Chương 14 Sau hai tuần trăng vắng mặt ở Ra-đô-li-xki, bác sĩ Pa-vơ-li-xki về, ngay ngày hôm sau lại được mời đến trang Rai-ep-strư-zơ-na của ông bà Xki-rơ-vôi-nốp, nơi một người thợ làm công bị hái xiến vào tay. Chính khi ấy anh mới nhận ra là không có túi đồ mổ. Bác sĩ tin chắc rằng đã mang va-li về trong đêm hôm ấy, cả người hầu cũng cam đoan như thế, còn bà Mac-xư-sia thì thề rằng anh không mang về. Người ta lục khắp nhà, từ dưới hầm lên trên tầng áp mái - không có kết quả, và bác sĩ đành đi cấp cứu với những dụng cụ thông thường lấy từ phòng làm việc. Trên đường trở về trang Rai-ep-strư-zơ-na, anh rẽ qua Lu-đơ-vi -kốp để hỏi lại người tài xế ở đó.
Tài xế nhớ rất chính xác rằng ngài bác sĩ đã mang chiếc va-li ra khỏi nhà và đặt vào xe, bác ta nhớ rằng trên đường về - cả ở thị trấn, ở Lu-đơ-vi-kốp, lẫn tại nhà ga xe lửa - không ai lấy nó ra khỏi xe cả. Bác ta cũng chợt nhớ ra rằng khi cậu chủ được khiêng ra khỏi nhà, thì ông thầy lang có quanh quẩn gần xe.
- Nếu như có ai lấy, thì đúng là ông ta thôi, - tài xế kết luận.
- Hẳn rồi, bác sĩ đập tay vào trán.- thế mà không hiểu sao tôi không nghĩ ngay tới điều ấy! Dĩ nhiên là thế. Đó là việc hoàn toàn rõ ràng, thì chính mồm ông ta nói rằng sẽ thử mổ cho cô gái nếu như có dụng cụ kia mà. Nào, giờ thì tôi tóm được con chim kia rồi! Thế ông có biết cô Ma-rư-sia, người cùng bị tai nạn với ngài kỹ sư, còn sống không?
Tài xế không biết, nhưng ở Ra-đô-li-xki người ta đồn ầm ĩ về việc đó, và ngay khi vừa về đến nhà, bác sĩ Pa-vơ-li-xki thành thật ngạc nhiên khi nghe tin cô gái ấy vẫn đang còn sống và có thể sẽ khỏi. Một số người thì nói đó là do ông thầy lang ở cối xay, một số khác thì bảo do ông chăn cừu ở Pie-trơ-ki, song tất cả không khỏi hài lòng - sự hài lòng đích thực của người bình dân trong những trường hợp như thế - mà nhấn mạnh rằng tri thức bí ẩn của nghề lang có khả năng cứu nhân độ thế ngay cả những nơi mà khoa học tuyên bố tình trạng tuyệt vọng.
Những lời đồn đại kia khiến bác sĩ bực bội đã đành, nhưng lại làm anh ta thêm tin chắc vào nỗi nghi ngờ đúng đắn của mình. Thì chính anh khi ấy đã khám kỹ chi cô gái kia, anh đã khẳng định, không một chút nghi ngờ nào nữa, là cô bị dập đáy hộp sọ. Nếu có là bác sĩ ngoại khoa anh ta cũng không dám mổ cái ca mà anh ta coi là vô mục đích kia. Dĩ nhiên anh không loại trừ một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ, trong đó (một nghìn ca may có một) ca mổ có thể thành công. Ngược lại anh hoàn toàn chắc chắn loại trừ khả năng người bị thương có thể sống nổi lấy vài tiếng đồng hồ nếu không tiến hành phẫu thuật khoan sọ não và loại bỏ các dăm xương. Và anh càng chắc chắn rằng không có các dụng cụ phẫu thuật chính xác, không thể nào tiến hành ca mổ thắng lợi được.
Mà từ đó có thể suy ra rằng dụng cụ của chính anh đã bị ông lang An-tô-ni Kô-si-ba đánh cắp.
Chính những luận điểm ấy đã được anh trình bày vào sáng ngày hôm sau tại đồn cảnh sát cho cảnh sát trưởng Zi-ô-mếch nghe, và đòi ông ta phải tiến hành mọi biện pháp điều tra, phải khám xét và bắt ngay ông thầy lang vì hai tội: ăn cắp và hành nghề chữa bệnh trái phép.
Cảnh sát trưởng Zi-ô-mếch nghiêm trang lắng nghe những lời buộc tội rồi đáp:
- Nhiệm vụ của tôi là phải ghi thành biên bản lời khai báo của ngài bác sĩ. Tôi cũng nghĩ là ngài bác sĩ có lý. Chỉ mỗi mình ông Kô-si-ba có thể lấy chiếc va-li dụng cụ đó.Cũng hẳn là ông ta không có quyền hành nghề y, và vì thế phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy. Nhưng mặt khác, như chính ngài bác sĩ đã nói, không có các dụng cụ của ngài thì ông ta không làm gì được, còn khi có các dụng cụ đó ông ấy đã cứu được một mạng người, mặc dù không được phép, nhưng có phải chính vì thế ngài muốn diệt một con người không?
Bác sĩ nhíu mày.
- Ông đồn trưởng! Tôi không rõ, với tư cách một quan chức cảnh sát ông có quyền thẩm định tội phạm hay không. Là một công dân, tôi hiểu rằng đó là việc của tòa án. Việc phân định ý muốn tốt hay xấu của tội phạm không thuộc vào quyền hạn của chúng tôi. Vì vậy, khi tố cáo, tôi có quyền mong rằng ông sẽ tiến hành xử lý theo đúng thủ tục quy định. Tôi đòi hỏi phải soát nhà và bắt giam kẻ cắp.
Viên cảnh sát gật đầu.
- Được thôi, thưa bác sĩ, tôi sẽ làm những gì mà công vụ buộc tôi phải làm.
- Với tư cách người bị thiệt hại, liệu tôi có quyền có mặt khi soát nhà không?
- Tất nhiên, - Zi-ô-mếch đáp khô khan.
- Khi nào ông đồn trưởng định làm việc đó?
Zi-ô-mếch nhìn đồng hồ.
- Ngay lập tức. Tôi không muốn để có kẻ phàn nàn nữa là tôi lề mề trong công vụ.
- Bây giờ tôi còn phải đi ăn trưa, - bác sĩ nhắc. - Có thể sau hai tiếng đồng hồ nữa chúng ta hãy lên đường đến cối xay chăng?
- Không, thưa bác sĩ. Việc soát nhà sẽ tiến hành ngay bây giờ. Nếu như ngài muốn có mặt trong lúc soát...
- Đành vậy, tôi sẽ đi với ông.
Zi-ô-mếch gọi một trong hai nhân v iên dưới quyền và ra lệnh cho anh ta tìm một chiếc xe ngựa.
Ở cối xay, người ta hoàn toàn không ngờ có khách tới thăm. Cuộc sống nơi đây vẫn trôi theo dòng cũ, chỉ có một điều khác là giờ đây ông An-tô-ni Kô-si-ba hoàn toàn không tham gia vào công việc ở cối xay và cũng ít tiếp người ốm hơn trước, nếu có, ông cũng chỉ tiếp những người ấy ngoài sân hoặc ở hiên trong những ngày trời ẩm ướt, chứ không cho họ vào nhà.
Trong nhà, Ma-rư-sia nằm trên một chiếc giường trải vải sạch bong. Cô gái khỏe lại nhanh không ngờ. Sức sống của cơ thể trẻ trung đã làm công việc của nó. Vết thương sau khi mổ đã liền miệng rất tốt, cô gái ăn càng ngày càng ngon miệng hơn. Những lo ngại ban đầu của thầy lang là do cô bị chấn thương có thể ảnh hưởng đến chức năng này nọ, may thay, là những lo lắng không cần thiết. Cô gái cử động vai, tay, và cả chân rất thoải mái. Rõ ràng bộ óc đã không bị một tổn thương vĩnh viễn nào, vì thị lực và thính lực hoạt động không chê vào đâu, và cô gái vẫn nói bằng cái giọng ấm áp trước đây, suốt hàng giờ liền trò chuyện với người đỡ đầu của mình.
Nỗi lo đầu tiên của cô gái khi tỉnh lại là: chuyện gì đã xảy ra với Lê-sếch? Khi cô nghe nói rằng chàng không bị một vết thương nào trầm trọng và cha mẹ chàng đã đưa chàng ra nước ngoài chữa bệnh, cô thở phào nhẹ nhõm.
- Chỉ mong sao cho chàng khỏe lại!
Cô hoàn toàn không nhớ gì về diễn biến của tai nạn. Cô không hề nhận thấy có vật nằm ngang đường. Cô nhớ rằng họ phóng khá nhanh và rồi đột nhiên cô lao vọt lên không. Tất cả chỉ có thế. Cô không hề cảm thấy đau đớn, cũng không cảm thấy sốt. Khi cô mở mắt ra, cô ngạc nhiên thấy mình nằm trong một căn phòng lạ, chứ không phải đang ngồi trên xe mô-tô giữa những lùm cây. Cô cũng không sao hình dung nổi rằng cô đã từng đặt một chân sang thế giới bên kia. Ông An-tô-ni Kô-si-ba không hề nhắc lại một lời nào về cuộc chiến đấu bi thảm của mình giành giật sự sống cho cô, ông cũng không nói là cô bị thương nặng và nghiêm trọng đến mức nào.
- Con bồ câu của bác, cháu bị gẫy một mẩu xương gáy, và vì vậy bác đành phải băng cho cháu theo kiểu bất tiện này vậy. Nhưng đừng động đậy nhé, cháu vàng ngọc của bác, cầu Chúa che chở, cháu chớ có đụng đậy đầu, đừng cố nhúc nhích, nếu không toàn bộ chỗ xương đang liền sẽ hỏng hết đấy.
Cô gái hứa vâng lời, nhưng chỉ hôm sau cô đã hỏi xem cô sắp dậy được chưa.
- Cháu phải nằm yên một thời gian, - thầy lang đáp tránh đi.
Ông hiểu rằng việc đó phải kéo dài chừng hai tháng, song ông không muốn làm cô buồn. Vậy nên khi cô than phiền vì sẽ bị mất việc ở cửa hàng bà Skốp-kô-va nếu phải nằm lâu hơn nữa, khi cô đòi đứng dậy thử, ông mắng cô:
- Đừng trêu tức Thượng đế! Hãy cảm ơn chúa là cháu đã qua khỏi. Phải nghe lời bác nếu cháu không muốn gặp chuyện chẳng lành!
- Thôi, thôi, được rồi, bác An-tô-ni thân yêu, - cô mỉm cười với ông, hai tay chắp lại. - Xin bác đừng giận.
- Bác giận sao được! - Ông rạng ngời khuôn mặt. - Làm sao bác có thể giận cháu được cơ chứ, vầng mặt trời của bác!
- Cháu gây nên biết bao phiền hà...
- Sao lại phiền hà! - Ông phản đối. - Đó là niềm vui to lớn nhất đối với bác. Thế còn, nếu nói đến bà Skốp-kô-va, thì cháu đừng nghĩ đến chuyện trở về đó nữa.
- Sao lại thế ạ?
- Thế cháu về đó làm gì kia chứ, con bồ câu nhỏ?... Ồ, khi nào khỏi hẳn, cháu sẽ ở lại đây với bác...
Ông mỉm cười và nói thêm:
- Nếu cháu muốn.
Ông An-tô-ni không thừa nhận những nỗi phiền toái mà Ma-rư-sia nói đến, vì tất cả những việc ông làm cho cô, ông đều không coi là chuyện phiền hà. Mà những việc ấy thì nhiều lắm. Hàng ngày ông phải bế cô trên tay, chuyển sang giường mình đặt trong hốc tường, rồi cẩn thận thay vải trải giường cho cô, phải dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm lau mặt và tay cho cô như một đứa trẻ sơ sinh.
Còn những việc khác của người ốm, ông gọi ai đó trong đám phụ nữ, nhất là cô bé Na-tan-ka, cô bé gần như ngưỡng mộ Ma-rư-sia, song ông cũng phải giúp một tay, vì không người đàn bà nào có đủ sức để bế bổng Ma-rư-sia lên cả. Thoạt tiên cô gái rất ngượng khi ông có mặt, nhưng rồi cô cũng quen khi xem "bác An-tô-ni" như một người đỡ đầu hay như một người cha.
Cô tâm sự cởi mở với ông về tất cả mọi chuyện chỉ không động đến một chủ đề. Cô nhận thấy rằng mỗi khi nhắc đến cậu chủ Trưn-xki, mặt ông lại u ám hẳn. Cô đoán rằng ông xem Lê-sếch là kẻ gây ra tai nạn, qua tai nạn đó ông mới được biết về những cuộc đi chơi tay đôi của họ vào rừng, điều mà ông cũng không thể tha thứ. Giá như cô có thể nói thẳng ra với ông:
- Bác An-tô-ni, bác đừng trách anh ấy, anh ấy là một chàng trai trung thực, anh ấy yêu cháu và sẽ cưới cháu làm vợ.
Nhưng cô không có quyền nói ra điều đó. Cô phải chờ tin của người chồng chưa cưới. Và vì vậy, thỉnh thoảng cô lại hỏi xem có thư gửi đến cho mình không.
Thầy lang đoán ra cô đang mong thư ai, nên lần nào ông cũng chỉ lẩm bẩm đáp cộc lốc:
- Không có.
Và ông nói với cái giọng dường như định nói thêm: - và sẽ không có đâu.
Bản thân ông, trong thâm tâm hoàn toàn tin chắc vào điều đó, tin chắc hệt như Ma-rư-sia tin vào điều ngược lại vậy.
- Chàng công tử chơi bời, cô thiếu nữ nhẹ dạ, - thầy lang nghĩ bụng, - suýt nữa thì anh ta đã đưa con bé sang thế giới bên kia, đã làm nó bị thương, bây giờ thì chắc đã tìm được một cô khác ở ngoại quốc. Thậm chí sẽ không viết cho con bé lấy một lời cho mà xem.
Và những điều tiên đoán của ông Kô-si-ba có vẻ có cơ sở. Đã nửa tháng trôi qua kể từ ngày xảy ra tai nạn mà không có một lá thư nào, thậm chí không một ai được chàng Trưn-xki phái đến để hỏi thăm sức khỏe cô gái.
Nhưng Ma-rư-sia vẫn không mất hy vọng và vẫn trông ngóng chàng. Bao nhiêu lần lắng nghe tiếng bánh xe tiến lại gần cối xay, nhận ra đó không phải là tiếng xe bình thường của nông dân, mà là xe ngựa nhẹ, bấy nhiêu lần trái tim nàng lại đập mạnh hơn.
Cả hôm ấy cũng thế. Nhưng hóa ra đó không phải là chiếc xe song mã từ Lu-đơ-vi-kốp mà là xe ngựa nhẹ do đồn cảnh sát mượn trong huyện. Trong xe có cảnh sát trưởng Zi-ô-mếch, một viên cảnh sát khác và bác sỹ Pa-vơ-li-xki.
Thầy lang đang bận bón thức ăn ch o Ma-rư-sia, ông chỉ nhìn thoáng ra cửa sổ rồi lại nhúng thìa vào bát, thì vừa lúc cánh cửa mở.
- Xin chào, - cảnh sát trưởng nói ngay từ ngưỡng cửa. - Chúng tôi có việc phải gặp ông, ông Kô-si-ba. Cô Ma-rư-sia ra sao rồi?
- Cảm ơn ông cảnh sát trưởng. Tôi đã khá hơn,- cô gái vui vẻ cất tiếng.
- Vậy thì ơn Chúa.
- Các ông cho phép người bệnh ăn xong bữa đã, - thầy lang buồn bã đề nghị.
- Chứ sao, cứ để cô ấy ăn xong bữa. Chúng tôi sẽ chờ, - Zi-ô-mếch đồng ý và ngồi xuống chiếc ghế dài.
Bác sĩ Pa-vơ-li-xki lại gần giường, im lặng nhìn Ma-rư-sia.
- Không sốt à? - Cuối cùng anh ta hỏi.
- Có sốt, nhưng bây giờ thì không, - ông Kô-si-ba đáp.
- Chân và tay vẫn hoạt động chứ?... Không chỗ nào bị liệt à?
- Kìa, ngài bác sĩ, - Ma-rư-sia kêu lên, - tôi hoàn toàn khỏe mà. Chỉ có điều hơi bị mệt. Giá như cái khúc xương nhỏ ở gáy liền hẳn, tôi có thể đứng dậy được ngay.
Bác sĩ cười khô khan.
- Khúc xương nhỏ à?... Khúc xương nhỏ ra nhỏ! Cô không hiểu gì hết, thưa cô. Đó là dập vỡ đáy hộp sọ...
Thầy lang ngắt lời:
- Tôi đã sẵn sàng. Các ông cần gì?
Ông đặt chiếc bát không xuống và đứng dậy như để che chiếc giường của Ma-rư-sia khỏi mắt bác sĩ.
- Ông Kô-si-ba. - cảnh sát trưởng lên tiếng, - sau khi có tai nạn, có phải ông đã tiến hành mổ?... Phẫu thuật sọ não?
Thầy lang nhìn cắm xuống đất.
- Nhưng nếu thế, thì sao?
- Ông không phải là thầy thuốc có bằng cấp. Ông biết rằng luật pháp cấm việc đó chứ?
- Biết chứ. Nhưng tôi cũng biết rằng một thầy thuốc có bằng cấp, người mà theo luật có trách nhiệm cứu người, thì ở đây lại không muốn cứu.
- Không đúng, - bác sĩ Pa-vơ-li-xki xen ngang. - Tôi có muốn, tôi đã khám cho người bị thương. Nhưng tôi xem là tình trạng vô vọng. Nạn nhân đã hấp hối.
Thầy lang thấy mắt Ma-rư-sia chợt mở to và khuôn mặt cô đột nhiên tái nhợt.
- Hoàn toàn không phải, - ông phản bác. - Không hề có một nguy hiểm nào hết.
Bác sĩ phẫn nộ đến nỗi máu dồn hết lên đầu.
- Sao lại thế được?! Thế khi ấy chính mồm ông nói sao?
- Tôi không hề nói gì hết.
- Đó là một sự dối trá.
Thầy lang im lặng.
- Không quan trọng, - cảnh sát xen vào. - Dù thế này hay thế khác, ông Kô-si-ba ạ, ông vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đó. Mặc dù tôi cũng phải giải thích để ông rõ là trách nhiệm ấy cũng không có gì là lớn, bởi ở đây không có ai bị gây hại. Không những không có ai bị đau khổ vì sự vi phạm của ông mà lại còn có người được sự vi phạm đó cứu cho thoát chết. Nhưng việc thứ hai quan trọng hơn: Ông đã dùng dụng cụ nào để tiến hành phẫu thuật?
- Thế không phải dụng cụ nào cũng được hay sao?...
- Không. Bởi lẽ bác sĩ Pa-vơ-li-xki đang kết tội ông chiếm hữu dụng cụ của ông ta.
- Không phải là chiếm hữu mà là ăn cắp. - bác sĩ nhấn mạnh vẻ cứng rắn.
- Vậy là ăn cắp, - cảnh sát trưởng lặp lại. - Ông có nhận không, ông Kô-si-ba?...
Thầy lang cúi đầu im lặng.
- Ông đồn trưởng! - Bác sĩ kêu lên. - Xin ông cứ tiến hành kh ám nhà. Chiếc va-li chắc phải được giấu đâu đây trong khu nhà phụ này thôi.
- Xin lỗi bác sĩ, - viên cảnh sát nhận xét, - xin đừng ra lệnh cho tôi phải làm gì. Đó là việc của tôi.
Ông ta im lặng một lát rồi quay lại với thầy lang:
- Ông có nhận không?
- Vâng.
- Tại sao ông lại làm việc đó?... Có phải vì hám lợi hay vì thiếu những dụng cụ ấy ông không thể cứu nổi nạn nhân của vụ tai nạn?
- Đó không phải là câu hỏi, - bác sĩ Pa-vơ-li-xki kêu lên. - Đó là mách nước. Vả chăng, vẫn là điều tưởng tượng, vì nếu cái... ông lang này nghĩ thế thì ông ấy đã trả lại cái va-li mà ông ta ăn cắp rồi mới phải.
- Ông còn giữ cái va-li ấy không?
- Còn.
- Ông sẽ tự nguyện trả lại chứ?
- Tôi sẽ trả.
- Nó ở đâu?
- Tôi sẽ mang lại đây bây giờ.
Ông thong thả bước ngang qua cạnh họ, mở cửa. Qua cửa sổ họ trông thấy dáng cao cao, hơi cúi khom khom của ông. Trong phòng không ai nói một tiếng nào. Vài phút sau, ông Kô-si-ba trở lại với chiếc va-li.
- Có phải cái này không? - Viên cảnh sát trưởng quay lại hỏi bác sĩ.
- Phải, đây là va-li của tôi.
- Xin bác sĩ hãy kiểm tra lại xem có thiếu thứ gì trong đó không.
Pa-vơ-li-xki mở va-li, nhìn lướt qua các thứ bên trong.
- Không, hình như không thiếu gì cả.
- Tôi không thể căn cứ vào chuyện "hình như" được, - Zi-ô-mếch nói bằng giọng quan chức hành chính. Đề nghị khẳng định một cách hoàn toàn chắc chắn hoặc cung cấp tên gọi những đồ vật bị mất.
- Không thiếu thứ gì hết, - bác sĩ chữa lại.
- Vậy thì ta viết biên bản.
Zi-ô-mếch lấy giấy trong cặp ra và bắt tay vào viết. Trong phòng, im lặng bao trùm.
Bác sĩ Pa-vơ-li-xki khá đủ nhạy cảm để nhận thấy nỗi ác cảm của tất cả mọi người đang có mặt đối với mình, kể cả người cảnh sát không nói một lời kia. Nỗi ác cảm và sự lên án. Phải chăng họ có lý! Nhưng anh ta có điều gì để tự trách mình đâu kia chứ? Anh hành động hợp với lương tâm, hành động theo đúng những gì nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ thày thuốc khuyên anh ta nên làm. Nếu như trong khi hoàn thành những nghĩa vụ ấy, anh lại đạt được thêm một lợi ích cá nhân là gạt bỏ được đối thủ cạnh tranh thì đó cũng vẫn là tốt kia mà. Người ta được quyền đấu tranh sinh tồn, hơn nữa anh lại đấu tranh bằng những cách thức hợp pháp. Luật pháp và đạo đức xã hội đứng về phía anh. Giá như anh không phải là bác sĩ, giá như lão thầy lang này không tước mất bệnh nhân của anh, thì anh cũng vẫn đòi phải trừng trị con người này kia mà.
Nhà nước chăm lo đến sức khỏe của các công dân bằng hàng trăm qui định và điều luật. Nhà nước đòi hỏi ở mỗi thầy thuốc công trình học tập nhiều năm, đòi hỏi phải thực tập thật dày dạn, phải có đầy đủ kiến thức và có trình độ đạo đức cao cả. Ấy thế mà nơi đây, một gã nông dân tầm thường, dốt nát, lại dám vi phạm luật pháp. Việc ông ta có vài ca mổ thành công chẳng hề có ý nghĩa gì hết. Trong hàng nghìn trường hợp khác ông ta lại có thể là kẻ giết người. Vậy thì nhân danh cái gì, một bác sỹ y khoa, - người đã bỏ hàng đống tiền của, đã mất bao nhiêu năm học hành tu luyện nghề nghiệp của mình, lại phải tự nguyện từ bỏ những quyền năng được giao phó, lại thản nhiên nhìn hành động nguy hiểm và có hại của một kẻ bình dân và để cam chịu chết đói nữa chứ?
- Nhân danh cái gì?!
Phải chăng chỉ vì những người tuy chân thực đấy nhưng lại thiếu trí thức, không chịu ca tụng cương vị của anh?... Nhưng với tư cách là một người trí thức, người duy nhất có trình độ đại học ở chốn này, anh ta có nhiệm vụ phải dạy cho họ, có nhiệm vụ giải thích cho họ thấy rõ rằng anh ta đang hành động một cách thông minh và đúng đắn, rằng nghề lang băm là một nguy cơ đối với xã hội, rằng luật pháp phải được tôn trọng, rằng mọi loại ăn cắp đều là ăn cắp, không hề phụ thuộc vào động cơ này hay nọ. Rằng một xã hội văn minh, rằng nhà nước và tất cả mọi công dân có ý thức đều có trách nhiệm bảo vệ trong mọi trường hợp các trật tự đã được qui định.
Dĩ nhiên, trong mô-típ hành động của Kô-si-ba có nhiều cơ sở để giảm nhẹ bản án. Nhưng điều đó còn tuỳ thuộc vào Tòa án...
Không, bác sĩ Pa-vơ-li-xki không hề có gì để tự trách mình ở đây cả. Có lẽ duy chỉ lòng tự hào bẩm sinh đã không cho phép anh ta tự hạ mình để thanh minh trước những con người kia, vả chăng chuyện ấy cũng chẳng mang lại kết quả gì.
Anh đứng im lặng, đầu ngẩng cao, môi mím chặt, và như không nhận thấy những ánh mắt ác cảm.
Cảnh sát trưởngZi-ô-mếch viết xong biên bản, đọc lại một lượt, những người có mặt ký tên.
- Ông còn phải ký thêm lời cam đoan sẽ không đi đâu xa, - ông ta quay ra bảo ông Kô-si-ba, - ồ, chỗ này. Ông không được phép đi đâu xa trước khi báo cho cảnh sát biết.
- Sao vậy? Bác sĩ ngạc nhiên. - Thế ông không bắt ông ta sao?
- Tôi không thấy có lý do gì để bắt. - cảnh sát trưởng nhún vai.
- Có lẽ một vụ ăn cắp có tang vật?...
- Thế thì sao ạ?... Người ta chỉ bắt khi có những lý do để lo ngại bị cáo sẽ trốn chạy, còn tôi thì tin chắc rằng ông ta sẽ không chạy trốn.
- Sự tin chắc ấy có thể nhầm lẫn đấy.
- Thế thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ngài bác sĩ. Vả lại, tôi sẽ gửi việc này sang bên công tố viên. Có thể ông ấy sẽ ra lệnh bắt nếu ông chạy lo việc ấy. Nhưng tôi không tin lắm. Sau khi thành án người ta sẽ bắt giam, tất nhiên nếu là bản án kết luận có tội. Thôi, ta cũng chẳng còn việc gì làm ở đây nữa. Chào ông Kô-si-ba! Xin chúc cô mau bình phục, cô Ma-rư-sia!
Họ bước ra và lát sau tiếng lọc cọc của xe song mã báo rằng họ đã đi hẳn.
Thầy lang đứng lặng cạnh cửa ra vào. Khi quay mặt lại, ông thấy Ma-rư-sia nước mắt chứa chan.
- Cháu làm sao thế, con bồ câu nhỏ, cháu làm sao?- Ông lo lắng hỏi.
- Bác ơi, bác An-tô-ni thân yêu ơi, cháu gây cho bác biết bao chuyện đau lòng. Tất cả chỉ là vì cháu!
- Bình tĩnh lại nào, con bồ câu nhỏ, đừng khóc cháu. Chuyện gì mà đau lòng. Bác chẳng bị làm sao đâu.
- Nếu người ta bỏ tù bác, có nhẽ cháu sẽ chết vì tuyệt vọng mất thôi!
- Người ta không bỏ tù đâu, không đâu!... Mà nếu như họ có bắt thì đã sao? Bác cũng chẳng mất gì kia mà (43).
- Đừng nói t hế, bác. Nếu thế thì quá đỗi bất công.
- Linh hồn nhỏ nhoi của bác, trên thế gian này có nhiều bất công hơn là sự công bằng đấy cháu ạ. Còn ở đây, nói thật tình, bác cũng đang bị xử tội. Bác đã ăn cắp mà.
- Để cứu cháu!
- Thật thế, nhưng dù sao cũng vẫn là ăn cắp. Nhưng mặt khác bác không hề hối tiếc một tí nào. Bác biết làm thế nào được?... Nhưng chẳng việc gì phải bàn đến chuyện đó, cháu ạ. Ngay cả ông cảnh sát trưởng cũng sẽ bênh vực bác.
- Chỉ mỗi cái con người xấu xa kia, cái lão bác sĩ ấy...
- Con bồ câu nhỏ, anh ta có xấu xa không ư?... Bác không rõ anh ta có xấu không. Cứng rắn thì hẳn rồi. Nhưng không thể buộc tội anh ta vì cứng rắn cả. Tình hình vốn đã thế rồi. Có thể không ai biểu lộ trái tim mình với anh ta, thì rồi chính trái tim anh ta cũng bị chai cứng lại. Nhưng cháu hãy nhớ lấy điều này: rồi anh ta còn phải cay đắng rất lâu khi nghĩ rằng anh ta đã phẩy tay chịu thua không cứu cháu, thế mà nhờ Chúa bác đã cứu được cháu, con bồ câu nhỏ ạ. Bác cố tình không nói cho cháu hay tình trạng của cháu nguy kịch đến mức nào. Không được nói cho người ốm biết những điều ấy, vì họ sẽ bị xúc động, cái đó cản trở quá trình hồi phục sức khỏe.
- Cháu biết lấy gì để đền ơn bác, bác An-tô-ni, vì ngần ấy lòng tốt, vì ngần ấy hi sinh!
Cô gái chắp hai tay, đôi mắt chứa chan lệ nhìn vào mắt ông. Ông thầy lang mỉm cười và bảo:
- Lấy gì ư?... Ồ, thì hãy thương yêu bác một chút cũng đủ.
- Yêu thương ư? - Cô kêu lên. - Nhưng bác An-tô-ni ơi, cháu yêu bác hệt như yêu mẹ cháu vậy!
- Chúa sẽ đền ơn cháu, con bồ câu nhỏ ạ, - ông đáp, giọng run run.
------------------------------------
(43) Nguyên văn: Vương miện cũng chẳng rơi khỏi đầu bác kia mà.