Vũ Điệu Thiên Nga Truyện ngắn 19


Truyện ngắn 19
Nước mắt tam đảo

 Thật trời xui đất khiến, không hiểu sao tôi lại ôm một đống dự định trong đầu khi lên Tam Đảo vào cái tháng đầy giá lạnh này. Nhìn những khối mây u ám nặng tựa chì vào những buổi chiều thì tôi chẳng còn thiết làm gì nữa. Ngỡ rằng lên đây trời đất yên tĩnh chắc sẽ làm được nhiều việc, nhưng hỡi ôi, những mây là mây. Tôi chỉ biết làm mỗi việc là rúc vào chăn ngủ. Nhất là buổi sáng sương ùa vào trong phòng làm tôi co ro vì lạnh. Biết sao được, tôi ngao ngán vớ lấy gối úp chụp lên mặt và thấy ân hận rồi tự trách mình đã dại dột lên đây. Chả lẽ lại về ư?

 Nhưng thế rồi có tiếng chim hót ríu rít trong sương mù làm tôi vỡ lẽ rằng, sự sống vẫn diễn ra. Vạn vật vẫn bật sáng trong những làn mây bay, khi tôi chợt nghe thấy tiếng các cô gái gọi nhau lên đồi rau su su. Ấy là ngày đầu tiên.

 Cuối cùng tôi vẫn mở được những trang tài liệu để ngắm cho gợi hứng và cầu may biết đâu lại làm được


những việc khó khăn bắt đầu từ những hình vẽ trong sơ đồ

 

đem theo. Thế rồi mọi việc lại đâu vào đấy, khi nghe tiếng chó sủa phía xa, tôi bật dậy vớ chiếc áo khoác rồi đi ra ngoài đường. Tôi tặc lưỡi và tự nhủ thôi đành vậy, công việc ư? Hãy đợi đấy...

 Tôi cứ lần mò trong màn sương dày đặc hướng theo tiếng nói cười trên con đường nhỏ dẫn xuống chợ của thị trấn. Ở dưới chợ, sương mỏng hơn và dần tan trên dòng suối chảy từ trên núi, đây đó tôi nghe thấy những tiếng cười giòn tan của các cô gái bán hoa quả và thấy lòng ấm áp hẳn. Ánh sáng le lói của mặt trời hiện trên cao, mọi người đã nhìn rõ mặt nhau nhưng sương mù vẫn dày, tưởng như nắm lấy được như những bông tuyết vậy. Tôi cứ lang thang trong sương và thật bất ngờ khi lấy tay vuốt những hạt nước lành lạnh trên mi mắt thì thấy mình đã đứng trước con đường dẫn xuống thác Bạc. Nhưng có lẽ thú vị hơn đó là mùi khoai nướng ở đâu đó bay tới làm tôi phấn chấn, bước xuống từng bậc đá hướng theo làn khói của bếp than ở nhà ai đó bay lên... Đó là một cửa hàng nước và người tôi gặp đầu tiên, cô chủ quán đang quạt bếp than nướng khoai. Tôi chào rồi sà ngay vào gần bếp, hít một hơi cho đã, sau đó nhón lấy một củ khoai và nhìn cô cười như muốn thể hiện niềm vui của mình. Cô nhoẻn cười rõ tươi, mời tôi cứ tự nhiên. Tôi ngồi xuống ghế hít hà, vội bóc củ khoai còn ấm nóng trên tay. Cô rót cốc nước chè xanh với vẻ mặt thoáng buồn. Có lẽ cô ấy cũng chỉ ngoài ba mươi tuổi, nước da trắng trẻo và sống múi nhỏ, trông khá xinh xắn. Tôi chợt nhìn vào phía trong nhưng không thấy ai. Không một tiếng người, vắng lặng trong sương, đồ đạc để ngổn ngang và cái màn đơn chưa kịp gấp. Tôi vừa ăn khoai vừa uống nước, rồi rụt rè hỏi:

- Chắc ông xã nhà chị đã đi làm sớm?

- Không đâu ạ, chồng em bỏ nhà đi đã lâu rồi:

Thấy tôi tròn mắt, cô gái nói thêm:

- Chúng em lấy nhau cũng đã có con, nhưng đột nhiên anh ấy xuống núi làm ăn, rồi từ đó chẳng về nữa.

 Lúc này nắng đã vắt ngang mái lán làm tan làn sương còn ngái ngủ. Cô gái vội vớ lấy cái quạt rồi phẩy lấy phẩy để những hòn than đỏ cháy rực lên như muốn xua tan đi nỗi buồn mà chính mình vừa khơi lại cho một người khách không quen biết như tôi. Những bậc đá hun hút nhấp nhô đi xuống dưới thác. Bao vết mòn và những vết xanh rêu còn sót lại làm con đường thêm kỳ bí. Tôi kéo ghế ngồi gần bếp hơn. Cô gái im lặng khá lâu. Tôi cũng không dám hỏi thêm gì nữa, nên đành lảng sang chuyện rau cỏ, vì ở thị trấn Tam Đảo này gia đình nào cũng trồng su su để bán, không ngờ cô gái thở dài nói:

- Từ ngày anh ấy đi cũng chẳng có ai làm, đất bỏ hoang, chán lắm bác ạ!

 Tôi giật mình không ngờ câu chuyện lại quay về những điều chả hay ho ấy. Rồi cô cúi xuống với vẻ mặt u ám, đôi mắt cay đỏ không hiểu có phải vì khói hay vì sương, hay vì nỗi buồn đột nhiên bị tôi gợi lại. Tôi vội nói với cô gói cho mấy củ khoai, lấy cớ mua về cho người nhà, rồi nhanh chân quay lên chứ không xuống thác nữa.

 Lúc này trời đã sáng rõ, lác đác có người đi xuống thác, chỉ có tôi là đi lên. Không hiểu sao nỗi buồn của người con gái ấy lại đeo bám tôi đến thế. Và phảng phất có hơi sương còn sót lại trên vai tôi. Một nỗi buồn lạnh ngắt. Đó là người đàn bà đầu tiên tôi muốn kể lại trong chuyến đi này.

 Ngày hôm sau tôi tôi cũng tình cờ gặp một người đàn bà ở trên đỉnh núi trong những làn sương dày đặc. Đúng hơn là ở gần chân tháp truyền hình, khi tôi là người duy nhất lúc đó hăng hái leo hết 1650 bậc đá thì bất ngờ gặp cô ta. Đang lúc mệt tưởng như đứt hơi, tôi dừng lại ở một chiếu nghỉ để lấy sức leo nốt những bậc đá cuối cùng, khi ngước lên thì bất chợt nhìn thấy một người đàn bà mặc áo phông vàng, với bộ ngực nở nang, đang ngồi trên một bậc đá nhìn xuống. Tôi bỗng thấy hết mệt và nhanh chân leo tiếp. Thì ra ở ngay trước cổng vào tháp truyền hình cũng có một quán nước, mà chính người đàn bà này đứng bán. Tôi bước vào lán rồi vớ ngay một lon nước yến và uống một hơi liền cho đỡ khát sau một chặng đường leo toát mồ hôi. Ở trên cao, mây mỏng và loãng hơn nên vạn vật thấy xanh tươi và lấp lánh ánh sáng ở đâu đó le lói vắt qua những hàng cây. Người đàn bà ấy hỏi tôi:

- Chắc bác nghỉ ở nhà văn hóa?

 

 Tôi hỏi vì sao cô ta biết thì cô ta nói, tháng Ba này chỉ có người nghỉ ở nhà văn hóa mới lên đây thôi. Cô ta còn nhấn mạnh:

- Mấy lại nhìn các bác là chúng cháu nhận ra ngay. Bác nào cũng vậy, không thật chỉnh tề, nom có vẻ bụi bặm với những chiếc áo gilê đầy những túi là túi. Văn nghệ sĩ mà, cháu còn lạ...

 Vừa nói cô ta vừa cười, tỏ ra rất vui khi gặp tôi, là vị khách đầu tiên trong ngày leo lên tháp để ngắm cảnh. Thấy có chiếc võng dù vắt ngang hai cột lán, thế là tôi ngồi vào, đung đưa một hồi rồi hỏi:

- Vậy, cô bán hàng cả ngày ở trên này và ngủ luôn
ở đây?

- Không! Tối tôi phải về nhà ở dưới thị trấn chứ.

- Vậy ngày nào cũng phải leo lên thế này chồng con cũng chả có điều kiện lên để giúp việc.

Không ngờ cô ta buột miệng nói có vẻ khó chịu:

- Làm gì có ai!

- Vậy... thế là sao?

- Cháu ở một mình!

 Tôi im lặng, thấy hơi ngượng ngập vì câu hỏi vô ý của mình có thể sẽ đụng chạm tới một nỗi buồn nào đó của người đàn bà này. Nói rồi đôi mắt sáng long lanh của cô ta nhìn về phía xa. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ vào khuôn mặt khắc khổ ấy. Gò má hơi cao với vầng trán có những nếp nhăn, nom thoáng qua tưởng đã già nhưng đôi mắt lại sáng và trong làm cho cô ta trẻ hẳn. Ngẫm mình thật vô duyên khi vô tình gợi lại những chuyện chẳng đâu và đâu của người khác. Nhưng thật lạ cô ta bất ngờ nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói:

- Thật ra cháu cũng đã có người để nương tựa, nhưng người ấy bị tai nạn rồi chết. Từ đó cháu cứ ở vậy và nhận một con nuôi. Năm nay nó đã học lớp sáu, nhưng phải gửi về quê ngoại, vì ở trên này cháu không có điều kiện bác ạ.

- Vậy à..

 Thế đó tôi chỉ biết nói câu vậy à, tỏ ý thông cảm một thân phận lẻ loi trên đỉnh núi này. Bất chợt tôi lại nhớ đến cô chủ quán nước ở dưới suối Bạc bị chồng bỏ rơi. Và tôi nghĩ, biết đâu cái lý nói là người yêu bị tai nạn cũng chỉ là cái cớ để lấp đi một nỗi buồn cay đắng nào đó mà cô chủ quán này không muốn chia sẻ. Bởi cái duyên cớ để một cô gái phải ở vậy khi còn quá trẻ không đơn giản chút nào. Đột nhiên cô ta đứng dậy quét dọn mặc dù quán hàng vẫn sạch sẽ, rồi nói:

- Không hiểu sao cháu lại nói chuyện này với bác...

 Rồi cô ta cúi xuống và giục tôi lên tháp truyền hình. Tôi sững người khi nhìn thấy những giọt nước mắt của cô ta rơi xuống. Tôi lặng lẽ rời khỏi chiếc võng dù và cũng chẳng còn tâm trạng nào để mà lên tận tháp nhìn xuống thị trấn nữa. Nghe nói, nếu lên trên đó còn nhìn thấy núi Cốc và sông Công ở Thái Nguyên, - điểm du lịch gắn với tích về một câu chuyện tình cay đắng, mà lúc này tôi lại chẳng cảm thấy vui vẻ gì, nên tôi chậm chạp đi xuống và đếm từng bậc một với tâm trạng xáo trộn. Một vạt mây như níu chặt lấy chân tôi. Lại một ngày xúi quẩy.

 Ấy thế rối cái số tôi cũng lạ, khi gặp một thân phận thứ ba, một người đàn bà bị chồng lấy cớ bị gái miền núi xa xôi nào đó yểm bùa nên không thể về với vợ con được. Tôi được chính cô gái này kể lại chuyện vào lúc đang nhóm bếp đun nước để bán cho khách thập phương đến lễ đền Thượng. Cô ta ở ngay bên lề đường với một cậu con trai độ năm tuổi. Cái tật lẩm cẩm của tôi là hay buột miệng hỏi các cô gái về chuyện chồng con, nên đôi lúc thấy vô duyên, nhưng quen mất rồi. Và thật đặc biệt, cô này sau khi quát con đi lấy thêm củi lại kể ngay cho tôi về bố của thằng bé. Nào là “hắn” đi làm xa, ở một vùng núi cao khác, rồi “hắn” gặp một cô gái Mán, nào là sau đó “hắn” bị yểm bùa nên cứ ngơ ngẩn suốt ngày. Đã có lần “hắn” trốn về vì nhớ vợ con, khi có ý định ở lại thì bị phát cơn điên, cứ lảm nhảm suốt ngày. Gia đình lại phải cho “hắn” đi về bên ấy. Lúc này bếp lửa cháy đùng đùng làm ấm nước sôi lên ùng ục. Mặt cô ta lấm tấm mồ hôi không biết có phải vì lửa nóng hay vì cơn tức đang sôi lên, mặc dù lúc này sương vẫn âm u trong thung lũng Tam Đảo. Tôi vội rảo bước. Con chó của nhà văn hóa đã quen hơi, nên chạy theo tôi, mỗi lần thể dục buổi sáng. Nó cứ nhấm nhẳng, thỉnh thoảng đứng lại, rồi đợp một ngọn cỏ lòe xòe bên vệ đường.

 Sự tình cờ nữa, tôi lại tiếp tục gặp một người đàn bà bị chồng bỏ rơi trên đỉnh núi Tam Đảo này. Hôm ấy vẫn chưa đến ngày cuối tuần nên ít khách lên chơi, tôi đi dạo chợ sớm định mua ít hoa quả tươi và một dò lan hồ điệp màu tím. Câu chuyện không ngờ bắt đầu từ dò hoa lan này, khi tôi ngồi vào một hàng nước cùng với một bạn làm thơ cũng ở nhà sáng tác. Bà chủ quán khen dò lan đẹp rồi nói:

- Chắc bác là người chung tình lắm đây. Chọn hoa màu tím là phải biết.

 - Ôi dào, già rồi. Bà ấy có thả cho đi cũng chả ai thèm chăn dắt.

 Ông bạn đi cùng lại nói đế thêm, rằng mình đi bộ đội trọn cả tuổi xuân, nay về, phải sống sao cho trọn đạo với vợ chứ. Tôi ngẫm ông bạn nói nghe tưởng khách sáo, nhưng quả sự thật là như vậy. Cánh bạn già này đã ngoài sáu mươi cả rồi chả biết nói dối. Nhưng đột nhiên bà chủ quán lấy vạt áo thấm nước mắt. Tôi và người bạn chưa hiểu ra sao thì bà ta nói:

- Nghe các bác nói mà em tủi thân quá. Em đã phải sống một mình nuôi ba con ăn học hơn chục năm nay.

Cảm thấy bức xúc ông bạn tôi hỏi:

- Chắc chồng cô bỏ đi với gái trẻ chứ gì?

Tôi bỗng thấy ngượng vì câu hỏi sỗ sàng của người bạn, nhưng không ngờ bà chủ quán khẳng định:

- Đúng! Lão ấy bỏ mặc bốn mẹ con em xuống núi lâu rồi. Nghe nói ở dưới ấy cũng đã có con thêm con nếm rồi. Về làm sao được nữa...

 

 Tôi lặng người đi vì không ngờ chuyện xảy ra lại xót xa đến thế. Lát sau bà ta còn khoe thêm rằng mấy đứa con của bà đều trưởng thành, có hai đứa đã vào đại học. Nhưng tất cả đều không ở nhà và bây giờ một mình lo toan mọi việc từ trông vườn su su đến bán hàng ở chợ. Bà nghĩ cố làm mọi việc để lấp đi khoảng trống vắng trong lòng. Nhưng rồi bóng tối hằng đêm lại phủ lên tâm hồn mình một bầu trời cô đơn. Và tôi nghe như có tiếng thở dài trong lòng bà. Ông bạn tôi đứng bật dậy, chào bà rồi đi ra ngoài vì sợ sẽ buột miệng nói một câu gì đó không vui nữa. Tôi thì vẫn ngồi lặng để ngắm nhìn dò lan màu tím và trong lòng trĩu nặng nỗi buồn. Khi sương đã tan tôi càng nhìn rõ ngấn nước mắt của người đàn bà không kịp lau đi...

 Nước mắt của những người đàn bà bị bỏ rơi trên đỉnh núi này chắc luôn âm thầm chảy khi màn đêm buông xuống. Tôi chẳng còn biết mình nghĩ gì lúc này, trong lòng cầu mong mình đừng gặp ai đó nữa bị chồng phụ bạc nơi cái thung lũng đầy sương giăng này. Ban ngày thì thế, khách thập phương kéo đến nô nức vui cười, sung sướng, hạnh phúc. Rồi họ lại đi và đâu biết những người đàn bà luôn luôn nở những nụ cười mời chào, đon đả kia chỉ ngay khi màn đêm buông xuống thì hỡi ôi Tam Đảo chỉ là mây mù, sương lạnh và nước mắt.

 Vừa về tới nhà, ông bạn thi sĩ vội kéo tôi lại bàn, rồi đọc lên những vần thơ trĩu nặng tâm tư mà ông vừa sáng tác, khi đã đồng cảm với những người đàn bà bị bỏ rơi mà chúng tôi đã gặp. Đó là lời ru con của những cô gái bị phụ tình. Giọng thơ trầm ấm, sâu lắng:

 

...Tình phụ tình

 đỉnh núi chơi vơi

Với những đám mây u tối

Gió rừng nghiêng

Rì rào dòng suối

Phảng phất lời ru

Tơ nhện giăng thềm.

 

Hát một khúc xa

 dằng dặc đêm đêm

Nôi võng trôi cùng sương khói

Đôi mắt buồn khóe môi mệt mỏi

Hoẵng hú dài

Bông gạo rụng rời.

 

Lặng lẽ ru trong mù mịt mây trời

Dòng nước xoáy

Bơ vơ thác đổ

Hồn hoang bay

Bàn tay nựng gió

Trách cứ tình đã bỏ lại em.


Chợt tia nắng đầu tiên

Lóe chớp sương tan

Cánh chim da diết

Cõng lời ru gửi người xa biền biệt

Sụt sùi giọt nước mắt em

Rơi...rơi...

Thung lũng tâm hồn tôi.

Tôi im lặng nghe và có cảm giác mình bị đông cứng giữa những làn sương vừa chợt ùa vào phòng lạnh buốt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83738


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận