Chương 25 Trái tim nhút nhát Bà Vácvara Iakôplepna, nữ y sĩ của viện điều dưỡng lão, không chỉ nhút nhát trước các giáo sư mà cả với bệnh nhân. Bệnh nhân của bà hầu hết là dân Matxcơva - những người hay đòi hỏi và không chịu nằm yên. Họ bực bội vì nóng, vì khu vườn bụi bặm của viện, vì thủ tục điều trị, nói tóm lại, vì mọi chuyện.
Cũng do bản tính nhút nhát mà vừa mới về hưu bà Vácvara đã dọn ngay ra ở ngoại ô, trong khu Karantin. Bà tậu một ngôi nhà nhỏ mái ngói, và náu mình trong đó trốn cái ồn ào và sặc sỡ của phố phường duyên hải. Bà cũng chẳng thiết gì cái không khí nhộn nhịp của miền Nam, âm nhạc khàn khàn của những loa phóng thanh, những tiệm ăn sực nức mùi cừu chiên, những chuyến ô tô buýt, tiếng sỏi lạo sạo dưới bước chân những người đi dạo.
Ở Karantin, nhà nào nhà nấy sạch bong, yên lặng. Trong những mảnh vườn nhỏ có mùi lá cà chua bị hun nóng và mùi khổ ngải. Khổ ngải mọc cả trên tường thành cổ bao quanh khu Karantin. Qua chỗ tường vỡ người ta đã có thể nhìn thấy mặt biển màu xanh đục và những hòn núi đá. Ông già Hy Lạp Xpirô, râu không bao giờ cạo, suốt ngày quanh quẩn lấy rổ xúc tôm bên những hòn núi đá ấy. Ông để nguyên cả quần áo mà lội xuống, lấy tay sờ soạt bên dưới những tảng đá rồi lại lên bờ ngồi nghỉ. Nước biển từ áo ngoài cũ kỹ của ông chảy xuống ròng ròng.
Bà Vácvara gửi gắm tình thương yêu duy nhất của mình ở đứa cháu mà bà nuôi nấng, dạy dỗ, đứa con trai của em gái bà đã khuất: thằng Vani Gêraximóp.
Tất nhiên, bà Vácvara phải là một người nuôi trẻ vụng. Vì thế ông hàng xóm cùng ở chung một thửa đất, ông Êgo Pêtrôvich Vêđenxki, một nhà giáo trước kia dạy môn vạn vật, hoặc môn “lịch sử giới tự nhiên” như ông thường nói, hay cằn nhằn bà. Sáng nào ông cũng đi ủng ra vườn tưới cà chua. Ông soi mói nhìn từng khóm cây sù sì và nếu thấy một cành gãy hoặc một quả cà chua xanh lăn lóc giữa đường thì thế nào ông cũng hầm hè chửi rủa lũ nhóc hàng xóm.
Bà Vácvara lúi húi trong bếp và nghe tiếng hô hoán giận dữ của ông láng giềng là đã sợ thất thần. Bà biết ông Êgo lại sắp sửa gọi bà ra mà bảo rằng thằng Vania lại phá vườn ông, rằng nuôi trẻ như bà thì nên giao con cho công an để họ tống vào trại cải tạo lao động còn hơn. Thằng Vania nghịch gì ư? Nó lấy hộp sắt tây cắt thành những cánh quạt rồi dùng một cái ống và một sợi dây phóng lên không và những mảnh sắt tây ấy vù vù bay vào vườn nhà ông, làm gẫy cà chua, đôi khi còn làm gẫy cả những khóm cúc vạn thọ và hoa từ bi nữa. Gớm chưa, nhà phát minh đấy! Xiôncốpxki(1)! Trẻ con phải dạy chúng đứng đắn, làm những việc hữu ích. Không thì chúng chỉ dầm nước đến phát ốm, chọc lão Xpirô, leo trèo trên tường thành. Không phải trẻ con nữa mà là một bầy khỉ. Thế mà đòi là học sinh Xô viết!
Bà Vácvara chỉ nín lặng. Tất nhiên ông Êgo đã mắng oan thằng bé, điều đó bà biết. Vania của bà là một thằng bé ngoan. ______________________________
1. Nhà bác học Nga đã đặt nền móng cho thuyết du hành vũ trụ (XIX - XX)
Nó luôn loay hoay chế tạo một cái gì đó, vừa vẽ vừa thở khò khè và sẵn sàng giúp đỡ bà trong công việc nội trợ không sung túc gì, nhưng được cái sạch sẽ.
Bà Vácvara chỉ muốn dạy dỗ cháu mình trở thành một người lao động, một người tốt. Tất nhiên, bà không tin Trời. Nhưng bà tin chắc có một định luật bí ẩn trừng phạt con người vì những tội ác mà nó gây ra cho kẻ khác.
Đến khi Vania đã lớn thì bỗng dưng ông Êgo lại bắt nó học cách vẽ thảo mộc và phân định các loại cây cỏ do chính ông dạy. Cặp già trẻ này rất chóng thân nhau. Vania thích những căn phòng tranh tối tranh sáng trong nhà ông Êgo, những bông hoa và những chiếc lá khô ép trong những cặp giấy, ngoài có đề chữ “Thảo mộc rừng Krưm” và những bức họa phong cảnh treo trên tường. Những bức họa có nét vẽ lạnh lùng và ưa mắt: những thác nước và những ghềnh đá phủ dây leo.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông mười năm, Vania nhập ngũ và theo học trường quân sự ở ngoại thành Matxcơva. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, anh ước mong được học trường mỹ thuật, hoặc hơn nữa tốt nghiệp học viện mỹ thuật Lêningrat. Ông Êgo tán thành ý Vania. Ông cho rằng Vania có thể trở thành một họa sĩ thực vật hoặc “một nhà thảo mộc” như ông thường nói. Có những họa sĩ chuyên vẽ thú vật tài năng có một không hai. Thế thì tại sao lại không có một họa sĩ có thể đưa lên khung vải cả cái phong phú muôn màu muôn vẻ của thế giới thực vật.
Vania về nghỉ có một lần. Bà Vácvara ngắm mãi anh không biết chán: chiếc áo varơi phi công màu xanh, cặp mắt thâm trầm, đôi cầu vai xanh da trời, những chiếc cánh bạc trên cánh tay áo. Còn anh thì đen xạm, cháy nắng nhưng vẫn rụt rè như trước. Công tác trong quân đội không làm anh thay đổi mấy tí.
Suốt vụ nghỉ Vania cùng với ông Êgo đi ra ngoài ngoại ô, lên những ngọn núi cằn cỗi tìm kiếm cây cỏ và vẽ rất nhiều tranh màu. Bà Vácvara treo tranh của anh khắp tường. Trong nhà vui hẳn lên như thể người ta mở thêm rất nhiều cửa sổ nhỏ và bên ngoài mỗi cửa sổ ấy lại xanh lên một mảng trời và có gió ấm thổi.
Chiến tranh bắt đầu một cách lạ lùng đến nỗi lúc đầu bà Vácvara không hiểu gì hết. Hôm chủ nhật, bà ra ngoại ô hái rau bạc hà và khi về tới nhà bà chỉ còn biết ơ lên một tiếng ngạc nhiên. Ông Êgo đang đứng trên chiếc ghế đẩu và lấy bùn loãng pha trong chậu bôi lên bức tường trắng của ngôi nhà.
Thoạt đầu bà Vácvara tưởng ông Êgo lại lên cơn hấp (trước kia ông vẫn thường bị lên những cơn hấp như thế) nhưng ngay đấy bà thấy đông đủ cả lân bang hàng xóm. Họ cũng đang vội vã lấy bùn nâu màu đất chung quanh nhà - quét lên tường.
Tối đến, lần đầu tiên những ngọn hải đăng không sáng, chỉ có những ngôi sao mờ chiếu ngoài biển. Trong các nhà không có lấy một ngọn lửa. Ở phía dưới, trong thành phố, như trong một nhà mồ tăm tối, những con chó lo lắng sủa cho đến tận sáng. Chiếc máy bay bảo vệ thành phố chống oanh tạc Đức lượn vè vè trên đầu.
Mọi việc xảy ra bất thình lình, đến sợ. Bà Vácvara ngồi ở ngưỡng cửa cho tới khi trời sáng hẳn. Bà nghe ngóng và nghĩ đến Vania. Bà không khóc. Ông Êgo đi bước một trong vườn, húng hắng ho. Thỉnh thoảng, ông quay vào trong nhà hút thuốc nhưng không ở lâu trong ấy và lại trở ra vườn. Họa hoằn mới có những ngọn gió từ những quả núi thấp thổi xuống, mang theo mùi cỏ, tiếng dê kêu be be và bà Vácvara nghĩ thầm “chiến tranh thực rồi ư?”.
Trước lúc bình minh có một tiếng sấm ngắn ngủi từ biển cả bay vào. Rồi tiếng thứ hai, thứ ba... Trong các sân nhà người ta hấp tấp nói chuyện với nhau. Khu Karantin không ngủ. Không ai có thể giải thích ngọn nguồn những việc đang xảy ra bên kia chân trời đen kịt. Mọi người chỉ nói rằng ban đêm, trong bóng tối, con người thoải mái hơn, đỡ nguy hiểm hơn, như thể đêm tối che chở cho con người trước tai họa.
Một mùa hè khủng khiếp, đầy lo âu, trôi qua nhanh chóng. Chiến tranh lan đến gần thành phố. Không có thư từ điện tín gì của Vania. Mặc dầu tuổi già, bà Vácvara đã tình nguyện trở về công việc cũ: bà làm y tá trong quân y viện. Cũng như mọi người , bà đã quen với những chiếc máy bay màu đen, tiếng rít của bom rơi, tiếng kính vỡ loảng xoảng, bụi lọt vào đủ mọi chỗ sau khi bom nổ, với bóng tối, bà phải sờ soạng nấu nước chè trong bếp.
Quân Đức chiếm thành phố vào mùa thu. Bà Vácvara không kịp đi. Bà ở lại trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Karantin. Ông Êgo cũng ở lại.
Sang đến ngày thứ hai, quân Đức bao vây thành phố. Chúng lặng lẽ vào từng nhà, liếc vội vào đủ mọi ngóc ngách, lấy bột mì, quần áo ấm. Cả đến chiếc kính hiển vi bằng đồng của ông Êgo chúng cũng không tha. Chúng làm chuyện đó cứ y như trong nhà chẳng có ai và cũng chẳng thèm nhìn chủ nhà lấy một lần nữa.
Trong hang đá đằng sau mũi Bligiơni hầu như ngày nào bọn Đức cũng bắn người Do Thái. Bà Vácvara quen nhiều người trong bọn họ.
Bà Vácvara đã thấy sợ. Bà đóng hết cửa chớp trong nhà lại và ra ở trong lều chứa củi. Trong lều lạnh lẽo thật nhưng vẫn còn hơn ở trong những căn phòng bị cướp đến nỗi những khung cửa sổ cũng không còn lấy một mảnh kính.
Bọn Đức đặt một khẩu đội pháo sau tường thành. Nòng súng quay ra biển. Biển lúc ấy đã sôi sục, điên cuồng như trong mùa đông. Những tên lính gác mặc áo choàng không kín hết người, quay cuồng, giương những đôi mắt đỏ hoe vì gió nhìn ra chung quanh và thỉnh thoảng lại gọi giật những khách bộ hành đi một mình.
Một buổi sáng mùa đông, những chiếc phi cơ Xô viết từ ngoài biển ầm ì bay vào. Bọn Đức bắn lên. Đất rung chuyển theo mỗi tiếng nổ. Ngói rơi lả tả. Bụi bốc lên thành những đám mây lớn bên trên thành phố. Súng cao xạ gầm thét hết giọng. Những cánh dạ hợp gẫy văng vào tường. Bọn lính mặc áo choàng xám xịt la hét và chạy đi chạy lại, những mảnh bom rú rít, những ngọn lửa của trận bom nhấp nhoáng liên hồi trong những đám mây đen. Còn ở ngoài cảng lửa đã cháy phần phật trong những kho hàng, làm bung những tấm mái kẽm.
Ông Êgo vừa nghe thấy tiếng nổ đầu tiên đã hấp tấp chạy ra vườn, giơ đôi tay run rẩy hướng về những chiếc máy bay lượn sát khu Karantin, kêu lên những tiếng gì đó và nước mắt tuôn dòng trên đôi gò má trắng bệch và khô héo của ông.
Bà Vácvara mở cửa lều và lạnh toát người khi nhìn thấy những con chim sắt khổng lồ gầm thét, lượn đi lượn lại trên thành phố và ở dưới thân chúng, trên mặt đất, bùng lên những cột lửa vàng.
Ông Êgo hét lên:
- Quân ta! Quân ta đấy, bà Vácvara ơi! Bà không trông thấy sao? Họ đấy!
Một chiếc trong tốp máy bay bỗng bốc khói và bắt đầu rơi xuống nước. Người phi công nhảy dù. Ngay lập tức, những chiếc xuồng máy của bọn Đức rẽ sóng, phóng băng băng, nhả đạn liên thanh không ngớt, tiến về phía người phi công sẽ rơi xuống.
Trọng pháo của Đức bị đánh tan tác, đất cát phủ đầy. Ngôi nhà cổ có những cửa cuốn tò vò ngoài thành phố chính, nơi bộ chỉ huy Đức đóng, cháy rừng rực. Ngoài bến, chiếc tàu vận tải Rumani xanh lốm đốm như một con ếch, bốc khói, chìm dần. Xác lính Đức ngổn ngang khắp phố.
Sau trận oanh tạc, Pasa - một bà dân chài đã có tuổi - lần từ trong thành phố ra và kể lại rằng ở gần chợ có một thiếu phụ còn trẻ và ông lão chủ hiệu thuốc đang bị chết bom.
Bà Vácvara không thể ngồi yên trong nhà. Bà sang nhà ông Êgo. Ông đứng bên bức tường chằng chịt dây nho dại và thẫn thờ lấy khăn tay lau bụi trắng bám ở lá nho. Lá nho mùa đông đã khô và khi lau, ông làm chúng rụng hết.
Bà Vácvara khẽ hỏi:
- Sao vậy, ông Êgo? Vậy ra người mình lại giết người mình... Chúng ta đã sống đến cái ngày gì vậy, ông Êgo?
- Cần phải thế! - Ông trả lời và bộ râu ông rung rung - Đừng hỏi tôi. Tôi đang bận.
Bà Vácvara trả lời:
- Tôi không tin là cần phải thế! Tôi không sao hiểu nổi vì lẽ gì mà người ta nỡ giơ tay đánh những người thân...
- Thế bà tưởng lòng họ nhẹ nhàng lắm khi phải làm chuyện ấy sao? Một chiến công vĩ đại! Vĩ đại!
- Tôi không sao hiểu nổi chuyện đó - Bà Vácvara nói - Tôi ngu ngốc, tôi già rồi, hẳn là như vậy...
Ông Êgo im lặng hồi lâu và lau lá nho.
- Trời hỡi, trời! - Bà Vácvara nói - Thế là thế nào? Ông hãy giảng cho tôi nghe đi, ông Êgo!
Nhưng ông Êgo không muốn giảng giải gì hết. Ông khoát tay và bước vào nhà.
Trước khi trời tối có ba tên lính Đức đi qua khu Karantin. Một tên mang bó cáo thị, tên kia mang cái xô đựng hồ. Một thằng lính tóc hung đeo tiểu liên lê gót đằng sau, luôn miệng nhổ nước bọt.
Bọn lính dán tờ cáo thị lên chiếc cột gần nhà bà Vácvara rồi bỏ đi. Không ai tới gần tờ cáo thị đó. Bà Vácvara cho rằng hẳn không ai nhìn thấy bọn Đức dán tờ cáo thị ấy. Bà khoác vội chiếc áo gilê rách và đi ra cột. Trời đã tối và nếu ở phía tây không còn lại một chút ánh vàng giữa những đám mây rách thì chưa chắc bà đã đọc nổi.
Tờ giấy còn ẩm. Trên đó ghi những hàng chữ:
“Kẻ nào bóc sẽ bị bắn. Lệnh của chỉ huy trưởng. Những tên phi công Xô viết đã tiến hành một cuộc oanh tạc dân lành làm nhiều người thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị cháy và phá hủy. Một trong những tên phi công phạm tội đã bị bắt làm tù binh. Tên nó là Ivan(1) Gêraximôp. Bộ chỉ huy Đức quyết định xử tên man rợ này như đối với kẻ thù của dân chúng và hắn sẽ bị xử bắn. Để cho dân chúng có dịp được nhìn thấy tên Bônsêvích đã giết con cái họ và phá hoại của cải của họ, ngày mai, hồi bảy giờ sáng hắn sẽ bị giải qua phố chính. Bộ chỉ huy Đức tin rằng dân chúng có thiện chí sẽ tỏ lòng khinh bỉ tên uống máu người không tanh đó.
Chỉ huy trưởng thành phố
Đại uý DUTXƠ
Bà Vácvara nhìn quanh rồi bóc vội tờ cáo thị giấu vào trong áo gilê và hấp tấp trở về lều.
Lúc đầu bà ngồi lặng đi, không còn hiểu gì hết, chỉ lấy những ngón tay run rẩy lần từng sợi tua của chiếc khăn xám cũ kỹ. Rồi đầu bà nhức nhối và bà khóc. Những ý nghĩ của bà rối như bòng bong. Chuyện gì đã xảy ra? Có lẽ nào ngày mai bọn Đức sẽ giết thằng Vania của bà ở một cái sân bẩn thỉu nào đó bên ______________________________
1. Ivan là tên chính của tên gọi thân mật Vania.
những chiếc xe vận tải nát! Không hiểu sao ý nghĩ rằng chắc chắn chúng sẽ giết Vania ở trong một cái sân, bên cạnh những chiếc xe vận tải, nơi mặt đất sặc sụa mùi xăng dầu, cứ luẩn quẩn trong đầu óc và bà Vácvara không tài nào xua đuổi nó đi cho được.
Làm thế nào để cứu được Vania? Giúp Vania cách nào đây? Bà bóc tờ cáo thị trên cột xuống làm gì? Bà sợ cái gì kia chứ? Bọn Đức chăng? Không. Bà thấy lương tâm cắn rứt trước đồng bào. Bà muốn giấu tờ cáo thị khỏi mắt ông Êgo, khỏi mắt mọi người. Bọn Đức sẽ giết Vania. Chúng có thể giết cả bà vì bà đã bóc cái mảnh giấy nhớp nháp kia. Còn đồng bào? Đồng bào, trừ cái ông Êgo kỳ quặc kia, sẽ không bao giờ tha thứ tội lỗi kia cho bà, vì thiếu phụ bị giết, ông lão chủ hiệu thuốc bất hạnh và những ngôi nhà nát vụn, nơi họ đã sống bao năm, những ngôi nhà mà mọi vật đều quen thuộc, từ nước sơn tróc ở những tay vịn thang gác đến tổ én dưới cửa sổ. Ai là người chẳng biết Vania là đứa trẻ do bà dạy dỗ. Nhiều người còn tưởng anh là con trai của bà.
Bà Vácvara như đã cảm thấy những cái nhìn chằm chằm khó chịu, đã nghe thấy những tiếng thì thào rin rít sau lưng. Bà còn mặt mũi nào nhìn mọi người! Thà Vania cứ giết ngay bà đi còn hơn là giết những người kia. Thế mà ông Êgo lại còn nói rằng đó là một chiến công vĩ đại.
Bà Vácvara cứ lần từng sợi tua của chiếc khăn mà khóc cho đến khi trời bắt đầu sáng.
Khi trời sáng hẳn, bà lẻn ra khỏi lều, đi xuống thành phố. Gió rú rít thổi tàn tro bay trên các phố. Biển reo ào ào trong cái ảm đạm tăm tối, trong sương mù. Hình như đêm chưa đi hẳn, giống như một tên ăn trộm, nó náu mình trong những chỗ ngoặt, từ đó bốc lên một mùi khét lẹt, mùi rêu và mùi vẩy sắt nung chảy.
Giờ đây, lúc bình minh, ruột gan bà Vácvara như đã bị nước mắt đốt cháy hết và bà không còn biết sợ là gì nữa. Bọn Đức cứ việc giết bà, đồng bào cứ việc căm thù bà, bà bất cần. Chỉ cốt sao bà được trông thấy Vania, dù chỉ là cái nốt ruồi trên má anh, rồi chết cũng bõ.
Bà Vácvara đi hấp tấp, mặt cúi gằm xuống. Bà không biết ông Êgo đang đi đằng sau. Bà cũng không trông thấy lão Xpirô cũng lần mò tới đó, tới phố chính, và cả người đàn bà dân chài mặt đầy tàn nhang Pasa nữa. Bà Vácvara vẫn hy vọng rằng có lẽ sẽ chẳng có ai đến xem bọn Đúc giải Vania của bà đi đâu. Chỉ có một mình bà đến đó và không có gì ngăn trở bà được nhìn thấy Vania của bà.
Nhưng bà đã nhầm. Những người mặc quần áo xám, lạnh cóng đã tụ tập bên những bức tường.
Bà Vácvara không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Bà không ngẩng đầu lên và chờ đợi mãi những tiếng la hét giận dữ. Nếu không bà đã nhìn thấy thành phố quê hương của bà biến đổi như thế nào. Bà sẽ nhìn thấy những mái đầu run rẩy, những bộ tóc khô héo, những vết nhăn đầy bụi và những mi mắt mọng đỏ.
Bà Vácvara đứng lại bên cột dán áp phích, nấp vào sau cột và rúm người lại, chờ đợi. Tay bà vò nát chiếc ví lụa cũ kỹ, trong đó chẳng còn vật gì khác ngoài chiếc khăn tay và chìa khóa lều.
Những mẩu áp phích lơ lửng bám lấy cột. Chúng báo tin những sự kiện như đã xảy ra cách đây hàng nghìn năm; những bản giao hưởng của Sốtxtakôvich những buổi biểu diễn của nghệ sĩ ngâm thơ Iakhôntôp.
Người ta vẫn cứ im lặng và hấp tấp đổ về. Yên lặng đến nỗi tiếng sóng đập vào bờ còn vọng đến tận phố chính. Sóng đập vào con đê chắn, tan ra thành bọt xám và bốc lên tận những đám mây đen, lăn ra xa rồi lại vỗ nước mặn vào đê.
Rồi đám đông bỗng thở dài, rùng mình và dịch về phía vỉa hè. Bà Vácvara ngước mắt lên.
Sau lưng những người đứng chắn trước mặt, bà không trông thấy con đường nhựa. Bà trông thấy những chiếc mũ lưỡi trai xám, những nòng súng trường ở đằng xa. Tất cả những vật đó từ từ dịch lại gần, hơi đung đưa và nghiến ủng ken két.
Bà Vácvara vòng tay ôm chặt lấy cột, ngả hẳn người về phía trước, cái cổ gầy guộc vươn ra.
Có người nào nắm lấy khuỷu tay bà và nói nhanh: “Đừng kêu! Đừng để chúng nó biết!”. Bà Vácvara không nhìn lại, mặc dầu bà nhận ra tiếng ông Êgo.
Bà chăm chú nhìn cái đám đông tối xầm kia đang tiến lại gần. Giữa đám áo choàng xám nổi bật lên bộ quần áo phi công màu xanh. Bà Vácvara nhìn không rõ, bà chỉ thấy lờ mờ. Bà lau nước mắt, run rẩy nhét chiếc khăn tay vào ví và cuối cùng bà đã trông thấy anh, Vania của bà, đang đi sau một tên sĩ quan Đức vạm vỡ. Anh đi bình thản, nhìn thẳng về phía trước, nhưng trên mặt anh không còn vẻ rụt rè quen thuộc đối với bà.
Bà nhìn anh nghẹn ngào, cố nín thở, nuốt nước mắt. Đó là anh, là Vania, anh vẫn như xưa, đáng yêu, da xạm nắng, nhưng gầy đi rất nhiều và bên mép đã có những nếp nhăn khắc khổ.
Bất thần tay bà run bắn lên và bà để rơi chiếc ví. Bà trông thấy đám đông cất nhanh mũ xuống trước Vania và nhiều người đưa tay áo lên mắt.
Rồi bà trông thấy một bó hoa Crimê khô héo không rõ từ đâu rơi xuống và xổ tung lên mặt đường ướt đẫm nước mưa. Bọn Đức đi mau hơn. Vania mỉm cười với một người nào đó và mặt bà tươi hẳn lên qua hàng lệ. Từ trước, anh vẫn chỉ cười như thế với một mình bà.
Khi toán lính đi ngang mặt bà, đám đông đằng trước dãn ngay ra và một vài cánh tay nhẹ nhàng nắm lấy tay bà, du bà ra trước mặt đường và bà chỉ còn cách Vania có mấy bước. Nhìn thấy bà, anh tái mặt nhưng không để lộ một lời nói, một cử chỉ nào chứng tỏ anh quen cái bà lão bé nhỏ đang run rẩy kia. Bà nhìn anh bằng đôi mắt cầu khẩn và tuyệt vọng.
- Vania tha lỗi cho mẹ!
Bà Vácvara nói và khóc rưng rức, đến nỗi bà không còn trông thấy Vania liếc nhanh nhìn bà trìu mến, không nghe thấy cả tên sĩ quan Đức hét lên: “Lùi vào!” và văng tục. Bà cũng không nhìn thấy ông Êgo và lão Xpirô kéo bà trở lại đám đông và đám đông lập tức che kín bà khỏi mắt bọn Đức. Về sau bà chỉ còn nhớ là ông Êgo và lão Xpirô đã dẫn bà qua những phố hoang tàn, bước trên ngói vỡ, giữa đám cỏ gai trắng bệch vì vôi.
- Không cần! - Bà Vácvara lầu bầu trong miệng - Bỏ tôi ra! Tôi ở lại đây! Bỏ ra!
Nhưng ông Êgo và lão Xpirô vẫn giữ chặt tay bà và không trả lời.
Ông Êgo đưa bà về tận lều, đặt bà nằm xuống chiếc giường gỗ và lấy tất cả chăn áo ấm đắp lên cho bà. Còn bà thì run rẩy, răng va vào cầm cập. Bà cố cắn chặt góc chiếc chăn xám cũ kỹ và lẩm bẩm: “Trời, sao thế này? Sao thế này?” và từ trong cuống họng thỉnh thoảng lại bật ra một tiếng nấc thường có ở những người cố giữ nước mắt.
Ngày hôm đó qua đi như thế nào bà Vácvara cũng chẳng nhớ nữa. Ngày hôm đó xám, ẩm thấp và có bão. Những ngày đông như vậy qua đi rất mau. Chẳng ra là đã có những ngày ấy mà cũng chẳng ra là không có. Biển cứ kiên nhẫn gầm thét mãi. Gió vặt bụi cây khô trên những mỏm đá biển, tung mưa đi thành từng giải.
Đến đêm, trong tiếng ầm ì của biển, một tiếng sấm nặng nề xông vào, còi và đại bác rú rít, những tiếng nổ ầm ì, tiếng vọng của súng liên thanh dội vào vách vúi, Ông Êgo chạy lại lều bà Vácvara và nói lớn với bà câu gì trong bóng tối. Nhưng bà chỉ hiểu ông Êgo nói gì khi nghe thấy cả cái đêm rét mướt bất thần vang dậy tiếng “xung phong”(1) kéo dài ở xa. Tiếng kêu ấy lớn dần, lăn dọc bờ bể, ùa vào trong các phố hẹp của khu Karatin, lăn theo các bậc thang xuống thành phố.
- Quân ta!
Ông Êgo kêu lên và cái yết hầu vàng vàng nơi cổ ông rung lên. Ông khóc rưng rức, cười ha hả, rồi lại khóc rưng rức.
Trời vừa sáng thì quân đổ bộ Liên Xô đã chiếm được thành phố. Cuộc đổ bộ sở dĩ thành công là nhờ những đồng chí phi công đã ném bom tiêu diệt trọng pháo Đức.
Đó là những gì ông Êgo kể lại cho bà Vácvara nghe. Giờ đây ông quanh quẩn dưới bếp nhà bà, đun trà cho bà.
- Ra thằng Vania nhà tôi cũng thế... ? - Bà Vácvara hỏi ông và giọng bà đứt quãng.
- Vania là một ông thánh - Ông Êgo nói - giờ tất cả trẻ con trong thành phố này là cháu bà. Một gia đình lớn! Chính Vania đã cứu chúng khỏi chết.
Bà Vácvara quay mặt vào tường và lại khóc nhưng bà khóc rất khẽ nên ông Êgo không nghe thấy.
Ông tưởng bà Vácvara đã ngủ.
Ấm nước trong bếp đã reo, nắp ấm kêu lạch xạch. Mặt trời ló ra giữa những đám mây đen và thấp. Ánh nắng chiếu vào hơi nước phùn phụt từ vòi ấm tuôn ra và bóng của những dòng hơi nước cứ bay mãi, bay mãi, cuồn cuộn trên bức tường trắng một thứ khói lam nhạt và không sao bay ra ngoài được.
1943
KIM ÂN dịch
______________________________
1. Nguyên văn: Ura