - Kuptsov nhớ lại - nét mặt giáo sư Zbarsky tươi hẳn lên”.
Buổi tối, chiếc xe chở thi hài V. I. Lenin có đội bảo vệ hộ tống rời nhà ga chạy đến phố Cộng hòa, dừng lại ở tòa nhà kiên cố xây từ trước cách mạng. Trước năm 1917 đây là một trường trung học phổ thông, còn trước Chiến tranh Vệ quốc nó là Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp. Từ nay số phận đã giao cho nó trở thành Lăng tẩm tạm thời của V. I. Lenin(1).
Một trong những căn phòng của tầng hai trở thành Gian Tưởng niệm, thực ra nó chỉ nhỏ bằng một phần mười Gian Tưởng niệm ở Moskva. Để duy trì được vi khí hậu cần thiết, tránh cho những tia nắng mặt trời hâm nóng không khí, các chiến sĩ đã xây gạch bịt cửa sổ, trát vữa và sơn lại tường. Trong những căn phòng kề gần đó người ta bố trí các trang thiết bị kỹ thuật đã được chở đến sau đó vài ngày.
Ba năm chín tháng những người lính gác đã gìn giữ Vladimir Ilyich ở cái thành phố nhỏ sau dãy Ural, nơi các máy bay ném bom của Hitler không thể vươn tới. Đi đến vị trí gác, các chiến sĩ nhịp bước chân không phải trên mặt nhựa đường, không phải trên mặt đá lát hoa cương mà chỉ trên khoảng sân gạch của một tòa nhà khiêm tốn nơi tỉnh lẻ.
Chỉ có một số rất ít người ở Tiumen biết Tổ quốc đã tin cậy thành phố của họ trong những năm khó khăn đó, giao cho họ gìn giữ thi hài V.I. Lenin. Đây là một bí mật quốc gia thuộc loại tối mật.
Mùa đông năm 1944, một Ủy ban chính phủ đến thành phố Tiumen. Nhân dịp 20 năm kỷ niệm ngày mất của Lenin, Ủy ban phải kiểm tra và đưa ra kết luận về tình trạng thi hài của Người, khả năng bảo tồn tiếp tục, cũng như phải trả lời hàng loạt câu hỏi thuần túy thuộc lĩnh vực khoa học và y học do B. I. Zbarsky nêu ra. Thành phần Ủy ban gồm Dân ủy Y tế Liên Xô G. A. Miterev, các viện sĩ A. I. Abrikosov, người đầu tiên làm công việc tẩm liệm thi hài Lenin vào tháng 1 năm 1924, N. N. Burdenko và L. A. Orbely.
“Đại diện các cơ quan đảng địa phương, các tổ chức chính quyền và các cán bộ phòng thí nghiệm ra đón chúng tôi ở Tiumen, - Vị Dân ủy Y tế nhớ lại. - Thành phố trắng một màu tuyết dưới bầu trời xanh lạnh giá. Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc.
A. I. Abrikosov hiểu biết rất rõ thi hài Lenin vì ông đã làm công việc bảo tồn và không chỉ một lần nhìn thấy thi hài của Người. Nhà phẫu thuật N. N. Burdenko và nhà sinh lý học L. A. Orbely là những nhà bác học điềm tĩnh và thông thạo công việc. Tôi có cảm giác, chỉ riêng một mình tôi, ngoài nỗi xúc động băn khoăn của một người bác sĩ, còn trải nghiệm nỗi xúc động lớn hơn nhiều mang tính nhân văn, nhưng sau đó tôi biết chắc rằng tất cả những thành viên còn lại của Ủy ban cũng trải qua những niềm xúc động đó như tôi.
Hình hài của lãnh tụ không gây cho ai một cảm giác về cái chết.
Mà trước mắt chúng tôi gần như là một con người đang nằm, chìm trong một giấc ngủ sâu”.
Zbarsky trình bày một bản báo cáo nhấn mạnh, chẳng hạn, tới nguyện vọng được quay về Lăng cũ. Theo lời ông, việc đảm bảo những yêu cầu cần thiết ở Tiumen ngày càng trở nên phức tạp khó khăn. Ủy ban chính phủ đi tới kết luận:
“Thi hài Vladimir Ilyich suốt 20 năm qua không bị biến dạng. Vẫn giữ được diện mạo như hình ảnh của Người trong tâm trí của nhân dân Liên Xô.”
Zbarsky yêu cầu chính phủ cho phép mở cửa “Lăng ở Siberia” để cho người dân Tiumen có thể đến viếng. Nhưng trên không ủng hộ đề nghị của ông. Tháng 1 năm 1944 “vì những công lao xuất sắc và các thành tựu khoa học lớn đạt được trong việc bảo toàn thi hài V. I. Lenin giữ được diện mạo không thay đổi”, các nhà bác học làm việc ở Tiumen đều được tặng thưởng. Hai giáo sư B. I. Zbarsky và S. R. Mardashev được tặng huân chương Lenin, giáo sư R. D. Sinelnikov và phó giáo sư I. B. Zbarsky, (con trai của B. I. Zbarsky) được t ng huân chương Cờ đỏ Lao động(1).
Không chỉ có các nhà khoa học ngành y đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc ở Tiumen. Các cán bộ nhân viên Phòng thí nghiệm nghiên cứu chiếu sáng kiến trúc đứng đầu là phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật N. V. Gorbachev đã hoàn tất công việc bắt đầu từ năm 1939: chế tạo một cỗ quan tài mới và hệ thống chiếu sáng đi liền với nó. Sau này, đến năm 1946 những người chế tạo cỗ quan tài mới - phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật N. V. Gorbachev, giáo sư S. O. Maizel, công trình sư N. D. Fedodov, cùng với những người tham gia vào công việc tạo hình kiến trúc nghệ thuật cho cỗ quan tài mới như kiến trúc sư A. V. Shchusev và điêu khắc gia B. I. Yakovlev - tất cả đều được nhận giải thưởng quốc gia.
* * *
Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đang tiếp tục tấn công đập tan kẻ thù ở tít tận trời tây. Nguy cơ các cuộc không kích của phát xít Đức vào Moskva không còn nữa. Ngày 29 tháng 3 năm 1945, Tư lệnh Điện Kremli, tướng N. K. Spiridonov ban hành lệnh đưa thi hài Lenin trở lại Moskva.
Ngày 16 tháng 9 năm 1945, Lăng Lenin lại mở rộng cửa đón khách vào viếng.
“Khoảng một giờ trưa - các báo viết - ở cửa vào Lăng đã có một đám đông tụ tập, đám đông đó phình lên nhanh chóng và tự xếp thành hàng đôi như một dải băng sống uốn lượn ngoằn ngoèo. Một tâm trạng chung, mới mẻ khó tả bao trùm tâm trí tất cả những người đang đứng ở đây, cạnh Lăng Lenin, và kết họ thành một khối. Những lời thì thầm khe khẽ. Những ánh mắt tập trung sáng ngời”.
Ở đây ta thấy những người công nhân nhà máy Vô sản đỏ đã chế tạo những lá cờ gấp nếp bằng đồng trang hoàng cho khối quan tài mới. Ở đây ta thấy những quân nhân với huân, huy chương đeo trên ngực, những người lính đã giải ngũ với những vết sẫm trên cầu vai bộ quân phục, dấu tích của quân hàm vừa mới tháo ra, ta thấy sinh viên, các cháu thiếu niên...
“Trong bầu không khí yên lặng thành kính, - báo chí viết, - họ chầm chậm bước xuống theo các bậc cầu thang đá hoa cương... và rồi trước mắt họ là Lenin. Những luồng ánh sáng dịu mắt, ấm áp, từ phía trên rọi xuống soi rõ nét mặt quen thuộc, vô cùng thân thương của Người... Dòng người đi ngang qua không rời mắt khỏi Lenin đang yên nghỉ trong cỗ quan tài. Ra rồi, họ còn ngoảnh lại lần nữa và lần nữa...”.
Vào ngày đầu tiên mở cửa lại đã có hơn một vạn người đến viếng Lăng.
Còn tòa nhà “Lăng Lenin ở Siberia” giờ là Học viện Nông nghiệp. Vào cuối những năm 80, trên tường nhà người ta đặt một tấm bảng kỷ niệm trên có khắc chữ rằng trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thi hài Vladimir Ilyich Lenin đã được quàn tại đây. Trong gian phòng lúc đó lấy làm Gian Tưởng niệm, sinh viên và giáo viên đã trang hoàng làm Phòng Lenin(1). Hiện nay ở đó có Phòng bảo tàng của Học viện, nơi trưng bày các bảng, các tấm ảnh và tài liệu về thời kỳ lịch sử đó.
Hết chương 6. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.