Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 9

Chương 9
Chưa yêu, đã thất tình

Tôi có thể khóa chặt sổ nhật ký lại, nhưng không thể khóa trái tim mình.

Tôi có thể khóa trái tim mình, nhưng không thể khóa lại tình yêu và nỗi buồn.

Tôi có thể khóa tình yêu và nỗi buồn, nhưng không thể khóa được ánh mắt mình luôn dõi theo người ấy.

Nhiều năm sau, tôi có thể, thanh thản như mây gió, mỉm cười nắm tay người ấy, rồi khẽ nói lời từ biệt.

Còn từ đó, từ mà tôi chưa kịp nói ra, người ấy sẽ không bao giờ biết, nó đã bị khóa chặt dưới đáy dòng sông thời gian cuồn cuộn chảy kia.

 

Được chủ quán cho thuê truyện giới thiệu, tôi bước chân vào thế giới tiểu thuyết tình cảm, bắt đầu từ Quỳnh Dao. Tiểu thuyết tình cảm Đài Loan thời ấy, khi miêu tả nhân vật nữ chính, không tập trung miêu tả diện mạo xinh đẹp mà thường miêu tả khí chất xem nhân vật ấy khác người thế nào. Tôi biết, vẻ bề ngoài của mình không xuất chúng, vì vậy tôi thường xuyên suy nghĩ xem khí chất là gì, trong lòng thầm ao ước mình có khí chất, giống như những nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết, dung nhan bình thường, gia thế bình thường, nhưng lại khiến nhân vật nam chính phải để ý lưu tâm bởi một khí chất khó có thể diễn tả bằng lời. Nhưng hai từ “khí chất” đó quá trừu tượng. Quan sát những bạn gái được đám con trai để ý quanh mình, tôi thấy tuy rằng diện mạo của họ không giống nhau, mỗi người mỗi vẻ, nhưng có một điểm tương đồng, đấy chính là họ đều rất xinh đẹp. Chưa thấy người nào diện mạo bình thường, chỉ dựa vào nụ cười như thiếu nữ trong truyện tranh mà khiến đám con trai phải điêu đứng cả.

Khi tôi còn đang băn khoăn về hai từ “khí chất”, thì ông trời đã đưa cả đáp án và sự đả kích đến trước mặt tôi.

Tôi nghĩ tôi luôn là một con bé tự ti, nhưng sự xuất hiện của cô Cao khiến cả thế giới của tôi được tắm mình trong ánh nắng mặt trời. Sự thân thiện của Trương Tuấn khiến tôi không ngừng khao khát có được nhiều hơn, thậm chí còn tự ảo tưởng về sự an bài của số phận. Tại sao chỉ có tôi và cậu ấy là được cô giáo Cao để ý? Tại sao lại chỉ có tôi và cậu ấy cùng học lớp bồi dưỡng? Tại sao cậu ấy lại nhặt đá cho tôi? Tại sao hôm nay cậu ấy nói chuyện với tôi? Tại sao cậu ấy không hỏi mượn tẩy của người bạn cùng bàn, mà lại mượn tôi? Tại sao hôm nay khi đi ngang qua bàn tôi, cậu ấy lại quay lại nhìn tôi? Tại sao…?

Vô số câu hỏi tại sao, những chuyện lặt vặt, nhỏ nhặt đó hằng ngày đều bị tôi đem ra phân tích trái, phân tích phải, những chuyện chẳng có ý nghĩa gì cũng bị tôi phân tích cho ra ý nghĩa. Tôi luôn cảm thấy những chuyện ấy là một hiện tượng, đang ám chỉ điều gì đó về tương lai, như số phận đang muốn mách bảo tôi điều gì đó. Tôi âm thầm khao khát mong chờ những ảo tưởng trong lòng mình trở thành hiện thực. Tôi thích bói bài, hết lần này tới lần khác bói về vận mệnh của tôi và Trương Tuấn; nếu như tốt, tôi sẽ rất vui; nếu không tốt, tôi sẽ tráo bài bói lại, một mực cho rằng vừa rồi chưa tráo kỹ, nên kết quả mới không chính xác.

Cũng có thể đáp án cho vô số những câu hỏi tại sao của tôi rất đơn giản. Cậu ấy quay lại nhìn tôi lúc đi ngang qua bàn là bởi vì trên mặt tôi có dính mực. Cậu ấy hỏi mượn tẩy của tôi là bởi vì người bạn ngồi cùng bàn không tìm thấy tẩy của mình… Nhưng ngày đó tôi không nghĩ như thế. Vì vậy, tất cả mọi thứ đều diễn ra trong sự ảo tưởng tự nguyện của tôi, bị tôi phủ lên một giấc mơ đầy màu sắc và mang kỳ vọng của chính mình.

Trong lúc tôi đang ôm ấp một trái tim thấp thỏm, bất an, thận trọng quan sát, thận trọng trông ngóng, thận trọng tiếp cận Trương Tuấn, thì một bạn nữ chuyển trường vào lớp tôi đã làm mọi thứ thay đổi.

Khi bạn nữ ấy đi theo cô giáo ngữ văn vào lớp, đứng trên bục giảng và mỉm cười duyên dáng với mọi người, thì cuối cùng tôi cũng đã hiểu được ý nghĩa của hai từ “khí chất” trong các cuốn tiểu thuyết tình cảm. Cô giáo giới thiệu bạn ấy tên là Quan Hà1, thật đúng là người giống như tên, một đóa sen đẹp. Sau này, khi tôi đã đi qua rất nhiều thành phố, rất nhiều quốc gia, gặp rất nhiều người đẹp, nhưng mỗi lần nghĩ đến hai từ người đẹp, thì Quan Hà là người đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi.

Quan Hà mặc một chiếc áo khoác màu tím, cài một chiếc cặp nhựa hình con bướm màu tím trên đầu, mái tóc đen dài, thẳng tắp thả qua vai. Khuôn mặt của bạn ấy không đẹp hơn những cô bạn xinh đẹp khác trong lớp, nhưng con người bạn ấy toát ra một thứ gì đó mà tôi chưa từng gặp bao giờ, khiến tôi phải chú ý. Đứng trước một lớp học xa lạ, bạn ấy không ngượng ngùng lẩn trốn, cũng không vội vàng hòa nhập để lấy lòng, mà duyên dáng, mềm mại như đóa sen dưới hồ.

Trong những ngày sau đó, Quan Hà đã thể hiện ma lực khó có thể dùng lời để diễn tả của mình. Thành tích học tập xuất sắc, ngay kỳ thi đầu tiên đã chiếm vị trí thứ nhất trong lớp. Bạn ấy đa tài đa nghệ, vào buổi liên hoan năm mới của lớp đã tự kéo đàn nhị và hát bài Đêm thảo nguyên, khiến thầy cô giáo và các bạn hết sức ngạc nhiên. Tờ báo tường do bạn ấy làm đã thay đổi kết cục thảm hại năm nào cũng thua của lớp tôi.

Nhưng bạn ấy không hề tỏ ra kiêu ngạo như những bạn gái khác mà luôn mỉm cười thân thiện, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, không tự ti, không chống đối thầy cô giáo, khiêm tốn, hòa nhã với tất cả mọi người. Bất kể bạn nam hay bạn nữ, học sinh ngoan hay học sinh hư đều khuất phục trước tác phong của bạn ấy.

Ai cũng bảo giữa con gái với nhau không có tình bạn thật sự, các bạn nữ của lớp tôi cũng đã không ít lần chứng minh cho câu nói này, khi thì thân thiết như hình với bóng không rời nhau nửa bước, khi lại nói xấu đối phương sau lưng. Nhưng Quan Hà là một ngoại lệ, không những được các bạn nam trong lớp yêu quý mà tất cả các bạn nữ trong lớp cũng yêu quý bạn ấy, thậm chí nếu có bạn gái nào đó nói xấu Quan Hà, lập tức, những bạn gái còn lại trong lớp sẽ tuyệt giao với cô bạn kia.

Dần dần, cho dù là người trước kia có kiêu ngạo đến đâu, hay ghen ghét đố kỵ đến mấy cũng bắt đầu lấy lòng Quan Hà, còn Quan Hà đối xử với tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Bạn ấy tốt với tất cả mọi người. Nếu cần đến sự giúp đỡ của bạn ấy, nhất định bạn ấy sẽ giúp. Nhưng Quan Hà lại không chơi thân với ai, không có một người “bạn thân” đúng nghĩa. Song, chính thái độ vừa thân thiết vừa xa cách đó của Quan Hà đã khiến các bạn nữ trong lớp phát cuồng. Ai cũng muốn đối xử với Quan Hà thật tốt, muốn trở thành bạn thân của bạn ấy, thậm chí còn đi khoác lác, khoe khoang với người khác rằng Quan Hà thân thiết với mình hơn. Dường như người nào được Quan Hà ưu ái để mắt tới sẽ cao sang hơn người khác vậy.

Tôi chỉ biết tròn mắt nhìn Quan Hà tốc chiến tốc thắng, chinh phục trái tim của tất cả các bạn nam, bạn nữ trong lớp. Thẳng thắn mà nói, tôi cũng quý bạn ấy, bởi vì tôi tin với những cái miệng ưa tám chuyện của đám con gái trong lớp, thì những chuyện xấu xa của tôi chắc chắn đã lọt vào tai Quan Hà, nhưng thái độ của bạn ấy đối với tôi vẫn ôn hòa như những người khác, không thân thiết cũng chẳng bài xích. Có lần tôi làm rớt mực lên áo khoác ngoài, bạn ấy còn chủ động chỉ cho tôi cách lấy cơm miết lên vết mực rồi vò, như thế sẽ dễ dàng tẩy sạch vết mực đó.

Quan Hà đúng là một bạn gái khiến người ta cảm thấy rất dễ chịu. Bạn ấy có ánh hào quang rực rỡ, nhưng ánh hào quang ấy thật ôn hòa, không đả thương người khác như thần đồng, hơn nữa bạn ấy còn khiến người khác cảm nhận được sự chân thành và khoan dung, khiến mọi người yêu quý và luôn muốn tiếp cận bạn ấy một cách vô thức. Những lúc không có việc gì làm, tôi thường nghĩ, nếu Trần Kình không nhảy lớp, không biết trong cuộc đối đầu giữa ”vua” với “vua”, ai sẽ thắng, hay khi cả hai va chạm sẽ tóe lửa?

Trong khi cơn lốc “phong trào yêu Hà” ấy cuốn phăng cả lớp, Trương Tuấn cũng không ngoại lệ. Tôi thường thấy cậu ấy và mấy cậu bạn khác cùng nhau đi tìm Quan Hà, thường xuyên thấy cậu ấy làm trực nhật giúp Quan Hà, và thường xuyên bắt gặp cậu ấy cùng Quan Hà nói nói cười cười với nhau.

Sau khi quan sát Quan Hà thật kỹ, nhìn lại bản thân, tôi lặng lẽ thu mình vào lại vỏ bọc.

Có một lần, sau khi chúng tôi học xong buổi bồi dưỡng cho kỳ thi Olympic toán sắp tới, Trương Tuấn hỏi tôi: “Nếu con trai theo đuổi con gái thì nên tặng gì? Con gái các cậu thường thích cái gì?”

Tôi ngơ ngác nhìn cậu ấy. Khi đó, trái tim tôi đau đớn như muốn đông cứng lại, nhưng vẫn cố gắng thoi thóp đập, thình thịch, thình thịch… Tiếng đập càng lúc càng lớn, ngực tôi như muốn nổ tung, nhưng cậu ấy không nghe thấy gì, vẫn khổ sở vò đầu bứt tai, hỏi: “Các diễn viên nữ trong phim đều thích hoa, cậu thấy tặng hoa thì thế nào?”

Tôi cúi đầu, tay ôm sách, bỏ lại một câu “mình không biết” rồi nhanh chóng rời khỏi lớp học.

Không lâu sau, tôi nghe nói Trương Tuấn đã tỏ tình với Quan Hà, nhưng Quan Hà đã lịch lãm từ chối. Đám con gái trong lớp miêu tả vô cùng sinh động, cứ như khi ấy bọn họ đã có mặt ở đó, tận mắt chứng kiến. Quan Hà được miêu tả là duyên dáng, cao quý như thiên nga, còn Trương Tuấn lại bị nói là không biết tự lượng sức mình, mặc dù không đến nỗi xấu xí như cóc ghẻ, nhưng qua miệng đám con gái trong lớp, thì việc Trương Tuấn bị từ chối là hết sức đương nhiên.

Tôi chẳng thấy vui, ngược lại còn rất buồn, thương hại cậu ấy và thương hại chính mình. Thời gian đó, tôi thường xuyên trốn trong một góc của cửa hàng game, ngồi thần người, nhớ đến phong thái và sự tài hoa của Quan Hà, bất giác sống mũi cay cay. Nếu bạn ấy là bông sen đẹp nhất trong đầm sen, thì tôi chính là ngọn cỏ nhỏ bé mọc trên bãi bùn cạnh đầm, bất luận so sánh thế nào, tôi cũng không bao giờ bằng được bạn ấy.

Bọn Ô Tặc đã quen với cảnh tay không rời sách của tôi, hôm nay lại thấy tôi không đọc sách, Ô Tặc tỏ ra lạ lẫm, năm lần bảy lượt hỏi tôi: “Gấu Trúc Bốn Mắt, em sao thế? Có phải em hết tiền rồi không? Có cần anh chi viện không?”

Tôi không thèm để ý tới Ô Tặc, anh ta vẫn vô tư đùa cợt như trước kia, nhưng lần này lại giống như mèo mù vớ được con chuột chết, nói trúng nỗi đau trong lòng tôi: “Gấu Trúc Bốn Mắt đang tương tư à? Gấu Trúc Bốn Mắt thất tình rồi phải không?”

Tôi cầm cặp, chạy khỏi quán game, cũng mới chỉ nửa năm thôi, ánh mặt trời vẫn rực rỡ, nhưng kỳ nghỉ dài vui vẻ mà tôi nghĩ chỉ vừa mới bắt đầu kia đã kết thúc rồi.

Đêm nay, mưa phùn lất phất bay ngoài cửa sổ. Dưới ánh đèn, khẽ lật giở cuốn sổ lưu bút, khuôn mặt mà tôi vốn nghĩ rằng sẽ không bao giờ quên, đã mờ đi rồi. Tờ giấy mà tôi nghĩ đã làm rơi mất từ lâu, lại vẫn thấy kẹp giữa những trang sách.

Đêm nay, mưa phùn lất phất bay ngoài cửa sổ. Giống hệt như cảnh tượng năm xưa chúng tôi vẫy tay từ biệt nhau. Mưa bụi đầy trời, cùng nhau hát một bài, năm ấy chúng tôi nghe chưa hiểu, vội vàng, quá vội vàng.

Toàn thành phố có rất nhiều trường tiểu học, trường chúng tôi chỉ có năm chỉ tiêu cho kỳ Olympic toán năm nay, tôi và Trương Tuấn đã chiếm hai suất, không ít giáo viên đã có ý kiến về việc này. Cô Cao vì muốn tôi và Trương Tuấn tham gia thi Olympic, đã phải chịu một sức ép rất lớn, gần như đánh cược cả tiền đồ sự nghiệp của mình, nhưng cô luôn nói với chúng tôi rằng, chỉ cần cố gắng hết sức là được, thi thố cũng chỉ là một phần trong quá trình học tập, chỉ cần cảm thấy bản thân mình đã thu về được điều gì đó thì đoạt giải hay không không quan trọng.

Kẻ sĩ có thể chết vì người tri kỷ!

Tô i không ngại là học sinh dốt, cũng chẳng quan tâm đến cuộc thi Olympic toán học gì gì đó, nhưng tôi lại vô cùng, vô cùng sợ mình sẽ khiến cô Cao thất vọng, càng sợ hơn cả là sự bất tài của mình sẽ là cái cớ để người khác làm tổn thương cô Cao. Do đó tôi đã đinh ninh một điều, chỉ có đoạt giải mới có thể báo đáp được công ơn dạy dỗ của cô.

Một tháng trước khi diễn ra kỳ thi Olympic, hằng ngày, tôi đều phải học cùng với cậu bạn trai tôi thích nhưng lại không thích tôi. Cô Cao còn yêu cầu chúng tôi thảo luận với nhau, cố gắng phát huy tối đa tư duy của mình.

Trước đấy không lâu, đây vẫn là trải nghiệm ngọt ngào nhất trong lòng tôi, nhưng bây giờ, sự đau khổ vô vọng đang từng giờ từng phút gặm nhấm trái tim tôi. Còn tôi vẫn phải cắn chặt răng, lắng nghe từng lời cậu ấy nói, tự nhắc nhở bản thân rằng nhất định phải đoạt giải!

Hằng ngày, tôi lao vào làm bài tập như điên, từ bỏ tất cả những việc khác trong cuộc sống. Mỗi buổi sang, khi vừa mở mắt ra, ý nghĩ đầu tiên là Olympic. Mỗi buổi tối khi nhắm mắt đi ngủ, vẫn là Olympic. Thời gian đó, dù có mơ ngủ cũng không yên ổn, trong giấc mơ, nếu không phải là rợp trời những đề toán thì lại là Trương Tuấn và Quan Hà cười cười nói nói với nhau, còn tôi như thân rơm cọng cỏ, không thấy bóng dáng đâu.

Một mặt tôi dốc toàn tâm toàn sức; nhưng mặt khác, tôi lại không có chút niềm tin vào bản thân, hoàn toàn không biết liệu mình có thể đạt giải hay không. Trước kỳ thi ba ngày liên tiếp, tôi mơ thấy mình thi trượt, tất cả mọi người trên thế giới này đều cười nhạo cô Cao và tôi. Tôi thường xuyên giật mình tỉnh giấc, đối với tôi, kỳ Olympic này không chỉ là một cuộc thi. Nó chính là cơ hội để tôi thể hiện lòng biết ơn của mình, cũng là cơ hội để tôi chứng minh khả năng của mình. Nếu tôi không đạt giải thì đấy cũng chính là ngày tận thế. Áp lực của tôi lớn tới mức người ngoài không thể tưởng tượng được.

Đến một ngày, tôi cảm thấy không thể trụ vững được nữa. Tôi chạy đến quán game. Ô Tặc đang trông quán. Tiểu Ba mặt mày trắng bợt đang chơi game, anh ấy đang chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp ba, áp lực cũng không nhỏ.

Ô Tặc cười ha hả: “Hai đứa đúng là anh em, nói không đến là cùng không đến, nói đến là cùng đến.”

Tôi nói với Ô Tặc: “Bán cho em một chai bia, bây giờ em không có tiền, ghi nợ.”

Ô Tặc hơi sững lại, không nói không rằng lấy một chai bia ra, mở nắp chai rồi đưa cho tôi, tôi đón lấy tu ừng ực, Tiểu Ba gọi tôi lại: “Chơi với anh một ván!”

Tôi cầm chai bia, đi đến. Nói là chơi cùng, nhưng thực tế là anh ấy dạy tôi chơi. Bình thường tôi vẫn cho rằng mấy trò đó thật vô vị, nhưng bây giờ lại thấy hay hay. Tay ấn nút tấn công kịch liệt, mỗi lần giết được một con quái vật, nhìn dòng máu tươi bắn tung tóe trên màn hình, tâm trạng dường như cũng nhẹ đi rất nhiều. Chơi xong một ván game, sự căng thẳng như sắp vỡ vụn ra trong lòng dường như cũng được giải tỏa. Tiểu Ba cầm chai bia tôi đang uống dở, ngửa cổ dốc một hơi cả nửa chai rồi hỏi: “Em sao thế?”

Tôi nhìn màn hình nhấp nháy liên tục của máy chơi game, nói ra nỗi lo sợ trong lòng: “Em liên tục gặp ác mộng, em mơ thấy mình thi trượt.”

“Mơ bao giờ cũng ngược lại với hiện thực.”

“Thật không?”

“Lừa em làm gì? Mơ bao giờ cũng ngược lại, giấc mơ càng xấu thì hiện thực càng tốt.”

Tôi bán tín bán nghi, nhưng trong phút chốc, lại tràn ngập ý chí chiến đấu, nắm chặt nắm tay, quay người chạy ra ngoài. Ô Tặc gọi với theo từ phía sau: “Sao vừa đến lại đi rồi? Không uống bia nữa à?”

“Không uống nữa. Em về làm toán.”

“Đừng quên trả tiền đấy.”

Thi xong, khi tôi và Trương Tuấn bước ra khỏi phòng thi, cô Cao không hỏi chúng tôi làm bài thế nào, chỉ nói mời hai chúng tôi đi ăn cơm. Tôi rất muốn từ chối, nhưng người mời là cô Cao, tôi không thể không đi. Lúc ăn cơm, nghĩ đến việc cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được, hơi thở vẫn tắc nghẹn trong lồng ngực nhanh chóng được giải phóng, đầu nặng vô cùng, đột nhiên mũi tôi chảy máu cam.

Trương Tuấn luống cuống dùng giấy ăn cuộn tròn lại đưa cho tôi, nhưng tôi đã không còn khống chế được bản thân mình nữa, dùng sức hất tay cậu ấy ra, động tác quả quyết, đừng nói là Trương Tuấn, đến cô Cao cũng sững người ngạc nhiên. Tôi hơi ngửa cổ ra như không có chuyện gì, tự mình cuộn một tờ giấy ăn nhét vào mũi.

Sau khi kỳ thi Olympic kết thúc, tôi xa lánh Trương Tuấn, cố ý tránh mặt cậu ấy.

Trương Tuấn cũng không phải tên ngốc, đương nhiên nhận ra việc tôi phớt lờ cậu ấy. Nhưng cậu ấy vẫn thường xuyên tới tìm tôi để nói chuyện, thỉnh thoảng còn đợi tôi khi tan học, muốn đi về cùng, nhưng tôi luôn từ chối.

Tính cách của Trương Tuấn rất đàn ông, mỗi lần tôi phớt lờ cậu ấy, đừng nói là dỗ dành, đến nói thừa một câu cũng không. Lần nào cậu ta cũng ra vẻ tức giận đùng đùng, quay đầu bỏ đi, như kiểu “cậu không cần tôi thì tôi cũng chẳng cần cậu”. Nhưng chỉ hai ngày sau, cậu ấy lại xuất hiện trước mặt tôi, sau đó lại tức giận đùng đùng quay đầu bỏ đi.

Cứ như thế suốt một thời gian, không biết từ bao giờ, Trương Tuấn cũng không còn quan tâm đến tôi nữa, đột nhiên biến mất khỏi cuộc sống của tôi. Hằng ngày, cậu ấy vẫn bước chân vào cửa lớp vừa kịp tiếng chuông reo, vừa hết giờ là vội vội vàng vàng đi về, rất ít khi ở lại. Có lúc, vô tình gặp cậu ấy trên đường. Cậu ấy thường đi cùng một đám học sinh trường kỹ thuật lớn hơn chúng tôi rất nhiều, chúng tôi mặc dù học cùng một lớp, mà như ở hai thế giới khác nhau.

Sau này, tôi mới nghe nói, hồi Tết, Trương Tuấn cùng hai người bạn nữa đã cậy cửa đột nhập vào một cửa hàng thực phẩm, lấy trộm rất nhiều thuốc lá. Sau khi chuyện bại lộ, phụ huynh phải đền tiền cho cửa hàng thực phẩm đó, và cố gắng c he giấu sự việc.

Trương Tuấn vẫn một mình tự tung tự tác, nhưng hai cậu bạn kia bị bố mẹ nghiêm khắc cảnh cáo không cho phép qua lại với Trương Tuấn nữa. Họ cho rằng chính Trương Tuấn đã làm hư con họ. Chuyện được các phụ huynh kể cho nhau nghe, gần như bố mẹ của các bạn nam trong lớp đều cấm con mình chơi với Trương Tuấn.

Thời gian đầu Trương Tuấn còn chưa biết, vẫn chạy đến nhà bạn chơi, nhưng lần nào bố mẹ bạn ra mở cửa cũng không cho cậu ấy vào. Sau này, cậu bạn thân Cao Phi mới nói cho cậu ấy biết. Biết chuyện, Trương Tuấn không chơi với các bạn trong lớp nữa, và chuyển sang chơi với những người bạn không ghét bỏ mình ngoài xã hội.

Tôi đoán cậu ấy cho rằng tôi cũng vì nguyên nhân này mà xa lánh cậu ấy, nên không thấy cậu ấy đến tìm tôi nữa.

Nửa học kỳ hai của năm lớp 6, có kết quả kỳ thi Olympic toán. Với số điểm thấp hơn người đạt giải nhất hai điểm, tôi giành giải nhì, điểm của Trương Tuấn thấp hơn tôi, nhưng cũng vẫn là đồng giải nhì. Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng khen ngợi những học sinh có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic toán vừa qua, nhưng không hề nhắc đến tên Trương Tuấn, chỉ nhắc tên tôi.

Trái tim chới với của tôi cuối cùng cũng có thể hạ về đúng vị trí, toàn thành phố chỉ có năm học sinh đạt giải, trường tôi chiếm hai. Cô giáo Cao vừa tham gia công tác đã mang lại vinh dự cho trường. Với một trường mà tất cả giáo viên chỉ thích nói chuyện thành tích thì thành tích này đủ khiến họ không có gì để bàn tán thêm nữa.

Nhờ cuộc thi Olympic toán học mà tôi có được tờ giấy khen đầu tiên trong đời. Chỉ là một tờ giấy in màu mỏng manh, dùng bút viết La Kỳ Kỳ đạt giải nhì trong kỳ thi Olympic toán học, nhưng đối với tôi mà nói, tờ giấy khen này còn quý giá hơn cả vàng.

Về đến nhà, tôi căng thẳng, ngượng ngùng đưa giấy khen cho bố mẹ xem. Bố dán tờ giấy khen của tôi lên tường, vừa dán vừa cổ vũ tôi tiếp tục cố gắng, chăm chỉ hơn nữa, em gái bĩu môi đứng xem bên cạnh. Trong lòng tôi xao xuyến, đầy hy vọng, tôi thích nhìn bố tôi lúc này, ánh mắt luôn nhìn thẳng vào tôi, nếu có thể, tôi rất mong ngày nào cũng có giấy khen để mang về nhà, cho bố dán.

Buổi tối khi đi ngủ, tôi vừa nhìn tờ giấy khen trên tường, vừa sướng âm ỉ.

Sáng sớm hôm sau khi tỉnh dậy, tôi phát hiện ra tờ giấy khen bị ai đó dùng bút sáp vẽ nhem nhuốc, tên tôi và chữ giải nhì bị phủ đặc không còn nhìn ra chữ gì.

Tôi tức điên lên, không kịp mặc quần áo, lao sang phòng em gái. Chỉ vài bước đã nhảy lên giường, ngồi đè lên người nó mà đánh, nó bắt đầu gào khóc ầm ĩ.

Bố mẹ vội vàng chạy vào, kéo tôi ra. Sau khi biết rõ chuyện, họ vừa buồn cười lại vừa tức giận.

Em gái tôi ôm chặt lấy cổ mẹ khóc nấc không thành tiếng, bố mẹ không nỡ trách mắng nó thêm nữa, bố nói: “Kỳ Kỳ, cũng chỉ là một tờ giấy khen thôi mà! Cho dù em con sai, con cũng nên từ tốn giải thích cho em hiểu, sao lại động tay động chân với em thế? Mau mặc quần áo vào rồi chuẩn bị đi học đi…”

Tôi nhìn họ chăm chăm. Đó không chỉ là một tờ giấy! Không chỉ là một tờ giấy! Nhưng bố đã vội vàng đi làm bữa sáng, mẹ quay sang an ủi em gái tôi, dỗ dành nó mặc quần áo.

Tôi chậm rãi quay lại phòng, giật tờ giấy khen đang dán trên tường xuống, xé vụn, ném vào thùng rác. Dù sao cũng chẳng ai quan tâm, sao tôi lại phải quan tâm?

Tôi không quan tâm, không quan tâm chút nào cả!

Tôi vẫn luôn mơ hồ trước định nghĩa về thời thơ ấu, rút cục thì bao nhiêu tuổi được coi là trẻ con? Sau này tôi quyết định sẽ căn cứ vào việc có tham gia ngày tết Thiếu nhi mùng 1 tháng 6 hay không để vạch rõ ranh giới. Ở thành phố chúng tôi, ngày Quốc tế Thiếu nhi có hội diễn văn nghệ, cho đến tận năm lớp 6, chúng tôi vẫn được nghỉ vào ngày này, những bạn giỏi múa hát thì tham gia hội diễn văn nghệ, lên biểu diễn để giành giải, mang vinh quang về cho lớp mình, những người còn lại có trách nhiệm ngồi ở dưới vỗ tay cổ vũ. Hằng năm cứ đến ngày mùng 1 tháng 6, cô giáo lại phát cho mỗi người một chiếc hộp văn phòng phẩm, trong đó có những viên kẹo hoa quả cứng khiến mỗi lần nhớ đến ngày tết mùng 1 tháng 6 là tôi lại nhớ ngay đến hương vị của những viên kẹo trái cây rẻ tiền. Đây là ngày tết Thiếu nhi cuối cùng của chúng tôi. Kỳ thi lên cấp hai đang đến gần. Thi xong, bạn nào học giỏi sẽ được vào trường điểm, học kém sẽ phải vào những trường cấp hai bình thường hơn. Ngày chia ly ở ngay trước mắt, không khí bi thương, lưu luyến, hốt hoảng bắt đầu lan tỏa khắp lớp học, nhưng tôi chẳng có bất kỳ cảm giác gì, ngược lại, ngày nào cũng xem lịch, xem còn mấy ngày nữa thì đến ngày tốt nghiệp.

Tôi là một đứa trẻ không có một chút dũng khí nào. Đối mặt với sự tự ti và nỗi đau khổ của mình, tôi chọn cách bỏ chạy và lẩn trốn. Tôi coi trường cấp hai như một thế giới mới để mình bắt đầu lại từ đầu.

Các bạn viết lưu bút cho nhau, trong sổ lưu bút sẽ ghi lại những ước mơ về tương lai, những việc mà mình muốn làm, những nơi mà mình muốn đi, còn tôi chỉ ghi một chữ “Vô”1.

Tôi mua một cuốn sổ rất đẹp, nhưng chần chừ mãi mà chưa đưa cho các bạn viết. Tới tận ngày cuối cùng, tôi cũng không biết trong tiềm thức mình nghĩ gì, mà rút cục lại đưa quyển lưu bút nhờ Quan Hà viết. Quan Hà mở quyển sổ lưu bút của tôi ra, ngạc nhiên, cười, nói: “Mình là người đầu tiên à!”

Tôi mỉm cười không nói, bạn ấy không biết rằng bạn ấy cũng là người cuối cùng.

Cuối cùng, cũng đến ngày lễ tốt nghiệp!

Rất nhiều bạn tham gia biểu diễn các tiết mục, hát có, múa có. Vì sắp tốt nghiệp nên các tiết mục biểu diễn được đầu tư công phu và có phần phô trương. Mấy bạn nam mặc quần loe bó màu đen, đeo găng tay màu đen nhảy điệu rock & roll. Ba người bạn chơi thân với Trương Tuấn không biết mượn được ở đâu những bộ đồng phục màu trắng, cùng nhau hát một bài của nhóm Tiểu Hổ.

Xâu trái tim của bạn và của tôi thành một chuỗi2

Xâu một chuỗi cỏ ba lá

Xâu một vòng tròn đồng tâm

Để mọi kỳ vọng về tương lai đồng hành với tuổi thanh xuân

Đừng để những người trẻ tuổi càng trưởng thành càng cô đơn

Hãy trồng những nhánh cỏ ba lá may mắn của tôi vào khu vườn của trái tim bạn

Để trái đất mãi quay quanh vòng tròn đồng tâm của chúng ta không bao giờ dừng lại.

Suốt buổi diễn văn nghệ, tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn. Các bạn nữ trong lớp ôm nhau khóc. Cá biệt còn có một vài bạn nam cầm khăn quàng lau nước mắt. Trong lòng tôi rất buồn, nhưng không thể khóc được, sự đau buồn của tôi khắc sâu trong trái tim, nơi nước mắt không thể trào ra.

Hiệu trưởng, giáo viên phát biểu, chụp ảnh xong, các bạn bắt đầu tản mát hết, tôi vẫn ngồi ở vị trí gần cửa sổ, ngơ ngẩn nhìn ra bên ngoài. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng mình ghét ngôi trường này, chỉ ao ước được thoát khỏi nó nhưng đến giây phút cuối cùng lại lưu luyến không nỡ rời xa.

“La Kỳ Kỳ!”

Là giọng của Trương Tuấn, tôi phải lấy hết dũng khí mới dám quay đầu lại: “Có chuyện gì vậy?”

Trương Tuấn đứng trước mặt tôi không nói gì, tấm rèm cửa sổ màu xanh da trời bay phất phơ sau lưng cậu ấy, giống màu xanh của những con sóng biển. Ánh mắt trời chiếu xuyên qua khung cửa kính, rọi thẳng lên chiếc sơ mi màu trắng cậu ấy mặc khiến nó càng trắng tới chói mắt, gần như đang phát quang. Trên bục giảng có mấy người bạn vẫn đang nói chuyện, bên ngoài hành lang vọng vào tiếng cười đùa, nhưng tất cả những âm thanh đó đều bị cơn gió ấm áp của mùa hè thổi bay. Tôi và cậu ấy gần như đang đứng ở một nơi khác. Sự tĩnh lặng khiến người ta sợ hãi và có cảm giác bất an.

Mũi tôi bất giác cay cay, lại hỏi một lần nữa: “Có chuyện gì thế?”

Cậu ấy nhìn tôi chằm chằm, nói: “Có chuyện này, muốn nói với cậu.”

Trước ánh mắt chăm chú của cậu ấy, trái tim tôi đập mỗi lúc một nhanh hơn.

“Trương Tuấn!” Quan Hà và một bạn gái lớp khác đang đứng ngoài cửa gọi.

Trương Tuấn nhìn thấy họ, nét mặt chợt lúng túng, bất an, lùi về phía sau một bước. Tôi nhìn dáng vẻ của cậu ấy, rồi lại nhìn khuôn mặt xinh tươi như đóa phù dung của Quan Hà, đột nhiên không muốn nghe bất kỳ điều gì nữa, hoảng sợ đứng dậy, cúi gằm mặt đi ra khỏi lớp. Lúc đi qua người Quan Hà, bạn ấy còn lịch sự chúc tôi: “Chúc cậu thi đỗ vào trường điểm cấp hai thuận lợi nhé!”

Còn tôi thì bất lịch sự, không đáp lại tiếng nào đã vội vã bỏ đi, có thi đỗ được vào trường điểm cấp hai hay không là do tự bản thân phải cố gắng, chứ không thể dựa và lời chúc của người khác mà được. Vừa ra khỏi lớp học, tôi liền bỏ chạy, muốn nhanh chóng bỏ lại tất cả những chuyện không vui của thời niên thiếu ở thật xa phía sau. Cơn gió mang hơi nóng của mùa hè lướt qua mặt, có thể nó sẽ thổi tất cả những chuyện không vui ấy về phía sau tôi, nhưng hình ảnh cậu bạn thời niên thiếu cầm tay tôi kéo về phía trước trong gió lạnh kia vẫn mãi mãi khắc sâu trong trái tim.

Tôi muốn lẩn trốn quá khứ, khao khát chạy về phía trước. Tôi đã tiễn biệt những năm tháng ấu thơ của mình vội vôi vàng vàng như thế, thậm chí còn không kịp giơ tay vẫy chào.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

 

Nguồn: truyen8.mobi/t33110-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận