Tuổi Thơ Dữ Dội Chương 11

Chương 11
Bác sĩ Thiền chống cây gậy làm bằng thân cây lụi, cắm cúi trèo dốc từ Xê-ca Một về bệnh viện.

Ông đang có điều phải bận tâm suy nghĩ nên chốc chốc lại trượt chân, vấp vào những rễ cây, những cây giang, mây song, bò dọc bò ngang trên lối đi.

Sáng nay, em Nghi liên lạc của Trung đoàn bộ đến bệnh viện đưa thư mời ông ra Xê-ca Một gặp Ban chỉ huy trung đoàn có việc khẩn, cần trao đổi. Xem thư, ông phỏng đoán Ban chỉ huy trung đoàn lại yêu cầu ông chuẩn bị thuốc men và lực lượng cứu thương cho một trận đánh mới, như mọi bận.

Nhưng thật bất ngờ, chuyện Ban chỉ huy trung đoan cần trao đổi với ông là chuyện em Quỳnh, chú bé nhạc sĩ. Chính uỷ trung đoàn đưa cho ông xem hai bức thư của bà mẹ em Quỳnh, và hỏi ý xem nên giải quyết thế nào. Ông ngồi ngẫm nghĩ khá lâu, rồi nói:

- Chuyện tưởng đơn giản mà hoá phức tạp các đồng chí ạ…

Trước khi nói lên ý kiến của mình, bác sĩ Thiền báo cáo khá tỉ mỉ tình trạng sức khỏe và bệnh tật của Quỳnh hiện nay.

Ông cũng không quên kể lại những việc em làm và tình cảm của cả bệnh viện đối với em. Và trong thời gian gần đây, em đang mê mải, say sưa viết một vở nhạc kịch mà theo em có thể hay như vở nhạc kịch "Cây sáo thần" của Mô-da nhạc sĩ thần đồng thiên tài người Áo, cách đây gần hai thế kỷ. Mà chú ta đã viết vở nhạc kịch đó như thế nào? Trên mặt sau những tờ đơn thuốc bỏ đi, và trên những ngọn lá cây vả rừng!

- Tôi cũng không đoán chắc, - ông nói, - chú ta có thể thực hiện được ước mơ quá lớn của mình hay không… Nhưng niềm say mê và lòng quyết tâm ghê gớm của chú ta trong việc sáng tác vở nhạc kịch cách mạng, đã làm tôi và hầu như tất cả bệnh viện, phải xúc động sâu sắc. Nhiều hôm tôi bất chợt đi vào lán, bắt gặp chú ta đang nằm tùm hum trên sạp nứa, mình đắp cái bao tải đen thui như giẻ chùi chân, ghé sát mặt bên khuôn cửa sổ nhỏ xíu, cắm cúi viết nhạc lên lá cây, đôi môi nhỏ như vẫn còn thoảng mùi sữa mẹ, tái nhợt vì thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, đang mấp máy khe khẽ một âm điệu gì đó… Tôi đứng lặng người quay mặt đi, lau nước mắt… Và lúc đó tôi vụt có ý nghĩ: Chú bé chiến sĩ này chính là hiện thân của mộng tư ng và ý chí của tất cả chúng ta trong giai đoạn kháng chiến bi tráng quyết liệt hiện nay… Việc này, - Bác sĩ Thiền chỉ vào hai lá thư đặt trên bàn, - theo ý tôi phải để cho em tự quyết định, lựa chọn. Nếu em muốn rời bỏ kháng chiến, trở về với gia đình, tôi chắc các anh cũng đồng ý thôi. Có điều em ở vào một "ca" khá đặc biệt: cha em là một tên đại Việt gian mà tôi chắc đã nằm trong danh sách những tên phản quốc đáng tội xử bắn. Tuy em Quỳnh còn nhỏ thật, mới mười ba tuổi như trong thư của cha em đã nói, nhưng em lại là một chiến sĩ cứu nước tình nguyện, hơn nữa em đã có đủ trí khôn và tình cảm cách mạng để viết nên một bài hát kháng chiến mà cả chiến khu đều hát. Bởi vậy, nếu quyết định lựa chọn rời bỏ chiến khu trở về với cái gia đình tội lỗi của em, sẽ trở thành một điều xúc phạm sâu sắc đối với tình cảm của cả chiến khu. Tôi đang hỏi, liệu chú bé mười ba tuổi này có đủ bản lĩnh để chống chọi với sự cám dỗ khủng khiếp này: sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh và học hành đến lúc thành tài, chiếc đàn dương cầm nhãn hiệu Ý với giá mấy chục lượng vàng… Trong khi đó ở đây, em chỉ có bát cháo gạo loãng với mấy con tôm khô kho mặn chát, uống thứ thuốc nước ký ninh hoà nước trời, viết nhạc lên những ngọn lá vả rừng, và có nguy cơ chết đột ngột vì chứng suy tim… Đừng nói một em bé mười ba tuổi, tôi chắc nhiều chiến sĩ lớn tuổi đã từng trải, cũng phải vật lộn đau đớn trong quyết định lựa chọn…

Chính uỷ trung đoàn hỏi:

- Theo ý anh, em Quỳnh có thắng được "sự cám dỗ khủng khiếp" như anh nói không?

- Tôi tin… Tôi cứ nghĩ đến câu hát cuối cùng trong bài hát của em: "Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau… Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu…". Nhưng tôi cũng không dám hoàn toàn đoán chắc… Em đang phải đứng trước một thử thách quá lớn lao.

Anh Thanh Tùng, một cán bộ của phòng chính trị trung đoàn, cũng được mời tham dự cuộc trao đổi, phát biểu ý kiến:

- Theo tôi, chúng ta không nên mạo hiểm để cho chú bé này tự lựa chọn. Cách tốt nhất là giấu không để cho chú bé biết chuyện. Và chúng ta sẽ viết thư cho tên đại Việt gian ấy là quân đội kháng chiến sẵn sàng cho con trai của các người về với các người. Nhưng con các người đã cự tuyệt, quyết không rời bỏ kháng chiến để đi theo giặc.

- Tôi phản đối thủ đoạn và dối trá, - bác sĩ Thiền cắt ngang lời Thanh Tùng, - mà thủ đoạn, dối trá với ai? Với đồng đội, đồng chí của mình? Không được! Giải quyết theo cách đó thật đơn giản và thật đỡ mệt. Nhưng vô tình chúng ta đã tự làm nhơ bẩn lý tưởng cao đẹp của chúng ta. Lý tưởng đó là Sự Thật!

- Nhưng chúng ta phải đặt quyền lợi của kháng chiến lên trên hết? - Giọng Thanh tùng trở nên gay gắt. - Việc em Quỳnh từ bỏ kháng chiến sẽ có ảnh hưởng xấu, rất xấu là đằng khác, đối với một số cán bộ và chiến sĩ trong hoàn cảnh gian khổ hiện nay.

- Ngay cả nhân danh vì quyền lợi của kháng chiến đi nữa, tôi cũng không tán thành sự dối trá. - Sự dối trá giống nh cây kim bọc giẻ. Trước sau rồi người ta cũng biết. Và khi đã biết, người ta sẽ tự hỏi: Họ đã dối trá với mình từ lúc nào? Và sẽ còn dối trá đến bao giờ? Và hậu quả xấu của loại câu hỏi này sẽ khó mà lường hết được.

Chính uỷ nói:

- Tôi đồng ý với cách giải quyết của anh Thiền. Việc này chúng ta cứ để cho em Quỳnh tự do quyết định, lựa chọn.

Trung đoàn uỷ quyền cho anh giải quyết việc này. Anh cứ đưa thư của ba mẹ em cho em đọc. Sau khi biết rõ nguyện vọng của em, anh sẽ gặp người nhà em, làm công tác tư tưởng với họ, trong cả hai trường hợp: Em xin trở về với gia đình hay quyết định ở lại chiến khu.

Về đến bệnh viện, bước vào lán, bác sĩ Thiền thấy Quỳnh đang ngồi cầm thìa húp cháo. Em vừa dứt cơn sốt. Chị hộ lý ép em phải ngồi dậy ăn bát cháo nóng. Chị dỗ dành: "Cháo bữa ni ngon ghê lắm út à, có cả đậu xanh với nếp nghe. Lại có cả đường đen… Ngon chưa! Em gắng ăn nhiều vô, cho mau lành bệnh rồi còn đàn hát cho các anh các chị nghe. Cả bệnh viện tuần ni không có em đàn hát, cứ buồn thỉu buồn thiu.

Quỳnh múc từng muỗng cháo húp một cách lơ đãng.

Hình như vừa ăn em vừa còn mải nghĩ đi đâu. Húp được vài thìa em lại đặt bát xuống, cầm cái muỗng gõ gõ lên bộ đàn chai xếp thành một hàng dài trên miếng ván mỏng, kê sát phên liếp. Em gõ lên một hợp âm, lắng nghe, rồi cau mày, lắc đầu. Em gõ tiếp những hợp âm khác, lại cau mày lắc đầu. Khi đã tìm được một hợp âm vừa ý, em cúi xuống ghi những nốt nhạc lên mặt sau tờ đơn thuốc bỏ đi.

Như mọi bận, bác sĩ Thiền dựa vai vào cột tre bương khung cừa ra vào, lặng lẽ ngắm Quỳnh mải mê sáng tác. Lòng ông rưng rưng cảm động. Ông bất chợt nhớ đến một câu nói của chính Mô-da, người nghệ sĩ thiên tài của các thế kỷ, mà chú bé bệnh nhân của ông đang quyết định đua tài: "Phải hành động cho đến khi không còn một phương tiện nào nữa mới thôi".

Chú bé chiến sĩ của chiến khu Hoà Mỹ đang ngồi kia, đã hành động ngay cả khi không còn một phương tiện nào nữa? Chú đã quyết định viết vở nhạc kịch lớn đầu tiên của đời mình với những cái vỏ chai, với những tờ đơn thuốc bỏ đi, với những ngọn lá vả rừng… ông vụt liên tưởng đến chiếc đàn dương cầm nhãn hiệu Ý, chiếc ghế tròn đệm bọc nhung đỏ thắm ngồi chơi đàn, gian phòng rộng thênh thang, các cửa sổ buông rèm thêu đăng ten lọc ánh sáng. Trên những chiếc đôn sứ kê rải rác quanh buồng là những chậu hoa hồng, hoa cẩm chướng thơm ngát. Bên ngoài cửa sổ một khu vườn lảnh lót tiếng chim với những lối đi dạo rải sỏi trắng tinh. Xa xa là dốc núi thoai thoải xanh rợp bóng cây tùng, cây dẻ gai. Một mảnh hồ xanh biếc trôi bồng bềnh những áng mây của bầu trời Thuỵ Sĩ thanh bình… Tim ông tự nhiên đau nhói với ý nghĩ: "Chú bé này sắp phải quyết định lựa chọn chiếc đàn dương cầm hay những cái vỏ chai đựng thuốc, những chậu hoa hồng, hoa cẩm chướng kê trên đôn sứ hay cái bao tải rách lúc nhúc rận, mảnh hồ xanh biếc, những áng mây và bầu trời Thuỵ Sĩ thanh bình hay bát cháo gạo luễnh loãng với cục đường đen… và cứu cánh độc nhất của chú trong cuộc lựa chọn bi thiết này là "Lý tưởng cứu nước".

Quỳnh chợt ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn đăm đăm của bác sĩ bệnh viện trưởng. Em mỉm cười bối rối nói giọng người có lỗi:

- Dạ, nhất định bữa ni em sẽ ăn hết chén cháo… Cháo chị Liên nấu ngon ghê. Có cả nếp, cả đậu xanh với cục đường đen…

- Nhưng sao đang ăn em lại bỏ dở? - Bác sĩ Thiền làm bộ mặt nghiêm hỏi.

- Dạ… đang ăn em chợt nghĩ được một nét nhạc rất đẹp cho phần mở đầu chương hai vở nhạc kịch. Không ghi ngay em sợ quên mất… Anh nghe thử hý… Em cầm cái muỗng gõ lên bộ đàn chai, tấu cái giai điệu rất đẹp mà em vừa chợt nghĩ ra:

- Có được không anh?

Bác sĩ Thiền ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên trán em, nói:

- Tuyệt lắm!

- Anh thấy tuyệt thật à?

Bác sĩ vẫn không rời bàn tay khỏi vầng trán dâm dấp mồ hôi của em với ánh mắt đầy lo ngại. Ông gật đầu…

- Cởi chi em đỡ sốt, cái chân bớt đau nhức thì em đã viết xong phần đầu của chương hai rồi… Em viết và em mơ đến lúc hoàn thành, sẽ được trình diễn trên sân khấu Văn hoá đại chúng, khán giả là cả trung đoàn…

Bác sĩ Thiền âu yếm nói:

- Anh cho là vở nhạc kịch của em phải được trình diễn ở Huế, trên sân khấu lớn, sân khấu nhà Ăc-cơi chẳng hạn.

- Nếu trình diễn ở Huế, em sẽ viết một vở mới đồ sộ hơn.

- Em đã có ý rồi… mà đến ngày đó chắc còn lâu anh hè?

- Anh cho không lâu lắm đâu. Nhưng cũng có đủ thời gian cho em hoàn thành vở nhạc kịch mới đồ sộ như em mơ ước…

Rồi làm như vừa chợt nhớ ra, ông nói:

- À có thư của ba mạ em gửi lên cho em đây này. - ông móc túi áo lấy hai lá thư đưa cho em.

Quỳnh đọc xong hai lá thư, ngồi im lặng rất lâu. Rồi nghĩ thế nào em lại cắm cúi đọc lại lá thư của ba em lần nữa.

Gương mặt thơ ngây của em vụt đanh lại, già đi có đến hàng chục tuổi. Đôi môi nhợt nhạt mím chặt như đang cố nuốt một tiếng nấc nghẹn, một lời báng bổ. Em nhấc cái bao tải kê trên đầu gối để làm bàn viết, đặt sang một bên. Em nói mà không nhìn ông, mặt ngoảnh ra phía rừng như muốn giấu những giọt lệ cay đắng rưng rưng trong khóe mắt.

Phó tổng trấn Trung kỳ! Đã rứa mà không biết xấu hổ lại còn viết ra như khoe? Ba tưởng Trung doàn trưởng Vệ Quốc Đoàn cũng như mấy người tổng đốc tuần phủ ngày xưa, mà gửi đồ lên lo lót cho con… Chao, ba không biết chi hết, không biết chi hết - Em thảng thốt kêu lên, giọng vang to một âm hưởng đau đớn bị nghẹt giữa đôi môi mím chặt. Những giọt lệ to, trong suốt lăn dài trên hai gò má xanh lét của em. Em vội vàng đưa nắm tay nhỏ lên quệt nước mắt.

- Về việc ba mạ em xin cho em trở về với gia đình em nghĩ thế nào? Em có muốn về hay không? Ban chỉ huy Trung đoàn có ý kiến việc này để cho em toàn quyền lựa chọn. Nếu em muốn về, trung đoàn sẵn sàng bố trí để em về theo luôn với hai chị người nhà của em.

- Hai chị nớ lên chiến khu đã lâu chưa anh? Chừ họ đang ở mô?

Họ mới lên trưa hôm qua. Họ đang ở lại ngoài Tiền chiến khu, chỗ lán của đội em. Họ cứ năn nỉ đòi được vô gặp em…

- Anh cứ để họ ngoài đó, em ra gặp cũng được. Đừng cho họ vô đây Ai biết được chừ bụng dạ họ ra răng?

Bác sĩ Thiền đăm đăm nhìn em, lòng thắc mắc tự hỏi: "Cái giọng từng trải đó chú bé này đã học ai? Và học từ bao giờ vậy?" ông không tự trả lời được. Có lẽ là bản chất chiến sĩ và nghệ sĩ đã dắt dẫn em.

Quỳnh tụt xuống sạp nằm, nói với ông:

- Anh cho phép em ra ngoài đó gặp họ hí?

- Nhưng em yếu rứa đi ra ngoài đó một mình răng nổi?

- Em chống nạng, em đi thủng thẳng rồi cũng đến nơi…

Anh So xạ thủ súng cối hôm đó vô bệnh viện để chích cái nhọt đồng đanh mọc ở chỗ hiểm, biết chuyện, liền xăng xái nói:

- Chừ anh cũng ra ngoài đó, để anh cõng chú mình ra luôn.

Anh cười hề hề, miệng nở rộng, phô những chiếc răng bàn cuốc vàng khè nhựa thuốc lá, quay sang nói với bác sĩ Thiền:

- Cái số tui ri mà cũng sướng gớm lắm bác sĩ ạ. Từ ngày vô Vệ Quốc Đoàn, tui toàn được làm bạn với mấy thằng con nít ạ đời. Một thằng thì chạy rong khắp thành phố, trèo tuốt lên tất cả những ngọn cây cao chót vót tìm thuốc hen suyễn kinh niên cho mạ. Chừ lại thêm một thằng không chịu về nhà ăn nem công chả phượng mà đòi ở lại chiến khu ăn sắn, môn thục với rau tàu bay.

- Nhưng làm răng mà anh biết là em Quỳnh sẽ ở lại chiến khu?

- Răng lại không biết! Ngó cái mặt hắn là tui biết ngay. Mặt Vệ Quốc Quân có sạn có sỏi trong đầu!

- Nhưng em sợ anh cõng nặng, mà anh đang đau… - Quỳnh vịn theo sạp nứa tập tễnh bước và nói.

- Xì chú mi đừng có làm trạng. Sợ anh nặng? Thứ như chú mi, anh chỉ xách một tay, lia một cái cũng bay thấu qua bên tê sông Ô Lâu…

Anh So vấn điếu thuốc lá ngọn to bằng ngón tay cái, châm lửa rít mấy hơi liền, rồi cúi xuống cõng phốc Quỳnh lên lưng, hai tay vòng ra sau lưng, bưng đỡ cặp mông con nít lục cục những xương của em. Anh nhăn mặt kêu:

- Ui chao? Hắn nặng mới đã gớm! Hơn cả con gà con mới nở?

Cùng ra Tiền chiến khu bữa đó với Quỳnh, có bác sĩ Thiền, mấy anh chị y tá, hộ lý mang theo xi lanh và thuốc tiêm cấp cứu, cùng với mấy chiến sĩ bệnh nhân được ra viện.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t73567-tuoi-tho-du-doi-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận