Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 6


Chương 6
Nghiên cứu bản đồ địa lý

Tại Mátxcơva tôi kiếm được một tấm bản đồ chi tiết biển Kaxpi và lang thang rất lâu (tất nhiên là trong tưởng tượng) trên những bờ đông khô cạn của nó.

Từ khi còn nhỏ tôi đã ham mê những bản đồ địa lý. Tôi có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ liền với những tấm bản đồ như đọc một cuốn sách hay.

Tôi nghiên cứu dòng chảy của những con sông chưa bao giờ biết tới, những bờ biển kỳ cục,đi sâu vào rừng Taiga, nơi những trạm không tên tuổi chuyên mua da lông thú của những người đi săn được đánh dấu bằng những vòng tròn tí xíu, hoặc nhắc đi nhắc lại những tên đất kêu như những vần thơ: Quả cầu Iugor, quần đảo Ebriđơ, Guađarama và Invécnétxơ, Onhêga và Koócđie.



Dần dần tất cả những vùng đất đó sống dậy trong trí tưởng tượng của tôi rõ rệt đến nỗi tôi tưởng có thể viết nổi những cuốn nhật ký hành trình bịa đặt qua các lục địa và các xứ sở khác nhau.

Đến cha tôi là người vốn có đầu óc lãng mạn cũng không bằng lòng cái lối say mê bản đồ một cách thái quá ấy của tôi.

Người nói rằng điều đó rồi sẽ mang lại cho tôi nhiều thất vọng.

- Nếu đời con sau này khấm khá - cha tôi nói, - và con có khả năng đi du lịch thì rồi con cũng sẽ chỉ kiếm cho mình độc những nỗi buồn phiền mà thôi. Con sẽ nhìn thấy những điều khác hẳn con tưởng tượng. Thí dụ như con sẽ thấy nước Mêhicô là một nước bụi bặm và nghèo khổ, còn bầu trời xích đạo thì xám xịt và đáng ngán.

Tôi không tin cha tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng rằng bầu trời xích đạo có một lúc nào đó lại có màu xám xịt. Theo tôi nó sẫm đến nỗi tuyết trên núi Kalimangiarô cũng nhuốm màu xanh chàm của nó.

Dù sao mặc lòng tôi vẫn không bỏ cái thứ đó. Sau này khi đã trưởng thành, tôi mới thấy rõ ràng là cha tôi đã nói không đúng cho lắm.

Chẳng hạn, khi đến Krưm lần đầu (trước đó tôi đã nghiên cứu cả chiều ngang lẫn chiều dọc trên bản đồ), tất nhiên tôi thấy nó khác hẳn điều tôi đã nghĩ trước kia.

Nhưng cái hình dung trước kia của tôi về vùng này đã làm cho tôi nhìn nó một cách sâu sắc hơn là tôi chỉ tới Krưm mà chưa biết gì về nó.

Cứ mỗi bước đi tôi lại gặp cái mà trí tưởng tượng của tôi chưa hề nghĩ đến và những nét mới đó của Krưm đặc biệt làm tôi nhớ rất lâu.

Tôi cho rằng điều khẳng định đó đúng cả với các địa phương và những con người.

Chẳng hạn, mỗi người hình dung Gôgôn theo cách của họ. Nhưng nếu như ta gặp Gôgôn trong cuộc đời thì ta sẽ nhận ra rất nhiều nét không giống như ta hình dung về ông. Nhưng chính những nét đó sẽ hằn sâu và sống động trong trí nhớ của ta.

Nhưng nếu như ta không có cái hình dung từ trước ấy thì có thể chúng ta sẽ không nhận ra được nhiều nét ở ông và đối với ta, Gôgôn sẽ là một người hết sức bình thường.

Chúng ta đã quen hình dung Gôgôn là một người sầu não, đa nghi và phớt đời. Chính vì thế mà chúng ta nhận ra ngay những gì khác hẳn với cái ta hình dung về ông: đôi mắt sáng lấp lánh, tính hoạt bát, thậm chí hơi lăng xăng, cái miệng hơi cười, sự ăn vận duyên dáng và cái giọng nói nặng thổ âm Ukraina.

Tôi không biết làm thế nào để diễn đạt được những ý nghĩ ấy cho thật có sức thuyết phục, nhưng tôi cho rằng đúng như thấy đấy.

Thói quen lang thang trên các bản đồ và nhìn thấy trong tưởng tượng những vùng đất khác nhau giúp tôi thấy chúng một cách đúng đắn trong thực tế.

Ở những vùng đó bao giờ cũng còn lại một cái gì như là dấu vết mờ nhạt của trí tưởng tượng của anh, như một màu sắc, một ánh lấp lánh mới có thêm một làn khói nhẹ nào đó nó không cho phép anh nhìn chúng bằng cặp mắt ngán ngẩm.

Thế là ở Mátxcơva tôi đã lang thang trên những bờ Kaxpi sầu tư và đồng thời đọc rất nhiều sách, nhiều báo cáo khoa học và tất cả những bài thơ về sa mạc. Nghĩa là hầu hết những gì tôi có thể tìm thấy trong thư viện Lênin.

Tôi đọc Prơgiêvanxki và Anutsin, Xven Ghêđin và Vanberi, Max-Gagam và Grum-Grơgimailô, nhật ký của Séptsenkô ở Magưslak, lịch sử Khiva và Bukhara, những báo cáo của trung úy Butakốp, những công trình của nhà thám hiểm Karêlin, tài liệu thăm dò địa chất và thơ của các thi sĩ A Rập.

Một thế giới huy hoàng của lòng ham hiểu biết của con người và của kiến thức mở ra trước mắt tôi.

*

* *

Đã đến lúc cần phải đi Kaxpi, tới KaraBugaz nhưng tôi lại chẳng có tiền.

Tôi tới một nhà xuất bản và đề nghị ông giám đốc - một người đàn ông tóc bạc và đáng ngán - ký với tôi hợp đồng cuốn sách về vịnh KaraBugaz. Ông giám đốc uể oải nghe tôi rồi nói:

- Chẳng lẽ ông đã đánh mất hết hoặc không có lấy một ý niệm nào về hiện thực Xôviết hay sao mà lại đi đề nghị với nhà xuất bản một cuốn sách như thế?

- Tại sao vậy?

- Trong cái vịnh của ông ấy, người ta đang khai thác muối Glaobe. Không có lẽ ông thật sự định viết một cuốn tiểu thuyết về thuốc xổ? Hay ông định giễu tôi? Ông nghĩ thế nào... ông tưởng bọn ngốc làm nghề xuất bản sẽ bỏ ra dù chỉ một trinh cho cái dự định lố lăng ấy ư?

Tôi phải vất vả lắm mới kiếm được tiền ở một nơi khác.

Tôi đáp tàu đi Xaratốp, rồi từ đó xuôi sông Vônga tới Axtơrakhan. Đến đấy tôi phải nằm lại. Số tiền ít ỏi của tôi đã hết và để đi tiếp, ở Axtơrakhan tôi phải viết mấy bài ký cho tạp chí “Ba mươi ngày” và một tờ nhật báo của Axtơrakhan.

Để có tài liệu viết những bài ký đó tôi đi vào miền thảo nguyên Axtơrakhan và tới sông Emba. Những chuyến đi đó đã giúp tôi viết cuốn sách về KaraBugaz.

Tôi đi bằng đường biển Kaxpi dọc theo những bờ biển rậm rịt lau sậy để tới Emba. Cái tàu thủy cũ kỹ chạy guồng mang một cái tên lạ: “Hêliôtơrốp”. Giống như trên mọi tàu thủy cũ, tàu này có rất nhiều đồng đỏ. Tay vịn, địa bàn, ống nhòm, mọi thứ máy móc, cả đến bậc cửa cao của các cabin cũng đều bằng đồng. Tàu “Hêliôtơrốp” trông giống như một cái ấm xamôva to bụng được đánh bóng loáng bằng gạch đang bốc khói và bập bềnh trên những đợt sóng thấp của một biển nông.

Những con hải báo nằm ngửa trong nước ấm như những người đi tắm biển. Thỉnh thoảng chúng lười biếng ve vẩy những cái thân bơi béo mập.

Trên những bến nổi của vạn chài, những cô gái răng trắng mặc quần áo xanh thủy thủ huýt sáo và tươi cười nhìn theo tàu “Hêliôtơrốp”, má cô nào cô ấy đầy vẩy cá.

Những đám mây trắng và những hòn đảo cát trắng soi mình trong làn nước bóng loáng, làm nhiều khi không phân biệt được đâu là mây, đâu là đảo nữa.

Khói than làm bằng phân bò đóng bánh nhẹ và mỏng bay trên thị trấn Guriép. Tôi đi Emba trên chuyến tàu chạy động cơ vừa mới bắt đầu hoạt động, qua một thảo nguyên khô cằn.

Ở thị trấn Đôtxorơ trên sông Emba, những tháp dầu thở phì phò giữa những hồ nước hồng tươi phảng phất mùi nước dưa. Cửa sổ các nhà đều không có kính. Người ta thay kính bằng những miếng lưới thép mau mắt. Bên ngoài những lưới thép ấy côn trùng bám đặc làm cho trong nhà tối xầm.

Ở Emba, tôi chúi đầu vào công việc sản xuất dầu hỏa, vào những câu chuyện về “những vòm muối”, về việc thăm dò trên sa mạc, về dầu hỏa nặng và dầu hỏa nhẹ, về đầm nước mặn có dầu nổi tiếng Marakaibô ở Vênêxuyêla, nơi những kỹ sư tỉnh Emba thường tới thực tập.

Ngay trước mắt tôi một kỹ sư bị nhện độc cắn. Ngày hôm sau ông ta chết.

Miền Trung Á đặc biệt oi bức. Đêm đêm sao sáng qua màn bụi cát. Những bà lão kazak mặc quần rộng và ngắn bằng vải thô có những hình sặc sỡ đi lại trong các phố. Trên màu vải hồng in rối rắm hình hoa mao lương đen và những lá xanh.

Nhưng sau mỗi chuyến đi tôi lại lần về Axtơrakhan, về ngôi nhà gỗ nhỏ của một nhà báo địa phương. Ông ta lôi tôi về ở với mình và tôi đã quen ở đấy.

Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm bên bờ con sông đào Vácvaxiép trong một khu vườn nhỏ. Trong vườn hoa kim liên mọc thành đống.

Tôi viết những bài bút ký trong lều nghỉ chân bé xíu, chỉ vừa đủ cho một người. Tôi ngủ luôn ở đó.

Bà vợ của nhà báo, một thiếu phụ trẻ ốm yếu nhưng niềm nở, suốt ngày khóc thầm trong bếp, vừa khóc vừa xếp đi xếp lại những chiếc áo trẻ con. Cách đây hai tháng, bà mất đứa con trai mới sinh.

Từ Axtơrakhan tôi đi Makhatsơ-Kala, Baku và Kranxnôvôtxkơ. Tất cả những chuyện tiếp sau tôi đã tả trong KaraBugaz.

Tôi trở về Mátxcơva, nhưng vài ngày sau công việc của người phóng viên lại buộc tôi phải xuống miền Bắc, tới Bêrôznhiki và Xôlikamxkơ.

Rời cái nóng ghê gớm của châu Á, tôi lại rơi vào xứ xở của những rừng vân sam tăm tối, những đầm lầy, những ngọn núi rêu phong và mùa đông đến sớm.

Ở đó tôi bắt đầu viết KaraBugaz trong một khách sạn tại Xôlikhamxkơ. Khách sạn đặt trong một tòa nhà trước kia là nhà dòng. Gian phòng tôi ở xây cuốn, lạnh buốt. Ngoài tôi ra còn có ba kỹ sư hóa chất: một người đàn ông và hai người đàn bà. Họ sống như ở ngoài mặt trận. Ba kỹ sư làm việc ở mỏ ka-li Xôlikhamxkơ.

Trong khách sạn sặc mùi trầm, mùi bánh mì và da thuộc, mùi của thế kỷ XVII. Đêm đêm, những người gác mặc áo choàng lông điểm giờ bằng cách đánh vào những thanh gang. Trong ánh sáng mờ mờ của tuyết nổi bật lên những ngôi nhà thờ trát gạch cao, từ thời kỳ trị vì của “họ Xtơrôganốp”.

Ở đây không có gì nhắc tôi nhớ đến châu Á và vì thế, không hiểu sao, tôi viết thấy dễ hơn.

Đấy là lịch sử rất ngắn, kể một cách hấp tấp của cuốn KaraBugaz. Không thể nào kể hết được, dù chỉ đơn giản kê ra tất cả những cuộc gặp gỡ, những cuộc nói chuyện và những việc xảy ra dọc đường.

Tất nhiên, các bạn nhận thấy rằng chỉ có một phần - mà phần ấy là phần nhỏ - tài liệu thu lượm đã được dùng trong tác phẩm. Phần lớn những tài liệu ấy còn nằm ngoài lề cuốn truyện.

Nhưng cũng chẳng có gì đáng tiếc. Tài liệu ấy bất cứ lúc nào cũng có thể được tái sinh trên những trang của một cuốn sách mới.

*

* *

Tôi viết KaraBugaz và không nghĩ tới việc xếp sắp tài liệu sao cho đúng. Tôi xếp nó theo trình tự tài liệu được gom góm lại mỗi lúc một nhiều trong chuyến đi trên vùng bờ biển Kaxpi.

Sau khi KaraBugaz ra đời, các nhà phê bình tìm thấy trong truyện dài ấy “bố cục theo hình xoáy ốc” và rất khoái phát hiện đó. Nhưng trong việc này cả óc tôi, cả tim tôi đều không cố tình làm ra như thế.

Khi viết KaraBugaz chủ yếu tôi nghĩ rằng có thể dùng cái âm hưởng trữ tình và anh dũng bổ sung cho nhiều cái trong đời sống của chúng ta có thể diễn đạt một cách đẹp đẽ và chính xác. Dù cho đó là cuốn truyện dài về muối Glaobe hay về công trình xây dựng nhà máy giấy ở những khu rừng phương Bắc.

Tất cả những cái đó có thể tác động mạnh mẽ vào tâm hồn nhiều người, nhưng với một điều kiện không có không được là người viết những truyện ấy phải hướng tới sự thật, tin tưởng vào sức mạnh của trí tuệ, vào quyền lực đáng tin cậy của trái tim và phải yêu mến đất đai.

Mới đây tôi có đọc thơ của Antôkônxki và tìm thấy trong đó hai đoạn rất tốt có sức truyền đạt trạng thái say mê cuộc sống của trái tim người. Trái tim đó không thể không nghe mà phải nghe thấy.

Cả tiếng vĩ cầm rền rĩ xa xa

Cảm trước thấy mùa xuân đang tới

Cả tiếng vọng tơ đàn, rơi rơi

Những giọt nước reo trong yên lặng.

Khúc nhạc ấy đất trời - ta tặng,

Đất trời ta, bao thế kỷ rồi

Vẫn vĩnh cửu, vĩnh hằng trong sáng

Vẫn mãi mãi làm vui cho người...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86781


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận