Trong thời gian, bạn, tôi cũng có thể sớm tàn tạ dung nhan, người nơi chân trời, kẻ nơi góc bể.
Ngoài thời gian, bạn, tôi vẫn đôi mắt tinh anh, sánh vai ngồi bên nhau trên bậc thềm vương đầy cánh hoa đào trước cửa lớp học.
Tôi và Trần Kình vốn là hai đường thẳng song song, nhưng vì cậu ta chọn tôi là bạn cùng bàn, nên vận mệnh của chúng tôi lại có điểm giao nhau.
Mặc dù không cùng lý do, nhưng cả tôi và Trần Kinh khi lên lớp đều không nghe giảng. Có điều cậu ta là học sinh ngoan, chỉ có thể ngẩn người ra ngồi đấy mà sắc mặt không được biến đổi, còn đứa học sinh hư như tôi lại được tự do lựa chọn: mơ mộng, ngủ gật, hoặc đọc truyện. Khi đó, tôi chìm đắm trong thế giới của sách, không cách nào tự giải cứu, vì vậy phần lớn thời gian tôi đều đọc sách. Ngoài những lúc ngồi đực mặt ra, thỉnh thoảng Trần Kình cũng liếc xéo nhìn về phía tôi, dường như cảm thấy hoang mang trước sự cố gắng không biết mệt mỏi của tôi. Sau này, khi chúng tôi thân thiết hơn, cậu ta hỏi tôi rút cục là đang đọc sách gì. Khi nghe đến những tên sách như Tiết Đinh Sơn chinh tây, Tiết Nhân Quý chinh đông, Tiết Cương phản Đường, Văn học dân gian… trông cậu ta có vẻ suy sụp, bởi vì cậu ta chưa bao giờ nghe đến, thật sự hổ thẹn với danh “thần đồng”. Khi nghe đến Hồng lâu mộng, vẻ mặt cậu ta mới trở lại bình thường hơn một chút, nhưng ngay lập tức lại hỏi với giọng nghi ngờ: “Trẻ không đọc Hồng lâu, già không đọc Tam quốc, bố cậu cho phép cậu đọc Hồng lâu mộng à?”
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy cách nói ấy, nên ngẩn người ra đáp: “Mình không biết, bố mình không can thiệp vào chuyện này, ở giá sách có sách gì, mình đều đọc hết.”
Cậu ta nghĩ một lúc, rồi thương lượng với tôi: “Cho mình mượn quyển Hồng lâu mộng của nhà cậu nhé, mình cũng sẽ cho cậu mượn một cuốn sách khác.”
Tôi mang Hồng lâu mộng cho cậu ta, do nhà xuất bản Văn học Nhân dân xuất bản năm 1979, một bộ bốn quyển, cậu ta mang Thi kinh do nhà xuất bản Thượng Hải Cổ tịch xuất bản cho tôi mượn. Cậu ta nhanh chóng đọc xong Hồng lâu mộng, bĩu môi trả sách lại cho tôi, vẻ mặt như muốn nói thì ra chỉ có thế. Cậu ta lại giở xem Tiết Nhân Quý chinh đông, chưa đọc hết đã ném trả lại cho tôi. Từ đó, toàn tôi mượn sách của cậu ta để đọc, còn cậu ta không có hứng thú với sách của tôi. Cậu ta đã vô tình dẫn dắt tôi đi qua dòng văn học bình dân đến thẳng với dòng văn học uyên bác.
Quyển Thi kinh mà cậu ta cho tôi mượn không có chú thích bằng tiếng bạch thoại, tôi đọc rất vất vả, rất nhiều chỗ không hiểu, nhưng cậu ta không chịu giải thích, chỉ nói với tôi rằng, thi từ không cần phải từ nào cũng hiểu, chỉ cần học thuộc, đến một ngày nào đó, một giờ nào đó, ở vào một hoàn cảnh nào đó, tự khắc sẽ lĩnh ngộ. Tôi không biết những lời đó là của bố cậu ta nói với cậu ta, hay là do cậu ta lười giải thích nên viện cớ.
Vì đọc vừa vất vả lại vừa vô vị, nên tôi không muốn đọc nữa, nhưng trong lúc cậu bạn Trần Kình này bắt đầu nhàm chán với cuộc sống của một thần đồng, cậu ta bắt đầu tìm thú tiêu khiển mới, đấy chính là kiểm tra tôi. Cậu ta thường xuyên tùy tiện đọc một câu, yêu cầu tôi phải đọc câu tiếp theo; hoặc cậu ta đọc một nửa, tôi đọc nửa còn lại. Nếu tôi không đọc được, vẻ mặt cậu ta như muốn nói “không sao, vốn đã là như vậy mà”. Trẻ con đứa nào cũng có tính hiếu thắng, huống hồ là được chiến thắng một thần đồng, vì vậy, nhờ có sự kích thích trong trò chơi của cậu ta, dần dần tôi cũng học thuộc cả quyển Thi kinh.
Khi mới bắt đầu, tôi chỉ là một trò tiêu khiển trong lúc Trần Kình buồn chán, nhưng sự ngang ngạnh của tôi khiến cậu ta dần dần nhận ra rằng, tôi hoàn toàn không giống những học sinh hay giáo viên khác, tỏ ra yêu quý và sùng bái thần đồng. Thế là, hai chúng tôi bắt đầu cuộc so tài một cách vô tình nhưng hữu ý.
Giờ học buổi sáng nào cũng diễn ra như nhau, tất cả đọc một lượt một bài văn, giáo viên sẽ dành ra từ hai mươi đến ba mươi phút cho học sinh học thuộc, đến cuối giờ kiểm tra. Trong thời gian quy định, ai học thuộc trước, có thể giơ tay, đọc cho cả lớp nghe. Thời gian đọc càng ngắn, độ chính xác càng cao, lại càng vinh dự hơn.
Trần Kình trước tới nay đều khinh khỉnh không tham gia vào những cuộc so tài như thế, bởi vì trí nhớ của cậu ta đúng là phải khiến người khác kinh ngạc. Toàn bộ bài trong sách ngữ văn, cậu ta đều có thể đọc thuộc lòng. Cậu ta đã từng nửa đùa, nửa tỏ vẻ nói với tôi: “Mang sách lớp 1 lại đây, mình sẽ đọc thuộc cho cậu nghe.” Vì vậy, khi giáo viên dành thời gian để chúng tôi học thuộc bài, cậu ta không có việc gì làm, rất buồn chán, các bạn đều lẩm nhẩm học bài, còn cậu ta thì cầm quyển sách ngồi ngẩn ngơ.
Nhưng, có được người bạn cùng bàn không thích nghe lời cô giáo như tôi, cậu ta nhanh chóng thoát khỏi cảnh buồn chán đó. Cậu ta đưa cho tôi một bài văn không biết được photo từ quyển sách nào ra, yêu cầu thi với tôi, thi xem ai có thể đọc thuộc lòng bài văn ấy trong thời gian ngắn nhất.
Bài văn mà cậu ta mang đến thú vị hơn bài trong sách nhiều, tôi vừa muốn được đọc bài văn đó, lại vừa hiếu thắng, liền đồng ý. Từ đó, giờ học buổi sáng, hai chúng tôi bận rộn thi tài. Kết quả cuộc thi tài đó rõ ràng tới mức không cần phải hỏi, thường là tôi mới lẩm nhẩm đọc được vài đoạn, cậu ta đã nói với tôi là, có thể đọc thuộc lòng cho tôi nghe.
Tôi nghĩ thế nào cũng không ra, sao cậu ta có thể đọc hết cả bài văn dài nhanh như thế. Nghĩ không ra, nhưng cũng không dám hỏi.
Trần Kình không trực tiếp trả lời thắc mắc của tôi, mà dùng cách nói đầy miệt thị của mình giải thích một thành ngữ: “Một liếc mười hàng”.
Trong lời giảng của cô giáo, thành ngữ “Một liếc mười hàng” này là từ có nghĩa xấu, dùng để mắng những học sinh hư đọc sách qua loa chiếu lệ, nhưng Trần Kình nói thành ngữ “một liếc mười hàng” được rút ra từ trong Bắc Tề thư – Hà Nam Khang Thư Vương Hiếu Du, nguyên văn là: “những người yêu thích văn chương, tốc độ đọc nhanh như gió, một liếc mười hàng là xong”, không hề có nghĩa xấu, là một từ có ý hết sức tốt đẹp, ý nghĩa mà từ này muốn truyền tải là một cách đọc sách với tốc độ nhanh.
Vẻ mặt tôi hoang mang, không biết là cậu ta đang nói về cái gì. Cậu ta khinh khỉnh nhìn tôi vài lần, tỏ vẻ coi thường sự ngu dốt khó đả thông của tôi. Lúc ấy đang là thời gian nghỉ giải lao mười phút giữa tiết, cậu ta liền lấy ví dụ cho tôi xem: “Lúc này cậu không chỉ nghe thấy tiếng mình nói, đồng thời còn có thể nghe thấy tiếng Chu Tiểu Văn ngồi bàn trên cùng đang bàn luận về váy vóc, nghe thấy tiếng cười của Trương Tuấn ở cuối lớp, tiếng đám con trai hét gọi nhau ở ngoài lớp học?”
Tôi ngây ngô gật gật đầu, chỉ cần chú ý nghe, thì không chỉ có những âm thanh ấy.
Cậu ta nói tiếp: “Cũng giống như tai con người cùng lúc có thể nghe thấy bốn, năm người nói chuyện, thậm chí có thể nghe thấy rất rõ những gì mà họ đang nói, mắt cũng thế, mắt của chúng ta cùng lúc có thể nhìn mấy hàng chữ một, đồng thời ghi nhớ nội dung của những hàng chữ ấy. Thực ra dung lượng của não người rất lớn, não một người có thể so sánh với cả một vũ trụ. Có nhiều người nói cùng lúc, ý thức của con người cho rằng những tiếng nói ấy cùng lúc cất lên, thực ra với đại não, nó sẽ tự động phân trước phân sau, tiến hành nắm bắt và xử lý. Một liếc, là mang hàm ý tốc độ nhanh, thời gian nhanh tới mức có thể bỏ qua không tính. Đại não kinh qua quá trình rèn luyện có ý thức, tốc độ xử lý của nó vượt xa khỏi khả năng tượng tưởng của con người, vì vậy, một liếc mười hàng, đối với đại não mà nói vẫn có trước có sau, chỉ có điều ý thức của con người không nắm bắt được mà thôi”.
Cậu ta giơ tay búng tách một cái trước mặt tôi, rồi nói tiếp: “Chỉ một cái búng tay, trong kinh Phật đã là sáu mươi khoảnh khắc, nhưng đối với đại não mà nói, không chừng nó đã bị phân chia ra thành hàng nghìn, hàng vạn đoạn thời gian. Bố mình nói, trên thế giới này chỉ có hai thực thể là tồn tại vĩnh hằng, thứ nhất là đại não, thứ hai mới là vũ trụ. Chỉ cần cậu tin nó…” Cậu ta chỉ vào đầu tôi, “Chăm chú rèn luyện, có thể làm được”.
Tôi rất sốc, có điều, không phải vì những gì Trần Kình vừa giảng, mà là vì cậu ta đã phá vỡ tính thần thánh trong lời nói của cô giáo, dám phản biện lại định nghĩa một liếc mười hàng của cô.
Cơn chấn động qua đi, tôi âm thầm ghi nhớ tất cả những gì mà Trần Kình đã nói. Khi tôi đọc tiểu thuyết, bắt đầu ép mắt mình liếc một lúc hai hàng, rồi từ hai hàng đến ba hàng, từ ba hàng lên bốn hàng…
Quá trình này rất gian nan, nhưng trước sự cổ vũ của tính hiếu thắng, cho dù có vất vả tới đâu, tôi vẫn kiên quyết ép đại não phải hoạt động tới giới hạn cuối cùng.
Chẳng mấy chốc, khả năng đọc và ghi nhớ của tôi tăng lên nhanh chóng. Cuộc tỉ thí giữa tôi và Trần Kình, từ việc chỉ nghiêng về một bên, giờ đây, thỉnh thoảng cũng đã có lần tôi thắng. Mỗi lần bị tôi làm khó, biểu hiện của cậu ta rất đa dạng, cố tỏ vẻ điềm tĩnh như không thèm quan tâm, cho rằng tôi gặp may, rồi lại chau mày suy nghĩ, liếc trộm tôi… dù sao, cũng thú vị hơn vẻ mặt luôn tỏ ra nghiêm túc của cậu ta lúc bình thường.
Học kỳ một của năm lớp 5, tôi được sống trong vui vẻ. Một là, cô Triệu đã không buồn quan tâm tới tôi nữa. Hai là, lần đầu tiên tôi được biết thế nào là rung động đầu đời. Ba là, Trần Kình đúng là một cậu bạn cùng bàn hết sức thú vị. Vì tất cả những điều này, tôi thậm chí còn bắt đầu cảm thấy trường học không đáng ghét như tôi vẫn nghĩ.
Khi học kỳ một của năm lớp 5 sắp kết thúc, trong một buổi tự học, Trần Kình đột nhiên nói với tôi: “Ngày mai mình không đi học nữa.”
Tôi nghĩ có lẽ cậu ta ốm, hoặc có việc gì đó, cô Triệu lại đang ngồi trên bục giảng chữa bài tập, vì vậy tôi chỉ ậm ừ đáp một tiếng.
Cậu ta kéo vở bài tập của tôi về phía mình, ra hiệu cho tôi ghé đầu sát vào.
Tay cậu ta cầm bút, viết lằng nhằng lên tờ giấy nháp, làm như đang giảng bài cho tôi, nói: “Từ lâu mẹ mình đã muốn mình nhảy lớp, nhưng bố mình không đồng ý. Mấy hôm trước cuối cùng mẹ cũng đã thuyết phục được bố. Tuần trước mình đã đến trường Nhất Trung làm bài thi lên cấp hai. Môn toán lớp 8 mình được điểm tối đa, có điều điểm tiếng Anh không đạt, được hơn tám mươi điểm thôi, sau khi bố và hiệu trưởng nói chuyện, quyết định học kỳ sau mình sẽ bắt đầu học lớp 7, mẹ mình muốn mình thôi học, dùng thời gian này để xem qua trước bài vở của lớp 7.”
“Ý cậu là cậu sẽ không đi học nữa?”
“Đúng thế, mình muốn chào cậu, cô Triệu vẫn chưa biết, sáng mai mẹ mình sẽ đến trường gặp trực tiếp hiệu trưởng để nói chuyện.”
Việc nhảy lớp, người người đều ngưỡng mộ, nhưng trong giọng nói của Trần Kình lại có vẻ không vui. Dù sao cậu ta cũng đi học sớm hơn tuổi, giờ lại một lúc nhảy liền hai lớp, nhỏ hơn các bạn đi học đúng tuổi đến bốn tuổi. Bốn năm của trẻ con, sự khác biệt trong tâm lý là rất lớn. Một người ba mươi tư tuổi có thể cảm thấy người ba mươi tuổi không khác gì mình, nhưng một học sinh lớp 7 mười bốn tuổi chắc chắn sẽ cảm thấy một đứa mới mười tuổi không ở cùng thế giới với mình.
“Thần đồng”, xét ở một khía cạnh nào đó, còn có nghĩa là “khác loài”, cũng có nghĩa là người bị bài xích ra khỏi cộng đồng. Khi lớn lên rồi, thỉnh thoảng tôi cũng có suy nghĩ, sự ngạo mạn của Trần Kình khi ấy phải chăng cũng giống như vẻ lạnh lùng của tôi, đều là chiếc mặt nạ để tự bảo vệ mình?
Đối với việc ra đi của cậu ta, tôi cũng hơi lưu luyến, nhưng không đến mức quá mãnh liệt. Dù sao Trần Kình và tôi cũng không phải người của cùng một thế giới.
Hết giờ, lưng đeo cặp sách, cậu ta đứng trên bục giảng một lúc, lặng lẽ nhìn các bạn đang cười đùa, trêu chọc nhau. Vẻ mặt cậu ta không còn kiêu ngạo nữa, chỉ có sự thâm trầm trước tuổi.
Lúc đi, cậu ta nói với tôi “tạm biệt”. Tôi thờ ơ đưa tay lên vẫy vẫy.
Nằm bò lên bậc cửa sổ, nhìn cậu ta lưng đeo cặp sách, một mình chậm rãi đi về phía cổng trường, vừa đi vừa nhìn ngắm xung quanh, có vẻ như còn lưu luyến. Đám con trai xung quanh đều đang túm năm tụm ba, khoác vai bá cổ đi với nhau, ai cũng cao hơn cậu ta, khiến cậu ta trông càng nhỏ bé.
Tôi cầm cặp lên, chạy như bay xuống tầng dưới, đuổi theo đến chỗ cậu ta: “Mình… mình cũng về nhà, cùng đi!”
Ánh mắt cậu ta lóe lên, nhưng sắc mặt vẫn kiêu ngạo như chẳng quan tâm gì đến sự đời ấy.
Tôi cùng cậu ta từ từ ra khỏi cổng trường. Đi đến một ngã rẽ, không thể không chia tay, cậu ta vẫy tay chào tôi: “Tạm biệt nhé”, nói xong liền đi nhanh như chạy.
Tôi vẫy tay chào cậu ta từ phía sau, sau đó lắc lư đi tiếp.
Mỗi người chúng ta đều như một hành tinh, điểm đầu là được sinh ra, điểm cuối là cái chết, đấy là quy luật mà ông trời đã sắp xếp sẵn cho chúng ta, tuy nhiên quỹ đạo vận hành giữa sự sống và cái chết ấy lại được quyết định bởi rất nhiều nhân tố. Chúng ta vận hành trong vũ trụ rộng lớn, hai hành tinh mà chúng ta đụng phải sớm nhất là bố và mẹ, tiếp theo là thầy cô giáo, bạn bè, người yêu, cấp trên…
Chúng ta và những hành tinh khác gặp nhau, đâm vào nhau, sự va chạm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quỹ đạo chuyển động của chúng ta, có ảnh hưởng tích cực, nhưng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ, yêu phải một người không đáng yêu, gặp một giáo viên tồi, có một vị cấp trên hà khắc, là những ảnh hưởng có tính tiêu cực điển hình. Còn gặp một giáo viên giỏi, được đầu quân cho một vị sếp biết trọng dụng tài năng của mình, có người bạn chịu nắm lấy tay mình trong khó khăn, trong phong thủy học gọi họ là quý nhân; thực ra, quý nhân, chính là những cuộc gặp gỡ mang tính tích cực.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !