Truyện Ngắn Trẻ Chọn Lọc Truyện ngắn 7


Truyện ngắn 7
Dòng sông lạc bóng

Hoàng Hải Lâm

“Ma rà kìa!”

Thằng Đảm chỉ tay vào chỗ dập dờn mái tóc xõa dài và cánh tay vươn ra như chực nhấn chìm một cơ thể sống. Bên trên đó là lớp rêu xám xanh, nát rũ. "Bà Hạ đó", thằng Đảm lại nói. "Tóc đó là tóc của bà Hạ, tay đó là tay của bà Hạ, bà Hạ cũng chết đuối ở khúc sông này." Rồi nó kéo tay thằng Thuần đi về khi mặt Thuần còn lơ ngơ láo ngáo. Nói thế tội thằng Chương chớ phải, bà Hạ là mẹ thằng Chương, bà sống một cuộc đời thanh bạch, sao lại hóa thành ma rà được. Nó cứ bịn rịn mãi để cho nỗi buồn nằm trong tay thằng Đảm. Khi về đến nhà nó vẫn ngồi thừ người rồi hỏi mẹ, có phải ai chết đuối cũng trở thành ma rà không. Mẹ nó ờ. Thế con ma rà nào cũng ác hết sao? Mẹ nó lại ờ, vì thế trẻ con không được xuống sông khi không có người lớn. Và rồi người nó đổ xuống giường. Tội ngiệp thằng Chương! Tội nghiệp bà Hạ!

Người chết đuối ở khúc sông đó đến giờ đã là mười ba. Trong một mùa hè mà hai làng ở ven sông có đến mười ba người chết đuối mà phần lớn là người bơi giỏi. Một khúc sông đẹp với hoa tràm phủ kín mặt sông, ai đành lòng làm thế. Bà Hạ làm chớ ai, vì trước khi bà Hạ chết không nghe ai nói có người chết ở khúc sông. Chết là hết phận mình, oan gia chi mà lấy đi mười ba mạng người nữa. Bởi thế mới có cuộc họp làng đêm nay, ý kiến chung là lập đền thờ và đưa thầy về ám. Cứ cho thêm một lá bùa án ngự ở đền nữa cho chắc ăn. Mới mùa hè mà đã thế này, sang mùa đông mưa lũ chắc những đứa con của làng bị dìm nước hết... Ngồi cuối hội trường thôn, Chương dựng đôi mắt đỏ hoe. Khi về đến nhà, hắn thắp hương cho mẹ rồi đi lững thững ra khúc sông. Từ trong đêm, sông vẫn ánh lên màu bàng bạc. Nước mắt hắn nhỏ xuống, hắn gọi mẹ rất nhỏ vừa để mình nghe và vừa đủ nhẹ để gió cuốn rải tiếng gọi đó trên khúc sông buồn man mác. “Khóc chi nước mắt không đến sông, lòng người không đến được ở ngược ngàn đâu con” - câu hát của mẹ, vang vọng trên sông. Buồn! Khúc chiết! Đơn độc và nghiêng nghiêng như ai đó ngồi xéo bên mạn thuyền. Chương đứng dậy và vụt chạy ngược lên dòng sông trong tiếng kêu hoang dại. Mẹ nó không thể là ma rà, mẹ nó không ám hại ai hết. Không! Và những ánh đuốc cháy rừng rực rượt đuổi theo Chương. Sau lưng hắn, cả đám già trẻ gái trai trong làng bám theo. Khi chạm mặt nhau, ông Thống trưởng làng quát: “Thằng Chương, định ám ai nữa hử. Sao đêm hôm khuya khoắt ra ngồi ở sông trơi người, bà Thuẫn đến mất vía vì tưởng là mẹ mày cơ đấy.” Rồi họ lũ lượt kéo nhau ra về, rồi nỗi đau lũ lượt theo màn đêm trườn về phủ lên đầu Chương cùng với tiếng của ông Thống vọng lại: Về nhà đi, ở đây nữa là buộc làng phái dân quân ra gô cổ đấy, đêm mai họp mày đến sớm.

Chương đến huyện thưa chuyện với ông Long, ông Long làm chức trách ở huyện và ông có trách nhiệm với chuyện này. Dù gì thì bà Hạ mẹ Chương cũng từng có hàm trong quân ngũ. Nhìn cái ảnh Chương đưa cho thì ông biết, trên ngực bà Hạ lấp lánh huân huy chương đính trên chiếc áo xanh phai qua mấy mùa quân ngũ. Ông Long tiễn Chương ra đến cổng khi đã nói xong câu chuyện, ông còn dặn Chương, đêm mai sẽ có lực lượng của cơ quan chức trách vào làm việc cho nhẹ bớt chuyện này chứ việc làng lập đền miếu cái đó chú cũng chịu thôi cháu ạ. Thôi thì cứ để họ lập đền cho yên tâm, chú sẽ cho lệnh cấm không để người dân đi qua vùng đó nữa.

Nhưng người ta vẫn lại qua khúc sông đó như chơi trò đỏ đen với cuộc đời mình. Cái được là một chuyến qua sông với bao điều trải nghiệm và cái mất, đến đó họ không còn nhận ra nữa. Chỉ còn khói hương vãng trên sông trong mỗi chiều buồn và niềm thương gửi cho con nước trôi xuôi đến mùa thu đổ lá.

Đền xây thờ bà Hạ được cất bên một mỏm đá có cây si già cỗi. Đền được đề tên bà hẳn hoi với cái lý khi thực hiện chuyện này là vì gia đình cũng như bà Hạ có công lớn với cách mạng. Lá bùa án ngự to đùng đùng người ta không quên dán lên, và người ta thả thuyền giấy trên sông, thả cả những chiếc bè đặt bên trên là mâm cỗ có cả xôi gà. Thằng Đảm và thằng Thuần chỉ mới đưa lưỡi liếm qua môi đã bị ông Thống quát. Liệu cái thần hồn, không được vớt cỗ lên ăn đấy, người làng ăn lại cỗ cúng này coi như mất công toi còn hại đến làng biết chửa. Thằng Đảm nhìn thằng Thuần nháy mắt nhưng sau đó chúng không vớt cỗ vì nghĩ đến thằng Chương, chúng muốn mọi việc được yên bề để thằng Chương còn lấy vợ. Gái làng thích nó nhiều nhưng gia đình thì lại cấm lấy vì thằng Chương là con của bà Hạ, là con của đại ma đầu cướp đi của làng này biết bao sinh linh. Khó quá!

Đêm trôi về trên sông êm ái và dịu dàng. Những ngày cuối mùa hè trôi qua trong yên bình của khúc sông, những sinh hoạt đời thường của người dân trong làng đã quay trở lại. Không ai biết được mùa thu qua từ bao giờ, chỉ mấy ngày nay nghe gió về se lạnh và đôi lúc nắng mơn man khắp da thịt khiến con người muốn lõa thể hòa vào với đất trời yên ả. Nhưng được mươi hôm thế thì tiếng khóc từ cái đền bên bờ sông rền rĩ, đám người đánh cá đêm ở khúc sông đó kháo với nhau là bà Hạ khóc vì thèm thuốc. Vì mỗi lần họ đốt thuốc bỏ vào đền một lúc là bà đã hút hết sau đó không còn nghe tiếng khóc nữa. Đêm sau thì đám người này nhặt được đứa trẻ còn nằm đó với bộ nhau thai và máu váng đỏ trên nền ngôi đền. Họ quan sát xung quanh nhưng không thấy ai cả. Không lẽ là con bà Hạ? Đám này lại đặt đứa bé xuống nhưng thấy đàn kiến chuẩn bị đến gần nên họ không nỡ. Họ đem nó lên thuyền nuôi chung. Ba ngày sau đó người ta nhặt xác cô Sâm ở ngay khúc sông có ngôi đền. Cô Sâm ở gần nhà ông Thống, cô Sâm không có chồng, cô Sâm bị bệnh trướng bụng có hơn chín tháng mấy ngày đó rồi không thấy cô đâu. Người ta vớt xác cô lên, nhưng lạ, bụng cô đã chẹp lép. Sau tang cô Sâm, ông Thống nhận đứa trẻ làm con nuôi. Cũng hay, nhà ông Thống không có con trai. Ông nhận nó sau này có người nối dõi, ông nhận nó được tiếng là hào lão nhân từ, ông nhận nó coi như lòng ông đối với bà Hạ là không có chút oán hận (vì người ta bảo đứa trẻ sinh ra từ hồn ma bà Hạ). Nhưng có mấy người thêu dệt câu chuyện uẩn khúc từ chỗ cô Sâm bị bệnh trướng bụng hơn chín tháng, cô Sâm lại chết ở khúc sông, đứa trẻ sinh ra có nhau thai và có máu. Mà ma làm gì có máu! Ông Thống lại là hàng xóm tối lửa tắt đèn. Ôi trời ạ! Chuyện như vậy mà họ có thể nghĩ ra mới ly kỳ. Ông Thống là người có tuổi lại có vợ đẹp con khôn. Cô Sâm thì miệng vẩu răng hô lại hay xơn xớt cái mồm. Có mà đụng vào ngày trước ngày hôm sau cả làng biết ấy. Sao họ không nghĩ cho cái hay ho hơn, như chuyện ông Thống dám bỏ qua mọi thứ lễ nghĩa ở trên đời để nhận một đứa bé chưa hết cung long về trong nhà mình. Nhà ông thờ tổ tiên họ mạc mấy ngàn đời đó, đừng có mà tào lao vẽ chuyện. Nhưng người ta vẫn vẽ đấy, làm gì nhau.

Chuyện đã mười lăm năm rồi, Chương đã lấy vợ cất nhà ở ngoài đồng. Đảm và Thuần cũng cất nhà ở đó. Họ ra ở đây như minh chứng cho sự phân cực của hai thời đại. Đứa con trai nhặt của ông Thống bỏ ông về ở với Chương sau lần bất đồng với lão. Ai cũng bảo nó là con trai của bà Hạ ma rà thì anh Chương mới là máu thịt của nó. Cũng chẳng trù trừ gì, vợ chồng Chương đón nó về ở cùng nhưng mấy bận ông Thống qua trách cứ. Chương lễ nghĩa mời nước ông Thống và khuyên Huấn (nó) về nhà. Huấn không chịu và một lần nữa, Chương chịu sự phán xử của làng. Họ bảo Chương có bùa mê thuốc lú của bà Hạ nên mới chơi khăm ông Thống. Ông Thống cũng làm căng nhưng khi chú Thiện đứng dậy vừa phát biểu vừa nhìn chằm chằm vào mặt ông Thống thì ông Thống nhũn xuống nghe chú Thiện để thằng Huấn ở với Chương. Cả làng lại một phen kháo nhau. Ông Thiện sao xỏ mũi được lão Thống? À, có thể ông là người cách mạng còn lão Thống là người một thời bên kia, hay là ông Thiện có liên quan đến cái bụng phồng lên xẹp xuống của cô Sâm. Úi trời, có thể lắm chớ vì nhà cô Sâm ở giữa nhà ông Thiện và ông Thống! Ông Thiện vợ chết từ lâu...

Khúc sông lại có người chết trong mùa lũ. Nhưng xác không bị cuốn trôi. Tên bà Hạ, tên Chương và cả câu chuyện thằng Huấn được sinh ra ở cái đền lần nữa lại được nhắc đến. Làng họp để làm lễ cúng. Thằng Huấn thay anh Chương đi họp, nó đứng nghiêm dõng dạc đòi làng cho nó khám phá khúc sông. Ai cũng đồng ý nhưng ông Thống lại không bằng lòng. Lỡ bà Hạ dìm con... Nó cười hả hả. Đến hổ cũng không giết con mình, tôi và anh Chương là con trai của bà, sợ gì. Nhưng thằng Đảm và Thuần đòi làm theo, ông Thống đập tay xuống bàn cái bốp. Loạn à, chúng mày muốn làm loạn? Hồn bà Hạ đâu phải thường. Ai thích thì cứ làm nhưng thằng Huấn chưa đủ tuổi để làm việc đó. Tao cấm! Thằng Đảm lại đứng lên, chắc phải có gì đó bên dưới khúc sông. Ông Thống lại nói có gì ngoài bà Hạ? Nhưng sao chị Hòa qua khúc đó lại không làm sao hết? Ông Thống lại quát, mày ngu lắm! Con Hòa là bạn thân nhất của bà Hạ, bà hại nó phỏng?

Và câu nói cuối cùng của ông Thống mở đường cho Chương và Huấn làm công việc của mình. Chúng đến nhà chị Hòa để biết thêm về khúc sông. Chị Hòa nói, ở đó nước hút mạnh lắm! Không biết bên dưới có gì nhưng chị không tin là mẹ của mấy đứa lại làm chuyện đó.

Không ai nghĩ mùa xuân là tang thương cả. Vì hoa nở ven sông, dọc hai bên đường đi ra khúc sông cây cỏ dại cũng đẹp hơn thường ngày. Nhưng có tám người chết vì lặn xuống sông bắt cá khi đánh mìn thì người ta không ngờ tới. Đưa xong tang ma họ là mùa xuân trượt đi trong nước mắt. Đám thanh niên nhóm họp bàn cách khám phá khúc sông, họ đến huyện nhờ mượn giúp mấy cái bình khí. Dây thừng thì đã chuẩn bị đủ để đề phòng bất trắc có người kéo họ lên. Nhưng, câu chuyện của chị Hòa...

Đó là khúc sông có sức hút của nước cực mạnh. Từ trước bà Hạ người ta còn bị biến mất xác khi qua khúc sông này. Chị cũng thường qua lại đó nhưng hết sức cẩn thận mà vẫn bị nước cuốn. Bốn mùa ở khúc sông đều có khói sóng, có lẽ cái mập mờ đó khiến người qua lại khó xác định được lạch sông. Chị nghe ba chị kể trước 1975, có một con thuyền biến mất ở khúc sông này nhưng sau người ta phát hiện nó chơi vơi trong cái động nước ở tỉnh khác. Chuyện hiểm ở khúc sông nhiều, người ta đổ lên đầu bà Hạ. Chị là đàn bà, nói mấy cụ bổ vào mặt. Nói thật chị không thích ông Thống, nhìn mặt lão gian gian thèm người hơn thèm của. Câu này mấy đứa đừng nói lại, chị từng bị làng kiểm điểm và chồng chị đánh chị đến thâm tím mặt mày. Cả thằng Huấn nữa, chị biết chuyện về em không ít hơn chú Thiện. Nhưng sau này hãy nói, chuyện khám phá khúc sông, chị tham gia nữa. Nhưng phải biết dựa vào chú Thiện, chú kìm được ông Thống. Việc cần đấy nhưng cái cần hơn là mạng người, phải hết sức cẩn trọng không họ lại đổ cho mẹ mấy đứa...

Sang đầu hè, khi con nước đã có phần vơi đi. Đám thanh niên làng đến khúc sông. Nhìn Huấn bước xuống sông ông Thống khóc tù mù, tiếp Huấn có chị Hòa, anh Chương, Thuần và Đảm. Bên trên bờ làng lập đàn cúng tế cầu an. Hơn một giờ trôi đi trong lặng lẽ nhưng không thấy ai ngoi lên khỏi mặt nước, người làng bảo đám thanh niên kéo dây. Họ khóc òa lên khi thấy mấy đoạn dây thừng chỏng chơ không một người nào còn mắc lại. Người làng kéo nhau đi vòng sang bên sông đập nát khu đền thờ bà Hạ. Ông Thống ngất lịm đi mấy hồi rồi nhìn vào mặt lão Thiện. Ông thừa biết... trời ơi ông Thiện, ông đã giết đứa con trai duy nhất của tôi rồi. Huấn ơi!

Và bà Hường vợ ông đứng yên xem cuộc đời mình vừa rụng xuống đất.

Và cả làng im lặng nhưng câu chuyện về cô Sâm vỡ tung, có lẽ đến cùng cái lời nguyền trinh tiết đưa cô về với thủy thần. Đám thanh niên trần truồng định lao xuống tìm kiếm thì ông Thiện ngăn lại. Cần phải chờ đợi dù hiện thời như một con số không. Không biết sao nhưng ông Thiện lại tin vào người đàn bà đó - chị Hòa. Chị ta đã bao lần sụt chân ở lạch sông nhưng đều thoát nguy được nhờ sự bình tĩnh và khôn khéo. Trong đám đó có chị thì mấy đứa có cơ hội sống lắm chớ. Nghe ông Thiện nói, mấy người cũng tin, mấy người nữa dại gì không tin trong những lúc nguy khốn như thế này. Nhưng cái ngày đó lặng lẽ trôi qua khiến con tim bao người rã nát. Họ lặng lẽ ra về, trên con đường không hề gần lại lặng im để mãi xa ngút ngàn. Ai cũng thắp lên bàn thờ tổ tiên bó nhang nhờ bên kia cứu rỗi. Có mấy sợi tóc của đám trẻ bạc đi còn sợi tóc bạc của người già thì rụng xuống. Tiếng khóc ngập trong lối đi của làng khi đến mấy hôm sau không tìm được cái xác nào trên sông. Nhưng đó lại là niềm hy vọng, ông Thiện lại gieo rắc vào lòng họ thêm niềm hy vọng khác. Đến mươi hôm thì tiếng khóc cũng không còn khi trên đầu mỗi người đội khăn trắng xóa. Đám tang được tổ chức cho mấy người mất tích ở khúc sông. Người ta nhìn mấy tấm hình mà đôi mắt buồn trĩu. Họ đưa vọng những linh hồn ra nghĩa trang thì chiếc xe chạy ngang cắt đường buộc đoàn phải dừng lại. Ông Thống bước đến chiếc xe định quát thì chị Hòa trên xe bước xuống, ông Thống sụp gối trước chị và hoảng hốt la ú ớ nhưng không thành lời. Đám người tá hỏa chạy thì chị gọi họ. Tôi đây mà, không phải là ma đâu... và Huấn bước xuống cùng với Chương, Đảm và Thuần. Cả làng siết họ đến ngạt thở trong những giọt nước mắt ấm. Họ cùng nhau ngồi xuống đường và hối hả buộc Chương kể chuyện.

Chương nói, chuyện dài lắm! Bên dưới là một lạch sông nguy hiểm với sức hút chết người. Nhờ chị Hòa mà mọi người trở về được đấy. Nói đến đó Chương khóc... có điều mẹ tôi không phải là ma rà hại người dân...

Mọi người lặng im một lúc rồi quay sang đòi chị Hòa kể chuyện. Chị cười, ờ chuyện dài. Chúng tôi đã được gặp con thuyền trước năm 1975 bị cuốn mất. Thôi, về nhà chú Chương cái đã, tôi muốn thắp cho bà Hạ một nén nhang.

Trên bàn thờ, bà Hạ vẫn nở nụ cười trong tấm chân dung không tuổi. Ở ngực áo bà vẫn lấp lánh những huân, huy chương. Nhưng nhìn mắt bà buồn lắm! Cái nhìn buồn đó không biết có từ bao giờ. Có mấy người nói, bà buồn có thời gian gần đây chứ trước tấm hình này tươi lắm! Thằng Huấn cười, buồn vui trong mắt người, cháu nghe rối quá. Huấn cũng đi thắp nhang cho bà Hạ, nó nói nó tự hào khi được làm con của ma rà. Nghe câu đó mấy người trở nên chột dạ, lòng nghe như chớm đông.

Khúc sông đó đã được xây cầu sau bao nhiêu người bị nước cuốn. Người ta bước đi trên cầu như bước qua những câu chuyện lãng đãng khói sương. Buồn có, vui có, hư có, thực có.

Lòng người như khói sương!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84245


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận