Vũ Điểm Cô Thiên Chương 64. Đạo Nhân Say Trà Quý

Chương 64. Đạo Nhân Say Trà Quý
Hòa Thượng Say Nét Ngài

Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt vội liếc nhìn nhau dè chừng. Văn Viễn chắp tay cung kính hỏi lão đạo:

- Không biết phải xưng hô với tiền bối như thế nào?

Lão đạo thong thả đặt tay lên mặt bàn. Tức thì có tia chớp sáng lóa lóe lên rồi tắt lịm. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt nhìn kỹ thì cả kinh. Ba chiếc tách dùng để uống trà đã bị cắt làm đôi đều đặn như được đo trước. Lão đạo ung dung đáp:

- Bần đạo pháp hiệu Hữu Hạnh, được bằng hữu giang hồ kính trọng thêm vào hai chữ Chân Nhân!

Văn Viễn sửng sốt:

- Tiền bối là Hữu Hạnh Chân Nhân đó ư?

Văn Viễn đã từng nghe Sa tiểu thư luận về cao thủ dùng kiếm thành danh đương thời. Nàng tán tụng kiếm pháp Hữu Hạnh Chân Nhân cao thâm khôn cùng là kẻ duy nhất khả dĩ cầm cự nổi với Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ. Lão đạo vừa rồi xuất một chiêu thị uy kiếm pháp nhanh hơn gió thổi. Văn Viễn bất giác hỏi thầm trong bụng:

- Ta với lão đạo này không thù không oán, lão đạo cần gì phải ra tay thị uy?

Ông nghĩ chưa xong thì Hữu Hạnh Chân Nhân đã lên tiếng:

- Bạch công tử, ta đang muốn tìm ngài không ngờ lại gặp nơi đây! Thật sự vô cùng hữu duyên!

Văn Viễn chột dạ, e dè hỏi:

- Không hiểu tiền bối nhọc công tìm vãn bối làm gì?

Hữu Hạnh Chân Nhân không đáp. Lão ta lại hỏi:

- Theo công tử vừa thấy, kiếm pháp của ta như thế nào?

Văn Viễn thật bụng đáp:

- Kiếm nhanh như gió, uy lực vô cùng!

Lão đạo hỏi tiếp:

- Vậy nếu ta ra tay, công tử liệu bề có địch nổi chăng?

Văn Viễn ngấm ngầm hiểu ra tự nhiên lưng đổ mồ hôi:

- Vãn bối…không sao địch nổi!

Hữu Hạnh Chân Nhân vỗ bàn một cái nói:

- Hay lắm! Ta cũng không muốn làm khó! Chỉ mong Bạch công tử theo ta đi gặp một người! Xong việc, ta chẳng dám làm phiền công tử!

Văn Viễn đã ngấm ngầm vận hàn nhiệt từ trước. Ông không đợi lão đạo nói dứt liền bất thần tung một chưởng. Lão đạo tuy bị bất ngờ vẫn kịp lộn ngược ra sau tránh né. Văn Viễn tức tốc chụp lấy Vương Y Nguyệt, đề khí nhảy vọt xuống lầu chạy đi. Vương Y Nguyệt liền nói:

- Mau mau theo hướng tây, chúng ta hòa cùng đám giang hồ dọc đường, lão đạo kia khó lòng tìm ra được!

Văn Viễn thấy có lý bèn chuyển thế cõng nàng lên lưng mà chạy. Ông chạy chừng một khắc bỗng nhiên dừng lại:

- Không đúng! Không đúng!

Vương Y Nguyệt ngơ ngác:

- Chàng dừng lại làm gì? Có gì  mà không đúng?

Văn Viễn ngoái đầu lại nhìn đằng sau một lúc rồi đáp:

- Vừa rồi ta phát chưởng không đủ để đả thương lão đạo! Lý ra lão đạo phải đuổi theo bén gót mới phải! Nhưng chạy được một khắc vẫn chẳng thấy bóng dáng lão đạo đuổi theo, nàng thấy có lạ lùng không?

Vương Y Nguyệt ngẩn người suy ngẫm:

- Phải lắm! Lý ra lão đạo theo bén gót mới phải! Mặc kệ, chúng ta cứ chạy trước rồi tính sau! Lão đạo này đã biết chàng là con của Tam Ác Thánh vẫn không ngán ngại, rõ ràng lão ta có ý không tốt! Chúng ta thoát thân rồi hãy tính!

Văn Viễn ngẫm trước mắt cứ theo lời của Vương Y Nguyệt là phương cách tốt nhất. Ông quay người lại chạy theo hướng tây thêm một khắc đã ra khỏi trấn Vận Hà. Cả hai nhác thấy phía trước nhộn nhịp tiếng chân người thì mừng rỡ. Văn Viễn toan tăng cước lực đuổi theo hòng nhập bọn. Chẳng ngờ có tiếng người cười khề khà:

- Khinh công khá lắm! Tiếc rằng vẫn chậm hơn lão đạo!

Hữu Hạnh Chân Nhân đã ngồi bên đường ung dung uống trà chờ đợi. Lão đuổi theo Văn Viễn không quên mang theo bộ trà trong quá trọ để thưởng thức cho hết ấm Thập Hoa Phần còn đang uống dang dỡ. Văn Viễn lúc nhận ra lão đạo thì hồn vía hết bảy phần đã lên mây. Ông chẳng dám tự hào khinh công Du Ảnh Biến của bản thân đã lên hàng nhất nhì trong thiên hạ nhưng vẫn không tin trên đời này còn có kẻ khinh công xuất thần đến vậy. Văn Viễn liếc nhìn ấm trà đã nằm lăn lóc một bên cạn khô đáy ngầm đoán lão đạo đã đợi ở đây ít nhất một canh giờ. Văn Viễn định cõng Vương Y Nguyệt quay người chạy nơi khác thì bốn bên nổi lên kiếm khí man mát. Hóa ra lão đạo giấu trong tay áo một thanh kiếm liễu màu bạc. Lão đạo chỉ đưa nhẹ tay đã phóng liền năm sáu đường kiếm giam hãm Văn Viễn:

- Ta không hề muốn làm khó, chỉ cần Bạch công tử đi gặp một người bạn của ta là xong việc!

Văn Viễn không thể chạy trốn khỏi kiếm ảnh đành bạo gan đáp lại:

- Có phải tiền bối đưa ta đi gặp đại tiểu thư hay không? Tiền bối ép ta vào chổ chết sao còn nói không làm khó ta?

Trước lúc xuôi tay, Lãng Ông đã căn dặn Văn Viễn việc các cao thủ si mê đại tiểu thư sẽ tìm ông để băm vằm hòng chiều lòng người đẹp. Văn Viễn với Hữu Hạnh Chân Nhân vốn chưa từng quen biết làm sao kết oán kết thù. Văn Viễn nghe lão đạo một hai đòi ép dẫn đi gặp một người bạn nên đoán chừng chính là đại tiểu thư. Văn Viễn cũng đã phòng trước nên không hề ngạc nhiên. Nhưng Hữu Hạnh Chân Nhân chí ít tuổi tác cũng đã bảy mươi, có nghĩ đến nát nước Văn Viễn vẫn lần không ra được lão đạo lại si mê đại tiểu thư chỉ đáng hàng cháu chắt. Tuy nhiên, Lãng Ông cùng Độc Ông tuổi tác đã ngoài năm mươi còn si tình đại tiểu thư vô kể, thêm Cố Thiên Lượng bày đủ trò hòng đổi nụ cười giai nhân, thành thử Hữu Hạnh Chân Nhân có si tình cũng không lấy gì làm lạ. Văn Viễn nghĩ đến đây không khỏi thắc mắc:

- Mấy lão này tính ra đều vào hàng trưởng bối của đại tiểu thư! Cả bọn làm cách nào gặp gỡ đại tiểu thư mà si mê nàng ấy đến vậy?

Văn Viễn bất giác thở dài ngao ngán:

- Chẳng phải bản thân ta cũng đã si tình nàng ấy đến điên đảo thần hồn không phân rõ đúng sai là gì?

Văn Viễn hồi tưởng lại mấy lần trước đây kề cận đại tiểu thư trong bộ dạng bà bà thần tiên liền chạnh lòng chua xót khôn tả. Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn bỗng nhiên đứng trầm ngâm ngỡ rằng ông đang tính phương kế bèn tìm cách kéo dài thời gian. Nàng liền mai mỉa lão đạo:

- Chẳng ngờ kẻ tu hành lâu năm cũng không thoát được lưới tình! Thiên hạ thật lắm người khéo biết cách tu đạo!

Hữu Hạnh Chân Nhân cười khà khà đáp:

- Nữ thí chủ chớ quy kết bừa bãi! Bần đạo từ lúc mười tuổi nhập đạo gia đến nay chưa hề để nữ sắc vào trong dạ, nói chi đến luyến ái hồng trần!

Lão đạo nói thản nhiên cử chỉ không chút gì trí trá. Điều này càng khiến Văn Viễn và Vương Y Nguyệt thêm ngạc nhiên. Cả hai đoán già đoán non chắc mẩm Hữu Hạnh Chân Nhân vì mê mẩn đại tiểu thư mới toan bắt lấy Văn Viễn, hóa ra bên trong còn có ẩn khuất khác. Văn Viễn hỏi:

- Nếu tiền bối không như các tiền bối khác si tình đại tiểu thư thì hà cớ gì làm khó vãn bối?

Hữu Hạnh Chân Nhân lưỡng lự một lúc rồi đáp:

- Bạch công tử cũng là kẻ sành trà tính ra là phường đồng đạo với lão nên lão không giấu! Ta bắt công tử cũng chỉ vì một chén trà Thập Hoa Phần mà thôi! Khắp thiên hạ này chỉ duy nhất đại tiểu thư biết cách pha Thập Hoa Phần đúng cách! Cả đời ta say mê nhất chính là trà Thập Hoa Phần! Ta sống bảy mươi năm lay lắc cốt ao ước được uống một chén trà được pha đúng cách! Dầu chết xuống bị đày ải vào địa ngục cũng không có gì đáng tiếc! Bạch công tử lúc ở quán trọ đã nói Trà Tiên Lê Khắc Đáng cuối đời có được cái diễm phúc chết dưới gốc trà núi độc đáo nọ, tỏ ra vô cùng tâm đắc! Lão đạo đây cũng chỉ ao ước được uống một chén Thập Hoa Phần pha đúng cách rồi chết cũng mãn nguyện không kém gì Trà Tiên!

Văn Viễn nghe lão đạo nói vậy chẳng biết phải đối đáp như thế nào. Nếu ông lọt vào tay đại tiểu thư nhất định sẽ bị giết chết để bịt miệng, nhưng hiện thời khó lòng trốn khỏi Hữu Hạnh Chân Nhân được, Văn Viễn cắn môi cắn lợi suy tính không ra được lối thoát cấp bách. Vương Y Nguyệt vốn có lòng xem thường lão đạo si mê trà quá đỗi, giờ còn nghe chỉ vì một chén Thập Hoa Phần mà nguy hại đến người khác càng thêm tức khí. Nàng mai mỉa:

- Kẻ tu hành lấy hiếu sanh là gốc mà dung dưỡng, đạo nhân sao lại đi ngược lối ấy ép người vào chổ chết? Ta xem lão cũng chỉ là miệng kinh kệ bụng bồ dao mà thôi!

Hữu Hạnh Chân Nhân thở dài. Lão giơ cao bàn tay phải lên. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt ngó thấy đồng thanh la ngạc nhiên:

- Tay lão…tay lão…!

Căn bản từ lúc gặp ở quán trọ, lão đạo chỉ để lộ bàn tay phải ra ngoài, tay trái của lão vẫn chăm chăm giấu trong tay áo. Lúc này lão giơ cao, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt mới thấy bàn tay trái của lão đã bị cụt mấy cả năm ngón. Cả hai liền nói thầm trong bụng:

- Bản lãnh lão ghê ghớm đến vậy vẫn còn bị kẻ khác chém cụt ngón tay ư? Hay là lão bị khuyết tật bẩm sinh?

Hai người đồng loạt cả quyết thiên hạ khó có kẻ nào đả thương được Hữu Hạnh Chân Nhân, nhất định lão bị khuyết tật bẩm sinh. Chẳng ngờ, lão đạo lại nói:

- Chính bần đạo đã tự chặt tay của mình!

Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt không khỏi ngơ ngác:

- Lão…lão vì sao lại tự chặt tay của mình?

Hữu Hạnh Chân Nhân trầm ngâm như hồi tưởng mà đáp:

- Lão mười tuổi đã đầu vào trướng Ưu Mục Chân Nhân làm môn đồ! Chân Nhân nói lão chỉ là đứa trẻ mười tuổi chưa thể học được kiếm thuật nên chỉ sai phục vụ các việc vặt! Chân Nhân khi đó mê nhất là uống trà! Lão ngày bốn bận nấu nước pha trà dần dà học cách chế sau lại được nghe Chân Nhân giảng giải thuật và thú uống trà, chẳng biết đã nhập tâm từ lúc nào! Đến năm lão mười hai tuổi, kiếm thuật thì chưa biết một thức một chiêu nhưng về trà đã có thể ngang hàng đối đáp với Chân Nhân! Than ôi, cái tâm si của lão có lẻ bắt nguồn từ đấy!

Hữu Hạnh Chân Nhân kể tiếp:

- Sinh thời ân sư luôn ca tụng Thập Hoa Phần là cực phẩm về trà! Bần đạo lúc hai mươi tuổi được cùng ân sư hạ sơn một chuyến! Chuyến đi đó để tìm gặp người duy nhất có thể pha được trà Thập Hoa Phần! Hai thầy trò háo hức đi suốt năm năm ngược xuôi nam bắc vẫn công cốc! Người kia hành tung thoắt ẩn thoắt hiện chẳng thể tìm được! Cuối cùng bần đạo cùng ân sư đành chán nản quay về! Ân sư đã ở trong biệt viện mà khóc ròng rã hơn tháng, khí lực đều suy giảm! Ân sư vì chuyện này mà bi khổ đến bỏ cả ăn uống rồi viên tịch! Bần đạo từ đó càng thêm háo hức được uống một chén Thập Hoa Phần pha đúng cách! Tuy sau này bần đạo tìm được người kia nhưng bản lãnh không bằng nên không thể ép uổng được! 

Hữu Hạnh Chân Nhân bất giác thét lớn một tiếng như để hạ hết bi phẫn. Lão đạo miệng thét, tay trái không ngừng sang trái qua phải nhanh như chớp. Văn Viễn cùng Vương y Nguyệt chỉ thấy các đạo quang liên tục xuất hiện. Đạo quang sáng lóa như chớp giật, cả hai kinh hãi đành nhắm chặt mắt tim tưởng chừng ngừng đập. Hai người chỉ sợ lão đạo lỡ tay một chút thì không biết sự thể sẽ đến thế nào. Chừng không còn nghe kiếm khí rít u u trong gió, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt mới dám mở mắt ra nhìn. Hóa ra, Hữu Hạnh Chân Nhân phát lộ kiếm chiêu rạch lên chu vi đất đá xung quanh hai người mấy mươi đường ngang dọc thành hình một bát quái. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt rúng động thần trí sợ hãi nhưng vẫn phải buột miệng khen:

- Kiếm pháp thật kỳ diệu!

Hữu Hạnh Chân Nhân thở dài đáp:

- Kiếm pháp kỳ diệu thì có ích gì? Bần đạo vì muốn thắng người đó để ép y phải pha một ấm Thập Hoa Phần đúng cách nên bỏ mười năm ròng nghiên cứu kiếm pháp! May mắn trong phút nhập định vô tình sáng tạo được Xung Tinh Kiếm Pháp! Bần đạo mừng rỡ vô cùng! Sau khi luyện tập thành thục liền xách kiếm xuống núi đến thẳng Mai Hoa Trang!

Văn Viễn ngạc nhiên nhủ thầm:

- Sao lại đến Mai Hoa Trang? Lẽ nào kẻ biết pha trà Thập Hoa Phần nằm trong các vị tiểu thư Mai Hoa Trang hay sao?

Vương Y Nguyệt đoán được khúc mắc trong lòng của Văn Viễn bèn nhón chân kề miệng ngọc sát tai ông mà thì thầm:

- Theo lời lão đạo này kể thì khi lão thành thục kiếm pháp tuổi đời vừa quá ba mươi! Khi đó các nàng tiểu thư chung tình với chàng còn chưa thấy được mặt trời!

Nàng nhấn mạnh cụm các nàng tiểu thư chung tình đầy hằn học ghen tức. Văn Viễn sợ nàng tự nhiên bày trò òa khóc bất tử thì chẳng biết làm sao nên ngoan ngoãn cúi đầu nói liên tục:

- Tiểu thư nói phải lắm, phải lắm!

Hữu Hạnh Chân Nhân không để ý đến hành động của Vương Y Nguyệt, lão đạo thở dài nảo nề kể tiếp:

- Ta gặp được tỷ phu của người đó trước! Tên tỷ phu nghe ta đến tìm y thì tự nhiên nổi cơn tức giận như thể ghen tuông mà ra tay với ta! Tên tỷ phu đó không phải đối thủ của ta! Hắn cầm cự chỉ được một trăm chiêu đã bại trận! Ta hăm hở xông vào Mai Hoa Trang may mắn gặp người đó! Ta đấu với y một ngày một đêm bất phân thắng bại! Ta…ta thật hận chỉ muốn bẻ kiếm đập đầu vào gốc mai mà chết! Công phu Loạn Tiếu Mệnh của y quá quỷ quái! Y bị trúng mười hai kiếm của ta vẫn dùng tiếng cười điên loạn đó mà cầm chân! Ta không thể tiến công được, rốt cuộc lại hòa!

Văn Viễn nghe đến đây thì hiểu người mà lão đạo đang nói đến là Hắc Quan Âm Mai Chiêu Anh. Ông liền ngơ ngác:

- Nói vậy tỷ phu kia nhất định là lão trang chủ của Mai Hoa Trang sau này là U Minh Cung Chủ! Nhưng cớ gì có người tìm em vợ mà lão lại nổi giận ghen tuông? Lẽ nào lão ta vốn có tình ý với Hắc Quan Âm từ lâu rồi ư?

Hữu Hạnh Chân Nhân ca thán chán chê rồi tiếp lời:

- Chẳng ngờ sau này ta phát hiện ra cô cháu gái lớn của y cũng biết pha chế Thập Hoa Phần! Ta tức tốc đến Mai Hoa Trang để tìm! Dè đâu xung quanh trang viện tự nhiên hóa thành một rừng mai toàn trận đồ chẳng thể thâm nhập được! Ta bèn nấp bên ngoài chờ đợi, rốt cuộc cũng đợi được đứa cháu gái lớn của y ra mặt! Cô bé đó tuy được chân truyền của y nhưng bản lãnh chưa tới nơi chốn! Ta mặt dày bỏ qua đạo lễ trưởng bối hậu bối mà ra tay, xem như đã thủ thắng! Ta hể hả phen này có thể ép cô bé phải nói ra bí quyết pha trà, bỗng nhiên từ đâu xuất hiện ra tên hòa thượng trời đánh thánh vật! Tên trọc đó đã xông vào ra tay ngăn cản khiến cô bé kia chạy mất! Ta nổi điên chỉ muốn giết tên trọc cho bỏ tức! Tên trọc đó tính ra bản lãnh dùng đao cũng ghê gớm! Ta với hắn đấu suốt một ngày chiết hơn hai ngàn chiêu đều là tám lạng nửa cân bất phân thắng bại! Tên trọc chết tiệt, tên trọc trời đánh!

Hữu Hạnh Chân Nhân nhắc lại chuyện cũ dường như vẫn còn ấm ức nên không tiếc lời thóa mạ rân trời. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt chẳng ngờ lão đạo phong tiên cốt thánh nhưng tức giận lại đem từ ngữ đầu đường xó chợ ra rủa xả, tự nhiên cùng cười thầm trong bụng. Thì ra, đại tiểu thư được Hắc Quan Âm truyền lại tuyệt kỹ pha Thập Hoa Phần. Hữu Hạnh Chân Nhân lại mê trà còn hơn mạng. Đại tiểu thư theo đó đặt điều kiện nên lão đạo mới bắt Văn Viễn hòng thỏa được ao ước uống một chén Thập Hoa Phần pha đúng cách.

Hữu Hạnh Chân Nhân đang đà mắng chửi chưa hả thì có tiếng trầm ấm vang lên:

- Lão đạo có phải đang nhắc tên trọc đầu đó là ta?

Bên trái đường liền có một người mặc tăng bào cũ kỹ bước ra. Hòa thượng tướng tá cao lớn khuôn mặt vô cùng dữ tợn nhưng đôi mắt lại phát ra ánh nhìn từ bi chẳng khác gì đức Phật hiển thế. Văn Viễn tức thì nhận ra ngay:

- Là…là Nhất Đăng Đại Sư ư?

Lúc mới vào giang nam, sau khi thoát khỏi phen hung hiểm ở miếu thổ thần để vào trấn Ngô Phong, Văn Viễn đã gặp được đại sư Nhất Đăng trên đường đi. Suốt mười mấy dặm, ông cùng nhà sư đàm đạo phật học quyến luyến vô cùng. Có đánh chết Văn Viễn cũng chẳng ngờ, đại sư rốt cuộc cũng nằm trong số những kẻ lụy tình đại tiểu thư.

Đại sư Nhất Đăng tiến đến vái chào Văn Viễn:

- Lần gặp ở ngoại thành trấn Ngô Phong tự nghĩ là hữu duyên! Lão nạp phen này vứt bỏ hết chân tu nam hạ một phen để tạo nghiệt, không ngờ phải tạo nghiệt với thí chủ! Thật đáng tiếc quá!

Nhà sư nói chậm rãi nhưng Văn Viễn tự nhiên dựng hết tóc gáy. Hiển nhiên, tạo nghiệt mà nhà sư nói ở đây chính là lấy mạng Văn Viễn để chìu lòng đại tiểu thư. Văn Viễn từ lúc gặp Hữu Hạnh Chân Nhân đã tự biết bản thân không sao địch lại nổi quá mười chiêu. Nhà sư Nhất Đăng lại đấu ngang ngửa với lão đạo rõ ràng bản lãnh còn cao hơn Văn Viễn mấy bậc. Ông than thầm trong bụng:

- Ta…ta phen này khó sống thật rồi! Một lão vì mê trà sẵn sàng vứt bỏ đạo hạnh, một lão vì đắm đuối mỹ nhân chấp nhận vứt lòng tư bi để tạo nghiệt! Ta lọt vào tay lão nào cũng coi như tận mạng!

Văn Viễn liền hướng về cả nhà sư lẫn lão đạo vái lạy rồi nói:

- Chung quy hai tiền bối chỉ nhắm vào tại hạ! Xin hai vị mở lòng từ bi đừng động đến vị tiểu thư này! Tại hạ sẽ ngoan ngoãn để hai vị tùy nghi xử lý!

Văn Viễn từ lúc rời Bạch gia trang đã lường trước hung hiểm gặp phải. Mấy ngày qua, Vương Y Nguyệt kề cận ông nên vô tình bị họa lây không biết bao nhiêu lần. May là Văn Viễn trí óc lanh lẹ đều thoát được. Tuy nhiên phen này Văn Viễn tự biết khó mà xoay trở nổi. Cho nên ông chỉ mong Vương Y Nguyệt được bình an xem như đỡ áy náy trong bụng. Hiển nhiên, Văn Viễn mơ hồ đã có tình ý dây dưa với nàng thành ra càng không muốn người ngọc gặp nguy hiểm.

Vương Y Nguyệt nghe Văn Viễn nói vậy tự nhiên cũng bạo gan không còn sợ hãi. Mấy bận dù hung hiểm đến đâu, Văn Viễn đều luôn nghĩ đến nàng trước. Vương Y Nguyệt vì thế cảm kích dần sanh tình ý quyến luyến. Nàng đoán chưa gì Văn Viễn đã xin hai lão tha cho nàng nhất định mười phần là ông vô phương xoay trở. Vương Y Nguyệt bạo gan nắm chặt lấy tay Văn Viễn để thêm dũng khí. Nàng dõng dạc nói:

- Nếu lão hòa thượng muốn giết chàng thì giết luôn ta! Chàng chết thì ta cũng chẳng muốn sống làm gì?

Vương Y Nguyệt nói lời cương quyết tự nhiên thành ra dữ tợn. Nhà sư Nhất Đăng liền tròn mắt nhìn nàng không chớp. Vương Y Nguyệt hóa thẹn, vội chữa:

- Có…có gì mà nhìn! Hòa thượng như lão còn si tình lẽ nào…lẽ nào cấm người ta không được…không được si tình hay sao?

Nàng nói xong thẹn đến líu lưỡi liền giấu mặt sau lưng Văn Viễn chẳng dám ngó nhìn ai.

Hữu Hạnh Chân Nhân vuốt râu cười hà hà:

- Thì ra đã sớm nguyện bạc đầu! Lão trọc, nếu ngươi giết vị công tử này sẽ thành ra một đạo hai mạng! Tội nghiệt của ngươi thật lớn! Phật tổ nhất định không tha cho ngươi!

Nhà sư Nhất Đăng hừ nhạt:

- Lão có gì hơn ta mà mai mỉa! Chẳng phải lão cũng muốn giết công tử đây là gì!

Hữu Hạnh Chân Nhân cười ngất:

- Bậy! Bậy! Bậy hết chổ nói! Ta thấy lão tự cạo trọc đầu mình nên ảnh hưởng đến trí thông minh mất rồi! Bậy bạ hết chổ nói!

Hữu Hạnh Chân Nhân cười rộ thành tiếng còn lồng thêm nội công bên trong. Nhà sư Nhất Đăng không nhịn được nhíu mày quát:

- Ta bậy chổ nào?

Hữu Hạnh Chân Nhân đáp:

- Ta không hề muốn giết vị Bạch công tử! Ta chỉ giao ước với đại tiểu thư sẽ bắt công tử về giao! Nếu công tử này chết là do đại tiểu thư ra tay chứ không phải do ta! Lão trọc ngươi nói ta giết công tử chẳng phải lời bậy bạ như chó càn cắn lung tung là gì!

Hữu Hạnh Chân Nhân được dịp hả giận nên châm chọc không tiếc lời.

Nhà sư Nhất Đăng vẫn thản nhiên cười nhạt:

- Ngươi bắt Bạch công tử về cho đại tiểu thư hạ sát! Ngươi cũng gián tiếp giết có hay ho gì hơn ta!

Hữu Hạnh Chân Nhân cười ồ thêm một trận:

- Ngươi đúng là chó càn hể cắn chỉ toàn bậy bạ!

Nhà sư Nhất Đăng nói:

- Ta không muốn đấu khẩu thêm với lão! Ta hôm nay nhất định phải mang công tử này đi!

Hữu Hạnh Chân Nhân đáp:

- Ta hôm nay cũng nhất định không để sổng công tử này vào tay kẻ khác!

Hai lão, một đạo một tăng, dứt lời liền đứng đối diện nhau. Văn Viễn vội kéo Vương Y Nguyệt lùi lại. Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn bất giác cười mỉm thì ngạc nhiên, hỏi nhỏ:

- Chàng sao lại cười?

Văn Viễn đáp:

- Lão đạo này bản lãnh cao cường, chúng ta khó lòng trốn thoát được! Bỗng nhiên may mắn xuất hiện thêm nhà sư! Hai bên đều tám lạng nửa cân! Bọn họ đấu nhau đến khi quyết định thắng thua tự nhiên lơi lỏng để mắt đến chúng ta! Chúng ta trốn đi âm thầm dễ biết bao!

Vương Y Nguyệt thích chí cười khúc khích:

- Chúng ta đành chịu khó ngồi xem một trận giao tranh vậy!

Lúc này, nhà sư Nhất Đăng đã rút thanh đao đeo sau lưng xuống. Nhà sư múa đao chậm rãi vài vòng như thể cho quen tay. Văn Viễn nhớ lại lần gặp mặt trước, nhà sư có nói đã mấy mươi năm không đụng đến đao, thì tự nhiên ngán ngại. Tuy nhiên, ông cũng nhớ lại lời Sa tiểu thư khi luận kiếm ở miếu quan âm thì an tâm trong bụng:

- Sa tiểu thư bảo, Hữu Hạnh Chân Nhân mấy năm dài chỉ cần mẫn tu đạo bê trễ luyện kiếm nên kiếm pháp sa sút! Theo ta, lão đạo này chẳng cần mẫn tu đạo gì hết! Nhất định lão ta tự đóng cửa mà mò mẫm phương pháp pha chế trà Thập Hoa Phần đó thôi! Một kẻ mê trà bê trễ kiếm pháp! Một người si tình sám hối dưới trướng Phật không dùng đến đao! Hai người này đấu nhau còn sợ có ai chiếm được lợi thế của ai hay sao? Ta thật khéo lo xa!

Nhà sư Nhất Đăng múa đao chậm rãi nhưng bốn bề đang lặng gió bỗng nhiên phát ra tiếng u u. Từ Bi Đao thực chất chỉ có mười chiêu, ba chiêu dâng đao, ba chiêu phát đao, ba chiêu hoành đao, kết thúc bằng một chiêu thu đao. Bộ Từ Bi Đao này ban đầu có ít nhà sư giữ tàng kinh các để mắt tới. Thứ nhất, đao là thứ sát thương cực hạng, các sư sãi đều lấy từ bi làm trọng nên không muốn dùng, thứ hai, mười chiêu Từ Bi Đao vốn dĩ là dùng để múa lễ khai đao. Không một ai biết người sáng tạo là ai và vì sao nó lại nằm trong võ học của Phật môn. Tuy nhiên vào thời Lục Tổ Huệ Năng, giang hồ xuất hiện lắm kẻ đa đoan tạo nghiệt ác, một hành giả tăng pháp hiệu Vẫn Độ vô tình ngộ được đạo lý của Từ Bi Đao. Ông ta liền xuống núi bắt đầu trảm yêu trừ ma. Từ Bi Đao vang danh từ đó. Chiêu thức uy lực nhưng không chém cùng giết tận, người đánh thấm đẫm từ bi nên không hiếu sát, kẻ bị bại càng kính nể sự độ lượng của đao pháp mà tâm phục không chút oán hận. Hành giả tăng Vẫn Độ tuy diệt ác để bảo vệ chính đạo nhưng tự ngẫm tay đã nhúng vào máu tạo ra không ít sát nghiệp, vì vậy về sau, ông ta lưu lạc đến phần đất là nước Đại Lý ngày nay để dựng một ngôi miếu nhỏ hòng sám hối. Vật đổi sao dời, họ Đoàn dựng nước lại chọn ngôi miếu của Vẫn Độ trùng tu thành Đại Lý Tự để phát dương Phật học. Từ Bi Đao vì thế thành ra võ học trấn môn của Đại Lý Tự. Nhà sư Nhất Đăng thọ phật tại đây nên thông thuộc Từ Bi Đao cũng vì lẽ ấy.

Hữu Hạnh Chân Nhân vẫn đứng ung dung nhìn nhà sư múa đao. Lão đạo buông rũ tay phải xuống đất để lộ lưỡi kiếm bằng bạc sáng loáng. Trời đang dần chính ngọ, ánh nắng át vào thân kiếm càng phát quang rực rỡ chói lóa. Bất giác, nhà sư Nhất Đăng trừng mắt dữ tợn như hổ báo đương xé xác con mồi. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt nhìn thấy không khỏi chấn động tâm cang sợ hãi đến run rẩy chân tay. Nhà sư một tay nắm chặt chuôi đao, tay còn lại xòe thành chưởng áp lên chuôi đao như tư thế vái lễ rồi chậm rãi chém tới. Đây là chiêu Dâng Hoa Lễ Phật, một trong ba chiêu dâng đao của Từ Bi Đao. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt thấy thân hình nhà sư dường như càng lúc càng to lớn như trái núi chụp xuống người Hữu Hạnh Chân Nhân. Cả hai thán phục nói:

- Nhà sư trước là phát lộ sát ý để kinh hãi đối phương sau mới phát ra sát chiêu! Đây rõ ràng là tâm ý răn đe để địch thủ thấy khó rút lui hòng tránh đổ máu! Đao pháp thật lạ lùng cao thâm!

Chiêu Dâng Hoa Lễ Phật bộ dạng đơn giản lại chậm rãi tưởng chừng khó lòng khống chế đối phương nhưng kỳ thực là tiền hung hậu kiết, hiểm trá khôn cùng. Chiêu dâng đao này chính là dùng nội lực chí cương dồn xuống lưỡi đao để chém tới, thế ngàn núi lấp sông mạnh mẽ. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt ngó thấy thân thể nhà sư càng lúc càng to lớn là vì nội lực chí cương đã tích tụ đủ lộ ra ngoài khiến bóng đao dần bao trùm chu vi phát lực. Hữu Hạnh Chân Nhân lúc đầu dẫu có dùng khinh công chạy khỏi cùng bị nhà sư đuổi theo áp đảo đến cùng, huống hồ lúc này đao pháp chỉ còn cách lão đạo chưa tới mười bước chân, có chạy cũng đã muộn màng.

Hữu Hạnh Chân Nhân điềm nhiên nói:

- Lão trọc chết tiệt! Ngày xưa vì ngươi ngăn cản làm ta không sao có được phương pháp pha chế Thập Hoa Phần! Mấy mươi năm qua ta mày mò pha chế lần nào cũng thất bại, ta hận đến nỗi tự chặt các ngón tay trái của mình! Ta vừa hận bản thân vô dụng nhưng ta cũng hận tên trọc chết toi ngươi muôn phần! Cũng may ta lại gặp được ngươi sớm! Ví như trễ thêm vài năm, chắc hẳn ta cũng tự chặt nốt các ngón tay phải chẳng thể dùng kiếm mà đấu với ngươi được!

Hóa ra chỉ vì cái tâm si trà quá độ, lão đạo đã tự chặt đi các ngón tay của mình. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt hiểu ra chỉ biết ngó nhìn nhau bồi hồi, không biết nên thương cảm hay oán trách lão đạo.

Hữu Hạnh Chân Nhân vẫn đứng thản nhiên chờ đợi. Lão đạo chờ bóng đao của nhà sư đến gần trước mặt mới nhẹ nhàng vung tay phải hướng lên. Lưỡi kiếm điểm liền mười sáu ảnh kiếm sáng chói đánh thẳng vào bóng đao. Bóng đao tựa khiên lớn đè xuống, kiếm ảnh như mười sáu mũi trường thương chống ngược trở lại. Đôi bên chỉ cần có sơ suất tất sẽ bị chiêu thức đối phương đánh trúng khó lòng xoay trở nổi. Nhà sư Nhất Đăng một đao không đè chết được lão đạo liền xoay thế chém liền hai đao liên hoàn, khí thế áp đảo hơn trước gấp bội. Hữu Hạnh Chân Nhân hoành kiếm đón đỡ, thủy chung bóng đao vẫn chẳng hạ xuống được thêm phân nào còn bị kiếm ảnh ép ngược trở lại mấy phần.

Hai bên so kè nhau gần nửa khắc tự động đồng loạt thu binh khí nhảy ngược ra sau độ mười bước chân. Chân vừa chạm đất, nhà sư lại khom người phóng vọt tới trước. Thanh đao bây giờ vẫn chỉ là thế chém xuống nhưng ẩn chứa thêm thế chém ngang và đâm tới. Đây là chiêu Tam Tọa Thiền Quang. Ba thế đao nhập thành một tùy nghi ứng biến, đối phương nếu chỉ biết đón đỡ thế chém xuống nhất định sẽ bị thế chém ngang làm nguy khốn chưa kể thế đâm tới tiềm tàng hiểm họa, nhẹ thì thọ thương té quỵ tại chổ, nặng thì lồng ngực sẽ bị lưỡi đao xuyên qua sống chết rõ ràng. Vì vậy trong Tam Tọa Thiền Quang, thế đâm tới nằm sau cùng, uy lực cũng không bằng hai thế chém xuống và chém ngang.

Đao pháp vốn do nhà sư sáng tạo nên tự bản thân đao đã mang từ tâm, những thế hung hiểm đều ít có uy lực và đều là lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng. Tam Tọa Thiền Quang phân chia uy lực riêng biệt rõ ràng. Thế chém xuống uy lực hung hãn hơn hẳn, hàm ý kẻ trúng đòn cùng lắm chỉ phải bị đánh rớt vũ khí hây thương tổn hai tay. Thế chém ngang uy lực chỉ còn phân nửa, căn bản dùng để gạt rớt vũ khí nếu đối phương chống đỡ được thế đầu tiên. Thế đâm tới uy lực chỉ bằng một phần ba hai thế trên, nguyên kẻ trúng thế này phần ngực và bụng sẽ bị tổn thương thành ra uy lực giảm để tránh phải giết chết kẻ đối địch. Tuy là vậy nhưng một khi giao đấu sống chết phàm mấy ai có thể nương tay kịp lúc. Cho nên, Từ Bi Đao không chỉ là đao pháp từ bi mà kẻ dùng cũng phải lấy tâm từ bi làm đầu. Nhà sư Nhất Đăng ra đao liền dồn hết uy lực vào thế chém xuống chỉ mong một đòn thủ thế. Dẫu vậy, nhà sư cũng phân chia uy lực cho thế hoành ngang, trong bụng cầu mong không phải dùng đến chiêu đâm tới hung hiểm.

Hữu Hạnh Chân Nhân từng đụng độ nhà sư một phen, cũng bị chính chiêu Tam Tọa Thiền Quang làm cho khốn đốn. Vì vậy, lão đạo không dám xem thường hoành kiếm vẽ ra một vòng đạo quang mờ nhạt hiện hình bát quái rồi điểm ngược trở ra. Một thế phóng kiếm chia thành ba chiêu liên hoàn đối nghịch với Tam Tọa Thiền Quang. Một chiêu điểm thẳng lưỡi kiếm đánh trúng lưỡi đao để ngăn đà lao tới. Hai chiêu tiếp theo nhằm vào trên dưới thân thể nhà sư mà công kích. Nhà sư nếu để lưỡi kiếm điểm trúng đao coi như phá mất thế chém xuống thì khó lòng có thể biến sang hai chiêu về sau được. Tam Tọa Thiền Quang vì thế tự nhiên bị phá mất. Hữu Hạnh Chân Nhân sau phen ôm hận với nhà sư đã mày mò nghiền ngẫm ra cách lấy tiên chế động cực kỳ hữu hiệu. Lão đạo chắc mẩm phen đối đầu này sẽ khiến nhà sư phải khổ sở chống đỡ. Ngờ đâu, nhà sư Nhất Đăng vẫn điềm nhiên chém đao xuống không thèm tránh né hai thế kiếm công kích. Lưỡi kiếm tức thì điểm trúng thân đao nhưng thay vì cản được lực đánh xuống, thân kiếm bị đao đè cong tựa chừng sắp bị gãy đôi đến nơi. Hai thế kiếm công kích kèm theo cũng tự nhiên bị tan biến mất.

Thủy chung, nhà sư cùng lão đạo nội lực đều ngang ngửa nhau không hơn kém, lúc này, ưu thế về binh khí mới phát huy được sức mạnh. Căn bản nhà sư thân thể cường tráng lực lưỡng trong lúc lão đạo chỉ còm cõi mình hạc mỏng manh. Chưa kể nhà sư còn dùng đao là thứ binh khí vừa dày vừa nặng, lão đạo lại dùng một thanh kiếm liễu dẫu linh hoạt nhưng mềm yếu vô cùng. Lẽ dĩ nhiên, phần nội công hao tốn lên binh khí cũng chia thành ít nhiều. Nhà sư chỉ cần dùng ba bốn phần lên đao thì lão đạo phải tiêu tốn đến bảy tám phần mới khã dĩ giúp kiếm ngang nhiên chống đỡ với đao nổi.

Nguồn: truyen8.mobi/t116593-vu-diem-co-thien-chuong-64-dao-nhan-say-tra-quy.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận