1. Chàng tên K. Tính cả tuổi mụ năm nay chàng 31 tuổi. Nhà K có hai anh em. Em gái K đã lấy chồng và có một đứa con trai. Vậy là ở nhà K giờ chỉ còn chàng là người trẻ tuổi và đáng được yêu chiều nhất vì trên chàng có bố mẹ và bà nội. Xét hình thức bên ngoài K là trang thanh niên đẹp trai với đôi mắt đen, chiếc cằm vuông, dưới cằm có cả râu đen kịt lún phún. Bố K là ông V, Tổng biên tập một tờ báo ngành bắt đầu có uy tín. Ông là một đàn ông chơi rộng nên có nhiều bè bạn. Mỗi khi tụ tập bạn bè trà dư tửu hậu tại các quán, các nhà hàng mười lần thì cả mười lần ông V rút ví trả tiền. Không phải vì ông nhiều tiền mà vì ông sống rộng. Mẹ chàng là người đàn bà bình thường tốt bụng. Hồi trẻ cũng có thể coi là một người đẹp, ưa nhìn nhưng khi làm mẹ một cậu con trai duy nhất thì bà coi mọi điều của con trai là mệnh lệnh tối ưu của bà. Ông V muốn dạy con theo đường hướng của mình cũng đành chịu vì K là người thông minh biết tận dụng những lợi thế mình có, vì thế bố K ở ngoài xã hội rất quảng giao, ăn nói xởi lởi lịch thiệp, hát karaoke tuy hơi sai nhạc nhưng giọng rất to và nhiệt tình, khi về nhà lại rút vào vỏ sò của sự yên lặng và an phận. Vì cái mẽ ngoài của chàng nên mẹ chàng thích khoe con trai, đi đâu cũng rất muốn con trai đèo đi. Trong ngày giáp Tết đi mua hoa chẳng hạn. Chàng đi trước mẹ chàng xách túi trong đó có ví đựng tiền đi sau. Hôm đó chàng mua đến hơn triệu đồng tiền hoa nhưng dùng cho nhà chỉ được cây đào giá bốn trăm nghìn đồng, còn số hoa hơn bảy trăm nghìn đồng kia chàng tặng bất kì cô gái nào trên đường, một số hoa khi về đến nhà là vừa lúc nên vứt đi. Nghe số tiền chàng chi dùng cho mua hoa hôm đó, có người hỏi chàng sao lãng phí vậy. Chàng bảo. Nếu không mua thì thấy tội với hoa lắm. Thấy con trai đã băm mốt tuổi ta, bố mẹ chàng rất muốn K lấy vợ. Nhưng có gần chục cô gái đến nhà, cô nào cũng tỏ ý muốn thành vợ chàng, dâu con trong nhà một cách đứng đắn. Có cô da ngăm ngăm. Mặt tròn theo hình bánh giầy. Vốn là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội. Học xong trung cấp đang kiếm việc. Thấy gia cảnh của chàng như vậy nên muốn chinh phục chàng bằng được. Đến nhà K cái gì cô ả cũng làm. Từ nhặt rau, đến rửa bô cho con trai em gái của chàng, dắt bà nội K đi vệ sinh. Có nàng thì mắt xanh lè vì tô bằng bút trang điểm ngoại. Mùa hè đi giày cao gót, mùa đông đi ghệt. Đến nhà chàng tỏ ra thành thạo khi bàn về mốt quần áo và các siêu thị. Nàng ta chẳng làm gì ngoài nói liến láu để khoe bố nàng vừa mua Camry hai chấm tư, mẹ nàng học có hai tháng đã biết lái kể cả lúc mẹ chàng hí húi rửa bát sau bữa ăn nàng này được mời. Cả nàng tỉnh lẻ lẫn nàng thành thạo đều không được chàng kết. Vì vậy nàng nào lâu nhất được non một tháng, nhanh là một tuần, các nàng mất hút luôn. Tuy K không lạnh nhạt, xua đuổi gì nhưng thấy nàng nào đến, chàng chỉ chào một câu, cười một nụ, rồi lên gác bật phim kênh Star Movie xem. Khi hai nhân vật chính bắt đầu xung đột thì chàng ngáy. Bố mẹ chàng rất thích chàng lấy nàng con gái người láng giềng. Nhưng mọi lời tuyên bố công khai hoặc thầm thĩ để gây áp lực cũng như mọi sự tạo điều kiện cho chàng và nàng gặp nhau, kể cả đối mặt riêng tư mà quan hệ của chàng và nàng vẫn giẫm chân tại chỗ như thời cả hai còn nhỏ, tranh nhau vào toa lét chung, không ai nhường ai. Hệt như ghép hai cực nam châm cùng dấu vào với nhau. Bà nội chàng, bố mẹ chàng nóng ruột nhắc K. Chàng cười khì khì đáp lại một câu ngắn gọn như danh ngôn "cái gì đến sẽ đến". Hơn ba tháng đi theo ông chú vào làm ăn ở Đà Nẵng trở ra K tuyên bố rằng chàng sẽ lấy một cô gái ở trong ấy. Bà nội nói chậm từng tiếng: "Xa như thế thì khổ đấy con ạ". Mẹ K bảo: "Con nghĩ kĩ chưa?". Bố K im lặng nhếch mép. Chàng bảo: "Con quyết định rồi. Mai mẹ cho tiền con mua vé vào trong ấy bàn với cô ấy việc cưới xin ra sao". Gặp chàng ở cầu thang nàng nhí nhảnh hỏi chàng câu hỏi có vẻ đùa hơn là thật: "Ả ta có xinh bằng em không?". "Làm sao bằng được". Chàng đáp cùng cái cười mỉm kẻ cả như một
anh trai.
2. Nàng con nhà láng giềng là M. Nhà M kề liền bên nhà chàng ở tầng ba một tòa nhà thuộc phố cổ. Phòng nhà nàng nối liền phòng nhà chàng qua một hành lang bên cạnh có toa lét chung cả hai nhà. Ai vào thì bật điện cho người khác biết. Vì thế nên bố mẹ và cả bà nội chàng đều rất muốn K và M kết thành một đôi thì thật hợp lý mọi đường. Chỉ có điều... Nàng là con một của ông bà L, N. Ông L là một nhạc sĩ. Tác phẩm của ông ít nhưng tinh. Nghe ca khúc hay nhạc không lời của ông người thạo biết đấy là nhạc của nhạc sĩ L. Người sành nhạc lịch sự, ưa hài hước nghe nhạc của ông không phải ngả mũ chào vì gặp những giai điệu của người khác. Tuy vậy ông lại có tiếng trong nghề là một người thường được truyền hình mời lên để nói về âm nhạc trong những ngày kỉ niệm. Do vậy trong giới ông được xem là người sành chuyên môn về lý luận âm nhạc theo lối cảm nhận và phân tích đến độ một tờ báo lớn mời ông giữ mục thường kì có liên quan đến nhạc. Nhất là những khi có một nhạc sĩ định danh qua đời. Bà N, mẹ nàng là người đàn bà giống như mẹ chàng hồi trẻ cũng được xếp vào hàng những người phụ nữ đẹp, lanh lợi, tốt bụng và xởi lởi. M thừa hưởng những nét đẹp của mẹ và bố nên nàng có vẻ đẹp ưa nhìn và hóm hỉnh. Cao 1m63, mũi cao như mũi con gái Thụy Điển. Khoản nói năng nàng tỏ ra linhá hoạt, phản xạ nhanh do thừa hưởng được tố chất của bố. Sự chín chắn khi cần thiết của mẹ. Vào năm nay nàng bước sang tuổi hai mươi sáu. Đã đi làm ở viện nghiên cứu văn hóa cổ truyền được ba năm sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật. Nếu tính từ khi gia đình chàng chuyển về khu nhà này năm K lên mười, lúc đó M lên năm thì chàng và nàng là láng giềng quá gần của nhau đã hai mươi mốt năm. Vì chín chắn và lại là con gái phố cổ trung tâm thành phố nên kể từ độ mười chín, hai mươi, trong thầm kín M rất muốn có một tình yêu. Người yêu của nàng ít ra là như K. Để khi bà nội chàng ngủ. Bố nàng đi nộp bài cho tòa soạn. Mẹ nàng ra chợ. Bố chàng đi duyệt bài, mẹ chàng đi lễ cùng dì ruột của chàng thì nàng có thể sang nũng nịu với chàng. Nếu hôm ấy lại có mưa thì càng tốt. Nũng nịu nhạt rồi, chàng và nàng có thể nghe nhạc không lời trong đó có cả bản u-véc-tuy tứ tấu soạn cho bộ dây của bố nàng. Rồi không biết chàng có nghe hay không nhưng nàng vẫn giái thích rằng. Bản nhạc này bố nàng đã sử dụng cả giai điệu của chèo và tuồng vì thế nên Ủy ban một tỉnh miền Trung dưới sự cố vấn của một nhà thơ bạn bố nàng đã tặng thưởng nhạc sĩ L bằng khen kèm theo ba chục triệu. Chiếc bình khử chất độc rau quả bằng ô-zôn nhà nàng đang dùng chính là số tiền bố nàng đã trích một phần tiền thưởng ấy để mua. Nghĩ thế thôi nhưng là một cô gái ở khu phố cổ, lại có nhan sắc và học hành đến nơi đến chốn nên chưa bao giờ nàng để lộ ý nghĩ riêng tư ấy ra. Bề ngoài bất kì ai hỏi về chuyện lứa đôi M nhoẻn cười, đáp một cách u-mua và tự tin: "Trong tiểu đội các chàng hay đến, em (hoặc cháu) vẫn chưa tuyển xong". Khi thấy các nàng vây vo đến nhà chàng. Gặp họ ở hàng lang, hay cầu thang, nàng nói một cách kẻ cả: "Bật điện lên không va đầu vào tường trán bươu lên, vấp vào bậc thang làm chân tập tễnh thì mất tự tin đi đấy". Sau đó nàng còn chỉ cho họ công tắc bóng điện ở cầu thang trong cả dãy công tác để trong hộp điện chung của hai nhà. Cũng may dạo này em gái chàng hay đưa con trai lên nhờ bà và cụ ngoại trông. Trộm vía thằng bé trông kháu khỉnh nhanh nhẹn. Nhất là đôi mắt mở to và hàng lông mi cong vút. Cả nhà M thích thằng bé lắm. Bố nàng sáng tác về thằng bé trong đó có câu "tiếng trẻ khóc ấm khu nhà cổ" được dùng trong cả nhạc lẫn thơ. Mẹ nàng đi về là u ơ trò chuyện với thằng bé. Còn nàng thì dạy nó làm MC. Tất cả thành viên hai nhà đều công nhận, thằng bé tròn một tuổi mà hai tay nó vặn vẹo khi làm trò MC đến là dẻo.
3. Mẹ chàng đột ngột bị cảm lạnh do ngấm nước mưa hôm đi xe máy lên nhà bà dì. Nằm ở nhà hơn một hôm thì dì chàng sốt ruột gọi xe tắc xi đưa bà chị vào bệnh viện. Bố chàng lại đang đi công tác tận Cà Mau. Thành ra K cũng nằm trong diện cùng dì thay phiên nhau vào chăm nom mẹ. Nhưng chàng là con trai nên rất lóng ngóng khi săn sóc mẹ. Đến tối thứ tư khi thấy chàng chuẩn bị vào thay dì tại bệnh viện thì mẹ M bảo nàng cùng vào với chàng. Dù sao cũng có những việc mà con trai không thể làm cho mẹ được. Chàng có vẻ vui mừng vì việc có nàng vào giúp. Có nàng thì thế nào chàng cũng được ngủ một cách thoải mái. Mặc dù chỗ nằm trong bệnh viện không thoải mải lắm. Không sao. K đang trẻ nên việc ngủ cũng đơn giản. Bác sĩ tiêm và cho mẹ chàng uống thuốc xong, mẹ K có vẻ đỡ khi bà thiếp đi ngủ bù sau vài đêm trằn trọc. Chàng và nàng ngồi lặng lẽ bên ngoài hành lang. Dãy phòng bệnh im lìm trong giấc ngủ mê mệt của bệnh nhân. Sân bệnh viện vắng ngắt, lặng lẽ nghe thấy cả tiếng chuột rúc và tiếng lá rơi nhẹ. Chàng ngáp một cái rồi nói như buột miệng:
- Tóc em dạo này ngắn hơn hồi bé. Đúng không?
- Anh tinh đấy. Thủa ấy anh hay túm tóc em để giật. Nhất là hôm em không cho anh xem cái trống mẹ em mua ở Hàng Mã về.
- Em nhớ dai thật. Hôm ấy em khóc rất to. Bố anh giơ thước lên giả vờ đánh anh, em lại cười như nắc nẻ.
- Buồn cười quá đi mất. Sau anh lại mua kem cho em và chị H ăn. Hôm ấy là kem đậu xanh và cả sô-cô-la.
- Trí óc của em thật tuyệt vời. Cái gì vào là không thể quên được.
Hai người lại im lặng. Chàng ngáp một lần nữa.
- Anh buồn ngủ đấy à. Anh nằm xuống ghế này này. Em vào với bác.
- Tí nữa cũng được.
Lại có tiếng con thạch sùng chắt lưỡi.
- Người yêu anh ở trong Đà Nẵng làm nghề gì?
- Cô ấy trước dạy Anh văn. Nay anh trai đưa sang làm văn phòng kiêm phiên dịch cho một công ty
- Thế thì lương khá lắm nhỉ?
- Tạm được
- Anh tài thật đấy. Từ Hà Nội vào xa lắc xa lơ. Lạ nước lạ cái mà tìm được người yêu
Chàng có vẻ phấn khích hơn đến độ chàng không ngáp vặt nữa. Bật lửa châm thuốc chàng rít một hơi
khá sâu.
- Ô anh hút cả thuốc kia à. Mới phải không?
- Chính vì cô ấy mà anh hút thuốc đấy.
- Thế á? Lạ nhỉ!
Nàng tỏ ra tò mò. Đôi môi nét cong lên.
- Hôm anh với chú anh đi kí hợp đồng với công ty của cô ấy. Sau khi mọi việc xong xuôi. Tất cả kéo nhau ra ăn ở nhà hàng ở bãi biển Thanh Thanh. Em đã vào Đà Nẵng bao giờ chưa?
- Chưa. Bố em bảo kì này bố em đi hội thảo âm nhạc cổ truyền ở miền Trung nếu em rảnh bố em sẽ bảo ban tổ chức gửi giấy mời em đi cùng với bố.
- Em nên vào. Bãi biển ấy đẹp tuyệt vời. Gió biển thổi lồng lộng. Người nóng mấy cũng không ra mồ hôi. Nước biển xanh biếc. Bãi cát mênh mông, trắng xóa. Chà chà, hôm ấy L mặc váy tím. Thế mới nổi chứ.
- Những người thích màu tím là thâm trầm và kín tiếng lắm đấy.
- Em nhầm. L lại rất sôi nổi, có thể nói rất máu là khác. Thấy cả bàn tiệc chỉ có mình anh không hút, cô ấy đến gần nói nhỏ một câu mà sau đó khiến anh rút điếu thuốc ra châm lửa ngay. Hút xong làm ngụm rượu mới thấy hút thuốc uống rượu sướng thật.
- Câu gì mà ghê thế?
- Cô ấy bảo: "Con trai, nhất là những người có khuôn mặt như anh mà không có điếu thuốc trên môi thì có vẻ thiếu thiếu thế nào ấy".
- Kinh. Sặc giọng tâm lý chiến. Cứ y như tiếp thị cho hãng thuốc lá nào đấy.
- Phải nói là L rất thông minh. Tiếng Anh thì khỏi phải bàn. Mấy thằng Tây cứ đến chạm cốc lia lịa nhưng L thỉnh thoảng lại nhìn anh. Anh có cảm giác L rất muốn tìm dịp đến gần anh. Lúc đến gần cô ấy lại nói nhỏ: "Con trai Hà Nội có khác. Hơn cả dân Tây. Em không chịu được mùi tỏi và mùi hành sống ở họ. Còn anh thì..." Em buồn ngủ đấy à?
- Không anh cứ kể đi. Đúng là cô nàng thích
anh thật.
- Anh cũng cảm thấy thế. Vì sau đó L rủ anh đi vũ trường. Cô ấy nhảy quá tuyệt. Quả là anh chưa thấy ai có bước nhảy quyến rũ như L.
Ngẩng mặt nhìn ra vòm cây sẫm màu đen kịt, rít một hơi thuốc. Đầu chàng gật gật.
- Mới quen nhau vậy mà xa cô ấy anh cảm thấy nhớ. Lạ thật đấy. Em sao thế?
- Không sao đâu. Tự nhiên em thấy đau đầu.
Chắc là lúc trưa em đứng ở ban công. Mà trời hôm nay lạnh quá.
- Em chịu rét kém thật. Tối nay còn ấm hơn hôm qua nhiều.
4. Mẹ K ra viện được ba hôm thì chàng bay vào Đà Nẵng. Chuyến của chàng bay trước chuyến bay của đoàn hội thảo Bộ Văn hóa trong đó có bố con M gần ngày rưỡi. Có lẽ để cho L bất ngờ nên K không gọi điện. Chàng đã dự tính ngay giờ của chuyến bay làm sao bay vào thì vừa lúc hết giờ làm việc của L. Chàng không muốn đến cơ quan của L vì khuôn mặt của tay hình như trưởng phòng của cô ấy có cái gì làm K không thích. Một khuôn mặt khô, cằm nhọn, da sạm điển hình đàn ông trong ấy. Nhất là hai con mắt gã gườm gườm nhìn K đầy ác ý. Phòng nàng lại ở tận trên tầng sáu. Ở Hà Nội gọi là tầng bảy. Ca bin thang máy của cơ quan cô ấy lúc nào cũng đông người. Chờ đến mệt. Mà chưa chắc L đã ở cơ quan. L bảo "Trong giờ làm việc em hay phải đi lắm. Nếu vào thì phôn cho em". Tốt nhất là hết giờ làm việc. K mường tượng. Sau khi vứt đồ đạc ở chỗ của ông chú chàng sẽ đi tắc xi đến nhà nàng. Một căn nhà hai tầng, tường bê tông rửa màu xám kề sát ngay bên hông chợ Tam giác. Nhà nàng có một khu vườn nho nhỏ. Khu vườn nổi lên cây vú sữa to. Lá xanh bóng. Quả cũng xanh bóng đu đưa bên hàng rào dây thép mắt cáo. Liếc nhìn đồng hồ to tướng treo ở sân bay, K mừng vì hai chiếc kim to hình mũi tên so le nhau chỉ năm giờ mười lăm chiều. Ngồi trên tắc xi rồi, chàng có vẻ bồn chồn. Giờ này L đã rời cơ quan được hơn nửa tiếng. Có thể cô ấy đã tắm rửa. Hôm tiễn chàng ra sân bay quay lại Hà Nội, L bảo: "Anh quay vào sớm nhé. Còn bây giờ em về chui vào buồng tắm. Hôm nào cũng vậy, tan giờ làm, về đến nhà việc thích nhất là lao vào nhà tắm. Đứng dưới vòi nước mát lạnh, em thấy mọi sự vướng víu như trôi đi. Thân thể thật tinh khiết". Từ sân bay đến nhà L ít nhất cũng phải hơn nửa tiếng. Vậy tức là gần bảy giờ tối. Đến thẳng không rẽ vào chỗ chú nữa. Chàng sẽ xin phép bố mẹ nàng đưa nàng đi ăn hải sản ở một nhà hàng trên bãi biển Thanh Thanh. Gió lồng lộng. Tiếng sóng vỗ ì oạp trong tiếng nhạc Trịnh, bài Nắng thủy tinh. "Màu nắng hay là màu mắt em". Giọng chênh vênh của cô ca sĩ như nói hộ chàng. Sau đó hai người sẽ đi về khách sạn Sông Hàn. Hôm qua mẹ đã dúi cho K hai mốt triệu. Từng ấy tiền K có thể ở khách sạn thoải mái mà không phải ở chỗ công ty ông chú thuê. Mẹ K còn dặn với theo: "Nếu thiếu con cứ vay chú, về mẹ giả". Đúng rồi, ở khách sạn cho tự do, L đến đỡ ngượng. Đường phố trôi vun vút. Rồi chậm dần. Căn nhà của L hiện ra. Cửa nhà khép kín. Hai cánh cổng bằng tôn hoa cũng đóng. K lơ đãng trả tiền tắc xi nhìn vào. Nỗi lo L không có nhà tan ra khi chàng nhìn thấy chiếc Vespa màu đỏ rực biển số đuôi 24 dựa dưới gốc cây vú sữa có quả xanh bóng đu đưa bên hàng rào dây thép mắt cáo. Đúng rồi, L có nhà. Cửa nhà và cổng không có khóa ngoài. Chú em nàng chắc tối nay có suất biểu diễn. K nhớ L bảo em nàng chơi trống trong dàn nhạc ở nhà văn hóa. Có khả năng đoàn ca múa của thành phố sẽ nhận, vì tay chơi trống của đoàn vừa bỏ việc đi đào vàng để trả nợ. Ba L chắc về quê ở Hòa Khánh. L bảo ở quê nhà L còn cả một trang trại có người đã trả bốn tỉ sáu, ba cô chưa bán. Chàng vui vui, đẩy nhẹ cổng, xách túi bước vào sân. Khi gần tới cửa nhà, chàng chuyển tay xốc túi một lần nữa. Vừa giơ tay lên định chạm vào quả đấm cửa thì chàng sững lại khi nghe trong nhà có tiếng rõ ràng của nàng đang vừa thở vừa nói:
- Kìa anh. Từ từ đã. Để em vào nhà tắm đã.
Người K càng đông cứng lại khi giọng đàn ông bèn bẹt cất lên:
- Ông già đi có lâu không?
- Yên tâm. Bạn ba em làm to lắm ở ngoài Hà Nội mới vào rủ ba em và mấy ông bạn thân ra ăn hải sản ở bãi Thanh Thanh rồi. Kìa. Ôm em chặt quá. Người gì mà khỏe vậy. Này nhớ kì này phải xếp em vào đoàn đi Pháp đấy. Chịu hôn?
- Anh đi thì em cũng đi. Chệch sao được.
Mặt chàng nóng rực, chàng giật mạnh cửa. Trong ánh đèn xanh mờ khuôn mặt tam giác với chiếc cằm nhọn của tay trưởng phòng hiện ra. Đôi mắt ti hí của gã căng hết sức. Tiếng ối thật to và hai mắt mở to hoảng hốt của L. Chàng nhận ra gã lao mạnh vào mình. Khi K chưa nhận ra điều gì thì cả thân người chàng bị bật ra cửa. K ngã sóng soài. Hàm cằm vuông phía dưới lún phún hàng râu đen kịt đập mạnh xuống đất, lộng óc. Chiếc xe Vespa màu đỏ ớt của nàng đổ đè lên chân K. Chàng thét lên một tiếng kinh khủng vì đau đớn. Vừa nhận ra màu xanh bóng của quả vú sữa đang đu đưa bên hàng rào dây thép mắt cáo thì K ngất lịm đi không biết gì nữa.
5. Khi mở mắt thì người đầu tiên chàng nhìn thấy là nàng. Chàng vừa định ngóc lên thì nàng đưa tay ra xua xua rồi bảo:
- Anh cứ nằm yên đi. Chân anh đang cần bất động.
- Sao lại thế?
Vừa hỏi chàng vừa nhìn xuống và rùng mình khi trông thấy chiếc chân của mình bị bó cứng trong màu trắng của bột. Chàng chợt hiểu ra tình cảnh của mình. Chàng nghẹn ngào, tay chờn vờn giơ lên, rồi tay chàng nóng rực nằm gọn trong bàn tay mát lạnh của chàng.
- Sao em lại biết anh ở đây?
- Anh cứ nằm nghỉ tĩnh dưỡng đi đã. Lúc nào khỏi hẵng hay. May là người ta đưa kịp anh đến chứ không thì. Mà thôi không sao đâu.
- Anh nhớ ra rồi. Em đi vào dự hội thảo với bố em đúng không?
- Bố em cùng đoàn bay ra để kịp đón một đoàn nhạc sĩ của Pháp.
- Thế em?
Nàng nhủm nhỉm cười:
- Nghe mẹ anh gọi cho em thế là không kịp lấy tài liệu hội nghị em vào bệnh viện luôn... Em xin lỗi. Bác sĩ gặp cháu ạ.
- Cô là vợ của bệnh nhân? Mời cô ra đây
- Dạ. Dạ.
Nàng cảm thấy mặt mình nóng bừng như đang ngồi cạnh chiếc quạt sưởi bố nàng mua mùa đông năm ngoái bằng một phần ba tiền nhuận bút bản hợp xướng năm chương phổ thơ nhà thơ bạn thân. Miệng nàng lúng búng.
Sau đó đâu như hơn năm tháng sau khi chàng ra viện thì chàng và nàng tổ chức lễ cưới. Trước hôm quyết định ngày cưới chàng thổn thức với nàng một câu giống như câu mẫu trong trường hợp tương tự: "Anh bây giờ mới nhận ra là đời anh không thể sống thiếu em". Bà nội chàng và hai bà mẹ mừng lắm. Bố chàng chưa làm thơ bao giờ vậy mà tự dưng bật ra bài thơ "Đường vòng tình yêu". Nhạc sĩ L bố nàng lập tức phổ nhạc. Không hiểu sao ca khúc trữ tình này ông lại lấy nhịp hành khúc hai bốn. Còn khi cặp vợ chồng K và N đã có hai con thì nàng bảo giá không vòng vèo như thế thì đỡ ít nhất bốn lần khứ hồi vé Hà Nội - Đà Nẵng, rồi viện phí tính bét nhất cũng hơn hai mươi triệu. Chàng nhếch chiếc cằm vuông giờ đã hoe hoe vài sợi râu chuyển màu phụt ra một câu như chân lý: "Nói chung để nhận ra tình yêu đích thực cũng phải qua thử thách". Ngay sau đó chàng mới chợt nhớ ra điều gì đấy cần hỏi. Chàng ghé vào tai vợ lầm nhầm mấy câu. Vợ chàng hơi cau mặt bảo: "Thằng cha ấy sau đó nói lăng nhăng lắm để chối tội, ả L thì tỏ ra ân hận. Hình như sau đó cả hai đều bị công ty ấy cho thôi việc thì phải".
Chàng vò điều thuốc đang hút ném xuống đất bảo khẽ: "Thôi thế cũng được. Chỉ tức định bỏ thuốc mấy lần mà không được".
- Thế là kém nghị lực chứ sao!
Nàng lẩm bẩm.
Ngày mồng 2 Tết - đến khai hạ 7 Tết Kỉ Sửu