Không phải đi xa; cô sống trong một căn hộ trên đường Roxbury Park cùng đứa con trai tám tuổi tên Jamie. Jamie đang bị cảm và phải nghỉ học ở nhà. Bố cô đang chăm sóc nó giúp cô.
Cô thấy bố mình đang làm món nui trộn phô mai nhuyễn trong bếp. Đó là món duy nhất Jamie muốn ăn trong những ngày ốm đau thế này. “Nó sao rồi?” cô hỏi.
“Hạ sốt rồi. Nhưng vẫn còn sổ mũi và ho.”
“Nó có đói không?”
“Hồi nãy thì không. Nhưng nó đòi ăn nui.”
“Vậy là tốt rồi,” cô nói. “Bố muốn con thay bố không?”
Bố cô lắc đầu. “Bố lo được rồi. Con đâu cần phải về nhà chứ.”
“Con biết.” Cô ngừng một chút. “Quan tòa đưa ra phán quyết rồi, bố à.”
“Hồi nào?”
“Sáng nay.”
“Rồi sao?”
“Mình thua rồi.”
Bố cô tiếp tục đảo thức ăn. “Mình thua toàn diện ư?”
“Phải,” cô nói. “Mình thua trên mọi phương diện. Bố không có quyền gì đối với mô của chính mình. Ông ta phán rằng mấy cái mô đó là ‘chất thải vật chất’ mà bố đã cho phép trường đại học giúp bố vứt bỏ chúng đi. Tòa nói bố không có quyền gì đối với bất kỳ cái mô nào một khi nó rời khỏi cơ thể bố. Bên phía trường đại học muốn làm gì với nó cũng được cả.”
“Nhưng họ đưa bố vào lại...“
“Ông ta nói thông thường ai cũng hiểu rằng mấy cái mô đó được thu thập nhằm sử dụng cho mục đích thương mại. Do đó bố đã ngầm cho phép họ làm chuyện đó.”
“Nhưng họ nói là bố bị bệnh mà.”
“Họ bác bỏ toàn bộ luận điểm của mình, bố à.”
“Họ lừa dối bố mà.”
“Con biết, nhưng theo quan tòa thì, chính sách xã hội tốt là chính sách khuyến khích nghiên cứu y học. Giờ nếu họ cho bố quyền lợi thì sẽ để lại hệ quả không tốt cho các cuộc nghiên cứu trong tương lai. Đó là lập luận đằng sau phán quyết đó - vì lợi ích chung.”
“Chuyện này đâu phải vì lợi ích chung gì. Mục đích làm giàu thì có,” cha cô nói. “Chúa ơi, ba tỷ đô la đấy...”
“Con biết mà bố. Mấy trường đại học cần tiền. Và về cơ bản thì ông thẩm phán này cũng đưa ra phán quyết giống như mấy ông thẩm phán California trong vòng 25 năm qua, kể từ vụ Moore năm 1980. Y như vụ của bố thôi, tòa nhận thấy mô của Moore là chất thải mà ông ta không có quyền quyết định. Và hơn hai chục năm rồi họ có xem lại lập luận đó đâu.”
“Vậy giờ ra sao đây?”
“Mình kháng án,” cô nói. “Con không nghĩ mình có cơ sở vững chắc nhưng mình phải làm vậy trước khi đưa lên Tòa án Tối cao California.”
“Vậy khi nào thì lên tòa tối cao?”
“Một năm nữa.”
“Mình có cơ may không?” bố cô nói.
“Tuyệt đối không,” Albert Rodriguez vừa nói vừa xoay mình trong ghế về phía bố cô. Rodriguez và những luật sư UCLA khác đã đến văn phòng luật của Alex sau phán quyết của quan tòa. “Ông không có cơ may nào nếu tiếp tục kháng án, ông Burnet.”
“Tôi thấy ngạc nhiên,” Alex nói, “là sao các ông lại tự tin đến vậy về phán quyết của Tòa án Tối cao California dù nó chưa được đưa ra.”
“Ồ, chúng tôi không biết họ sẽ phán quyết thế nào cả,” Rodriguez nói. “Tôi chỉ muốn nói là cô sẽ thua vụ này cho dù tòa có tuyên thế nào đi nữa.”
“Tại sao?” Alex hỏi.
“UCLA là đại học của tiểu bang. Ban quản trị của họ sẵn sàng thay mặt bang California lấy tế bào của bố cô theo quyền trưng dụng.”
Cô chớp mắt: “Cái gì?”
“Nếu Tòa án Tối cao có phán quyết rằng tế bào của bố cô là tài sản của ông ấy đi chăng nữa, chuyện mà chúng tôi nghĩ là khó xảy ra, thì chính quyền bang cũng sẽ có được quyền sở hữu tài sản của ông ấy theo quy định trong quyền trưng dụng.”
Quyền trưng dụng là quyền cho phép tiểu bang được tịch thu tài sản cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ tài sản. Quyền này hầu như luôn được áp dụng trong trường hợp muốn sử dụng tài sản tư vào mục đích công. “Nhưng quyền trưng dụng chỉ dành cho trường học hay đường cao tốc thôi mà...”
“Chính quyền bang được phép làm vậy trong trường hợp này,” Rodriguez nói. “Và họ sẽ làm.”
Bố cô nhìn họ chằm chằm, hết sức sửng sốt. “Mấy ông đang đùa à?”
“Không đâu, ông Burnet. Đó là quyền chiếm dụng hợp pháp, và chính quyền bang sẽ thực hiện quyền của họ.”
Alex nói, “Vậy thì mục đích của các ông khi tới gặp chúng tôi là gì?”
“Chúng tôi nghĩ cần phải thông tin cho hai người biết về tình hình hiện tại, phòng khi hai người muốn bỏ công theo tiếp vụ kiện nữa.”
“Các ông đề nghị chúng tôi chấm dứt kiện tụng ư?” cô hỏi.
“Lời khuyên của tôi là như vậy,” Rodriguez nói với cô, “nếu đây là thân chủ của tôi.”
“Chấm dứt vụ kiện sẽ tiết kiệm cho bang một khoản chi phí đáng kể.”
“Tiết kiệm chi phí cho tất cả mọi người,” Rodriguez nói.
“Vậy các ông định đưa ra đề nghị gì để chúng tôi bỏ vụ kiện đây?”
“Không đề nghị gì cả, cô Burnet. Xin lỗi nếu cô hiểu sai ý tôi. Đây không phải là một vụ thương lượng. Chúng tôi đến đây chỉ để giải thích vị trí của chúng tôi, để cô có thể đưa ra quyết định có cân nhắc và có lợi nhất cho cô.”
Bố cô hắng giọng. “Dù thế nào thì cũng cứ nói thẳng cho chúng tôi biết là mấy ông lấy tế bào của tôi đi. Mấy ông đã bán chúng lấy ba tỉ đô la. Và rồi mấy ông giữ hết số tiền đó.”
“Nói vậy thì thẳng thừng quá,” Rodriguez nói, “nhưng không phải không chính xác.”
Cuộc gặp chấm dứt. Rodriguez và nhóm của mình cảm ơn họ đã dành thời gian, nói lời chào tạm biệt, rồi rời khỏi phòng. Alex gật đầu với bố rồi theo các luật sư khác ra ngoài. Qua khung kính, Frank Burnet theo dõi họ tiếp tục tranh luận.
“Mấy thằng chó chết đó,” ông nói. “Chúng ta đang sống trong thế giới gì thế này?”
“Tôi cũng nghĩ y như vậy,” một giọng nói vang lên sau lưng ông. Burnet quay lại.
Một thanh niên mang kính gọng sừng đang ngồi ở góc xa của phòng hội nghị. Burnet nhận ra cậu ta; giữa cuộc gặp cậu ta vào phòng mang theo cà phê và cốc tách để trên tủ chén đĩa. Sau đó cậu ngồi xuống ở góc phòng trong suốt cuộc gặp. Khi ấy Burnet nghĩ rằng cậu ta chỉ là một nhân viên mới của công ty, nhưng lúc này người thanh niên đang nói với phong cách tự tin.
“Chấp nhận thực tế đi, ông Burnet,” cậu ta nói, “ông đã bị chơi một vố. Tế bào của ông tình cờ thuộc loại cực hiếm và rất có giá trị. Chúng là những cỗ máy hiệu quả sản xuất ra cytokine, những chất kháng ung thư. Đó mới là lý do thật sự giúp ông sống sót được, vượt qua căn bệnh của mình. Thật sự thì tế bào của ông sản xuất ra cytokine hiệu quả hơn bất kỳ quy trình thương mại nào. Bởi vậy nên tế bào ấy mới đáng giá đến vậy. Mấy tên bác sĩ ở UCLA không tạo ra hay sáng chế ra thứ gì mới cả. Bọn họ chẳng chuyển đổi gien gì cả. Họ chỉ lấy tế bào của ông, nuôi lớn trong một cái đĩa rồi bán cái đĩa đó cho BioGen. Còn ông, ông bạn của tôi, ông bị chơi một vố.”
“Cậu là ai?” Burnet nói.
“Và ông không có hy vọng gì vào công lý đâu,” anh thanh niên tiếp tục, “vì tòa án hoàn toàn không có năng lực. Tòa không nhận ra mọi thứ đã thay đổi nhanh đến mức nào. Họ không hiểu là chúng ta đã sống trong một thế giới mới rồi. Họ không hiểu những vấn đề mới. Và bởi vì họ bị mù công nghệ cho nên họ không hiểu được những quy trình nào cần được tiến hành - và trong trường hợp này, những quy trình nào không nên làm. Tế bào của ông bị ăn cắp rồi bán đi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Rồi tòa kết luận là làm vậy không có gì sai cả.”
Burnet buông một tiếng thở dài.
“Tuy nhiên,” cậu thanh niên tiếp tục, “kẻ cắp vẫn có thể bị trừng phạt đích đáng.”
“Bằng cách nào?”
“Bởi vì UCLA chẳng làm gì để chuyển đổi tế bào của ông nên một công ty khác có thể lấy chính những tế bào đó, chuyển đổi gien chút ít, rồi bán đi như một sản phẩm mới.”
“Nhưng BioGen đã có tế bào của tôi rồi.”
“Đúng. Nhưng hệ tế bào rất mỏng manh. Thứ gì cũng có thể gây tác động tới chúng.”
“Ý cậu là sao?”
“Tế bào được cấy rất dễ bị nấm, nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, hay đột biến. Đủ thứ chuyện xấu có thể xảy ra.”
“BioGen phải thận trọng...”
“Tất nhiên rồi. Nhưng đôi khi người ta không thận trọng đúng mức,” cậu ta nói.
“Cậu là ai?” Burnet hỏi lần nữa. Qua bức tường kính của phòng hội nghị, lúc này ông đang nhìn quanh một văn phòng rộng hơn ở bên ngoài. Ông thấy người ta đi qua đi lại. Ông thắc mắc con gái mình đã đi đâu.
“Tôi chẳng là ai cả,” người thanh niên đáp. “Ông chưa gặp tôi bao giờ.”
“Cậu có danh thiếp không?”
Người thanh niên lắc đầu. “Tôi không sống ở đây, ông Burnet.”
Burnet chau mày. “Còn con gái tôi...”
“Không biết gì hết. Tôi chưa bao giờ gặp cô ấy. Đây là chuyện giữa hai chúng ta thôi.”
“Nhưng cậu đang nói về hoạt động phi pháp.”
“Tôi có nói gì đâu, bởi vì ông và tôi chưa gặp nhau bao giờ,” người thanh niên nói. “Nhưng chúng ta hãy xem xét chuyện này có thể tiến triển ra sao.”
“Ừm...”
“Vào thời điểm này ông không thể bán tế bào của mình hợp pháp được, bởi vì tòa đã tuyên bố ông không còn sở hữu chúng nữa - BioGen mới là chủ sở hữu. Nhưng tế bào của ông có thể lấy từ những nơi khác. Suốt cuộc đời mình, ông đã cho máu ở nhiều nơi. Ông đến Việt Nam cách đây ba mươi hai năm. Quân đội đã lấy máu của ông. Ông phẫu thuật đầu gối cách đây hai mươi năm ở San Diego. Bệnh viện lấy máu của ông rồi giữ lại sụn. Mấy năm qua ông đã tới khám nhiều bác sĩ khác nhau. Họ làm xét nghiệm máu. Phòng xét nghiệm giữ lại máu. Vì vậy không vấn đề gì để tìm ra mẫu máu của ông. Và máu của ông cũng có thể được lấy từ những cơ sở dữ liệu mà công chúng có thể truy cập - giả dụ như một công ty khác muốn sử dụng tế bào của ông.”
“Thế còn BioGen thì sao?”
Người thanh niên nhún vai. “Công nghệ sinh học là một ngành khó nhằn. Nhiễm bẩn xảy ra hằng ngày. Nếu có gì không ổn xảy ra trong phòng thí nghiệm của họ, đó không phải là vấn đề của ông, đúng không?”
“Nhưng làm sao mà...”
“Tôi không biết. Nhiều chuyện có thể xảy ra lắm.”
Có một khoảng lặng ngắn ngủi. “Mà tại sao tôi phải làm vậy?” Burnet nói.
“Ông sẽ kiếm được một trăm triệu đô la.”
“Nhờ cái gì?”
“Nhờ những mẫu sinh thiết chuyên dụng từ sáu hệ cơ quan.”
“Tôi tưởng anh có thể lấy máu của tôi ở nơi khác chứ.”
“Về lý thuyết là vậy. Nếu phải ra tòa thì người ta sẽ nói vậy. Nhưng trên thực tế, công ty nào cũng muốn có tế bào non.”
“Tôi không biết phải nói gì.”
“Không sao cả. Ông cứ suy nghĩ kỹ đi, ông Burnet.” Người thanh niên đứng dậy, đẩy cặp kính lên sống mũi. “Có thể ông đã bị chơi một vố. Nhưng chẳng có lý do gì phải đưa lưng chịu trận cả.”
Trích từ báo Alumni News của trường Beaumont
TRANH CÃI QUYẾT LIỆT VỀ TẾ BÀO GỐC
Những cách điều trị hiệu quả “từ hàng thập kỷ trước đây” Giáo sư McKeown gây sửng sốt cho những người quan tâm
_ Max Thaler
Trong bài phát biểu của mình tại hội trường Beaumont chật cứng khán giả, giáo sư sinh học nổi tiếng Kevin McKeown đã gây sửng sốt cho người nghe khi gọi nghiên cứu tế bào gốc là “một trò gian lận độc ác”.
“Những gì mà các bạn được biết chẳng khác gì một chuyện hoang đường,” ông nói, “một chuyện hoang đường được dựng lên với mục đích bảo đảm mấy nhà nghiên cứu nhận được tài trợ, đổi lại thì bọn họ mang lại cho bệnh nhân nan y những hy vọng giả dối. Vì vậy chúng ta hãy đi tìm hiểu sự thật.”
Ông giải thích tế bào gốc là tế bào có khả năng tự biến thành những loại tế bào khác. Có hai loại tế bào gốc. Tế bào gốc trưởng thành có khắp cơ thể. Chúng có trong cơ, não, mô gan, v.v... Tế bào gốc trưởng thành có thể sản sinh ra tế bào mới, nhưng chỉ là loại tế bào của mô có tế bào gốc đó. Chúng rất quan trọng vì cơ thể người cứ bảy năm lại trải qua quá trình thay thế toàn bộ tế bào.
Nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc trưởng thành đa phần không gây tranh cãi. Tuy nhiên có một loại tế bào gốc khác gây ra rất nhiều tranh cãi, đó là loại tế bào gốc phôi. Loại tế bào này có trong máu của dây rốn, hoặc lấy được từ phôi thai còn non. Tế bào gốc phôi rất đa năng, nghĩa là chúng có thể phát triển thành bất kỳ loại mô nào. Tuy nhiên, việc nghiên cứu loại tế bào này gây tranh cãi vì nó có liên quan tới việc sử dụng phôi người, điều mà nhiều người hoặc vì lý do tín ngưỡng hoặc vì những lý do khác cảm thấy có liên quan tới quyền con người. Đây là tranh cãi không mới và không thể được phân giải một sớm một chiều.
các nhà khoa học nhận thấy nghiên cứu bị cấm cản
Chính phủ Mỹ hiện tại nói rằng tế bào gốc phôi được phép lấy từ những họ tế bào nghiên cứu hiện có nhưng không được lấy từ phôi thai mới. Các nhà khoa học xét thấy họ tế bào hiện có không đủ để sử dụng cho nghiên cứu và do đó xem phán quyết của chính phủ trên thực tế đã gây trở ngại cho việc nghiên cứu. Đó là nguyên do ngày càng nhiều người trong số họ tìm đến những trung tâm tư nhân để thực hiện nghiên cứu mà không cần tiền trợ cấp liên bang.
Nhưng suy cho cùng, vấn đề thực sự không chỉ đơn giản là thiếu tế bào gốc. Vấn đề nằm ở chỗ để tạo được hiệu quả trị liệu, mỗi nhà khoa học đều cần phải có tế bào gốc đa năng của riêng mình. Nếu như vậy, chúng ta sẽ có thể tái tạo lại được một cơ quan nào đó trong cơ thể, phục hồi được thương tổn từ vết thương hay bệnh tật, hoặc khắc phục được bệnh liệt. Đây chính là giấc mơ vĩ đại. Hiện tại chưa ai có thể làm nên những phép màu về trị liệu như thế này. Thậm chí cũng không ai biết cách sẽ thực hiện chúng ra sao. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần tế bào gốc.
Giờ đây, đối với trẻ sơ sinh, bạn có thể thu thập máu dây rốn rồi giữ lạnh, và người ta hiện đang làm vậy với con của mình. Nhưng còn người lớn thì sao? Chúng ta lấy đâu ra tế bào gốc đa năng?
Đó là câu hỏi lớn.
HƯỚNG VỀ GIẤC MƠ TRỊ LIỆU
Tất cả những gì người lớn chúng ta có được là tế bào gốc trưởng thành, loại tế bào chỉ có thể cấu tạo một loại mô mà thôi. Nhưng nếu có một cách chuyển đổi tế bào gốc trưởng thành sang tế bào gốc phôi thì sao? Một quy trình như vậy sẽ cho phép mỗi cá nhân đã trưởng thành có một nguồn dự trữ tế bào gốc phôi của riêng mình. Điều này sẽ làm giấc mơ trị liệu trở thành hiện thực.
Có điều, mặc dù bạn có thể hồi chuyển tế bào gốc trưởng thành, nhưng để thực hiện được, bạn phải đưa tế bào vào trong trứng. Một tác nhân bên trong trứng sẽ tháo gỡ quá trình dị hóa và chuyển tế bào gốc trưởng thành sang tế bào gốc phôi. Đây là tin tốt, nhưng quá trình thực hiện trên tế bào người gặp rất nhiều khó khăn. Và nếu muốn điều chỉnh phương pháp để có thể thực hiện ở người, chúng ta sẽ cần một lượng khổng lồ tế bào trứng của người. Điều này lại khiến quy trình chuyển đổi một lần nữa gây tranh cãi.
Vì thế, các nhà khoa học đang tìm cách khác để đa năng hóa tế bào trưởng thành. Đây là một nỗ lực toàn thế giới. Một nhà nghiên cứu ở Thượng Hải đã nhiều lần tiêm tế bào gốc ở người vào trứng gà và thu được nhiều kết quả khác nhau - trong khi đó những người khác thì lại phản đối. Giờ đây người ta không rõ những quy trình như thế này có thực hiện được trong tương lai hay không.
Người ta cũng không rõ giấc mơ tế bào gốc - cấy ghép nội tạng không gặp vấn đề đào thải, chấn thương dây sống được phục hồi, v.v... - có trở thành hiện thực được hay không. Đã nhiều năm nay, những người ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc vẫn luôn phát biểu không trung thực và giới truyền thông thì luôn suy diễn. Những bệnh nhân nan y đã nuôi hy vọng lớn đến mức tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một phương thuốc chữa trị căn bệnh của họ. Đáng buồn thay, điều này không đúng. Những liệu pháp có tác dụng vẫn nằm ở tương lai, cách ngày nay nhiều năm hay có lẽ nhiều thập kỷ nữa. Nhiều nhà khoa học thận trọng đã nói riêng với nhau rằng chúng ta sẽ phải chờ tới năm 2050 mới biết được liệu pháp tế bào gốc có tác dụng hay không. Họ chỉ ra rằng từ lúc Watson và Crick giải mã được gien cho tới thời điểm liệu pháp gien ở người ra đời cũng đã mất bốn mươi năm.
MỘT VỤ BÊ BỐI GÂY CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI
Năm 2004, trong lúc dư luận đang sục sôi hy vọng và quan tâm, nhà sinh hóa người Hàn Quốc Hwang Woo-Suk tuyên bố ông đã thành công trong việc tạo ra một tế bào gốc phôi người từ một tế bào trưởng thành bằng quá trình chuyển nhân sôma - tiêm vào trứng người. Hwang nổi tiếng là người say mê công việc, ông làm việc mười tám tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần trong phòng thí nghiệm. Báo cáo lý thú của Hwang được đăng trên tạp chí Science vào tháng 3 năm 2005. Các nhà nghiên cứu từ khắp thế giới đổ về Hàn Quốc. Điều trị bằng tế bào gốc người nhiều khả năng bỗng dưng trở thành hiện thực. Hwang là một người hùng ở Hàn Quốc và được bổ nhiệm vào vị trí đầu não của Trung tâm Tế bào gốc Thế giới do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Nhưng vào tháng 11 năm 2005, một cộng tác viên người Mỹ ở Pittsburg tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác với Hwang. Sau đó một trong các đồng nghiệp của Hwang tiết lộ Hwang đã lấy trứng phi pháp từ những người phụ nữ làm việc trong phòng thí nghiệm của ông ta.
Tháng 12 năm 2005, Đại học Quốc gia Seoul tuyên bố họ tin tế bào Hwang có là giả mạo, cả những bài viết của ông ta trên tạp chí Science cũng vậy. Science đã rút lại những bài viết đó. Hwang giờ đây đang đối mặt với cáo buộc hình sự. Vấn đề này hiện vẫn chưa có diễn biến mới.
HIỂM HỌA CỦA “TRUYỀN THÔNG RẦM RỘ”
“Chúng ta rút ra được bài học gì từ chuyện này?” giáo sư McKeown hỏi. “Thứ nhất, trong một thế giới đã bão hòa về truyền thông, liên tục đưa tin rầm rộ sẽ làm cho những lời tuyên bố vô lối được tin cậy một cách thiếu cơ sở. Đã nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông tâng bốc nghiên cứu tế bào gốc như là một phép lạ sắp xảy ra. Vì vậy khi có người tuyên bố phép lạ đã đến thì lập tức người ta tin ngay. Ẩn ý của sự kiện này có phải là có một mối nguy trong việc truyền thông rầm rộ không? Câu trả lời chắc chắn là có. Bởi lẽ không những nó mang lại quá nhiều hy vọng cho bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến các nhà khoa học nữa. Họ bắt đầu tin rằng phép lạ đang ở gần kề - mặc dù đáng lẽ họ phải tỉnh táo nhìn nhận là không có phép lạ nào hết.
“Đối với chuyện truyền thông rầm rộ, chúng ta có thể làm được gì? Sau một tuần nó sẽ chấm dứt, nếu các viện khoa học muốn vậy. Song họ lại không muốn như vậy. Họ rất thích sự rầm rộ đó. Họ biết nó sẽ mang theo các khoản trợ cấp. Vì vậy chuyện này sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Các bệnh viện thuộc trường Yale, Standford và Johns Hopkins thúc đẩy sự rầm rộ cũng như Exxon hay Ford. Mọi nhà nghiên cứu ở các viện này cũng vậy. Và càng lúc càng nhiều nhà nghiên cứu và trường đại học bị động cơ thương mại thúc đẩy giống y như các tập đoàn. Cho nên khi nào các bạn nghe một nhà khoa học tuyên bố rằng phát biểu của ông ta đã bị thổi phồng hoặc bị đưa ra khỏi ngữ cảnh, cứ hỏi ông ta xem ông ấy đã viết thư phản đối tới chủ bút chưa. Trong 100 lần thì chắc chắn sẽ có 99 lần là chưa.
“Bài học kế tiếp: khảo cứu đồng đẳng. Tất cả các bài viết của Hwang trên Science đã được khảo cứu đồng đẳng. Nếu chúng ta cần bằng chứng chứng minh khảo cứu đồng đẳng là một nghi thức rỗng tuếch, thì sự kiện này chính là thứ chứng cứ đó. Hwang đã có những tuyên bố phi thường. Ông ta không cung cấp những chứng cớ phi thường. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khảo cứu đồng đẳng không cải thiện chất lượng của các bài viết khoa học. Bản thân các nhà khoa học cũng biết là nó không có tác dụng. Vậy mà công chúng vẫn xem nó là biểu hiện của chất lượng và nói, ‘Bài viết này đã được khảo cứu đồng đẳng’, hay ‘Bài viết này chưa được khảo cứu đồng đẳng’, như thể câu ấy có ý nghĩa gì đó. Nó chẳng có ý nghĩa nào cả.
“Tiếp theo là chính các tạp chí chuyên ngành. Sự cương quyết của chủ bút tờ Science lúc ấy ở đâu rồi? Hãy nhớ rằng Science là một công ty lớn - 115 người tham gia biên tập tạp chí. Vậy mà những gian lận trắng trợn, kể cả chuyện mấy tấm ảnh sửa bằng Adobe Photoshop, cũng không bị phát hiện. Và ở đâu người ta cũng biết Photoshop là một công cụ chủ yếu để gian lận trong khoa học. Vậy mà tạp chí này không tài nào phát hiện ra được.
“Science không phải tạp chí duy nhất bị lừa. Nhiều nghiên cứu gian lận đã được đăng trên tạp chí y học New England Journal of Medicine, trong đó các tác giả đã giấu nhẹm những thông tin trọng yếu về các cơn đau tim do thuốc Vioxx gây ra; trong tạp chí Lancet, báo cáo về thuốc và ung thư miệng đều là giả mạo - trong báo cáo đó, 250 bệnh nhân trong cơ sở dữ liệu có cùng ngày tháng năm sinh! Đó có lẽ là một manh mối giúp người ta phát hiện ra vụ gian lận này. Gian lận trong y học không chỉ là một vụ bê bối mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Vậy mà gian lận vẫn tiếp diễn.”
CÁI GIÁ CỦA GIAN LẬN
“Cái giá của những thứ gian lận như thế này cực kỳ lớn,” McKeown nói, “ước tính là ba mươi tỷ đô la mỗi năm, con số thực tế có thể lớn gấp ba lần. Gian lận trong khoa học chẳng phải chuyện hiếm hoi gì và không chỉ xảy ra ở các nhân vật chiếu dưới. Các nhà nghiên cứu và viện nghiên cứu có uy tín nhất cũng đã bị phát hiện dùng dữ liệu giả. Ngay cả Francis Collins, người đứng đầu Dự án Bộ gien người của Tổng viện Y tế Quốc gia, cũng là đồng tác giả của năm bài viết giả mạo mà sau đó đã bị 497 thu hồi.
“Bài học lớn nhất chính là, khoa học không có gì đặc biệt cả - ít ra là không còn đặc biệt nữa. Có lẽ nó vẫn còn đặc biệt hồi Einstein nói chuyện với Niels Bohr và mỗi ngành khi đó chỉ có vài chục nhân lực quan trọng. Nhưng hiện tại có ba triệu nhà nghiên cứu ở Mỹ. Khoa học không còn là tiếng gọi bên trong mỗi người nữa mà đã trở thành một nghề. Khoa học cũng là một hoạt động dễ bị tha hóa của con người như bất kỳ hoạt động nào khác. Những người làm nghề y không phải thánh, họ là con người, và họ làm những gì mà con người làm - lừa dối, gian lận, ăn cắp, kiện cáo, giấu dữ liệu, làm giả dữ liệu, thổi phồng địa vị của mình, bôi nhọ quan điểm bất đồng một cách hèn hạ. Đó là bản chất của con người. Bản chất này sẽ không bao giờ thay đổi.”
Hết phần 8. Mời các bạn đón đọc phần 9!