...Mới đây một phóng viên đã phỏng vấn những người trên Quảng trường Đỏ về lý do họ vào Lăng Lenin và Lenin có ý nghĩa gì đối với họ.
Tất nhiên những người thuộc tầng lớp và tuổi tác khác nhau thì đưa ra những câu trả lời khác nhau.
Lớp người trên bốn mươi tuổi cho biết:
- Đến để tỏ lòng tôn kính.
- Đây là lãnh tụ cách mạng.
- Người sáng lập Đảng Cộng sản.
- Người sáng lập nhà nước chúng ta.
Hai thiếu nữ mười bảy tuổi thì nhún vai mà không thể tìm ra câu trả lời. Đối với các cô thì Lăng là một tòa nhà ấn tượng. Họ tìm đến lăng mộ này như đến viện bảo tàng.
Những hăng say chính trị, diễn ra sôi sục như bão tố vào đầu thế kỷ XX, khi mà lớp thanh niên ưu tú nhất và trung thực nhất của nước Nga lao vào cuộc đấu tranh phá bỏ “cái ách bần cùng đáng nguyền rủa”(1), để “đòi đất, đòi tự do, đòi số phận tốt đẹp”(2) và dấn thân vào tù ngục lưu đày vì một mục đích cao cả - những hăng say ấy đã dần dần nguội đi. Thay vào đó là những tranh cãi mới, rồi cuộc sống đặt ra những vấn đề mới, những gì từng là mối quan tâm thời cuộc của thế hệ nửa đầu thế kỷ XX, đối với thế hệ ngày nay đã là quá khứ lịch sử xa xôi.
Vào đầu thập niên 1990, ở nước Nga lại bùng lên các xu hướng xét lại lịch sử, giống như các xu hướng chiếm ưu thế ở Anh sau cái chết của lãnh tụ cách mạng Cromwell và ở Pháp sau khi phục hồi dòng họ Bourbon. Khi đó các cuộc cách mạng long trời lở đất và đổi mới các quốc gia này đã bị gọi là những âm mưu tội ác, còn các lãnh tụ của các cuộc cách mạng ấy bị gọi là những kẻ độc tài và tiếm quyền. Ngày n ay cả hai cuộc cách mạng ấy đều được nhất trí công nhận là những sự kiện vĩ đại của thế giới, mặc dù các đánh giá rất khác nhau. Còn xu hướng xét lại lại bộc lộ mạnh mẽ ở nước Nga.
Cách đây chưa lâu người ta còn sáng tác những bài trường ca và tụng ca về Lăng Lenin. Lăng được ca tụng là thánh đường có ý nghĩa tầm cỡ thế giới. Các bài thơ và bài báo về Lăng Lenin có thể tập hợp thành vài tập sách bề thế. Một số tác giả ca ngợi thực lòng, một số khác thì ca ngợi cho phải phép thời đó. Có một loại người giỏi khoản gió chiều nào che chiều ấy. Hôm qua họ tán tụng Lenin, còn hôm nay thì quay ngoắt lại và sẵn sàng viết các bài báo đầy những lời phỉ báng Lăng Lenin ăn theo tình thế. Bất giác ta lại nhớ đến câu ngạn ngữ phương Đông: “Đến con lừa cũng có thể đá được con sư tử đã chết”.
Có thể quen với mọi thứ ở đời. Và chúng ta đã quen với việc một số chính trị gia và nhà hoạt động văn học nặn ra từ Lenin hình ảnh một tên đao phủ, một kẻ cướp đường. Theo họ thì Lenin nằm ngủ đấy nhưng vẫn giấu khẩu súng máy dưới gối.
Những người này coi mình là những nhà thông thái tinh anh. Nhưng thực ra họ chỉ là vụn bào trong dòng chảy sôi động của con sông hùng mạnh có tên Lịch sử. Những mưu toan gạch bỏ ý nghĩa của Lenin, ý nghĩa của Tháng Mười chỉ là một quá trình tự nhiên mà các nhà sử học gọi là “quy luật làn sóng ngược”.
Chúng ta thấy rõ tác động của quá trình này ở ví dụ về nước Pháp. Từng có một thời kỳ những sự kiện cách mạng bao trùm khắp nước Pháp, khắp nơi ngập tràn những tư tưởng cách mạng, người ta lấy những cái tên cách mạng đặt cho phố xá, lấy khẩu hiệu nổi tiếng ba trong một(1) ghi lên tường của mọi ngôi nhà công, từ điện Pantheon đến nhà tù khổ sai. Thế rồi trong cuộc đấu điên cuồng của các thế lực nội bộ, các sự kiện bộc lộ ra bên ngoài, một con sóng dâng cao và đổ ngược vào bờ - các thế lực phản động lên thống trị. Với sự ác độc không mệt mỏi, phe phản động ra sức xóa sạch mọi ký ức khỏi những ngôi nhà, đài kỷ niệm, tài liệu, báo chí, khỏi cách ăn nói hằng ngày - và đáng ngạc nhiên hơn, xóa khỏi cả ý thức xã hội. Các sự kiện, năm tháng, tên tuổi bị quên lãng. Văn hóa thần bí, gợi tình, hoài nghi yếm thế ngự trị. Những truyền thống cách mạng đâu rồi? Đã bị biến đi không còn dấu vết...
Liệu có phải chúng ta hôm nay cũng đang lâm vào cảnh này?
Tuy nhiên trong dòng chảy vĩnh cửu của Lịch sử, con sóng sau sẽ thay thế con sóng trước. Thế rồi có điều gì đó vô hình đã diễn ra, có cái gì đó dịch chuyển, một dòng điện không biết xuất hiện từ đâu xé ngang bầu không khí nước Pháp - những thứ bị quên lãng đã sống lại, những người chết được khôi phục danh dự. Các truyền thống đã thể hiện rõ sức mạnh của chúng. Nhưng chúng đã ẩn náu ở đâu? Ở đâu đó trong cõi bí ẩn của tiềm thức, trong những sợi thần kinh sâu kín nhất từng bị “cải huấn”, nhưng không một sắc luật nào có thể xóa bỏ hoàn toàn. Vậy là từ cái năm 1797 đã trỗi dậy năm 1830, rồi 1848 và 1871(1).
Điều đó diễn ra không chỉ tại nước Pháp.
Năm 1658 nhà cai trị toàn quyền của nước Anh, người anh hùng của cách mạng Oliver Cromwell được mai táng trọng thể. Đối với những người cùng thời, ông là hiện thân của mọi phẩm chất con người. Nhưng chỉ hai năm sau, khi Charles II của nhà Stuart lên ngôi thì chế độ quân chủ bắt đầu phục hồi. Cromwell bị báo chí đả kích là một “tên độc tài khát máu”, “kẻ giết vua” (vì đã xử tử vua Charles I), “quỷ dữ”, còn cuộc cách mạng mà ông tiến hành bị coi là một “âm mưu xảo quyệt” và sự “tiếm quyền”. Tất cả những gì được thực hiện trong 20 năm cách mạng bị phỉ báng thậm tệ. (Bạn có thấy giống các hành động của Volkogonov(1), Soloukhin(2), Sobchak, A. Yakovlev(3) và những kẻ cùng hội cùng thuyền với họ không?). Thi hài của Cromwell bị lôi ra khỏi quan quách và bị treo lên, còn đầu lâu của ông bị bêu trên nóc Sảnh Westminster. Nhưng năm tháng qua đi, người ta lại dựng tượng đài Cromwell. Ngày nay bất cứ em học sinh phổ thông nào cũng sẽ nói: Cromwell là nhân vật lịch sử lớn, là niềm tự hào của dân tộc Anh, còn cuộc Cách mạng Anh là điểm khởi đầu của toàn bộ nền văn minh hiện đại. Một làn sóng ngược tương tự như vậy cũng đã từng dấy lên ở nước Pháp. Năm 1815 Louis XVIII lên ngôi, bắt đầu sự phục hưng của dòng họ Bourbon. Toàn bộ 26 năm kể từ khi những người cách mạng chiếm ngục Bastille, kể cả thời kỳ Napoléon cầm quyền, bị coi là thời kỳ tai họa và tội ác. Cuộc cách mạng bị gán cho cái tên “âm mưu của bọn Hội Tam điểm(1)”. (Không biết có phải những kẻ ở nước Nga ngưỡng mộ công dân Nikolai Romanov(2), mà sự cai trị bất tài của ông vua này đã đưa nước Nga trì trệ tới ba đợt bùng phát cách mạng vào đầu thế kỷ XX, đã khai thác những ngôn từ phỉ báng ở đây chăng?). Các lãnh tụ khởi nghĩa thì bị dán mác “bạo chúa”, “kẻ tiếm quyền” và “kẻ giết vua” (vì đã xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette). Di hài của Marat và Mirabeau(3) trước đó đã bị đưa ra khỏi điện Pantheon; hài cốt của Napoléon được giữ nguyên chỉ vì đã được chôn ở cách xa nước Pháp - trên đảo Saint Helena(4). Ngày nay trên mộ Napoléon, mà thi hài được chuyển về Paris năm 1840, thường xuyên có hoa tươi. Ngày thắng lợi của Cách mạng Pháp là ngày lễ quốc gia quan trọng nhất(5). Đến dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp(6) có các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ của hầu hết các nước trên thế giới. Có thể nói chắc rằng sẽ không có lễ kỷ niệm 200 năm phục hồi dòng họ Bourbon.
Như vậy là những gì đang diễn ra xung quanh Lenin, Cách mạng Tháng Mười, xung quanh Lăng Lenin hoàn toàn có thể giải thích được và, như bạn đọc đã thấy, hợp với quy luật. Chúng ta không phải sám hối với lịch sử của mình. Hãy nhìn nó một cách chín chắn hơn, đôi chỗ có phê phán hơn. Nhưng không được hấp tấp để khỏi trở thành trò cười cho con cháu chúng ta, để chúng khỏi nói về chúng ta như nói về dòng họ Bourbon: “Bọn họ chẳng hiểu gì và cũng không học được gì từ lịch sử .
Chúng ta hãy để cho tình cảm phục tùng lý trí. Năm tháng sẽ trôi qua, nền nếp cuộc sống sẽ ổn định trở lại, hình ảnh Lenin sẽ chiếm vị trí xứng đáng trong lịch sử, chắc rằng số người muốn vào Lăng Lenin sẽ không giảm. Dòng người không dứt trên Quảng trường Đỏ đang chứng tỏ điều đó. Mỗi năm có một triệu người đến thăm nơi Vladimir Ilyich yên nghỉ. Đối với một số người thì Lăng là nơi bày tỏ lòng tôn kính sức mạnh thiêng liêng của vị lãnh tụ, đối với một số người khác thì đây là nơi nghiêng mình tưởng nhớ người sáng lập và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên bang Nga, còn đối với một số người khác nữa, đây là một bảo tàng lịch sử.
Nhà chính luận V. Yeremenko khi bàn về đề tài này, đã tỏ ý tiếc là năm 1961 người ta đã đưa thi hài của Stalin ra khỏi Lăng.
“Chúng ta hãy học cách viết lịch sử, chứ không phải là viết lại lịch sử - ông kết luận. - Một khi số phận đã sắp xếp rằng thi hài của các nhà cách mạng xuất sắc này không trở về với lòng đất, thì điều đó có một ý nghĩa cao siêu. Một khi các nhà cách mạng đã mai táng nhau trên những quảng trường “đẹp”(1) nằm ở trung tâm các thành phố nước ta - thì đây chính là ý trời. Đó là lịch sử của chúng ta, đó là hiện tượng từng có ở thế kỷ XX, dù có đánh giá nó theo quan điểm đạo đức chung của nhân loại như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể quên phắt những trang lịch sử ấy”.
N. Ustryalov, nguyên là thành viên phong trào “Đổi cột mốc”(2), người từng nhiều lần bút chiến với chiến thuật của những người Bolshevik (Bônsêvích), đã viết vào năm 1923: “Khi sự thù hằn cá nhân qua đi và Lịch sử xuất hiện, thì lúc đó mọi người sẽ hiểu rõ rằng Lenin là của chúng ta, rằng Lenin là người con chân chính của nước Nga, người anh hùng dân tộc sánh vai cùng Dmitri Donskoy(3), Pyotr (Peter) Đại Đế, Pushkin và Tolstoy”.
Nào bây giờ chúng ta hãy cùng giở những trang lịch sử này. Hãy đặt mình vào cái năm 1924 xa xôi ấy. Để hiểu được lịch sử Lăng Lenin. Để biết được ai ra quyết định xây lăng mộ trên Quảng trường Đỏ và tại sao lại có quyết định này. Tại sao thi hài Lenin không an táng xuống đất, mà lại được ướp và đặt trong quan tài bằng kính. Còn có thể lưu giữ thi hài của Lenin được bao lâu nữa. Tương lai của Lăng Lenin sẽ ra sao.
Hết chương mở đầu. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.