Thiên Long Bát Bộ Hồi 273

Năm người cùng đăm đăm nhìn ông già, thấy đôi mắt đục lờ không chút tinh thần nhưng giọng nói chính là người mới vừa lên tiếng ca ngợi Tiêu Phong. Mộ Dung Phục đáp:

- Chính thế, ta hỏi ông trốn ở nơi đây từ bao giờ?

Nhà sư già bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tính toán một hồi lâu, lắc đầu, vẻ mặt ra chiều hoang mang nói:

- Ta… ta không nhớ rõ nữa, chẳng biết là bốn mươi hai năm, hai là bốn mươi ba năm. Tối hôm đầu tiên khi vị Tiêu lão cư sĩ này đến xem kinh thì… thì ta cũng đã ở đây hơn chục năm. Về sau… về sau Mộ Dung lão cư sĩ cũng đến, rồi mấy năm trước, nhà sư Thiên Trúc Ba La Tinh cũng lại đến trộm kinh. Ôi! Kẻ đến người đi lục lạo kinh thư trong các loạn cả lên chẳng biết để làm cái gì?

Tiêu Viễn Sơn hết sức kinh ngạc, nghĩ bụng khi mình đến chùa Thiếu Lâm lén nghiên cứu võ công, tăng nhân toàn chùa nào có ai hay, làm sao nhà sư này lại biết nhỉ? Chắc hẳn ông ta ở ngoài nghe trộm lời mình nói, rồi giả vờ nói khuếch nói khoác, bèn đáp:

- Thế sao trước nay ta không hề gặp ông?

Vị lão tăng đáp:

- Cư sĩ chỉ chăm chăm vào võ học điển tịch, đâu có để ý gì đến chuyện ngoài thành thử đâu có trông thấy lão tăng. Ta còn nhớ tối hôm đầu cư sĩ đến đây mượn đọc là bản Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ. Ôi, thế là từ đó cư sĩ rơi vào ma đạo mất rồi, tiếc thay, tiếc thay!

Tiêu Viễn Sơn sợ hãi không đâu cho hết, tối đầu tiên đến đọc lén trong Tàng Kinh Các quả là tìm được một bản Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, tưởng chỉ một mình mình biết, không lẽ lúc đó vị lão tăng này trông thấy thật hay sao?

Ông chỉ biết ấp úng:

- Ông… ông… ông…

Nhà sư già nói tiếp:

- Lần thứ hai cư sĩ đến mượn xem là bản Bát Nhã Chưởng Pháp.(43.5) Khi đó lão tăng thầm tắc lưỡi, biết rằng cư sĩ đã nhập ma càng lúc càng sâu, trong lòng không nỡ nên để một bộ Pháp Hoa(43.6) và một bộ Tạp A Hàm(43.7) ở nơi cư sĩ thường hay lấy kinh mong cho cư sĩ mượn để nghiên cứu tìm đường giải thoát. Ngờ đâu cư sĩ trầm mê trong võ công, không lý gì đến Phật pháp chính tông, bỏ hai bộ đó sang một bên tìm được một quyển Phục Ma Trượng Pháp, hí hửng đem đi. Ôi, đắm chìm vào trong biển khổ, không biết đến bao giờ mới biết quay đầu?

Tiêu Viễn Sơn nghe ông ta thuận mồm nói ra, thuật lại chuyện ba mươi năm trước mình vào Tàng Kinh Các xem kinh thế nào không sai một mảy, từ ngạc nhiên biến sang sợ hãi, từ sợ hãi biến thành kinh hoàng, mồ hôi lạnh toát đầy lưng, trái tim tưởng chừng ngừng đập.

Vị lão tăng chầm chậm quay đầu lại nhìn Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác thấy mắt ông lờ đờ tưởng nhìn mà không thấy nhưng dường như những gì bí mật ẩn dấu trong tâm khảm mình, chuyện gì cũng biết rõ mồn một, không khỏi nổi gai ốc, cực kỳ bối rối. Chỉ nghe nhà sư thở dài một tiếng nói:

- Mộ Dung cư sĩ tuy là người bộ tộc Tiên Ti, nhưng đã di cư đến Giang Nam mấy đời rồi, lão tăng chắc mẩm cũng đã tập nhiễm văn thái phong lưu của Nam triều, ngờ đâu khi đến Tàng Kinh Các cũng chẳng coi chút vi ngôn pháp ngữ của tệ phái tổ sư cùng ngữ lục các vị cao tăng đời trước vào đâu cả, nhất thiết bỏ qua như chiếc dép rách, kiếm ra một bản Niêm Hoa Chỉ Pháp lại coi như châu bảo. Truyện đời xưa có người mãi độc hoàn châu,(43.8) để tiếng cười chê muôn thuở. Hai vị cư sĩ là đương thế cao nhân, sao cũng làm chuyện ngu si như vậy. Ôi, dù cho mình hay cho người thì cũng chỉ có hại mà thôi.

Mộ Dung Bác trong lòng thảng thốt, quả thực khi vừa vào Tàng Kinh Các, bộ võ công bí tịch đầu tiên ông tìm xem, đúng là Niêm Hoa Chỉ Pháp nhưng lúc đó ông đã tra xét bốn bề, rõ ràng trong Tàng Kinh Các không có một ai, sao vị lão tăng này lại trông thấy nhỉ?

Lại nghe vị lão tăng kia tiếp:

- Bụng dạ cư sĩ so với Tiêu cư sĩ lại còn ôm đồm hơn. Tiêu cư sĩ tu tập chẳng qua cũng chỉ những cách làm thế nào khắc chế võ công phái Thiếu Lâm, còn Mộ Dung cư sĩ thì gom tất cả bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự đem đi, sao ra, rồi sau mới quay lại Tàng Kinh Các trả lại chỗ cũ. Hẳn là trong bao nhiêu năm qua cư sĩ đã tận tâm kiệt lực để dung hợp quán thông cả bảy mươi hai môn, không chừng đã truyền lại cho lệnh lang nữa kìa.

Ông ta nói đến đây, đưa mắt nhìn sang Mộ Dung Phục liếc một cái, rồi lắc đầu, lại nhìn sang Cưu Ma Trí, lúc ấy mới gật gù nói:

- Đúng rồi, lệnh lang niên kỷ còn nhỏ, công lực chưa đủ không cách gì nghiên tập bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, thì ra truyền cho vị cao tăng Thiên Trúc này đây. Đại Luân Minh Vương sai rồi, hoàn toàn sai lầm rồi, thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối mà thôi.

Cưu Ma Trí chưa từng vào trong Tàng Kinh Các nên không kính sợ gì vị lão tăng này, lạnh lùng đáp:

- Cái gì mà thứ tự đảo lộn, đại nạn chỉ trong sớm tối? Lời của đại sư, chẳng phải là toan hù dọa người ta(43.9) hay sao?

Vị lão tăng nói:

- Không phải nguy ngôn tủng thính đâu. Xin Minh Vương giao trả lại bộ Dịch Cân Kinh đi.

Cưu Ma Trí bấy giờ mới hoảng, nghĩ thầm: "Sao lão lại biết ta cướp được của gã đầu sắt bộ Dịch Cân Kinh? Bảo ta trả lại đâu có dễ dàng như thế?" Miệng vẫn nói cứng:

- Cái gì mà Dịch Cân Kinh? Lời của đại sư khiến chẳng ai hiểu gì cả!

Nhà sư già tiếp:

- Võ công bản phái truyền từ Đạt Ma lão tổ. Môn đệ nhà Phật học võ cốt để cường thân kiện thể, bảo hộ đạo pháp, hàng phục yêu ma. Dù cho tu tập võ công gì chăng nữa cũng phải giữ lòng từ bi nhân thiện. Nếu không chịu lấy Phật học làm cơ sở thì khi luyện võ sẽ làm tổn thương mình trước. Công phu luyện càng thâm sâu, thân mình bị thương càng nặng. Nếu như luyện tập chỉ là tay đấm chân đá, binh nhận ám khí các loại ngoại công thì cũng chẳng sao, có hại cho thân thể cũng chỉ chút ít, nếu như thân thể cường tráng thì cũng có thể vượt qua được…

Bỗng dưới lầu có tiếng người lao xao, rồi lộp cộp mấy tiếng lên cầu thang, tám chín tăng nhân nhảy lên trên các. Đi đầu là hai vị cao tăng Huyền Sinh, Huyền Diệt, theo sau là Thần Sơn thượng nhân, Đạo Thanh đại sư, Quán Tâm đại sư mấy vị cao tăng từ ngoài đến, rồi đến hai nhà sư Thiên Trúc Triết La Tinh, Ba La Tinh huynh đệ, kế nữa là hai nhà sư chữ Huyền Huyền Cấu, Huyền Tịnh.

Các nhà sư thấy cha con Tiêu Viễn Sơn, cha con Mộ Dung Bác, cả Cưu Ma Trí năm người đều ở trong các, chăm chú nghe một lão tăng mặt mũi tầm thường, đều hết sức ngạc nhiên. Những nhà sư đó đều là những người công phu tu tập cao minh nên không tiến lên làm rộn mà cùng đứng sang một bên, nghe ông ta nói gì.

Mọi người đi lên nhưng nhà sư kia làm như không hay biết, vẫn tiếp tục nói:

- Nếu như luyện võ công thượng thừa của bản phái, chẳng hạn như Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ,(43.10) Bát Nhã Chưởng các loại mà không dùng lòng từ bi của nhà Phật ngày ngày hóa giải thì lệ khí(43.11) thấm vào tạng phủ mỗi lúc một sâu, còn hại gấp trăm lần chất độc từ bên ngoài. Đại Luân Minh Vương vốn dĩ là đệ tử nhà Phật, tinh nghiên Phật pháp, hiểu biết lý luận trên đời có một không hai, thế nhưng nếu không giữ tâm từ bi bố thí, phổ độ chúng sinh thì dù cho điển tịch yêm thông, biện bác không có chỗ nào vướng mắc nhưng rồi cũng không thể tiêu giải được cái khí chất tai ngược mà khi luyện công phu thượng thừa kia nhiễm vào.

Quần tăng mới nghe qua mấy câu đã thấy những lời nhà sư già nói ra chứa đầy tinh nghĩa, những điều đó trước nay chưa từng được nghe qua, trong bụng ai nấy bàng hoàng. Có mấy người liền chắp tay tán thán:

- A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!

Lại nghe nhà sư nói tiếp:

- Chùa Thiếu Lâm từ khi kiến tạo nghìn năm qua, cổ vãng kim lai, chỉ có Đạt Ma tổ sư là một thân kiêm thông đủ các tuyệt kỹ, sau đó không một vị cao tăng nào biết hết bấy nhiêu võ công, là bởi tại đâu? Điển tịch của bảy mươi hai tuyệt kỹ đều có đủ trong các này, xưa nay không cấm đoán môn nhân đệ tử tham duyệt, Minh Vương có biết vì sao hay không?

Cưu Ma Trí đáp:

- Chuyện đó là riêng của bảo sát, làm sao người ngoài biết được?

Huyền Sinh, Huyền Diệt, Huyền Cấu, Huyền Tịnh đều nghĩ thầm: "Vị lão tăng này ăn mặc chỉ là một phục sự tăng lo việc quét dọn lặt vặt, sao lại biết nhiều hiểu rộng đến thế nhỉ?"

Phục sự tăng tuy cũng là sư trong chùa Thiếu Lâm nhưng chỉ cạo đầu mà không bái sư, không được truyền thụ võ công, không tu thiền định, chẳng được liệt vào Huyền Tuệ Hư Không các hàng vai vế, ngoài việc tụng kinh lễ Phật chỉ nhóm lửa, cuốc đất, quét nhà, bổ củi. Bọn Huyền Sinh là cao tăng đệ nhất trong chùa, không biết nhà sư này cũng không phải là chuyện lạ, có điều nghe ông ta nói năng cao nhã, kiến thức trác tuyệt, không khỏi toát mồ hôi.

Vị lão tăng lại nói tiếp:

- Bảy mươi hai hạng tuyệt kỹ của bản tự, công phu nào cũng có thể làm tổn thương chỗ yếu hại, lấy mạng người khác, độc ác ghê gớm không hợp với tính từ hòa của trời đất, thành thử mỗi hạng tuyệt kỹ đều phải có Phật pháp từ bi tương ứng để hóa giải. Cái đạo lý đó không phải tăng nhân trong chùa ai cũng biết, chỉ có những ai đã luyện đến bốn năm môn tuyệt kỹ rồi, khi đó lãnh ngộ thiền lý tự nhiên sẽ thấy có chướng ngại. Trong phái Thiếu Lâm ta, cái đó gọi là Võ Học Chướng, so với Tri Kiến Chướng của các tông phái khác thì cũng thế thôi.

Nêu biết Phật pháp là để cứu độ thế gian, còn võ công lại để giết người, hai đằng ngược chiều nhau, khắc chế lẫn nhau. Chỉ những người Phật pháp càng cao, lòng từ bi càng thịnh thì võ công tuyệt kỹ mới luyện được nhiều nhưng cao tăng đạt tới cảnh giới tu tập đó, lại chẳng còn ham muốn đi học thêm những pháp môn giết người lợi hại nữa rồi.

Đạo Thanh đại sư gật đầu nói:

- Được nghe lão sư phụ thuyết giảng, tiểu tăng hôm nay quả là như vén đám mây mù. Text được lấy tại truyenyy[.c]om

Nhà sư già chắp tay đáp:

- Không dám, lão nạp có chỗ nào nói sai mong các vị chỉ điểm cho.

Quần tăng cùng đáp lễ:

- Thỉnh sư phụ tiếp tục giảng Phật pháp cho nghe.

Cưu Ma Trí nghĩ thầm: "Bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm bị Mộ Dung tiên sinh ăn trộm, tiết lộ ra ngoài rồi, các nhà sư Thiếu Lâm lòng không cam chịu, chẳng biết làm sao nên bày đặt đưa một lão tăng ra làm ma làm quỉ, để dọa cho người khác không dám luyện võ công của họ. Ha ha, Cưu Ma Trí này đâu có dễ gì mà mắc mưu?"

Vị lão tăng lại tiếp:

- Trong bản tự dĩ nhiên cũng có người Phật pháp tu hành chưa đủ nhưng đã cố gắng luyện tập võ công thượng thừa thành ra đến khi luyện rồi nếu không tẩu hỏa nhập ma thì cũng nội thương không chữa được. Huyền Trừng đại sư của bản tự một thân siêu phàm tuyệt tục về võ học, so với tất cả các cao tăng hai trăm năm qua thì là người võ công số một. Vậy mà chỉ qua một đêm đột nhiên cân mạch đứt hết, thành kẻ phế nhân cũng vì lẽ đó mà ra.

Huyền Sinh, Huyền Diệt hai người đột nhiên quì xuống nói:

- Đại sư có cách nào cứu được Huyền Trừng sư huynh hay không?

Nhà sư lắc đầu:

- Chậm mất rồi, không thể cứu được nữa. Năm xưa khi Huyền Trừng đại sư đến Tàng Kinh Các lấy kinh điển, lão nạp đã từng ba lần nhắc nhở ông ta nhưng thủy chung vẫn chấp mê không tỉnh ngộ. Bây giờ kinh mạch đứt rồi, đâu có cách gì nối lại? Thực ra, ngũ uẩn giai không, cái sắc thân này thụ thương rồi từ nay không còn luyện võ được nữa sẽ khiến ông ta cần tu Phật pháp, vì thế mà được khai ngộ ấy là nhân họa mà được phúc. Sở kiến hai vị đại sư xem ra còn chưa theo kịp Huyền Trừng đại sư.

Huyền Sinh, Huyền Diệt cùng đáp:

- Quả thế! Đa tạ đại sư khai thị.

Đột nhiên "soẹt soẹt soẹt" ba tiếng nhỏ nhưng sau đó không thấy gì khác. Bọn Huyền Sinh ai nấy đều biết đây là công phu Vô Tướng Kiếp Chỉ của bản môn nên cùng quay sang Cưu Ma Trí, thấy y mặt hơi biến sắc nhưng vẫn gượng mỉm cười.

Thì ra Cưu Ma Trí càng nghe càng không phục nghĩ thầm: "Ngươi bảo bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm không thể cùng học một lượt, thế ta chẳng học hết cả rồi hay sao? Thế sao cân mạch không đứt đoạn thành người tàn phế?" Y dấu hai tay trong áo, ngầm vận Vô Tướng Kiếp Chỉ, thần không hay, quỉ không biết nhắm ngay nhà sư búng ra. Ngờ đâu chỉ lực chỉ đến cách nhà sư chừng ba thước liền đụng phải một bức tường mềm nhũn, nhưng cũng hết sức cứng rắn chặn lại, chỉ lực liền tan biến không còn dấu vết gì, nhưng cũng không bật ngược lại. Cưu Ma Trí cực kỳ kinh hãi, nghĩ thầm: "Nhà sư này quả nhiên có tà thuật, không phải chỉ khoác lác lòe người."

Nhà sư già vẫn như không hay biết, chỉ nói:

- Xin hai vị đứng lên. Lão nạp ở chùa Thiếu Lâm để cho các vị sai khiến, hai vị hành đại lễ như thế, làm sao dám nhận?

Huyền Sinh, Huyền Diệt không thấy nhà sư giơ tay hay phất tay gì cả nhưng thấy một luồng lực khí nhu hoà nhẹ nhàng nhắc mình lên không gượng được quả là lạ lùng, nghĩ thầm thần công tiềm vận như thế này, tâm đến đâu, lực đến đó, có lẽ đây là bồ tát hóa thân, nếu không sao có thần thông quảng đại, Phật pháp vô biên như vậy?

Vị lão tăng nói tiếp:

- Bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự đều chia ra "thể" và "dụng" hai đường. Thể là nội lực bản thể, dụng là vận dụng pháp môn. Tiêu cư sĩ, Mộ Dung cư sĩ, Đại Luân Minh Vương, Thiên Trúc Ba La Tinh sư huynh bản thân vốn dĩ nội công thượng thừa đầy đủ rồi nên khi đến tập ở bản tự, chỉ cần học phép vận dụng bảy mươi hai tuyệt kỹ thành thử dù có tổn hại nhưng nhất thời cũng không hiện ra. Nội công của Minh Vương đã luyện, có phải là Tiểu Vô Tướng Công của phái Tiêu Dao chăng?

Cưu Ma Trí hoảng hốt, y vốn học trộm Tiểu Vô Tướng Công của phái Tiêu Dao trước nay có ai biết đâu, sao lão tăng này lại nhìn ra được? Y xoay chuyển ý nghĩ lập tức hiểu ra: "Mới rồi Hư Trúc đấu với ta đã từng sử dụng Tiểu Vô Tướng Công. Chắc là Hư Trúc nói cho ông ta hay, chứ có gì đâu?" Y bèn đáp:

- Tiểu Vô Tướng Công nguyên xuất phát từ Đạo gia nhưng gần đây Phật môn đệ tử học cũng nhiều lắm, rồi trở nên kiêm thông cả hai bên Phật và Đạo. Chẳng hạn như trong quí tự đây, cũng có vô khối cao thủ theo đường đó.

Vị lão tăng tỏ vẻ ngạc nhiên nói:

- Trong chùa Thiếu Lâm cũng có người biết Tiểu Vô Tướng Công sao? Lão nạp hôm nay mới nghe nói lần đầu.

Cưu Ma Trí nghĩ thầm: "Ngươi vờ vĩnh bịp bợm cũng ra vẻ lắm bèn mỉm cười nhưng không nói toạc ra." Vị lão tăng tiếp tục nói:

- Tiểu Vô Tướng Công tinh vi uyên thâm, lấy đó làm căn bản, còn bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự được dùng để sử dụng, có điều những chỗ tế vi khúc chiết, ắt không khỏi có điểm tưởng là thế mà không phải thế.

Huyền Sinh quay sang nói với Cưu Ma Trí:

- Minh Vương tự xưng là kiêm thông bảy mươi hai tuyệt kỹ của tệ tự, hóa ra là ở cái phép đó.

Trong lời nói có vẻ mỉa mai châm chọc. Cưu Ma Trí làm như không nghe, chẳng trả lời. Nhà sư già lại tiếp:

- Minh Vương nếu như chỉ học phép sử dụng những tuyệt kỹ đó thì thương thế chỉ ẩn phục, tuy có hại đấy nhưng nhất thời không nguy hại tới bản nguyên. Có phải lúc này huyệt Thừa Khấp có màu đo đỏ, huyệt Văn Hương có màu tim tím lộ ra, huyệt Giáp Xa cân mạch hay giựt giựt, những dấu hiệu đó cho thấy sau khi Minh Vương luyện bảy mươi hai tuyêt kỹ rồi, lại cưỡng luyện nội công trong bí cập Dịch Cân Kinh…

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-273/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận