Đời Ảo Chương 40

Chương 40
“Cái gì cũng được. Em xin lỗi, anh là đàn ông, vậy công việc có lẽ là chủ đề duy nhất anh muốn nói.”

Alana Jennings sống ở một căn hộ hai tầng trong khu nhà xây gạch đỏ không xa trụ sở Trion lắm. Tôi nhận ra ngay nhờ đã xem ảnh.

Hẳn bạn cũng biết khi mới bắt đầu hẹn hò với một cô gái, bạn để ý đến mọi thứ, nơi nàng sống, cách nàng mặc, nước hoa của nàng, và tất cả dường như đều thật mới mẻ và khác biệt? Chà, điều lạ lùng là tôi biết quá rõ về cô ta, có lẽ còn hơn một vài ông chồng hiểu về vợ mình, thế mà tôi mới ở cạnh cô ta không được hơn một, hai giờ.

Tôi tới khu nhà bằng xe Porsche - chẳng phải lấy le với bọn con gái là một phần tác dụng của Porsche đó sao? - rồi bước lên bậc thềm bấm chuông cửa. Giọng cô ta thỏ thẻ qua loa cửa bảo sẽ xuống ngay.

Alana mặc áo cánh kiểu tá điền thêu màu trắng, quần bó đen và tóc buộc cao, cô ta không đeo cặp kính đen đáng sợ. Tôi tự hỏi thực ra tá điền có bao giờ mặc áo cánh kiểu tá điền không, bây giờ trên thế giới này có thực còn người tá điền nào không, và nếu có, liệu họ có nghĩ mình là tá điền hay không. Cô ta đẹp kiều diễm. Mùi hương tuyệt vời, khác với phần lớn bọn con gái tôi thường hẹn hò. Nước hoa cây cỏ tên gọi Fleurissimo; tôi nhớ đã đọc được rằng cô ta mua nó ở một nơi tên là House of Creed bất cứ khi nào tới Paris.

“Chào em,” tôi nói.

“Chào Adam.” Alana tô son môi bóng đỏ và vắt một chiếc túi xách tay hình vuông màu đen bé tí xíu qua vai.

“Xe của anh ở ngay kia,” tôi nói, cố không tỏ ra phô trương về chiếc Porsche đen mới tinh bóng loáng ro ro ở ngay trước chúng tôi. Alana liếc nó tán thưởng nhưng không nói gì. Cô ta có lẽ đã hiểu ra trong đầu về bộ quần áo vét Zegna, áo sơ mi cổ mở màu đen, có lẽ cả cái đồng hồ hải quân năm-nghìn-đô của Ý nữa. Và nghĩ rằng hoặc tôi là kẻ khoe khoang, hoặc đang nỗ lực quá sức. Cô ta mặc áo cánh kiểu tá điền; tôi mặc đồ Ermenegildo Zegna. Tuyệt thật. Cô ta đang giả vờ thanh đạm, còn tôi đang cố tỏ ra giàu sang và có lẽ đã làm hơi thái quá.

Tôi mở cửa ở phía hông xe cho cô ta. Tôi đã kéo ghế lại phía sau trước khi tới đây, vì vậy có nhiều chỗ để chân. Ở bên trong, không khí ngập mùi da mới. Có nhãn dán đỗ xe của Trion ở hông bên trái, Alana vẫn chưa nhận ra. Cô ta cũng không thấy được nó từ bên trong, nhưng rồi sẽ để ý thấy ngay khi chúng tôi rời xe vào nhà hàng thôi. Dù bằng cách nào, cô ta cũng sẽ sớm nhận ra rằng tôi cũng làm ở Trion, và tôi đã được tuyển vào vị trí cũ mình từng làm. Sự trùng hợp ngẫu nhiên sẽ hơi kỳ cục, vì rằng chúng tôi chưa từng gặp nhau ở nơi làm việc, và nó được đề cập tới càng sớm càng tốt. Thực ra, tôi đã chuẩn bị sẵn mấy lời ba hoa ngu ngốc. Như là: “Em cứ đùa. Em làm ở đó thật à? Anh cũng vậy! Kỳ lạ quá!”

Đôi lúc chúng tôi im lặng ngượng nghịu khi tôi lái tới nhà hàng Thái cô ta yêu thích. Alana liếc lên nhìn đồng hồ tốc độ, rồi lại nhìn đường. “Anh nên cẩn thận ở khu này,” cô ta nói. “Đây là một cái bẫy tốc độ. Bọn cảnh sát chỉ đợi anh đi quá năm mươi dặm là sẽ dần anh nhừ tử ngay.”

Tôi cười, gật đầu, rồi nhớ đoạn ngắn trong một phim cô ta yêu thích, Bồi thường gấp đôi, tôi vừa thuê xem ngay đêm trước. “Anh đi nhanh bao nhiêu, sĩ quan?” tôi nói bằng giọng thẳng thừng như trong phim đen, giống Fred MacMurray.

Alana hiểu ngay. Thông minh lắm. Cô ta cười. “Em sẽ nói là khoảng chín mươi.” Cô ta bắt chước giọng mồi chài của Barbara Stanwyck một cách hoàn hảo.

“Cứ cho là em xuống xe máy và cho anh vé phạt.”

“Cứ cho là em thả anh đi lần này với một lời cảnh cáo,” Alana trả miếng, nhập trò chơi, mắt sáng lên tinh nghịch.

Tôi chỉ nao núng vài giây rồi lại nhớ ra câu tiếp theo. “Cứ cho là nó không thành công.”

“Cứ cho là em phải cho anh nếm một nắm tay.”

Tôi cười. Cô ta khá lắm, và rất nhập vai. “Cứ cho là anh bật khóc và ngả đầu vào vai em.”

“Cứ cho là anh thử ngả vào vai chồng em.”

“Thế là quá đủ,” tôi nói. Hết cảnh. Cắt, in, xong một cảnh quay.

Alana cười vui vẻ. “Sao anh biết nó?”

“Lãng phí quá nhiều thời gian xem các phim đen trắng cũ.”

“Em cũng thế! Và Bồi thường gấp đôi có lẽ là phim em thích nhất.”

“Với anh thì ngoài nó ra còn có cả Đại lộ hoàng hôn.” Lại một bộ phim cô ta thích nhất.

“Chuẩn quá! ‘Tôi vẫn lớn. Chỉ có màn ảnh là nhỏ đi.’ ”

Tôi muốn dừng lại khi vẫn còn dẫn trước, bởi tôi đã gần kiệt quệ kho chuyện vặt vãnh ghi nhớ từ phim đen. Tôi chuyển chủ đề sang quần vợt, an toàn hơn. Tôi đỗ lại trước cửa nhà hàng, và mắt cô ta lại sáng lên. “Anh biết nơi này à? Chỗ tốt nhất đấy.”

“Về đồ ăn Thái, đây là chỗ duy nhất, ít nhất là theo như anh biết.” Một người phục vụ đưa xe đi đỗ - tôi không tin nổi tôi đang đưa chìa khóa chiếc Porsche mới tinh cho một thằng nhóc mười tám tuổi, một đứa dám lấy nó đi dạo quanh khi nhà hàng rỗi việc lắm - và thế là Alana sẽ không bao giờ thấy miếng dán của Trion nữa.

Cuộc hẹn hò tốt đẹp được một thời gian. Chuyện về phim Bồi thường gấp đôi dường như đã khiến Alana thư giãn, làm cô ta cảm thấy mình như đang ở cùng một người đồng cảm. Hơn nữa một gã đàn ông thích Ani DiFranco, cô ta còn đòi hỏi gì hơn được chứ? Có lẽ một chút sâu sắc - phụ nữ luôn tỏ ra thích sự sâu sắc của đàn ông, hay ít nhất là thỉnh thoảng có khoảnh khắc tự ngẫm về mình, nhưng tôi đã đủ chuyện đó rồi.

Chúng tôi gọi xa lát đu đủ xanh và gỏi cuốn cho người ăn chay. Tôi đã định nói rằng tôi cũng là một người ăn chay như cô ta, nhưng rồi tôi quyết định thế sẽ là quá đà, hơn nữa tôi không biết liệu mình có thể chịu được trò bịp đó quá một bữa ăn không. Vì vậy tôi gọi ca ri gà Masaman và cô ta gọi ca ri chay không có sữa dừa - tôi nhớ đã đọc rằng cô ta bị dị ứng tôm - và chúng tôi đều uống bia Thái.

Chúng tôi chuyện trò từ quần vợt sang Câu lạc bộ Tennis và Quần vợt sân tường, nhưng tôi nhanh chóng lái cả hai ra khỏi bãi cát ngầm nguy hiểm đó, nó hẳn sẽ làm phát sinh câu hỏi vì sao và làm thế nào tôi lại ở đó ngày hôm ấy, rồi đổi đề tài sang gôn và các kỳ nghỉ hè. Alana dùng từ “hè” như một động từ. Cô ta nhanh chóng nhận ra chúng tôi có gốc gác khác biệt, nhưng như thế cũng được. Cô ta sẽ không lấy tôi hay giới thiệu tôi với bố mình, và tôi không muốn phải giả tạo cả gia cảnh nữa, như thế quá nhọc công. Và thêm vào đó, nó có vẻ không cần thiết - đằng nào cô ta dường như cũng đã ưng tôi lắm rồi. Tôi kể với Alana vài chuyện về khi làm việc ở câu lạc bộ quần vợt và làm ca đêm ở trạm xăng. Thực ra cô ta hẳn phải cảm thấy có phần không thoải mái vì sự nuôi dạy đầy đặc quyền mình được hưởng, bởi cô ta có mấy lời nói dối vô hại về việc bố mẹ buộc mình bỏ ra ít thời gian trong hè làm việc vặt vãnh “ở công ty nơi bố em làm việc”, quên không kể rằng bố cô ta là Giám đốc Điều hành. Mà tôi cũng biết là Alana chẳng bao giờ làm việc ở công ty của bố mình cả. Những mùa hè của cô ta là ở nông trại du lịch miền Tây ở Wyoming, đi săn ở Tanzania, ở với vài cô nàng khác trong căn hộ được bố trả tiền ở quận 6 Paris, thực tập nội trú tại bảo tàng Peggy Guggenheim ở Kênh Lớn Venice. Cô ta không bơm xăng.

Khi Alana nhắc tới công ty nơi bố mình “làm việc,” tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận chủ đề không tránh khỏi về anh-làm-gì, anh-làm-ở-đâu. Nhưng nó không xảy ra, cho đến mãi một lúc lâu sau. Tôi thấy ngạc nhiên khi cô ta đề cập tới nó một cách lạ lùng, gần như là biến nó thành trò chơi. Alana thở dài. “Chà, em đoán giờ chúng ta phải nói về công việc, đúng không?”

“À...”

“Như thế để chúng ta có thể miên man bất tận về những gì chúng ta làm ban ngày, đúng không? Em trong ngành công nghệ cao, rồi đấy. Còn anh - đợi đã, em biết rồi, đừng nói với em là thế nhé.”

Bụng tôi thắt lại.

“Anh là nông dân nuôi gà.”

Tôi bật cười. “Sao em đoán được?”

“Phải rồi. Một nông dân nuôi gà lái xe Porsche và mặc đồ hiệu Fendi.”

“Thực ra là Zegna.”

“Cái gì cũng được. Em xin lỗi, anh là đàn ông, vậy công việc có lẽ là chủ đề duy nhất anh muốn nói.”

“Thực ra là không.” Tôi uốn giọng mình thành vẻ chân thật rụt rè. “Anh thực sự thích sống trong khoảnh khắc hiện tại, biết tỉnh thức hết sức có thể. Em biết không, có một nhà sư người Việt Nam sống ở Pháp, tên là Thích Nhất Hạnh, ông ta nói...“

“Ôi Chúa ơi,” Alana lên tiếng. “Thật là kỳ lạ! Em không tin được anh lại biết Thích Nhất Hạnh.”

Tôi chưa thực sự đọc bất cứ cái gì nhà sư này viết, nhưng sau khi thấy cô ta đặt mua bao nhiêu sách của ông từ Amazon, tôi đã tìm hiểu ông trên một vài website về Phật giáo.

“Chắc chắn rồi,” tôi nói cứ như thể ai cũng đã từng đọc đầy đủ các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh. “Điều thần kỳ không phải là đi được trên mặt nước, điều thần kỳ là được đi trên mặt đất xanh tươi.” Tôi chắc chắn mình đã nói đúng câu đó, nhưng ngay lúc ấy điện thoại di động rung lên trong túi áo vét. “Xin lỗi,” tôi nói, lấy nó ra và liếc nhìn mã người gọi.

“Một giây nhanh thôi,” tôi xin lỗi và trả lời điện thoại.

“Adam,” Giọng trầm của Antwoine vang lên. “Cậu tốt nhất nên đến đây đi. Là chuyện bố cậu.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t29913-doi-ao-chuong-40.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận