Chương 46 Những cuộc gặp gỡ ven biển Tôi làm việc cho tờ báo hàng ngày: ở Ôđetxa Batum(1) và Matxcơva. Những năm đó là những năm làm xúc động cả đến những tâm hồn khô khan nhất. Những bộ quần áo đồng phục theo nghề nghiệp biến mất cùng với chúng, tưởng như cả cái chật hẹp của nghề nghiệp cũng biến nốt. Các thuyền trưởng đi viết truyện ngắn, các nhà văn đánh cá trong các tập đoàn, còn các chàng thủy thủ thì lên khuôn các tờ nhật báo.
Nhiều người trước kia không ai biết đến thì nay đã bắt đầu có tên tuổi một cách chững chạc. Họ từng đàn từng lũ bay quanh các tờ báo cũng như đàn chim bay quanh các ngọn hải đăng. Họ rất đông nhưng ở đây tôi chỉ hú họa hai người.
Nhà văn Ulianxki
Những tay xnốp(2) cũ rích (trong năm 1922 cũng có cả những anh chàng như thế đấy) nói rằng hoàng hôn ở Batum chẳng gì khác hoàng hôn ở vịnh Bănggan bên Ấn Độ, mặc dầu không có ai trong bọn họ đã có lần tới Ấn Độ. Công việc chính mà “xnốp” thích nhất là buôn lậu xakhanrin(3) và nịt đeo tất.
______________________________
1. Tỉnh này nay đổi là Batumi.
2. Loại người sống cố theo kịp “mốt” và bắt chước đám thượng lưu. Tiếng Anh: snob.
3. Đường hóa học.
Thực vậy, không có hoàng hôn nào lại giống những buổi hoàng hôn trong suốt và lộng lẫy của Batum, Ấn Độ đã rời đến Batum.
Sau khi đã ngắm chán mắt những buổi hoàng hôn Batum, Ulianxki tìm về ngủ trong những toa tàu rỗng. Vầng trăng rằm màu vàng đỏ trông như một quả cam khổng lồ nhô lên bên trên những đường ray.
Ánh trăng lọt qua những khe hở toa tàu, làm Ulianxki không sao chợp mắt được. Thêm vào đó, biển ồn ào bên cạnh, còn ở ngoài đường cái thì những chiếc acba(1) cứ rền rĩ như những ca sĩ đang cố ngân một nốt cao lạc giọng.
Xe acba chuyển động với vận tốc hai cây số một giờ, nhưng tiếng của nó lại vang xa ba cây số. Ulianxki tính rằng mỗi cái acba rền rĩ ít nhất cũng phải một tiếng đồng hồ. Đó là một hình phạt khắc nghiệt đối với thần kinh.
Ulianxki - cựu công nhân sắp chữ và người sửa bài cho tờ nhật báo Tin tức thương mại ở Pêterburg - vừa mới ở trại tù binh Đức trở về.
Danh hiệu “tù binh” trong thời gian nội chiến có cả cái ưu thế của nó và cái nguy hiểm của nó.
Trong thời gian đó tù binh dễ dàng qua lại những mặt trận nội địa. Mẩu băng nâu khâu vào tay áo lúc đó là một giấy thông hành có thể tin cậy. Nhưng bù vào đấy, không ai có thể bị coi là gián điệp nhiều hơn tù binh. Họa chăng chỉ có những khe núi và những cánh đồng cỏ Ukraina mới biết được con số tù binh bị giết bởi tay bọn bạch vệ, quân lính của Petliura(2) và bọn cướp Makhnô.
Ulianxki đã luồn lách qua các cơ quan phản gián, những lần ______________________________
1. Xe chở đồ bốn bánh thường dùng ở miền Nam Liên Xô.
2. Một thủ lĩnh phản cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ.
xử bắn và những cuộc chém giết dã man, lần mò về được với Batum để nằm vật ra ở đó vì kiệt sức.
Bò lết từ toa chở hàng này đến toa chở hàng khác, người Ulianxki lúc thì sặc mùi than đá, lúc thì mùi phấn, lúc thì mùi gỉ sắt. Ban ngày, những người đàn bà Thổ giàu lòng thương người ở các phố xá gần bờ biển cho anh ăn. Đôi khi anh mang xách hành lý cho hành khách xuống tàu. Vì chuyện đó mà một tên thủy thủ người Hy Lạp có lần đã đánh anh.
Cuối cùng Ulianxki mò tới công đoàn thủy thủ yêu cầu được giúp đỡ và bất ngờ anh đã tìm ra cái cánh cửa nứt nẻ với mảnh giấy ghi chữ: “Tòa soạn nhật báo hàng hải Cây đèn biển”.
Ulianxki bước vào. Trong tòa soạn mọi người đang ngồi nhai bánh mì khô cứng với xúc xích.
Người ta cho Ulianxki một mẩu xúc xích, một cốc nước chè và năm rúp tạm ứng nhuận bút cho bài bút ký mà anh hứa sẽ viết. Cho đến ngày ấy suốt đời Ulianxki chưa từng viết lấy một dòng chữ, trừ vài lá thư.
Anh dằn lòng không dám nghĩ đến chuyện lấy năm rúp rồi chuồn và mặc kệ bài bút ký. Bài báo anh phải viết ngay. Công việc đó thực là gian nan và dễ sợ.
Ngày hôm sau, Ulianxki mang đến tòa soạn một bản thảo quái gở, viết bằng bút chì cứng giữa các dòng trong những trang xé ra từ một cuốn sách nhi đồng.
Đồng chí chủ bút đưa giấy cho Ulianxki và bắt anh chép lại bài bút ký. Ulianxki trong khi chép lại, vụng trộm kéo miếng xúc xích trên bàn xuống và giấu vào trong túi.
Đồng chí chủ bút đọc xong bài bút ký, chăm chú nhìn Ulianxki rồi nói:
- Anh hãy nói thực đi, anh là ai?
Ulianxki hoảng sợ, anh chưa từng phạm tội, trừ việc đánh cắp miếng xúc xích, cuộc sống vô gia cư và diện mạo khả nghi. Vì thế anh im lặng.
- Anh đã đọc Kuprin(1) chưa? - Ông chủ bút hỏi.
- Đã.
- Bài này anh viết còn hay hơn cả Kuprin!
Tờ báo hàng hải “Cây đèn biển” đẹp hẳn lên vì bài bút ký của Ulianxki. Anh đã tả một chuyện bình thường: chiếc tàu Anh “Skôtis Menextrel” lúc đó đang đậu ở bến.
Tả con tàu đó, Ulianxki đã vẽ ra cả bộ hài cốt kinh khủng của nước Anh. Những chiếc áo choàng láng cao su của các sĩ quan lạnh lùng và vênh váo giống như cái lối dương dương tự đắc của nước Anh. Cái gáy đỏ rực màu máu của thuyền trưởng gợi nhớ đến chính sách thực dân. Con tàu là một mẩu nước Anh tràn ngập sự hằn học Thiên chúa giáo và những chân lý kiệt quệ. Nó làm người ta buồn nôn.
Trong khối óc mệt lử vì chiến tranh và thiếu thốn của Ulianxki đã hình thành một chất độc quý báu của văn trào phúng xã hội. Những chữ thoạt mới đọc tưởng chừng rất lành trong thực tế lại cứa sâu như những lưỡi dao cạo. Đó là sự trả thù tất cả những gì già cỗi và là bản lâm khốc tràn đầy niềm căm giận chính đáng.
Ít lâu sau, Ulianxki biến khỏi Batum. Năm năm sau đồng chí chủ bút báo “Cây đèn biển”, lúc đó ở Matxcơva nhận được một cuốn sách dày gửi bằng đường bưu điện. Trên bìa sách in tên Ulianxki. Cuốn sách gồm những truyện ngắn tuyệt hay, chúng giản dị và nặng nhọc như bước của một con người mệt mỏi.
Đồng chí chủ bút giữ cuốn sách như người ta giữ một món quà quý. Nhưng, tất nhiên, rồi người ta cũng thó mất của ông.
______________________________
1. Nhà văn nổi tiếng của nước Nga thế kỉ XIX - XX.
Sau đó ít lâu cuốn sách tuyệt mĩ thứ hai của Ulianxki dưới đầu đề “Chiếc áo vét tông tơi tả” ra đời.
Ulianxki bước vào văn học không hấp tấp, vừa đi vừa tích lũy thêm những tháng ngày lưu lạc. Trong cuộc sống vô gia cư của anh, anh tìm thấy chất liệu cho những truyện ngắn và phải nói rằng trong giới nhà văn không ai dám làm như anh. Ulianxki bắt cuộc sống nắm lấy cổ họng anh và không phải nắm đùa đâu, mà là nắm thực sự.
Ký giả Lôvengarđơ
Trước cách mạng,ký giả Lôvengarđơ ở Ôđetxa giữ cái mục gọi là “tin cảnh sát”. Đó là số phận của những nhà báo bất tài và nhút nhát.
Những ký giả của sở cảnh sát có truyền thống riêng của họ và bút pháp riêng của họ. Họ viết đại loại thế này: “Trong địa phận Đệ nhị phân khu đã tìm thấy một người lạ mặt bị một vết thương rách miệng, ở gan bàn chân trái. Người lạ mặt tự xưng là Apôlôn Gavriliađi”.
Khi thư ký tòa soạn hỏi xem liệu có người nào mà gan bàn chân không ở chân mà ở trên một bộ phận nào khác của cơ thể không và tại sao lại gọi Gavriliađi là người lạ mặt thì những nhà viết tin thời sự cảnh sát chỉ bối rối nín lặng. Thư ký tòa soạn bèn quẳng những mẩu tin của họ vào sọt rác.
Các ký giả cảnh sát thích đặt những đầu đề nghịch ngợm rẻ tiền. Trên mẩu tin viết về một thiếu phụ đẻ rơi ngay trên “chuồng gà”(1) rạp xiếc, họ liều mạng hạ luôn đầu đề: “Cô nàng đã tìm được một chỗ hết sảy” hoặc bên trên mẩu tin về một gia đình bị ngộ độc chết cả nhà vì ăn cá, thì họ lại viết: “Thèm cá quá đi mất!”.
______________________________
1. “Chuồng gà” - ghế ngồi rẻ tiền ở trên cao, xa vũ đài.
Những ký giả nọ là những người hết sức nhẫn nhục(1) mục tiêu của những lời giễu cợt sâu cay và đầu đề của những thiên giai thoại.
Lôvengarđơ giống nhà triết học Káclây, - ông cũng là một ông già tóc bạc, cao lớn, với đôi mắt màu da trời. Lôvengarđơ kín tiếng chỉ vì ông chủ nói ngọng một cách kinh khủng.
Những ông già như thế người ta thường gặp nhiều hơn hết ngoài đại lộ. Họ ngủ gà ngủ gật ngoài nắng, những ngón tay khô xác tì trên những chiếc ba toong cũ kỹ. Trẻ em nô đùa quanh họ.
Lôvengarđơ là một người cô độc, nghèo khổ và tốt bụng. Tiền ông kiếm được hết sức ít ỏi. Ông hờ hững đối với những vụ án cảnh sát. Ông tìm những vụ đó trong những tờ biên bản viết bằng lối chữ nguệch ngoạc nhưng mệt mỏi của những viên thư ký. Sự kiện cũng giới hạn: những vụ ăn trộm, giết người, những đám cháy nhà, những vụ biển lận và những tai nạn. Năm công thức, năm khuôn sáo chán ngấy. Trong thâm tâm Lôvengarđơ vẫn thường ngạc nhiên, không hiểu tại sao người ta trả tiền cho cái sự đáng ngán ấy.
Cứ như thế cho đến Cách mạng. Tháng Năm năm 1921. Lôvengarđơ ra phố. Bà già bán báo, bạn của Lôvengarđơ đứng bên quán cà phê Pôbin ngày trước và rao khe khẽ:
- Báo “Người thủy thủ!” “Người thủy thủ!” báo ơ!
Tên tờ báo làm ông ngạc nhiên. Lôvengarđơ mua một tờ báo màu hồng in trên mặt trái giấy bọc bưu kiện và tim ông se lại. Đó chính là cái mà ông chờ đợi. Đó là tờ “Người thủy thủ” - cơ quan của những người thủy thủ Hắc Hải và biển Azốp.
Bên trên dòng tên báo, Lôvengarđơ thấy một khẩu hiệu “Vô ______________________________
1. Nguyên văn: những con dê, thành ngữ Nga chỉ ý trên.
sản các biển, liên hiệp lại!” và vội vã tới tòa soạn tờ báo mới ra, vừa đi vừa khép đôi vạt áo bành tô đã mất hết khuy. Lúc đó là đầu xuân, những cơn gió mặc dầu nhuốm nắng, nhưng ẩm ướt, từ phương Bắc thổi về.
Lôvengarđơ bắt đầu làm việc ở tờ báo “Người thủy thủ”. Ông hoàn toàn trung thành với biển. Ông bằng lòng làm việc không ăn lương cho tờ báo, miễn là người ta giao cho ông trách nhiệm phục vụ cảng.
Ở cảng, ông biết từng bến đỗ bằng gang. Ông quen hết thảy những người gác cảng. Ông kể lại rằng từ thuở còn thơ cảng Ôđetxa đã là mối tình duy nhất của ông.
Lúc nào rỗi ông lang thang ngoài cảng. Cảng đối với ông là cả thế giới. Nó gợi lên những dòng tình cảm riêng biệt, kích thích(1) trí tưởng tượng, ồn ào những chân vịt và lấp lánh ánh vàng những ống khói tàu.
Lôvengarđơ mang đến tòa soạn những mẩu tin viết bằng những chữ to tướng như chữ trẻ con về những con tàu cập bến. Ông khoái những tên tàu và ghi những tên đó vào một cuốn sổ riêng.
Tôi đã được biết qua cuốn sổ tay của ông. Bên cạnh tàu “Đuymông Đuyêcvin” là tàu “Ginbe” và bên “KedEllen” là chiếc thuyền buồm “Ba anh em”.
Như một đứa trẻ và một người rừng, Lôvengarđơ coi những con tàu như những con vật có hồn. Ông nói rằng Đuymông Đuyêcvin là một con tàu có thân hình cân đối và tính tình nông nổi chỉ vì sự bất cẩn của những tay thợ đốt lò mà trở thành đen đủi.
Ông già nghèo khổ ấy đã chất lên chung quanh những con tàu không biết bao nhiêu sự kiện không người nào biết đến, không biết bao nhiêu chuyện bịa đặt và mối lo âu, đến nỗi cuối ______________________________
1. Nguyên văn: quấy rầy.
cùng ông đã làm cho cả tòa soạn lây bệnh của ông. Cuộc đời mà không có những con tàu, đối với chúng tôi, tưởng như mất ý nghĩa. Lôvengarđơ cả quyết rằng biển cách mạng con người còn hải cảng là hiện thân cho sự giàu có và tự do.
Lôvengarđơ qua đời vào một mùa đông, khi sương mù và gió xám đang ngự trị trên Ôđetxa. Ông xách một xô nước về phòng mình trên gác ba, ngã xuống và chết, không kịp nói, không kịp kêu lên một tiếng. Chỉ có tiếng xô nước ầm ầm lăn trên bậc thang báo tin cho những người trú ngụ trong ngôi nhà tồi tàn nọ biết cái chết của ông già kỳ quặc Lôvengarđơ.
Trong phòng Lôvengarđơ, người ta thấy một chiếc giường với một chiếc nệm đã cũ đến nỗi trở thành mỏng dính(1) một chiếc ghế, một chiếc bàn nhà bếp trống rỗng và chiếc áo mưa cũ móc vào một cái đinh. Trong ngăn bàn người ta tìm thấy những quyển vở: đó là những phác thảo của một cuốn sách chưa được viết ra.
Lôvengarđơ đã thu thập tài liệu và làm phác thảo cho một cuốn sách lớn: “Hải cảng Ôđetxa” trong hai mươi năm ròng. Thậm chí ông chưa bắt đầu viết cuốn đó.
Tôi đọc những phác thảo của ông. Khi tôi mới bắt đầu đọc, những bản thảo ấy xông lên mùi thuốc lá và mùi của tuổi già, nhưng khi đọc xong thì hương gió, hương của biển và hoa trinh nữ tưởng như tràn ngập căn phòng ẩm thấp, nơi ông già qua đời, cái ông già giống nhà triết học Káclây đang nằm trên giường.
Trong những ghi chép của ông. Lôvengarđơ viết về những con tàu, phân loại hàng hóa, những cơn gió, những ngọn lửa hải đăng, những mùa xuân, về sự đóng băng của vịnh Ôđetxa, về những trái cam Métxin, than đá, những trái dưa hấu, lúa mì ______________________________
1. Nguyên văn: thành vải sa.
và rượu vang, như thể ta đang cầm trên tay những trái cam và ngửi chúng hoặc đang nếm loại rượu vang đậm đặc. Vượt lên trên tất cả, cuốn sách không thực hiện được của ông, phải ngự trị một ánh nắng điên cuồng của Ôđetxa, ánh nắng chua chát và đầy hắc ín do mùi của những boong tàu.
Ngày đưa đám ông xám xịt và đáng ngán. Các ký giả đi sau linh cữu. Họ kể cho nhau nghe những giai thoại chính trị sốt dẻo. Thỉnh thoảng những ý nghĩ của họ lại trở về với Lôvengarđơ trong chốc lát và họ hứa với nhau sẽ viết về ông. Nhất định phải viết! Nhưng viết về những ông già là một công việc bạc bẽo và tất nhiên, không ai viết về ông lấy một dòng.
1930
KIM ÂN dịch.