Tương Lai Xán Lạn Chương 13

Chương 13
1958 Nhờ có người tôi mới có tấm lòng nhân hậu

Ba giờ chiều, bà Tiberescu vào trong căn phòng nhỏ nơi Elena đang thiu thiu ngủ và ngồi ở cạnh giường.

- Cơn đau đầu của con thế nào rồi, Lenoush?

- Vẫn vậy ạ.

- Lẽ ra con phải ra ngoài với mẹ chứ đừng có ru rú trong nhà như vậy. Mẹ đã bảo mà. Con cần hít thở không khí trong lành. Và đi chợ khuây khỏa lắm. Xem mẹ mua được cái gì này.

Mẹ cô bật đèn đầu giường. Bà nói bằng giọng vui vẻ báo trước điều ngạc nhiên. Elena chớp mắt và ngồi nhổm dậy. Mẹ cô lấy trong túi xách một miếng vải lớn óng ánh, màu quả đào.

- Con biết vải gì đây không?

Elena lắc đầu.

- Vải sa ocganđi đấy! Năm mét! Một kì tích đấy. Rất đắt nhé, mẹ nói thật đấy. Có hai bà cùng giành nhau với mẹ. Nhưng con biết đấy. Khi muốn có cái gì thì mẹ trở thành một con hổ cái. Con đoán chúng ta sẽ dùng làm gì?

 

- May váy đầm, Elena nói, mỉm cười yếu ớt.

- Để mặc trong đám cưới Monica!

- Con cứ tưởng cái váy bằng lụa là được rồi vì đám cưới vào tháng Chín?

- Mẹ đổi ý rồi. Con là người làm chứng của cô dâu, Lenoush. Con phải mặc cái gì mới và lộng lẫy. Mẹ muốn rằng tất cả bọn đàn ông phải ngắm nhìn con.

Elena đỏ mặt. Hiển nhiên rồi, đó mới là lý do thực của chiếc váy này. Tìm cho cô một tấm chồng ưng ý.

- Trước khi về, mẹ có ghé qua nhà bác Vera. Bác đã cho mẹ số tạp chí Marie Claire này. Bác gợi ý mẫu này, con nhìn xem. Nó trông rất thon thả nhờ có phía trên ôm sát thân mình tới háng và váy xòe phủ đến mắt cá. Bác Vera sẽ làm tay ngắn bồng vai bằng muxơlin da cam, và cổ tròn hở vai. Con sẽ lộng lẫy. Màu quả đào này rất hợp với tóc con. Con ưng không?

- Dạ, thưa mẹ. Rất ưng.

- Lenoush, con trả lời mẹ kiểu gì đấy! Cứ như thể một kẻ tử vì đạo! Thái độ của con lúc này thực phát chán. Cha có lý, vì chúng ta chiều chuộng con quá mà. Hãy gắng lên nào. Cha mẹ không thể kiên nhẫn mãi được.

Elena tái mặt.

- Con mệt mà, mẹ. Có gì lạ đâu. Con vừa kết thúc năm năm học tập, học tất cả mọi ngày trong tuần cũng như cuối tuần, tất cả chủ nhật, tất cả những ngày lễ, ngay cả Noël. Con cần nghỉ ngơi một chút, rồi cơn đau đầu này sẽ hết thôi.

- Mẹ biết là con đã học rất vất vả, con yêu. Kì nghỉ này ở Mangalia sẽ bổ ích cho con. May quá, chúng ta sẽ đi vào thứ sáu. Bây giờ, hãy ngoan nào. Gọi cho Monica và đi chơi với nó ở công viên Cismigiu.

Tên công viên làm Elena rợn người cứ như nghe thấy tiếng phấn ken két trên bảng đen.

- Monica quá bận chuẩn bị cho đám cưới ạ.

- Thế thì gọi Eugenia.

- Nó đi Sinaia rồi.

- Thế thì mẹ chịu, hay cô bé ở đối diện, Valentina ấy?

- Nó đi làm.

Bà Tiberescu bĩu môi như thể con gái cố tình trái ý bà. Elena đứng dậy.

- Con sẽ đi chơi công viên một mình vậy, thưa mẹ. Cũn g hay đấy.

- Phải rồi! Con sẽ thấy, sẽ tốt cho con đấy.

Nét mặt mẹ đã bớt căng thẳng. Elena đi dép, lấy túi và mũ rồi ra khỏi nhà. Cô không đến bến tàu điện. Chỉ nghĩ đến việc bị đóng khung trong một khoảng không gian chật hẹp với những người mà cô có thể quen biết và họ muốn chuyện phiếm là cô thấy không chịu nổi. Cô rẽ trái, rồi rẽ phải, bước trước tiếp bước sau không nhìn thấy gì xung quanh. Sau một giờ đi dọc theo các phố Toamnei, Popa Petre, Vasile Lascar và Batistei, cô đến công viên Cismigiu. Hôm nay là thứ ba, nhưng đang trong kì nghỉ hè và mặt trời chói chang nên công viên đầy trẻ con. Chìm đắm trong suy tưởng, cô không nhìn thấy chúng, thậm chí cô không biết trời nóng hay lạnh. Cô ngồi trên một chiếc ghế dài dưới bóng cây không xa hồ, ở đó các đôi trẻ và các gia đình đang đi thuyền, vừa chèo vừa cười vui - như cô đã từng làm trong một kiếp khác. Cô đỏ mặt với ý nghĩ cha đã chỉ trích sau lưng cô. Cô có xử sự như trẻ con được nuông chiều không nhỉ? Lời trách móc này hình như bất công và độc địa đối với cô. Cô đã cắt đứt quan hệ với Jacob như cha mẹ yêu cầu. Cô giúp mẹ công việc nhà và không bao giờ khóc trước mặt họ. Biết làm sao được khi cô không hề thích đùa vui cũng như gặp bất cứ ai chiều nay? Điều duy nhất mà cô muốn làm là nằm dài và ngủ. Từ ba tuần nay, cô thường xuyên đau đầu. Cha mẹ đã cho cô đến gặp một bác sĩ, ông đã khám bệnh cho cô và kết luận cô chẳng làm sao cả. Được mẹ Elena cho biết chuyện, khi tiễn cô, ông vỗ nhẹ vào vai cô: "Một cô gái xinh đẹp như cháu thì chẳng mấy chốc lại tìm được một người yêu khác ngay ấy mà." Cô đỏ mặt vì ngượng. Một việc làm hàng ngày trong một văn phòng sẽ làm cô khuây khỏa. Thế nhưng, đây là mùa hè đầu tiên trong năm năm cô không làm việc gì. Cha mẹ đã khuyên cô hãy nghỉ cho thoải mái trước khi bước vào thế giới việc làm, vì vậy cô đã không tiếp tục cái chân thư kí mà ba năm liền cô đã làm và bây giờ đã có người khác làm thay.

Dù sao chăng nữa thì cũng chả còn mấy thời gian. Cuối tuần cô đã cùng mẹ đi Mangalia rồi. Cô vui vì lại được đến biển Đen. Một phần trong ngày cô sẽ ở một mình vì mẹ phải làm việc cho nhà nghỉ của những người hưu trí. Khi từ Mangalia về, chỉ còn hai tuần ở Bucarest nữa là phải đi Giurgiu rồi. Suy cho cùng, chuyến đi đày này trên bờ sông Đanuýp lại là một điều tốt. Một tháng trước, sau khi nhận sự phân công về Giurgiu, cô đã viết cho Viện Vật lí nguyên tử của Bucarest theo gợi ý của ông Ionescu, người có thế lực vì là đảng viên cộng sản. Nhưng cô không hề nhận được hồi âm và đã không nói gì với người bạn của cha mẹ để không làm ông phật ý nếu biết rằng tên ông không có uy lực như ông tưởng. Giờ đây cô thấy nhẹ người vì sự thất bại này.

Cô đi về phía hồ. Cô cảm thấy hơi dễ chịu hơn buổi sáng và những ngày trước. Không phải vì cô ra ngoài đi chơi, mà vì cô vừa có một quyết định. Trước khi đi Mangalia, cô sẽ gọi cho Jacob. Ngay khi nghĩ đến điều đó, cô đã biết đó là điều nên làm. Từ ba tuần nay, cô đều giật nảy mình mỗi khi điện thoại reo, nhất là vào buổi sáng khi chỉ có cô và bà ở nhà. Nhưng đều không phải là Jacob. Anh đã quên cô rồi chăng? Lúc nãy, khi đi về phía công viên, cô đã nhận ra rằng mình thật vô lý. Anh tôn trọng cô. Chính cô đã đề nghị anh để cô yên. Cô khâm phục anh đã có nghị lực để giữ lời. Cô sẽ chỉ gọi để biết anh có khỏe không. Một cử chỉ bạn bè đơn thuần. Nghĩ vậy, cô thấy khá hơn.

Có một người đàn ông đang ngồi đọc trên một cái ghế bên bờ hồ. Từ xa, anh ta rất giống Jacob. Tim cô bắt đầu đập gấp gáp hơn. Cô nhún vai. Từ ba tuần nay, cô cứ tưởng như trông thấy anh ở khắp nơi, trên phố, trong cửa hàng. Có một lần, thậm chí cô còn nhảy xuống khỏi tàu điện bám theo một người lạ có mái tóc đen cùng khổ người như Jacob. Anh ta quay lại khi nghe thấy cô chạy theo sau. Hóa ra là một gã gớm ghiếc, có ria mép to đùng và má sệ. Người ngồi trên ghế băng không thể là Jacob được vì anh làm việc vào thứ ba và không bao giờ mặc áo sơ mi đen. Dẫu vậy, cô vẫn bám theo hướng này. Người ấy ngẩng đầu lên. Là Jacob.

Anh không có vẻ gì sửng sốt cả. Anh nhìn cô dò hỏi.


Áo sơ mi đen càng làm cho mắt anh sẫm hơn và mãnh liệt hơn.
Cô tiến lên một bước và mỉm cười với anh. Anh không cười đáp lại.

- Chào Elena. Em khỏe không? - Anh nói bằng một giọng xa lạ như hỏi thăm một người quen biết nào đó. Anh còn gọi cô là "Elena", chứ không phải là "Lenoush".

- Em khỏe, cảm ơn. Anh đang đọc gì thế?

- Mihai Eminescu. - Anh cho cô xem bìa sách - Em
biết chứ?

Cô lắc đầu.

- Lúc nãy anh đang đọc một bài thơ tên là Một lời cầu nguyện xứ Đaxi, - anh nói tiếp - Nghe này: Nhờ có người mà tôi có đôi mắt ngắm nhìn bình minh,/Nhờ có người tôi mới có tấm lòng nhân hậu;/Khi gió bão thổi, giọng vàng của người ngân lên/ Hòa vào muôn giọng, hát vang bài thánh ca...

Giọng trầm và ấm của anh tác động đến Elena ở cái nơi "nảy sinh lòng nhân hậu". Họ cùng đỏ mặt, như thể anh nhận ra hiệu quả của bài thơ và giọng đọc của anh đối với cô.

- Hay, cô nói. Em có thể ngồi cùng anh không?

Anh dịch ra để dành chỗ cho cô. Cô ngồi xuống một đầu ghế. Cô thoáng nghĩ mình hẳn đã toát mồ hôi khi bách bộ và không thơm tho lắm.

- Tại sao anh lại có mặt ở đây vào thứ ba hả Jacob? Hôm nay anh không đi làm sao?

Anh mỉm cười.

- Chuyện dài lắm, Lenoush ạ.

- Em không vội vã gì cả.

Anh giải thích cho cô là ba tuần trước, anh đã nhận được một cuộc điện thoại từ Ixraen báo tin mẹ anh vừa mất.

- Ôi, trời ơi! - Elena bỗng hiểu tại sao anh lại bận đồ đen. Ba tuần, hẳn đúng sau bữa trưa ở nhà cô. - Mất thế nào ạ?

- Vì một cơn đau tim. Vào lúc này, ở Ixraen cực kì nóng. Tim bà không chịu nổi sức nóng.

Anh đã không gặp mẹ từ mười năm nay và, tất nhiên anh đã không thể đi Ixraen để dự đám tang mẹ. Không thể dự đám tang mẹ mình sau khi đã bị đuổi như chó khỏi nhà người bạn gái thân nhất! Mắt Elena đẫm lệ.

 

- Thật khủng khiếp, khủng khiếp, cô nhắc lại.

Cô thực sự được nuông chiều và ích kỉ quá! Cha có lý. Cô thấy đau đầu vì mọi việc không diễn ra như cô mong muốn, và không có lần nào cô nghĩ tới Jacob, người không có gia đình ở bên và vạn lần cô đơn hơn cô. Jacob vừa biết tin mẹ mất, người mẹ mà anh đã không gặp từ mười năm và sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Tất cả nước mắt mà Elena dồn lại từ ba tuần tuôn trào khỏi đôi mắt cô như thể một con đập bị vỡ. Cô khóc vừa vì sự lạnh lùng của cha, sự cứng rắn của mẹ không cho cô có quyền sầu muộn, kí ức về cái ngày họ nhận cô làm con nuôi, vừa vì kí ức khác, cũ hơn và mơ hồ hơn, một cảm giác, đúng hơn là kí ức về một nơi có những súc vật ở trang trại, một ánh sáng dịu và yếu, nụ cười của một phụ nữ đầu vấn khăn hoa. Cô khóc thương mẹ Jacob mất đi trong hoang mạc Ixraen mà không được gặp lại con cả của mình. Cô khóc thương người con trai này, trở thành côi cút mà thậm chí không được quyền đi khỏi Bucarest để gặp lại lần cuối cùng người mẹ đã sinh ra mình. Jacob cầm tay cô và nhẹ nhàng vuốt ve bằng ngón cái.

- Lenoush, Lenoush, trấn tĩnh lại nào.

Anh rút trong túi ra một cái khăn mùi soa bằng vải bông trắng, sạch sẽ và đã là, rồi đưa cho cô. Cô lau má, hỉ mũi và xin lỗi anh. Anh tiếp tục câu chuyện. Một tuần sau khi nhận được tin mẹ mất, anh nghe nói rằng chính phủ tạm thời mở cửa biên giới cho phép những người Do Thái nào muốn được di cư về Ixraen. Anh đã quyết định tận dụng cơ hội ấy. Tại sao phải ở lại Bucarest khi mà cả gia đình anh ở nơi ấy và thậm chí anh không thể đến với họ vào thời điểm như thế này? Anh đã đến lãnh sự quán Ixraen vào một chiều chủ nhật để chắc chắn sẽ là người đầu tiên khi lãnh sự quán mở cửa vào chín giờ sáng thứ hai. Vào ba giờ chiều chủ nhật, người ta đã xếp hàng vòng quanh tòa nhà! Người ta đem theo cả đồ ăn, thức uống và chăn để ngủ đêm. Anh đã phải đợi đến tận chiều thứ hai để nộp đơn xin nhập cảnh. Một tuần sau, anh bị thải hồi cả công việc kĩ sư ở Đài Nhân dân lẫn giáo viên ở trường trung học kĩ thuật. Elena kêu lên. Bị thải hồi! Cô chưa từng biết ai lâm vào tình trạng nghiêm trọng và nhục nhã như vậy.

- Tại sao cơ chứ?

- Lãnh sự quán Ixraen phải cung cấp cho Cơ quan an ninh tên của tất cả những ai nộp đơn xin nhập cảnh. Khi Cơ quan này nhận được tên ai thì người ấy không thuộc đất nước này nữa. Hiện anh đang sống ngoài lề.

- Khi nào anh đi?

- Anh chưa biết. Anh đợi hộ chiếu. Có thể mất nhiều
thời gian.

Trên cây, nắng chiều đã nhạt. Elena đứng lên. Cha mẹ sẽ lo lắng nếu cô không về nhà trước khi trời tối.

- Em phải về, Jacob ạ. Anh có muốn mai ta gặp nhau không?

- Anh tưởng là em không muốn gặp anh nữa? Em đã trả anh sách rồi mà.

Cô nhún vai. Cô không muốn đề cập đến chủ đề này.

- Trưa mai trước tháp đồng hồ nhé? Cô đề nghị.

Họ bắt tay nhau và cô vội rời đi. Cô đi tàu điện để không bị về muộn, mặc dù cô vẫn thích đi bộ hơn để bình thản nghiền ngẫm về cuộc gặp gỡ đầy ngẫu nhiên này đã làm lòng cô tràn đầy hạnh phúc. Chứng đau đầu đã biến mất. Buổi tối, trong bữa ăn, cô vui vẻ đến mức làm cho cha mẹ và bà nhìn nhau ngỡ ngàng. May thay, mẹ cô đã có ngay một lời giải thích, đó là vì miếng vải ocganđi mà bà đã mua ngoài chợ. Không gì có thể làm một cô gái sung sướng hơn là một cái
váy đẹp.

Mỗi ngày, họ lại gặp nhau cho tới khi cô đi Mangalia. Họ gặp nhau vào cuối buổi sáng khi mà cha mẹ Elena đang đi làm. Họ trở lại công viên Floreasca để chèo thuyền. Họ không thể ngừng nói được, cứ như thể họ đã bị chia cắt từ nhiều năm chứ không phải chỉ có đúng vài tuần. Jacob đọc thơ của Eminescu cho cô nghe. Họ nói về quan hệ của họ như là của một "tình bằng hữu". Đôi khi họ cầm tay nhau dạo bước nhưng không ôm hôn nhau. Chẳng bao lâu, Jacob sẽ về Ixraen. Thậm chí có thể trước khi Elena từ Mangalia trở về. Anh sẽ mãi mãi ra đi. Họ tận hưởng từng giây phút bên nhau sau nỗi đau khổ của ba tuần lễ vừa qua. Jacob nói với cô về mẹ anh và về tuổi thơ ấu của anh trong một thành phố nhỏ gần Iasi, nơi người Do Thái sinh sống và bị tàn sát bởi cuộc chiến. Gia đình anh đã dọn đến ở Bucarest năm 1941, đúng ngay trước cuộc tàn sát người Do Thái. Anh rất nhớ hai đứa em trai, Joseph và Doru. Cô thử tưởng tượng xem có hai người em trai và bị ngăn cách với họ sẽ như thế nào. Hôm trước khi đi, vào thứ sáu, khi tạm biệt anh, cô nói anh có thể viết cho cô qua hòm thư lưu ở Mangalia. Anh đưa cô quyển thơ của Eminescu.

Thứ bảy, Elena và mẹ đi tàu hỏa đến Mangalia. Cô cảm thấy nhẹ nhõm trong người nên mẹ nói nhiều cô cũng chẳng thấy phiền toái gì. Căn phòng mà hai mẹ con ở trong hai tuần tại nhà nghỉ của người hưu trí tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ và trắng bong, và khi nghiêng người qua cửa sổ ta sẽ nhìn thấy ở xa biển xanh như một hình tam giác. Buổi sáng ngày thứ ba, trong khi mẹ làm việc, Elena ra bưu điện. Cô đưa tên mình cho người nhân viên đằng sau quầy, ông ta biến mất vào căn phòng liền kề và vài phút sau trở lại với một cái phong bì. Trái tim Elena bắt đầu đập rộn ràng. Người nhân viên đeo kính dày cộp đưa cho cô cái phòng bì và chỉ cho cô chỗ kí tên trong sổ mà không để ý gì đến nụ cười rạng rỡ của cô. Cô ra khỏi bưu điện, mắt dán chặt vào địa chỉ: Cô Elena Tiberescu, Hòm thư lưu, Mangalia, được viết bằng thứ chữ đều đặn, tao nhã, nghiêng về bên trái. Cô không mở phong bì ngay mà đợi cho đến khi tìm được một góc khuất trên bãi biển, ngồi xuống cát, nghe tiếng sóng biển, rồi, như thưởng thức một quả cam, cô từ tốn đọc bức thư đầu tiên mà cô nhận được từ người đàn ông thân thiết nhất của lòng cô. Những lời lẽ anh viết sống động cứ như anh đang đứng trước mặt cô. Cô nghe thấy tiếng anh, trầm, ấm và dịu dàng. Cô không thể không mỉm cười. Đọc xong, cô liền lấy ngay giấy và bút trong túi xách. "Jacob thân yêu..." Cô sợ văn phong của mình có lẽ ít tinh tế đối với Jacob, nhưng không quan trọng, cô biết vậy.

Cô ăn trưa cùng mẹ. Sau bữa ăn, mẹ ngủ trưa còn Elena dạo chơi trong một mảnh vườn công cộng, ở đó cô đọc lại những bức thư của Jacob, viết cho anh hoặc đọc những bài thơ của Eminescu. Trong một bức thư của mình, cô đã chép lại một định nghĩa về tình yêu mà cô tìm thấy trong một bài thơ tên là "Ce e amorul?", "Tình yêu là gì?": Cả một cuộc đời / Những ngày đầy đau thương, / Muôn vàn giọt lệ không thể đủ, / Nhưng vẫn còn đòi nước mắt. Ngay cả khi cô đang cực kì sung sướng và đây cũng không phải nói về tình yêu giữa Jacob và cô, định nghĩa này đối với cô hình như là đúng nhất. Tình yêu là cái giếng mà muôn vàn giọt lệ không thể lấp đầy. Nhờ đọc những bài thơ của Eminescu mà cô mới tìm ra từ để diễn đạt những ý nghĩ và tình cảm mà cô đã không bao giờ có thể làm nổi - một mong muốn, một nỗi buồn, một sự nuối tiếc, một sự thiếu vắng, một ước nguyện, kể cả một niềm vui sống đang hòa trộn trong cô. Cô biết ơn Jacob đã cho cô quyển sách ấy.

Buổi chiều, Elena cùng mẹ đi suối để uống nước khoáng và tắm bùn có lưu huỳnh. Họ trở về nhà nghỉ của người hưu trí, tắm vòi sen nước lạnh và mặc quần áo. Họ trao đổi với nhau những ý kiến về quần áo và trang điểm, bổ sung cho nhau và cười đùa như hai cô gái. Lần đầu tiên Elena thấy tâm đầu ý hợp với mẹ. Sau khi đã xoa vào đùi một loại kem chủ yếu bằng chanh mà Iulia đã làm ở Bucarest để chống muỗi, họ khoác tay đi dạo dọc theo bờ biển vào lúc mặt trời lặn hoặc đi vòng quanh phế tích thành lũy Callatis. Sau lưng họ, mặt trời đang lặn đằng sau những căn nhà của Mangalia và đỉnh vòm đền thờ hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Hoàng hôn, họ đến ki ốt trong công viên và ngồi cùng những bạn bè mà họ đã gặp gỡ hôm trước. Tối nào cũng có một buổi hòa nhạc ở đó.

Tuần đầu, cứ hai ngày Elena lại nhận được thư, rồi thì ngày nào cũng có. Thứ tư của tuần thứ hai, cô reo lên khi nhận được những từ này: "Sáng nay, anh đã đến lãnh sự quán Ixraen và anh đã rút lại đơn xin nhập cư." Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt cô. Để đổi lại, Jacob không yêu cầu cô gì hết, không nhấn mạnh rằng anh đã làm thế vì cô. Anh chỉ nói rằng lúc này rời bỏ Rumani chả có ý nghĩa gì hết nữa. Cô không thể tìm thấy lời lẽ nào chí lí hơn vì có những việc đầy ý nghĩa và những việc khác lại không. Tình hình của Jacob còn lâu mới hợp thức hóa được. Anh phải tìm việc làm. Sẽ không dễ dàng gì.

Anh vẫn thất nghiệp khi cô trở về Bucarest nên họ có thể gặp nhau mỗi ngày. Họ chỉ gặp nhau trong các công viên, Cismigiu, Floreasca, Herastrau và Carol vì cô sợ ngộ nhỡ có người quen bắt gặp và kể với cha mẹ cô là đã trông thấy con gái họ tay trong tay đi chơi với một thanh niên da ngăm ngăm đẹp trai. Thậm chí cô không biết họ đã nói về những gì, tuy nhiên, thời gian trôi nhanh tới mức mà lần nào cô cũng hoảng hốt nhận ra là đã đến ba giờ rồi và cô phải đi nếu muốn trở về nhà trước người cha rất tinh ý của cô. Cô kể với mẹ là cô đi thăm Monica hoặc Eugenia. Cha mẹ đều cho rằng nắng gió của Mangalia, nước khoáng và tắm bùn đã có tác dụng diệu kì. Elena đã gặp may. Không phải cô gái nào ở Bucarest cũng có người mẹ khôn khéo tìm được việc làm mùa hè ở bờ biển để có thể được ở không mất tiền và cho cả con gái đi nghỉ hè.

Ngày cô lên đường đi Giurgiu, 23 tháng Tám, Elena ăn trưa ở nhà. Bà ngoại đã chuẩn bị tất cả các món mà cô thích, trong đó có cả món mì phó mát/koltunach ngon tuyệt nữa, và gói ghém phần còn lại vào những cái hộp nhỏ cùng với dây buộc cẩn thận. Đầu buổi chiều, cha mẹ tiễn cô ra ga. Elena mặc một cái váy bằng vải lanh màu kem, cổ trễ và không tay mà Jacob rất thích. Trong hai giờ hành trình, cô chỉ mơ về anh. Trên sân ga Giurgiu, một người đàn ông thô kệch cầm một tấm biển chờ cô. Cô đi theo ông ta đến tận cỗ xe ngựa và lên ngồi bên cạnh. Người ông toát ra mùi mồ hôi và rượu mận. Ông giải thích với cô rằng xăng đắt và khó kiếm. Ngựa gõ nhịp đều đều trên những con phố vắng thậm chí không rải nhựa, giống như phố xá của những thành phố nhỏ mà Elena đã từng ở khi còn bé. Họ ra khỏi thành phố và đi khoảng ba hoặc bốn cây số nữa ở giữa vùng thôn quê rồi mới đến nhà máy. Người đàn ông dừng xe trước một tòa nhà bêtông hai tầng. Ông dẫn cô đến một căn phòng ở tầng hai. Nhà máy đang tổ chức một cuộc liên hoan mừng quốc khánh, mười lăm phút nữa ông sẽ quay lại đón cô.

Elena xem xét căn phòng sẽ là nơi cô ở trong một năm. Cửa sổ trông ra bầu trời xám và một cánh đồng. Phòng có một giường bằng sắt, một cái bàn làm việc và một cái tủ gỗ. Trong góc có một bồn rửa với gương bên trên. Người đàn ông đã không chỉ cho cô chỗ đi tắm và vệ sinh. Một bóng đèn trần trụi treo trên trần. Cô bật công tắc nhưng không thấy có điện. Cô mở cửa sổ. Một con côn trùng bay vào. Cô đặt vali lên giường và lấy những chiếc váy ra. Không có đủ mắc áo. Cô bỗng tự hỏi sau ngày mai cô sẽ sống ra sao vì cô đã chọn đến trước thời gian thực tập một ngày để ổn định chỗ ăn ở. Cô lấy trong túi xách ra tác phẩm của Eminescu và giở hú họa: Nụ cười trẻ thơ của em mới dịu hiền làm sao, khi anh bắt gặp,/ Thế là anh thấy dịu đi một đời khổ đau / Và cái nhìn anh cháy lên, và tâm hồn anh lớn lên.

Mười lăm phút sau, người đánh xe ngựa gõ cửa cùng với một người đàn ông thấp, khoảng năm mươi tuổi với cái bụng nhô ra khỏi bộ trang phục xám. Ông ta tự giới thiệu là đốc công và nhíu mày nhìn Elena vẻ phê phán. Có phải vì váy cô bị nhàu sau cuộc hành trình? Cô có một vết son môi dính vào răng?

- Cô phải thay bộ khác, ông ta nói. Ở đây, ta không thể ăn mặc như thế.

Cô đỏ mặt, bỗng nhiên nhận ra đôi tay trần của mình và bộ ngực nổi trội vì cái váy may sát người. Hai người đàn ông chờ cô trong hành lang trong khi cô thay cái váy vải lanh trắng bằng một bộ nghiêm túc hơn.

Cuộc liên hoan diễn ra trên thảm cỏ khô bên bờ sông Đanuýp mà cái màu hạt dẻ và bẩn thỉu của nó xua tan những mộng mơ do cái tên dòng sông gợi ra cho Elena. Người ta giới thiệu cô với các đồng nghiệp tương lai, những người hơn tuổi cô, họ nói về những người mà cô không quen biết và cười ha hả. Tám giờ rưỡi, màn đêm buông xuống, người đánh xe ngựa đưa cô về phòng ngủ. Ông ta đưa cho cô một cái đèn đốt bằng ga vì điện chỉ có trong khoảng từ bảy đến tám giờ tối. Cô đọc một vài bài thơ dưới ánh sáng yếu ớt của cái đèn. Mùi ẩm mốc trong phòng làm cô khó chịu. Cô mở cửa sổ. Tiết trời thay đổi. Lúc nãy cô đã bị lạnh trên thảm cỏ bên bờ sông, nơi khiến cặp gót nhọn của đôi dép cô đi cắm sâu trong đất. Cô gãi mắt cá chân bị muỗi đốt, tuồn vào chăn, tắt đèn nhưng không sao ngủ nổi. Suốt đêm cô nghe thấy gió rít, chó sủa, ngay cả khi đã đóng cửa sổ lại.

Năm giờ rưỡi cô dậy. Bình minh trắng xóa bầu trời. Cô mở vali và xếp những cái váy vào đó. Cô cầm một trong những cái hộp mà bà ngoại chuẩn bị và ăn một vài miếng bánh mì nhồi thịt nguội. Sáu giờ hai mươi, cô lên đường, một tay xách vali, tay kia cầm túi xách. Cô sợ bị bầy chó lang thang tấn công nhưng may thay việc ấy không xảy ra. Con đường tới thành phố thẳng tắp, cây cối hai bên và bao quanh là cánh đồng. Đến thành phố, cô tìm ra nhà ga khi lần theo đường sắt. Vào tám giờ rưỡi, có một chuyến tàu đi Bucarest. Tàu khởi hành chậm hơn, nhưng chạy thong thả và chắc chắn về thủ đô. Trưa, cô bấm chuông nhà cha mẹ. Họ trố mắt ngạc nhiên.

- Con không thể ở lại nơi đó, cô nói.

Cô bình thản trả lời những câu hỏi của họ. Cô đã quyết, bất chấp hậu quả thế nào, sẽ không quay lại Giurgiu. Mẹ và bà hình như tự hỏi điều gì đã xảy ra với cô bé ngoan ngoãn.

 

- Em chắc chắn rằng cái nhà máy ở Giurgiu này không phải là nơi phù hợp cho một đứa con gái, cuối cùng mẹ cũng quả quyết.

- Anh sẽ gọi cho ông Ionescu, cha kết luận.

Ông ta có nhà nhưng đang tiếp bạn bè. Cha Elena xin lỗi vì đã làm phiền ông và trình bày hoàn cảnh với ông. Đầu tiên, không thấy động tĩnh gì, rồi sau đó là những tiếng reo ngạc nhiên và một vài câu hỏi bằng giọng vui vẻ. Sau khi gác máy, cha Elena thông báo cho toàn thể gia đình đang tụ tập trong phòng khách là đầu tiên bạn ông không hiểu đầu cua tai nheo ra sao bởi vì từ lâu đã có một chỗ dành cho Elena ở Viện Vật lí nguyên tử. Theo dự kiến, cô bắt đầu làm việc ngày hôm sau. Ông Ionescu rất ngạc nhiên vì cô đã không nhận đ ợc hồi âm của Viện và xin lỗi vì sự hiểu lầm.

Mẹ và bà mừng rỡ. Elena cảm ơn cha và đi cất đồ đạc trong vali vào phòng. Sự việc giải quyết xong.

Cô biết rằng cô đã không chạy trốn khỏi Giurgiu vì sợ, như một cô gái thành phố chưa từng biết nông thôn. Cô đã bỏ đi vì không có chuyện ở đó một năm, một tuần, hoặc thêm một ngày. Cái đó không có nghĩa gì cả. Lần đầu tiên trong đời, cô biết chắc cái gì có nghĩa và cái gì không, điều gì cô muốn, và điều cô không muốn. Cô ý thức được rằng nhờ có Jacob và tình yêu mà cô dành cho anh, cô mới sáng suốt được như vậy.

Nguồn: truyen8.mobi/t87365-tuong-lai-xan-lan-chuong-13.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận