Ô Lão Đại lớn tiếng nói:
- Tôn chủ ra lệnh, tất cả các thuộc hạ Linh Thứu Cung, từ nay không được giết bừa bãi người vô tội, nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Quần hào lại đồng thanh:
- Tuân lệnh!
Hư Trúc liên tiếp chắp tay nói:
- Ta… ta thật cảm kích hết sức, không nói nên lời, các vị làm điều tốt, không làm điều xấu, ấy là tích thêm công đức thiện nghiệp cho mình, thể nào củng được phúc báo vô lượng.
Y quay sang Ô Lão Đại cười nói:
- Ô tiên sinh, mấy câu của tiên sinh thật rành mạch rõ ràng, ta nói chẳng đâu vào đâu, chẳng hay… chẳng hay Sinh Tử Phù của tiên sinh ở chỗ nào? Để ta giải trừ cho ông trước.
Ô Lão Đại sở dĩ dám liều lĩnh đứng ra cầm đầu phản loạn cũng chỉ là để giải trừ bùa Sinh Tử trong cơ thể, nghe thấy Hư Trúc bằng lòng gỡ bùa cho mình, từ nay không còn sợ con trùng nằm sâu trong xương tủy kia nữa, thật sung sướng không đâu kể hết, trong lòng cảm kích, quì hai gối lạy phục xuống. Hư Trúc vội vàng quì xuống hoàn lễ, hỏi thêm:
- Ô tiên sinh, vết thương vì tùng cầu nơi bụng ông, nay đã đỡ chưa? Ông uống Đoạn Trường Hủ Cốt Hoàn, mình sẽ tìm cách giải độc tính đó mới được.
Bốn chị em Mai Kiếm bấy giờ mới vận động cơ quan, di chuyển tảng đá chắn ngoài cửa, để cho chư nữ của Chu Thiên, Hạo Thiên, Huyền Thiên chín bộ tiến vào đại sảnh. Phong Ba Ác và Bao Bất Đồng hai người vẫn còn lèm bèm ủng oẳng, cùng đi với Đặng Bách Xuyên và Công Dã Can. Bốn người bọn họ ra ngoài đòi đấu với Đồng Mỗ, đụng phải ngay chư nữ tám bộ. Bao Bất Đồng ngôn ngữ phách lối, Phong Ba Ác tính tình hung hăng, qua lại mấy câu đã cùng những người đàn bà động thủ. Chẳng mấy chốc Đặng Bách Xuyên và Công Dã Can cũng gia nhập tiếp tay, bốn người võ công tuy cao thật nhưng dẫu sao ít không đánh lại số đông, vừa đánh vừa chạy nhưng ai nấy đều bị thương, nếu đại môn chỉ mở chậm một lát, Mai Lan Cúc Trúc Kiếm không lên tiếng ngăn trở, bốn người nếu không bị bắt thì cũng khó lòng toàn mạng.
Mộ Dung Phục thấy tình hình trở nên nhạt nhẽo nên cùng bọn Đặng Bách Xuyên cáo từ hạ sơn. Trác Bất Phàm và Phù Dung tiên tử Thôi Lục Hoa cũng lẳng lặng đi mất. Hư Trúc thấy bọn Mộ Dung Phục định đi, vội cố hết sức lưu khách. Mộ Dung Phục nói:
- Tại hạ đắc tội với Phiêu Miểu Phong, thật là ngượng ngập, may được huynh đài không trách phạt, đã nhận lãnh thịnh tình há đâu lại còn dám làm phiền hơn nữa?
Hư Trúc đáp:
- Có sao đâu! Có sao đâu? Hai vị công tử văn võ song toàn, thật là anh hùng, tại hạ hết sức ngưỡng mộ, vẫn mong… vẫn mong… vẫn mong có dịp… được học hỏi hai vị công tử. Tôi… tôi quả là vụng về… vùng về chết đi được.
Bao Bất Đồng mới rồi giao phong cùng chư nữ, quả bất địch chúng, trên người bị mấy vết thương, đang cáu tiết, nghe Hư Trúc lắp bắp giữ khách, lại được Mộ Dung Phục nói nhỏ là trong người y có dấu bức tranh vẽ Vương Ngữ Yên, nghĩ thầm: "Thằng giặc trọc này giả nhân giả nghĩa, đã là đệ tử Phật môn, vậy mà đối với Vương cô nương nhà ta có lòng kia ý nọ, đúng là một dâm tăng không giữ thanh qui." Y liền nói:
- Tiểu sư phụ giữ anh hùng lại là chuyện giả, còn lưu mỹ nhân mới chính là chuyện thực, sao không nói thẳng ra là muốn giữ Vương cô nương ở trên Phiêu Miểu Phong?
Hư Trúc ngạc nhiên đáp:
- Ông… ông nói gì? Ta muốn lưu giữ mỹ nhân nào thế?
Bao Bất Đồng đáp:
- Ngươi bụng dạ tà vạy, bộ tưởng người nhà Mộ Dung đều ngốc nghếch hay sao? Ha ha! Tức cười thiệt!
Hư Trúc giơ tay gãi đầu nói:
- Ta thật không hiểu tiên sinh nói cái chi, mà cũng không thấy chuyện gì tức cười hết.
Bao Bất Đồng tuy thân đang ở trong đầm rồng hang hổ, nhưng cái tính ngang bướng của y nổi lên, không còn coi sống chết vào đâu nữa, lớn tiếng nói:
- Cái thằng giặc trọc kia, ngươi đã là sư chùa Thiếu Lâm, cũng là danh môn đệ tử, cớ sao lại cải đầu tà phái, cấu kết với bọn quỉ quái yêu ma? Trông cái mặt ngươi là ta đã lộn ruột rồi. Một ông thầy chùa, o ép hàng trăm đàn bà con gái làm vợ lớn vợ bé, nhân tình nhân ngãi, chưa đủ hay sao mà còn toan ngấm nghé Vương cô nương nhà ta? Nè ta bảo cho ngươi biết, Vương cô nương là người của Mộ Dung công tử bọn ta rồi, cái thứ ăn mày đòi xôi gấc, cóc tía mà muốn xơi thịt ngỗng trời, đừng hòng nghe chưa!
Y nổi giận đùng đùng, dậm chân đập tay, chỉ thẳng vào mặt Hư Trúc mà chửi mắng. Hư Trúc chẳng hiểu ra sao, ấp úng:
- Ta… ta… ta…
Bỗng nghe vù vù hai tiếng, Ô Lão Đại đã cầm thanh Lục Ba Hương Lộ quỉ đầu dao, còn Cáp Đại Bá thì vác một cây thiết trùy, cùng quát lên, xông vào đánh Bao Bất Đồng. Mộ Dung Phục biết rằng một khi Hư Trúc đã bằng lòng giải Sinh Tử Phù cho bọn này thì quần hào sẽ sống chết với y, hai bên hỗn chiến quả là hung hiểm, thấy Ô Lão Đại và Cáp Đại Bá xông lên, lạng người một cái đã xông ra trước, sử dụng công phu Đẩu Chuyển Tinh Di, đẩy thanh quỉ đầu đao chém vào Cáp Đại Bá, còn cây búa sắt thì phang vào người Ô Lão Đại, keng một tiếng lớn, hai món binh khí đụng nhau, lửa văng tung tóe.
Mộ Dung Phục đưa tay đẩy nhẹ vào đầu vai Bao Bất Đồng, hất y ra ngoài xa hơn một trượng, quay sang Hư Trúc chắp tay nói:
- Đắc tội! Xin cáo từ!
Y thấy đại sảnh này có cơ quan, nếu như lại bị đá chặn cửa một lần nữa thì chỉ còn nước bó tay mặc người ta làm gì thì làm nên lắc người một cái đã ra tới đại môn. Hư Trúc vội vàng nói:
- Công tử xin hoãn lại một chút, ta quyết chẳng… quyết chẳng có ý đó đâu… ta… ta…
Mộ Dung Phục lông mày nhướng lên, quay người gằn giọng:
- Phải chăng các hạ tự phụ thiên hạ vô địch, muốn chỉ điểm vài chiêu chăng?
Hư Trúc xua tay rối rít nói:
- Không!… Không đâu…
Mộ Dung Phục nói:
- Tại hạ chẳng được mời mà tự tiện đến đây, khi ra đi cũng lại mạo phạm, các hạ không giữ lại không xong hay sao?
Hư Trúc lắc đầu đáp:
- Không… không đâu…ấy là… ôi!
Mộ Dung Phục đứng ở giữa cửa, ngạo nghễ nhìn Hư Trúc cùng quần hào ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo, Mai Lan Cúc Trúc tứ kiếm, chư nữ Cửu Thiên Bộ. Mọi người bị khí thế của y nhiếp phục, nhất thời không ai dám xông ra. Một hồi sau, Mộ Dung Phục phất tay áo một cái nói:
- Thôi đi!
Y ngang nhiên đi ra khỏi cửa, Vương Ngữ Yên và bọn Đặng Bách Xuyên lục tục theo sau. Ô Lão Đại hậm hực nói:
- Tôn chủ, nếu như để cho y xuống được Phiêu Miểu Phong thì mình còn làm người sao được? Xin tôn chủ ra lệnh chặn họ lại.
Hư Trúc lắc đầu:
- Thôi bỏ qua đi! Ta… ta thật không hiểu, không hiểu sao đột nhiên y lại giận dữ thế. Ôi, quả không sao hiểu được…
Ô Lão Đại nói:
- Vậy thì để thuộc hạ ra bắt vị Vương cô nương kia lại.
Hư Trúc vội đáp:
- Không được! Không được!
Vương Ngữ Yên thấy Đoàn Dự không ra khỏi đại sảnh, quay lại nói:
- Đoàn công tử, hẹn gặp lại.
Đoàn Dự thảng thốt, lòng se lại, cổ họng dường như bị nghẹn đi, cố gắng mãi mới nói được:
- Vâng! Sẽ… sẽ gặp lại. Tôi… tôi… để tôi đi với cô…
Chàng thấy hình bóng nàng mỗi lúc một xa, cũng không quay đầu, trong tai còn văng vẳng lời Bao Bất Đồng: "Vương cô nương là người của Mộ Dung công tử bọn ta rồi, cái thứ ăn mày đòi xôi gấc, cóc tía mà muốn xơi thịt ngỗng trời, đừng có hòng… Đúng rồi, khi Mộ Dung công tử ra khỏi sảnh môn, thần uy lẫm lẫm, anh hùng biết bao! Y chỉ giơ tay đã hóa giải ngay được chiêu số của hai kình địch, võ công giỏi là nhường nào! Còn cái hạng ta, trói gà không chặt, đi đâu xấu đó, nàng có coi vào đâu? Vương cô nương mỗi khi nhìn biểu ca, ánh mắt đắm đuối, vừa thương yêu, vừa ngưỡng mộ, còn ta… Đoàn Dự ơi, quả ngươi đúng là một con cóc tía mà thôi."
Trong đại sảnh hai người đứng sững như trời trồng, Hư Trúc thì bụng đầy nghi hoặc, gãi đầu ngơ ngác, còn Đoàn Dự thì đau lòng ly biệt, hồn vía đâu đâu. Hai bên ngơ ngẩn nhìn nhau.
Một hồi sau, Hư Trúc thở dài một tiếng, Đoàn Dự cũng thở hắt ra nói:
- Nhân huynh, hai ta đồng bệnh tương lân,(38.7) mối nhung nhớ ghi sâu trong tâm khảm này, làm sao quên được?
Hư Trúc nghe nói thế, mặt đỏ bừng, không hiểu sao y lại biết đến mộng trung nữ lang của mình được, ấp úng hỏi:
- Đoàn công tử, sao công tử lại… lại biết được chuyện này?
Đoàn Dự đáp:
- Bất tri Tử Đô chi mỹ giả, vô mục giả dã. Bất thức bỉ xu chi mỹ giả, phi nhân giả dã. Ái mỹ chi tâm, nhân giai hữu chi.(38.8) Này nhân huynh, ta với ngươi hai người từ nay lưu lạc góc biển chân trời, nhưng mối hận này chẳng bao giờ nguôi.
Nói xong lại thở dài sườn sượt. Chàng thấy Hư Trúc trong người có dấu bức hình Vương Ngữ Yên, mê mẩn ái mộ nàng chẳng khác gì mình, vừa rồi Mộ Dung Phục và Hư Trúc xung đột, cũng chỉ vì đó mà ra, bèn nói:
- Nhân huynh võ công tuyệt đính, thế nhưng đã nói đến chữ tình thì chỉ là duyên phận, dù văn tài võ học đến đâu, nếu đã vô duyên thì chẳng thể nào thành được.
Hư Trúc lẩm bẩm nhắc lại:
- Quả đúng thế. Phật dạy là vạn pháp cũng đều do duyên mà ra, mọi sự đều là duyên phận…đúng thế… duyên phận kia… khả ngộ bất khả cầu… đúng là như thế. Một khi xa nhau rồi, trong cõi đời mang mang, biết bao giờ mới tìm lại được?
Y nói đến là mộng trung nữ lang nhưng Đoàn Dự lại tưởng y nói đến Vương Ngữ Yên. Hai người đều hâm hâm cám hấp, không thông thế vụ, thành ra càng nói lại càng tâm đầu ý hợp.
Chư nữ trong cung Linh Thứu liền bày tiệc, Hư Trúc và Đoàn Dự nắm tay nhau cùng ngồi vào bàn. Quần hào các động, các đảo đều là thuộc hạ của Linh Thứu Cung, nên chẳng ai dám ngồi cùng mâm với Hư Trúc. Hư Trúc không thông việc đãi khách, thấy người khác không lên, cũng không ra lời mời mọc, chỉ cùng Đoàn Dự hai người chén chú chén anh.
Đoàn Dự thì toàn tâm toàn ý ái mộ Vương Ngữ Yên, luôn mồm suýt soa ca ngợi cô nàng, không phải tính tình hòa thuận dịu dàng thì cũng tư dung tuyệt thế trên đời khó gặp.
Hư Trúc thì lại tưởng Đoàn Dự khen người trong mộng của mình, chẳng dám hỏi tại sao anh chàng lại biết như thế, nhưng cũng không dám buông lời hỏi thăm lai lịch ý trung nhân, ngồi nghe mà tim đập thình thình, nghĩ bụng: "Ta cứ tưởng một khi Đồng Mỗ chết đi rồi thì trên đời không còn ai biết được cô nương đó ở đâu, may trời còn thương, Đoàn công tử lại nhận ra được. Thế nhưng nghe câu nào câu nấy vị công tử này đều hết sức ái mộ, đầy vẻ nhớ nhung, nếu mình hở môi ra là đã từng cùng nàng ở nơi hầm băng vui vầy cá nước, Đoàn công tử ắt sẽ nổi giận, bỏ tiệc đi ngay thì dự tính nghe ngóng của mình thành công cốc."
Y càng nghe Đoàn Dự ca tụng cô gái càng thấy hợp ý nên cũng thành thực phụ họa vài câu. Hai người người nào cũng tranh nhau nói về người tình của mình, có điều không ai đề cập đến tên tuổi cô nương kia nên câu chuyện càng lúc càng thêm gắn bó. Hư Trúc nói:
- Đoàn công tử, nhà Phật có nói rằng mọi việc trên đời không qua khỏi chữ duyên. Kinh có viết: "Chư pháp tòng duyên sinh, chư pháp tòng duyên diệt. Ngã Phật đại sa môn, tường tác như thị thuyết."(38.9) Đạt Ma tổ sư cũng dạy rằng: "Chúng sinh vô ngã, khổ lạc tùy duyên."(38.10) Nếu như mình có được điều gì sung sướng ấy cũng chẳng qua "Túc duyên sở cấu, kim phương đắc chi. Duyên tận hoàn vô, hà hỉ chi hữu?"(38.11)
Đoàn Dự đáp:
- Đúng đó! Chính là cái cảnh giới "Đắc thất tùy duyên, tâm vô tăng giảm."(38.12)
Tại nước Đại Lý Phật pháp xương thịnh, Đoàn Dự từ nhỏ đã đọc kinh sách, hai người kẻ dẫn kinh Kim Cương thì người kia lôi kinh Pháp Hoa ra đối chiếu, an ủi lẫn nhau, than thở giùm nhau, chén thù chén tạc quả là có cái tình đồng bệnh. Mai Lan Cúc Trúc bốn tì nữ thay phiên đi lên chuốc rượu, Đoàn Dự uống một chén, Hư Trúc cũng lại một chén, hai người bác bác tôi tôi mãi đến tận khuya.
Quần hào đứng lên cáo từ được chư nữ đưa đến chỗ nghỉ ngơi. Hư Trúc và Đoàn Dự tửu ý cũng đã ngà ngà nhưng vẫn mềm môi trò chuyện mãi.
Hôm xưa Đoàn Dự cùng Tiêu Phong thi uống rượu bên ngoài thành Vô Tích, dùng nội công đẩy rượu theo ngón tay ra ngoài, lúc này mượn rượu tiêu sầu là uống thực sự, lè nhè nói:
- Nhân huynh, ta có một vị huynh trưởng kết nghĩa kim lan, họ Kiều tên Phong, người này quả là một đại anh hùng, là một bậc hào kiệt, võ công tửu lượng, không ai sánh kịp. Nếu như mà nhân huynh gặp được, thể nào cũng ái mộ yêu thích lắm, tiếc rằng anh ấy không có ở đây, nếu không ba người mình kết làm huynh đệ, vui cái vui tâm đầu ý hợp thì quả là một khoái sự trên đời.
Hư Trúc trước nay chưa hề uống rượu, toàn nhờ nội công tinh thâm, nãy giờ uống mấy đấu rượu mà chưa say nhưng trong lòng cũng lâng lâng phiêu lãng, trước nay ăn nói dè dặt, bây giờ cũng thành ăn to nói lớn, hào khí bùng lên khẳng khái đáp:
- Đoàn công tử nếu đã… nếu đã… không coi thường mỗ, thì hai người mình kết bái làm anh em, sau này gặp được Kiều đại ca, mình lại lạy nhau thêm một lần nữa cũng được chớ sao!
Đoàn Dự mừng rỡ nói:
- Hay lắm! Hay lắm! Huynh trưởng bao nhiêu tuổi?
Hai người so niên canh, Hư Trúc lớn hơn ba tuổi. Đoàn Dự kêu lên: Nguồn tại http://truyenyy[.c]om
- Nhị ca, xin nhận một lạy của tiểu đệ.
Chàng liền đẩy ghế ra, quì xuống vái lạy. Hư Trúc vội vàng hoàn lễ, chân bỗng bủn rủn ngã nhào về trước. Đoàn Dự thấy y ngã bổ chửng vội vàng đỡ lên, hai người vô ý đụng phải nhau, thấy đối phương chân khí cực kỳ sung túc, vội vàng thu liễm khắc chế. Lúc này Đoàn Dự đã say mèm, chân nam đá chân siêu, đứng không vững. Đột nhiên hai người cùng cất tiếng cười ha hả, ôm chầm lấy nhau, ngã lăn ra đất. Đoàn Dự nói:
- Nhị ca nè, tiểu đệ chưa có say đâu nhe, hai đứa mình uống thêm một trăm chung nữa.
Hư Trúc cũng nói:
- Uống thì uống, tiểu huynh sẽ uống với tam đệ một trận cho đã đời.
Đoàn Dự ngâm:
"Chén kia chớ để cho lật ngửa,
Trăng sáng nhìn xem phải mỉm cười.
Trong đời mấy lúc được đắc ý,
Uống cho thỏa chí mới là vui.(38.13)
Ha ha!
Cùng nhau uống đủ ba trăm chén,
Chưa đủ sao đành dở cuộc chơi…"(38.14)
Hai người càng nói càng lè nhè, sau cùng cả hai say quá không còn biết trời trăng gì nữa.