Ông liếc nhanh lại ba bản, ném gọn gàng từng bản một lên chồng bản thảo và nói:
“Xuất sắc. Cực đoan nhưng xuất sắc. Tối nay anh làm gì?”
“Tại sao?” Roark hỏi, kinh ngạc.
“Anh có rỗi không? Bắt tay ngay vào việc được không? Cởi áo anh ra, đến phòng thiết kế, mượn dụng cụ của ai đấy và vẽ cho tôi một bản phác thảo cho cái cửa hàng bách hóa mà chúng tôi đang sửa lại. Chỉ là một bản phác nhanh thôi, chỉ cần hình dung chung là được, nhưng tôi phải có nó vào ngày mai. Anh có phiền nếu phải ở lại muộn đêm nay không? Máy sưởi đang bật rồi và tôi sẽ bảo Joe mang bữa tối lên cho anh. Muốn cà phê đen hay rượu Scotch hay cái gì? Cứ bảo Joe. Anh ở lại được không?”
“Được” Roark nói với vẻ hồ nghi. “Tôi có thể làm việc cả đêm.”
“Tốt! Rất tốt! Đó chính là điều tôi luôn mong đợi – một người kiểu Cameron. Tôi đã có tất cả những kiểu người khác rồi. À phải, họ trả anh bao nhiêu ở chỗ Francon?”
“65 đô la.”
“À tôi thì không thể vung tay như ngài Guy Phóng túng đó được. Tối đa 50 đô la. OK? Tốt. Làm luôn đi. Tôi sẽ bảo Billings giải thích về cửa hàng bách hóa đó cho anh. Tôi muốn thứ gì đó hiện đại. Hiểu không? Hiện đại, mạnh mẽ, điên rồ, cho tụi nó lòi mắt ra. Đừng kìm hãm bản thân. Cứ đi đến tận cùng. Dùng bất kỳ ý tưởng điên rồ nào mà anh có thể nghĩ ra, càng điên rồ càng tốt. Đi nào!”
John Erik Snyte rảo bước, mở tung cánh cửa vào một phòng thiết kế rộng mênh mông, đi nhanh vào phòng, đẩy một cái bàn, rồi dừng lại và nói với một người đàn ông mập mạp có bộ mặt tròn vẻ hằm hằm: “Billings – đây là Roark. Anh ấy là người thiết kế kiểu hiện đại cho chúng ta. Đưa anh ấy hồ sơ cửa hàng Benton. Lấy cho anh ấy một số dụng cụ. Đưa anh ấy chìa khóa của anh và chỉ cho anh ấy những thứ phải khóa đêm nay. Bắt đầu tính cho anh ấy từ sáng nay. 50 đô la. Mấy giờ tôi có hẹn với anh em nhà Dolson? Tôi muộn rồi. Chào, tôi sẽ không quay lại tối nay đâu.”
Ông ta trượt ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại. Billings chẳng tỏ ra ngạc nhiên chút nào. Anh nhìn Roark như thể Roark đã luôn ở đó. Anh nói một cách vô cảm, bằng một giọng lè nhè mệt mỏi. Hai mươi phút sau, anh ta để lại Roark ở một cái bàn thiết kế với giấy, bút chì, các dụng cụ, một tập các bản vẽ mặt bằng và ảnh của cửa hàng bách hóa, một tập biểu đồ, và một danh sách dài những hướng dẫn.
Roark nhìn vào tờ giấy trắng sạch sẽ trước mặt anh, bàn tay anh nắm chặt lấy cái thân nhỏ của chiếc bút chì. Anh đặt cây bút xuống, và lại nhặt nó lên, ngón tay cái miết qua lại nhè nhẹ trên thân bút nhẵn; anh nhìn thấy cây bút đang run. Anh bỏ ngay nó xuống, và cảm thấy tức giận với chính bản thân mình vì sự yếu đuối khi anh cho phép công việc trở nên quá quan trọng với mình, vì đột ngột nhận ra ý nghĩa thực sự của những tháng nhàn rỗi vừa qua. Những đầu ngón tay anh bị ấn xuống giấy như thể tờ giấy giữ chúng lại – giống như một bề mặt tích điện sẽ hút lấy da thịt của cái người đã chà xát lên bề mặt ấy – nó giữ và gây đau đớn. Anh giằng những ngón tay khỏi tờ giấy. Rồi anh bắt đầu làm việc...
John Erik Snyte 50 tuổi; ông mang một vẻ hài hước giễu cợt – khôn ngoan và khiếm nhã – như thể ông ta chia sẻ với mỗi người ông ta ngắm nhìn một bí mật dâm dục mà ông ta sẽ chẳng nói ra bởi điều đó quá là hiển nhiên với cả hai bọn họ. Ông là một kiến trúc sư có tài; ông không hề đổi sắc mặt khi nói về điều này. Ông coi Guy Francon như một người lý tưởng hóa phi thực tế; ông không hạn chế mình vào một giáo điều cổ điển nào; ông ta thành thạo và cách tân hơn nhiều: ông xây bất kỳ thứ gì. Ông không bài xích kiến trúc hiện đại và xây dựng một cách vui vẻ – khi khách hàng yêu cầu – những cái nhà hộp trần trụi với mái bằng mà ông gọi là “tiên tiến”; ông xây những biệt thự kiểu La Mã mà ông gọi là “cảnh vẻ”; ông xây các nhà thờ theo phong cách Gothic mà ông gọi là “thiêng liêng.” Ông chẳng thấy sự khác biệt nào giữa chúng cả. Ông chẳng bao giờ tức giận, chỉ trừ khi ai đó gọi ông là người theo quan điểm chiết trung.[44]
Ông có một hệ thống của riêng ông. Ông thuê năm kiến trúc sư thuộc đủ các loại và ông tổ chức một cuộc thi giữa họ cho mỗi công trình ông nhận được. Ông chọn thiết kế thắng cuộc và hoàn thiện nó bằng cách bổ sung một số ý tưởng trong bốn thiết kế còn lại. “Sáu cái đầu,” ông nói, “thì tốt hơn một cái.”
Khi Roark nhìn thấy bản vẽ cuối cùng của Cửa hàng bách hóa Benton, anh hiểu vì sao Snyte đã không ngại thuê anh. Anh nhận ra những không gian, những cửa sổ, hệ thống thông gió của anh; anh cũng nhìn thấy chúng đã được bổ sung thêm các đầu cột kiểu Corinthian, mái vòm kiểu Gothic, những chùm đèn kiểu thuộc địa và những đường gờ thấp thoáng kiểu Ma-rốc. Bản vẽ được tô màu nước, với sự tinh tế tuyệt diệu, được dán trên bìa các tông, và được phủ lên một lớp giấy thấm. Các kiến trúc sư trong phòng thiết kế không được phép ngắm nó, trừ phi từ một khoảng cách an toàn; tay họ phải được rửa sạch và thuốc lá phải được loại bỏ hoàn toàn. John Erik Snyte rất coi trọng vẻ ngoài hoàn hảo của bản vẽ khi đưa nó cho khách hàng, và thuê một sinh viên kiến trúc Trung Quốc chỉ để coi sóc cho những tuyệt tác này.
Roark biết rõ anh có thể mong chờ gì từ công việc này. Anh sẽ không bao giờ được nhìn thấy công trình của mình được xây dựng, chỉ vài phần của nó thôi, mà điều này thì anh thà không nhìn thấy còn hơn; nhưng anh sẽ được tự do thiết kế như mong muốn và anh sẽ có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thực tế. Những điều này ít hơn những gì anh muốn nhưng lại nhiều hơn những gì anh hy vọng. Anh chấp nhận như thế. Anh đã gặp những kiến trúc sư đồng nghiệp, bốn đối thủ của anh, và nhận thấy rằng họ đều được đặt những biệt danh không chính thức trong phòng thiết kế: “Cổ điển,” “Gothic”, “Phục hưng” và “Tạp” Anh hơi cau mày một chút khi người ta gọi anh “Này, Hiện-đại.”
*
* *
Cuộc đình công của các nghiệp đoàn xây dựng đã khiến Guy Francon cực kỳ tức giận. Ban đầu, các cuộc đình công nhằm vào các nhà thầu đang xây dựng kh ch sạn Noyes-Belmont và sau đó đã lan tới tất cả các công trình mới của thành phố. Báo chí đã đề cập rằng các kiến trúc sư của khách sạn Noyes-Belmont là hãng Francon & Heyer.
Hầu hết các tờ báo đều hỗ trợ trong cuộc chiến đấu; họ thuyết phục những nhà thầu không đầu hàng. Những công kích mạnh mẽ nhất chống lại những người đình công đến từ những tờ báo đầy quyền lực thuộc tập đoàn Wynand.
“Chúng tôi đã luôn đứng đại diện cho quyền lợi của tầng lớp bình dân chống lại những con cá mập đầy đặc quyền đặc lợi” – các bài xã luận của tập đoàn Wynand viết: “nhưng chúng tôi không thể ủng hộ sự phá hoại luật pháp và trật tự được.” Người ta chưa bao giờ biết được liệu những tờ báo của Wynand dẫn dắt dư luận hay dư luận dẫn dắt các tờ báo của Wynand; chỉ biết rằng cả hai luôn sóng bước nhịp nhàng. Cũng chẳng ai, ngoại trừ Guy và một số rất ít người khác, biết được rằng Gail Wynand là chủ của tập đoàn sở hữu cái tập đoàn đang nắm trong tay khách sạn Noyes-Belmont.
Điều này càng làm cho Francon thêm khó chịu. Người ta đồn rằng các hoạt động bất động sản của Wynand còn khổng lồ hơn cả đế chế báo chí của ông ta. Đây là lần đầu tiên Francon có cơ hội làm một công trình của Wynand, và ông ta nắm lấy nó một cách háo hức khi nghĩ đến những cơ hội mà nó có thể mở ra. Ông ta cùng với Keating đã nỗ lực hết sức để thiết kế nên một cung điện lộng lẫy nhất trong các cung điện kiểu Rococo[45] để dành cho những vị khách tương lai – những người có thể trả 25 đô la một ngày cho một phòng, đồng thời là những người thích hoa văn bằng thạch cao, tượng thần ái tình bằng đá cẩm thạch và những thang máy như những cái lồng bằng đồng, để lộ bên ngoài. Cuộc đình công đã làm tiêu tan những cơ hội tương lai kia. Dĩ nhiên, không thể đổ lỗi cho Francon về điều đó, nhưng cũng không thể biết Guy Wynand sẽ đổ lỗi cho ai và vì lý do gì. Sự thất thường và vô trách nhiệm trong ý thích của Wynand đã quá nổi tiếng, và người ta đều biết là hầu như không có kiến trúc sư nào đã từng được Wynand thuê lại được ông ta thuê lại lần thứ hai.
Tâm trạng rầu rĩ của Francon khiến ông ta gắt gỏng chẳng về một vấn đề cụ thể nào với một người đã luôn được miễn trừ khỏi chuyện này – Peter Keating. Keating nhún vai và quay lưng lại Francon với một vẻ chống đối lặng lẽ. Rồi anh đi lang thang vô định qua các sảnh, càu nhàu với những kiến trúc sư trẻ nhưng không khiêu khích. Anh chạm trán Lucius N. Heyer ở ngưỡng cửa và rít lên: “Đi đứng thì phải nhìn chứ!” Heyer nhìn trân trối vào Keating, hoang mang, và chớp chớp mắt.
Chẳng có việc gì để làm trong văn phòng, chẳng có gì để nói và cứ phải tránh mặt tất cả mọi người. Keating bỏ về sớm và đi bộ về nhà trong một buổi hoàng hôn lạnh lẽo tháng Mười hai.
Ở nhà, anh lớn tiếng nguyền rủa mùi sơn nồng nặc tỏa ra từ cái máy sưởi bị bật quá nóng. Anh nguyền rủa cái lạnh khi mẹ anh mở một cửa sổ. Anh chẳng thể tìm ra lý do cho sự bồn chồn của mình, ngoại trừ sự rảnh rang đột ngột đã khiến anh trở nên cô độc. Anh không thể chịu được việc bị bỏ lại cô độc.
Anh chụp lấy ống nghe điện thoại và gọi cho Catherine Halsey. Giọng nói rõ ràng của cô như một bàn tay áp lên làm dịu đi cái trán nóng bỏng của anh. Anh nói: “Ồ không có gì quan trọng đâu em yêu, anh chỉ không biết em có nhà tối nay hay không. Anh nghĩ anh sẽ ghé qua sau bữa tối.”
“Tất nhiên rồi, Peter. Em sẽ ở nhà.”
“Tuyệt vời! Khoảng tám rưỡi nhé?”
“Vâng... À Peter, anh đã nghe về chú Ellsworth chưa?”
“Rồi, quỷ tha ma bắt, anh đã nghe kể về chú Ellsworth rồi! Anh xin lỗi, Katie... Tha lỗi cho anh, anh không muốn bất lịch sự nhưng anh đã nghe về chú em cả ngày rồi. Anh biết, thật là tuyệt, vân vân... chỉ có điều, thế này nhé, tối nay chúng ta sẽ không nói về chú ấy nữa!”
“Không, tất nhiên là không rồi. Em xin lỗi. Em hiểu. Em sẽ đợi anh.”
“Thế nhé Katie.”
Anh đã nghe chuyện gần đây nhất về Ellsworth Toohey nhưng anh không muốn nghĩ lại chuyện ấy nữa bởi nó sẽ gợi lại chuyện đình công đang khiến anh phiền muộn.
Sáu tháng trước, trong đợt sóng thành công của cuốn Những lời răn trên đá, Ellsworth Toohey đã được giao viết mục Một tiếng nói nhỏ, một cột báo hàng ngày trên các tờ báo của Wynand. Mục đó xuất hiện trên tờ Ngọn cờ và bắt đầu với tư cách một mục phê bình nghệ thuật, nhưng đã phát triển thành một khán đài không chính thức mà Ellsworth M.Toohey dùng để tuyên bố những phán quyết về nghệ thuật, văn học, về các nhà hàng ở New York, về các cuộc khủng hoảng quốc tế và về các vấn đề xã hội – chủ yếu là các vấn đề xã hội. Mục báo thành công lớn. Tuy nhiên cuộc đình công xây dựng đã đặt Ellsworth M.Toohey vào một tình thế khó khăn. Ông không che giấu sự cảm thông của mình với những người đình công nhưng ông không phát biểu gì trong cột báo của mình, bởi vì, ngoại trừ Gail Wynand, không ai được phép nói bất cứ cái gì anh ta thích trên mặt báo của Gail Wynand. Tuy nhiên một cuộc họp đông đảo của những người ủng hộ đình công đã được tổ chức trong buổi tối hôm nay. Rất nhiều người nổi tiếng sẽ phát biểu, trong đó có Ellsworth Toohey. Ít nhất thì tên của Toohey đã được thông báo.
Sự kiện này gây nên rất nhiều suy đoán tò mò và người ta đã cá cược với nhau liệu Toohey có dám xuất hiện không. “Ông ấy sẽ đến,” Keating đã nghe một anh chàng vẽ kiến thiết khẳng định chắc chắn như thế, “ông ấy sẽ hy sinh bản thân. Ông ấy là người như thế. Ông ấy là người trung thực duy nhất trong giới báo chí.”
“Ông ấy sẽ không đến,” một người khác lại nói, “Anh có biết chơi một trò liều mạng như thế với Wynand là như thế nào không? Một khi mà Wynand đã muốn diệt một người nào đó, ông ta chắc chắn sẽ thiêu cháy người đó như lửa địa ngục vậy. Không ai biết ông ta sẽ làm gì hay ông ta sẽ làm như thế nào, nhưng mà ông ta sẽ làm, và chẳng ai có thể chứng minh điều gì, và anh chắc chắn hết đời một khi Wynand quyết diệt anh.” Keating không quan tâm đến chuyện này – những thứ bung xung này làm anh khó chịu.
Tối đó anh ăn tối trong một sự yên lặng bực bõ và khi bà Keating vừa mới mở miệng: “Ồ nhân tiện...” để lái câu chuyện sang một hướng mà anh nhận ra, thì anh liền gắt: “Mẹ đừng nhắc đến Catherine. Mẹ đừng nói gì hết.”
Bà Keating không nói gì nữa và chỉ tập trung vào việc tiếp thêm thức ăn vào đĩa cho Keating.
Anh bắt tắc-xi tới Greenwich Village. Anh vội vã lên cầu thang. Anh giật chuông cửa. Anh đợi. Không có tiếng trả lời. Anh đứng dựa vào tường và bấm chuông hồi lâu. Catherine sẽ không đi ra ngoài khi biết là anh sẽ tới; cô ấy không thể như thế được. Anh đi xuống cầu thang trong tâm trạng hoài nghi, rồi bước ra đường và nhìn lên cửa sổ căn hộ của Catherine. Các cửa sổ đều tối om.
Anh đứng đó nhìn lên các cửa sổ như thể nhìn vào một sự phản bội ghê gớm. Rồi một cảm giác cô đơn ghê gớm tràn đến, như thể anh là một người vô gia cư trong một thành phố lớn; trong phút chốc anh quên mất cả địa chỉ nhà mình và thậm chí cả sự tồn tại của nó nữa. Rồi anh nghĩ đến cuộc mít tinh, cuộc mít tinh lớn nơi mà đêm nay, bác của Catherine sẽ công khai biến mình thành một kẻ tử vì đạo. Đó chính là chỗ cô ấy đến, anh nghĩ, thật là ngu ngốc chết tiệt! Anh rủa to: “Quỷ tha ma bắt cô ta!”.. Rồi anh rảo bước về phía cuộc mít tinh.
Có một bóng điện trần treo trên khung cửa hình vuông dẫn vào đại sảnh – đó là một bóng đèn nhỏ màu trắng xanh, tỏa một thứ ánh sáng quái gở, quá lạnh lẽo và quá sáng. Nó thình lình nhảy ra từ con phố tối, chiếu sáng một dòng nước mưa mảnh chảy từ một cái gờ ở phía trên, biến dòng nước mưa trở thành một cây kim thủy tinh lấp lánh – quá mảnh và nhẵn đến nỗi Keating có ý nghĩ điên rồ về những câu chuyện có những người bị đâm bằng nhũ băng cho đến chết. Một vài kẻ rỗi hơi đứng hờ hững trong mưa quanh lối vào, và cả một vài tay cảnh sát cũng đứng đó. Cánh cửa của sảnh đang mở. Hành lang sáng lờ mờ, đầy những người không chen được vào tiền sảnh lúc này đã chật cứng, họ đang lắng nghe một cái loa được gắn ở đó để phục vụ buổi mít tinh. Ở ngưỡng cửa có ba bóng người mờ mờ đang phát tờ rơi cho người qua lại. Một trong những cái bóng đó là một người thanh niên gầy yếu không cạo râu với cái cổ dài để trần; người thứ hai là một thiếu niên thanh mảnh mặc một chiếc áo đắt tiền có cổ áo bằng lông thú; và người thứ ba chính là Catherine Halsey.
Cô đứng trong mưa, co ro, bụng hơi ưỡn ra phía trước do thấm mệt, chiếc mũi bóng và đôi mắt sáng lên trong sự phấn khích. Keating dừng lại, nhìn chằm chằm Catherine.
Tay cô máy móc đưa cho Keating một tờ rơi, rồi cô ngước mắt lên và nhìn thấy anh. Cô mỉm cười không hề ngạc nhiên và vui vẻ nói: “À Peter! Anh thật tốt khi đến đây!”
“Katie...” Anh hơi nghẹn giọng. “Katie, em làm cái quái...”
“Nhưng em phải làm, Peter.” Giọng cô không có biểu hiện gì xin lỗi cả. “Anh không hiểu, nhưng em...”
“Ra khỏi trời mưa. Vào trong đi.”
“Nhưng em không thể! Em phải...”
“Đồ ngốc, ít nhất cũng ra khỏi trời mưa!” Anh đẩy mạnh cô qua cánh cửa vào góc hành lang.
“Peter, anh yêu, anh không giận đúng không? Anh thấy đấy, thế này nhé: Em đã không nghĩ là chú sẽ cho em đến đây tối nay, nhưng vào phút cuối cùng chú nói em có thể đi nếu em muốn, và em có thể giúp phát tờ rơi. Em biết là anh sẽ hiểu và em đã để lại lời nhắn trên bàn phòng khách để giải thích và...”
“Em để lại lời nhắn? Ở trong nhà?”
“Vâng... Ôi... Ôi... ôi trời, em không hề nghĩ đến chuyện đó, tất nhiên anh không thể vào nhà được, em thật ngốc quá, nhưng lúc đó em vội quá! Không, chắc anh sẽ không giận đâu, anh không thể giận em được! Anh không thấy chuyện này có ý nghĩa như thế nào với chú sao? Anh không thấy đến đây là chú em đang phải hy sinh cái gì sao? Và em biết là chú sẽ đến. Em đã nói thế với họ – bọn họ bảo là chú sẽ không đến, đó sẽ là dấu chấm hết với chú ấy – và có thể là như thế nhưng chú ấy không quan tâm. Chú ấy là như thế đấy. Em rất sợ và rất hạnh phúc; vì những gì chú em đã làm – nó khiến cho em tin tưởng vào con người. Nhưng em sợ, vì anh biết đấy Wynand sẽ...”
“Đừng nói nữa! Anh biết hết. Anh phát ốm lên vì chuyện đó. Anh không muốn nghe về chú em hay Wynand hay cuộc đình công chết tiệt này nữa. Hãy đi khỏi đây.”
“Ôi không, Peter! Chúng ta không thể! Em muốn nghe chú ấy nói và...”
“Mấy người kia im lặng đi!” ai đó từ đám đông rít lên với hai người.
“Chúng ta sẽ lỡ mất,” cô thì thầm. “Austen Heller đang phát biểu. Anh không muốn nghe Austen Heller nói à?”
Keating nhìn lên loa với sự ngưỡng mộ nhất định – anh luôn cảm thấy thế với tất cả những cái tên nổi tiếng. Anh chưa đọc nhiều về Austen Heller, nhưng anh biết Heller là cây bút ngôi sao của tờ Thời Báo, một tờ báo độc lập nổi bật, đối thủ lớn nhất của tập đoàn báo chí Wynand; rằng Heller sinh trưởng từ một gia đình lâu đời, nổi tiếng và đã tốt nghiệp trường Đại học Oxford; rằng ông ta ban đầu là một nhà phê bình văn học và cuối cùng trở thành một tín đồ lặng lẽ và tận tụy với sự nghiệp đập tan mọi hình thức áp bức, cả công lẫn tư, trên thiên đàng cũng như dưới hạ giới; rằng ông ta có dáng vẻ quý tộc hơn cả giới thượng lưu mà ông thường chế nhạo, và có một thể chất mạnh khỏe hơn cả những người lao động mà ông ta vẫn thường bảo vệ; rằng ông ta có thể bàn luận về vở kịch mới nhất ở rạp Broadway, về thơ ca Trung cổ hay về tài chính quốc tế; rằng ông ta không bao giờ đóng tiền từ thiện nhưng lại tiêu nhiều tiền hơn mức có thể chịu được để bảo vệ các tù nhân chính trị ở bất cứ nơi đâu.
Giọng nói phát ra từ loa là một giọng khô, chính xác với một chút dấu vết của người Anh.
“... và chúng ta phải cân nhắc,” Austen Heller nói bằng giọng vô cảm, “rằng, bởi vì – thật không may – là chúng ta buộc phải sống cùng nhau nên điều quan trọng nhất chúng ta cần phải nhớ là: cách duy nhất để chúng ta có thể có được trật tự là phải có càng ít luật lệ càng tốt. Tôi không thấy có tiêu chuẩn đạo đức nào có thể hoàn toàn bao quát khái niệm phi đạo đức NHÀ NƯỚC; mà chúng ta chỉ có thể đo nó qua lượng thời gian, chất xám, tiền bạc, nỗ lực và sự tuân thủ mà một xã hội bóp nặn ra từ các thành viên của nó. Giá trị và sự văn minh của một nhà nước tỷ lệ nghịch với sự bóp nặn kia. Không có một luật lệ chính đáng nào lại có thể bắt một người phải làm việc theo bất kỳ điều kiện lao động nào, ngoại trừ những điều kiện mà anh ta lựa chọn. Không có một luật lệ chính đáng nào lại ngăn người đó đặt ra các quy tắc lao động – cũng như không có luật nào buộc ông chủ của anh ta chấp nhận các điều kiện đó. Sự tự do trong việc đồng ý hay không đồng ý là nền tảng của xã hội của chúng ta – và quyền tự do đình công là một phần của tự do đó. Tôi đề cập đến vấn đề này như một lời nhắc nhở đến quý ngài Pertronius nào đó từ Hell’s Kitchen[46] – một gã quý tộc vô lại mà gần đây dám lớn tiếng rằng cuộc đình công này thể hiện sự phá hoại luật lệ và trật tự.”
Cái loa phóng thanh rít lên những âm thanh the thé và chói tai từ những tiếng hò reo đồng tình và tiếng vỗ tay lốp đốp. Những người trong hành lang thở hổn hển. Catherine bấu chặt lấy tay Keating. “Ôi Peter!” cô thì thào. “Ông ấy muốn nói đến Wynand! Wynand sinh ra ở Hell’s Kitchen. Ông ấy dám nói thế nhưng Wynand thì sẽ trút lên đầu bác Ellsworth.”
Keating không thể nghe nốt phần còn lại của bài diễn thuyết của Heller bởi đầu anh đang bị một cơn đau khủng khiếp hành hạ; đến mức những âm thanh từ bài diễn thuyết làm cho mắt anh nhức lên và anh phải nhắm chặt mắt lại. Keating dựa vào tường.
Anh thình lình mở mắt ra khi anh nhận thấy một sự im lặng kỳ lạ xung quanh. Anh đã không chú ý phần cuối của bài diễn thuyết của Heller. Anh thấy những người trong hành lang đang đứng trong sự chờ đợi trang nghiêm và căng thẳng, và tiếng rít trống rỗng của cái loa khiến mọi con mắt đều đổ dồn về cái phễu tối đen của nó. Rồi một giọng nói vang lên, xuyên qua sự yên lặng, to và chậm: “Thưa quý ông quý bà, bây giờ tôi vô cùng vinh hạnh được giới thiệu tới các bạn ông Ellsworth Monkton Toohey!”
Chà, Keating nghĩ, thế là cái tay Bennett đã được sáu sập cá cược ở văn phòng rồi. Vài giây yên lặng trôi qua. Rồi cái điều xảy ra tiếp sau đó đã giáng một cú vào sau gáy Keating; đó không phải là một âm thanh hay một cú đấm, nó là một cái gì đó xé toạc thời gian, cắt rời giây phút này khỏi giây phút trước đó. Ban đầu anh nghĩ nó là một cú sốc; rồi một giây thời gian trôi qua và anh nhận ra đó là cái gì – đó là tiếng vỗ tay. Đó là một tràng pháo tay vang rền đến nỗi Keating tưởng như cái loa sắp nổ tung; tràng pháo tay kéo dài mãi, ép vào các bức tường của hành lang và anh nghĩ anh có thể cảm thấy các bức tường đang ưỡn cong ra phía ngoài đường.
Mọi người xung quanh anh đang hò reo. Catherine đứng đó, môi hé mở, và Keating c ảm thấy chắc chắn là cô ấy đang hoàn toàn nín thở.
Một lúc lâu sau, bầu không khí đột nhiên im lặng – cũng thình lình và gây sốc y như tràng pháo tay; cái loa rít lên một tiếng rồi im lặng. Những người trong hành lang đều đứng im. Rồi một giọng nói cất lên:
“Các bạn của tôi,” giọng đó nói, giản dị và trang nghiêm. “Những người anh em của tôi,” giọng nói đó thêm vào, nhẹ nhàng, như không chủ tâm, vừa tràn ngập cảm xúc và vừa như tự mỉm cười xin lỗi trước cảm xúc đó. “Tôi xúc động trước sự chào đón này hơn mức tôi tự cho phép mình. Tôi hy vọng mình sẽ được tha thứ cho cái biểu hiện hư hỏng của cái đứa trẻ vốn luôn tồn tại trong tất cả chúng ta. Nhưng tôi nhận ra – và với tinh thần đó tôi chấp nhận nó – rằng sự chào đón này không phải là dành cho cá nhân tôi mà là cho một nguyên tắc mà tôi may mắn có cơ hội trình bày – với tất cả sự khiêm nhường – vào tối nay.”
Đó không phải là một giọng nói, đó là một phép lạ. Nó trải ra như một tấm biểu ngữ làm bằng nhung. Nó nói tiếng Anh nhưng sự rành rọt của mỗi âm tiết mà nó phát ra khiến nó như đang nói một thứ ngôn ngữ mới lần đầu tiên người ta nghe thấy. Đó là giọng nói của một người khổng lồ.
Keating đứng đó, miệng há ra. Anh không nghe thấy giọng nói đó nói gì. Anh nghe thấy vẻ đẹp của những âm thanh mà không bắt được ý nghĩa. Anh cảm thấy không cần phải hiểu nghĩa; anh có thể chấp nhận bất kỳ thứ gì, anh có thể để người ta bịt mắt dẫn đi bất cứ đâu.
“... và vì vậy, các bạn của tôi,” giọng nói đó đang nói, “bài học rút ra từ cuộc đấu tranh bi thảm của chúng ta là bài học về sự đoàn kết. Chúng ta phải đoàn kết hoặc chúng ta sẽ bị đánh bại. Ý chí của chúng ta – chí chí của những người không thừa kế, của những người bị lãng quên, của những người bị áp bức – sẽ gắn kết chúng ta lại thành một tấm lá chắn vững chắc, với một niềm tin và một mục đích chung. Đây là lúc mỗi người chúng ta phải từ bỏ sự bận tâm với những vấn đề nhỏ bé vụn vặt của cá nhân mình, về lợi ích, sự thoải mái và về sự tự mãn của bản thân. Đây là lúc mỗi chúng ta phải hòa mình vào một dòng chảy lớn hơn, vào cơn thủy triều đang dâng lên đang tiến đến gần để cuốn tất cả chúng ta đi – dù muốn hay không, vào tương lai. Lịch sử, các bạn ạ, không đặt câu hỏi cũng không cần sự chấp thuận của chúng ta. Lịch sử không thể bị bác bỏ, cũng như tiếng nói của quần chúng nhân dân đã quyết định nó vậy. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi. Chúng ta hãy đoàn kết, hỡi những người anh em của tôi. Chúng ta hãy đoàn kết. Chúng ta hãy đoàn kết. Chúng ta hãy đoàn kết.”
Keating nhìn Catherine. Không còn Catherine nữa; chỉ còn một khuôn mặt trắng đắm chìm trong những âm thanh từ chiếc loa. Không phải là vì cô đang nghe chú mình nói; Keating không thể thấy ghen tỵ với ông ấy – anh ước anh có thể. Đấy không phải là sự yêu quý. Nó là thứ gì đó lạnh lùng và vô cảm – nó khiến Catherine trở nên trống rỗng, tinh thần của cô đã đầu hàng và không có một người nào nắm giữ nó ngoại trừ một thứ không gọi tên ra được đang nuốt chửng lấy cô.
“Chúng ta ra khỏi đây thôi.” Keating thì thầm. Giọng anh man dại. Anh đang hoảng sợ.
Catherine quay về phía Keating như thể cô vừa ra khỏi cơn bất tỉnh. Anh biết rằng cô đang cố nhận ra anh và những điều anh nói. Cô thì thầm: “Vâng. Chúng ta hãy đi thôi.”
Họ đi qua những đường phố, qua màn mưa, không phương hướng. Trời lạnh nhưng họ cứ đi – để cử động, để cảm nhận sự chuyển động, để biết cái cảm giác là cơ bắp mình đang cử động.
“Chúng mình ướt hết rồi,” cuối cùng Keating nói – cố gắng thẳng thừng và tự nhiên hết mức có thể; sự im lặng của họ làm anh thấy sợ; nó chứng tỏ rằng cả hai đều biết cùng một thứ và cái thứ ấy có thật. “Chúng mình tìm chỗ nào đó uống cái gì đi.”
“Vâng,” Catherine nói, “Đi! Trời lạnh quá... Em có ngốc không? Giờ thì em đã lỡ bài phát biểu của chú em rồi và em thì đã rất muốn nghe nó.” Thế là ổn. Cô ấy đã nói đến nó. Cô ấy đã nói đến nó khá tự nhiên với một lượng tiếc nuối chân thành vừa đủ. Cái thứ ấy đã qua. “Nhưng em muốn ở bên anh, Peter ạ... Em lúc nào cũng muốn ở bên anh.” Cái thứ kia giãy lên một lần cuối – không phải vì ý nghĩa điều cô vừa nói, mà vì cái nguyên nhân đã thúc đẩy cô nói ra. Rồi nó đi hẳn, và Keating mỉm cười; những ngón tay anh tìm kiếm cổ tay trần của Catherine giữa tay áo và găng tay của cô, và làn da cô ấm áp chạm trên da anh...
Nhiều ngày sau Keating nghe được câu chuyện mà cả thành phố kháo nhau. Người ta nói rằng vào cái ngày sau buổi mít tinh lớn, Gail Wynand đã tăng lương cho Ellsworth Toohey. Toohey đã nổi giận và đã cố gắng từ chối. “Ông không thể hối lộ tôi, ông Wynand ạ,” Toohey nói.
“Tôi không hối lộ ông,” Wynand đã trả lời; “đừng có tự huyễn mình như thế.”
*
* *
Sau khi cuộc đình công được giải quyết, công việc xây dựng vốn bị gián đoạn lại khôi phục khắp thành phố, và Keating bị chìm ngập trong công việc suốt ngày đêm với những công trình mới lũ lượt đổ vào văn phòng. Francon mỉm cười hoan hỉ với mọi người và tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho nhân viên của mình để xóa đi mọi ký ức về bất kỳ điều gì mà ông ta có thể đã nói. Dinh thự nguy nga của ông bà Dale Ainsworth trên đường Riverside[47] – một dự án yêu thích nhất của Keating và được thiết kế theo phong cách cuối thời Trung cổ, xây bằng đá granit xám – cuối cùng đã được hoàn tất. Ông bà Dale Ainsworth mở một cuộc tiếp tân trịnh trọng để khánh thành nhà, Guy Francon và Keating được mời trong khi Lucius N. Heyer đã bị lờ đi – một cách khá tình cờ – như vẫn luôn xảy ra với ông ta như thế vào phút chót. Francon thích cuộc tiếp tân vì mỗi mét vuông granit trong ngôi nhà đều gợi cho ông ta nhớ đến khoản thanh toán hậu hĩ cho một mỏ đá granit nào đó ở Connecticut. Keating thích buổi tiếp tân vì bà Ainsworth to béo đã vừa cười thân thiện vừa nói với anh rằng: “Thế mà tôi cứ chắc chắn rằng anh là đồng sự của ông Francon! Phải rồi, công ty là Francon và Heyer! Tôi thật là bất cẩn quá! Nhưng để xin lỗi anh, tôi xin được nói rằng dù anh không phải là đồng sự của ông ấy, nhưng anh hoàn toàn có quyền được như thế.” Công việc ở văn phòng diễn ra trôi chảy, trong một trong những thời kỳ mà mọi thứ dường như đều tốt đẹp.
Vì thế vào một buổi sáng không lâu sau buổi tiếp tân của nhà Ainsworth, Keating ngạc nhiên thấy Francon đến văn phòng với bộ mặt tức giận lo lắng. “Ồ không có gì đâu,” ông ta nôn nóng phẩy tay về phía Keating, “không có chuyện gì cả.” Trong phòng vẽ, Keating để ý thấy ba kiến trúc sư chụm đầu với nhau trên một trang của tờ Ngọn cờ New York, đọc với vẻ thích thú háo hức tội lỗi; anh đã nghe thấy tiếng cười nén khó chịu của một trong số họ. Khi họ thấy anh thì tờ báo biến mất ngay. Anh không có thời gian để điều tra việc này; một người chạy việc thầu khoán đang đợi anh trong văn phòng và anh còn cả đống thư từ và bản vẽ cần phê chuẩn nữa.
Ba giờ sau các cuộc họp liên tục đã làm anh quên hẳn biến cố đó. Anh thấy nhẹ nhõm, minh mẫn, hồ hởi vì nguồn năng lượng của mình. Khi anh phải vào thư viện để đối chiếu một bản vẽ của mình với nguyên mẫu tốt nhất được lưu, anh ra khỏi văn phòng, huýt sáo, đu đưa bản vẽ một cách vui vẻ.
Với tâm trạng phấn chấn, anh đi qua được nửa phòng tiếp tân thì đột ngột dừng lại; tấm bản vẽ vung về phía trước và đập trở lại vào đầu gối anh. Anh quên mất rằng dừng lại đột ngột trong những trường hợp thư thế này là không thích hợp lắm.
Một phụ nữ trẻ đứng phía trước rào chắn và đang nói chuyện với cô thư ký tiếp tân. Thân hình thanh mảnh của cô dường như nằm ngoài mọi tỷ lệ của cơ thể con người bình thường; những đường nét của thân hình ấy quá dài, mỏng manh dễ vỡ, quá phóng đại đến nỗi cô trông giống như một bức tranh cách điệu của một phụ nữ – cô khiến cho những tỷ lệ đúng của một người bình thường có vẻ nặng nề và vụng về bên cạnh cô. Cô gái mặc một bộ giuýp xám trơn; sự tương phản giữa vẻ nghiêm trang của bộ trang phục và dáng vẻ bên ngoài của cô như phi lý một cách cố ý – và tao nhã một cách kỳ lạ. Cô đặt những đầu ngón tay của một bàn tay lên rào chắn, một bàn tay hẹp, kết thúc đường thẳng kiêu kỳ của cánh tay cô. Cô có đôi mắt xám không phải hình bầu dục, mà là những đường cắt chữ nhật dài được viền bởi hai hàng lông mày song song; cô mang một vẻ thuần khiết lạnh lẽo và một cái miệng đanh đá một cách tao nhã. Khuôn mặt cô, mái tóc vàng nhạt của cô, bộ giuýp của cô – dường như chúng không có màu mà chỉ là có một chút bóng dáng ngấp nghé của màu sắc thật; nó khiến cho những màu sắc thật bỗng trở nên thô kệch. Keating đứng sững, vì lần đầu tiên anh hiểu các nghệ sĩ nói gì khi họ nói về cái đẹp.
“Tôi sẽ gặp ông ta ngay bây giờ, không thì thôi.” Cô nói với cô thư ký tiếp tân. “Ông ấy bảo tôi tới gặp và tôi chỉ rỗi lúc này thôi.” Đó không phải là một mệnh lệnh; cô nói như thể cô không cần phải lên giọng mệnh lệnh làm gì.
“Vâng, nhưng...” một đèn tín hiệu sáng lên trên bảng tổng đài của cô thư ký; cô ta vội vã nối máy. “Vâng, thưa ông Francon...” Cô lắng nghe và gật đầu nhẹ nhõm. “Vâng thưa ông Francon.” Cô quay ra người khách: “Mời cô vào ngay bây giờ.”
Người phụ nữ trẻ quay người và nhìn Keating khi cô đi qua anh trên đường đến chỗ cầu thang. Đôi mắt cô lướt qua anh mà không hề dừng lại. Có cái gì đó hơi xẹp đi trong sự ngưỡng mộ sững sờ của anh. Anh đã có đủ thời gian để nhìn thấy mắt cô; đôi mắt trông mệt mỏi và hơi khinh khỉnh, nhưng chúng để lại cho anh một cảm giác tàn nhẫn lạnh lùng.
Anh nghe thấy tiếng cô đi lên cầu thang, và cảm giác về sự tàn nhẫn biến mất, nhưng sự ngưỡng mộ thì ở lại. Anh tiến đến chỗ cô tiếp tân một cách háo hức.
“Ai thế?” anh hỏi.
Cô thư ký nhún vai: “Cô gái nhỏ của sếp đấy.”
“Trời, bố già may mắn!” Keating nói, “thế mà lão giấu mình.”
“Anh hiểu nhầm ý tôi rồi,” cô thư ký nói lạnh lùng. “Đó là con gái ông ấy. Dominique Francon.”
“Ồ,” Keating nói. “Ôi, lạy Chúa!”
“À” cô thư ký nhìn anh một cách châm chọc. “Anh đã đọc tờ Banner sáng nay chưa?”
“Chưa. Sao?”
“Anh đọc đi.”
Bảng điều khiển lại kêu và cô ta quay đi.
Keating nhờ một thằng bé chạy đi mua một tờ Banner cho mình và đọc một cách lo lắng cột báo Nhà của bạn do Dominique Francon viết. Anh đã nghe nói gần đây cô khá thành công với việc miêu tả những ngôi nhà của những vị có vai vế ở New York. Lĩnh vực của cô là trang trí nhà cửa nhưng đôi khi cô cũng mạo hiểm vào lĩnh vực phê bình kiến trúc. Đối tượng của cô hôm nay là dinh thự của ông bà Dale Ainsworth trên đường Riverside. Anh đọc thấy, giữa rất nhiều thứ, là những dòng này:
“Bạn bước vào một hành lang tuyệt vời bằng đá cẩm thạch vàng và bạn nghĩ rằng đây là Tòa nhà thị chính hay Bưu điện Trung tâm, nhưng không phải vậy. Nó có, tuy nhiên, đủ mọi thứ (của tòa thị chính): nào là gác lửng với hàng cột đỡ, nào là cầu thang với tay vịn lồi, nào là những vòng tròn ô van có hình những chiếc thắt lưng da được thắt chéo. Chỉ có điều những thắt lưng này không bằng da mà bằng cẩm thạch. Phòng ăn có một cánh cổng bằng đồng lộng lẫy, được sơ suất đặt trên trần nhà, dưới dạng một cái giàn mắt cáo với những dây nho tươi bằng đồng quấn quanh. Có mấy con vịt và thỏ chết treo trên các tường nhà, trong các khóm cà rốt, dã yên thảo và đậu dây. Tôi không cho là mấy thứ này sẽ rất hấp dẫn nếu là đồ thật, nhưng vì chúng là những món mô phỏng tồi bằng thạch cao nên cũng không sao... Các cửa sổ phòng ngủ đối diện với một bức tường gạch, bức tường không được đẹp lắm, nhưng có ai cần xem phòng ngủ đâu. Các cửa sổ ở phía trước đủ lớn và tiếp nhận nhiều ánh sáng cũng như cả mấy bàn chân của các tượng thần Ái tình đậu ở bên ngoài cửa sổ. Các thần ái tình khá béo tốt và mang lại một cảnh đẹp mắ t cho hàng phố, tương phản với bề mặt đá granit khắc khổ của mặt tiền; mấy bức tượng trông cũng đáng yêu, trừ khi bạn không chịu được việc cứ phải nhìn vào mấy cái lòng bàn chân của chúng mỗi khi bạn liếc ra ngoài trời để xem có mưa hay không. Nếu bạn phát mệt vì nhìn chúng thì bạn lúc nào cũng có thể nhìn ra ngoài từ những cửa sổ ở giữa tầng ba và ngắm cái mông bằng gang của Thủy Thần đang ngồi trên đỉnh của trán tường bên trên lối vào nhà. Đây là một lối vào rất đẹp. Ngày mai chúng ta sẽ thăm nhà của ông bà Smythe-Pickering.”
Keating đã thiết kế ngôi nhà. Nhưng anh không thể không cười thầm trong cơn tức tối của mình khi nghĩ đến cảm giác của Francon khi đọc cái này, cũng như việc ông ta sẽ đối mặt ra sao với bà Dale Ainsworth. Rồi anh quên bẵng ngôi nhà và bài báo. Anh chỉ còn nhớ mỗi cô gái đã viết bài báo đó.
Anh nhặt ba bản phác thảo một cách ngẫu nhiên từ trên bàn và bắt đầu đến văn phòng của Francon để xin ông ta phê chuẩn chúng mặc dù anh không hề cần làm vậy.
Trên chiếu nghỉ cầu thang ngay bên ngoài cửa phòng đóng kín của Francon, Keating dừng lại. Anh nghe thấy giọng Francon đằng sau cánh cửa, to, tức giận và bất lực – cái giọng mà anh luôn nghe thấy mỗi khi Francon bị đánh bại.
“... để mà thấy một sự xúc phạm như thế! Từ chính con gái đẻ của mình! Tao có thể chấp nhận bất cứ cái gì của mày, nhưng thế này thì quá lắm. Tao sẽ làm thế nào bây giờ? Tao sẽ giải thích ra sao đây? Mày có ý thức được một tí nào về vị trí của tao không?”
Rồi Keating nghe thấy cô gái cười; đó là một âm thanh quá vui vẻ và lạnh lùng đến nỗi anh hiểu rằng tốt nhất là không nên vào. Anh biết là anh chẳng muốn vào bởi anh lại cảm thấy sợ, giống như đã cảm thấy như thế khi anh nhìn thấy đôi mắt của cô.
Anh quay người và đi xuống cầu thang. Khi đến tầng dưới, anh nghĩ rằng sẽ gặp cô, rằng sẽ gặp cô sớm thôi và rằng bây giờ thì Francon không thể ngăn cản được anh nữa. Anh nghĩ đến điều đó một cách háo hức, cười nhẹ nhõm trước hình ảnh cô con gái của Francon mà anh đã tưởng tượng nhiều năm, duyệt lại viễn cảnh tương lai của mình; mặc dù anh lờ mờ cảm thấy rằng cái tương lai ấy sẽ tốt hơn nếu như anh không bao giờ gặp lại cô.